Thứ Năm, 19 tháng 9, 2019

Trung Quốc trong 10 từ vựng (7) CÁCH MẠNG

Cô gái cầm Hồng bảo thư của Mao Chủ tịch (1968)
Việt Nam gọi là "Trước tác Mao Trạch Đông".


Dư Hoa

 7. CÁCH MẠNG

             Một vài trí thức phươmg Tây bảo thủ nhận xét chỉ trong xã hội có thể chế chính trị đầy đủ dân chủ, mới có thể phát triển kinh tế với tốc độ cao. Thế là họ vô cùng ngạc nhiên, trong một nhà nước thể chế chính trị thiếu trong suốt tại sao tốc độ phát triển kinh tế lại kinh khủng như vậy? Theo tôi, có thể họ đã bỏ qua một điểm quan trọng: Đằng sau kì tích kinh tế đó có một đôi tay cứng rắn đang thuc đẩy. Tên của đôi tay ấy là cách mạng.

            Năm 1949, sau khi Đảng cộng sản xây dựng chính quyền ở Trung Quốc vẫn theo đuổi niềm tin tiến hành cách mạng đến cùng. Đương nhiên cách mạng không còn là đấu tranh vũ trang, cách mạng bắt đầu được diễn ra với hết cuộc vận động chính trị này đến cuộc vận động chính trị khác và lần lượt lên đến đỉnh cao ở thời kỳ đại nhảy vọt và thời kỳ đại cách mạng văn hóa. Sau đó, trong kỳ tích kinh tế xảy ra sau ba mươi năm cải cách mở cửa ở Trung quốc, cách mạng đã  thoát thai đổi cốt xuất hiện dưới một hình thức khác, hay nói một cách khác, trong kỳ tích kinh tế của chúng ta, vừa có cuộc vận động cách mạng kiểu đại nhảy vọt, vừa có bạo lực cách mạng kiểu đại cách mạng văn hóa.

            Trước hết tôi xin nói về phong trào cách mạng kiểu đại nhảy vọt trong phát triển kinh tế Trung Quốc. Ở đây tôi xin nêu ra một nhóm số liệu về sản lượng gang thép Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ cao. Năm 1978, cũng là năm đầu tiên cải cách mở cửa, sản lượng năm gang thép của Trung Quốc vừa vượt qua ba mươi vạn tấn, hai năm sau, tức là năm 1980, sản lượng gang thép đạt ba mươi bảy vạn một ngàn hai trăm tấn, đứng thứ năm thế giới. Năm 1996  sản lượng nhẩy vọt lên đứng hàng đầu thế giới, sau đó đã liên tục mười bốn năm giữ hàng đầu thế giới. Năm 2008 sản lượng gang thép vượt quá năm trăm triệu tấn, chiếm 32% tổng sản lượng thế giới, còn cao hơn tổng lượng của nước đứng thứ hai và thứ tám cộng lại.

            Nhóm số liệu này về chính diện nó đã phản ánh kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ cao. Nhưng mặt sau của nó lại ẩn chứa câu truyện rất khó tưởng tượng. Tuy nhiên đến năm 2008 sản lượng gang thép của Trung Quốc đã đạt sáu trăm sáu mươi triệu tấn, tiêu phí bốn trăm sáu mươi triệu tấn, sản năng quá thừa hai trăm triệu tấn. Số liệu này vẫn không thể che dấu một sự thực của ngành gang thép Trung Quốc ba mươi năm trước kia, tức là tốc độ tăng trưởng sản lượng gang thép Trung Quốc đã vượt hẳn tốc độ mở rộng quy mô sản xuất. Vậy là câu truyện ngông cuồng cả nước làm gang thép thời kỳ đại nhảy vọt lại một lần nữa diễn ra trên đất nước rộng lớn Trung Quốc.

            Năm 1958, thời kỳ đại nhảy vọt, toàn dân làm gang thép, trong khẩu hiệu vượt nước Anh, đuổi kịp nước Mỹ, những lò cao nhỏ đắp đất rải khắp đồng ruộng bao la ở nông thôn và trong sân nhà của thị trấn thành phố Trung Quốc. Đất nước rộng lớn Trung Quốc bốc cháy bừng bừng, bầu trời Trung Quốc khói đen ngùn ngụt bốc lên. Bà con nông dân bỏ việc đồng áng, mò tìm mỏ quặng khắp nơi để luyện gang thép, hàng loạt hoa màu chín tới mục nát ngoài đồng ruộng không ai gặt hái. Công nhân viên chức ở thành phố thị trấn cũng bỏ công tác, nghề nghiệp của mình. Công nhân xưởng dược đi luyện thép, công nhân nhà máy tơ đi luyện thép, nhân viên bán hàng trong cửa hàng đi luyện thép, thầy giáo học sinh trong nhà trường đi luyện thép, bác sĩ y tá trong bệnh viện đi luyện thép... Trong một thời đại như vậy người nào cũng sợ bị nhận xét là “phần tử tiêu cực của đại nhảy vọt”. Ai ai cũng lấy luyện thép làm vinh quang. Tìm không ra quặng, luyện không ra gang thép, người thôn quê liền đập nồi chảo trong nhà mình, người thành phố liền tháo gỡ ống lò sưởi và cửa sổ sắt trong nhà trong đơn vị vứt vào lò cao thủ công, đã luyện ra hơn ba triệu tấn sắt thép phế bỏ đi. Trong năm ấy tổng sản lượng gang thép của Trung Quốc là mười triệu bảy mươi vạn tấn, gấp đôi so với năm triệu ba trăm năm mươi ngàn tấn của năm 1957. Nhưng gang thép phế bỏ đi lại chiếm một phần ba tổng số lượng đó. Mặc dù vậy, người ta vẫn toàn dân luyện gang thép một cách cuồng nhiệt như lửa ngút trời. Trước lửa lò hừng hực, mồ hôi thấm ướt lưng, người ta vẫn hát câu vè thịnh hành nhất thời kỳ toàn dân làm gang thép “so thử xem”:

            “Bạn anh hùng ta hảo hán, bên lò cao hãy đọ thử xem, bạn luyện ra một tấn, ta luyện ra tấn rưỡi, bạn ngồi phản lực, ta đáp tên lửa, tên của bạn chọc thủng trời xanh, ta có thể bay quanh trái đất”.

            Đến những năm 1990, khi làn sóng phát triển kinh tế lan ra cả nước, tình cảnh tương tự vẫn hiện lại một cách cục bộ. Trên cánh đồng chung quanh xí nghiệp gang thép cỡ lớn, đã mọc lên rất nhiều lò cao thủ công, bà con nông dân dũ thân thay đổi, tới tấp trở thành công nhân luyện thép mồ hôi nhễ nhại, trong lò cao đắp đất của mình sau khi họ cho quặng sắt nóng chảy, lập tức đổ vào xe kiểu bồn chịu nhiệt độ cao chế tạo đặc biệt, lái xe nhấn ga xe kiểu bồn chứa đầy nước gang phóng như bay đi đến nhà máy gang thép, đổ nước gang vào lò cao chính qui của nhà máy gang thép, rồi lại từ lò cao chính qui tiến hành các quá trình phân ly thẩm thấu các bon và xỉ sắt của nước gang, sau đó bắt đầu ra gang. Trường hợp thông thường, lò cao cỡ lớn mỗi ngày hai mươi bốn tiếng đồng hồ, ra gang khoảng mười bốn lần, do lò cao bằng đất của bà con nông dân đã nung chảy quặng sắt ra trước, lò cao cỡ lớn của nhà máy gang thép mỗi ngày ra gang có thể lên đến ba mươi lần. Đương nhiên lần này bà con nông dân luyện ra loại gang thép trong lò xây đất không phải thép bỏ đi, bà con nông dân cũng không phải vì chính trị trống rỗng mà luyện gang thép lớn. Họ bắt đầu luyện gang thép lớn vì đồng tiền thực tế. Toàn dân luyện gang thép khiến người ta tặc lưỡi như vậy, còn có sự mở rộng nhanh chóng qui mô của xí nghiệp gang thép. Sản lượng gang thép của Trung Quốc tự nhiên tăng trưởng với tôc độ cao. Bởi những xe kiểu bồn đặc chế vận chuyển nước gang thường xuyên qua lại như mắc cửi giữa các lò cao thủ công trên cánh đồng và lò cao chính qui trong nhà máy, nhiệt độ cao tán phát ra khiến đường cái biến thành con đường bị hơ nóng, những cây cối cành lá xanh tươi hai ven đường đã lần lượt bị héo vàng chết lụi.

Dự án “lò luyện thép sân vườn”. Phóng sự ảnh của Henri Cartier-Bresson 


            Đại nhảy vọt năm 1958, có thể nói là một vở kịch vui hoàng đường của chủ nghĩa lãng mạn. Giả dối, ba hoa, bốc đồng đã trở thành thói hư tật xấu. Sản lượng mỗi mẫu lúa thời ấy tức là ruộng sản lượng cao cũng chỉ khoảng hai trăm kg, nhưng dưới khẩu hiệu “Người dám làm đến đâu, ruộng cao sản đến đấy”. Sản lượng mỗi mẫu lúa nước của các địa phương trong cả nước lần lược được tâng bốc lên đến trên năm ngàn kg. Ngày 18 tháng 9 năm 1958 Nhân Dân nhật báo đưa tin số đặc biệt: “Sản lượng mẫu lúa nước của huyện Hoàn Giang Quảng Tây đạt 6500 kg”. Hơn nữa, giả dối, ba hoa, bốc đồng còn làm từ những chi tiết, ví dụ lợn béo nuôi ra thời đó lên đến hơn năm tạ, cái đầu lợn to bằng cái gùi, giết một con lợn tương đương với ba con lợn trước kia, cái chảo gang ba thước luộc không lọt, cái chảo to sáu thước chỉ luộc được nửa con lợn. Quả bí ngô trồng ngoài ruộng cũng to kinh khủng, bọn trẻ con có thể chơi trong quả bí ngô lớn từ nhà này sang nhà khác. Thời ấy có bài ca dao “một củ khoai lang lăn xuống dốc” được lan truyền rộng rãi trong cả nước:

            “Phía đông công xã có con sông,
            Bên bờ một dốc núi chênh vênh.
            Trên dốc xã viên bới khoai lang
            Ồn ào trò truyện cười râm ran.

            Chợt nghe lòng sông nước tung tóe
            Cột sóng bắn lên cao hơn trượng.
            Giật mình tôi cất tiếng hỏi to
            Ai  đã sơ xuất ngã xuống đó?

            Bà con nghe vậy cười khà khà
            Một cô đã lên tiếng đáp lại
            Làm gì có ai té ngã 
            Lăn xuống một củ khoai lang”.

            Bắt đầu từ tháng 8 năm 1958, Trung Quốc phế bỏ thể chế hành chính cấp xã, nhao nhao đổi thành công xã nhân dân, lại nhao nhao lập nhà ăn lớn công xã. Bà con nông dân không ăn cơm ở nhà mình, mà ra nhà ăn lớn công xã ăn uống linh đình, khẩu hiệu “cứ ăn cho căng rốn, dốc lòng hăng hái ra sản xuất” đã  trở thành phong trào lan khắp sông dài núi cao từ nam đến bắc thời đó. Khi nhà ăn công xã dùng lương thực đã không hề có kế hoạch, lại vung vãi lãng phí, một vài tỉnh còn bày đặt ra trò thi ăn, một số nông dân tham gia thi ăn, để đoạt được danh hiệu quán quân ăn, đã làm cho dạ dầy của  mình phình tướng lên phải vào nằm bệnh viện.

            Mấy tháng sau, kho lương thực của các địa phươngTrung Quốc đã trống rỗng. Sau đó vở kịch vui hoang đường của chủ nghĩa lãng mạn này đã bất lực hạ màn, tấn bi kịch tàn khốc của chủ nghĩa hiện thực lập tức mở màn.

            Cả đất nước đã lâm vào nạn đói kém tàn khốc lạnh lùng bao trùm lên Trung Quốc. Bởi vì trước đó nơi nào cũng hoang báo sản lượng lúa thu hoạch, lượng trưng thu của nhà nước cao hơn hẳn sản lượng thực tế. Hoang báo được mùa là hành vi báo công lên trên của quan chức địa phương. Song nông dân lại là kẻ trả giá đau xót. Khẩu phần ăn, lượng hạt giống và thức ăn chăn nuôi của họ cũng bị nhà nước trưng thu. Ở một số địa phương lấy danh nghĩa cách mạng, đã bắt đầu cuộc vận động “chống man trá sản lượng chia riêng tư” một cách dã man và tàn khốc. Cán bộ công xã và đại đội sản xuất phụng mệnh thành lập “đội đột kích rà soát lương thực” khám xét từng gia đình. Trong gia đình nông dân, họ dốc hòm lật tủ, đào nền đục tường, tìm không ra lương thực, liền vung tay đánh đập nông dân. Công xã Tiểu Khê Hà của huyện Phong Dương tỉnh An Huy trong cuộc vận động “chống man trá sản lượng chia riêng tư” đã có hơn ba ngàn người bị đánh, hơn một trăm người bị tàn phế, còn có hơn ba mươi người bị chết trong đội cải tao lao động do công xã tự lập. Trong khi đó nạn đói lan tràn như cuồng phong, chết đói xuất hiện trên đất nước rộng lớn Trung Quốc như con bài xương đô mi nô đổ xuống. Theo số liệu công bố của nhà nước sau này: Trong thời gian đại nhảy vọt chỉ riêng tỉnh Tứ Xuyên đã có 8.110.000 người chết đói, cứ chín người có một người chết đói.

            Sau rất nhiều năm trôi qua, trong khi mọi người luôn luôn suy nghĩ lại tai nạn do cuộc đại nhảy vọt năm 1958 đã đem lại cho Trung Quốc, thì sự phát triển kiểu đại nhảy vọt lại vẫn xuất đầu lộ diện ở khắp nơi trong đời sống kinh tế của chúng ta. Xây dựng sân bay kiểu đại nhảy vọt, xây dựng bến cảng kiểu đại nhảy vọt, xây dựng đường cao tốc kiểu đại nhảy vọt... Những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng qui mô lớn này về lý luận phải được chính quyền trung ương phê chuẩn trước. Nhưng trên thực tế rất nhiều chính quyền địa phương đều lên dự án trước rồi mới xin chính quyền trung ương phê duyệt. Vậy là các dự án xây dựng trùng lặp, không sát thực tế và phô trương lãng phí đâu đâu cũng có, hơn nữa còn rầm rầm rộ rộ như phong trào cách mạng. Ví dụ như xây dựng bến cảng, trên tuyến bờ biển dài 640 km của Hà Bắc và Thiên Tân phân bố bốn bến cảng lớn Tần Hoàng Đảo, Kinh Đường, Thiên Tân và Hoàng Hoa. Năm 2003, tuy bốn bến cảng này đều ở trong tình trạng “ăn không no”, nhưng bốn bến cảng ấy vẫn không ngừng tăng khả năng đầu tư xây dựng.

            Điều có ý tứ là, những xây dựng kiểu đại nhảy vọt đi trước này, dưới sự tăng trưởng với tốc độ cao của kinh tế Trung Quốc, đã rất nhanh chóng từ “đói ăn” trở thành “ăn no quá”. Nhưng những xây dựng kiểu đại nhảy vọt khác vẫn trong tình trạng đói kém, một số đường cao tốc dài hạn trên mười năm cho đến nay vẫn chỉ là chạy được những xe con và xe ca du lịch với số lượng không nhiều, hầu như không nhìn thấy những chiếc Công- te - nơ.

             Năm 1999 Bộ giáo dục quyết định mở rộng qui mô chiêu sinh giáo dục cao đẳng đại học trên qui mô lớn, cuộc đại nhảy vọt của nền giáo dục Trung Quốc bắt đầu. Đến năm 2006 các trường cao đẳng phổ thông Trung Quốc chiêu sinh là 5.400.000  người, gấp năm lần năm 1998 là 1.080.000; số người học trường cao đẳng là 25.000.000 người. Vì vậy Bộ giáo dục đã kiêu hãnh lên tiếng:

            - “Qui mô giáo dục cao đẳng của Trung Quốc lần lượt vượt Nga, Ấn Độ và Mỹ, trở thành số 1 thế giới. Trải qua nỗ lực gian khổ trong mấy năm ngắn ngủi, dưới điều kiện giá trị tổng sản lượng trong nước bình quân đầu người trên 1000 đô la, sự phát triển giáo dục cao đẳng của Trung Quốc đã thực hiện từ giáo dục tinh anh đến đại chúng hóa, đi hết con đường mà các nước khác cần phải ba mươi nhăm năm thậm chí dài hơn”.

            Trung Quốc ngày nay, đằng sau những số liệu vinh quang thường ẩn chứa những cuộc khủng hoảng. Khoản vay để mở rộng chiêu sinh đại học Trung Quốc đã vượt quá hai trăm triệu nhân dân tệ. Khoản vay khổng lồ này rất có thể lại là một vòng nợ xấu của ngân hàng thương nghiệp Trung Quốc, bởi vì đại học Trung Quốc trên thực tế không thể trả nổi khoản nợ mở rộng chiêu sinh. Ngoài ra, học phí đại học trong hơn 10 năm trong đại học đẳng cấp khác nhau đã tăng vọt lên từ 25 lần đến 50 lần, tăng hơn 10 lần so với tăng trưởng của thu nhâp dân cư. Có người tính  toán, hiện nay nuôi dưỡng một sinh viên cần 4,2 năm thu nhập thuần của dân cư thành phố thị trấn, cần 13,6 năm thu nhập thuần của một nông dân, còn nữa, mở rộng chiêu sinh kiểu đại nhảy vọt trực tiếp tạo nên khó khăn tìm kiếm công ăn việc làm cho sinh viên hiện nay. Hiện tại mỗi năm hơn một triệu sinh viên tốt nghiệp mới ra trường  không tìm được việc làm. Đây đã trở thành một vấn đề xã hội hết sức nặng nề ở Trung Quốc hiện nay. Rất đông các ông bố bà mẹ nghèo khổ, để nuôi con học hết đại học đã không tiếc nợ nần chồng chất, bị khuynh gia bại sản, nhưng sau khi con tốt nghiệp đại học, lập tức trở thành một thành viên của đại quân thất nghiệp Trung Quốc. Các ông bố bà mẹ bần cùng đành phải khóc dở mếu dở lún sâu trong nghèo khổ. Trước hiện thực tàn khốc, một số con nhà nghèo đã vứt bỏ mộng tưởng cuộc đời của họ, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học đã khoác ba lô ra tỉnh ngoài làm thuê, bởi vì cho dù họ có thi đậu đại học, sau khi ra trường họ vẫn phải đứng trước nạn thất nghiệp và phải đối mặt với món nợ khổng lồ. Năm 2009 số người ghi tên thi cao đẳng đại học ở Trung Quốc lần đầu tiên xuống thấp  sau ba mươi hai năm tăng trưởng liên tục.

            Tiếp theo tôi lại xin nói bạo lực cách mạng kiểu đại cách mạng văn hóa không ngừng diễn ra trong kỳ tích kinh tế ba mươi năm của chúng tôi như thế nào.

            Trước hết tôi xin kể một câu truyện về con dấu. Trong lịch sử và hiện thực sáu mươi năm của Trung Quốc cộng sản, quyền lực chính trị và kinh tế lớn lao  thường co lại trong một con dấu nho nhỏ. Trên văn bản bổ nhiệm quan chức cần phải đóng dấu, trong bản hợp đồng giữa các công ty cần phải đóng dấu...  Đồng thời, con dấu cũng là  chứng minh đời người có hợp pháp hay không, giấy chứng nhận công tác, thẻ học sinh, giấy khai sinh, giấy báo tử, giấy kết hôn… cũng cần phải đóng dấu. Con dấu ở Trung Quốc có thể nói không ở đâu là không có, không lúc nào là không dùng.

            Tháng 1 năm 1967 phái tạo phản ở Thượng Hải đã tấn công chính quyền thành phố bằng phương thức bạo lực cách mạng, cướp đi con dấu của chính quyền, sau đó tuyên bố cướp quyền thành công. Đây là “cách mạng tháng giêng” nổi tiếng  trong thời gian cách mạng văn hóa. Phong trào cướp quyền của “cách mạng tháng giêng” sau đó loang ra cả nước. Phái tạo phản và các hồng vệ binh các địa phương tới tấp tấn công cơ quan chính quyền các địa phương, trường học, nhà máy, còn cả công xã nhân dân ở nông thôn. Chỉ cần là các ngành có quyền lực có con dấu, mặc dù to nhỏ, đều lâm vào trong phong trào cướp quyền của “cách mạng tháng giêng”. Phong trào cướp quyền có thanh thế rộng lớn thời kỳ đầu cách mạng văn hóa, kỳ thực là phong trào  cướp đoạt con dấu. Phái tạo phản và hồng vệ binh, y như bọn thổ phỉ trộm cướp đập các cửa ra vào và cửa sổ  cơ quan chính quyền, nhà máy, trường học, hò hét ầm ĩ xông  vào, rồi đập bàn đập tủ trong văn phòng, dốc két dốc tủ, tìm con dấu tượng trưng cho quyền lực.

            Thời ấy, nếu ai cướp được con dấu, người ấy sẽ có quyền lực thật sự, có thể đàng hoàng ra mệnh lệnh, có thể danh chính ngôn thuận đến ngành tài vụ lĩnh kinh phí cách mạng, có thể đẩy kẻ mình ghét vào chỗ chết, có thể dùng tiền nhà nước làm kinh phí cách mạng của phái tạo phản, mọi việc làm bố láo bố lếu, chi cần đóng con dấu cướp được lên tờ giấy là lập tức được hợp pháp hóa.

            Vậy là giữa các tổ chức của phái tạo phản khác nhau, giữa các tổ chức hồng vệ binh khác nhau, để cướp được con dấu, đã bắt đầu đánh lộn mày sống tao chết. Có khi mấy tổ chức cùng một lúc tấn công cơ quan chính quyền. Để chiếm được con dấu trước, không có chỗ nào là không vượt tường leo cửa sổ, đấu đá lẫn nhau. Cảnh tượng này rất giống thi đấu bóng chày bóng gậy, trông thấy người của phái này sắp xông vào tòa văn phòng của cơ quan, người của phái khác sẽ liều mình hăng hái xốc tới giật áo kéo chân, ngăn cản không cho vào tòa nhà văn phòng để cho người của phái mình xông vào trước. Có tổ chức phái tạo phản vừa cướp thành công con dấu của chính quyền, chưa kịp ra khỏi cửa liền phát hiện tổ chức phái khác đã bao vây chặt mình ...

            Tôi đã từng chứng kiến tận mắt cảnh tượng như sau, năm ấy tôi lên bảy, run như cầy sấy, đứng dưới cây liễu, xem cuộc cướp quyền cách mạng diễn ra trong nhà văn phòng chính quyền bên kia bờ sông. Đầu tiên có khoảng hơn mười tên tạo phản xông vào cơ quan chính quyền của thị trấn nhỏ chúng tôi, đó là một nhà gác ba tầng, sau khi họ cướp được con dấu, vừa hò reo hoan hô, thì một đội phái tạo phản khác kịp đến. Đội ngũ đến sau này có hơn 40 người, đứa nào cũng cầm gậy trong tay, bao vây chặt ngôi nhà. Tên tư lệnh của đội tạo phản này tay cầm loa tăng âm gọi phái tạo phản trong nhà gác, ra lệnh cho bọn kia ngoan ngoãn trao lại con dấu, nếu chúng cự tuyệt không trao con dấu, tên tư lệnh này nói đe dọa:

- Thì ta sẽ cho bọn bay biết thế nào là vào đứng ra nằm.

            Phái tạo phản trong nhà cũng dùng loa tăng âm trả lờ hắn: “Bọn bay đừng hòng”.

            Sau đó, tôi đứng bên kia sông nghe thấy phái tạo phản trong nhà gác hô to khẩu hiệu: “Mao chủ tịch muôn năm!”

            Phái tạo phản bên ngoài cũng hô to khẩu hiệu “Mao Chủ tịch muôn năm”

           Chúng vung gậy xông vào. Trong tiếng hô khẩu hiệu “Mao chủ tịch muôn năm”, “Thà chết bảo vệ lãnh tụ Mao chủ tịch”, hai tổ chức tạo phản đánh nhau chí chóe lọan xạ trong nhà gác. Tôi đứng bên kia bờ sông nhỏ đều có thể loáng thoáng nghe thấy tiếng kính vỡ, tiếng gậy đập nứt gẫy bàn ghế, lẫn cả tiếng kêu đau đớn. Đội tạo phản đến trước người ít không chọi nổi đông, hơn mười tên vừa đánh vừa rút, cuối cùng rút hết lên sàn xi măng trên mái nhà. Tôi nhìn thấy hai tên bị thương rất nặng được chiến hữu của họ kéo lên. Hai tên này nằm trên sàn phẳng, dường như đang thoi thóp. Phái tạo phản đến sau cũng xông lên mái bằng nóc nhà, chúng vung gậy đánh đối thủ một cách rất dã man. Tôi trông thấy ba người bị chúng đánh đến mức từ mái bằng nóc nhà ngã xuống, trong đó có một tên tay cầm con dấu, trước khi ngã xuống đất hắn đã dốc sức ném con dấu  xuống sông nhỏ trước mặt tôi.

            Phái tạo phản hơn mười tên đến trước cướp được con dấu, kết cục đều là “vào đứng ra nằm”. Ba tên từ mái bằng nóc nhà rơi xuống thì một chết hai bị thương nặng.

            Con dấu khắc bằng gỗ sau khi được ném xuống sông nhỏ, không bị chìm ngay, mà trôi theo dòng nước về phía tây. Đôị phái tạo phản đến sau, tuy thắng lợi trong cuộc ẩu đả, nhưng con dấu mà vì nó chúng chiến đấu bị ném xuống sông nhỏ. Bọn chúng vội vàng hối hả chạy ra khỏi nhà gác, men theo dòng sông, vừa kêu vừa đuổi theo con dấu trôi về hướng tây. Trong đó một thành viên phái tạo phản vừa chay vừa  cởi bỏ áo bông, chạy lên cây cầu gỗ, hắn dẫm bỏ giầy bông trên chân, tung người nhảy xuống giữa lòng sông mùa đông giá lạnh. Trong tiếng hoan hô cổ vũ của phái tạo phản trên bờ, tên này dốc sức bơi đến con dấu đang trôi, sau đó chộp được con dấu sắp chìm.

            Tiếp theo đội ngũ tạo phản này tiến hành đại diễu hành thắng lợi trên đường phố thị trần nhỏ chúng tôi. Tên tạo phản ướt như chuột lột hắt xì hơi, tay phải dơ cao con dấu đi hàng đầu, các chiến hữu phái tạo phản của hắn bám sát theo sau, tên thì mặt chảy máu, tên thì què chân đi cà nhắc, tỏ ra cuộc vũ đấu vừa giờ là cuộc chiến quyết liệt biết chừng nào. Họ vừa hô to “Mao chủ tịch muôn năm”, vừa tuyên bố cuộc “cách mạng tháng giêng” trên thị trấn chúng tôi đã hoàn toàn thắng lớn.

            Tên tạo phản liều mình cứu con dấu đã trở thành anh hùng nhà nhà đều biết trên thị trấn nhỏ chúng tôi. Cũng bởi việc này mà hắn bị cảm lạnh. Sau đó một thời gian, tôi đã trông thấy hắn trên đường phố mấy lần. Lần nào cũng thấy khi đang đi hắn đột nhiên đứng sững  không hề động đậy, sau khi hắt xì hơi một cái rõ to, đã trở lại đi đứng bình thường.

            Sau cách mạng văn hóa, Trung Quốc bắt đầu thay đổi long trời lở đất. Trung Quốc hiện nay và Trung Quốc thời cách mạng văn hóa, hình thái xã hội đã tuyệt nhiên khác nhau, nhưng địa vị của con dấu vẫn như cũ, vẫn là tượng trưng cho quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế. Vì vậy sự kiện cướp đoạt con dấu vẫn đâu đâu cũng có ở Trung Quốc ngày nay.

            Một số công ty dân doanh vì mâu thuẫn giữa các cổ đông đã diễn hết trò này  đến trò khác cướp đoạt con dấu công ty. Những cổ đông com lê giầy cộp này thường ngày trông vào rất thể diện, đến khi cướp đoạt con dấu, hay nói cách khác khi tranh cướp quyền điều hành công ty, kẻ nào cũng giống như những tay đến từ xã hội đen, tay đấm chân đá, ngoác mồm ra chửi, bọt bay phì phì, phá ghế đập chén, lộ rõ thói xấu trước mặt công nhân viên chức công ty. Hơn nữa sự kiện cướp đoạt con dấu như thế này lại cũng ngang nhiên xảy ra tại các sở sự vụ luật sư của Trung Quốc. Những luật sư tự xưng mình tinh thông luật pháp, khi tranh nhau con dấu ở sở sự vụ, mức độ quyết liệt không ai nhường ai, gần giống như bọn thổ phỉ thời xưa tranh nhau đàn bà.

            Ngay trong công ty quốc doanh, sự kiện tranh giành con dấu cũng có lúc xảy ra. Xí nghệp quốc hữu của Trung Quốc tuy xây dựng bộ máy quyền lực Hội đồng quản trị, nhưng thể chế đảng ủy truyền thống vẫn có quyền lực rất lớn. Năm 2007 bí thư đảng ủy một công ty quốc doanh của thành phố X vì mâu thuẫn ngày càng sâu sắc với chủ tịch Hội đồng quản trị, đã ngang nhiên lấy danh nghĩa đảng ủy công ty xóa bỏ chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị. Theo luật công ty của Trung Quốc chỉ có hội đồng quản trị mới có quyền xóa bỏ chức vụ của chủ tịch Hội đồng quản trị. Sau đó vị bí thư đảng ủy công ty triệu tập hơn ba mươi đại hán thân hình cao lớn vạm vỡ, dùng vồ nặng kí đập cửa văn phòng hội đồng quản trị, rồi cạy tủ văn phòng, lấy con dấu công ty.

            Mặt khác sự kiện cướp đoạt con dấu không chỉ xảy ra nội bộ công ty dân doanh và công ty quốc doanh, cũng thường hay xảy ra giữa công ty và công ty, thậm chí xảy ra giữa chính quyền và chính quyền. Tôi laị xin kể hai câu truyện cướp con dấu trong thời đai hiện nay. Một câu truyện trong dân gian, một câu truyện trong nhà nước.

            Câu truyện dân gian nói về một công ty ở miền nam Trung Quốc. Trong một vụ tố tụng, phiên thứ nhất tòa phán thua kiện, nguyên nhân là phía nguyên cáo đưa ra một chứng từ của công ty phía thứ ba. Công ty bị cáo không phục phán quyết này, trước phiên xử thứ hai, đã ngang nhiên ngụy tạo một tài liệu của của công ty phía thứ ba có lợi đối với công ty mình, lại còn cử ra mấy kẻ hung hãn xồng xộc xông vào công ty phía thứ ba làm chứng từ. Viên chức bảo quản con dấu của công ty phía thứ ba không chống đối phía bên kia, trong bắt đánh, anh ta đã chạy nấp vào toa lét. Mấy kẻ hung hãn liền cạy tủ, lấy con dấu, đóng dấu lên đống tài liệu ngụy tạo, sau đó vứt lại con dấu bỏ đi. Khi tòa xét xử lần thứ hai, công ty bị cáo này hí hửng đắc ý, đưa ra đống tài liệu có đóng dấu của công ty phía thứ ba. Đại diện của công ty phía thứ ba lên tiếng, tài liệu ấy là ngụy tạo, con dấu bị cướp đi đóng lên, công ty bị cáo này buột miệng phủ nhận, họ không cướp con dấu. . . .

            Câu truyện phía nhà nước kể chính quyền cấp trên cướp con dấu của chính quyền cấp dưới. Một thôn trang X có 50 mẫu đất bị chính quyền thị trấn cấp trên trưng dụng, nhưng trên vấn đề xuất nhượng giá cả, ban lãnh đạo thôn và chính quyền thị trấn luôn luôn chưa đi đến nhất trí. Chính quyền thị trấn bằng phương thức mệnh lệnh hành chính bức bách ban lãnh đạo thôn, nhưng bởi sức ép của đông đảo dân làng ban lãnh đạo thôn luôn luôn không dám đóng dấu lên biên bản xuất nhượng. Chính quyền thị trấn bị mất mặt giận dữ cử người đến thôn cướp đi con dấu của ban lãnh đạo thôn, thay ban lãnh đạo thôn dưới một cấp, đóng dấu lên biên bản  xuất nhượng ruộng đất. . . .

            Từ cách mạng văn hóa đến nay có đầy rẫy sự kiện cướp đoạt con dấu. Câu truyện con dấu của thời đại cách mạng văn hóa và câu truyện con dấu của thời đại hiện nay có khi  dù chỉ trên chi tiết cũng có chỗ tương tự kinh khủng.

            Một người bạn kể cho tôi nghe câu truyện như sau. Trong thành phố anh sinh sống, trong phong trào cướp quyền “cuộc cách mạng tháng giêng” thời kỳ đầu cách mạng văn hóa, trong một nhà máy có hai tổ chức phái tạo phản thế lực ngang nhau, hai vị tư lệnh phái tạo phản đều biết rõ trong lòng, nếu sử dung vũ lực cướp đoạt con dấu của đơn vị, thì cả hai phái đều bại. Họ ngồi lại đàm phán với nhau, cuối cùng ký kết một biên bản hưởng chung quyền lực, tức là cưa đôi con đấu của đơn vị, mỗi phái giữ một nửa. Khi cần đến con dấu phải được tư lệnh của hai phái tạo phản gật đầu đồng ý, rồi lấy nửa con dấu của mình ghép lại đóng lên văn bản hoặc công hàm, đóng dấu xong lại tách ra, của phái nào phái ấy bảo quản. Điều thú vị là trên con dấu đóng lên đã xuất hiện một khe hở.

            Sau nhiều năm, trong thời kỳ cải cách mở cửa cũng diễn lai câu truyện trên con dấu có khe hở. Tôi lại xin kể một câu truyện khác, lịch sử phát tích của một xí nghiệp dân doanh thành công.

            Vị này hiện là ông chủ công ty lớn, trước kia chỉ là một phó tổng giám đốc công ty nhỏ. Giống như phái tạo phản thời kỳ cách mạng văn hóa, ông lôi kéo một đám người, đầu tiên đánh cho vị tổng giám đốc công ty bỏ chạy, rồi đe dọa chủ tịch hội đồng quản trị công ty, đòi chủ tịch hội đồng quản trị lập tức cút xéo, nếu không sẽ đánh què hai chân, vị chủ tịch hội đồng quản trị non gan nhút nhát, cũng bỏ chạy như ông Tổng giám đốc. Hắn liền tự phong là chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc công ty, tập trung tất cả quyền lực vào mình.

            Ông chủ tịch hội đồng quản trị cũ, khi bỏ chạy đã đem theo con dấu công ty. Không có con dấu, công ty không thể vận hành bình thường, nhưng việc nhỏ này  khó ngăn được hắn, trên đường phố và các ngóc ngách thành phố thị trấn Trung Quốc, đâu đâu cũng có nghiệp vụ khắc dấu tư nhân, hắn ra lệnh cho một cấp dưới ra hiệu khắc con dấu trên hè phố khắc lại con dấu công ty. Ở Trung Quốc phải có văn bản của bộ môn chính quyền có liên quan mới được khắc dấu. Cho nên tự khắc dấu riêng là hành vi phạm pháp. Hắn to gan lớn mật ngông cuồng, trong mắt hắn chỉ có quyền lực và tiền, hoàn toàn không có luật pháp. Vấn đề là cùng một lúc có hai con dấu cũng ảnh hưởng đến nghiệp vụ bình thường của công ty. Ông chủ tịch hội đồng quản trị cũ cầm con dấu bỏ chạy, cũng lơi dụng con dấu cầm trong tay ký kết hợp đồng làm cho công ty từ đó trở đi khó phân biệt hợp đồng thật hợp đồng giả.

            Đối với hắn đây vẫn là chuyện vặt, khi cấp dưới trao con dấu mới khắc cho hắn, hắn lại lệnh cho cấp dưới ra phố mua một cái rìu, tên cấp dưới thuỗn mặt ra, không hiểu ra làm sao, không biết cấp trên lấy rìu làm gì, vẫn khẩn trương ra phố mua về một cái rìu, sau đó cứ há mồm trợn mắt nhìn ông chủ mới, trên bàn làm việc của mình tay trái ông cầm chặt con dấu mới, tay phải dơ rìu bổ con dấu mới khắc ra làm đôi.

            Vị tổng giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng quản trị mới sau khi bổ con dấu ra làm đôi, hạ lệnh: Từ nay trở đi mọi hợp đồng công ty ký kết, con dấu đóng lên văn bản, nếu có khe hở là thật, không có khe hở là giả.

            Những sự kiện bạo lực tương tự vẫn thường gặp trong một số xí nghiệp tư nhân,  Trung Quốc, chúng dùng phương thức ẩu đả đánh nhau tranh quyền đoạt lợi, thậm chí thuê hung thủ giết người. Mức độ dã man và lối làm hoang đường, theo tôi những nhân vật trong phim băng đen Hô-li-út cũng tự thấy xấu hổ kém cỏi.

            Trong tiến trình kinh tế phát triển với tốc độ cao, hành vi bạo lực như cách mạng văn hóa không chỉ tồn tại trong dân gian, mà cũng tồn tại trong chính quyền nhà nước. Hãy xem tiến trình đô thị hóa của Trung Quốc chúng tôi, hàng loạt ngôi nhà cũ bị dỡ bỏ trong một thời gian rất ngắn, những tòa nhà cao ngút trời cũng mọc lên khỏi mặt đất trong thời gian rất ngắn. Hành vi dỡ bỏ giải phóng mặt bằng trên qui mô lớn, khiến rất nhiều thành phố Trung Quốc trong một thời gian giống như bị oanh tạc. Vậy là rất nhiều thành phố đều thịnh hành chuyện cười như nhau. Chuyện kể rằng cục tình báo trung ương Mỹ phát hiện Bin La đen ẩn nấp trong thành phố họ sinh sống, máy bay trinh sát của quân Mỹ bay trên bầu trời thành phố của họ, kết quả phát hiện thành phố này đã từng bị oanh tạc. Phi công quân Mỹ báo cáo về Tổng bộ: Không biết ai ra lệnh oanh tạc, Bin La đen rất có thể đã bị chết.

            Đằng sau bối cảnh này đã diễn rất nhiều mô thức phát triển bạo lực cách mạng kiểu cách mạng văn hóa. Để áp chế phản kháng và tư tưởng bất mãn trong dân gian do chuyện giải phóng mặt bằng gây nên, một số chính quyền địa phương đã sai hàng loạt cảnh sát cưỡng chế dân không chịu tháo dỡ giải phóng mặt bằng, hơn mười máy ủi cỡ lớn cùng tiến một lúc, nhanh chóng húc đổ hàng loạt nhà cũ. Khi những người dân bị cảnh sát cưỡng chế chở đi lại trở về, đón tiếp họ không phải là vườn nhà của họ, mà là đống đổ nát. Họ đã trở nên bơ vơ không nơi nương tựa, đành phải chấp nhận hiện thực, vào ở  trong những căn hộ do chính quyền địa phương bố rí cho họ.

Quang cảnh Trường Châu, tỉnh Giang Tô

            Hơn hai năm trước, một hộ gia đình của thành phố Y, bởi vì không thể thỏa thuận với chính quyền điạ phương về dỡ bỏ và đèn bù, đã bị cưỡng chế di dời. Cả gia đình họ đang cơn ngủ say, một tốp người đội mũ sắt bắc thang leo lên từ tường ngoài vào lúc tang tảng sáng, dùng búa sắt, gậy sắt đập vỡ kính cửa sổ nhảy vào. Năm người trong gia đình này sau khi chợt tỉnh dậy, thấy mình đang bị mấy chục người bao vây. Trong khi họ chưa tỉnh hẳn, hai tên cao to lực lưỡng kéo một người, kéo cả năm người trong gia đình ra khỏi tổ ấm của họ, hình như người nhà họ đều là tội phạm, nhân viên giải phóng mặt bằng ra lệnh họ không được mặc quần dài, bắt họ lấy chăn quấn người, không cho đem bất cứ vật gì, ngay đôi tất cũng không được xỏ, lùa họ xuống gác, ra khỏi nhà mình. Họ hơi chống cự liền bị đấm đá. Họ bị áp giải lên một chiếc ô tô, ô tô chở họ đi đến một ngôi nhà không. Họ cuốn chăn ngồi trên nền xi măng giá lạnh. Hơn hai mươi cảnh sát canh giữ họ, mãi đến mười hai giờ trưa, một quan chức đi đến nói:

- Nhà của các người đã bị cưỡng chế dỡ bỏ.

            Vị quan chức này bảo họ, đồ đạc trong nhà các ngươi đã được phòng công chứng đến công chứng, đã thay các người đem đến căn hộ mới, Gia đình này thấy gỗ đã thành thuyền, đành phải vào ở căn nhà chính quyền phân phối cho họ. Về sau  họ kể lại chuyện này cảm thấy như quay phim, không giống như chân thực, vì quá ư đột nhiên. Họ nói hết sức oan ức:

- Đánh trận còn có thời gian đầu hàng mà.

          Kỳ tích kinh tế của chúng tôi, hay nói một cách khác, hiệu quả kinh tế mà chúng tôi kiêu hãnh, xét về một mức độ nào đó là có ích cho quyền uy tuyêt đối của chính quyền địa phương, chỉ một mệnh lệnh hành chính là đủ để thay đổi tất cả. Tuy đơn giản thô bạo, nhưng thành quả phát triển kinh tế trông thấy ngay. Cho nên tôi muốn nói với những trí thức phương Tây: Đúng là sự thiếu thấu suốt về chính trị đã tạo nên sự phát triển bay bổng của kinh tế Trung Quốc.

            Giải phóng mặt bằng bằng bạo lực đã trở thành xu thế lan tràn ở Trung Quốc hiện nay, từ đó cũng gây nên càng nhiều sự kiện có tính chất quần thể phản kháng đông người. Tháng 11 năm 2009, trong thành phố Z ở tây nam Trung Quốc, mấy chục nhân viên không rõ thân phận mang ống thép, xà beng và keo bịt miệng phá cửa xông vào 9 hộ gia đình bị dỡ nhà giải phóng mặt bằng, cưỡng bức mười ba người đang ngủ say, kéo họ lên ô tô đi khỏi hiện trường. Để họ không kêu la, đã lấy vải keo băng dính dán lên mồm họ. Trong cuộc xung đột đã có bốn người bị thương. Sau đó hai máy xúc nổ rầm rầm, 26 ngôi nhà bị phá dỡ một cách dã man trong chốc lát. Sau khi trời sáng bắt đầu cuộc xung đột quyết liệt hơn. Các gia đình bị dỡ bỏ và thân hữu của họ gồm hơn ba mươi người căm phẫn vô cùng, họ dùng vải đỏ và hơn bốn mươi bình ga, bịt kín bốn hướng ngã tư, yêu cầu chính quyền địa phương giải thích. Do hành vi làm tắc đường của họ đã ảnh hưởng đến sản xuất và trật tự đời sống của thị dân khác. Cảnh sát đã xua đuổi họ, bắt giam hình sự đối với bốn người cầm đầu với tôị danh tụ tập đông người gây rối trật tự giao thông.

            Cũng tháng 11 năm 2009, một bà chủ gia đình vì từ chối ký vào văn bản tháo dỡ bởi giá đền bù thấp hơn hẳn giá thị trường, nhà của bà bị chính quyền địa phương  cưỡng chế dỡ bỏ. Sau khi máy ủi húc đổ cổng, bắt đầu đục phá tường ngoài. Giữa lúc một phần tường bị nứt và nghiêng đổ, bà chủ nhà uống già nửa cốc rượu uýt ki để có thêm can đảm, được chồng chi viện, bà đứng trên ban công gác tư nhà mình ném bình cháy xăng vào nhân viên cưỡng chế và máy ủi ở dưới. Nhân viên cưỡng chế ở dưới ném đá vào chị ở trên gác. Sau mấy tiếng đồng hồ chống lại, ngôi nhà bốn tầng của chị vẫn bị san phẳng. Sau đó chị và chồng đều bị xử tội chống đối người thi hành công vụ, chồng chị bị 8 tháng tù.

            Ở Thành Đô có người phụ nữ tên là Đường Phúc Trân, ngày 13 tháng 11 năm 2009 khi chống đối cưỡng chế dỡ nhà mình, dùng bình xăng đốt cháy, đập kẻ cưỡng chế, sau hơn ba tiếng đồng hồ đối kháng, chị đã có hành động cực đoan dội xăng lên người mình, bật lửa đốt tự thiêu. Sự việc này cuối cùng đã gây nên một cuộc động đất trong giới truyền thông, tuy chính quyền địa phương xác định việc tự thiêu của Đường Phúc Trân là cách chống đối bằng bạo lực, nhưng dư luận xã hội đã đứng về phía Đường Phúc Trân. Người ta bắt đầu nghi ngờ lo ngại chất vấn,  trong “Điều lệ quản lý tháo dỡ nhà ở giải phóng mặt bằng ở thành phố” có vấn đề. Năm vị giáo sư của học viện luật đại học Bắc Kinh đã lấy danh nghĩa công dân phổ thông gửi thư kiến nghị lên ủy ban thường vụ quốc hội tiến hành thẩm tra đối với “Điều lệ quản lý tháo dỡ nhà ở giải phóng mặt bằng ở thành phố”. Thư kiến nghị vạch rõ: Điều lệ tháo dỡ trái với quy định của hiến pháp và luật quyền sở hữu tài sản, cơ quan lập pháp phải tiến hành thẩm tra đối với điều lệ tháo dỡ giải phóng mặt bằng.

              Những năm qua, các sự kiện cưỡng chế tháo dỡ giải phóng mặt bằng dẫn đến mâu thuẫn xã hội càng ngày càng phổ biến, xung đột xã hội càng ngày càng quyết liêt. Sự việc Đường Phúc Trân tự thiêu dẫn đến tư tưởng bất mãn tồn tại lâu nay trong xã hội Trung Quốc. Trước dư luận mạnh mẽ, quốc vụ viện đã bày tỏ rõ ràng sẽ sửa đổi “Điều lệ quản lý tháo dỡ nhà giải phóng mặt bằng ở thành thị ”. Nhưng trong khi rất đông người nhận xét hành vi tháo dỡ bằng bạo lực sẽ chấm dứt, kiếm đã xỏ vào bao, thì hiện thực đã trào lộng họ một cách ngây thơ, giữa lúc dư luận cả nước nhao nhao lên tiếng ủng hộ Đường Phúc Trân tự thiêu mà chết và sau khi Quốc vụ viện bày tỏ sẽ sửa đổi điều khoản không hợp lý trong “Điều lệ quản lý tháo dỡ nhà ở thành phố giải phóng mặt bằng”,những sự kiện tháo dỡ nhà cửa bằng bạo lực không những không giảm, mà trái lại càng ngày càng diễn ra quyết liệt tại xã hội Trung quốc.

            Ngày 16 tháng 12 năm 2009 một người phụ nữ buổi trưa ra phố mua thức ăn, khi chị xách làn rau trở về phát hiện nhà mình đã bị máy ủi san phẳng, dụng cụ gia đình và đồ điện không biết bị đem đi đâu. Chị muốn khóc mà không khóc nổi. Người nhà chị đang đi làm, vẫn không biết nhà bị ủi. Chị than thở:

- Trời rét đất lạnh, ban đêm chúng tôi ngủ thế nào?

            Lỳ kỳ hơn nữa là chuyện, địa phương nọ có hơn 40 công nhân viên chức, bởi vì họ hàng thân thích của họ từ chối tháo dỡ giải phóng mặt bằng, họ liền bị liên lụy. Khi một khu trưởng địa phương tuyên bố với lãnh đạo các ngành cấp dưới trong đại hội động viên tháo dỡ giải phóng mặt bằng: Tất cả nhân viên công chức có họ hàng thân thích của thôn bị tháo dỡ giải phóng mặt bằng, nếu trước tết nguyên đán vẫn chưa đả thông được thân thích, không thể hoàn thành tháo dỡ sẽ bị đuổi việc, hơn nữa loa phát thanh trong thôn taí hiện cảnh tượng thời kỳ đaị cách mạng văn hóa, hàng ngày cứ ra rả thông báo động viên tháo dỡ từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Thông qua phát thanh chính quyền  cảnh cáo dân làng:

             Chính quyền đã hạ quyết tâm rất cao, việc xây dựng ở đây quyết không vì  sự cản trở của bất cứ kẻ nào mà dừng lại.

            . . . .

            Những lịch sử và hiện thực cứ thế ùa đến khiến tôi nhớ lại một đoạn lời nói của Mao Trạch Đông. Đối với từ cách mạng, Mao Trạch Đông có sự giải thích khiến ta sướng miệng, trong thời kỳ cách mạng văn hóa ai ai trong chúng tôi cũng có thể đọc thuộc lòng. Mao Trạch Đông nói: “Cách mạng không phải mời khách ăn cơm, không phải làm văn chương, không phải vẽ tranh thêu hoa, không thể ăn mặc đẹp đẽ, không thể thong dong thư thả, hào hoa phong nhã, ôn hòa, lương thiện, cung kính, tiết kiệm và nhường nhịn. Cách mạng là bạo động, là hành động bạo liệt, một giai cấp lật đổ một giai cấp”.

            Cuối xuân đầu hè năm 1973, mấy em nhỏ sắp tốt nghiệp tiểu học, trong giờ lên lớp, lỉnh ra khỏi trường tiểu học Hướng Dương, đi dưới nắng qua chiếc cầu bê tông,  vừa khánh thành, sang bên kia con sông nhỏ, trinh sát trường trung học Hải Diêm. Để đề phòng xi măng cứng quá nhanh bị nứt, người ta trải trên mặt cầu những bao tải đan  bện bằng rơm rạ, mấy người công nhân kéo ống nước cao su tưới nước lên bao tải để thông qua bao tải nước thấm đều trên mặt cầu bê tông. Đây là lần đầu tiên trong đời học trò tiểu học, chúng tôi trốn học. Tôi và mấy bạn học dẫm lên bao tải rơm ướt rườn rượt, đi qua cầu xi măng mới xây.

            Với lòng đầy hiếu kỳ, chúng tôi sắp đi vào trường trung học. Chúng tôi nòng lòng muốn biết thế nào là cách mạng?

            Chúng tôi lúc đó đã trải qua sáu năm cách mạng văn hóa, nhìn tận mắt nghe tận tai nhiều câu chuyện cách mạng, nhưng vẫn chưa đích thân gia nhập cách mạng. Tuy chúng tôi vẫn thường nói câu nói của Mao Trạch Đông “Tạo phản có lý”. Nhưng tạo phản có lý chỉ luôn dừng trên đầu lưỡi, chưa thể hiện trong hành động của mình, cho nên các bạn học lớn hơn chúng tôi một hai tuổi, vào trung học sớm hơn chúng tôi một hai năm, đều là những kẻ nghêng ngang kiêu ngạo tự mãn. Với thần thái khinh nhờn, bọn chúng nói:

            - Chúng mày có hiểu cái rắm thối, chỉ sau khi lên trung học chúng mày mới biết thế nào là cách mạng.

            Tôi cảm thấy tự ti, trước đó tôi luôn luôn nhận thức một cách sai lầm mình đã dấn thân vào cách mạng. Tôi là đứa trẻ đường phố. Cờ đỏ bay đầy phố và báo chữ to đầy đường là ký ức trưởng thành của chúng tôi. Tôi đã xem tuần hành và vũ đấu hết lần này đến lượt khác, cũng hết lần này đến lượt khác đi theo bước chân những người lớn đi xem đại hội phê đấu.

            Thời đó tôi hâm mộ nhất là những người lớn hơn tôi khoảng mười tuổi. Họ vừa kịp cuộc xâu chuỗi lớn toàn quốc của hồng vệ binh bắt đầu từ tháng mười năm 1966. Lúc ấy trường bỏ học làm cách mạng, với danh nghĩa trao đổi với nhau kinh nghiệm đại cách mạng văn hóa, hồng vệ binh lặn lội đường dài đi xâu chuỗi bốn phương. Các địa phương trong cả nước xôn xao thành lập trạm tiếp đón hồng vệ binh, hồng vệ binh chịu trách nhiệm tiếp đón xâu chuỗi. Trạm tiếp đón lo bố trí ăn ở cho hồng vệ binh, cung cấp lộ phí, lại còn phải giải quyết vật tư cần thiết và tàu xe vận chuyển cho hồng vệ binh. Hồng vệ binh trên thị trấn nhỏ của chúng tôi trong túi chỉ có năm hào hoặc một đồng, chỉ cầm một tờ giấy giới thiệu xâu chuỗi có đóng dấu, lại có thể đi khắp lượt đông tây nam bắc Trung Quốc. Đáp tầu hỏa không phải tiền, đêm ngủ nhà trọ miễn phí, ngay đến cơm cũng ăn không. Sau đó khi họ kể lại chuyện cũ đi xâu chuỗi của mình trong thời đai hồng vệ binh, ai ai cũng mặt mày hơn hở.

            Đây cũng là đêm mùa hè tốt đẹp của tôi trong ký ức. Một vị nào đó trong họ là anh trai của bạn học tôi. Thời đó anh đã về cắm rễ ở nông thôn, sống một cuộc sống  cay đắng và gian khổ, cứ cách hai tháng đi bộ năm sáu tiếng đồng hồ từ thôn anh ở về đến thị trấn nhỏ chúng tôi. Sau khi ở nhà vài ngày, anh lại cuốc bộ năm sáu tiếng đồng hồ về căn nhà nho nhỏ ở thôn quê không có đèn điện, chỉ có đèn dầu. Khi anh về mùa hè, những ngày tết của bọn trẻ chúng tôi cũng bắt đầu.

            Ban đêm khi hóng mát, anh ngồi trong ghế mây, vắt chân chữ ngũ, tay phe phẩy cái quạt, trước mặt hơn mười đứa chúng tôi ngồi bệt trên đất vẻ mặt đầy sùng kính, anh chìm đắm trong chuyện cũ tốt đẹp, kể lại ngày nào bọn anh dơ cao cờ đỏ như thế nào, cánh tay đeo băng đỏ hồng vệ binh, xếp thành hàng ngũ đi ra khỏi thị trấn nhỏ của chúng tôi oai phong lẫm liệt như thế nào.

            Kế hoạch của họ đi bộ một ngàn km, đến thăm Thiệu Sơn tỉnh Hồ Nam quê  hương Mao Trạch Đông. Từ Thiệu Sơn Hồ Nam đi đến Tỉnh Cương Sơn Giang Tây căn cứ địa cách mạng sớm nhất của Mao Trạch Đông. Nhưng họ cuốc bộ một ngày đã  mệt lử, vẫy tay chặn một chiếc xe tải đi Thượng Hải hơn một trăm km, sau hơn chục ngày chơi bời ở Thượng Hải, lại đáp tầu hỏa đi Bắc Kinh. Ở Bắc Kinh vẫn là chơi bời, sau đó chia thành hai đội, một đội đáp tàu hỏa đi Thanh Đảo, một đội đi xuống Vũ Hán phía nam. . . Vậy là đội ngũ của họ càng chia càng nhỏ. Cuối cùng anh trai bạn học tôi biến thành đội ngũ một người, một mình anh đi Quảng Châu, gặp được mấy hồng vệ binh đến từ Thẩm Dương đông bắc, kết bạn đi qua eo biển Quỳnh Châu rồi đi đảo Hải Nam... Sáu tháng sau những hồng vệ binh trong đội ngũ đi xâu chuỗi này như đám tàn quân, từng đứa, từng đứa từ các địa phương khác nhau lục tục về đến thị trấn nhỏ của chúng tôi. Họ hỏi nhau, sau khi chia tay hoạt động xâu chuỗi của từng người như thế nào, thì phát hiện không có ai đi Thiệu Sơn Hồ Nam và Tỉnh Cương Sơn Giang Tây. Nơi họ đến đều là khu du lịch nổi tiếng và các thành phố lớn. Với danh nghĩa cách mạng, họ đã hoàn thành cuộc du sơn ngoạn thủy thú vị nhất và kéo dài nhất trong đời mình.

            Khi anh trai bạn học tôi kể đến cuối cùng, thường hay nhắc lại câu cảm khái muôn phần: “Non sông to đẹp của Tổ quốc đã thu hết vào đáy mắt”.

            Các lão hồng vệ binh của thị trấn nhỏ chúng tôi thời đó đều bị phân phối về nông thôn, đang trải qua những năm tháng gian nan, sau cuộc động loạn rối ren của thời kỳ đầu cách mạng văn hóa, Mao Trạch Đông đứng trước một hiện thực nặng nề: Từ năm 1966 trở đi, do sự động loạn của cách mạng, ba năm liền trung học và đại học không chiêu sinh, khiến cho hơn 16 triệu học sinh tốt nghiệp sơ trung và cao trung trong cả nước chờ học tiếp, hoặc tìm việc làm. Những hồng vệ binh của Mao Trạch Đông đã thể hiện hết mình trong hành vi vũ đấu và khám nhà trên qui mô lớn, đã quen với lối sống đánh, đập, cướp phá. Sau khi xã hội tương đối ổn định, kinh tế Trung Quốc cũng đến bên bờ suy sụp, không thể cung cấp  nhiều hơn cơ hội giải quyết công ăn việc làm ở thị trấn thành phố. 16 triệu hồng vệ binh và thanh niên trí thức một khi không biết làm gì, cũng đã trở thành nhân tố gây mất ổn định xã hội.

            Mao Trạch Đông quyết định giải quyết nan đề lớn nhất của xã hội ở thị trấn thành phố Trung Quốc thời đó. Ông vung tay một cách nhẹ nhõm:

            - Thanh niên trí thức về nông thôn, chịu sự giáo dục lại của bần nông và trung nông lớp dưới.

            Sau đó, không biết bao nhiêu gia đình Trung Quốc diễn ra biết bao nhiêu bi kịch. Con cái họ đeo ba lô chăn chiếu sơ sài, dời bỏ quê hương trong nước mắt của bố mẹ đưa tiễn đi đến biên cương và thôn quê, cắm rễ ở những nơi nghèo khó nhất của Trung Quốc, bắt đầu con đường đời đói rét cơ hàn và bi hoan ly hợp. Những thanh niên trí thức của thị trấn nhỏ chúng tôi lên núi về làng, người thì đến tận Hắc Long Giang xa xôi, kẻ thì lập hộ ở thôn quê trong tỉnh. Những hồng vệ binh lão thành bi quan thất vọng đối với con đường trước mắt, mỗi lần về thăm bố mẹ gia đình mấy hôm, sự từng trải cuộc đại xâu chuỗi thời kỳ đầu cách mạng văn hóa, nghiễm nhiên là chuyện quá khứ tốt đẹp nhất trong đời họ. Họ thích kể lại những năm tháng oanh liệt thời đó cho những hồng vệ binh nhỏ chúng tôi. Chuyện họ kể màu sắc rực rỡ, ấn tượng sâu sắc nhất trong ký ức của tôi là chuyện kể của họ đối với nhà ga.

            Hồng vệ binh của thời kỳ đaị xâu chuỗi chen chúc như nêm, nhung nhúc trên tất cả các đoàn tàu đang chạy trên lục địa rộng lớn Trung quốc, người thì nằm dưới gầm ghế, kẻ thì ngủ trên giá chứa hành lý tầng trên, còn có rất nhiều người đứng mấy tiếng đồng hồ trên đoàn tầu đang chạy. Trong toa lét của toa tàu cũng chen chất ních, không ai có thể vào toa lét. Vậy là sau khi đoàn tàu đi vào ga dừng lại, các hồng vệ binh lập tức xô đẩy nhau nhao nhao nhẩy ra khỏi cửa lên xuống và các cửa sổ toa, giống như thuốc đánh răng bóp ra chảy cuồn cuộn. Sau khi anh chị em hồng vệ binh nhảy xuống tàu, cứ khệnh khạng cởi quần đứng trên sân ga đại tiểu tiện. Các nữ hồng vệ binh thì quây thành hết bức tường người này đến bức tường người khác và cứ thế luân lưu ngồi trong vòng vây người đại tiểu tiện, để phòng những nam hồng vệ binh xấu thói nhìn trộm, sau đó nam nữ hồng vệ binh lại từ cửa ra vào và cửa sổ toa chen chúc nhau lên tàu. Sau khi tàu chạy, trên sân ga mùi hôi thối inh, chỗ nào cũng có cứt đái của nam nữ hồng vệ binh để lại.

            Anh trai của bạn học tôi bởi vì say sưa kể lại quá trình của mình tham gia xâu chuỗi của hồng vệ binh trong thời kỳ đầu cách mạng văn hóa, trong con mắt và trái tim tôi anh ấy đã từng là tượng trưng của cách mạng, nhưng sau khi trong tay anh xuất hiện cây sáo trúc, không kể chuyện xâu chuỗi mà bản thân phong quang vô hạn nữa, anh đột nhiên trở nên lầm lì ít nói. Anh đã để lại cho tôi một ký ức: Tay phải xách một túi du lịch vải bạt đã cũ, tay trái cầm chiếc sáo trúc, trên đôi giầy đá bóng cũ rách bám đầy bùn đất. Đây là cảnh tượng anh từ nông thôn về nhà bố mẹ đẻ. Khi anh ở nhà vài hôm trở về nông thôn, vẫn là cảnh tượng như thế, chỉ có khác là trên đôi giầy đá bóng cũ rách không bám dính bùn đất. Mẹ anh đã giặt sạch đôi giầy bóng đá cho anh. Trong mấy ngày anh ở nhà thường hay ngồi trước cửa sổ thổi sáo trúc, khúc nhạc cứ đứt đứt nối nối. Đều là những giai điệu ca khúc cách mạng thời kỳ thời đó. Nhưng những giai điệu cách mạng ấy trong tiếng sáo của anh không còn khí thế hiên ngang, dường như đã biến thành âm thanh lả lướt. Khi không thổi sáo, anh ngồi thẫn thờ trước cửa sổ, có lúc chúng tôi đi đến trước cửa sổ nói chuyện với anh, mắt anh nhìn chúng tôi, song không có bất cứ phản ứng gì.

            Một người vốn ăn nói thao thao bất tuyệt, sau vài năm về nông thôn cắm chốt, hình như thay thành con mgười khác, trở nên ít nói. Có lẽ tiếng sáo đã nói thay cho anh, muôn ngàn lời nói có thể đều gửi trong tiếng sáo. Có đến hơn hai năm, khi tôi đi trên ngõ nhỏ mình ở, chỉ cần nghe tiếng sáo trúc cất lên, là tôi biết anh đã về nhà. Đây là tiếng sáo duy nhất trong ngõ chúng tôi, cũng là tín hiệu anh còn tồn tại. Thi thoảng anh thổi nhại tiếng bán kẹo kéo của người bán hàng khiến các em nhỏ thèm ăn trong ngõ mồ hôi mồ kê nhễ nhại chạy đến. Trông thấy bọn trẻ  bị ăn quả lừa, anh cười to mấy tiếng rất vui, sau đó anh lại chìm đắm trong im lặng.

            Con người tượng trưng cho cách mạng trong con mắt và trái tim khi tôi còn bé ấy, đã qua đời năm chúng tôi sắp sửa tốt nghiệp tiểu học. Trước khi chết anh đã về nhà. Lần này anh ở  nhà hơn chục ngày, anh không muốn về thôn quê. Có mấy lần tôi đi qua trước cửa sổ nghe thấy bố anh to tiếng mắng anh trong nhà, mắng anh háu ăn lại lười biếng, bởi vì anh không chịu về nông thôn. Anh bày tỏ bằng giọng nói yếu ớt. Anh bảo mình rất mệt, không có sức ra đồng làm việc. Bố anh chửi anh càng gay gắt hơn, chửi anh lười nhác như một tên tư  sản. Tôi nghe thấy bố anh chửi xơi xơi:

- Đồ lười biếng đều cảm thấy mình không có sức lực.

            Mẹ đẻ anh cảm thấy trong nhà không thể cãi chửi suốt ngày, con trai cũng không thể tiếp tục sống như thế, nếu cứ ở lỳ lâu dài trong thành phố không trờ về nông thôn, sẽ bị người khác cho là tư tưởng có vấn đề. Bà giỗ ngon giỗ ngọt khuyên con về làng. Anh đã đồng ý. Trước khi con trai đi, người mẹ luộc cho anh hai quả trứng gà bỏ vào túi. Thời đó đây là thức ăn quí giá. Tôi trông thấy anh ra đi, tay phải xách túi du lịch cũ rách, tay trái anh cầm cây sáo trúc, trên chân vẫn là đôi giầy đá bóng cũ rách. Anh cúi đầu bước đi ẻo lả,dặt dẹo. Tôi trông thấy anh khóc. Anh vừa đi vừa dơ tay trái cầm sáo trúc, lấy gấu ống tay lau nước mắt.

            Đây là lần cuối cùng tôi nhìn thấy anh đi giữa trần gian. Mấy ngày sau anh bị hôn mê ở thôn quê, được mấy người nông dân dùng tấm cánh cửa khiêng đến bệnh viện huyện của chúng tôi, bác sĩ chẩn đoán anh bị bệnh viêm gan da vàng thời kỳ cuối, sau đó anh chết trong xe cứu thương trên đường đi Thượng Hải. Bố tôi là bác sĩ nói với tôi, khi đưa đến bệnh viện, gan anh đã co lại rất nhỏ, mà lại rắn như đá. Sau khi anh chết, tiếng sáo duy nhất thời thiếu niên cũng chết luôn.


            Thế nào là cách mạng? Câu trả lời của tôi trong ký ức đã qua của tôi là đông người rối rắm. Cách mạng khiến đời sống đầy rẫy “bất khả tri”. Số phận của một con người chỉ trong một sớm một chiều biến thành hai con người, người thì bay bổng thành đạt trong chốc lát, kẻ thì chỉ phút chốc sa cơ lỡ vận rơi xuống vực thẳm. Sợi dây gắn bó xã hội giữa con người với con người cũng khi đứt khi nối trong cách mạng, hôm nay còn là chiến hữu cách mạng, ngày mai có thể trở thành kẻ thù giai cấp.

Có hai cảnh tượng cứ lưu luyến cuốn níu trước mặt tôi lúc này. Một cảnh kể lại sự tốt đẹp của nhân tính, một cảnh nói lên sự xấu xa của tính người.

            Cảnh tượng tốt đẹp đến từ người bố của một bạn học. Lúc đó tôi học năm thứ nhất tiểu học, bố đẻ bạn này thường ngày đối xử với mọi người thân thiết bị đánh đổ, ông chỉ là một quan chức tép riu trong thể chế chính trị Đảng cộng sản, vẫn khó mà thoát khỏi tội danh đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Khi còn bé tôi rất mến ông, bởi vì khi ông gặp tôi trên đường phố, lần nào ông cũng mỉm cười với tôi. Ông biết tôi là bạn học của con trai ông. Trong ký ức thuở nhỏ của minh, đây là người lớn duy nhất mỉm cười với tôi trên đường phố. Ở những người bố bạn học khác, tôi không được mỉm cười thân thiết như vậy. Sau khi ông bị đánh đổ, tôi cũng mất đi nụ cười khiến mình được sủng ái mà đâm sợ. Sau khi ông trông thấy tôi, mắt ông nhanh chóng lảng đi. Trong mấy tháng bị đánh đổ, ông bị dày vò về tinh thần và thể xác. Tôi không biết phái tạo phản hành hạ ông như thế nào. Mỗi khi tôi nhìn thấy ông đều thấy mặt mũi ông sưng tím. Con trai ông,bạn học của tôi, đã từng chan chứa nụ cười rạng rỡ  trên khuôn mặt như ánh sáng mặt trời. Nhưng sau khi bố bị đánh đổ, ánh mắt cậu đã  bắt đầu trở nên khiếp sợ. Giờ ra chơi chúng tôi nô nghịch trên bãi tập, cậu thường đứng một mình ở một góc. Có một buổi sớm,tiếng kẻng vào học chưa nổi lên, chúng tôi đeo túi sách chạy nhảy vui đùa trên bãi tập, cậu ấy đi đến, sau đó đứng một mình ở một góc trên bãi tập như thường ngày. Lần này cậu đứng taị chỗ cứ khóc rưng rức. Từ xa tôi trông thấy người cậu run rẩy, hai tay che kín mặt. Sau đó chúng tôi được biết, bố cậu đã nhảy xuống giếng tự vẫn trước khi trời sáng. Lúc này tôi nhìn laị chuyện xưa, tôi tin, bị hành hạ dày vò thậm tệ, ông đã nẩy sinh ý định tự sát từ lâu, nhưng ông dấu kín trong lòng không hề cho vợ con biết ý nghĩ này. Trong nội tâm, ông đã nung nấu, lẩn quẩn giữa cái sống và cái chết, cuối cùng ông đã chọn cái chểt. Lúc hơn hai giờ sáng ông lẳng lặng thức dậy, im lặng chia tay vợ con đang trong giấc ngủ ngon ban đêm, sau đó ông khe khẽ đẩy cửa ra ngoài đi sang thế giới bên kia. Con trai ông sau đó bảo tôi, lúc hai giờ sáng hôm đó, trong giấc mơ cậu cảm thấy bố đứng ở giường cậu một lát. Vào một buổi nhập nhoạng tối hôm trước khi ông nhảy xuống giếng tự vẫn, tôi còn thấy ông đi trên phố lớn. Trán ông chảy máu tươi, dáng đi cà nhắc, hai bố con ông cùng đi, trong ráng chiều, tay phải ông bá vai gầy yếu của con trai, nom dáng vui vẻ nhẹ nhõm, ông mỉm cười nói chuyện với con. Rất nhiều năm về sau, khi tôi viết truyện dài “Huynh đệ” tại nhà mình ở Bắc Kinh, cảnh tượng ngọt ngào hai bố con họ đi trong hoàng hôn cứ cuốn níu tôi mãi. Tôi cảm thấy, Tống Phàm Bình có thể là là một nhân vật đi ra trong cảnh tượng tôi gạt đi không nổi này.

            Cảnh tượng xấu xa đến từ cô giáo khi tôi học năm thứ hai tiểu học. Lúc ra chơi, bon trẻ chúng tôi chạy nhảy tưng tưng trên bãi tập, các thầy cô giáo thì túm năm tụm ba, vừa nói chuyện vừa nhìn chúng tôi. Thời ấy trường tiểu học chúng tôi mỗi năm chỉ có ba lớp A B C. Cô giáo lớp B của tôi thường hay đứng với cô giáo của lớp C. Hai người nói chuyện rất thân mật, cười khúc kha khúc khích. Khi tôi nô nghịch trên bãi tập, thường hay ngoái đầu nhìn hai người. Tôi cảm thấy giữa hai người hết sức thân mật, giống như hai chị em, không chuyện gì không nói với nhau. Nhưng một buổi sớm tôi khoác cặp sách đến trường rất sớm, lúc ấy trên bãi tập không một bóng người, tôi liền đi vào lớp học, không ngờ cô giáo chúng tôi lại đến sớm hơn. Cô đang phê sửa bài tập trước bục giảng. Trông thấy tôi đi vào, cô vẫy tay chào tôi một cách thần bí, bảo tôi đến trước mặt, sau đó bằng giọng nói hưng phấn xuất phát từ trong lòng cô bảo tôi, cô giáo lớp C xuất thân trong gia đình địa chủ. Nhà trường cử người đi về quê hương cô điều tra đã phát hiện ra chuyện này. Hiện giờ cô giáo ấy đã bị bắt đi thẩm tra. Đầu tiên tôi băn khoăn nhìn nét mặt hưng phấn của cô giáo chúng tôi. Sau đó trong lòng tràn đầy sợ hãi. Bởi vì tôi luôn luôn nhận thấy cô giáo lớp C là bạn tốt nhất của cô. Trong những ngày sau đó, khi tôi nô nghịch trên bãi tập thường xuyên nhìn thấy cô giáo của chúng tôi đứng nói chuyện vô cùng thân mật với một cô giáo khác. Cảnh tượng này khiến tôi còn bé cảm thấy rùng mình, cho dù là vũ đấu đẫm máu trên đường phố, cũng khiến tôi càng sợ hơn cảnh tượng thân mật bề ngoài giữa con người với con người.

            Thế nào là cách mạng? Lúc còn bé tôi có một tấm gương sống động, chính là anh trai tôi. Anh trai tôi là một người cách mạng trời sinh. “Tạo phản có lý” hình như là nhóm máu của anh. Khi anh còn là một học sinh năm thứ hai tiểu học đã có cử chỉ cách mạng làm chấn động toàn trường. Cô giáo chủ nhiệm lớp đứng trên bục giảng phê bình anh nghịch trong giờ lên lớp, có lẽ lời cô giáo quá gay gắt, khiến anh tôi nổi nóng. Anh đứng lên, bê ghế ngồi của mình đi lên cạnh bục giảng và để ghế ngay bên cạnh cô giáo. Giữa lúc cô giáo nhìn anh hoài nghi lo lắng, không biết anh định làm gì, anh liền đứng trên ghế nhằm đúng huyệt thái dương của cô giáo đấm một quả trời giáng từ trên cao xuống. Cậu bé mới lên chín tuổi này đã ngang nhiên đấm cô giáo ngất xỉu. Khi tỉnh lại cô giáo đã nằm trên giường trong bệnh viện.

            Sau khi lên trung học, tính cách mạng của anh trai tôi càng dữ tợn. Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi là cô giáo ngữ văn của anh trai. Sau khi không thể chịu được nữa, cuối cùng cô giáo đã đến thằng nhà tôi, kể một mạch một lô một lốc những việc xấu xa anh tôi đã làm. Có thể do bị oan ức, cô giáo đã phát khóc. Lời tố cáo của cô giáo lúc đó cứ thao thao bất tuyệt, chỉ có một việc đến nay tôi vẫn nhớ, có thể vì thú vị, cho nên tôi còn nhớ. Đó là vào mùa đông, khi đang nghe giảng bài ngữ văn, anh tôi đã cởi đôi giầy đá bóng của mình để trên bệ cửa sổ phơi nắng, hai chân anh đi tất ni lông  mùi hôi thối bốc lên ngùn ngụt, anh lại ngồi ở hàng ghế thứ nhất, anh gác hai chân hôi thối lên bàn, chĩa  thẳng vào bục giảng. Cô giáo ngữ văn vừa giảng bài, vừa ngửi mùi hôi thối tỏa ra từ hai chân anh ở cự ly gần, cô liền yêu cầu anh tôi xỏ giầy vào. Anh tôi cứ lờ tịt, anh bảo anh còn phải phơi nắng đôi giầy đá bóng. Khi anh trai tôi nói ngón chân anh cứ ngọ nguậy trong tất ni lông, cố gắng để hai chân mình càng bốc ra mùi hôi thối. Cô giáo ngữ văn uất vô cùng đi đến trước bệ cửa sổ cầm đôi giày đá bóng anh tôi đang phơi quăng ra ngoài cửa sổ. Anh trai tôi “Lấy đạo người trị lại thân người”, anh nhảy lên đứng trên bàn học, lại từ bàn học nhảy lên bục giảng, cầm giáo án của cô giáo ngữ văn, nhảy khỏi bục giảng, chạy đến trước cửa sổ vứt đi. Sau đó trong tiếng hoan hô của các bạn học sinh, anh tôi nhảy qua cửa sổ, nhặt đôi giầy của mình, laị nhảy vào cửa sổ, đặt đôi giầy bóng đá trên bệ cửa sổ tiếp tục phơi nắng. Sau khi trở lại vị trí của mình, anh tôi tiếp tục gác đôi chân hôi thối lên bàn học. Sau đó giống như một người chỉ huy, anh vung hai tay chỉ huy các bạn học sinh cất tiếng hoan hô theo nhịp điệu lên xuống. Anh tôi dương dương tự đắc nhìn cô giáo ngữ văn rầu rầu bước ra khỏi lớp học. Cô giáo ngữ văn không thể nhảy ra nhảy vào cửa sổ như anh tôi, cô men theo nhà gác, đi một vòng, nhặt giáo án của mình lên. Khi cô cầm giáo án đứng lên, nhìn thấy mấy cửa sổ lớp học, học sinh trên lớp đứng chen kín. Bọn chúng vui cười nhạo báng cô trên đau khổ của người khác.

            Tôi nhớ khi cô giáo ngữ văn ra về, bố tôi nổi giận đùng đùng, vơ luôn chiếc ghế đập anh tôi, anh tôi đã nhanh nhẹn né tránh. Mẹ tôi vội vàng kéo bố tôi lại, bố tôi thét lên quát mắng anh:

- Mày đã gây nên bao nhiêu việc xấu xa ở nhà trường!

Anh trai tôi đã thẳng thắn nói: “Con làm cách mạng trong nhà trường... ”.

            Bố tôi dẩy mẹ tôi ra, vung nắm đấm định đấm anh, anh liền chuồn vội, chay đến một đoạn anh cho là khá an toàn, anh nói tiếp:

- Con phải làm cách mạng!

            Điều này khiến tôi tràn đầy ngưỡng vọng. Tuy đang trải qua đại cách mạng văn hóa, nhưng khi chúng tôi học tiểu học, rất sợ thầy cô giáo. Chúng tôi thường xuyên bị thầy cô bức viết kiểm thảo. Khi lên lớp nói chuyện, hay đùa nghịch phải viết bản kiểm thảo. Bạn học đánh nhau cũng phải viết bản kiểm thảo. Số bản kiểm thảo tôi viết khi học tiểu học,còn nhiều hơn baì tập làm văn tôi viết. Mà bản kiểm thâo của chúng tôi đều bị thầy cô giáo dán trên tường lớp học, khiến chúng tôi cảm thấy rất xấu hổ bẽ mặt. Việc làm và lời nói của anh trai tôi, còn cả những lời nói việc làm của các bạn trai khác lớn hơn chúng tôi một hai tuổi, khiến chúng tôi loáng thoáng cảm thấy sau khi bước vào trung học sẽ không còn viết bản kiểm thảo, sau khi bước lên trung học sẽ không còn học sinh sợ thầy cô giáo nữa, mà là thầy cô giáo sợ học sinh. Sau khi lên trung học, tất cả việc làm bố láo bố lếu đều là hành vi cách mạng.

            Cho nên giữa buổi giao thời xuân hè năm 1973, mấy bạn học chúng tôi đi qua cầu bê tông mới xây, đi vào trường trung học Hải Diêm bên kia con sông nhỏ. Khi tôi đi qua sân bóng rổ, nhìn thấy có học sinh đang chơi bóng, khi đi qua bãi tập, trông thấy có học sinh nằm tán gẫu trên bãi cỏ ở giữa. Chúng tôi đã đi qua hai nhà gác lớp học, hầu như mọi bệ cửa sổ lớp học đều có học sinh ngồi. Chúng tôi nghe thấy có người gọi tên chúng tôi. Đó là một bạn trai ở trong ngõ chúng tôi. Cậu ấy là học sinh năm thứ nhất phổ thông cơ sở lớn hơn chúng tôi một tuổi. Ngồi trên bệ cửa sổ của một lớp học, cậu ấy vẫy tay chào chúng tôi. Chúng tôi đi đến hỏi cậu ấy hiện giờ có phải đang giờ ra chơi? Cậu ấy lắc đầu đáp đang lên lớp. Cậu ấy dơ tay kéo từng người lên bệ cửa sổ. kéo vào lớp học của cậu. Cậu bảo chúng tôi lần lượt ngồi trên bệ cửa sổ và trên bàn học, tràn đầy nhiệt tình cậu giới thiệu chúng tôi với mấy bạn học ngồi bên cạnh.

            Chúng tôi mở rộng tầm mắt. Trong lớp học ồn ào nhốn nháo, có một số học sinh ngồi trên bàn học, có một số học sinh đi đi lại lại, còn có hai học sinh cãi chửi nhau cách một bàn học, xem chừng sắp sửa dơ quả đấm. Một thầy giáo đứng trên bục giảng đang viết đề vật lý trên bảng đen. Thầy vừa viết vừa giảng giải, không có học trò nào nghe thầy giảng. Thầy hoàn toàn viết cho mình xem, giảng cho mình nghe.

            Cảnh tượng này khiến chúng tôi ngạc nhiên, há mồm trợn mắt. Chúng tôi chỉ thầy giáo trên bục giảng khe khẽ hỏi bạn học sinh quen thuộc:

- Thầy đang giảng bài cho ai?

- Ông ta giảng bài cho chính mình – Anh bạn đáp.

Chúng tôi cười hì hi, hỏi tiếp:

- Các bạn không sợ thầy giáo à?

             Sợ thầy ư? – Cậu ấy cười ha ha – Đây là trung học, đếch phải tiểu học như các cậu. Vừa nói cậu ấy vừa rà mò trong bàn học lấy ra một mẩu phấn, ném vào thầy giáo trên bục giảng. Thầy giáo nhìn thấy mẩu phấn bay đến, đã né người tránh sang một bên, rồi coi như không có chuyện gì xảy ra, thầy tiếp tục giảng bài vật lý cho chính mình.

 Cuối cùng chúng tôi đã biết,thế nào là cách mạng?



Ngày28 tháng 12 năm 2009

(còn tiếp)

Nguồn: Trung Quốc trong 10 từ vựng. Tản văn của Dư Hoa. Vũ Công Hoan dịch.

Nhà văn Vũ Công Hoan gửi www.trieuxuan.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét