Thứ Năm, 19 tháng 9, 2019

Trung Quốc trong 10 từ vựng (8) Thảo dân



Dư Hoa


8. THẢO DÂN


Có đến gần năm năm về trước, trong một thành phố quan trọng của Trung Quốc đã xuất hiện một cụm nhà gác giá cao cắt cổ, đứng sừng sững giữa khu vực trung tâm phồn hoa bậc nhất của thành phố. Trong cụm nhà gác cao hơn bốn mươi tầng này có sáu khách sạn cao cấp, mỗi khách sạn có diện tích 2000 mét vuông, trang trí vô cùng xa xỉ, vật liệu sử dụng và dụng cụ nhà bếp nhà vệ sinh đều là mác sản phẩm tối tân nhất thế giới. Sáu khách sạn cao cấp này vừa bắt đầu tiêu thụ đã lập tức có khách hàng.

Người đầu tiên mua một trong sáu khách sạn có giá trị hơn một trăm triệu đồng nhân dân tệ đâu phải nhà buôn bất động sản lôi cuốn hấp dẫn, không phải nhà đầu tư tài chính tiền tệ, hoặc bậc tân quí của ngành IT, mà là một vị cai đầu dài mua bán máu rất không đáng kể trong làn sóng kinh tế của Trung Quốc, là người tổ chức bán máu. Vị cai đầu dài bán máu giầu có này ra tay hào phóng trả hết tiền ngay một lúc. Thế là câu truyện về thảo dân của tôi có thể rủ rỉ kể ra.

Trong truyện dài “Hứa Tam Quan bán máu” xuất bản năm1995, tôi xây dựng một nhân vật Lý Huyết Đầu (Trưởng phòng quản lý máu họ Lý). Đây là sự kéo dài vốn sống thời nhỏ của tôi ở bệnh viện trong thế giới hư cấu. Khi tôi viết truyện dài này, nghĩa của từ thảo dân trong hán ngữ hết sức đơn thuần, chỉ là bộ rễ của cây cỏ mà thôi. Mấy năm sau chúng tôi nhập khẩu từ tiếng Anh (grassroots) nghĩa từ đã hoàn toàn mới. Thảo dân nghĩa rộng đã trở thành đại danh từ chỉ tầng lớp yếu thế phi dòng chính và phi chính thống (tương đương với từ thảo dân, dân đen của ta - ND), sau đó nhanh chóng lan ra xã hội Trung Quốc.

Trong ký ức của tôi, anh chàng trong bệnh viện chịu trách nhiệm thu mua huyết dịch của nông dân, cũng giống như y tá bác sĩ mặc áo choàng blu trắng, nhưng áo blu trắng của anh ta rất bẩn, nhất là ở mông và cánh tay áo đen sì sì. Mồm anh ta suốt ngày ngậm thuốc lá cuốn. Nông dân đến bán máu đều tôn xưng anh ta là “huyết đầu”, giải thích bằng văn bản tức là trưởng phòng quản lý máu.

Trưởng phòng quản lý máu này đã xác lập cho mình thẩm quyền không nói mà biết trong thế giới huyết dịch. Tuy trong bệnh viện địa vị của anh thấp hơn một y tá thông thường nhất, nhưng anh tinh thông ý nghĩa của tích lũy năm tháng. Trong thời gian trôi qua anh lặng lẽ xây dựng cho bản thân địa vị làm vua thảo dân. Trong con mắt của những nông dân vì nghèo khổ hoặc vì lý do quan trọng hơn khác đến bán máu, có lúc anh là một Chúa Cứu Thế.

Trong thời đại đã qua, kho máu trong mọi bệnh viện đều tồn kho đầy đủ. Ngay từ ban đầu, anh đã tận dụng đầy đủ điểm này, khiến những người bán máu từ xa đến, dọc đường bắt đầu lo lắng, lo máu chảy trong cơ thể mình liệu có bán được không?

Anh đã hết sức tự nhiên không chỉ gây sự tôn kính của mọi người đối với bản thân, mà còn khiến họ ai ai cũng xuất phát từ đáy lòng. Tiếp theo anh lại làm cho những người nông dân chất phác nhất này hiểu rõ ý nghĩa của quà biếu. Tuyệt đaị đa số trong những người này đều mù chữ, nhưng họ biết sự trao đổi giao lưu tất không thể thiếu giữa con người với con người. Rõ ràng quà biếu là chỗ dựa quan trọng nhất khi giao lưu. Nó là một thứ ngôn ngữ khác, là thứ ngôn ngữ lấy tự tổn thất làm tiền đề. Chính vì vậy, quà biếu trở thành một từ yêu thích, khen ngợi và tôn kính. Như vậy anh khiến các nông dân hiểu rõ, trước khi ra khỏi nhà phải đem theo hai cây rau xanh, hoặc mấy quả cà chua và vài quả trứng gà. Khi hiến rau xanh, cà chua, trứng gà, cũng là hiến từ khen ngợi và tôn kính. Nếu đi tay không coi như mất ngôn ngữ, trở thành người câm điếc.

Anh chịu khó kinh doanh vương quốc của mình, kéo dài mấy chục năm. Về sau thời đại thay đổi, mọi kho máu trong bệnh viện đều bắt đầu trở nên thiếu máu, người mua máu bắt đầu nịnh kẻ bán máu, thẩm quyền của những người thu mua máu trong bệnh viện bị lung lay. Nhưng anh không vì thế mà lo. Lúc bấy giờ anh đã nghỉ hưu, trái lại anh nắm bắt thời cơ trở thành cai đầu dài buôn bán máu thực sự, không còn là nhân viên quản lý máu trong bệnh viện trên ý nghĩa truyền thống.

Vị cai đầu dài buôn bán máu naỳ đã qua đời hơn mười năm trước. Trước khi tạ thế anh đã hoàn thành một việc hoành tráng. Bố tôi cho tôi biết tin này. Cuối năm 1995 bố tôi đọc xong “Chuyện Hứa Tam Quan bán máu”, trong điện thoại bố tôi kể câu truyện sau khi về hưu, nhân viên thu mua máu này giầu có lên như thế nào. Khi thị trường Trung quốc kinh tế trỗi dậy mạnh mẽ, anh này phát hiện giá máu thời bấy giờ ở mỗi địa phương một khác nhau. Thế là trong một thời gian rất ngắn đã tổ chức gần một ngàn người bán máu, lặn lội đường daì hơn 500 km từ Triết Giang đến Giang Tô, vượt qua mười huyện, đem máu của họ bán đến nơi giá cao nhất mà anh biết. Những kẻ đi theo anh ta có thu nhập nhiều hơn một chút, nhưng túi tiền của anh ta đã phồng lên như quả bóng đá đẫy hơi.

Tôi có thể tưởng tượng, đây là một chuyến đi dài dằng dặc phức tạp rối loạn. Tôi không biết anh ta sử dụng thủ đoạn gì, khiến những con người thường ngày tự do tản mạn nhất, lại không quen biết nhau, tổ chức thành đôị ngũ thảo dân đông đảo ô hợp, ồn ào ầm ĩ. Tôi tin anh ta có qui định kỷ luật nào đó với bọn họ, hơn nữa đã tự ý vận dụng những biên chế nào đó của quân đội, Trong đám đông tạp loạn này anh chọn ra hơn mười người cho họ có quyền hạn, bắt họ thể hiện toàn bộ tài hoa của mình, cùng một lúc vừa dọa nạt và lôi kéo, vừa nói lời đường mật, vừa buột mồm mắng mỏ. Họ đã quản chặt gần một ngàn người này, còn anh ta chỉ lo quản chặt hơn mười người kia là đủ.

Bán máu để kiếm sống.
Người dân làng Wenlou xếp hàng nhận thuốc điều trị AIDS miễn phí.


Hành động tập thể này rất giống đội quân di động trong chiến tranh, hoặc giống như nghi thức tôn giáo đang tiến hành. Họ đen ngòm có thể phủ kín một đoạn đường dài. Đánh lộn nhau giữa những gã đàn ông, dè bỉu lẫn nhau giữa những mụ đàn bà, cả những cuộc tình vụng trộm giữa trai và gái và những dịch bệnh đột kích bất ngờ một số ai đó. Đương nhiên cũng có những sự giúp nhau chân thành, có thể còn có tình yêu nảy sinh... Tôi tin trên thế gian này có thể không tìm đâu ra đội ngũ khác, có thể phong phú đa dạng hơn đội ngũ thảo dân bán máu này.

Tôi nghĩ, cái ông quản lý máu trong ký ức tuổi thơ của tôi nếu không qua đời quá sớm, thì của cải ông tích lũy được cũng có thể sống trong ngôi nhà hào hoa sang trọng. Đương nhiên không thể đặt ngang bằng với ông cai đầu dài bán máu trong thành phố lớn tôi đã nói ở trên. Ông cai đầu dài bán máu ở trong khách sạn cao cấp nhất giá trị hơn một trăm triệu đồng nhân dân tệ có thẩm quyền hoành tráng hơn. Nghe đâu ông lãnh đạo hơn mười vạn người bán máu. Đây là hiện thực của Trung Quốc hiện nay. Tuy mỗi người bán máu được tổ chức đi bán máu phải nộp một số chi phí, những vẫn nhiều hơn thu nhập một mình đi bán máu.

Con người khổng lồ huyết dịch chuyên trách tổ chức bán máu này, sống một cuộc sống xa xỉ mai danh ẩn họ, không ai biết ông ta xét đến cùng có bao nhiêu của cải? Khi kho máu đang thiếu máu, con người buôn bán máu khổng lồ này cũng là đối tượng lấy lòng của các bệnh viện lớn. Có khi muốn mời ông ta ăn bữa cơm cũng rất khó. Đối với ông ta buôn bán là buôn bán. Giá cả của bệnh viện ở đâu cao, huyết dịch ông ta khống chế sẽ chảy về đó.

Bán máu, nghề này xem ra có vẻ hết sức thấp kém, Cũng như thế, xin kể một câu truyện tiền của, mà tạp chí “Fu bu si” bàn đến một cách say sưa. Đây là một câu truyện về thành công của thảo dân chính cống. Tôi lại kể câu truyện của một thảo dân khác. Đây là câu truyện tôi đọc trên báo Trung Quốc ba năm trước, một người thu hồi phế liệu cũ, trên báo gọi ông ta là chủ bang, bang ăn xin, hay còn gọi là vua rác. Ông ta chỉ là vua rác của một khu vực nào đó trong thành phố. Nhưng ông ta có tài sản mấy chục triệu. Trong thành phố của Trung Quốc, trong mỗi khu ở nhỏ đều có mấy người chuyên môn thu hồi phế phẩm. Họ mua những vật phẩm sắp sửa thải loại của dân cư với giá rẻ, sau khi phân loại những vật phẩm cũ bỏ này, hơi nâng cao giá bán lại cho con buôn thu hồi lớn hơn. Vua rác mà tôi nói chính là con buôn thu hồi phế liệu lớn hơn. Ông ta mua phế liệu từ những con buôn thu hồi nhỏ rồi nâng giá bán cho những xí nghiệp sản xuất khác nhau. Xí nghệp sản xuất có thể vì thế hạ thấp giá thành nguyên vật liệu. Khi trả lời nhà báo phỏng vấn lấy tài liệu, vua rác có thân giá mấy chục triệu này nói rất khiêm tốn. Nhà báo hỏi ông, làm thế nào ông phát hiện ra cơ hội làm ăn này? Ông ta nói:

- Tôi chỉ làm những việc người khác không muốn làm.

Câu nói giản dị chất phác này đã nói ra những bí mật nào đó của kì tích kinh tế Trung Quốc ba mươi năm qua. Tức là người Trung Quốc hiện nay với phương thức không chỗ nào là không bỏ qua và tinh thần thảo dân không sợ gì hết, đã thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Thế là trong đời sống kinh tế của chúng ta đã xuất hiện rất nhiêù vua, vua giấy lau mồm, vua bí tất, vua bật lửa ... Ở Triết Giang có vua cúc áo, chủng loại cúc áo mà ông ta kinh doanh không thể đếm xuể, tuy lợi nhuận của cúc áo rất mỏng, nhưng trên thế giới chỉ cần nơi nào có quần áo đều có cúc của ông ta. Giấy lau mồm, tất, cúc áo và máy lửa vv... hầu như đều là những ngành nghề bé nhỏ thấp kém, nhưng một khi có thị trường khổng lồ, một ngành nghề bé nhỏ thấp kém cũng có thể trở thành một đế quốc giầu có.

Một nhà buôn xe con kể cho tôi nghe câu truyện, ở Nghĩa Ô Triết Giang, ông có một cửa hàng 4S của BMW, một hôm có một ông già dáng dấp nông dân đến cửa hàng, hơn mười con cháu nhỏ xúm theo ông. Họ chui ra khỏi chiếc xe bảy tám chỗ, tiền hô hậu ủng đi vào cửa hàng 4S. Các con cháu chọn mua cho ông già tiền của rủng rỉnh một chiếc xe con. Ông già ưng ý một chiếc BMW760li giá hơn hai triệu đồng nhân dân tệ. Ông hỏi nhân viên bán hàng, tại sao xe đắt thế? Người bán hàng giới thiệu với ông cặn kẽ các loại thiết bị tiên tiến và tác dụng của kiểu xe con này. Ông vừa nghe vừa lắc đầu bảo mình nghe không hiểu. Cuối cùng người bán hàng giới thiệu với ông ghế ngồi da bò trong xe con, chỉ vào buồng lái nói, chiếc ghế ngồi này đã dùng hết hai con bò, chọn những chỗ da tốt nhất trên thân hai con bò để cắt ra bọc ghế. Ông già nông dân vốn là đứa trẻ chăn bò ngày trước sau đó giầu vọt lên trong dòng thác lớn kinh tế Trung Quốc, hiểu ra ngay chiếc xe con BMM760li này tại sao lại đắt như vậy. Ông nói với các con cháu của mình,

- Một cái ghế bọc hết da trên thân hai con bò, chắc chắn đây là chiếc xe cao cấp.

Ông đã mua cho mình chiếc xe con BMW760li, lại mua cho các con trai con dâu, các cháu trai cháu gái mỗi đứa một chiếc xe con BMW. Theo thứ bậc, bắt đầu từ xê ri7 của BMW đến xê ri 5 và xê ri 3 phân phối cho các con cháu. Khi thanh toán, các con cháu ông chuyển xuống xe bảy tám chỗ ngồi mấy hộp giấy to, bên trong chứa đầy tiền mặt. Lão nông dân này hoàn toàn không tin séc và thẻ tín dụng. Đối với lão chỉ có tiền giấy mới là tiền trên ý nghĩa chân chính,

Lão nông dân này, bằng kinh nghiệm sống của mình và lối tư duy trực tiếp chất phác đã hiểu ngay tại sao chiếc xe con BMW760li lại đắt như thế. Một số thảo dân của Trung Quốc lúc mới kinh doanh không có tri thức về kinh tế học, cũng không có kinh nghiệm về quản lý, nhưng trong thời gian rất ngắn đã giầu lên trông thấy, chính là vì họ có lối tư duy độc đáo hoàn toàn của mình. Giống như tư duy của ông già nông dân hiểu tại sao chiếc xe con BMW760li lại đắt thế. Loại tư duy thảo dân xem ra như cục đất, có thể khiến họ trong chốc lát nhằm trúng chỗ yếu của sự vật.

Những câu truyện tôi đã kể có thể liệt kê ra rất nhiêù trong sự phát triển kinh tế của Trung Quốc từ sau năm 1978. Có thể nói như sau, kỳ tích kinh tế Trung Quốc ba mươi năm trở lại đây, kỳ thực là vô số kỳ tích của cá nhân xây đắp nên kỳ tích của nhà nước, kỳ tích tôi nói ở đây là những kỳ tích do tầng lớp thảo dân sáng tạo nên.

Thảo dân Trung Quốc dám nghĩ dám làm, trong làn sóng phát triển kinh tế họ không từ mọi thủ đoạn, cho dù phạm pháp, thậm chí cả những chuyện phạm tội họ cũng dám làm thử. Mặt khác sau khi cải cách mở cửa, pháp chế Trung Quốc là một quá trình kiện toàn từng bước, một số luật pháp và pháp quy có không ít khe hở đem đến cho các thảo dân nhiều cơ hội luồn lách. Cho nên bất cứ kỳ tích dân gian nào, những thảo dân này đều có thể sáng tạo ra. Với cả gan trời không sợ đất không sợ, họ không sợ mất cái gì, bởi vì họ bắt đầu từ con số không. Theo câu tục ngữ Trung Quốc nói, đi chân đất thì không ngại xỏ giầy. Nói theo ông Mác thì những người vô sản mất đi chỉ là gông cùm, còn được thì được cả thế giới!

Nhìn vào những tên trên bảng xếp hạng người giầu của Trung Quốc những năm qua, hầu như đều xuất thân từ thảo dân. Trong bảng này chỉ kể những con người giầu sụ lên nhanh chóng, những kẻ nghèo hai bàn tay trắng chỉ trong thấm thoắt đã trở thành triệu phú, sau khi được cả danh lẫn lợi, vinh hoa phú quí hầu như lấy không hết dùng không cạn. Đồng thời trên bảng này chỉ kể những cuộc đời tụt dốc hẳn, sau khi thân bại danh liệt, vinh hoa phú quí trong chốc lát đã trở thành mây khói bay qua mắt. Theo con số thống kê của “Bảng phú hào Hồ Nhuận”, trong bảng xếp hạng phú hào mười năm gần đây đã có 49 vị phú hào xuất thân từ thảo dân bị bắt hoặc bỏ chạy mất tích. Tội danh của họ rất đa dạng, nhiều màu sắc: “Tội lạm dụng tiền vốn”, “Tội lập mưu trộm cắp” “Tội đơn vị thực hành hối lộ” “Tội làm làm tiền giả”, “Tội lấy công khoản phi pháp”, “Tội chiếm dụng đất nông nghiệp phi thường”, ”Tội lừa đảo hợp đồng”, “tội lừa đảo thẻ tín dụng”... Trong dân gian gọi đùa bảng xếp hạng phú hào công bố hàng năm là “Bảng giết lợn”. Trung Quốc có một câu tục ngữ: “Người sợ nổi tiếng lợn sợ béo”, ý nói là người một khi nổi tiếng sẽ rủi ro, lợn vỗ béo sẽ bị giết, đứng trước việc dân gian gọi đùa bảng phú hào là “Bảng giết lợn”, ông Hồ Nhuận (Rupert Hoogewerf) sinh ở Lúc-xăm-bua, đến từ nước Anh, nổi tiếng vì lập bảng phú hào ở Trung Quốc, đã trả lời như sau:

- Con lợn đáng chết, cho dù lên hay không lên bảng phú hào đều sẽ chết.

Tỷ phú Hoàng Quang Dụ.

Tháng 11 năm 2008, người giầu số 1 Trung Quốc trên bảng phú hào là Hoàng Quang Dụ bởi nghi dính líu đến nhiều vụ án lớn đã bị công an bắt giam. Vị thảo dân đi ra từ một thôn nhỏ của tỉnh Quảng Đông này mấy năm trước, khi vừa bước lên hàng đầu bảng xếp hạng phú hào, đã có một nhà báo từng hỏi ông ta:

- Có phải ông bỏ tiền ra mua tước hàm giầu số một này?

Lúc đó Hoàng Quang Dụ trả lời:

- Tôi chán chết cái ông Hồ Nhuận, còn cho ông ấy tiền hay sao? Cái bảng của ông ta là một lệnh truy nã, ai lên bảng kẻ đó sẽ rủi ro!

Bảng phú hào này hoặc “Bảng giết lợn” ở Trung Quốc hiện nay chỉ là một góc của núi băng. Ngoài cái bảng này trong các cuộc đấu chọi quyền lực kinh tế không đâu là không có càng nhiều thảo dân đang diễn sự lên voi xuống chó cuộc đời họ, nói theo dân mạng của Trung Quốc, càng nhiều lợn hơn chưa kịp lớn đã bị giết. Mặt khác, trong hí kịch của thời đại chuyển đổi vui buồn hôm nay, chúng ta cũng không ai biết đến lúc nào thì kết thúc?

Quay nhìn lại chuyện xưa của cách mạng văn hóa, trong cuộc đọ sức quyền lợi chính trị, câu truyện cuộc đời lên voi xuống chó của các thảo dân cũng ào ào cuồn cuộn như nước chảy.

Tháng 8 năm 1973, trong đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ mười của Đảng cộng sản Trung Quốc, đã xuất hiện một cảnh tượng khiến ta bất ngờ, trên ghế chính giữa bàn chủ tịch Mao Trạch Đông ngồi không hề hồi hộp, bên phải Mao Trạch Đông cũng là thủ tướng Chu Ân Lai ngồi không hề hồi hộp, nhưng bên trái Mao Trạch Đông lại ngồi một thanh niên chỉ mới ba mươi tám tuổi. Mao Trạch Đông tuyên bố đại hội khai mạc, sau khi Chu Ân Lại đọc báo cáo chính trị, người thanh niên này bắt đầu thong thả ung dung đọc “Báo cáo về sửa đổi điều lệ Đảng cộng sản Trung Quốc”

Chàng thanh niên có tên là Vương Hồng Văn này khi cách mạng văn hóa mở đầu chỉ là một cán sự bảo vệ của nhà máy dệt bông Thượng Hải. Tháng 11 năm 1966, anh ta và mấy công nhân thành lập tổ chức phái tạo phản rất nổi tiếng lúc đó gọi là “Bộ tổng tư lệnh tạo phản cách mạng công nhân Thượng Hải”. Sau đó lên thẳng trời xanh, chưa đầy bảy năm, từ một cán sự bảo vệ chỉ bắt kẻ ăn cắp vặt, vọt thẳng lên chức phó chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, chỉ đứng sau Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai, trở thành nhân vật thứ ba của Trung Quốc thời đó, hơn nữa còn là người thừa kế chắc chắn của Mao Trạch Đông.

Nhưng vận may không dài, ba năm sau, hay nói cách khác sau khi Mao Trạch Đông qua đời và cách mạng văn hóa chấm dứt, anh ta cùng với Giang Thanh, Trương Xuân Kiều và Diêu Văn Nguyên cùng làm “lũ bốn tên” trở thành kẻ ngồi tù. Trong cuộc xét xử công khai tháng 12 năm 1980 tên tạo phản cách mạng thanh danh hiển hách này bị xử tù chung thân với tội danh “ tổ chức lãnh đạo tập đoàn phản cách mạng”.

Tứ nhân bang

Trong phong trào chính trị rầm rộ ở Trung Quốc, giữa cách mạng và phản cách mạng chỉ xa nhau một bước. Nói theo lối dân gian tức là trở bánh nướng. Trong thời đại đó mọi người đều chỉ là cái bánh nướng dán vào thành lò, bị bàn tay của số phận đảo đi đảo lại. Hôm qua là người cách mạng, hôm nay trở thành kẻ phản cách mạng, hoặc hôm này là kẻ phản cách mạng, ngày mai trở thành người cách mạng.

Trong những ngày sau đó Vương Hồng Văn dần dần bị mọi người lãng quên. Trong nhà tù anh ta một mình bị dày vò buồn khổ về tâm lý, thi thoảng nghĩ lại những năm tháng huy hoàng như bông hoa sáng nở tối tàn sẽ thở dài thườn thượt. Tháng 8 năm 1992 Vương Hồng văn qua đời vì bị bệnh gan lúc 57 tuổi. Cuộc đời anh ta kết thúc một cách lạnh lùng mờ nhạt. Khi đốt xác chỉ có vợ và em trai tiễn biệt.

Đạị cách mạng văn hóa kể lại biết bao nhiêu câu truyện cuộc đời mây bay gió nổi của phái tạo phản, không sao đếm xuể, kể ra không hết, nếu la liệt ra những câu truyện này sẽ giống như con đường cứ kéo dài mãi không đến tận cùng,hoặc giống như cây ken dầy trong rừng già khó mà đếm nổi.

Tôi nghĩ đến cái chết bi thảm của Lưu Thiếu Kỳ ở thời kỳ đầu cách mạng văn hóa. Sau khi phái tạo phản luôn luôn kéo dài sự chà đạp lên thể xác và nhân cách, vị chủ tịch nhà nước trước kia đã ngậm oan chết đi vào tháng 11 năm 1969. Lúc qua đời ông già 71 tuổi này tóc bạc dài hơn một thước, mà lại không có quần áo che thân, chỉ phủ một mảnh vải trắng trên thi thể. Trên giấy kí gửi tro xương của ông chỉ ghi hai chữ “vô nghề” trong cột liên quan đến chức vụ nghề nghiệp.

Mười năm cách mạng văn hóa, là những năm tháng trưởng thành của tôi từ tuổi thơ đến thanh niên, Thần tử vong chính mắt tôi nhìn thấy đã hai lần đến với thị trấn nhỏ của chúng tôi. Lần đầu tiên là khi nổ ra cuộc cách mạng văn hóa, trước đó các quan chức đảng cộng sản khiến người ta kính nể lần lượt bị đánh đổ với tội danh đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, một số quan chức không kham nổi đầy đọa, sau khi cảm thấy tuyệt vọng sâu sắc đã chọn tự sát theo phương thức khác nhau. Lần thứ hai sau khi cách mạng văn hóa chấm dứt, phái tạo phản mười năm liền phong quang đã lập tức trở thành nanh vuốt của bè lũ bốn tên, bánh nướng chính trị đảo đi, đến lân phái tạo phản lần lựơt bị đánh đổ, trong đó một số tên tạo phản cảm thấy ngày cuối cùng đã đến, giống như phái đi theo con đường tư bản chủ nghĩa thời kỳ đầu cách mạng văn hóa, bọn họ cũng tự sát với phương thức khác nhau.

Một tên vô danh tiểu tốt xuất thân từ thảo dân trong huyện chúng tôi, trong thời gian cách mạng văn hóa trở thành tên đầu sỏ phái tạo phản, đã bắt đầu chặng đường nhân sinh ngắn ngủi diễu võ dương oai. Thuở nhỏ tôi thường gặp anh ta trên đại hội phê đấu, Khi giọng anh ta oang oang phát ra từ loa cao tần, nghe rất dầy rất nặng, giống như tiếng của hai ba người chồng lên nhau. Anh ta vừa đọc bài phê phán, vừa nhìn những kẻ thuộc phái đi theo con đường tư bản chủ nghĩa cúi đầu đứng thành hàng, chỉ cần phát hiện thân thể của một tên đi theo con đường tư bản chủ nghĩa hơi nhúc nhích, hắn lập tức thôi đọc, bước đến đá mạnh một phát vào khoeo chân của người đó, khiến người đó ngã lăn ra đất. Sau khi Mao Trạch Đông nêu ra thành lập ủy ban cách mạng với phương thức “ba kết hợp” gồm cán bộ cũ, đại diện quân đội và phái tạo phản, hắn vào ủy ban cách mạng huyện với danh nghĩa đại diện phái tạo phản, lên tới chức phó chủ nhiệm. Con đường quan chức của hắn cũng đã danh chính ngôn thuận. Khi hắn đi trên đường phố thị trấn nhỏ chúng tôi, người nào cũng lấy làm vinh dự quen biết hắn, họ săn đón cung kính chào hỏi hắn, còn hắn chỉ gật gật đầu với họ có tính chất xã giao, ra vẻ không tự nhiên. Nhưng khi bọn trẻ chúng tôi gọi hắn là “chủ nhiệm” hắn mới vẫy tay với chúng tôi một cách hữu hảo.

Sau khi cách mạng văn hóa kết thúc, trong cuộc vận động thanh trừ chân tay của “lũ bốn tên”, hắn bị cách ly thẩm tra. Lúc đó chúng tôi vừa tốt nghiệp cao trung, mấy bạn học chúng tôi chẳng biết làm gì, đã từng rất hiếu kỳ đi xem trộm cuộc thẩm vấn hắn. Chúng tôi biết hắn bị giam trong ngôi nhà nhỏ đằng sau nhà kho công ty bách hóa. Chúng tôi trèo lên tường vây sau nhà kho, ngồi trên tường vây đung đưa hai chân, qua cửa sổ mở, nhìn thấy hắn ngồi trên chiếc ghế nhỏ, quay mặt vào hai người thẩm vấn hắn ngồi sau bàn. Hai người kia đập bàn, nghiêm sắc mặt dạy bảo hắn. Cảnh tượng ấy chẳng khác gì phái tạo phản xét hỏi phái đi theo con đường tư bản chủ nghĩa thời kỳ đầu cách mạng văn hóa. Tên tạo phản oai phong lẫm liệt ngày nào lúc ấy tỏ ra hết sức mềm yếu, vâng vâng dạ dạ kể lại những tội lỗi đã phạm khi làm chân tay cho “lũ bốn tên” như thế nào. Tôi còn nhớ lúc ấy hắn đã khóc, khi khai báo tội ác của mình, hắn né tránh nói sang chuyện khác, hắn bảo mẹ hắn mới mất cách đây vài hôm, mà hắn không thể trông coi bên thân mẹ. Tiếng khóc của hắn đột nhiên the thé như trẻ con, hắn bảo:
- Mẹ tôi nôn ra máu vào chậu rửa mặt, nôn ra một chậu máu.
Người xét hỏi hắn đập bàn nói:
- Nói láo, mẹ mày sao có nhiều máu thế?

Một buổi sáng, nhân lúc người canh gác hắn đi ra nhà vệ sinh, hắn bỏ trốn, chạy ven theo đê biển hơn mười km, đứng tại chỗ, ngẩn ngơ nhìn biển lớn mênh mông không bờ bến, tiếng sóng vỗ vào bờ không ngớt đập vào tai, rất có thể hắn không nghe thấy. Sau đó hắn cúi đầu đi vào một thị trấn nhỏ không xa, đứng một lát trước quầy của một cửa hàng, móc hết tiền trong túi mua hai bao thuốc lá và một bao diêm, rồi lại cúi đầu trở lại bờ đê.


Gần đó có mấy người nông dân đang làm ruộng. Họ trông thấy hắn vừa hút thuốc, vừa đi đi lại lại trên đê. Hắn cứ hút liền tù tì hết điếu này đến điếu khác không dừng nghỉ. Sau khi hút hết hai bao thuốc, ngẩn tò te nhìn mấy người nông dân đang làm việc, sau đó quay người đi. Không biết bơi, hắn đi xuống đê, đâm đầu xuống sóng biển vỗ dạt dào cuồn cuộn. Khi người đuổi bắt hắn dọc đường dò hỏi tìm đến nơi, thì không còn tung tích, chỉ nhìn thấy một đống đầu mẩu thuốc hắn để lại ở trên đê. Mấy hôm sau xác hắn bị sóng biển cuốn trôi dạt vào bãi cát huyện bên cạnh. Tôi nghe kể thân hắn chương phình lên không nhận ra, giầy và tất của hắn đều bị sóng biển bóc đi, còn quần áo thì vẫn mặc trên người.


Đại cách mạng văn hóa khiến những thảo dấn sống ở dưới đáy xã hội bí quá hóa liều, tìm được cơ hội bay bổng trong cách mạng tạo phản có lý của Mao Trạch Đông, một kẻ bình dân lập tức được đứng ở địa vị cao. Thời đó người ta dùng câu nói “Đáp máy bay trực thăng” để nhận xét những tên tạo phản cuộc đời bỗng chốc nổi trội hẳn lên. Sau khi cách mạng văn hóa kết thúc, những tên này từ vị trí cao rơi tọt xuống như vật thể rơi tự do, hơn nữa còn rơi qúa mặt bằng bình quân của thảo dân, rơi xuống đáy tù tội. Người đời lại dùng câu nói “lên nhanh ngã càng nhanh” để cười nhạo những tên tạo phản cuộc đời xuống dốc trong phút chốc.

Đương nhiên,đại cách mạng văn hóa cũng kể càng nhiều truyện cuộc đời lên xuống nhỏ nhoi. Trên thị trấn tôi sinh sống có mấy câu truyện như thế, tôi chọn ra một truyện để bạn đọc thưởng thức.

Trong cuộc “cách mạng tháng giêng” loang ra cả nước năm 1967, con dấu chính quyền tượng trưng cho quyền lực sau khi bị lần lượt cướp đi, một số tổ chức hồng vệ binh và phái tạo phản không cướp được con dấu, không vì thế mà không làm được gì, họ bắt đầu phong trào cách mạng tự khắc dấu. Thế là bộ máy quyền lực của thảo dân tự phong lập tức trải ra cả nước. Cảnh tượng hoành tráng của nó giống như câu thơ của nhà thơ Sầm Tham miêu tả tuyết bay đột nhiên dội xuống: “Bỗng một đêm gió xuân thổi về, ngàn cây vạn cây lê nở hoa”.

Con người tôi muốn kể chính là kẻ đã dựng cờ đứng lên trong bối cảnh đó. Hắn thành lập “Đội tuyên truyền tư tưởng Mao Trạch Đông bách chiến bách thắng” và tự phong là đội trưởng. Hắn lúc đó mới hơn 40 tuổi, ngày thường nhút nhát sợ sệt, lầm lì ít nói. Hắn không phải hạng người khệnh khạng ngang tàng đi giữa đường phố. Khi ra phố hắn thường cúi đầu, đi lại sát chân tường. Trong ấn tượng thuở bé của tôi, hắn thường bị bọn trẻ con bắt nạt.

Trong ngõ chúng tôi có mấy cậu lớn tuổi hơn, để tỏ ra mình ghê gớm biết chừng nào, cứ hay đi tìm hắn gây rắc rối. Khi hắn đang đi đến trước mặt, cậu này cố tình va mạnh người vào hắn, phản ứng của hắn chỉ là đứng lại chau mày nhìn cậu kia lớn hơn đâm vào mình, rồi lẳng lặng đi khỏi. Vì thế tôi hết sức kính phục những cậu lớn tuổi hơn, nghĩ bụng bọn kia lợi hại thật, ngay đến người lớn cũng dám bắt nạt. Sau đó những cậu bé còn chưa đi tiểu học chúng tôi cũng dám bắt nạt hắn, ném vào hắn một viên đá nhỏ, bị ném trúng hắn quay đầu nhìn chúng tôi, cũng chau mày, rồi lặng lẽ bỏ đi. Chúng tôi vì thế tỏ ra hớn hở, cảm thấy mình bỗng chốc đã trở nên lớn mạnh vô cùng.

Chính con người thật thà nhút nhát như thế, khi cơn lũ cách mạng cuồn cuộn ùa đến, những ngươì chung quanh nhao nhao gia nhập các phái tạo phản khác nhau, hắn cũng đứng ngồi không yên, cũng muốn gia nhập vào phong trào đại cách mạng văn hóa sôi động. Có thể ngày thường hắn khiếp nhược quá, mấy tổ chức tạo phản nhận thấy hắn thiếu tính cách mạng, đều gạt hắn ra ngoài. Không biết làm thế nào, trong tình thế bức bách, hắn đã thành lập tổ chức phái tạo phản cá nhân, tự khắc một con dấu “Đội tuyên truyền tư tưởng Mao Trạch Đông bách chiến bách thắng”, đeo con dấu lên thắt lưng da một cách oai phong lẫm liệt.


Hắn bắt đầu chặng đường nhân sinh phong quang vô hạn. Tôi còn nhớ mỗi lần khi hắn xuất hiện trên đường phố, chiếc áo ngoài cho vào trong quần. Đây là người duy nhất của thị trấn nhỏ chúng tôi nhét áo ngoài vào trong quần. Làm như thế để con dấu hắn đeo ở thắt lưng càng nổi lên đập vào mắt. Trước ngực hắn đeo một cái còi, tay hắn cầm quyển “ngữ lục Mao chủ tịch”, cũng bìa đỏ, hắn ngẩng đầu ưỡn ngực đi đi lại lại trên đường phố, mắt nhìn người đi lại trên phố, thỉnh thoảng bất thình lình rít lên tiếng còi. Khi người đi đường đứng lại nhìn mình, hắn bưng quyển sách bìa đỏ, to tiếng ra lệnh:
- Mở trang 23, chúng ta đọc một đoạn lời của Mao Chủ tịch. . .

Thời đó rất đông người đều mang theo sách bìa đỏ. Thấy hắn nói như vậy, liền lấy ngay quyển bìa đỏ trong túi ra, dưới sự dẫn dắt của hắn, đứng ngay trên phố lớn cẩn thận đọc “Mao Chủ tịch ngữ lục”. Đọc xong trang 23, vẫn dưới sự chỉ huy của hắn, đọc tiếp trang 48, trang 56, trang 79, mãi cho đến khi hắn thành kính gập quyển sách bìa đỏ vào, trịnh trọng tuyên bố:
- Hôm nay học tập đến đây chấm dứt, hy vọng mọi người về nhà tiếp tục nỗ lực học tập tư tưởng Mao Trạch Đông.
Dân chúng đi lại trên đường phố như trút được gánh nặng to tiếng đáp lời “Rõ”!


Lúc đấy có một số người không mang theo sách bìa đỏ, nét mặt tỏ ra ngượng ngùng, không vì thế mà hắn phê bình họ, hắn tươi cười vui vẻ nói:
- Ngày mai nhớ đem theo sách bìa đỏ.

Từ sau khi trên thị trấn nhỏ chúng tôi xuất hiện tên cảnh sát sách bìa đỏ này, ai ra đường cũng mang theo sách bìa đỏ. Chỉ cần nổi lên tiếng còi, tiếng đọc sang sảng ngữ lục Mao Trạch Đông lại vang vang trên đường phố.

Bọn trẻ con chúng tôi không còn xem thường hắn nữa. Chúng tôi nhận xét một cách sai lầm hắn là tên đầu sỏ phái tạo phản lớn nhất trên thị trấn nhỏ. Bởi vì chỉ cần tiếng còi của hắn thổi lên, tất cả những tên tạo phản và quần chúng trên đường phố đều nghe lệnh của hắn. Thời đó chúng tôi không biết con cáo đội lốt oai hổ này. Trong thời đại ấy, bất cứ một người nào chỉ cần lấy ra một quyển sách bìa đỏ là mọi người đều răm rắp nghe theo.

Chúng tôi bắt đầu cảm mến hắn, các phái tạo phản khác chúng tôi không thèm quan tâm, chỉ có một anh chàng tạo phản này hòa mình với bọn trẻ chúng tôi. Chỉ cần hắn xuất hiện trên đường phố là chúng tôi xúm lại bám theo tiền hô hậu ủng. Hơn nữa chúng tôi còn bắt chiếc hắn, đứa nào cũng bỏ áo vào trong quần, chỉ có điều trong cái đẹp vẫn thiếu một cái là chúng tôi không đeo con dấu ở thắt lưng. Được cái hắn hết sức khảng khái cho chúng tôi sờ tay vào con dấu “Đội tuyên truyền tư tưởng Mao Trạch Đông bách chiến bách thắng” đeo ở thắt lưng hắn. Mặc dù sờ vào bao lâu, hắn cũng mỉm cười đối với chúng tôi. Nhưng khi chúng tôi được đằng chân lân đằng đầu, hỏi hắn con dấu ghê gớm này liệu cũng có thể cho bọn em đeo một lúc trên thắt lưng được không? Hắn nghiêm chỉnh từ chối và cảnh cáo chúng tôi:
- Chúng mày định cướp quyền phaỉ không?

Tên tạo phản độc thân này có nhân duyên tốt trên thị trấn nhỏ chúng tôi. Thời ấy nhà trường bỏ học, nhà máy ngừng sản xuất, chúng tôi “náo” cách mạng không đi làm, có những người nhân dịp này ra tỉnh ngoài thăm họ hàng bạn bè, chỉ cần có giấy giới thiệu của tổ chức phái tạo phản cách mạng, có thể ngồi tầu xe miễn phí. Ở nhà trọ khách sạn cũng có thể không mất tiền. Những người này liền tìm đến hắn xin hắn cho giấy giới thiệu. Hắn không từ chối ai, rất nhiệt tình. Từ đó trở đi trên người hắn có thêm một đạo cụ cách mạng, ngày nào cũng khoác trên vai cái túi khoác quân dụng bạc phếch, bên trong đựng một tập dầy giấy giới thiệu in rô ni ô.

Phía trên nhất của giấy giới thiệu in bốn chữ “Chỉ thị tối cao”. Bên dưới in lời Mao Trạch Đông: “Chúng ta đến từ năm hồ bốn biển, vì một mục tiêu chung tìm đến với nhau. . . . Mọi người của hàng ngũ cách mạng đều phải quan tâm nhau, yêu mến nhau, giúp đỡ nhau”, bên dưới nữa mới là kiểu cách chính quy của giấy giới thiệu.

Mỗi khi có ai xin hắn viết giấy giới thiệu, hắn đều tỏ ra rất vui mừng, hắn ngồi bệt xuống đất, lấy từ túi sách ra giấy giới thiệu để trống kê lên đùi, vừa hỏi đi đâu? vừa cẩn thận viết trên giấy giới thiệu. Lần nào hắn cũng viết hai giấy giới thiệu, một giấy ngồi tàu xe miễn phí, một ngủ trọ không mất tiền. Sau đó hắn móc túi lấy mực in màu đỏ, cởi thắt lưng, lấy con dấu “Đội tuyên truyền tư tưởng Mao Trạch Đông bách chiến bách thắng” chấm mực in màu đỏ, hết sức cẩn thận cộp dấu lên.

Về sau do một sơ xuất, cuộc đời tươi đẹp của hắn đột nhiên chấm dứt. Hôm ấy hắn ra chuồng tiêu, có lẽ gấp gáp quá, lúc vội vã tụt quần, con dấu “Đội tuyên truyền tư tưởng Mao Trạch Đông bách chiến bách thắng” bị tụt ra, rơi xuống hố phân bên dưới. Vừa vặn có một hồng vệ binh cũng vào nhà vệ sinh, lập tức nói hắn là phần tử phản cách mạng, con dấu của hắn nổi tiếng gần xa trên thị trấn nhỏ chúng tôi. Ai cũng biết trên con dấu đó có khắc năm chữ “Tư tưởng Mao Trạch Đông”. Tên hồng vệ binh kia quát mắng hắn:


- Mày lại vứt “tư tưởngMao Trạch Đông” vào nhà xí. . .

Chỉ phút chốc, cao trào của cuộc đời hắn tụt hẳn xuống. Tên hồng vệ binh kia cũng chỉ quát một tiếng lúc đó, về sau không còn nhắc đến việc này. Nhưng hắn bắt đầu tự dày vò hành hạ bản thân lâu dài. Áo ngoài của hắn không còn bao giờ bỏ trong quần, túi khoác đựng giấy giới thiệu trên vai cũng mất biến. Nhưng cái còi thì vẫn đeo trước ngực. Hắn ẻo lả thổi lên mấy tiếng còi, khi người đi đường trên phố cung kính bưng quyển sách bìa đỏ, chuẩn bị đọc ngữ lục của Mao Trạch Đông dưới sự dẫn dắt của hắn, thì hắn laị khóc hu hu, tát vào tai mình, nói hắn là phần tử phản cách mạng. Hắn lên án tội ác của mình một cách tràn đầy lòng thù hận:


- Tội tôi đáng chết một vạn lần! Tôi đã vứt tư tường Mao Trạch Đông vào chuồng xí. . .

Những người đi đường bưng quyển bìa đỏ trên tay ngớ người không hiểu chuyện gì xảy ra, lâu lắm mới rõ sự việc, đương nhiên họ hết sức nghiêm khắc phê bình hành vi sai lầm của hắn. Đây là thời thượng ngày ấy, hay nói cách khác là phàm việc gì trước tiên phải tỏ rõ lập trường cách mạng của mình. Nhưng ai cũng không thật sự coi hắn là phần tử phản cách mạng. Trong lòng mọi người đều cảm thấy hắn là con nguời thật thà, cho nên không ai phê đấu hắn.

Nhưng hắn thường xuyên thổi mấy tiếng còi trên đường phố, sau đó bản thân phê đấu bản thân, khiến ngươì đi đường có vẻ phát ớn, có một người đúng là không chịu nổi, đã chửi hắn trước đám đông:


- Mi là phàn tử phản cách mạng, có tư cách gì mà cứ động một tí là thổi còi với chúng tao?

Ngay lúc đó hắn sợ tái mét mặt, khom lưng cúi đầu, vâng vâng dạ dạ:


- Thưa không dám, từ nay trở đi không dám thổi còi.


Về sau khi hắn xuất hiện, không đeo còi trước ngực, hắn thay đạo cụ, đội trên đầu cái mũ cao giấy bồi, tay cầm cái chổi, suốt ngày chăm chỉ quét dọn đường phố cuả thị trấn nhỏ chúng tôi.

Đi đôi với sự kết thúc của đại cách mạng văn hóa và thời gian trôi qua, hắn đã trở lại nguyên bản con người hắn, lặng lẽ sống hít thở trong cuộc đời trầm mặc, cho dù có ra phố cũng không ai chú ý hắn đang đi đến, sau đó hắn bị thị trấn nhỏ chúng tôi lãng quên hoàn toàn. Mấy năm trước tôi về thăm quê, khi nhắc lại chuyện này với mấy người bạn thuở nhỏ, thì không ai còn nhớ hắn, tôi nói đến chuyện cũ sâu sắc trong ký ức thời còn bé, nét mặt của các bạn tôi thời nhỏ giống như lần đầu tiên nghe tôi kể truyện, khi tôi nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại cảnh tượng thời ấy hắn ra oai thổi còi bốn phương tám hướng như thế nào, dẫn dắt đám đông đọc ngữ lục Mao Trạch Đông như thế nào, có một bạn thời nhỏ cuối cùng đã nhớ ra, hứa sẽ thay tôi dò hỏi tung tích của con người này. Hai hôm sau anh bạn cho tôi biết anh chàng đeo con dấu ở thắt lưng, đeo cái còi trước ngực trong thời gian cách mạng văn hóa đã chầu trời mười năm trước. Anh bạn thời nhỏ của tôi khi nói chuyện cứ cười hì hì, ra vẻ thần bí nói, con người ấy hiện giờ đang thổi còi ở cõi âm, dẫn dắt các hồn ma đọc ngữ lục Mao Trạch Đông.

Thấy tôi tỏ vẻ nghi hoặc, anh bạn thuở nhỏ của tôi nói, con người ấy hết sức yêu quí gìn giữ bảo tồn cái còi đó. Trước khi qua đời đã giặn lại phải bỏ cái còi vào trong hộp tro xương của mình.

Trái tim tôi run run, tôi hiểu cái còi đó đối với hắn có ý nghĩa quí giá trong cả cuộc đời. Nếu không có đại cách mạng văn hóa, trong cuộc đời hắn cũng không có cái còi, không gợn sóng nhấp nhô. Tuy sự lên xuống của đời hắn thua xa Vương Hồng Văn, nhưng hắn cũng trải qua lên đỉnh xuống vực . Nếu giờ phút hấp hối hắn nghĩ lại cảnh tượng huy hoàng thổi còi dẫn dắt mọi người đọc ngữ lục Mao Trạch Đông thời kỳ cách mạng văn hóa, theo tôi, hắn nên cảm thấy không hư phí nghề này.

Tóm lại,nhìn chung lịch sử 60 năm của Đảng cộng sản Trung Quốc, tôi cảm thấy, đại cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông và cải cách mở cửa của Đặng Tiểu Bình, đem lại cho tầng lớp thảo dân của Trung Quốc hai cơ hội lớn. Đaị cách mạng văn hóa có thể nói là một lần phân phối lại quyền lực chính trị, còn cải cách mở cửa lại là một lần phân phối lại quyền lực kinh tế.



Ngày 12 tháng 12 năm 2009
(còn tiếp)


Nguồn: Trung Quốc trong 10 từ vựng. Tản văn của Dư Hoa. Vũ Công Hoan dịch.

Nhà văn Vũ Công Hoan gửi www.trieuxuan.info


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét