Khoảng cách của lịch sử khiến một người Trung Quốc chỉ cần 40 năm đã trải qua biến động 400 năm của châu Âu, nhưng khoảng cách của hiện thực lại chia người Trung Quốc cùng thời đại sang thời đại khác nhau. Dư Hoa 6. KHOẢNG CÁCH Một thiếu niên ngày xưa đã chứng thực sự từng trải thế này, có lúc từ nhút nhát sợ sệt đến không hề khiếp sợ chỉ cách nhau một bước. Đây là một chuyện cũ thời kỳ giữa những năm 1970, chúng tôi từ cuộc sống trầm buồn ức chế đi đến hồi kết của đại cách mạng văn hoá. Tôi muốn kể một câu truyện về bạn học ngày xưa. Hiện giờ anh vẫn ở trên thị trấn nhỏ quê hương, thất nghiệp nhiều năm, sống dựa vào số tiền nghỉ hưu còm của bố đẻ. Tôi còn nhớ nét mặt thanh tú ngày ấy của anh, bởi vì hai cái răng nanh chìa ra của anh bị mất, thân hình gầy nhỏ của anh khi bước đi thường bám theo sau lưng chúng tôi. Thời ấy chúng tôi là bọn trẻ con hè phố hay sinh sự, thường cãi nhau đánh nhau với với bọn trẻ cùng trang lứa trên thị trấn. Cũng có khi hùng hùng hổ hổ dám ra tay huỵch lại đám thanh niên cao hơn mình nửa cái đầu. Lần nào dã nhau kịch liệt, anh bạn ấy cứ nấp nấp tránh tránh ở xa xa trông xem, không bỏ chạy cũng không tham chiến. Về sau anh đột nhiên tỏ ra dũng cảm không sợ, trận ẩu đả nào cũng xông lên trước, rút lui sau cùng. Có lần bọn nhóc hè phố chúng tôi bị bọn thanh niên đường phố đánh cho ôm đầu bỏ chạy. Giữa lúc chúng tôi tan rã hoàn toàn, người bạn học này chạy về nhà rồi lại vung con dao bài xông ra đối mặt với tụi thanh niên hè phố sĩ khí ào ào. Con dao bài trong tay phải của cậu ta cứa một nhát trên mặt mình đầu tiên, khi máu toé ra, lại dùng tay trái lau trên mặt một cái, rồi hò hét ầm ĩ xông vào trong khi mặt mày máu me nhễ nhãi. Tụi thanh niên hè phố đang trong thừa thắng xung kích, trông thấy thằng cha mặt bê bết máu cứ xông thẳng vào như sẵn sàng anh dũng hy sinh, tay phải vẫn vung con dao bài sáng loáng. Trung Quốc có câu tục ngữ; mềm sợ cứng, cứng sợ liều, liều không mất mạng. Tụi thanh niên đường phố co cẳng bỏ chạy. Dọc đường anh bạn tôi vừa truy kích vừa hô hét: - Tao phải liều sống chết với bọn bay! Chúng tôi vừa giờ còn ôm đầu chạy tán loạn, lập tức cáo mượn uy hùm, chúng tôi cũng hô: Tao phải liều sống chết với bọn bay! Ào ào đuổi theo. Trên đường phố thị trấn nhỏ, chúng tôi mồ hôi mồ kê nhễ nhại truy kích tụi thanh niên đường phố. Để điều chình hít thở khi chạy, để thích ứng tốc độ truy kích, khẩu hiệu của chúng tôi tự nhiên ngắn gọn đi: - Mày chết tao sống! Chiều hôm ấy, chúng tôi lừng danh trên cả thị trấn nhỏ. Từ đó chúng tôi được danh hiệu nổi tiếng “bè lũ mày chết tao sống”. Những thiếu niên hè phố khác nhìn thấy chúng tôi đứa nào cũng tươi cười đón tiếp, ngay đến tụi thanh niên đường phố cũng nể sợ. Anh bạn học này được bọn tôi kính nể trong lòng. Từ đó trở đi anh bạn không còn bám theo sau chúng tôi. Chúng tôi cũng đã quen cậu ấy đi phía trước. Tại sao chỉ trong có một đêm bạn học của tôi đã khác hẳn? Kỳ thực là một nguyên nhân rất đơn giản, một nguyên nhân hiện nay xem ra đúng là khó tin. Bố mẹ bạn ấy có lần cãi nhau với hàng xóm, có lẽ nghi ngờ hàng xóm lấy trộm của nhà mình mấy viên than quả bàng, một chuyện vặt vãnh như lông gà vỏ tỏi. Đi đôi với sự cãi nhau không ngừng quyết liệt, hai gia đình đã ra tay đánh nhau. Lần này anh bạn tôi đã nhúng tay vào, anh chọn một đối thủ yếu nhất, dơ nắm tay phải nhằm đúng bộ ngực nở nang của cô gái xinh đẹp nhà hàng xóm đấm một cái. Chính là cú đấm này đã khiến anh bạn của tôi thay đổi triệt để. Sau đó anh bạn úp lòng bàn tay xuống dơ tay phải ra, trong ánh mắt vô cùng hâm mộ của bọn tôi, cậu ta sung sướng kể bốn ngón tay của mình tiếp xúc thân mật với bộ ngực đầy đặn mềm như bông của cô gái xinh đẹp qua làn áo như thế nào. Cậu ta bảo trừ ngón cái ra, bốn ngón này đều cảm nhận thấy sự mềm mại mê hồn. Cảm nhận tuyệt vời thoáng qua này khiến bạn học sinh tiểu học chúng tôi cảm thấy cuộc đời mình đã hoàn thành. Sau đó cậu ấy thường hớn hở thoả mãn khoe với chúng tôi: - Tớ đã từng chạm vú đàn bà, tớ có thể chết được rồi. Chính là cảm thấy mình có thể chết mà vô cảm, khiến cho anh chàng vốn dĩ nhút nhát đột nhiên trở thành người dũng cảm. Đấy là thời kỳ thiếu niên của thời đại chúng tôi. Chỉ một lần chạm vào vú chín chắn đàn bà trong chốt lát, có thể cải biến một con người. Bởi vì chúng tôi lớn khôn trong một thời đại cực đoan. Khi ẩu đả đánh nhau chúng tôi bạo dạn ngông nghênh, khi khát khao thân thể chân thực của đàn bà chúng tôi rụt rè thận trọng. Đã từng có một bạn học, đến nay không biết là ai, lấy phấn bí mật viết lên bảng đen của lớp trung học chúng tôi hai chữ “tình yêu”. Đây là hai chữ chúng tôi lòng hiểu trí biết nhưng chưa sử dụng bao giờ. Thời ấy lớp mười chúng tôi có bốn lớp. Chữ “tình yêu” xiêu xiêu vẹo vẹo xuất hiện trên bảng đen lớp ̣(1)̣̣ Các bạn của ba lớp khác, dấu kín trạng thái tâm lý như thánh, mang nét mặt của kẻ phê phán, hô khẩu hiệu “bắt lưu manh”, nhao nhao chạy đi xem. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy tổ hợp từ này. Trong chữ hán của chúng tôi,nó đã mất đi rất lâu rồi. Khi tôi nhìn thấy nó tự dưng người rạo rực. Hai chữ viết phấn xấu xí trên bảng đen phòng học lớp mười (1), làm tội chứng tồn tại đúng mười ngày. Bởi vì uỷ ban cách mạng nhà trường phải tra tìm kẻ lưu manh viết từ này. Đầu tiên thu các nét chữ và đối chiếu trên các vở tập làm văn của nam sinh lớp chúng tôi. Không tìm ra nghi phạm, lại rà soát tất cả vở tập làm văn của nữ sinh trong lớp, vẫn không phát hiện ra nghi phạm, sau đó mở rộng sang lớp mười một, vẫn không tìm ra nghi phạm, cuối cùng đành phải cho qua, chủ nhiệm uỷ ban cách mạng nhà trường phải đích thân xoá bỏ chữ “tình yêu “ trên bảng đen. Tôi rất buồn lòng. Đã thành thói quen ngày nào đi qua lớp học (1) tôi cũng nhìn hai chữ “tình yêu" trên bảng, khiến khát vọng tình yêu của tôi được thoả mãn như bánh vẽ đỡ đói. Sau khi “Tình yêu” trên bảng bị xoá, bánh vẽ đỡ cơn thèm khát cũng không còn. Chúng tôi nghĩ, bạn học nặc danh viết từ này trên bảng đen, chắc chắn biết mình đang phạm tôị lưu manh, cố ý viết chữ xiêu xiêu vẹo vẹo, từ đó có thể sống tự do ngoài vòng kỷ luật. Thời ấy thịnh hành câu nói trong phim “Con cáo có xảo quyệt đến mấy đi nữa, cũng đấu không nổi người đi săn”. Sau sự kiện tình yêu này, giữa các bạn học bắt đầu lưu truyền câu đài từ phản nghĩa: “Người đi săn già đời đến mấy cũng đấu không nổi con cáo bé nhỏ quỉ quyệt”. Hiện giờ con trai tôi sắp vào học lớp mười. Cậu thiếu niên ngày nay này nói với cậu thiếu niên ngày xưa là tôi, khi học bài sinh lý ở phổ thông trung học, thầy cô giáo yêu cầu nữ sinh đều ngồi lên đùi nam sinh. Trong sự tiếp xúc chặt chẽ giữa nam nữ sinh, thày cô giáo bắt đầu giảng giải về sự khác biệt giữa đàn ông và đàn bà, giảng đến sự giao hợp, giảng đến chuyện thụ thai… Sau khi thầy cô giáo giảng xong hỏi các em học sinh có vần đề gì? Có bạn dơ tay xin phát biểu; - Thưa thầy cô có bài học thực nghiệm không? Xin cho phép tôi nói tiếp câu truyện học sinh trung học. Hơn ba mươi năm trước, thời ấy giữa nam sinh và nữ sinh trung học không nói chuyện. Tuy muốn nói chuyện vô cùng, nhưng không dám nói, cho dù ái mộ bạn cũng chỉ len lén liếc mắt mà thôi, cũng không có nam sinh viết mẩu giấy dấu diếm đưa cho nữ sinh, hơn nữa còn không dám viết rõ câu biểu hiện tình yêu, đều là những câu chỉ hươu chỉ ngựa ví dụ câu mình muốn tặng bạn một cục tẩy, một cái bút chì để truyền đạt tin yêu. Bạn gái nhận được mẩu giấy lập tức biết chàng trai định nói gì. Phản ứng phổ biến của nữ sinh là căng thẳng và sợ hãi. Nếu mẩu giấy bị lộ, nữ sinh sẽ xấu hổ vô vùng, hình như mình làm gì sai phạm. Ngày nay hơn ba mươi năm đã trôi qua, học sinh trung học tỏ tình yêu nhau đã hợp pháp hoá về tâm lý từ lâu, đã công khai hoá trên dư luận. Trên mạng in tơ nét tôi đã xem hai đoạn cơ líp, một đoạn trong lớp học giờ nghỉ, một học sinh ngồi trên bàn học, cúi xuống ôm bạn gái ngồi trên ghế, các bạn khác nói chuyện và đi lại bên cạnh hai người. Họ cứ tỉnh bơ nói chuyện và hôn nhau như không có ai bên cạnh. Còn một chuyện khác xảy ra trong hành lang nhà trường, một nam sinh ôm hoa tươi quì xuống đất xin yêu một nữ sinh trung học. Sau khi nữ sinh từ chối trốn vào nhà vệ sinh. Sau một lúc do dự, nam sinh ôm hoa tươi đuôỉ theo đi vào nhà vệ sinh nữ. Hiên nay hiện tượng nữ sinh có chửa sớm, bởi càng ngày càng phổ biến đã không còn là vấn đề xã hội, mà chuỵện kinh ngạc là lại có nữ sinh trung học mặc đồng phục của nhà trường vào bệnh viện nạo thai. Trên báo chí truyền thông đã từng đưa tin, một nữ sinh trung học mặc đồng phục của nhà trường vào bệnh viện phẫu thuật có bốn nam sinh trung học mặc đồng phục nhà trường cùng đi theo. Khi bác sĩ yêu cầu gia đình ký tên trước khi mổ, cả bốn chàng trai đều tranh nhau ký tên. Vậy thì nguyên nhân nào đã khiến chúng ta đi từ cực đoan này sang cực đoan khác? Đằng sau vấn đề này có thể có rất nhiều câu trả lời nổi lên. Tôi cảm thấy những câu trả lời xả xuống như thác nước cũng rất khó nói rõ. Nhưng có một điểm rất rõ ràng: Một thời đại ức chế đè nén cực đoan sau biến động xã hội lớn tất nhiên sẽ nẩy sinh một thời đại phóng túng cực đoan, y như cây đánh đu, bên này cao bao nhiêu thì sang bên kia tất nhiên cũng bay bổng rất cao. Sự tăng trưởng với tốc độ cao của nền kinh tế Trung Quốc, hình như trong giây lát đã thay đổi tất cả. Giống như cuộc nhảy xa, khiến chúng ta từ một thời đại thiếu thốn vật chất nhẩy vọt lên thời đại phô trương lãng phí, từ thời đại chính trị trên hết nhảy vọt lên thời đại đồng tiền là số một, từ thời đại bản năng bị ức chế nhảy vọt lên thời đại nôn nóng buông thả... Thời gian ba mươi năm hình như chỉ là một bước nhảy. Nhìn Trung Quốc hiện nay, nhà cao tầng của thành phố đen ngòm dưới gầm trời, mọc lên khỏi mặt đất như những cánh rừng, đường cao tốc đan xen ngang dọc còn nhiều hơn sông ngòi. Trong thương trường trong siêu thị hàng hoá loá cả mắt, trên đường phố ngựa xe như nước cuồn cuộn ngày đêm, biển quảng cáo và đèn nê ông nhấp nháy rực rỡ. Các hội đêm và trung tâm mát sa hết cái nọ tiếp nối cái kia, viện chỉnh hình làm đẹp và rửa ngâm chân nối đuôi nhau san sát,… Còn có những nhà hàng khách sạn khổng lồ sang trọng rải khắp nơi khắp chốn, có cái ba bốn tầng, cái nào cũng to rộng như lễ đường, những gian thuê bao hào hoa phân cách ra chung quanh. Hai ba ngàn người mặt hồng da nhẵn cùng ăn cùng uống linh đình. Nhưng ba mươi năm trước, trước khi chúng ta co người nhảy, chúng ta không trông thấy nhà cao tầng, thi thoảng có mấy cái nhà gác cũng đều ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải. Chúng ta không biết thế nào gọi là đường cao tốc, thế nào là quảng cáo, cửa hàng của chúng ta ít ỏi, trong cửa hàng cũng ít hàng hoá, hình như chúng ta không có thứ gì, nhưng bầu trời của chúng ta thời đó xanh vô cùng. Chúng ta sống trong chế độ cung ứng định lượng, mỗi người mỗi tháng chỉ có 13,5 kg tem phiếu lương thực, đấy là của nam. Còn của nữ chỉ có 12,5kg lương thực và 0,25 kg tem tem thịt và hai lạng tem dầu. Trong thời đó khi mua lương thực vừa trả tiền vừa trả tem phiếu, mua thịt lợn và rau cải dầu cũng đồng thời phải trả tiền và trả tem phiếu không được thiếu một. Lại còn có phiếu vải, chúng ta phải dùng tiền và tem phiếu vải ra cửa hàng mua vải, sau đó đến cửa hàng cắt may may đo. Rất đông người đã tự may cho bản thân để khỏi tốn tiền. Thời ấy không có xưởng cắt may quần áo, trong cửa hàng cũng không có quần áo may sẵn. Thời ấy, nhà nào có một chiếc máy khâu sẽ được bà con hàng xóm hâm mộ hết lời. Chúng ta phải tính toán chi li, mỗi ngày ăn sáu lạng cơm tẻ, mỗi tuần ăn mấy miếng thịt lợn, mỗi lần tra mười giọt cải dầu, mới có thể mỗi tháng không bị chi trội. Thế hệ chúng tôi lớn lên từ trong đời sống đói bụng song không chết. Khi thế hệ chúng tôi ôn lại cái gì tốt đẹp nhất thời còn bé, ký ức của chúng tôi lại giống nhau kinh khủng, đều là trước kia đã từng ăn thứ gì ngon. Ngoài cái ăn chúng tôi dường như không có ký ức gì tốt đẹp khác. Thời ấy, dân thành phố thị trấn cho dù sẻn rịn cũng rất khó có của thừa. Đối với đàn ông mỗi tháng chỉ có 13,5 kg lương thực, thường không đủ no, còn đàn bà 12,5 kg lương thực, có dư đôi chút, tem lương thực còn lại của họ cung cấp cho chồng hoặc anh em. Cung ứng tem dầu và tem thịt cũng không đủ. Vậy là người ta thường dấu diếm bỏ tiền ra mua tem gạo tem dầu, để duy trì sinh kế. Ở quê tôi, trong tay nông dân có một ít tem dầu thừa, họ thu gom hạt cải dầu ngoài ruộng rồi trao cho xưởng ép dầu quốc doanh, nhà nước sẽ trả bù cho họ một ít tem dầu, số tem dầu ít ỏi này là thu nhập ngoài mức rất quan trọng của nông dân thời ấy. Nông dân nghèo túng muốn có tiền chữa bệnh, hoặc để cưới vợ gả chồng, sẽ ra thành phố ngấm ngầm bán tem dầu trong tay họ. Trong thời đại chế độ công hữu, những hành vi này chính là đầu cơ phe phẩy. Tôi còn nhớ khi mình học lớp mười đã từng cùng mười bạn học hăng hái sôi nổi gia nhập vào đội ngũ chống buôn bán đầu cơ trục lợi, theo cách nói hiện giờ là những người tình nguyện. Những người tình nguyện hiện nay vẫn còn có bữa ăn công tác, chứ cơm công tác thời bấy giờ của chúng tôi, chỉ có há mồm hít gió lạnh mùa đông. Ngày nào chúng tôi cũng thức dậy vào bốn giờ sáng, mai phục trong chợ thị trấn nhỏ, lần lượt nấp ở góc phố hoặc đằng sau cột điện, giống như mèo rình bắt chuột. Một khi phát hiện có kẻ lén bán tem dầu, vồ ngay tức thì, tóm cổ luôn kẻ đầu cơ phe phẩy. Sau khi bắt tem dầu của họ, chúng tôi dương dương tự đắc, áp giải người ấy đến văn phòng chống đầu cơ buôn lậu. Chúng tôi lấy mạnh nạt yếu, lấy đó làm vui, lại còn cảm thấy minh ngày nào cũng tỏ ra chính nghĩa. Tuy chiến quả rất nhiều, song phần tử đầu cơ trục lơị phần đông là nông dân có tuổi, tem dầu thu được cũng đều dưới nửa cân, mà những nông dân này không dám chống lại. Họ như kẻ trộm lo sợ, cảm thấy mình làm việc xấu. Phản ứng duy nhất của họ là nước mắt nước mũi lênh láng trông thấy tem phiếu của mình bị tịch thu mất trắng. Chỉ có một lần chiến lệ huy hoàng, chúng tôi bắt được một anh nông dân cường tráng. Anh cao hơn chúng tôi một cái đầu. Người anh to bằng hai chúng tôi cộng lại. Khi chúng tôi xô tới, anh ra sức chống cự. Tay phải anh nắm chặt thành qủa đấm, đương nhiên anh không dám đấm chúng tôi. Anh biết một khi đánh chúng tôi tội anh càng nặng. Anh chỉ dùng tay trái đẩy chúng tôi ra rồi bỏ chạy. Đây là lần chống lại kịch liệt nhất mà chúng tôi gặp phải, suýt nữa anh chạy thoát. Được cái chúng tôi người đông thế mạnh, bao vây bốn phương tám hướng, có mấy bạn học còn nhăm nhăm hòn gạch trong tay, đánh vào mặt anh chảy máu, ấn anh xuống đất. Lúc này tay phải anh vẫn nắm chặt, tay trái vẫn cố gắng đẩy chúng tôi ra. Chúng tôi biết trong tay phải anh nắm tem dầu, chúng tôi bẻ thế nào cũng không bẻ được ngón tay anh. Hai bạn học đã ấn mạnh cánh tay phải anh xuống đất, một bạn khác lấy gạch đập vào nắm tay phải anh máu chảy đỏ lòm. Sau khi đập nắm đấm của anh lồi lên xẹp xuống thành mu bàn tay, chúng tôi nhìn thấy mấy tờ tem phiếu dính máu, đếm được đúng nửa kg. Sau khi chúng tôi áp giải anh đến văn phòng chống đầu cư buôn lậu, lại khám trên người anh được 5,5 kg tem dầu. Chẵn sáu kg tem dầu, đây là lần thu được tem dầu nhiều nhất, nói theo lối nói thịnh hành hiện nay ở Trung Quốc, là thuộc về án lớn án quan trọng. Khi xét hỏi, anh ta vừa dùng tay trái không bị thương lau vết máu trên mặt, vừa khai tội đầu cơ buôn lậu của mình. Để chuẩn bị tiền cưới vợ, anh đã vay mượn bạn bè thân hữu bốn kg rưỡi tem dầu, ngoài ra gia đình anh có một kg rưỡi tem dầu. Bố mẹ anh chị em anh đã sáu tháng nay không có một giọt mỡ nào vào bụng, bữa nào cũng luộc rau chấm nước muối. Buổi sáng sớm ba mươi năm về trước ấy, bây giờ ôn lại tôi cảm thấy rùng minh. Trong lúc bọn học sinh trung học chúng tôi sung sướng cười vang trước chiến quả rực rỡ thì anh nông dân vết thương khắp người lại cay đắng kể lại từng trải đơn giản của bản thân. Do anh mắc lần đầu, chỉ phạt anh tịch thu sáu kg tem dầu, lại bắt anh viết một giấy bảo đảm, hứa hẹn từ nay trở đi kiên quyết không còn làm việc xấu đầu cơ buôn lậu. Tay phải anh bị đau khi viết giấy bảo đảm cứ run run. Không biết vì ngón tay đau, hay là vì buồn mất toi sáu kg tem dầu? Máu trên tay phải chảy trên giấy trắng, tờ giấy bảo đảm trở thành một huyết thư. Sau khi anh được tha, bọn học sinh trung học chúng tôi vẫn còn hí ha hí hửng đi bên cạnh anh. Trên đường phố thị trấn nhỏ lúc sáng sớm, chúng tôi luôn luôn mắng nhiếc anh, chúng tôi mắng nhiếc anh để khoe khoang bản thân. Chúng tôi cứ nói đi nói lại số tem phiếu anh bị bắt. Người đi đường ai nghe thấy cũng há mồm trợn mắt ngạc nhiên. Trong tiếng cười nói oang oang của chúng tôi, anh ấy cứ im thin thít lặng lẽ bước đi. Chúng tôi nhìn thấy mặt anh đầy nước mắt, nước mắt cứ tuôn trào đầy mặt như không có ai bên cạnh. Anh luôn luôn dơ tay phải lau nước mắt ở khoé mắt. Tay đau lại luôn luôn nhắc nhở anh nhìn tay phải của mình. Chúng tôi đi mãi ra khỏi thị trấn nhỏ mới dừng lại. Chúng tôi vui cười chỉ trích anh, nhìn bóng anh đi xa dần trên con đường mòn dẫn về làng quê. Anh đi dưới ánh mặt trời vừa mọc, tay phải anh bị thương để ở trước ngực, với tâm trạng mờ mịt, mang theo vết máu đầy mặt và đầy nước mắt, anh bước thất tha thất thểu trên lối mòn quê hương dài tít tắp. Sau hơn ba mươi năm, hôm nay tôi viết những dòng này với cảm giác tràn đầy cay đắng và phạm tội trong lòng. Tôi không biết người nông dân trẻ lương thiện này sau đó làm thế nào để lấy vợ đúng thời hạn? Không biết anh sau đó khó khăn như thế nào để trả nợ bốn kg rưỡi tem phiếu dầu vay nợ? Tôi nhớ rõ, khi chúng tôi đập gạch vào đầu anh, anh nén cơn phẫn uất của mình, không dùng gạch đánh lại, nhưng chỉ dùng bàn tay đẩy chúng tôi ra. Xã hội Trung Quốc sau khi thay đổi lớn, những phần tử đầu cơ trộm cắp trước kia, đã trở thành những tiểu thương tiểu chủ hôm nay. Những người thất nghiệp trong thành phố và những người mất đất ở nông thôn, để sinh tồn đây là nguyện vọng cơ bản nhất của con người, ở thành thị họ bày bán hàng hay rao bán dọc phố. Ngay ở Bắc Kinh đã có đến hàng vạn tiểu thương tiểu chủ như thế. Những tiểu thương tiểu chủ không có giấy phép kinh doanh này bởi tính lưu động rất mạnh, chính quyền địa phương không thể trưng thu chi phí của họ. Đồng thời trong mắt quan chức địa phương, những hàng quán bày bán khắp nơi này đã phá hoại hình tượng của thành phố, “cũng phá hoại xã hội hài hoà”. Một cơ cấu mang tên “Cục chấp pháp quản lý tổng hợp thành thị” đã ra đời, đội viên quản lý thị trường oai phong lẫm liệt bắt đầu hoạt động khắp nơi. Tôi đã quen quang cảnh này. Đi trên các cầu nổi hay trên đường phố Bắc Kinh một bầy buôn bán nhỏ ngồi xổm rao bán hàng hoá rẻ tiền của họ, chỉ cần có người hô một tiếng “Bọn quản lý thị trường đấy” là họ rối rít thu dọn thật nhanh hàng hoá trên đất chạy trốn như ong vỡ tổ. Giống như hơn ba mươi năm về trước khi những học sinh trung học chúng tôi tịch thu tem dầu của nông dân, thủ đoạn đối phó những tiểu thương tiểu chủ của đội viên quản lý thị trường hiện nay không tiến hoá, cũng tịch thu hàng hoá họ bày ra bán. Đương nhiên thành quả của đội viên quản lý thị trường hiện nay vượt xa chúng tôi. ngày xưa. Rất nhiều hàng hoá quản lý thị trường tịch thu hiện nay chúng tôi chưa thấy bao giờ ở thời ấy. Mấy năm trước, khi tôi cư trú ở gần một cửa ra của đường sắt thường xuyên trông thấy rất đông người đạp xe xích lô không có giấy phép kinh doanh. Họ đạp xe xích lô đón đưa khách, đồng thời cũng thường xuyên thấy quang cảnh trên xe tải của quản lý thị trường chất đầy xe ba bánh tịch thu khải hoàn trở về. Tôi đã từng thấy mấy người đạp xe ba bánh đau lòng. Họ đều là những người bỏ hết tiền của gia đình hoặc vay mượn tiền của bạn bè thân hữu mới mua được xe, gò lưng đạp xe nuôi sống gia đình, trả tiền học cho con. Giữa mùa hè nóng nực, họ gạt mồ hôi như mưa. Giữa mùa đông giá buốt, mồ hôi cũng như tắm. Khi họ nhờ chiếc xe ba bánh để kiếm sống, bị quản lý thị trường tịch thu, họ cũng hết đường sống. Những năm này, song song với tiểu thương tiểu chủ dùng xe ba bánh để duy trì sinh kế, xe và hàng thường xuyên bị quản lý thị trường tịch thu, sự đối kháng giữa đội viên đội quản lý thị trường và các tiểu thương tiểu chủ ngày càng quyết liệt, thường hay xảy ra hành vi vũ lực, nhưng không làm cho xã hội chú ý rộng rãi, mãi cho đến lúc tiểu chủ Thôi Anh Kiệt dùng lưỡi lê đâm chết một đội viên quản lý thị trường chấp pháp, thì mâu thuẫn giữa tiểu thương tiểu chủ và đội viên quản lý thị trường cuối cùng đã làm chấn động cả nước. Trên cơ quan báo chí truyền thông liên tục đăng bài đưa tin, sau khi thảo luận, rất đông người bắt đầu ý thức đến tịch thu xe và hàng hoá của tiểu thương tiểu chủ một cách đơn giản và thô bạo, thực ra là tước đoạt quyền sinh tồn của họ một cách biến tướng. Thôi Anh Kiệt đại biểu của quần thể yếu thế của xã hội Trung Quốc hôm nay, trước toà án đã tỏ ý xám hối bởi sự rung động nhất thời của mình. Anh nói: - Trước hết tôi bày tỏ xám hối đối với nạn nhân và gia đình. Tôi biết bây giờ có nói gì đi nữa cũng vô ích. Tôi vốn nghĩ dựa vào hai bàn tay của mình, bày hàng bán nhằm cải thiện đời sống của bản thân. Sau vụ một nhân viên quản lý thị trường bị đâm, trang bị bảo hộ của nhân viên quản lý thị trường được nâng cấp, được lắp PDA ở đằng sau, áo trấn thủ chống đâm, mũ sắt, găng tay chống cắt, đèn pin cực sáng, đồng thời còn mời cảnh sát vũ trang huấn luyện, dạy bảo đội viên quản lý thị trường đỡ đòn đoạt dao như thế nào, tiến hành bồi dưỡng huấn luyện cho đội viên quản lý thị trường những động tác thực tế bao gồm làm thế nào để giải thoát khi bị túm cổ áo, túm tóc,khoá họng, ôm eo. Tại sao “phần tử đầu cơ trộm cắp” ngày xưa và tiểu thương tiểu chủ ngày nay khi đứng trước hàng hoá tài sản của mình bị tịch thu đã có những phản ứng sinh tồn khác nhau lớn như vậy? Theo tôi, thời đại khác nhau, hình thái xã hội khác nhau đã dẫn đến phản ứng sinh tồn khác nhau. Nếu xét từ góc độ hình thái xã hội, cách mạng văn hoá là một thời đại đơn thuần, còn ngày nay là một thời đại phức tạp nhốn nháo. Một câu của Mao Trạch Đông đã nói có thể đại diện đặc trưng cơ bản của thời đại cách mạng văn hoá. Ngài nói: “Phàm những gì kẻ thù phản đối, chúng ta phải bảo vệ, phàm những gì kẻ thù ủng hộ, chúng ta phaỉ phản đối”. Cách mạng văn hoá là một thời đại trắng đen phân minh như vậy. Kẻ thù vĩnh viễn sai lầm. Chúng ta vĩnh viễn đúng đắn. Không ai dám nói thử: Kẻ thù cũng có thể có lúc đúng đắn. Chúng ta cũng có thể có khi sai lầm. Sau Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình đã từng nói một câu lại có thể đại diện đặc trưng cơ bản cuả thời đại hiện nay: “Mèo trắng mèo đen mặc kệ, cứ bắt được chuột là mèo tốt”. Câu nói này của Đặng Tiểu Bình đã đảo lộn giá trị quan xã hội của Mao Trạch Đông, hình như chỉ ra một sự thực tồn tại đã lâu ở xã hội Trung Quốc: Sai lầm và đúng đắn thường thường tồn tại trong cùng một sự vật, hơn nữa cũng thường thường tồn tại trong thay đổi lẫn nhau. Câu nói này đồng thời cũng chấm dứt cuộc tranh luận về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản trong phát triển kinh tế của Trung Quốc. Vậy là Trung Quốc từ thời đại đơn sắc chính trị thống soái Mao Trạch Đông chuyển sang thời đại đa màu kinh tế trên hết của Đặng Tiểu Bình. Thời kỳ cách mạng văn hóa chúng tôi thường nói: “Thà lấy cỏ của chủ nghĩa xã hội, cũng không thiết cây giống của chủ nghĩa tư bản”. Trung Quốc hiện giờ chúng tôi không phân biệt rõ thế nào là thuộc về tư bản chủ nghĩa, thế nào là thuộc về chủ nghĩa xã hội. Hay nói một cách khác, Trung Quốc hiện nay cỏ và cây giống đã trở thành cùng một loại thực vật. Có khi, hàm nghĩa của một từ từ đơn thuần đi đến phức tạp cũng sẽ triết xạ ra sự biến thiên xã hội. “Khoảng cách” là một từ như vậy. Trung Quốc hơn ba mươi năm trước, đối với dân cư thị trấn thành phố mà nói không có khoảng cách xã hôị nổi bật. Nhưng ngày nào chúng tôi cũng nói khoảng cách, dùng một phương thức trống rỗng nói về khoảng cách trống rỗng. Mỗi người đều đang tìm khoảng cách về tư tưởng cho mình. Khoảng cách này đối chiếu với những nhân vật tiên tiến như Lôi Phong. “Học tiên tiến, tìm khoảng cách”, là câu nói thịnh hành hiện nay. Hàng ngày chúng ta giống như chú tiểu niệm kinh, nói bô bô ngoài miệng từ “khoảng cách” mà lòng thì chai lì. Lời nói cũ rích như chiếc bánh xe lăn hết vòng nọ đến vòng kia. Trong bài tập làm văn của chúng tôi từ tiểu học đến trung học, gần như tất cả học sinh đều viết lặp đi lặp lại hết lần này đến lần khác,làm thế nào để rút ngắn khoảng cách tư tưởng dưới sự chỉ dẫn của tinh thần Lôi Phòng. Giúp bà lão hàng xóm ra giếng gánh nước. Năm lớp mười một một thầy giáo ngữ văn của chúng tôi đúng là không nhịn nổi, ngón tay gõ lên sổ bài tập xếp trên bục, dạy chúng tôi: - Các em đã xách cho bà lão hàng xóm mười năm nước giếng, tại sao không thay một ví dụ khác? Ra phố mua gạo cho ông lão láng giềng. Sau hơn ba mươi năm, chúng ta vẫn leo lẻo nói mãi khoảng cách, đương nhiên đã không còn là khoảng cách tư tưởng trống rỗng, mà là khoảng cách xã hội thực tế. Khoảng cách giầu nghèo, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, khoảng cách giữa các khu vực, khoảng cách phát triển, khoảng cách thu nhập, khoảng cách phân phối. . . Khoảng cách xã hôi lớn lao tất nhiên sẽ đem đến hành vi cá thể và sự kiện quần thể quá khích. Ngày xưa chúng tôi lấy gạch đánh anh nông dân trẻ, anh ấy luôn luôn không đấm thụi lại, nhưng hiện nay một nhân viên quản lý thị trường không có bất cứ hành động bạo lực nào, anh ta chỉ trung thành với nhiệm vụ chức trách, tịch thu xe ba bánh và hàng hóa của những ngươì buôn bán nhỏ lại bị tiểu thương tiểu chủ dùng dao đâm chết. Đây là gì? Theo tôi nguyên nhân là ở đây. Khi một từ vựng “khoảng cách” từ nghĩa hẹp đi đến nghĩa rộng, sau khi từ trống rỗng biến thành chân thực, cũng biểu đạt sự rộng rãi của vấn đề xã hội Trung Quốc hiện nay và sự sâu sắc hóa của mâu thuẫn xã hội. Tiến trình chủ nghĩa xã hội của thời đại Mao Trạch Đông, tuy phát triển chậm, hiệu quả kinh tế thấp, nhưng khoảng cách xã hội quả thực không ngừng thu nhỏ. Cuối cùng Mao Trạch Đông không giải quyết khoảng cách giữa thành phố và nông thôn. Sau ba mươi năm cải cách mở cửa do Đặng Tiểu Bình dẫn dắt, tổng lượng kinh tế Trung Quốc mở rộng nhanh chóng, tổng giá trị sản lượng sản xuất trong nước từ 364,5 tỉ năm 1978 tăng lên 21087,1 tỷ đồng năm 2006, tăng trưởng gần 60 lần. Nhưng khoảng cách giữa thành thị và nông thôn không những không được rút hẹp, ngược lại đã tăng lên. Theo số liệu nhà nước Trung Quốc công bố, tỉ lệ chênh lệch thu nhập dân cư thành phố năm 2007 mở rộng tới 3,33:1, khoảng cách tuỵệt đối đạt tới 9646 đồng nhân dân tệ. Đây là một năm có khoảng cách thu nhập dân cư thành thị và nông thôn lớn nhất kể từ cải cách mở cửa đến nay. Ngày 1 tháng 5 năm 2006, bạn tôi Thôi Vĩnh Nguyên, người hướng dẫn chương trình nổi tiếng của CCTV, dẫn nhóm qua ca mê ra và 26 người đến từ các ngành nghề khác nhau, đi lại con đường trường chinh của Hồng quân Đảng cộng sản Trung Quốc ngày xưa. Lịch trình 250 ngày với chặng đường dài hơn 6100 km. Họ đã trải qua bốn mùa xuân hạ thu đông, qua mưa gió bão tuyết, vượt núi tuyết, băng thảo nguyên, cuối cùng đã vinh quang trở về đến Bắc Kinh ngày 7 tháng 1 năm 2007. Thôi Vĩnh Nguyên mang về gia đình rất nhiều câu truyện vui, cũng mang rất nhiều câu truyện chua xót. Sau đó có một hôm, chúng tôi ngồi với nhau, anh đã kể cho chúng tôi một vài câu truyện. Tôi xin kể lại một câu truyện trong đó. Năm 2006, trong thời gian thi đấu bóng đá cúp thế giới tại nước Đức, đội ngũ trường chinh vi hình của Thôi Vĩnh Nguyên đi đến một khu vực nghèo khổ nào đó ở Tây nam Trung Quốc. Anh bỗng nẩy ra ý hay, chuẩn bị tiến hành một trận bóng đá với học sinh tiểu học địa phương. Tuy không thể phục chế cảnh cuồng nhiệt của Béc Lanh, cũng định thử tạo nên một không khí vui vẻ của cúp thế giới taị chốn hang cùng ngõ hẻm nghèo khó. Nhưng Thôi Vĩnh Nguyên lập tức đứng trước hai nan đề, một là trong cửa hàng huyện lỵ địa phương không có bóng đá, anh liền sai hai chiến hữu “trường chinh” lái xe ra thành phố của chính quyền địa khu mua bóng đá. Sau đó là nan đề thứ hai, học sinh tiểu học của địa phương không những xưa nay chưa xem thi đấu bóng đá bao giờ, hơn nữa từ trước đến nay cũng chưa hề nghe nói trên thế giới này còn có một phong trào gọi là bóng đá. Thôi Vĩnh Nguyên đã tìm một bãi cỏ rất rộng, ở địa phương có rất nhiểu bãi cỏ như thế này, lại sai thợ mỹ nghệ của nhóm quay ca mê ra “Trường chinh” làm một khung gôn bóng đá, dựng trên bãi cỏ. Hơn một ngàn em học sinh tiểu học địa phương ngồi vây chung quanh bãi cỏ, Thôi Vính Nguyên bắt đầu lên lớp vỡ lòng về bóng đá. Giáo dục của anh bắt đầu từ điểm bóng như thế nào. Anh đặt quả bóng đá mới tinh lên chỗ cách xa cửa gôn khung gỗ 12 mã, long trọng đẩy anh thợ camera của đoàn ra. Đây là một người có lối đá giỏi nhất trong đội ngũ “ trường chinh”. Thợ quay camera này đã quen với đá bóng không có trọng tài và không có người xem, lần đầu tiên có hơn một nghìn đôi mắt nhìn vào bản thân, tự nhiên anh thấy tâm lý căng thẳng. Tuy khi chạy giúp phối hợp có một số người đóng vai chuyên nghề, nhưng trong giây lát điểm bóng vụt cao lên, cũng tỏ ra trình độ nghiệp dư. Quả bóng vượt qua cầu môn như viên đạn cao xạ pháo bắn đi vạch một đường vòng cung như chiếc cầu vồng trong không trung rồi rơi xuống đất lăn thật nhanh, cuối cùng đã lăn vào đống phân trâu. Thợ quay camera xấu hổ cúi đầu chạy gằn đến chỗ bãi phân trâu nhặt bóng đem ra ao nước rửa sạch phân trâu dính trên quả bóng, sau đó lại để quả bóng vào vị trí điểm bóng. Tiếp theo Thôi Vĩnh Nguyên bảo các em học sinh tiểu học xếp hàng luyện tập đá phạt điểm bóng. Sau đó đã xuất hiện cảnh tượng khó quên, mỗi em học sinh sau khi đá bóng đều chạy theo quả bóng, sau khi bóng thôi lăn liền ôm quả bóng đá ra ao nước rửa sạch rồi đặt quả bóng về vị trí điểm bóng ban đầu. Chúng cứ tưởng rửa sạch bóng đá là quy tắc của thi đấu bóng đá. Câu chuyện có thật này xảy ra vào mùa hè năm 2006. Trong ngày hè này có hơn 100 triệu người Trung Quốc theo dõi cúp thế giới nước Đức qua vô tuyến truyền hình. Trên cúp thế giới Hàn Quốc - Nhật Bản năm 2002, thi đấu tiểu tổ giữa Trung Quốc và Brazin, vô tuyến truyền hình đã phát lại, thu hút con mắt của 200 triệu người Trung Quốc. Trước đó năm 1978, Trung Quốc bắt đầu phát thi đấu bóng đá cúp thế giới, cũng trong năm ấy thi đấu vòng loại bóng đá của Trung Quốc chính thức bắt đầu. Trung Quốc hiện nay rất đông trẻ con ở các địa phương đã quen thuộc với các nhãn mác thể dục thể thao như Naike và Aditas, nhưng các em ở địa khu vực nghèo khổ tây nam vẫn chưa hề nghe nói đến bóng đá. Một thầy giáo Trung học ở Bắc Kinh nói với chúng tôi, học sinh hiện nay vì ngày nào cũng mặc quần áo đồng phục của nhà trường, chúng không thể so sánh trên quần áo thể thao, thì tìm cách so sánh giầy thể thao đi trên chân. Ví dụ đều là giấy bóng rổ Naike, lại còn so sánh anh nào đi giầy thế hệ thứ mấy của Jdan, anh nào đi giầy thế hệ thứ mấy của kebi. Trung Quốc là một đất nước đất rộng, người đông, kinh tế phát triển không cân bằng, trong thời kỳ giữa những năm 80 của thế kỷ trước, dân trong thành phố ở khu vực ven biển miền đông uống cocacola một cách phổ biến, nhưng đến thời kỳ giữa những năm 90, dân ở khu vực miền núi trung bộ đi ra tỉnh ngoài làm thuê, khi trở về quê ăn tết mang cocacola về làm quà cho gia đình, bởi vì bà con của quê hương họ vẫn chưa từng trông thấy cocacola. Cùng người Trung Quốc, cùng là cocacola nhưng ở những vùng giàu có và vùng nghèo túng lại có khoảng cách đến 10 năm. Trong thời gian Olympic Bắc Kinh 2008, rất nhiều người đời sống khó khăn mơ ước được xem sân vận động Tổ Chim và Khối nước (bể bơi quốc gia) tượng trưng cho Trung Quốc hiện nay, họ đáp tàu hỏa và xe ca đường dài từ tỉnh ngoài đổ về Bắc Kinh. Với vẻ mệt mỏi đường dài và tâm lý hưng phấn, dọc đường, họ dò hỏi, hy vọng đến nhìn sân vận động Tổ Chim và khối nước, nhưng vé ra vào cửa quá hiếm, vé mua lại trên tay con buôn vé lại quá đắt. Có thể là xuất phát từ góc độ bảo đảm an toàn, những người không có vé vào không thể đi vào công viên Olympic có sân vận động Tổ Chim và Khối nước (Bể bơi quốc gia) phải có vé xem triển lãm du lịch mới được vào. Những đồng bào lặn lội đường dài của tôi đã đến Tổ chim và Khối nước nhưng ngay đến vé đi du lịch triển lãm cũng không có đành phải đứng ở chỗ rất xa chụp ảnh kỷ niệm với sân vận động Tổ chim và Khối nước. Mặc dù vậy họ vẫn tươi cười hạnh phúc. Trong lúc đó trong sân nhà thi đấu Tổ Chim và Khối nước lại bỏ trống rất nhiều chỗ ngồi, mà những chỗ trống đều là những ghế ngồi rất lý tưởng. Những đồng bào khác của tôi, tức là những quan chức và quý nhân có vé vào cửa với vị trí tốt nhất. Họ đã quen với lối sống vung vãi tiền của, cũng với thái độ như thế họ bỏ tiền ra mua vé ra vào xem thi đấu ở sân vận động Tổ chim và Khối nước. Thậm chí họ khỏi cần suy nghĩ những vé ra vào bỏ không trong túi họ quý báu biết chừng nào đối với những người Trung Quốc khác. Họ cũng không hề quan tâm đến đông đảo dân thường bóp mồm bóp miệng đông như thế đến Bắc Kinh lại không có vé vào xem trong công viên Olympic Bắc Kinh. Trung Quốc ngày nay có thể nói là một Trung Quốc có khoảng cách khổng lồ. Hình như chúng ta đang đi trong một hiện thực: Một bên là tường gẫy vách đổ, một bên là phồn hoa rực rỡ. Hay nói cách khác chúng ta đang ở trong một rạp kịch kỳ quái, trên cùng một sân khấu nửa bên này đang diễn kịch vui, nửa bên kia đang diễn bi kịch. Khi những nhà cao tầng có nhãn mác nổi tiếng như tòa lớn LV, tòa lớn Gucci lần lượt mọc lên sừng sững trong những khu phố phồn hoa ở thành thị Trung Quốc, khi những cuộc triển lãm hàng hóa xa xỉ như triển lãm xa xỉ phẩm ở Thâm Quyến, ở Quảng Châu và Thượng Hải liên tục được tổ chức bày bán và đã thành công lớn, ví dụ như triển lãm hàng xa xỉ phẩm ở Thâm Quyến mức tiêu thụ hàng xa xỉ phẩm của ba loại nhãn mác lớn chỉ trong ba ngày đã vượt quá 200 triệu nhân dân tệ. Thế là người ta đột nhiên nhận thấy chỉ trong chớp mắt Trung Quốc đã từ một căn cứ gia công xa xỉ phẩm, biến thành một căn cứ tiêu dùng xa xỉ phẩm. Cơn khủng hoàng tài chính tiền tệ khiến cho mặt hàng xa xỉ bị ghẻ lạnh trên thị trường Âu Mỹ truyền thống, nhưng trên thị trường Trung Quốc vẫn biểu hiện nóng bỏng. Tháng ba năm 2009, ICSC của Mỹ ra tuyên bố cho biết, chủ bán lẻ hàng xa xỉ phẩm của Mỹ trong tháng 2 và mức tiêu thụ trong các cửa hàng đã giảm xuống 19,2 %, so với tốc độ giảm của cả ngành bán lẻ cao 19,1%. Từ tháng 6 năm 2008 đến nay tiêu thụ hàng xa xỉ phẩm của nước Mỹ luôn luôn là mảng biểu hiện kém nhất trong thành tích của ngành bán lẻ. Nhưng một bản báo cáo mới đây cho là thịnh nhất, thì nói tỷ lệ tăng trưởng năm về mức tiêu dùng hàng xa xỉ phẩm Trung Quốc năm 2008 là khoảng 20%. Đến năm 2015 tỷ lệ tăng trưởng năm sẽ khoảng 10%. Lúc đó tổng mức tiêu dùng hàng xa xỉ phẩm của Trung Quốc có hy vọng vượt quá 11,5 tỷ USD trở thành nước tiêu dùng hàng xa xỉ phẩm đầu tiên của thế giới, chiếm khoảng 29% tổng mức tiêu dùng toàn cầu. Báo cáo nghiên cứu của hiệp hội chiến lược nhãn mác Trung Quốc càng khủng khiếp hơn, số người tiêu dùng có khả năng mua sản phẩm nổi tiếng Quốc tế của Trung Quốc hiện nay đã lên tới 13%, năm 2010 sẽ đạt tới 250 triệu người. Trong lúc đó sự nghèo khổ và đói kém cũng loang ra khắp nơi ở Trung Quốc. Những câu chuyện khiến ta đau lòng luôn luôn dội vào tai. Một cặp vợ chồng thất nghiệp đã lâu đem con trai nhỏ của họ về quê, trên đường về nhà họ đi qua một chỗ bày bán hoa quả, trông thấy trong nhiều loại hoa quả bày bán có chuối tiêu giá rẻ, cậu ấm xin bố mẹ mua cho một quả, chỉ cần một quả là được. Nhưng hai bố mẹ nghèo khổ tới mức móc hết tiền trong túi vẫn không đủ mua một quả chuối, đành phải kéo con đi qua cửa hàng. Thằng bé cất tiếng khóc to, đã lâu lắm rồi nó chưa từng được ăn chuối, gần như nó đã quên chuối có mùi vị gì. Nó bị bố mẹ lôi xềnh xệch về nhà trong tiếng khóc thương tâm và cứ tiếp tục khóc mãi. Tiếng khóc dai dẳng của thằng bé khiến bố nó bực mình đã giơ tay đánh con. Nhưng cậu bé vẫn cứ khóc một cách dai dẳng, mẹ nó chạy đến đẩy chồng ra, thế là hai bố mẹ cãi nhau. Tranh cãi giữa hai bố mẹ mỗi lúc một dữ dội, cộng với tiếng khóc đòi ăn chuối tiêu của thằng bé khiến ông bố đột nhiên cảm thấy bi ai. Rồi bi ai lại nhanh chóng diễn biến thành thù hận. Người bố này thù hận bản thân, hận mình kém cỏi, hận mình không có việc làm, không có thu nhập, ngay đến nguyện vọng muốn ăn một quả chuối của thằng con cũng không đáp ứng nổi. Tâm trạng thù hận này khiến anh bước lên ban công, mất hết lý trí, không quay đầu lại, từ trên ngôi nhà cao hơn 10 tầng anh nhảy xuống đất. Vợ anh thét lên đuổi theo, chạy xuống hơn 10 cầu thang nhìn thấy chồng nằm trên vũng máu. Chị quỳ xuống đất ra sức ôm chồng, gọi tên anh, nhưng anh không có phản ứng gì. Một lát sau chị cảm thấy chồng đã chết, chị đột nhiên bình tĩnh trở lại không gào khóc nữa. Chị đặt xác chồng xuống rồi đứng lên về nhà, chị thẫn thờ đi vào cầu thang điện. Khi về đến nhà cậu con trai nhỏ tuổi không biết đã xảy ra chuyện gì vẫn khóc lóc vì một quả chuối. Trong cái nhìn chăm chú của đứa con trai khóc lóc, người mẹ đã tìm thấy một sợi dây thừng, chị bê một chiếc ghế ra giữa nhà, sau khi đứng lên ghế chị thong thả buộc sợi dây thừng lên chiếc móc sắt treo đèn, sau khi quấn dây thòng lọng vào cổ mình, chị trông thấy thằng bé khóc lóc ngồi trong ghế nhìn mẹ một cách khó hiểu, chị thò đầu ra khỏi nút thòng lọng, nhảy xuống ghế đi đến trước mặt thằng bé thay đổi hướng của con trai và chiếc ghế nó ngồi, để con trai quay vào lưng mình, sau đó chị lại trở về đứng lên ghế, lại thò cổ mình vào thòng lọng, chị đau đớn nhìn lưng đứa con đang khóc, rồi đá đổ ghế treo cổ tự vẫn. Hai bố mẹ đã chết đứa con vẫn khóc liên tục. Thằng bé bây giờ khóc lóc không còn là vì một quả chuối. Tôi xin kể một câu chuyện khác cũng là câu chuyện đôi vợ chồng thất nghiệp và đứa con. Đứa con ở đây là một đứa con gái học tiểu học, cháu lên cơn sốt trán nóng hầm hập, cháu xin bố mẹ cho vào bệnh viện khám bệnh. Bố mẹ nói nhà không có tiền, hơn nữa cả hai bố mẹ đều mất việc phải đi kiếm ăn không có thời gian đưa con đi bệnh viện, cô bé rất biết điều đề nghị bố mẹ sang nhà hàng xóm mượn 20 đồng để mình tự đi, em có thể tìm được bệnh viện. Bố đẩy cho mẹ, mẹ đẩy cho bố đi vay tiền. Hai bố mẹ không ai muốn đi và đã cãi nhau. Đôi vợ chồng nghèo khổ này đã nhiều lần vay tiền nhà hàng xóm, hơn nữa luôn luôn không trả nổi, cho nên không người nào dám đi vay tiền. Cô gái thấy bố mẹ mình cãi nhau liền khuyên bố mẹ và nói mình không đi bệnh viện khám bệnh nữa. Hai bố mẹ thôi cãi nhau, con gái bảo con sốt cao đầu choáng váng không muốn đi học, mà muốn vào buồng ngủ, hai bố mẹ đã đồng ý yêu cầu này của con. Cô bé đi vào một mình, người bố ra khỏi nhà tìm việc làm, người mẹ thu dọn bếp núc, khi chuẩn bị ra khỏi nhà, chị vào buồng con gái xem con đã ngủ chưa, chị khẽ đẩy cửa buồng, thì nhìn thấy con gái đã dùng khăn quàng đỏ thắt cổ. Thường ngày cô bé này rất yêu quý khăn quàng đỏ, tối nào trước khi đi ngủ cũng lấy tay vuốt phẳng phiu khăn quàng đỏ và gấp lại cẩn thận, sáng sớm đi học đứng trước gương thắt cẩn thận khăn quàng đỏ lên cổ. Cô bé cảm thấy khăn quàng đỏ là vật trang sức đẹp nhất mà mình có. Tôi còn rất nhiền câu chuyện tương tự có thể kể ở đây. Không phải tôi muốn kể hết chuyện bất hạnh này đến chuyện bất hạnh kia đâu. Cuộc sống hiện thực của chúng tôi ngày nào cũng kể chuyện bất hạnh với tôi. Đương nhiên hiện thực của chúng tôi cũng ngày ngày kể với tôi hết chuyện vinh quang này đến chuyện vinh quang khác. Hiện nay số người có giá trị thu nhập cao trên 10 triệu nhân dân tệ đã lên đến mấy chục vạn. Theo báo cáo tài sản của Hồ Nhuận năm 2009 số người giàu 10 triệu đã đạt tới 825000 người. Con số 825000 người này còn kể cả 51000 nhà giầu trăm triệu . Báo cáo của Hồ Nhuận cho biết chi dùng bình quân hàng năm của các nhà giàu Trung Quốc là 2 triệu nhân dân tệ. Khoảng cách to lớn hình thành từ đó là, nếu lấy thu nhập hàng năm chỉ có 600 nhân dân tệ để tính thì Trung Quốc có 30 triệu người nghèo, nếu tăng thu nhập hàng năm lên đến 800 đồng nhân dân tệ thì số người nghèo ở Trung Quốc sẽ là 100 triệu. Tháng 2 năm 2009 tôi sang giảng ở UBC Vancouver, khi nói đến số người nghèo thu nhập hàng năm là 800 nhân dân tệ đã đạt tới 100 triệu, có một lưu học sinh Trung Quốc đứng dậy nói: Tiền không phải là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá hạnh phúc. Lời nói của người lưu học sinh Trung Quốc này khiến tôi rùng mình. Bởi vì đây không phải là tiếng nói của một người mà là tiếng nói của một quần thể người Trung Quốc. Họ chìm đắm trong cảnh tượng ngày càng phồn hoa của Trung Quốc, nhưng không quan tâm đến hơn100 triệu người đang sống trong cảnh bần cùng khó tưởng tượng. Tôi nghĩ bi kịch thực sự của chúng ta có lẽ là ở đây: không thấy sự tồn tại của bần cùng đói rét còn đáng sợ hơn là bần cùng đói rét. Tôi nói với người lưu học sinh Trung Quốc ấy: Điều chúng ta thảo luận không phải là tiêu chuẩn của hạnh phúc mà là một vấn đề xã hội có tính chất phổ biến. Nếu anh là người thu nhập hàng năm chỉ có 800 nhân dân tệ, anh nói câu này sẽ được kính nể. Nhưng anh đâu phải người như vậy. Trong 30 năm qua Trung Quốc đã sáng tạo ra những kỳ tích kinh tế cả thế giới ai cũng biết. Kinh tế bình quân hàng năm trong 30 năm đã tăng trưởng 9%. Sang năm 2007 Trung Quốc đã trở thành nước kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Nhưng đằng sau số liệu vinh quang này lại là một số liệu khiến người ta bất an. Thu nhập năm bình quân đầu người vẫn đứng thứ 100 trên thế giới. Hai khoản này phải là chỉ tiêu kinh tế tiếp cận hoặc cân bằng. Trung Quốc hiện nay khoảng cách chênh lệch lại lớn lao như thế. Nhóm số liệu này đã chứng tỏ là chúng ta hôm nay đang sống trong một xã hội mất cân bẳng. Sự mất cân bằng của đời sống xã hội tất nhiên sẽ đem đến sự mất cân bằng của mộng tưởng. Mấy năm trước CCTV trong chương trình tết thiếu nhi ngày 1 tháng 6 đã phỏng vấn các em ở các địa phương Trung Quốc, họ hỏi các em tết ngày 1 tháng 6 các em muốn được tặng quà gì nhất? Một em bé nam ở Bắc Kinh nói em muốn có một chiếc máy bay Boing thật sự, một em nữ ở Tây Bắc thì e thẹn nói em muốn có một đôi giầy bóng đá màu trắng. Hai em bé Trung Quốc cùng tuổi đều có mộng tưởng cách xa đến thế. Đối với bé gái Tây Bắc này chỉ muốn được một đôi giày đá bóng màu trắng thông thường có lẽ cũng xa vời như em trai ở Bắc Kinh muốn có một chiếc máy bay Boing. Kỳ thực chúng ta luôn luôn sống trong khoảng cách cực lớn. Chúng ta đã từng nói: Trung Quốc thời cách mạng văn hóa và Trung Quốc thời nay giống như giữa thế kỷ của Châu Âu và hiện tại ở Châu Âu. Một người Châu Âu sống 400 năm mới có thể từng trải hai thời đại khác nhau một trời một vực này, còn một người Trung Quốc chỉ cần 40 năm là đủ. Khoảng cách giữa mộng tưởng của hai em ở Bắc Kinh và Tây Bắc thể hiện hai cực đoan, giống như bên cạnh vở kịch vui tăng trưởng với tốc độ nhanh của tiêu dùng hàng xa xỉ phẩm, diễn một bi kịch chỉ vì một quả chuối tiêu mà cả gia đình người mất, nhà tan và vở bi kịch em gái dùng khăn quàng đỏ thắt cổ tự tử. Còn nữa, khi hàng nghìn hàng vạn trẻ con Trung Quốc mặc Naike và đi giày bóng đá Atita thì em bé ở vùng nghèo khổ nào đó của Tây Nam vẫn không biết bóng đá là gì. Đây là khoảng cách của hiện thực chúng ta. Những ví dụ này có thể nói to lớn như khoảng cách của ví dụ thứ nhất tôi đã nêu, nữ sinh trung học hơn ba mươi năm trước và nữ sinh trung học hiện nay là hai cực đoan khác. Đây là khoảng cách của lịch sử chúng ta. Khoảng cách của lịch sử khiến một người Trung Quốc chỉ cần 40 năm đã trải qua biến động 400 năm của châu Âu, nhưng khoảng cách của hiện thực lại chia người Trung Quốc cùng thời đại sang thời đại khác nhau. Em bé trai Bắc Kinh và em bé gái Tây Bắc vừa nói trên là hai em bé sống ở cùng một thời đại, sự khác biệt giữa mộng tưởng của các em khiến người ta chợt cảm thấy một em sống ở Châu Âu hiện nay, còn em kia đang sống ở Châu Âu hơn 400 năm về trước. Đây là Trung Quốc hôm nay, chúng ta không chỉ sống trong khoảng cách to lớn khủng khiếp của hiện thực và lịch sử, cũng sống trong khoảng cách cực lớn của mộng tưởng. Còn câu nói của một lưu học sinh Trung Quốc ở UBC Vancouver khiến tôi cảm thấy chúng ta còn sống trong khoảng cách cực lớn về nhận biết xã hội. Cuối cùng tôi xin kể một câu chuyện ngắn gọn chân thực để kết thúc bài viết này. Đây là câu chuyện xảy ra trong một thành phố nào đó ở miền Nam Trung Quốc trong cảnh tượng phồn vinh đi lên, đầu người lúc nhúc trong siêu thị và những nhà cao tầng hiện đại hóa mọc lên như rừng, một em học sinh nhỏ lớp 6 bị bắt cóc. Hai kẻ bắt cóc nghèo xơ nghèo xác không có một đồng xu dính túi lại không hề có kinh nghiệm bắt cóc, chúng tìm khắp nơi cũng không kiếm đươc công ăn việc làm đã đi đến quyết định liều lĩnh, đã không có kế hoạch chặt chẽ cũng không có sự chuẩn bị đầy đủ, đã dám tức hứng bắt cóc em học sinh tan học về nhà. Chúng bịt chặt mồm em bé, kéo em bé đang giãy dụa vào trong một nhà xưởng đang tháo dỡ. Chúng đã chiếm đóng khu xưởng bỏ đi này, từ em học sinh chúng đã lấy được số điện thoại di động của bố mẹ em, chúng đến trạm điện thoại công cộng ở bên đường phố gần đó gọi điện cho mẹ em bé đòi bà mang tiền đến chuộc con. Chúng đều không biết nên đi đến chỗ xa hơn để gọi cuộc điện thoại đòi tiền chuộc này, căn cứ vào số điện thoại để lại trên máy di động của mẹ em bé, cảnh sát khu vực đã xác định địa điểm của kẻ bắt cóc cho nên họ đã rất nhanh chóng truy nã tìm ra vụ án. Hai tên bắt cóc khi đòi tiền chuộc không có tiền mua hộp cơm, một tên trong đó mượn được 20 đồng nhân dân tệ mua 2 hộp cơm, một hộp cho em bé, còn hộp kia cho hai kẻ bắt cóc. Về sau em học sinh được cứu đã nói với cảnh sát: - Chúng nó nghèo quá, thả chúng nó ra chú ạ! Ngày 28 tháng 8 năm 2009 (còn tiếp) Nguồn: Trung Quốc trong 10 từ vựng. Tản văn của Dư Hoa. Vũ Công Hoan dịch. Nhà văn Vũ Công Hoan gửi www.trieuxuan.info |
Thứ Năm, 19 tháng 9, 2019
Trung Quốc trong 10 từ vựng (6): Khoảng cách
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét