Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2019

KIẾN CHUỘT VÀ RUỒI

ĐỌC "KIẾN CHUỘT VÀ RUỒI"

(Tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Quang Lập)


Cảm nhận ban đầu khi gập lại "Kiến chuột và ruồi" là sự kiệt sức. 
Bởi thời gian đọc liên tục không ngừng nghỉ không thể dứt ra ngang chừng vì quá hấp dẫn. Cũng không thể đọc lướt như thông thường mà phải nhẩn nha đọc kỹ từng dòng từng trang. Nếu lướt là có thể mất đi những tình tiết quan trọng làm ngứt câu chuyện buộc phải đọc lại.
Bởi ta gặp một Nguyễn Quang Lập rất khác với "Ký ức vụn" với "Tình cát" với "Những mảnh đời đen trắng"...ở cả lối viết truyền thống lẫn khẩu văn.
Bởi một thứ ngôn ngữ tưởng tối giản dân dã nhưng kỳ thực lại tuyệt đỉnh điêu luyện, ma mị ngồn ngộn nhựa sống dẫn dắt người đọc vào nhiều tầng mê cung của chữ. Hiếm có triết luận nhưng câu nào, chữ nào cũng là những đúc kết phù hợp với từng đối tượng đọc. Và dễ hiểu, cực kỳ dễ hiểu.
Bởi một kết cấu tưởng là vụn vỡ theo từng câu chuyện của các nhân vật nhưng lại chặt chẽ đúng như một kịch bản phim hoàn chỉnh theo nguyên tắc "gieo gặt" không sót một chi tiết nhỏ nào. 
Bởi sự xóa nhòa giãn cách thời gian, không gian.
Bởi ảo thực hòa quyện không còn ranh giới. Thậm chí còn là vi ảo. Ảo từ người đến chó đến kiến chuột và ruồi.
Bởi nội dung tái hiện một thời kỳ có thể nói sống động, bạo liệt giằng kéo đúng sai nhất của dân tộc: Cải cách ruộng đất.
Bởi ấn tượng về cách dựng nhân vật quá sắc. Chỉ vài chi tiết vài phác họa là nhân vật đã lừng lững trên trang sách, ngoài cuộc đời. 
Bởi nhiều thứ nữa...
Nhưng sau kiệt sức là gì?
Đẫm máu, chết chóc nhưng không bi lụy thù hận thậm chí là khoan dung, tha thứ. Kể cả những nhân vật độc ác nhất cũng nhận được cái nhìn công bằng, thương xót. Có đau nhưng là cái đau thẳm sâu của một vết thương có thể chưa lành da nhưng đã thực sự khép lại.

Không như những tác giả từng viết đề tài này là người trong cuộc, Nguyễn Quang Lập ở thế hệ sau nên có cái nhìn điềm tĩnh, không phán xét, chỉ trích chỉ dựng lại chân dung của một thời đại đã qua chưa xa. Vượt trên tầm của cải cách của sửa sai là số phận những người làm nên những gì từng long trời lở đất của thời kỳ ấy.

Kiệt sức nhưng kỳ lạ thay tâm hồn ta trở nên tĩnh lặng, suy ngẫm, liên tưởng đến những gì đã trải của bản thân, gia đình, dòng họ, làng xóm, đất nước. Một sự liên tưởng cần thiết không phải quên lãng mà là để nhớ. Nhớ để tránh lặp lại những sai lầm lịch sử. Giá trị của "Kiến chuột và ruồi" quan trọng nhất ở điểm chốt này.

Một cuốn sách hay từ nghệ thuật đến nội dung biểu đạt. Nó có ích nhất là với các nhà văn. Riêng tôi nhận được sự khích lệ rất lớn cho cảm hứng sáng tác.

Chỉ tiếc bản in đầu của cuốn sách không được các nhà xuất bản trong nước đón nhận. Bằng những gì cuốn sách mang lại, tôi tin trong một tương lai gần nó sẽ được xuất bản trong nước. 

Tôi cũng tin các chính trị gia, những nhà lý luận, các nhà tư tưởng, chính sách sẽ tìm đọc cuốn sách. Ít nhất để thấy văn học Viêt không phải ở tầm quá thấp vẫn có những cuốn sách đỉnh cao. 

Để hy vọng văn học Việt không bị chảy máu.

Tạm thế, vội vài dòng mai đi Lào thăm chiến trường cũ.

                                                                                      Phạm Ngọc Tiến



Kiến, Chuột và Ruồi


Tác giả Nguyễn Quang Lập

Bạt của Lê Thanh Phong

Xin bắt đầu từ những ký ức vụn để đến với “Kiến, chuột và ruồi”.

Những mẩu chuyên rất vụn của Nguyễn Quang Lập quăng tưng tửng lên các trang văn của anh đã thu hút lượng bạn đọc rất lớn. Bạn đọc say với những mẩu chuyện vụn của Lập, và tuồng như, anh đã phát hiện được thị hiếu thẩm mỹ của bạn đọc, để từ đó định hình một lối viết mới, tạm gọi là “phong cách ký ức vụn”.


Và Nguyễn Quang Lập đã sử dụng phong cách này cho tiểu thuyết “Kiến, chuột và ruồi”. Từ đầu đến cuối tiểu thuyết, không có đoạn văn nào dài, đoạn nào cũng vài chục chữ. Đoạn nào dài lắm chỉ trên 100 chữ. Với bạn đọc hiện đại, cách viết văn chia từng đoạn ngắn này rất phù hợp vì dễ đọc, không chán, nhất là khi đọc trên các thiết bị công nghệ.

Văn phong của “Kiến chuột và ruồi” giản dị, gần gũi. Tác giả sử dụng nhiều ngôn ngữ đời thường, văn nói quen dùng. Kể chuyện những năm 50 của thế kỷ trước nhưng văn phong hiện đại. Chữ nghĩa dung dị, không tả cảnh tả tình mất thời gian, không đại ngôn, không triết lý cao siêu, không dông dài lý luận. Bạn đọc bị các loại tiểu thuyết đại ngôn, đại tư tưởng làm cho mệt mỏi và lắm khi sợ hãi. Cho nên, cách khai mở cho tiểu thuyết hiện đại bằng con đường đơn giản ít khoa trương có lẽ cũng rất cần. Mỗi thời đại, văn hóa đọc khác nhau, người thời nay không cần răn dạy, họ có nhiều công cụ và tri thức để tự dạy mình. Triết lý ẩn trong những câu chuyện, bạn đọc sẽ tự tìm thấy và tự khai ngộ. Nhà văn không nên áp đặt triết lý cho người đọc như một thứ thần quyền mà người đọc là thần dân. Đây là một điểm thành công của tiểu thuyết “Kiến, chuột và ruồi”của  Nguyễn Quang Lập.

Câu thuần triết lý như: “Đánh thức tính nhân văn trong con người chính trị thật khó như đơm đó ngọn tre nhưng không phải không có những ngoại lệ” rất hiếm trong tiểu thuyết “Kiến, chuột và ruồi”. Thay vào đó, Nguyễn Quang Lập rất chú trọng xây dựng nhân vật. Nhân vật của Lập được ký họa bằng ngôn ngữ rất tài hoa. Nét nào ra nét đó, chỉ cần một đoạn văn ngắn mấy chục chữ là xong. Đặc biệt là nhân vật ác như “Thủ trưởng”, “Đội trưởng”. Lối đặc tả bằng vài nét bút như đường dao cực bén rất gây ấn tượng, găm vào đầu người đọc ngay, không phai được.

Một lũ quan lại ngu dốt, lật lọng và độc ác gồm Thủ trưởng, Trần Ngô Đống tiên sinh, Đội trưởng, lão kéo xe lôi làm phó chủ tịch thị trấn nhưng đọc chữ không thạo, được tác giả viết một cách rất đơn giản, không cay độc, có khi rất hài hước, nhưng rõ nét đến tận cùng, thối tha đến tận từng tế bào.
Nếu tách ra các nhân vật như Kiểm Hát, Tiên sinh Trần Ngô Đống, anh Tư, anh Cả, chị Hiên, vợ Phạm Vũ… thành từng chuyện cũng là những “ký ức vụn” theo phong cách văn chương Nguyễn Quang Lập, đọc rất thú vị và có không ít điều để nghiền ngẫm.

Cho dù nhân vật nào, độc ác tới đâu, hung dữ đến mấy, bi kịch của con người và xã hội dù thật đau đớn, thì trong tiểu thuyết không thiếu những đoạn văn hài hước, ngôn ngữ chân quê Quảng Bình trở thành đặc sản Nguyễn Quang Lập không nhầm lẫn với ai khác. Những đoạn văn đó làm người đọc bật cười thích thú, nhưng ẩn giấu đằng sau tiếng cười là những cay đắng, suy tư.

Nguyễn Quang Lập đặc tả một đám dân bị nhồi sọ, bị biến thành bầy cừu, bị lên đồng tập thể với giọng văn trào phúng nhưng càng đọc càng xót xa. Ví dụ như đám rước của anh Tư, trẻ con cũng bị nhồi sọ, nhắm mắt hô đả đảo và muôn năm. Để sau này chỉ biết đấu tố, hò hét giết người theo đám đông. Lúc đó, họ hoàn toàn mất đi nhận thức cá nhân. Con người bị tước đoạt đi cái tôi cá nhân để tàng hình vào tập thể gọi là quần chúng từ khi còn là đứa trẻ.

Tuyến nhân vật trong tiểu thuyết đơn giản, không đan chéo nhiều không gian và thời gian khác nhau nên người đọc dễ “quản lý” nhân vật.  Nhân vật “tôi” dẫn dắt câu chuyện, làm “trạng sư” phân tích hết tâm lý của từng nhân vật, phán xét cái công án thời đại qua độc thoại của chính mình. Nhân vật ấy là cậu bé trước khi trồi ra ở cửa mình của mạ chỉ thấy cái chuồng bò và cái háng của bà đỡ.

Cảm tưởng tiểu thuyết “Kiến, chuột và ruồi” là một tự truyện, hình như phần lớn nhân vật đều là nguyên mẫu của chính gia đình, làng xóm của tác giả, không cần phải hư cấu thêm nhiều. Nếu không phải vậy thì cũng là những nguyên mẫu  có thực ở ngoài đời.  Và cuộc sống làng quê của tác giả chính là nguyên liệu, chất liệu cho tiểu thuyết. Cái làng đó, cái chuồng bò đó là điển hình cho mọi làng quê, thôn xóm của xã hội miền Bắc một thời và hơn thế.

Thị trấn Kô Long trong “Kiến, chuột và ruồi” chật hẹp, ngột ngạt hơn cái làng Vũ Đại của Nam Cao từng xây dựng. Ở làng Vũ Đại, cùng lắm chỉ có một gã say hay phá phách và một lão Bá Kiến gian manh. Còn thị trấn Kô Long của Nguyễn Quang Lập, không phải là một gã say mà ngược lại, có nhiều thằng tỉnh táo, khôn ngoan, mưu chước, thủ đoạn và độc ác.

Trong cái không gian bức bí của thị trấn Kô Long, có một cái chuồng bò của ông chủ tịch Phạm Vũ còn tối tăm hơn. Cái chuồng bò hôi hám như vậy, mà con người phải sống, phải chịu đựng, phải làm nơi trú ẩn cho chính mình. Vợ và con chủ tịch Phạm Vũ không dám phản kháng, chỉ biết vâng theo lệnh ông để sống chui rúc trong cái chuồng bò.

Về phía chủ tịch thị trấn Kô Long – ông Phạm Vũ – thừa biết cái chuồng bò là bẩn thỉu nhưng ông vẫn bắt vợ con sống. Bởi vì ông cũng biết rất rõ, chỉ trung thành với cái chuồng bò đó ông mới chứng minh được thành phần bần cố nông của mình. Ba chữ “bần cố nông” chính là tấm giấy thông hành cho ông trèo cao hơn. Phạm Vũ không dám từ bỏ cái chuồng bò, ông khư khư bám vào nó cho dù vợ con ông quá khốn khổ, quá chán ngán, quá sợ hãi mùi tanh hôi và sự gớm ghiếc của nó. Nhưng mà Phạm Vũ đã đúng, hiểu theo nghĩa chức tước tạm thời, từ cái thành phần đặc biệt bần cố nông và trung thành với chuồng bò, ông ngoi lên tới chức chủ tịch tỉnh.

“Kiến, chuột và ruồi” cũng là một câu chuyện kể về sự kiện cải cách ruộng đất của thị trấn Kô Long, được lột tả qua hai nhân vật là Phạm Vũ và bà Mai. Chủ tịch Phạm Vũ khi bị bắt giam trong xà lim, trong bóng tối, ông lần tay xuống nền nhà và mò mẫm ra dòng chữ “Tôi bị oan”. Khi có ánh sáng, trên khắp bốn bức tường của nhà ngục chi chít ba chữ “Tôi bị oan”. Tất cả những người đi qua xà lim này chỉ ghi lại được ba chữ đó trước khi bị “Đội trưởng” hành hình bằng một mệnh lệnh là đập vỡ ống thuốc lào. Hết.

Số phận và mạng sống con người phụ thuộc hoàn toàn vào một tay “Đội trưởng” vô học và tàn ác cùng sự lên đồng a dua của một đám quần chúng mê muội. Bà Mai đã bị giết chết man rợ đến con chó Ba Đốm của bà cũng phải phẫn nộ. Con Ba Đốm lao lên như tỏ thái độ phản kháng hành động giết người và để được chết cùng với chủ.

Đọc tiểu thuyết “Kiến, chuột và ruồi” của Nguyễn Quang Lập có cảm giác bị hụt hẩng. Hình như sau hơn 170.000 chữ,  nhà văn chưa vẽ bức tranh trọn vẹn của thời đại. Bởi vì,  không chỉ thị trấn Kô Long với cái chuồng bò những năm 50, mà còn cả một giai đoạn mấy chục năm về sau với những cái chuồng bò khác.

Nhưng không, bữa ăn văn chương chỉ đến thế, đủ để suy tư và đau buồn. Cái khái quát nhất từ thị trấn Kô Long chật hẹp chính là luôn có một lũ gian ác khoác áo đạo đức giả khắp nơi. Người làm quan có chút thiên lương như chủ tịch Phạm Vũ, nếu không đạo đức giả được thì sẽ thần kinh, và rồi chỉ làm được cái việc diễn thuyết dông dài vô bổ và bắt ruồi.

Đi theo con đường bám riết cái chuồng bò mà chủ tịch Phạm Vũ chọn, thì trên đầu luôn có một bóng ma rùng rợn, ám ảnh đến nỗi mỗi lần nghe đến là Phạm Vũ chảy cả nước đái. Bóng ma đó là một ông “Thủ trưởng” độc ác và dối trá. Bên cạnh ông ấy luôn có một sát thủ giết người không gớm tay là  “Đội trưởng” với cây dao phay man rợ sẵn sàng xuống tay theo mệnh lệnh của Thủ trưởng. Nỗi ám ảnh đó ngày nay vẫn nguyên xi.

“Kiến, chuột và ruồi”, cái tựa như truyện ngụ ngôn. Có thể đúng, nhưng không phải ẩn dụ để rút ra bài học làm người đơn giản như thường thấy của ngụ ngôn.

Hãy nhìn một cái chuồng bò, gồm những thứ dơ bẩn nhất, hèn mạt nhất, gớm ghiếc nhất, phá hoại nhất, đó là kiến, chuột và ruồi; và tự hỏi có nên thiêu hủy nó như ông Kiểm Hát đã làm để gia đình ông chủ tịch Phạm Vũ có cơ hội được ở trong một căn nhà mới.

Vẫn còn đó cái chuồng bò với những đàn kiến, lũ chuột và bầy ruồi.




Kiến, chuột và ruồi” (trích)
Nguyễn Quang Lập


8. Nhiệm vụ vẻ vang

Số phận ba tôi may ít rủi nhiều. Theo cụ Phan Bội Châu năm mười bảy tuổi, theo Cách mạng năm mười chín tuổi, ba đã thực thi nhiều nhiệm vụ vẻ vang và thường rủi ro lại đến với ông ngay sau đó. Cả vẻ vang lẫn rủi ro của ba đều dính đến một người có tên là Thủ trưởng. Đó là người đàn ông dong dỏng cao có nụ cười chết gái mà ba và những thuộc cấp của Thủ trưởng đều đồng thanh gọi là nụ cười ấm áp tình đồng chí.

Trước khi Thủ trưởng thành thủ trưởng của ba, ngài được ba giác ngộ đi theo cụ Phan Bội Châu, sau được ba giác ngộ theo Phan Châu Trinh, cuối cùng được ba giác ngộ theo cách mạng. Ba là người kết nạp Thủ trưởng vào Đảng và bày cho Thủ trưởng học chữ quốc ngữ. Có chữ rồi chỉ cần mất mười năm Thủ trưởng đã là thủ trưởng của ba. Quá nhanh. Tất nhiên với Thủ trưởng là quá chậm. Ba không hề ghen tị, xưa nay ông không hề đố kị ghen ghét ai, với Thủ trưởng lại càng không.

Thủ trưởng thua ba hai tuổi, thuở mới quen nhau ba gọi Thủ trưởng bằng em. Chú em nhỏ nhắn xinh trai hiền lành ít nói khiến ba đắm đuối chú em như người tình. Bãi biển Ô Lệ năm 1925, một đêm sau cuộc biểu tình đả đảo Thực dân Pháp bắt cóc cụ Phan Bội Châu tại Thượng Hải, ba và chú em nhỏ nhắn đẹp trai nằm ôm nhau nức nở khóc thương Phan Bội Châu bị giải về nước xử án tù chung thân. Nửa đêm ba tỉnh dậy không thấy chú em đâu, ba vùng dậy đi tìm, tìm tới sang mới thấy chú em ngồi bó gối bên bờ đá cách bờ biển Ô Lệ chừng cây số. Sao em ngồi ở đây? Ba hỏi. Em cũng không biết nữa. Chú em bẽn lẽn trả lời. Em bỏ ra đây từ khi nào? Em cũng không biết nữa… Ba nghi chú em bị bệnh mộng du nên cũng không hỏi nữa. Tới trưa người ta phát hiện quan hai Pháp bị chặt cổ cùng người tình trên bãi biển Ô Lệ, tang vật còn nguyên con dao phay đẫm máu và những dấu chân trên cát ướt. Ba ngờ ngợ dấu chân đó là của chú em nhỏ nhắn xinh trai. Không hỏi nhưng ba biết chắc chú em đã lập một chiến công ông chưa bao giờ dám nghĩ đến ngay cả trong giấc mơ.

Từ đó ba không gọi Thủ trưởng bằng em nữa, ông nhẹ nhàng chuyển sang anh tôi với Thủ trưởng, với lòng ngưỡng mộ thầm kín. Ba vui mừng đã giác ngộ được một anh hùng trẻ tuổi theo cách mạng. Mất mấy tháng để ba thuyết phục học chữ cách quốc ngữ vì Thủ trưởng rất ghét chữ, nhưng khi đã chấp nhận chỉ mất 6 tuần Thủ trưởng đã đọc thông viết thạo. Lòng ngưỡng mộ của ba ngày một dâng cao. Ông hân hoan giới thiệu Thủ trưởng với chi bộ.

Lễ kết nạp đảng thật giản đơn, chỉ có ba với Thủ trưởng. Ba chỉ nói đúng một câu thông báo với cái ôm xiết chặt. Thủ trưởng cảm động ghì chặt lấy ba. Đồng chí rất tốt, tôi tin tưởng đồng chí!”. Lần đầu tiên trong đời ba nghe câu nói đó từ một người đồng đội, ông giật mình nhận ra tin tưởng là điều kiện trước tiên và trên hết với một người cách mạng. Thậm chí không có hai chữ tin tưởng sẽ không có gì hết. Thế mà ba không nhận ra. Đêm đó ba lại ôm thủ trưởng ngủ trong rặng phi lao phía sau Thị trấn Kô Long. Tới nửa đêm ba lại không thấy Thủ trưởng đi đâu. Ông đi tìm tới sáng vẫn không thấy Thủ trưởng. Thị trấn Kô Long đêm đó có một đôi trai gái bị chặt đầu trên bờ đê. Dân Koo Long đồn rầm lên đó là một vụ đánh ghen. Ai ghen ai, ai đánh ghen ai? Đang khi chưa tìm ra Thủ trưởng, ba cũng không để ý lắm. Mãi sau ba thấy Thủ trưởng vui vẻ trở về. Ba hỏi đi đâu. Em cũng không biết nữa. Thủ trưởng mỉm cười bẽn lẽn. Ba yên lòng trước nụ cười ấm áp tình đồng chí, tuyệt không đặt một câu hỏi nào về câu chuyện qua đêm của Thủ trưởng.

Ba tin Thủ trưởng làm gì đều có lý do chính đáng, không việc gì phải hỏi. Niềm tin ấy không lay chuyển kể cả khi ba biết cô gái Kô Long bị chém cụt đầu là người tình của ngài. Ba thực sự kính trọng, ngưỡng mộ Thủ trưởng cũng như ông đã kính trọng, ngưỡng mộ mọi thủ trưởng trên đời.Đồng chí rất tốt, tôi tin tưởng đồng chí!” Ba hạnh phúc vô cùng khi được Thủ trưởng xiết chặt tay, rưng rưng cất lên chín tiếng tuyệt vời.

Những ngày Thủ trưởng lãnh đạo Chiến khu Đá Mài, ngài đã dạy cho ba biết thế nào là cán bộ đầu tàu và giá trị thực của hai chữ gương mẫu. Khăp chiến khu Đá Mai hầu hết mọi người đều kính trọng và ngưỡng mộ Thủ trưởng như ba, sự kính trọng và ngưỡng mộ chí thành. Nói “hầu hết” không phải vì ba biết vẫn có người căm ghét hay xem thường Thủ trưởng, chỉ vì ba sợ sự tuyệt đối- một khái niệm kiêng kị của triết học- nên không dám nói “tất cả”. Gần một ngàn người ở Chiến khu Đá Mai đều tự giác viết báo tường ca ngợi Thủ trưởng, số nịnh bợ chắc cũng có nhưng không nhiều. Thời này nịnh bợ chưa có lợi lộc gì lại dễ bị đồng đội bóc mẽ. Sự ca ngợi quê mùa ấu trĩ, lời lẽ của fan cuồng vào cái thời chưa có chữ chứ không phải lời lẽ của nịnh bợ thô thiển. Ai ở chiến khu Đá Mài thời này đều xác nhận điều này.

Những bài viết tay được dán lên vách tường trong hang đá nơi Thủ trưởng sống và làm việc gọi là báo tường. Khắp các bức tường nhan nhản các bài báo ca ngợi Đảng quang vinh, ca ngợi Hồ Chủ Tịch kính yêu, ca ngợi Thủ trưởng kính mến. Dưới các bài báo là các bình luận của người khác viết bằng bút chì, bút chì xanh đỏ, bút mực, bút máy. v.v. Bài hay có tới hàng trăm bình luận chứ không ít

Bài báo tường phê phán thẳng thừng Mao Trạch Đông:

Tôi khẳng định bảy tiếng Mao Trạch Đông khen tặng cấp dưới: “Đồng chí làm việc, tôi yên tâm” tầm thường hơn nhiều so với chín tiếng tuyệt vời của Thủ trưởng: “Đồng chí rất tốt, tôi tin tưởng đồng chí!”. Chỉ quan tâm đến làm việc, bỏ qua sự tin yêu cấp dưới là vô hình chung tầm thường hóa vai trò người cán bộ đảng viên. Cấp dưới cần biết bao sự tin yêu của cấp trên, dù cấp trên ngàn lần không tin yêu cấp duới thì cấp dưới vẫn phải hy vọng ở lần tin yêu thứ một ngàn lẻ một. Đó là triết lý sâu xa của người làm cách mạng, vì khiêm tốn Thủ trưởng của chúng ta đã không nói ra. Nhưng chúng ta là người Cách mạng phải hiểu được tấm lòng bao la của Thủ trưởng.
Tác giả: Tâm Ngôn

Bình luận:
Đúng quá!
Rất sâu sắc!.
“Chúng ta là người Cách mạng phải hiểu được tấm lòng bao la của Thủ trưởng.”- Tôi rất nhất trí!
Bài viết tốt. Tuy nhiên tôi đề nghị không nên so sánh Mao Trạch Đông với Thủ trưởng. Làm thế vô hình chung hạ thấp Thủ trưởng.

Ba luôn có mặt trong các bình luận những bài báo viết về Thủ trưởng. Ba viêt háo hức say mê, với các bút danh Chiến sĩ, Quyết Thắng, Trung Thành, Thi Đua v.v và khấp khởi mong chờ Thủ trưởng nhận ra nét chữ của ông. Thủ trưởng không thích điều này, nhiều lần ông xuống khu tuyên giáo Đá Mài đề nghị chấm dứt mọi sự ca ngợi ông. Ngài sợ mang tiếng sùng bái cá nhân, thứ mà ngài rất ghét. Dù sự sùng bái chỉ gói gọn trong khu rừng với gần một ngàn con người. Ba càng kính trọng và ngưỡng mộ Thủ trưởng tuy thỉnh thoảng lại rộ lên tin Chiến khu có kẻ bị chặt đầu, và cái nhìn ớn lạnh của Thủ trưởng bất chợt xói vào gáy ba, làm ông không thể không nhớ lại chuyện xưa.

Năm 1937 Thủ trưởng còn hoạt động ở nội thành và chưa là thủ trưởng của ai hết, ba được phân công đến ga tàu Thị xã Ô Lệ đón Thủ trưởng, nhận từ Thủ trưởng một bao tải truyền đơn. Thủ trưởng chưa kịp giao bao tải truyền đơn cho ba, cảnh sát đã ập đến. Họ bắt Thủ trưởng cùng với bao tải truyền đơn đẩy lên xe. Thủ trưởng nhìn ba cầu cứu khẩn thiết. Ba nhận ra từ cái nhìn tuyệt vọng ấy một nhiệm vụ vẻ vang. Ngay lập tức ông lao đến xe cảnh sát giằng lấy cái bao tải. Đây là bao tải của tôi! Cảnh sát tóm luôn ba đưa về đồn. Tại đồn ba chứng minh cái bao tải là của ông, Thủ trưởng là ai đó ông không hề quen biết. Anh mang bao tải truyền đơn này giao cho ai? Cảnh sát hỏi ba. Sao lại truyền đơn? Ba làm bộ sửng sốt kêu lên. Hóa đơn của ông bác tôi thuê in ở Huế, giao tôi vô Huế lấy đem về. Ba nói như không.

Cảnh sát cho người ra gặp ông bác Vĩ. Là người có chỉ số IQ cao nhất mọi thời đại của đất Kô Long, vừa nghe cảnh sát nói ba bị bắt cùng bao tải truyền đơn ông bác tôi biết ngay ba đã khai những gì và ông bác phải xử lý thế nào. Ông bác trợn mắt lên. Tôi giao cho nó vô Huế nhận bao tải hóa đơn, sao lại ra bao tải truyền đơn? Như sực nhớ ra điều gì, ông bác cười khà khà. Chắc đêm hôm ngủ gật, cu cậu lấy lộn bao tải của ai rồi. Cảnh sát vừa rời nhà, ông bác đã gọi điện cho ông chủ nhà in ở Huế là con trai của ông bác Phú Huệ, nói như vầy như vầy… Một giờ sau cảnh sát Huế đến nhà in, ông chủ nhà in vừa kịp có hợp đồng thuê in hóa đơn và biên lai xuất kho bao tải hóa đơn cùng biên lai thanh toán tiền của ông bác Vĩ. Ba được thả ra cùng Thủ trưởng.

Chia tay ở Bến Nước, Thủ trưởng ôm chầm lấy ba. Đồng chí rất tốt, tôi tin tưởng đồng chí! Thủ trưởng khóc. Ba cũng khóc. Những giọt nước mắt nồng ấm đến chết vẫn không quên. Hai người quấn lấy nhau nơi Bến Nước từ chiều tối cho tới khuya. Rồi chia tay. Cứ tưởng ngày mai gặp lại, nhưng không, Thủ trưởng không gặp ba nữa. Cứ như là Thủ trưởng đã độn thổ hoặc thăng thiên. Ba bỗng nhiên mất liên lạc với Cách mạng, những đầu mối tổ chức bỗng biến mất tăm, không để lại dấu vết. Ba hoang mang cực độ, càng cố sức tìm kiếm nguyên nhân ông càng rơi vào vực thẳm im lặng. Đời cách mạng sợ nhất là im lặng, càng im lặng bất thình lình càng sợ. Ba có quá nhiều kinh nghiệm về các loại im lặng. Ông sợ, nhiều đêm mồ hôi lạnh chảy dọc xương sống lưng. Luôn thấy xa xa một cái bóng chờn vờn, một cái gì lành lạnh sau gáy. Nhiều khi luồn rừng va phải một cành cây bật lên nghe vút rất nhanh hệt tiếng gió con dao phay đang bổ xuống gáy, tim ba treo cứng đơ giữa lồng ngực lạnh toát.

Một năm sau ba thình lình bắt được liên lạc với mọi đầu mối trước đây. Họ như mọc dưới đất lên nói nói cười cười như không hề có chuyện họ đã lặn mất tăm trước đó. Phải chục năm sau ba mới hiểu vì sao.
*
Năm 1947 Pháp tái chiếm Thị trấn Kô Long, ba được lệnh rút lên chiến khu Đá Mài. Vì có chút chữ nghĩa ông được điều về làm trợ lý cho thủ trưởng chiến khu. Thủ trưởng chiến khu bây giờ chính là Thủ trưởng, ba phấn khởi khoác ba lô đi ngay. Cơ hội “gần mặt trời” ai không thích. Nhất là khi “mặt trời” vốn dĩ là tình xưa nghiã cũ. Được gần gũi Thủ trưởng là giấc mơ kéo dài suốt đời ba.

Thủ trưởng là người được ba cứu thoát khỏi tù đày. Cái ôm chầm xiết chặt rưng rưng, nụ cười ấm áp tình đồng chí cùng với chín tiếng tuyệt vời làm sao ba quên được. Thủ trưởng cũng không quên. Khi ba vừa khoác ba lô bước vào, Thủ trưởng đã ôm chầm lấy ba . Mừng lắm mừng lắm Vũ ơi! Thủ trưởng chân tình nói. Mười năm rồi anh em mình lại được sống với nhau… Thủ trưởng như nghẹn lại. Cái ôm chầm xiết chặt rưng rưng và nụ cười ấm áp tình đồng chí làm ba ứa nước mắt. Ba hạnh phúc lâng lâng, niềm hy vọng “gần mặt trời” của ông ngày mỗi rực lên.

Sống gần Thủ trưởng thật đầm ấm, ngài không xưng em với ba nữa, rất nhiều khi ngài nói chuyện với ba như nói chuyện với thằng em. Điều đó không quan trọng, ba càng phấn khích hơn, ông đinh ninh mình chỉ là đứa em, là học trò nhỏ của Thủ trưởng. Không chỉ riêng ba, ở Chiến khu nhiều người đáng tuổi cha chú của Thủ trưởng cũng tự nép mình dưới bóng Thủ trưởng, kính cẩn coi ngài như đấng sinh thành. Chẳng phải vì ngài khét tiếng khắp chiến trường miền Trung với những trận chiến có một không hai, lính Pháp khắp ba miền đều khiếp sợ, chỉ vì Thủ trưởng ở đâu thì các chữ “đầu tàu”, “gương mẫu” như những phép thánh khuyến dụ đồng đội, lôi cuốn đám đông, làm cho đám đông đang ngủ gật bỗng sống dậy lạ thường. Người như thế đứng bên ai người đó tự khắc thấy mình bé nhỏ và sung sướng tự hào về điều đó. Vậy mà vẫn có chuyện không hay làm ba hết đau khổ đến sợ hãi nhiều năm trời.

Một hôm Thủ trưởng kêu mất cái ví. Thủ trưởng rất lo lắng, ngài gọi ba vào phòng riêng tâm sự. Trong ví nỏ có chi, chỉ có ảnh vợ con. Thủ trưởng thủ thỉ chân tình. Vợ con mình đang ở vùng tạm chiếm, lỡ may địch bắt được cái ví thì nguy. Giọng Thủ trưởng như sắp khóc. Ba lại háo hức tự giao cho mình nhiệm vụ vẻ vang: phải tìm cho được cái ví cho Thủ trưởng!

Một tuần lùng sục khắp nơi không thấy. Sang ngày đầu tuần thứ hai ba bỗng thấy cái ví bên bờ suối gần ngay lán của Thủ trưởng. Ba mừng quýnh hét lớn, đây rồi đây rồi!… Tiếng hét còn to hơn cả tiếng hét ơ-rê-ca của Ac-shi med. Ba vội vàng giao nộp cái ví cho Thủ trưởng. Thủ trưởng ôm chầm xiết chặt lấy ba. Cảm ơn Vũ lắm lắm! Thủ trưởng nồng nàn nói. Cái ôm chầm xiết chặt rưng rưng và nụ cười ấm áp tình đồng chí của Thủ trưởng báo cho ba biết từ nay Thủ trưởng sẽ coi ông như anh em, không được như anh em cũng bạn bè chí thiết. Hai cái tình ấy mới quan trọng chứ không phải tình đồng chí. Nếu không có hai thứ tình đó làm nòng cốt, tình đồng chí tóm lại cũng là thứ tình suông. Ba thừa biết điều đó, ông khấp khởi mừng thầm.

Chẳng ngờ hôm sau đi tắm về, ba bắt gặp liên lạc của Thủ trưởng đang xổ tung ba lô của ông. Răng lục ba lô tui? Ba túm ngực liên lạc nghiến răng hỏi. Liên lạc đỏ mặt tía tai ú a ú ớ, mãi sau mới khai thật. Trong ví Thủ trưởng còn năm trăm đồng bạc Đông Dương, Thủ trưởng kiểm tra ví không có mới sai anh ta lục tìm ba lô của ba. Nổi điên ba chạy thẳng vào lán Thủ trưởng. Thủ trưởng nghi tôi lấy tiền trong ví phải không? Nói thẳng cho Thủ trưởng biết, nếu cần năm trăm đồng bạc Đông Dương không đời mô tui đi theo Cách mạng! Ba không kìm được lời nói thật, suýt nữa ba văng tục.

Thủ trưởng đứng đơ người, ngài không hiểu ba nói chuyện gì. Mải rồi ngài mới hiểu ra câu chuyện, té ra chính ngài sai cậu liên lạc đi lục soát ba lô của ba. Cả Chiến khu không ai tin, ba cũng vậy. Thủ trưởng lặng im không nói gì, ngài chỉ gọi cậu liên lạc lên hỏi. Có đúng là tôi sai cậu lục ba lô đồng chí Vũ không? Đó không phải là câu hỏi áp đảo buộc cậu liên lạc phải câm mồm. Thủ trưởng hỏi rất chân thành, khẩn khoản là đằng khác. Cậu liên lạc chẳng biết nói sao, chỉ biết đứng khóc.

Nửa đêm cậu liên lạc lén sang lán ba, quì lạy ba như tế sao. Tội em đáng chết… tội em đáng chết. Ba xốc cổ áo cậu ta lên. Có đúng Thủ trưởng sai cậu lục ba lô tôi không? Cậu liên lạc khóc oà. Đời em chưa vu oán giáng hoạ cho ai, sao lại vu cho Thủ trưởng. Em kính Thủ trưởng như kính núi Thái Sơn, sao lại làm chuyện đó. Em làm chuyện đó để làm gì? Ba đấm vào mặt câu liên lạc rồi ôm cậu ta khóc. Hai anh em ôm nhau khóc suốt đêm, chỉ khóc vậy thôi chẳng biết vì sao khóc.

Ngày hôm sau ba khoác ba lô về khu tuyên giáo, khu buồn chán nhất trong bảy khu thuộc chiến khu Đá Mài. Bù lại ba gặp được cô gái tên Mai, người đẹp chiến khu. Vài ngày chịu khó hái hoa rừng, ra sức trổ tài đọc thơ Xuân Diệu, Nguyễn Bính, ba đã đánh gục được người đẹp, đêm đêm kéo người đẹp vào hang đá ân ái cho tới khuya. Nhờ đó ba mới biết vì sao năm 1937 ông đột ngột mất liên lạc.

Ái ân với người đẹp được hơn một tháng ba mới biết bà Mai vốn là hoa khôi Chiến khu Đá Mài, lên trạm xá Chiến khu trước ba mấy năm, bị Thủ trưởng yêu quá mới bỏ chạy về khu tuyên giáo. Lần đầu tiên ba biết có người bỏ chạy vì sợ Thủ trưởng. Ba quá ngạc nhiên. Chú em nhỏ nhắn xinh trai của ba ngày xưa giờ đã một vợ hai con vẫn nhỏ nhắn xinh trai, với phụ nữ vô cùng lịch thiệp, chưa hề tai tiếng gì dù nhỏ về chuyện trai gái. Ở Chiến khu không sợ đói, không sợ chết chỉ sợ rắc rối với phụ nữ, nhất là những người có chút uy quyền. Thủ trưởng là người có uy quyền nhất, dưới trướng có 50 người đẹp ở Ban hậu cần, 30 người đẹp ở trạm xá, 36 người đẹp ở Ban thông tin, chưa kể 100 cô ở rải rác các ban khác. Vậy mà tuyệt không một xì xào về ngài với chị em. Ba cho là bà Mai phóng đại, tự tưởng tượng ra nỗi sợ Thủ trưởng để lấy le với các chị em khác trong Chiến khu.

Anh không biết gì Thủ trưởng đâu. Bị ba đặt quá nhiều ngờ vực, bà Mai chị mỉm cười cay đắng, nói đúng một câu. Cũng chỉ nói đúng mỗi câu ấy vào các đêm khác mỗi khi ba hỏi bà về Thủ trưởng. Ba kể cho bà nghe quan hệ của ông với Thủ trưởng thân thiết đến thế nào, bà Mai vẫn một câu “anh không biết gì về Thủ trưởng đâu”. Là sao? Ba bỗng to tiếng, ông cảm thấy bị xúc phạm. Em cho Thủ trưởng là kẻ hai mặt? Không không không! Bà Mai kêu lên. Em không nói thế. Chưa người đàn ông nào tuyệt vời như Thủ trưởng. Ba cười. Và vì không có người đàn ông nào tuyệt vời như Thủ trưởng nên em sợ phải không? À… anh đã hiểu rồi! Không không không! Bà Mai lại kêu lên. Vậy thì vì sao? Đến lượt ba lại kêu lên. Bà Mai im lặng hồi lâu mới thì thầm. Em biết anh không tin nhưng em cứ nói. Thủ trưởng không phải kẻ hai mặt. Con người tuyệt vời đó là hai con người.

Hai con người là sao? Ba hỏi đi hỏi lại. Bà Mai không làm sao diễn đạt thế nào là người đa nhân cách cho ba hiểu, cả bà lẫn ba cũng chưa bao giờ nghe nói về loại người này. Ba cười ngao ngán. Không phải anh không tin mà anh không hiểu gì hết. Ba nói, ông rên rỉ thì đúng hơn. Thôi về! Bà Mai đứng dậy. Ba kéo bà ngồi xuống. Anh ghét sự lấp lửng lắm. Nói hết cho anh đi. Bà Mai bất ngờ kể cho ba hay, suýt nữa ba bị mất mạng vì Thủ trưởng. Chuyện thật như đùa.

Thật không ngờ chính Thủ trưởng đã báo lên Chiến khu: Phạm Vũ là cháu ruột của hai đại tư sản Phạm Vĩ và Phạm Phú Huệ. Phạm Vũ được đại tư sản Phạm Vĩ nuôi nấng dạy dỗ từ tấm bé, nhận làm con thừa tự. Đại tư sản Phạm Vĩ lại có quan hệ rất mật thiết với tất cả quan lại trong tỉnh và khá nhiều quan lại trung ương. Ba bị liệt ngay vào đối tượng nguy hiểm, đã có kế hoạch thủ tiêu ba vì ông biết quá nhiều đầu mối của Cách mạng. May cho ba tại thời điểm đó Thủ trưởng chưa là thủ trưởng Chiến khu Đá Mài, Thủ trưởng chỉ là người đưa tin, chưa quyết định được số phận của ba. Lại may nữa, người phụ trách quân nhu Chiến khu tình cờ biết được chuyện này, bèn vội vàng báo cho thủ trưởng Chiến khu biết: Lương thực cho Chiến khu Đá Mài chủ yếu do đại tư sản Phạm Vĩ đóng góp. Ba thoát chết trong gang tấc, ông bắt được liên lạc với Cách mạng ngay tức thì.

Nghe bà Mai kể ba dựng đứng tóc gáy, phóng nước tiểu ướt sũng đũng quần. Lần đầu tiên trong đời ba nghe chuyện khó có thể tin về Thủ trưởng từ miệng một người thật thà, còn ngưỡng mộ và kính trọng Thủ trưởng hơn cả ba nữa. Thật đáng sợ. Ba nói. Anh không tin. Anh rên rỉ. Anh không tin! Thốt nhiên ba gầm lên. Thủ trưởng cũng không tin. Bà Mai ôm chặt lấy ba thì thầm. Em đã hỏi Thủ trưởng rồi. Ngài cũng không tin. Ba bật cười. Em nói gì kì vậy? Sao Thủ trưởng không tin việc ngài làm? Vậy mới kì. Bao nhiêu lần ngài chặn em đòi hiếp, em nhắc lại ngài cũng không tin. Lại có chuyện này nữa sao? Ba hỏi. Bà Mai im lặng. Anh không tin, ba hét vang. Tiếng dội vang chuyển động cả rừng đêm.

Ba nhảy bùm xuống suối, lôi cả bà Mai xuống theo. Quên hết đi em. Ba hối hả dục người tình vào cuộc. Anh muốn quên… thật mà… anh muốn quên. Lần đầu làm tình dưới suối ba rất phấn chấn. Bà Mai xiết chặt lấy ba. Chẳng hiểu thế nào giây phút ấy ba lại nhớ cái ôm chầm xiết chặt rưng rưng, nụ cười ấm áp tình đồng chí cùng với chín tiếng tuyệt vời của Thủ trưởng, bỗng dưng ông bủn rủn. Cả ông và cái của ông đều tiu nghỉu, dúm dó trong suối lạnh. Răng rứa anh… răng rứa anh ơi! Bà Mai đã bắt đầu nóng lên, không kìm được nữa. Bà rên, vừa ghì chặt ba nghiến ngấu ba vừa rên. Tiếng rên giữa rừng đêm thanh vắng nghe như tiếng kèn xung trận.

Bỗng bùng lên cơn hứng khởi cách mạng. Ngực ông râm ran nồng cháy tình cảm cách mạng. Ba đọc to câu thơ của Tố Hữu: “Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu”. Cả ông và cái của ông đều phần khởi dựng ngược lên. Ông phấn khởi tiếp tục đọc to như thét. Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu! Tôi đã hiểu!… Tôi đã hiểu!… Tôi đã hiểu!… Ba đâm và hét như một kẻ cuồng.

Bà Mai sướng ngất đi. Ba lịm dần trên ngực bà Mai, nửa giờ sau ông ngóc đầu lên ngâm nga câu thơ của Tố Hữu: “Nó chết rồi, con chim nhỏ của tôi / con chim se sẻ mới ra đời”. Bà Mai cười rúc rích, bóp hạ bộ ông một cái thật đau, nói, không phải ra đời bốn chục năm rồi à? Ba hôn bà đánh chụt, nói, với Mai thì nó vừa mới ra đời. Họ ôm chặt lấy nhau cười hể hả, cái cười hiếm khi sau mỗi cuộc tình.

Ba không thích thơ Tố Hữu. Một khi đã thích thơ Hàn Mặc Tử, thơ Xuân Diệu và Nguyễn Bính khó có thể thích thơ Tố Hữu. Ba chỉ coi thơ Tố Hữu như những chỉ thị có vần của Cách mạng, được viết bằng ngôn ngữ Folklore cực kì xuất sắc. Ba đã hết sức cố gắng để thuộc thơ Tổ Hữu nhưng ông chỉ nhớ vài ba câu thôi. Tối hôm đó ba đã ghi dưới đáy ba lô của mình: “Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu”, và đinh ninh đến chết ông cũng không quên câu thơ thần diệu đó.
Thế mà ba đã quên.

Sáu năm sau ba cùng với đồng chí Đội trưởng tham gia cuộc cách mạng long trời lở đất, ngay khi cái điếu cày và hai lạng thuốc lào đầu tiên dâng lên Đội trưởng, ba lại được nghe chín tiếng tuyệt vời, báo cho ba biết đồng chí Đội trưởng là cận vệ tin cậy của Thủ trưởng. Chỉ có cận vệ tin cậy của Thủ trưởng mới ngang nhiên lấy cắp chín tiếng tuyệt vời, ngôn ngữ độc quyền của ngài.

Đồng chí Đội trưởng trốn khỏi làng Trung vì can tội giết chết Lý trưởng làng Trung, lên chiến khu Đá Mài được bổ sung vào trung đội cầm dao phay của Chiến khu. May mắn làm sao tội giết chết Lý Trưởng làng Trung được Thủ trưởng khen thưởng thành tích trừ gian diệt ác. Quá vinh dự tự hào, đồng chí Đội trưởng nguyện là cận vệ trung thành của Thủ trưởng, “dù gan óc lầy đất”. Thủ trưởng mừng lắm, ban cho đồng chí Đội trưởng được hưởng độc quyền chín chữ tuyệt vời.

Thế mới biết vì sao ba gặp lại đồng chí Đội trưởng như gặp lại Thủ trưởng. Ba không còn nhớ cái rùng mình ớn lạnh sáu năm về trước và câu thơ Tố Hữu dưới đáy ba lô của ông. Trái lại ba vui mừng như được gặp lại cố nhân, chữ minh trong ba vụt tắt, cơ hội “gần mặt trời” lại tỏa sáng trong ông. Bài học thuộc lòng “Đánh giá con người cần có cái nhìn biện chứng” ba học được ở Chiến khu Đá Mài khiến ông quên sạch những gì cần phải nhớ.

Thế rồi việc thường xuyên làm điếu cày cho đồng chí Đội trưởng và cứ hai ngày một lần đạp xe bốn chục cây số vào Thị xã Ô Lệ mua đúng hai lạng thuốc lào đã được ba hân hoan coi đó là nhiệm vụ vẻ vang.

*
Sau khi ba nhường suất mèo kêu cho đồng chí Đội trưởng, nhiệm vụ vẻ vang không chỉ thuộc về ba, còn có cả chị Hiên nữa. Nhiệm vụ vẻ vang của chị Hiên còn vẻ vang hơn nhiệm vụ của Chủ tịch thị trấn Phạm Vũ.

Từ ngày đồng chí Đội trưởng trú tại nhà, chị Hiên luôn mặc bộ đồ màu mực Cửu Long, màu đặc trưng vừa được cách mạng chỉ định là màu giai cấp nòng cốt. Chị nghe đồng chí giải thích như thế khi đưa tặng chị. Thực tình chị cũng không hiểu vì sao mấy bộ đồ hợp thời trang đồng chí trưng thu từ nhà một tên phản động lại trở thành bộ đồ giai cấp nòng cốt và vì sao chị được mặc bộ đồ của giai cấp nòng cốt trong khi chị thuộc tầng lớp buôn cám lợn. Giải thích các khái niệm là việc của bè lũ trí thức tiểu tư sản, không phải việc của đồng chí Đội trưởng. Việc của đồng chí là kiên cường đè ngửa chị ra trên bốn bao tải cám lợn xếp bằng như nệm đế vương thời trung cổ. Chị Hiên bé nhỏ nhưng lẳn người, tòa thiên nhiên của chị không đến nỗi nào, ở cái tuổi mười tám tất cả đều căng ra, vun lên thật thỏa mắt nhìn.

Đồng chí Đội trưởng không vội vàng lâm trận. Thủng thẳng kéo một hơi thuốc lào, đồng chí thò mồm phun khói thẳng vào hõm sâu bánh ú chúm chím xinh tươi. Chừng như làm thế vẫn không đã, đồng chí rít một hơi thuốc lào khác, dí sâu vào hõm, từ tốn cho khói tuồn vào. Chị Hiên cười rinh rích, cặp đùi non kẹp chặt hai tai đồng chí. Khói thuốc lào không tuồn vào được, dội ngược trở ra xộc thẳng vào mũi, đồng chí ngạt thở, hất mạnh đầu, nhào lên úp mặt vào bộ ngực non của chị ho sặc sụa. Răng rứa? Chị Hiên hỏi. Răng là Răng. Đồng chí Đội trưởng cười hề hề. Dập và ho và hỏi nhau rối rít. Răng? Răng là răng? Là răng nữa!… Chẳng hiểu mẹ gì. Nhũng nhẵng thứ ngôn ngữ đến Chúa cũng bó tay.

Cơn ho của Đội trưởng không làm chị Hiên cụt hứng, trái lại, nó như một thứ thuốc kích thích, da bụng chị Hiên rung bần bật, nóng râm ran lan tỏa khắp người, giần giật giần giật. Chị Hiên như bừng tỉnh. Tay xoa lưng Đội trưởng, tay khéo léo tìm ngọc hành đồng chí dúi vào nơi cần dúi. Bánh ú chúm chím xinh tươi gặp ngọc hành kiên cường dũng mãnh, chị siết chặt lấy Đội trưởng đánh nhịp tới tấp, theo nhịp ho sặc sụa của đồng chí. Tức khắc Đội trưởng hết ho, đồng chí đặt trang trọng tờ báo tỉnh đăng “Mô hình ba giai đoạn điếu cày” lên bụng chị Hiên, mắt không rời khỏi tờ báo, ngọc hành không rời khỏi bánh ú, đánh nhịp cùng chị hơn một giờ không nghỉ.

Đồng chí Đội trưởng đã khởi động tiếng mèo kêu. Tiếng mèo kêu của chị Hiên là tiếng mèo cái gọi đực đêm động dục, thảm thiết và hân hoan. Tiếng kêu lúc lúc lại rúc lên khi thì chua loét hệt tiếng heo chọc tiết, giật từng cơn, khi thì khô đục hệt tiếng ngỗng kêu đêm, tuồn qua tấm vách nứa đan thưa, tràn ra sân, nhào ra ngõ, lăn lóc dọc đường cái quan, trong vòng bán kính năm mươi mét không ai không nghe thấy.

Nhầm. Hầu hết hàng xóm của chị cố nuốt cục cười vào miệng, mặt tỉnh bơ coi như không có gì xảy ra. Không biết không nghe không thấy, phép phòng thân có từ ngày cách mạng long trời mười lăm năm về trước. Không phải. Phép phòng thân truyền kiếp có từ thuở Đại Việt ta. Không phải. Kể từ ngày mẹ Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng, dân An Nam quá biết rõ bụng nhau. Cũng không phải nốt. Kể từ ngày vua Hùng chọn đất định đô quá gần nước Đại Ca, đất nước luôn sản sinh những thiên tài hai mặt. Chỉ có những cái cười tủm không giấu được thỉnh thoảng bất chợt nở xoè trước mắt ba, chị Hiên và Đội trưởng cùng với những khúc đồng dao lũ trẻ chăn trâu vẫn réo lên khắp Thị trấn Kô Long. Vè vẻ vè ve/ nghe vè con chó/ tiếng giống tiếng mèo/tiếng giống con heo/tiếng giống con ngỗng/ ngổng ngổng ngổng ngổng…

Ba không nghe tiếng gì cả. Ông không nghe thấy thật, tuyệt không nghe thấy gì. Hình như ai đó bịt tai ba, xui ông vào chỗ chết. Vừa đạp xe từ Thị xã Ô Lệ trở về, trong tay cầm đúng hai lạng thuốc lào, ba đi thẳng tới nhà chị Hiên. Khi người ta hoàn thành một nhiệm vụ vẻ vang, niềm vui sướng làm người ta quên hết mọi chuyện. Giờ này không có sung sướng nào hơn hai lạng thuốc lào ba đang có trong tay. Bốc được hai lạng thuốc lào vượt qua tám chục cây số đường trường cả đi lẫn về kính cẩn dâng lên đồng chí Đội trưởng, ba đã hoàn thành một nhiệm vụ vẻ vang. Đáng lý ba phải nhận ra tức thì tiếng kêu quen thuộc đó khi cách nhà chị Hiên năm mươi mét. Khốn nạn, ông đã không nghe.

Ba dừng xe đạp trước ngõ, tháo gói giấy báo bọc hai lạng thuốc lào ở yên xe, rực lên niềm kiêu hãnh sắp được thấy cái miệng chuột chù của Đội trưởng bành ra cùng với chín tiếng tuyệt vời. Tiếng mèo kêu đã tắt. Bánh ú xinh tươi ngưng lại giữa chừng chúm chím. Đồng chí Đội trưởng bỗng thèm thuốc lào. Không gì khóai bằng vừa làm tình vừa hút thuốc lào. Đồng chí khoan thai cúi xuống với lấy cái điếu cày, khoan thai thông nõ, tra thuốc, khoan thai châm đóm, rướn cổ rít một hơi dài. Tiếng điếu cày vang lên.

Trời hại ba tôi, lần này ông lại nghe rất rõ. Tiếng điếu cày báo cho ông biết đồng chí Đội trưởng đang có nhà và đang hút thuốc lào. Vậy thì việc gì phải gõ cửa, việc gì phải lên tiếng, cứ thế đi thẳng vào với hai lạng thuốc lào trong tay, dâng lên đồng chí một bất ngờ thú vị. Ba đẩy cửa bước vào. Ông đứng chết lặng trước cái đít đang nhoay nhoáy của Đội trưởng. Ba tính tháo lui, nghĩ thế nào ông cứ đứng trơ ra đấy. Chị Hiên nhác thấy ba đang đứng ngây như phỗng dưới háng, cái đít thẹn thùng giật nẩy.

Ôi cậu Vũ! Chị Hiên đẩy đồng chí Đội trưởng bật ngửa, ôm ngực hoảng hốt kêu lên. Ba tỉnh hồn. Ông ngượng nghịu đặt nhẹ hai lạng thuốc lào, nhiệm vụ vẻ vang đồng chí Đội trưởng giao phó, lẳng lặng tháo lui. Chân nam đá chân chiêu ba dúi dụi đi ra ngõ. Ông dắt xe đạp lao thẳng về nhà mình, chẳng hiểu thế nào cứ chui đầu vào lùm dứa dại đầu hồi nhà, loay hoay mãi mới gỡ ra được, áo quần rách tướp, mặt mày tứa máu.

Ba không biết chuyện gì sẽ xảy ra sau khi ông bắt quả tang đồng chí Đội trưởng đang “ba cùng” như thế nào trong nhà một cốt cán. Ông không cách gì đoán được số phận của mình rồi đây sẽ thế nào. Ba ngồi thất thần trên ngạch cửa. Mạ hỏi đi hỏi lại dăm bảy lần ông cứ to mắt nhìn, quai hàm cứng ngắc không thốt được nên lời. Ba tính chạy sang nói chuyện với dị nhân Kiểm Hát, vừa nhổm đít lên ông lại ngồi xuống. Cho Kiểm Hát biết chuyện này chẳng được dã giúp cho lại còn bị dã cho ăn chửi. Chẳng dại. Ba ngồi đóng đinh trên ngạch cửa, ngoảnh mặt về phía nhà chị Hiên, đầu óc rỗng không chẳng nghĩ ngợi được gì, còn nghĩ gì được mà nghĩ!

Mười lăm phút sau tiếng mèo kêu lại vang lên, lần này dữ dội hơn, cho hay Đội trưởng đã có phương án khóa mồm hữu hiệu. Vận hạn ba tôi coi như chấm hết. Kì thực nó đã chấm hết ngay khi ba đứng trước cái đít nhoay nhoáy của đồng chí Đội trưởng.

9. Đêm định mệnh
Ba tôi uống một cốc rượu to, thêm một cốc rượu to nữa, tự rủa thầm mình không dưng dính vào cái bướm không lông, “đụ bướm vô mao số vào chuồng xí”, rồi đây rủi ro rình rập khôn lường, sống nhục chết oan chỉ trong nháy mắt.
Vốn bà con bên ngoại với chị Hiên, tuy không ruột cật gì ba cũng đủ gần gũi để biết nguyên lý khép mở dòng họ ngoại chị Hiên. Nhà tranh vách nứa kề nhau, ba chẳng lạ gì nguyên lý ấy đã hoạt động như thế nào, ông đã mục sở thị bánh ú vô mao chúm chím xinh tươi thế nào từ bà ngoại chị Hiên đến mẹ chị Hiên và bây giờ là của chị Hiên. Họa đang chờ trước cửa. Rượu càng uống càng say cái gì cũng một nhìn ra ba. Ba gương mặt trái xoan trắng hồng, ba cặp tuyết lê phồng căng, ba cái đít thẹn thùng tròn đầy, ba bánh ú chúm chím xinh tươi khép mở… bay lượn chập chờn trước mặt ông. Ba ngửa mặt nhắm nghiền mắt nhớ lại sự tích cái bướm không lông. Không xong rồi. Ba nhìn rất rõ mối hoạ treo trước mũi.
Đêm đó trôi qua yên bình, tịnh không một tiếng động. Sáng ra đầu ngõ ba gặp nụ cười tươi tỉnh của chị Hiên. Cậu dậy chi sớm rứa? Chị nói. Nụ cười chiếu cố vỗ về, ba dịch ra là “Tối qua cậu khó ngủ phải không?… Không có chi mô cậu!” Trưa ba đến ở sân đình thờ họ Phạm, nơi Đội cải cách vẫn nhóm họp, nhậu nhẹt, gặp nụ cười ấm áp tình đồng chí của Đội trưởng. Thuốc lào bữa qua ngon lắm anh Vũ à. Đồng chí xiết tay ba. Hai lạng thuốc hôm qua mới đúng là thuốc Vĩnh Bảo thứ thiệt! Đồng chí lại xiết chặt tay ba.
Ba nở cười nụ cười rạng rỡ. Được đồng chí khen tôi cũng mừng, hôm qua đến giờ tôi cứ lo lo. Ba kiên quyết nói một câu thật khiêm tốn. Đồng chí Đội trưởng vỗ vai ba đánh bốp, cười to. È he… lo chi rứa hè! Tiếng cười sảng khoái chí tình, ba dịch ra là, “Xí xóa chuyện bữa qua nghe!… Coi như anh không thấy tui cũng không hay.” Đồng chí lại vỗ vai ba đánh bốp. Anh em mình hiểu nhau mà. Cái vỗ vai ấm áp tình đồng chí, ba dịch ra là “Anh em mình phải bảo vệ nhau nha!”
Ba như trút được một gánh nặng, ông tự trách mình thần hồn nát thần tính đã suy diễn lung tung, nghĩ về chị Hiên và đồng chí Đội trưởng chẳng ra làm sao, mất hết tình đồng chí. Vả chăng làm sao có thể lôi cổ ông ra trường bắn chỉ vì một chuyện vớ vẩn. Ba có ba chục năm theo cách mạng, ông bác Vĩ cũng có chừng đó năm đóng góp cho cách mạng. Số lúa gạo ông bác Vĩ chuyển lên chiến khu Đá Mài ba chục năm qua chất cao bằng đỉnh Đá Mài. Chưa nói đến Tuần lễ vàng năm 1946, trong số 20 triệu tiền Đông Dương và 370kg vàng đồng bào cả nước đã quyên góp, tiền vàng của ông bác Vĩ góp vào là không nhỏ. Chính phủ có thể không nhớ ông bác Vĩ đóng góp bao nhiêu nhưng người bạn chí thiết của ba hiện đang là nhân vật có số má của triều đình ở Hà Nội thì biết, ông bác Vĩ đã đưa tận tay cho người này nhân chuyến công cán vào miền Trung.
A, người bạn chí thiết của ba, suýt nữa thì ông quên mất. Còn người này ba không thể bị bắt tội! Đánh chó phải nể chủ, đồng chí Đội trưởng dù có ba đầu sáu tay cũng không dám đụng đến một cái lông chân của ba. Thủ trưởng cũng không dám nói gì đến đồng chí Đội trưởng. Người bạn chí thiết của ba, bóng Người đang trùm khắp thiên hạ! Dù Người chẳng đời nào chịu mất thời giờ vì ba nhưng cái bóng ấy vẫn đủ cho kẻ khác phải kiêng dè khi muốn động đến ông. Phát hiện vừa rồi làm ba vững tin trở lại. Ông hết khóm róm rụt rè, lại nói cười như không, ung dung nắm tay đồng chí Đội trưởng đi thẳng vào chính điện đình thờ họ Phạm.
Kô Long có chín họ, đình thờ họ Phạm to nhất, uy nghi nhất. Nhờ ông bác Phạm Vĩ bỏ tiền ra xây đình thờ, họ Phạm mới vẻ vang như thế. Họ Phạm không phải là họ giàu nhất Kô Long nhưng có hai người giàu nhất tỉnh, là ông bác Vĩ và ông bác Phú Huệ. Dân Kô Long cứ thấy họ mình hơn được họ người ta được chút gì đều lấy đó làm vinh dự tự hào. Ông bác Phú Huệ như người không mang họ, kiên quyết không liên quan bất kì việc gì của họ Phạm, từ việc làm đình thờ, cứu trợ người trong họ tới mấy việc vặt như cưới hỏi, cũng giỗ ổng cũng chẳng chịu xuất một trinh. Cái cổng cao ba mét và 11 con chó beggie nhà ông bác Phú Huệ cho thấy nguyên lý “Không liên quan” của ổng ngày mỗi cao vời vợi, không một ai với tới được. Mặc kệ ông bác Phú Huệ coi họ Phạm chỉ bằng nửa con mắt, họ Phạm vẫn kiên quyết vinh dự tự hào về ổng.
Ông bác Phú Huệ chỉ biết có Cách mạng, ngoài Cách mạng không còn ai. Tất nhiên ổng cũng chẳng bỏ ra cho Cách mạng một trinh nào, tiền của đóng góp cho Cách mạng là của ông bác Vĩ, Cách mạng luôn ghi công cả hai ông bác vì ông bác Phú Huệ áp dụng vô cùng sáng tạo phương pháp kẻ góp của người góp công. Khi ông bác Vĩ chuyển gạo cho Chiến khu Đá Mài, ông bác Phú Huệ tích cực thông báo cho Cách mạng với đại từ “chúng tôi”, đồng thời làm báo cáo trực tiếp cho thủ trưởng chiến khu Đá Mài về số lượng gạo, địa điểm nhận gạo và kết thúc bằng câu dao: “Trèo lên trên đỉnh Đá Mài /Quyết tâm theo Đảng không phai tấc lòng.”
Khi bác Vĩ đóng góp tiền của trong Tuần Lễ Vàng, ông bác Phú Hiệp tích cực báo cáo lên trung ương với đại từ “chúng tôi”, đồng thời thay mặt ông bác Vĩ đứng ra trả lời phỏng vấn và kết thúc bằng câu khẩu hiệu sáng ngời: “Cách mạng muôn năm!” Trong cuốn sổ vàng dày cộp của Cách mạng rất nhiều có dòng chữ “Anh em hai nhà tư sản Phạm Vĩ- Phạm Phú Huệ” đã… đã… đã… nhiều vô cùng.
Lại nói cái đình thờ họ Phạm ( vì ba tôi và đồng chí Đội trưởng đang ngồi tán gẫu trong đó), ông bác Phú Huệ trước sau vẫn bảo toàn nguyên lý “Không liên quan”, kiên quyết không bỏ ra một trinh xây đình thờ. Mọi người đinh ninh đôi hạc đồng nặng gần ba tạ cao một mét sáu mươi đặt ở gian thờ cụ tổ họ Phạm là do ông bác Phú Huệ tiến cống, thực ra không phải. Khi đình thờ xây sắp xong, ông bác Phú Huệ đến chơi nhà ông bác Vĩ. Chỉ vào đôi hạc đồng đặt ở phòng khách, ông bác Phú Huệ đưa ra sáng kiến. Đôi hạc này quí lắm, anh đặt đây phí đi, nên tiến cống cho đình thờ họ. Phải phải! Ông bác Vĩ gật gù đồng tình. Đúng ngày khánh thành đình thờ họ Phạm, ông bác Phú Hiệp trịnh trọng đem đôi hạc đồng ra, trịnh trọng nói với toàn thể họ Phạm, thứ dứt là, anh em chúng tôi…, thứ dì là, anh em chúng tôi… Toàn thể họ Phạm có mặt hôm ấy ứa nước mắt cảm động.
Đội cải cách về Thị trấn Kô Long, ông bác Phú Huệ đã trịnh trọng rước Đội cải cách về đình thờ họ Phạm ăn ở, sinh hoạt, hội họp ở đấy. Vì có công xây đình thờ, ông bác Phú Huệ có quyền ra lệnh dở bỏ chính điện, dở bỏ gian thờ, ưu tiên diện tích tối đa cho Đội Cải Cách. Đồng chí Đội trưởng lấy làm cảm kích. Đồng chí chưa hết cảm kích, chưa kịp xác định kẻ thù giai cấp số 1 ở Kô Long chính là Phạm Phú Huệ thì Phạm Phú Huệ đã cao chạy xa bay. Nếu biết được Phạm Phú Huệ có năng khiếu tận dụng sơ hở của kẻ khác từ trong bụng mẹ thì ổng đừng hòng thoát khỏi tay Đội trưởng, người có năng khiếu bịp người từ trong bụng mẹ.
Lúc này Ba và đồng chí Đội trưởng đang ngồi tán gẫu trong đó, tức trong chính điện đình thờ họ Phạm. Chị Hiên chợ về, tay xách ba con vịt đi vào. Tiết canh vịt chỉ có cậu Vũ làm là nhất! Chị Hiên thỏn thẻn nói. Răng Hiên biết tui tiết canh là nhất? Ba rỉ tai chị Hiên. Em biết anh tiết canh em rồi mà, nhất anh đó! Chị Hiên lườm yêu, xuống giọng thì thầm. Chị véo ba, cái véo hờn rõ đau. Cái đít thẹn thùng khép mở rưng rưng. Ngọc Hành của ba ngóc đầu dậy tức thì, nhẫn nhịn đứng im trong đũng quần không dám ho he.
Mọi người quên cả chuyện họp hành, rôm rả nói chuyện tiết canh. Đồng chí Đội trưởng liếm một lượt mép thật trơn, vung tay ca ngợi tài tiết canh của Chủ tịch thị trấn Phạm Vũ. Ba cười tít mắt, ông hồ hởi vứt cái xắc cốt lên bàn, hăng hái xắn tay làm tiết canh hầu Đội trưởng.
Ba làm tiết canh sau chái đình không hề nhớ cái xắc cốt, vật bất li thân của ông đang ở nhà chính. Niềm vui được đồng chí Đội trưởng tin tưởng ban cho nụ cười ấm áp tình đồng chí và cái lườm yêu, cú véo hờn của chị Hiên dẫn dụ ba quên sạch những gì ông không được phép quên. Rồi tiết canh được bưng lên. Rồi ba ngồi vào chiếu rượu. Rồi cụng ly lia lịa với mọi người, ba uống cho đến say ông vẫn không nhớ cái xắc cốt nằm ở đâu. Rượu Kô Long 50 độ, chén đầu tê tê chén sau phê phê, mấy chén sau ngất ngư không biết gì trời đất. Ba uống và uống. Ông hát rống lên mấy bài hát bằng tiếng Pháp, các ca khúc kiêng kị của thời này cả thảy chục bài. Đồng chí Đội trưởng không hề chê trách, đồng chí có chẳng biết gì nhạc nhéo mà chê trách, cứ bồm bộp vỗ tay thật nhiệt tình cổ vũ ba uống hết mình, hát hết mình.
Đồng chí Đội trưởng cũng hát, ôm cổ ba mà hát. “Hò dô ta nào… kéo pháo ta vượt qua đèo”, Đội trưởng rống lên. “Hò dô ta nào… kéo pháo ta vượt qua núi”, ba rống lên.“Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi”, Đội trưởng rống lên. “Vực sâu thăm thẳm vực nào sâu bằng chí căm thù”, ba rống lên. “Kéo pháo ta lên trận địa đây vùi xác quân thù”, Đội trưởng rống lên. Vào điệp khúc cả hai thi nhau rống lên như ăn cướp. “Gà rừng gáy trên nương rồi dẫn bước ta đi lên nào. Kéo pháo ta sang qua đèo trước khi trời hừng sáng. Hai ba nào...”, Ba rống lên. “Tới đích rồi đồng chí pháo binh ơi!”, Đội trưởng rống lên…
Chiều tối ba loạng choạng bước ra đình thờ họ Nguyễn, suýt nữa ông quên mất cái xắc cốt. Đồng chí Đội trưởng quàng dây xắc cốt qua đầu ba, ôm ba chặt cứng. Đồng chí rất tốt, tôi tin tưởng đồng chí. Đội Trưởng nồng nàn nói. Chín tiếng tuyệt vời vang lên trong cơn say. Ba chuếnh choáng về nhà. Ông ngã vào lòng mạ tôi, chìm đi trong giấc ngủ tràn ngập niềm mơ tưởng, những mơ tưởng ngọt ngào.
*
Đúng ba giờ sáng ngày 21 tháng 12 năm 1955.
Ba đang ngủ say. Mạ trở mình ôm quàng lấy ông, áp má vào ngực ông thiêm thiếp ngủ trong trạng thái chờ đợi. Ba vẫn ngủ say, không một biểu hiện gì cho thấy ông đã nhận được tín hiệu mời gọi của mạ. Bàn tay mạ vuốt nhẹ lên ngực trần của ông, dần trượt xuống bụng dưới của ông và nằm yên nơi bà đang muốn nó thức dậy. Bà lật nghiêng người, co chân gác nhẹ lên bắp vế ông, cố tình ẩn nhẹ vào nơi ấy. Ba bắt đầu lờ mờ nhận ra hơi ấm của mạ phả ra tràn lên ngực mình.
Râm ran tiếng gà gáy canh ba – đồng hồ báo thức ái ân của những gia đình đông con nhà chật. Ba từ từ mở mắt, những sợi tóc thơm lừng hương sả của mạ vắt qua ngực ông cùng với hơi thở nồng nàn của bà gây cho ông có được cảm khoái bất chợt, ông biết bà đã thức dậy từ lâu và đang đợi. Ba quay người hôn nhẹ lên trán mạ, cái hôn cho biết “anh đã sẵn sàng”. Mạ mở mắt vừa như ngái ngủ vừa nũng nịu nhìn ba và mỉm cười hôn nhẹ lên ngực ông, bà vờ thiếp đi trong nách ông, bàn tay mềm từ từ nắm lấy cái cần nắm. Cái nắm trong thiêm thiếp khéo đến nỗi chỉ gợi lên một trạng thái yêu thương chứ không hề phô bày thèm muốn.
Điều đó dĩ nhiên càng kích thích ba hơn. Ông đã tỉnh hẳn, nhẹ nhàng kéo mạ áp sát vào lòng. Và hôn. Những chiếc hôn nhẹ và sâu dần tràn lên cơ thể bà. Mạ thừa biết đấy không phải là những chiếc hôn tình yêu, chúng thuần túy là những chiếc hôn gợi dục. Mạ chỉ cần có thế, thực lòng bà không dám được nhiều hơn. Bà hân hoan đón nhận những chiếc hôn của ba, coi đó là món quà tình trời ban tặng. Bà đáp lại bằng những nụ hôn dè dặt, e ấp nửa muốn lẩn tránh nửa muốn dấn tới, tạo ra vẻ ngượng ngùng nữ tính và râm ran thông báo niềm vui sướng sắp được dâng hiến.
Rực lên trong ba một niềm yêu. Ông chồm dậy đè nghiến mạ trong cơn khát chiếm đoạt. Thoáng chốc ông đã ngập vào bà, điên dại quấy đảo như say như mê sảng. Một cái gì đó hực lên. Mạ nhắm nghiền mắt, bộ ngực khổng lồ đột khởi nở căng. Mạ mê đi. Gần như mất trí, bà điên dại túm tóc ba giật nảy liên hồi.
Phạm Vũ mô rồi, mở cửa ra! Một tiếng gọi chậm rãi, khô khốc vang lên ngay cửa sổ buồng ngủ, gần đến nỗi như ai đó đang dí mõm vào tai, nhả ra từng tiếng lạnh lùng. Mạ giật mình đẩy vội ba ra. Ba vẫn giữ nguyên hiện trường, ngồi yên trên bụng mạ, không chịu rút khỏi vị trí tác chiến, hất mặt ra ngoài cửa sổ. Ai đó… chi rứa?
Câu hỏi khó chịu lẫn một chút quyền lực của ông chủ tịch Thị trấn chẳng hề làm đám người ngoài cửa sổ xao động. Một tiếng hắng giọng rõ to kèm tiếng gọi giật. Mở cửa mau! Lại thêm một tiếng thét. Phạm Vũ, mở cửa mau! Tiếng thét quen thuộc của đồng chí Đội trưởng, người vừa xiết chặt ba trong vòng ôm trìu mến cùng với chín tiếng tuyệt vời.
Hơn chục người đạp cửa xông vào, xách cổ ba lôi xềnh xệch. Các đồng chí… các đồng chí… cho tui mặc quần cái đã!… Ba hoảng hốt la to. Đồng chí Đội trưởng chắp tay sau đít đủng đỉnh đi tới. Đồng chí nhìn ba cười cười, bất ngờ đá đít ông một cú cực mạnh. Đồng chí cái lồn mạ mi! Mặt ba trắng bạch.
Mạ và sáu đứa con quây quanh ba, mặt mày ai nấy cũng trắng bạch. Cả nhà bị lùa vào buồng, buộc ngồi yên ở đấy, cấm có kêu la. Một tốp thanh niên lùng sục khắp nhà, lôi ra đủ thứ giấy má sách vở, đồ học tập các anh chị của tôi chất đống giữa nhà. Cái xắc cốt của ba cũng được ném lên đấy. Đồng chí Đội trưởng lấy cây gậy khều đống giấy tờ sách vở ngó ngó nghía nghía, thình lình chỉ vào cái xắc cốt. Xổ cái xắc ni ra coi! Đồng chí ra lệnh. Xắc cốt được xổ ra, một mớ tài liệu đánh máy ba tôi chưa nhìn thấy bao giờ lần lượt rơi ra trước mặt ông. Đội trưởng cười cái hậc. Thấy chưa Phạm Vũ! Toàn tài liệu Quốc Dân đảng như ri, hỏi răng không phản động. Ba chết điếng, ông rũ ra như cây chuối héo.
Ba bỗng chồm dậy vung tay hô vang. Hồ Chủ Tịch muôn năm! Chẳng có gì lạ. Tất cả những người bị Đội cải cách tóm cổ, chẳng ai bảo ai họ đều hô vang Hồ Chủ Tịch. Không ai động lòng cũng chẳng ai chùn tay. Hãy cảnh giác. Bọn phản động giở trò lưu manh, nấp bóng Hồ Chủ Tịch anh minh hòng cứu được mạng sống của chúng đấy. Hồ Chủ Tịch muôn năm! Ba tuyệt vọng dãy dụa tuyệt vọng hô vang. Dễ gì! Hồ Chủ Tịch muôn năm! Tiếng hô như tiếng kêu xé ruột. Còn lâu! Người ta lôi cổ ba tôi đi.
Cả nhà tôi ùa ra cửa. Mạ khóc òa, cả đàn con khóc òa theo. Ba cố quay lại chào cả nhà, ông ráng nở một nụ cười méo xẹo. Có ai đó đẩy ba ngã sấp. Sợ con cái thấy cha mình thảm hại quá ông lồm còm bò dậy thật nhanh. Chưa kịp đứng lên ông đã bị kẻ khác thúc đít ngã sấp một lần nữa. Cả nhà tôi đứng chết giấc nhìn ba. Đồng chí Đội trưởng thủng thẳng đến sát mạ, thò tay véo vú bà, cười hắt một tiếng khơ. Vợ thằng phản động bụ to rứa bay. Đoạn, mắt trợn tay chỉ đồng chí Đội trưởng quát to như sấm. Tịt thu nhà ni, đưa vợ con nó về chuồng bò gần cầu Phố!
Xong. Đồng chí thủng thẳng quay vào cửa, thò tay véo vú chị Hai, lại cười hắt một tiếng khơ. Công nhận vợ con thằng phản động bụ to!
10. Đám rước nhà tôi
Ba đã làm tổng cộng năm mươi chín cái điếu cày trong vòng ba năm phụng sự đồng chí Đội trưởng, từ ngày rước đồng chí về Thị trấn cho đến khi ông bị chính đồng chí xông vào nhà ấn mặt bắt phải quì, nghe đồng chí tuyên bố trọng tội làm gián điệp cho Quốc Dân Đảng.
Quốc Dân Đảng là gì? Tất nhiên đồng chí Đội trưởng không biết, đồng chí cũng chẳng cần biết, chỉ cần Thủ trưởng biết là quá đủ. Thủ trưởng đã khẳng định đây là một tổ chức rất ghê tởm. Một khi Thủ trưởng khẳng định là ghê tởm thì chúng phải ghê tởm. Đồng chí Đội trưởng tin tưởng chúng rất ghê tởm, chẳng cần biết chúng là những ai mà ghê tởm, làm những gì mà ghê tởm, ở đâu ra mà ghê tởm, vì sao mà ghê tởm và ghê tởm từ lúc nào, hiện có còn nữa không mà ghê tởm. Không cần phải nhiêu khê đến vậy, chỉ cần Thủ trưởng khẳng định chúng là một tổ chức ghê tởm, thế là quá đủ. Ai làm gián điệp cho chúng tất nhiên phải xử bắn kể cả Chủ tịch Thị trấn Phạm Vũ, người có thành tích làm năm mươi chín cái điếu cày cho Đội trưởng.
Chủ tịch Thị trấn Phạm Vũ là tên tiểu tư sản phản động, một tên gián điệp, trong xắc cốt của hắn có rất nhiều tài liệu của Quốc Dân Đảng. Dù hắn có làm năm mươi chín cái điếu cày hay năm ngàn chín trăm cái điếu cày thì cũng rứa thôi. Đó là kết luận đanh thép của đồng chí đội trưởng Đội cải cách sau mười sáu phút hội ý trong bữa thịt chó thâu đêm tại nhà chị Hiên, đêm trước buổi chiều tiết canh vịt ở đình thờ họ Phạm ba được đồng chí ban cho chín tiếng tuyệt vời.
Thịt chó vừa bày ra, tập tài liệu của Quốc Dân Đảng chưa có trong xắc cốt của Chủ tịch thị trấn Phạm Vũ. Chị Hiên vừa lên huyện xin về, vẫn còn nóng hổi dưới đít đồng chí Đội Trưởng. Không quan trọng, đồng chí vẫn kết luận đanh thép. Việc chuyển tập tài liệu từ dưới đít đồng chí Đội trưởng vào xắc cốt của ba chỉ là chuyện nhỏ, kết luận đanh thép mới là việc quan trọng. Phàm những gì lãnh đạo kết luận đều hoàn toàn đúng đắn, nếu chưa đúng đắn thì cấp dưới phải có trách nhiệm khẳng định cho nó đúng đắn. Ai không thấm nhuần được điều này đừng dại dột theo cách mạng.
Dị nhân Kiểm Hát nói đúng, ba đã quá dại dột. Chiều hôm sau, xong bữa rượu tiết canh vịt ba ngây ngất rời đình làng về nhà với vợ, mang theo luôn tập tài liệu ấy trong xắc cốt, ông đã mang theo “kết luận đúng đắn” của đồng chí Đội trưởng về nhà.
Năm giờ sáng ba bị điệu ra khỏi nhà. Sáu giờ ba mươi nhà tôi bị lục soát tứ tung. Bảy giờ mười có lệnh trục xuất gia đình tôi ra khỏi nhà tới “định cư” ở một chuồng bò bỏ hoang, không được mang theo bất cứ thứ gì ngoài một mớ áo quần rách và vài cái nồi đất.
Mạ dắt đàn con đi về cái chuồng bò giữa hai hàng người rạo rực hô vang đả đảo và muôn năm, chủ yếu đả đảo đích danh tên tiểu tư sản phản động Phạm Vũ. Mạ đi xiêu vẹo như kẻ mất hồn, mặt bạc phếch, đôi đồng tử cứng đơ như hai hòn sỏi. Rất nhiều lần mạ ngã khụy giữa đường, mắt dí chặt lấy đầu ngón chân cái. Chị Cả, chị Hai phải xốc nách bà mới đứng lên được. Chân tay mạ run lẩy bẩy, lại thêm cái bụng chửa vượt mặt khiến bà lúc lúc lại bổ nhào về phía trước.
Tôi ngồi nghiêng ngửa trong cái bụng chửa, trạng thái không trọng lượng làm tôi khó chịu. Ở bên ngoài không phải đám rước của trẻ con. Chỉ có muôn năm và đả đảo, đám rước người lớn không ca hát không đấm đá cãi cọ nhau chí chóe, chỉ có muôn năm và đả đảo. Tiếng hô muôn năm và đả đảo của người lớn cũng khác hẳn trẻ con, nó cộng hưởng vang rền rung chuyển cả không gian. Tôi ở trong bụng mạ cũng bị rung chuyển dữ dội. Tiếng muôn năm làm tôi khi ngả sang phải khi ngả sang trái, tiếng đả đảo làm tôi khi chúc lộn xuống khi đảo ngược lên. Cùng với tiếng trống rền vang, tiếng thanh la nhói óc nhồi tôi phình ra bóp vào theo nhịp gõ. Ôi nếu chết được thì chết quách đi hơn là phải sống thế này.
Tôi cố tìm hiểu tại sao bỗng dưng cái bụng mạ lại đảo điên nghiêng ngả. Buồn thay bộ não sáu tháng tuổi của tôi đang là đám đậu phụ nhão nhoét mới thành hình, chỉ có yes or no và yes or no, chừng đókhông đủ để giúp tôi hiểu chuyện gì xảy ra ở thế giới bên ngoài. Nếu tôi đã ra đời không chắc tôi đã hiểu. Dân Thị trấn cũng không ai hiểu vì sao Chủ tịch Thị trấn Phạm Vũ bỗng nhiên thành tên tiểu tư sản phản động, gián điệp Quốc Dân Đảng. Một vạn hai ngàn dân Thị trấn nem nép nhìn nhau tự hỏi đến Chủ tịch Thị trấn Phạm Vũ còn bị đem ra trường bắn thì thân phận họ rồi sẽ thế nào?
Đám rước rùng rùng chuyển động, rạo rực hướng theo tiếng hô muôn năm và đả đảo rung động Thị trấn. Trong tiếng hô rạo rực kia chen lẫn bao nhiêu câu hỏi. Không cần phải hỏi, càng cố tìm hiểu càng mang vạ vào thân. Đây là thời của phấn khởi tin tưởng, có phấn khởi tin tưởng sẽ có tự do. Phấn khởi tin tưởng quá dễ tại sao không theo, cứ đeo lấy tìm hiểu để làm gì?
Nhà tôi dắt díu nhau đi trong đám rước kinh khiếp này. Cả nhà chỉ thiếu mỗi anh Ba, anh không có mặt trong đám rước. Anh ở đội Cờ đỏ của huyện, suốt ngày đêm tham gia cuộc cách mạng long trời lở đất, rất ít khi ở nhà. Anh không biết ba bị bắt, hoàn toàn không. Sáng nay anh bất ngờ bị loại ra khỏi đội Cờ đỏ, đưa về giam lỏng ở cái nhà kho phía sau Ủy ban huyện. Lúc này đây anh đang đứng cửa sổ nhà kho trông ra chờ ai đó đi qua để hỏi vì sao anh bị tống giam.
Anh Ba vốn hồn hậu chất phác, hồn hậu chất phác từ lúc mới sinh ra cho đến già vẫn hồn hậu chất phác. Chưa khi nào anh nghĩ về đời xa hơn một bước chân. Mãi tới khi người ta kính cẩn đeo trước ngực vô số thực danh và hư danh dài đến nỗi phải đọc hai hơi mới hết, anh vẫn không nghĩ về đời xa hơn một bước chân. Toàn bộ óc não của anh chỉ để chứa các loại kiến thức về cơ lượng tử và trường lượng tử khiến anh trở nên nhà vật lý lượng tử danh tiếng.
Như Vũ Hoàng Chương, anh Ba cũng đầu thai nhầm thế kỉ. Đây là thế kỉ nghiên cứu bèo hoa dâu, sáng kiến hố xí hai ngăn và cấy giăng dây thẳng hàng, bộ não của anh chẳng biết dùng việc gì. Giống ba, anh chỉ biết đọc báo Nhân dân rồi đi họp, sáng họp viện A, chiều họp viện B, cuộc họp nào cũng lấy đồng thuận làm căn bản. Còn lại là xách cặp đi nước ngoài, vì chỉ nước ngoài mới thấy bộ não của anh là cần thiết.
Anh Ba đã không biết đi buôn lại rất khinh bỉ việc đi buôn, Hai mươi sáu năm bôn ba nước ngoài, mỗi năm ba, bốn chuyến, cộng lại đến nay hơn tám ngàn cuốn sách, ngoài ra chẳng có gì sất. Năm ngoái anh về trời, gia đình mất bốn tiếng đồng hồ hóa vàng tám ngàn cuốn sách cho anh ở xứ thần tiên có cái để đọc. Chỉ có anh Ba mới đọc được núi sách ấy, chẳng có ma nào đọc được, để lại chỉ tổ chật nhà.
Anh Ba tôi suốt đời sống trong sáu chữ: Phấn khởi- tin tưởng- tự hào. Tuồng như mọi đau thương không hề để lại dấu tích trong bộ não đáng nể kia, kể cả những kí ức cay đắng nhất. Nhiều lần bị người đời giáng cho vỡ mặt, tưởng có thể nhớ đời anh cũng quên luôn. Suốt đời anh chỉ có một niềm yêu, không yêu được thì phục, không phục không yêu thì thân thiện, anh quyết không ghét bỏ ai bao giờ. Từ thủa thiếu thời cho đến ngày về trời, anh Ba chỉ có một thần tượng. Không phải là Marx, Engels – họ là thần tượng độc quyền của ba tôi. Không phải là Pele, Maradona – họ là ai đến chết anh vẫn không biết. Không phải Ngô Thừa Ân, Tào Tuyết Cần – anh luôn xa lạ với những ai làm ra một thứ phù phiếm gọi là văn. Không phải Bernouilli, Lomonosov – họ chẳng qua cũng là nhà khoa học như anh. Thần tượng duy nhất của anh Ba là Lôi Phong, một ông cha căng chú kiết nào đó chuyên tìm bàn chải đánh răng trong đống rác đem về dùng, được dân Trung Quốc tôn làm đại thánh thời thất bát cao lương dư thừa sĩ diện hão.
Ai nói thế nào mặc lòng, đến chết anh Ba vẫn đinh ninh cuộc sống sở dĩ ngày càng tươi tốt là vì người ta biết tằn tiện, chỉ cần biết tằn tiện thôi ta sẽ có những gì ta muốn. Anh Ba đã có những gì anh muốn có: Một bộ vét bốn mươi sáu năm từ ngày du học ở Trường đại học tổng hợp ở Bungaria, một đôi giày da cừu cao cổ hai mươi bảy năm mua với giá bốn lev bốn mươi stotinki từ một anh bạn nát rượu người Mông Cổ, một cái cặp da bò ba mươi chín năm, phần thưởng cho luận văn tốt nghiệp đại học xuất sắc của anh. Tất cả chỉ có thế, anh cũng không cần gì nhiều hơn thế, có chăng là thêm một bà vợ có cùng thần tượng Lôi Phong với anh và vô số niềm tự hào bằng giấy xanh đỏ, bằng sắt đồng nhôm mạ bạc mạ vàng… xếp chật cứng gầm giường.
Thực ra Lôi Phong là thần tượng trong cuộc sống hằng ngày của anh Ba mà thôi. Thần tượng vô song của anh chính là Cách mạng. Năm mười một tuổi, một ngày mùa thu đẹp trời, cách mạng kéo cờ đỏ trở về, chỉ trong ba ngày làm đảo lộn Thị trấn Kô Long. Cách mạng phá kho thóc chia cho dân nghèo, kéo mấy trăm xác chết đói rải rác khắp Thị trấn đem đi chôn, gô cô quan huyện quan tỉnh diễu đi mấy chục cây số đường tỉnh lộ, cho tới khi họ lăn ra chết nhăn răng. Một vạn hai ngàn dân Thị trấn được lên ngôi, được gọi là ông chủ và gọi nhau bằng đồng chí. Đó là cuộc đổi thay vĩ đại, với anh Ba nó là cuộc đổi thay thần kỳ, trên thần kỳ, trên trên thần kỳ, trên trên trên trên thần kỳ… Cho tới khi nhắm mắt xuôi tay, chịu chui vào nhà điện táng, chịu để người ta chặt xương ra thành nhiều khúc nhét vào cho vừa cái tiểu nhỏ, anh ba tôi vẫn đinh ninh như vậy.
Dễ hiểu vì sao, chỉ một năm theo đội Cờ đỏ, bộ não trác tuyệt của anh Ba đã thấm nhuần lời dạy của Trần Ngô Đống Tiên Sinh với hai điều thật giản dị: Điều 1: Cách mạng luôn luôn đúng; Điều 2: Nếu Cách mạng sai hãy xem lại điều 1. Đó là chân lý vĩ đại mà sau này mấy ông chồng sợ vợ đã ăn cắp bản quyền chế tạo thành câu chuyện tiếu lâm. Anh Ba rất khó chịu chuyện tiếu lâm bậy bạ đó, với anh đó là chân lý, dù có tát cạn Biển Đông chân lý đó không hề thay đổi. Từ thuở trai tráng xông pha đội Cờ đỏ dưới sự lãnh đạo của Trần Ngô Đống Tiên Sinh tới khi già yếu oặt ẹo vì bệnh bại liệt không ra được khỏi giường, ngồi ôm cái đài nghe tin thời sự, chỉ nghe mỗi chương trình thời sự mà thôi, anh vẫn không mảy may nghi ngờ chân lý đó.
Anh Ba đang đứng trong nhà kho Ủy ban huyện. Từ trước tới giờ anh toàn được khen thưởng, chưa một lần bị chê trách, bỗng dưng bị bắt nhốt là chuyện quá lạ. Lạ chứ không phải sai, Trần Ngô Đống Tiên Sinh đã nói, Cách mạng luôn luôn đúng. Anh Ba bị bắt nhốt là vì anh sai nhưng sai cái gì thì anh Ba không nghĩ ra. Khoảng một giờ anh Ba được Trần Ngô Đống Tiên Sinh thông báo Phạm Vũ đã bị bắt vì tội làm gián điệp cho Quốc Dân Đảng. Anh bàng hoàng mồm há hốc cứng ngắc, hơn mười phút sau mồm không ngậm lại được. Anh không sao cắt nghĩa nổi, ba không thể là kẻ xấu, Cách mạng không thể sai, vậy thì lý do gì ba bị bắt?
Ba ơi răng rứa?… Răng rứa ba ơi!…Anh Ba khóc lóc kêu rên. Trời không nghe. Đất không nghe. Ba không nghe. Chỉ có một nhân viên đội Cờ đỏ đang nấp rình nghe rất rõ. Nhân viên Cờ đỏ báo lại cho Trần Ngô Đống Tiên Sinh, Tiên Sinh báo lại cho Chánh văn phòng Ủy ban huyện, Chánh văn phòng Ủy ban huyện báo lại cho Phó chủ tịch huyện, Phó chủ tịch huyện báo lại cho Chủ Tịch huyện, Chủ tịch huyện báo lại cho Trưởng ban cải cách huyện. Trưởng ban cải cách huyện nắn nót ghi vào sổ tay nhật ký công tác những gì ông theo dõi anh Ba. Hiếm có một cuốn nhật ký công tác nào ghi chép chu đáo kĩ lưỡng như thế.
Trích nhật ký công tác của Trưởng ban cải cách huyện
12h ngày 21 tháng 12 năm 1955.
Bắt giam Phạm Ba, con trai thứ ba của Phạm Vũ. Bốn giờ liền y khóc lóc kêu rên: “Ba ơi răng rứa?… Răng rứa ba ơi!…” Phải chăng là ám hiệu?
Cần theo dõi tiếp.
…………………
18h 21 tháng 12 năm 1955.
Phạm Ba không chịu ăn, đứng ở cửa sổ nhìn ra. Hắn tiếp tục khóc thêm sáu giờ nữa. Công an xác định: “Ba ơi răng rứa?… Răng rứa ba ơi!…” không phải là ám hiệu. Tuy vậy không được mất cảnh giác.
Cần theo dõi hướng nhìn của Phạm Ba: Bụi tre…> Hai cây dừa…> Cái giếng Xóm Đá…> Đền thờ họ Phạm.
……………………….
21h ngày 21 tháng 12 năm 1955. Theo yêu cầu của Ban cải cách, Đội cờ đỏ huyện đã báo cáo gửi lên, khẳng định họ Phạm là họ yếu kém nhất Thị trấn.
Cụ thể:
+Thành phần nguy hiểm đông nhất: bao gồm 16 trí thức, 17 tiểu tư sản, 215 buôn bán nhỏ. Đặc biệt hai đại tư sản Phạm Vĩ và Phạm Phú Huệ. Bọn này dù có công với Cách mạng nhưng là mầm mống của Tư bản chủ nghĩa, cần phải tiêu diệt. Đáng tiếc cả hai tên này đã trốn khỏi Thị Trấn trước Cải cách.
Thành phần tiên tiến quá ít:
+Giai cấp nông dân: 12 gia đình có ruộng ở Xóm Trầu.
+ Giai cấp công nhân: hai hộ sửa xe đạp.
Đáng tiếc thành phần tiên tiến của họ Phạm lại không chịu khó tham gia các phong trào cách mạng cuả Thị trấn làm gương cho dòng họ Phạm noi theo. Đội cờ đỏ đã nhiều lần tới nhà động viên họ tham gia, họ nhất trí rất nhanh và cũng lủi về nhà rất nhanh.
Hồ Chủ tịch đã dạy: Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh.Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu.” Tôi nguyện làm theo lời dạy Hồ Chủ Tịch để cải tạo Phạm Ba nói riêng, dòng họ Phạm nói chung trở thành con người có ích cho Cách mạng.
Hồ Chủ Tịch muôn năm!
*
Theo dõi anh Ba thật dễ, anh vẫn khóc lóc kêu rên trong nhà kho. Ba ơi răng rứa?… Răng rứa ba ơi!… Đội viên cờ đỏ liên tục báo lên cấp trên “không có gì mới.”. 9h15. “Không có gì mới. Phạm Ba vẫn khóc lóc.” 10h20. “ Không có gì mới. Phạm Ba vẫn khóc lóc”… May anh Ba chỉ khóc lóc trong nhà kho. Nếu đi giữa đám rước giữa hai hàng người trống dong cờ mở, rạo rực hô muôn năm đả đảo anh Ba vẫn một mực khóc lóc kêu rên nhất định có kẻ mắng cho, thằng anh mười tám tuổi đầu cũng ngu như hai thằng em bốn tuổi và sáu tuổi.
Thằng em bốn tuổi là anh Chín. Anh túm lấy áo mạ, ngó ngược ngước xuôi giữa hai hàng người đông nghịt. Trí tuệ non nớt của đứa bé bốn tuổi không giúp anh hiểu được rành rẽ vì sao ba mình bị trói vày vò như một con chó nhúng nước và người ta đang rạo rực lôi tên ông ra nguyền rủa. Cho dù trẻ con bốn tuổi có hiểu được chuyện này đi nữa thì anh Chín vẫn không hiểu. Anh thuộc dòng phi thực, sinh ra để làm thơ nhớ nhà, để thấy cuộc đời luôn chứa chan hạnh phúc. Những gì liên quan đến đả đảo đều làm anh kinh hãi.
Anh Chín đang sợ, nỗi sợ bị ăn thịt, sợ đến nỗi không dám khóc, nước mũi nước dãi chảy ướt dầm dề quệt mãi không hết. Gương mặt đẹp như chúa hài đồng giờ đây nhem nhuốc bẩn thỉu như vừa chui ra từ ống cống. Chỉ đôi mắt con gái vẫn sáng long lanh tròn xoe ngơ ngác. Dù đang rạo rực hô muôn năm và đả đảo, nhiều người nhìn anh đã bật khóc. Để không ai trông thấy mình khóc họ đã gào to như điên dại, nhói lên những tiếng thét thất thanh giữa rạo rực muôn năm và đả đảo, nghe như tiếng thét của người cuồng, anh Chín càng sợ hãi, anh ngậm miệng khóc ư ử, hai lỗ mũi liên tục phồng bông bống.
Dẫu sao anh Chín cũng còn biết sợ, còn mơ hồ cảm được cái chết gần kề của ba tôi. Anh Tám đã sáu tuổi đầu vẫn ngơ ngơ như bò đội nón. Chứng kiến cảnh bắt bớ ba tối hôm trước, trong khi cả nhà rúm ró sợ hãi anh Tám vẫn đứng toe toét cười. Bây giờ đi giữa đám đông anh Tám vẫn toe toét cười. Anh còn nhảy loi choi, vung chân vung tay hò hét theo mọi người. Trong trí tưởng tượng hoang đường của anh Tám – cơ sở để sau này anh trở thành viên chức hạng bét và thầy bói trứ danh – việc ba bị trói vày vò, bị Đội trưởng lôi đi xềnh xệch chẳng qua là trò chơi anh chưa từng biết bao giờ. Anh hình dung cả nhà đang đi giữa đám rước vĩ đại, vua, hoàng hậu, thái tử, công chúa và đám tùy tùng đang diễu qua hai hàng thần dân háo hức hô “Vạn tuế! Vạn vạn tuế!”.
Anh Tám vênh vang đi giữa đám rước. Từ sáng đến giờ chưa có gì bỏ bụng, không quan trọng, được vào vai Thái tử vênh vang đi giữa đám rước quan trọng hơn nhiều. Người ta hô muôn năm, anh Tám nhảy cẫng lên hô muôn năm. Người ta hô đả đảo, anh Tám cũng nhảy cẫng lên hô đả đảo. Thấy anh đang đả đảo cha mình mọi người cười ầm. Anh cũng nhăn răng cười. Chị Cả cầm cổ áo anh giật trở lại, cho anh một cái tát nảy đom đóm. Anh khóc, xông đến đấm đá chị Cả tứ tung, mồm chửi cha chị Cả như hát tuồng, không hề nghĩ cha chị cũng là cha anh hiện đang diễu qua một ngàn hai trăm quần chúng hôm qua còn là thần dân của ông, răm rắp làm theo lệnh của ông, nay đang hân hoan tống tiễn ông đến chỗ hành hình.
Cậu Dư đứng rúm ró trong đám người hô muôn năm và đả đảo thấy những gì thằng cháu ruột của mình đang làm, uất lên quên cả sợ hãi cậu xông ra giáng cho anh Tám thêm một cái tát trời giáng. Răng mà ngu rứa con ơi! Cậu thét lên mấy tiếng xé ruột. Khi đó anh Tám mới chịu cúp mặt lủi thủi đi sau một quãng khá xa, ra cái điều không thèm chơi với mọi người nữa. Cũng có thể anh Tám ngây dại của tôi cho rằng tử hình là một cái chết lẫm liệt không phải ai muốn cũng có được, và người ta chết xong lại sống lại như thường. Giống ông cu Trí nhà bên, tối nào cũng lên sân khấu để bị chém ngang đầu, bao nhiêu người than khóc tiếc thương, tóm lại sáng mai đã thấy ông ngồi lù lù ở hàng cháo bánh canh mụ Đồ. Ba sẽ chết như thế, và cũng chỉ chết như thế thôi, giữa một ngàn quần chúng rạo rực hô muôn năm và đả đảo. Rõ là một cái chết không chê vào đâu được. Thế nên anh không thể hiểu vì sao anh bị giáng liền hai cái tát, suýt nữa bị cái tát thứ ba là của anh Bảy đang đi cạnh anh không đầy hai bước.
Anh Bảy chín tuổi thừa sức hiểu ra mối nguy hiểm khủng khiếp khi người ta xông vào nhà bắt sống ba. Anh đứng góc nhà trừng trừng nhìn Đội trưởng. Anh biết chuyện gì xảy ra trên bốn bao tải cám lợn nhà chị Hiên, vì sao trên bụng chị Hiên lúc đầu là ba sau đó là Đội trưởng. Qua khe hở hẹp vách nứa anh đã nhìn thấy rất rõ. Khi cả nhà tôi đang dúm lại dưới chân Đội trưởng kêu khóc van xin, anh Bảy đứng tách ra, hai hàm răng nghiến chặt, đôi mắt rực lên một nỗi căm hờn.Và vẫn hàm răng nghiến chặt, đôi mắt rực lên một nỗi căm hờn như thế, phớt lờ mọi tiếng la hét chửi rủa bốn xung quanh, anh Bảy ngẩng cao đầu, mắt nhìn thẳng, hiên ngang đi giữa hai hàng người, cứ như chính anh là anh hùng sa cơ ra pháp trường giữa một ngàn hai trăm người đang rạo rực hô muôn năm và đả đảo.
Bỗng những hòn sỏi nhỏ ném trúng đầu anh cùng với tiếng thét giận dữ sặc mùi a dua của lũ trẻ. Chúng là những đứa bé chín mười tuổi, bạn bè của anh Bảy. Mới hôm qua anh là thủ lĩnh của chúng nó, cả lũ không đứa nào không thần phục anh. Anh Bảy luôn dẫn đầu trong các trận “huyết chiến” với tụi trẻ xóm Cống, chưa bao giờ anh chịu đầu hàng dù nhiều khi thất bại thảm hại. Nếu có đứa nào đó quân của anh bị bắt, anh xả thân cứu thoát cho kì được bất chấp hiểm nguy, đừng hòng anh bỏ bạn khi lâm trận. Nhiều lần cứu bạn anh bị tụi xóm Cống đánh cho tóe máu, nếu bạn chưa chạy thoát, có chết anh vẫn không lui. Đủ biết vì sao anh Bảy bé nhỏ hơn nhiều đứa khác anh vẫn được lũ trẻ tôn làm thủ lĩnh.
Anh Bảy sống với lũ trẻ nhiều hơn sống với anh em trong nhà. Ngày ngày lũ trẻ cùng anh ngụp lặn trong dòng hói tìm bắt những con cua nước lợ và thi nhau lặn một hơi tìm đến những người đàn bà tắm truồng, chui tọt vào giữa háng họ, làm các chị các bà rú lên vừa sợ hãi vừa thích thú. Rồi cả lũ kéo nhau đi đào hang chuột, đi bới khoai mầm đem về liên hoan cùng với tôm cá đơm bắt được. No rồi chơi ù muỗi, chơi đánh đáo, đánh khăng, đánh du kích… Tối cùng nhau nằm trong cái chòi canh nò cá bên bờ hói, kể cho nhau ba mạ chúng đã làm những gì trong đêm và cười rúc rích, chồm lên vọc chim nhau hoặc tuột quần ngồi đọ chim, cãi nhau hơn thua chí chóe. Nửa đêm ôm nhau ngủ say sưa cho tới sáng.
Lũ trẻ yêu anh Bảy thần phục anh Bảy vì anh là thủ lĩnh can trường, cũng vì anh là con ông chủ tịch thị trấn nhưng chưa bao giờ anh lấy đó làm le; vì anh đi học luôn đứng đầu lớp và anh em trong nhà ai đi học cũng đứng đầu lớp, chẳng khi nào anh đem việc học ra khoe mẻ. Anh đã đọc trọn bộ Tam quốc diễn nghĩa như trí thức huyện Tuy, như trí thức huyện Tuy anh cũng biết Truyện kiều là của Nguyễn Du, anh còn biết bộ Tấn trò đời là của Balzac mà nhiều trí thức huyện Tuy không biết. Dầu vậy chưa bao giờ anh nói đến chữ nghĩa. Mặc cho ai đóng vai “Từ điển sống” ba hoa kể hết chuyện nọ sang chuyện kia, anh chỉ nằm yên gác tay nghe, thỉnh thoảng tủm tỉm cười, chỉ tủm tỉm cười thôi không bao giờ tranh cãi.
Ba cũng bất ngờ những gì anh Bảy tự học, hồi chín tuổi ông không thể được như con ông. Một lần tìm được cuốn sổ tay của anh Bảy ghi chép những lời dạy của Hồ Chủ Tịch, ba thất kinh. Ông cũng chưa bao giờ có cuốn sổ tay ghi chép lời dạy Hồ Chủ Tịch được như anh Bảy. Ba còn thần phục anh Bảy hà cớ gì lũ trẻ không thần phục.
Trích sổ tay anh Bảy
Ở trong đội Nhi đồng Tháng Tám, lũ trẻ được các anh chị phụ trách cho hay bọn tư sản phản động và gián điệp Quốc Dân Đảng là kẻ thù của nhân dân không thể không tiêu diệt. Kẻ thù của nhân dân không thể đội trời chung, bài học đầu tiên khi vào đội Nhi đồng Tháng Tám anh Bảy đã thấm nhuần. Đứa nào đó rơi vào trường hợp của anh, như lũ trẻ kia anh cũng chạy theo chửi rủa và ném đá. Thế mới là Nhi đồng Tháng Tám, dù hỉ chưa sạch mũi vẫn luôn luôn coi bọn tư sản phản động và gián điệp Quốc Dân Đảng là chó ghẻ, con cái của chúng cũng chó ghẻ. Nhất định thế rồi.
Chỉ qua một đêm anh Bảy trắng tay, anh mất sạch những gì anh tưởng là bất biến, mất hết cả với bạn bè là điều anh không thể tưởng tượng nổi. Mới hôm qua thôi lũ trẻ Kô Long hãy còn yêu anh thần phục anh, hôm nay hết thảy đã quay lưng lại với anh, coi anh chẳng khác gì con chó ghẻ. Thế là hết, mất hết. Sạch sành sanh. Anh Bảy đi trong nỗi cay đắng tột cùng. Lũ trẻ vẫn chạy theo anh, ném những hòn sỏi nhỏ trúng đầu anh và la hét, ê ê con thằng phản động!… Ê ê con thằng phản động!
Anh Bảy vẫn ngẩng cao đầu nhìn thẳng, hiên ngang bước, nhưng đôi mắt không còn rực lên một nỗi căm hờn nữa, đôi mắt ấy đang khóc.

11. Kiến
Ba bị dẫn đến đình làng nhốt vào kho đựng đồ tế lễ nhà tả vu. Từ ngày có cuộc cách mạng long trời lở đất đây là nơi giam giữ tử tù, dân chúng vẫn gọi là “Xà lim cải cách”. Chính ba chọn cái nhà kho này làm “xà lim cải cách”, nó được đổ bê tông cốt thép, tường dày bốn tấc kín như bưng, voi không thể húc đổ kiến không thể bò qua. Ba năm qua hai mươi sáu tử tù giam giữ ở đây không một ai trốn thoát khỏi cái xà lim này. Nó cũng là niềm tự hào nho nhỏ của ba, khắp tỉnh không nơi nào có cái xà lim như thế.
Ba bị đẩy vào xà lim. Cửa xà lim lập tức đóng sập, trong phút chốc bóng tối phủ kín đen đặc. Ba không dám bước thêm một bước nào, ông không thể thấy một chút gì, đưa bàn tay lên sát mắt cũng không thấy. Thứ bóng tối đen đặc mà Balzac nói là có thể xắn được ra từng khúc lần đầu ba mới biết. Ông buộc phải đứng yên, có cảm giác nếu động cựa sẽ va phải bóng tối. Và im lặng tuyệt đối. Im lặng lành lạnh. Im lặng rờn rợn. Im lặng cũng có thể xắn ra từng khúc lành lạnh và rờn rợn. Tựa hồ ba đang ở dưới đáy huyệt, người ta đã đem ông chôn sống ở nơi đây.
Ba đứng ngây ra giữa bóng tối và im lặng, không biết phải làm gì với chúng. Ông thử ngồi sụp xuống rồi lại thử đứng lên, cả đứng lên và ngồi xuống không cho ông một cảm giác gì. Ông thử đi vài bước, đi vài bước nữa… đầu óc vẫn đặc quánh đen ngòm. Ở cái nơi cuộc sống tuồng như không tồn tại này, đặc quánh đen ngòm đang bao vây ba, chui vào óc não ông hay chính óc não ông là nguồn đặc quánh đen ngòm từ đó chảy ra tràn ngập xà lim này, ông cũng không biết nữa.
Không biết làm gì hơn ba rơi xuống nền xi măng lạnh toát, nằm bất động, lịm dần đi. Ba ngủ rất nhanh, giấc ngủ cũng là một khối đặc quánh đen ngòm có thể xắn ra được. Hơn nửa giờ sau ba bừng tỉnh, ông không hề biết mình đã ngủ ba mươi phút. Chưa bao giờ ba có giấc ngủ thế này. Đó không phải là giấc ngủ, cơn vắng ý thức như một cuộc chết chìm nhét ba vào cái chết trong vòng ba mươi phút. Nếu giấc ngủ không chiêm bao vô tri vô giác gọi là chết thì lần đầu tiên ba biết chết là thế nào.
Ba bừng tỉnh, có cái gì ram rám ngưa ngứa trên mặt ông. Ba phát hiện má ông đang áp vào vết rạn nhỏ ai đó rạch trên nền, tạo thành đường hào cho kiến bò. Rất nhiều kiến từ đường hào đó bò lên má ông, chui vào khắp nơi trên người ông. Ba lần theo vết rạch truy diệt lũ kiến. Dần dà ông phát hiện ra đó không phải là vết rạch thẳng, nó lòng vòng như nét chữ ai đó rạch trên nền xà lim. Kiên trì dò lần tới lui, ba đọc được ba chữ “Tôi bị oan!” Ba vụt dậy, ông nhớ ngay ra thân phận của mình.
Sáng sớm mai ba sẽ bị điệu ra trường bắn, chỉ sáng sớm mai thôi không thể kéo dài hơn. Bao nhiêu lần chỉ đạo xử bắn phạm nhân ông biết quá rõ, không ai muốn giam giữ lâu lắc, người ta chỉ muốn bắn quách đi cho xong. Ba biết chắc bảy giờ ba mươi sáng ông được ăn một bát cháo gà và hai quả chuối, tám giờ ông bị điệu ra sân đình, quì mọp giữa một ngàn quần chúng đang rạo rực hô muôn năm và đả đảo. Đồng chí Đội trưởng sẽ luận tội ba với ba giai đoạn điếu cày, xong một giai đoạn chị Hiên sẽ hướng dẫn một ngàn quần chúng rạo rực hô muôn năm và đả đảo. Chín giờ ba sẽ bị bịt mắt đứng dựa cột, một loạt đạn vang lên, rạo rực vang lên tiếng hô muôn năm và đả đảo, đời ông sẽ kết thúc đúng chín giờ mười lăm phút. Chắc chắn.
Ba không tin ông sẽ chết một cách dễ dàng như vậy được. Thà chết vì rắn cắn chó đớp có thể hiểu, một cái chết lãng nhách thế này quả thật nực cười, nhất là với người có trí khôn trong vòng bán kính 5km không ai bì được. Nếu ông bác Vĩ và ông bác Phú Huệ còn ở Kô Long nhất định họ sẽ chửi ba là ngu. Ông bác Phú Huệ chửi ngu như chó, ông bác Vĩ không thể chửi ngu như người, đành chửi ngu như chó. Ông bác Phú Huệ chửi xong chắp tay sau đít túc tắc đi về cái cổng sắt cao ba mét chui vào nguyên lý “không liên quan” của ổng. Ông bác Vĩ chửi xong cũng chắp tay sau đít túc tắc đi nhưng không đi về nhà, người có chỉ số IQ và núi tiền cao nhất mọi thời đại ở Kô Long sẽ đi tới nơi cần đến. Chẳng cần biết ông bác Vĩ nói gì làm gì, chỉ biết một giờ sau, hoặc hai giờ sau hoặc cùng lắm một ngày sau ba rời khỏi cái sà lim khủng khiếp này, trở về với vợ con. Cả hai ông bác giờ này không ở Kô Long, ông bác Vĩ đang ở Sài gòn, ông bác Phú Huệ nghe đồn đang ở Thái Lan, có thể vĩnh viễn không bao giờ họ về Kô Long nữa.
Ba cố quên hai ông bác, giờ phút hiểm nghèo ngu nhất là ngồi chép miệng giá như. Ông ngồi thu lu góc phòng cố tính xem liệu ai có thể cứu mình. Từ nay đến sáng mai còn mười lăm giờ, tức chỉ còn chín trăm phút nữa thôi, thời gian quá ít để người bạn chí thiết của ông ở Hà Nội biết tin. Chỉ cần một cú máy của người đó gọi về huyện nói rằng Phạm Vũ không phải là gián điệp Quốc Dân Đảng là ba sẽ được thả ra tức thì. Không, chẳng cần đến một cam kết, chỉ cần người đó nhấc máy hỏi một cách giận dữ: Tại sao lại bắt Phạm Vũ? Chắc chắn một giờ sau ba cũng sẽ được thả ra.
Vẫn biết hiện thời người đó không chịu mất thời giờ cho bạn bè, thứ bạn bè tép riu như ba lại càng không, ba vẫn tin một cú điện thoại không quá mất thời giờ, cũng không nặng nhọc khó khăn gì, nhất là việc cứu người. Đánh thức chữ nhân của đám quan lại thật khó như đơm đó ngọn tre nhưng không phải không có những ngoại lệ. Ba tin người đó vẫn còn nhớ những khoản trợ cấp thường xuyên của ông bác Vĩ và món tiền đút lót khổng lồ cho cả bảy sĩ quan phòng nhì tại Quy Nhơn nhằm giúp cho người đó thoát tù tội, tránh được cái án chung thân. Ông bác Vĩ không biết chuyện này, hoặc vờ như không biết chuyện này, khi ba được tin tưởng giao cho tay hòm chìa khóa đã lén lấy tiền giúp người đó. Người đó ra tù, ôm chặt lấy ba nghẹn ngào. Ơn Vũ như núi Thái Sơn, biết bao giờ trả được đây? Và rồi người đó nhảy tàu đi tít mù cho đến bây giờ.
Ba không ngu muội đến mức nghĩ rằng người đó sẵn sàng chết vì ông, nhưng ba phút cho một cú máy thì ba tin. Vấn đề là ai sẽ báo cho người đó? Mạ không biết người đó là ai, nếu biết người đó là ai bà cũng không biết gọi về đâu, nếu biết gọi về đâu cũng không ai cho bà gọi. Thời này điện thoại là một cái gì rất hệ trọng, bách tính không được mó vào. Ba biết giờ này cả nhà tôi đang bị giam lỏng trong chuồng bò bỏ hoang gần cầu Phố, chẳng biết làm gì ngoài việc ôm nhau khóc. Đi ra khỏi cửa chuồng bò còn không được. Nói gì lên huyện gọi nhờ điện thoại.
Ba chợt nhớ đến anh Ba. Đúng rồi. Thằng con trai lớn của ông có thể chạy lên tỉnh chạy lên trung ương kêu cứu. Mạ và hai chị gái gặp những việc thế này chỉ biết ngồi khóc, nhưng thằng con trai lớn của ông thì làm được. Mười lăm tiếng dù không kịp chạy lên trung ương vẫn thừa sức chạy lên tỉnh, ở đấy có rất nhiều bạn chiến đấu của ba ở chiến khu Đá Mài. Những bạn nhậu lưu niên với ông, những người được ông dạy chữ vẫn khiêm tốn gọi ông bằng thầy, những người đang nợ tiền ông bác Vĩ đến giờ chưa giả, sổ nợ hãy còn lưu nơi ông. Không phải không có cả những người được ông cứu sống trong các trận càn đột xuất Pháp đổ bộ lên Đá Mài…. Chỉ cần một trong số đó mủi lòng thương ba, họ sẽ biết làm gì để cứu ông.
Niềm hy vọng rực cháy, ba đứng bật lên. Có thể giờ này thằng con trai lớn nhất nhà đang chạy đi cứu ông. Dù nghĩ về đời không quá một bước chân nó cũng thừa sức biết phải chạy về đâu, tìm đến những ai. Ba đi đi lại lại, đi đi lại lại, giá có thể liên lạc với thằng Ba trong một phút, chỉ cần một phút không hơn, ông có thể nói cho con trai trưởng của ông biết làm thế nào để cứu ông trong trường hợp tất cả bạn chiến đấu của ông đều lánh mặt.
Anh Ba phải chạy vào tỉnh gặp bác Đông trai, hàng xóm chí thân của nhà tôi. Hiện thời bác Đông trai là phó ty công an, bác có thể yêu cầu giữ Phạm Vũ lại để khai thác. Gián điệp Quốc Dân Đảng rất nguy hiểm, cần phải khai thác để nắm được các đầu mối tổ chức Quốc Dân Đảng trên địa bàn. Bác Đông có quyền điều tên gián điệp Quốc Dân Đảng vào tỉnh để đấu tranh khai thác. Nếu được vậy thì trời cho ba sống. Ba thừa sức nói cho bác Đông hiểu ba hoàn toàn vô tội, bác Đông cũng thừa sức nói cho cấp trên hiểu ba hoàn toàn vô tội. Đến đây vụ án có thể bị lật ngược, Đội trưởng và chị Hiên nếu không bị dựa cột thay ba cũng bị loại ngay lập tức ra khỏi cuộc cách mạng long trời lở đất này.
Nghĩ đến đây ba sướng điên, ông nhảy liền hai ba cái hú hét hai ba tiếng. Chợt có con kiến lửa nhéo ở dái tai đau như bị ong đốt. Ba chụp lấy dái tai cố bóp chết con kiến. Không thấy con kiến đâu. Có tiếng ai đó vang lên trong tai ông, tiếng kêu mảnh và sắc. Không phải tiếng người, đó là tiếng của con kiến. Hồn ma của ai đó hóa thành con kiến chui tọt vào tai ba. Nó nhéo một cái và kêu. Nếu anh Ba không gặp được bác Đông thì sao? Lại nhéo một cái và kêu. Nếu anh Ba không gặp được bác Đông thì sao? Ba đứng ngẩn, ông sợ câu hỏi ấy.
Cả tháng nay bác Đông trai không về nhà. Bác Đông gái cũng không biết bác trai đi đâu. Thời điểm này hết thảy đều nháo nhào chạy về cơ sở, ít ai dám về nhà hoặc ngồi lì ở văn phòng. Về cơ sở vừa kiếm được cơm rượu vừa khỏi bị chỉ trích quan liêu, thiếu ý chí tiến công cách mạng. Ấy là chưa kể cứ loanh quanh văn phòng, lên xe xuống ngựa trước mắt thiên hạ, ngứa mắt người ta khéo không bị chụp cổ. Cuộc cách mạng long trời lở đất đã ba năm, khắp nơi ra sức trừ gian diệt ác nhưng hãy còn thiếu chỉ tiêu. Trung ương không giao chỉ tiêu, tự các cơ sở đua nhau đề ra chỉ tiêu để thể hiện lòng trung thành và tài năng của họ. Án tử mới quan trọng, mấy thứ án khác người ta không mấy quan tâm.
Từ tỉnh tới thôn xã ra sức thi đua lập nhiều án tử. Con gà tức nhau tiếng gáy, không có án tử như nơi nọ nơi kia thật tức chết được. Giết người hóa ra không dễ. Không phải như thực dân phong kiến thối nát, Cách mạng muốn giết ai cũng phải tìm cho được tội đáng chết. Vấn đề là bắt kẻ nào để moi ra được tội đáng chết. Địa chủ đã tóm gọn từ lâu, trung nông tiểu tư sản chưa có lệnh giết, muốn đủ chỉ tiêu chỉ còn cách qui hết cho việt gian phản động. Bọn này tội trạng vô hình không đo đếm được, rất dễ qui tội. Đội trưởng tóm gọn Phạm Vũ không ai thắc mắc vì huyện nhà đang quá thiếu chỉ tiêu, cũng vì Phạm Vũ thuộc nhóm “Tội trạng vô hình”, đúng thế.
Con kiến quay lại nhéo dái tai ba một lần nữa. Lần này ba không dám tìm diệt con kiến, để xem nó nói thế nào. Con kiến đã chui tọt vào tai, ba nghe tiếng chân nó đi lại lạo rạo trên màng nhĩ. Con kiến đi lại rất lâu, sốt ruột. Vào khi ba không quan tâm tới con kiến nữa, nó bỗng nhéo vào tai ông từng tiếng một. Đừng-ảo tưởng-không-ai-cứu-được-anh-đâu! Tim ba như bị hắt ra khỏi lồng ngực, ông ôm ngực ngồi rũ. Con kiến không nói gì thêm nữa. Ba ngẩng lên miệng cười như mếu. Nghe ai lại nghe mồm con kiến, ngu! Ông nhăn nhó lầm bầm.
Ba căm ghét con kiến. Bỗng dưng ba căm ghét kẻ nói trái tai đến thế. Ông kiên trì tìm diệt con kiến, quyết không cho nó làm nản chí ông. Ba sờ từ tai trái sờ sang tai phải. Con kiến đâu rồi? Nó biến đâu mất tăm như là ma, tức thế. Mà thôi, không quan tâm đến nó nữa là xong, việc gì phải tìm diệt nó. Dù thế nào yes or no không phải là xác suất tuyệt vọng. Nhược bằng thằng con của ông không tìm được bác Đông trai là số trời đã định, coi như xong một kiếp người, đếch gì.
Ba đã tính nhầm, ông không biết anh Ba bị tống giam chỉ một giờ sau khi ông bị bắt. Dầu được thả rong anh Ba cũng chẳng biết chạy đi đâu để cứu ông. Chạy đi đâu? Bốn phương tám hướng đều đúng, mình ba là sai. Bốn phương tám hướng đều Cách mạng, mình ba là phản động. Anh Ba chỉ biết ôm mặt khóc chẳng biết làm gì hơn. Giờ này anh Ba đang đứng khóc trong nhà kho phía sau Ủy ban hành chánh huyện. Suốt tám tiếng đồng hồ đứng khóc triền miên, chưa khi nào anh tự hỏi: liệu có cách nào cứu được ba mình không? Chân lý bất biến của Trần Ngô Đống Tiên Sinh đã chặn đứng mọi nẻo tư duy dẫn về câu hỏi ấy.
Trong nhà còn có một đàn ông lớn tuổi hơn anh Ba, có thể thay anh Ba chạy lên tỉnh lên trung ương để cứu ba, đó là anh Rể, chồng chị Cả. Mười tám tuổi anh Rể cưới chị Cả. Cũng mười tám tuổi như anh Ba bây giờ nhưng anh Rể già dặn hơn, tinh ranh hơn. Mười tám tuổi anh Ba chưa hề biết yêu là gì, vợ con là thế nào, đến cái bướm cũng chẳng biết tròn méo ngang dọc ra sao, trong khi anh Rể đã có cả mấy xâu bướm vắt vai. “Làm trai đi đâu về đâu/ cũng cố mang được một xâu bướm về.”…
Anh Rể dụ dỗ chị Cả ra khỏi nhà, đè chị trên bờ đê từ đầu hôm đến rạng sáng. Chưa đầy mười sáu tuổi chị Cả đã có chửa , anh Rể mặc nhiên là chàng rể của nhà tôi không tốn một cắc cưới xin. Anh Rể thuộc nhóm máu tháu cáy, làm gì cũng khác với anh Ba. Anh Ba theo Cách mạng nhiệt tình cả muôn năm lẫn đả đảo, anh Rể một mực đeo lấy muôn năm. Làm thế chắc chắn hơn. Muôn năm nếu không được gì cũng chẳng mất gì, đả đảo tất chuốc thêm thù oán. Trời đất thừa trừ sự cơ mầu nhiệm, kẻ bị đả đảo hôm nay mai mốt được muôn năm thì sao, thì mình chạy đi lối nào? Vậy thì muôn năm tất, đứa đéo nào cũng muôn năm, khỏe!
Ba không coi anh Rể là đứa con trong gia đình, chưa khi nào ông nhìn sửa mặt anh. Từ khi bị bắt đến giờ không giây phút nào ba nhớ đến anh. Vốn cẩn thận chu đáo từ khi bị bắt ông điểm danh từng người trong gia đình, nhớ thùng gạo nhà tôi còn mấy lon, túi áo mạ tôi còn mấy đồng, mái nhà bếp có bao nhiêu chỗ dột ba tôi cũng nhớ. Ba nhớ cả hố xí sau nhà chưa kịp rắc tro, ông lo gà qué bới tung. Riêng anh Rể thì không. Với ba, anh Rể chẳng liên quan gì đến nhà tôi cả. Vậy mà khi có con kiến nhéo vào tai ông từng tiếng một, đừng-ảo tưởng-không-ai-cứu-được-anh-đâu, ông đã nghĩ đến phương án phải dùng đến thằng con rể trời đánh này. Cái chết đã không cho phép ông từ chối bất kỳ ai muốn giúp đỡ mình, huống hồ là thằng con rể. Huống hồ cha đẻ nó là một trong bảy thành viên quyền thế nhất của Ban cải cách tỉnh nhà.
Mặc kệ kiến nhéo dái tai ba bốn nhéo liền cùng với ba bốn tiếng hét ngu!… Ngu!… xói thẳng vào tai, ba vẫn ngồi dựa tường cầu Trời khấn Phật giờ này thằng con rể đang chạy vào cầu cứu cha đẻ của nó. Ba đâu biết sáng nay ông bị điệu ra khỏi nhà, đàn con sau lưng ông không có anh Rể. Chị Cả năn nỉ mãi anh Rể buộc phải sang dự vào đám rước tiễn ông bố vợ về “Xà lim cải cách” ở đình làng. Vừa mới chui vào đám rước anh Rể đã giật mình dựng tóc gáy. Có ai đó gọi tên anh. Thằng ni là con rể ông Phạm Vũ! Ai đó sau lưng anh lên tiếng. Anh Rể lẹ làng dọt khỏi đám rước, lặn một hơi đến giờ phút này vẫn không thấy sủi tăm. Nếu biết chuyện này ba có dập tắt niềm hy vọng về anh Rể hay không? Chắc không. Khi cái chết cận kề không ai ngu gạt bỏ bất kì niềm hy vọng nào, kể cả niềm hy vọng chó đẻ.
Đã mười một giờ trưa. Một luồng sáng đập thẳng vào mắt ba. Ông bị lóa trong mười giây, sau đó dần nhận ra ai đó đã mở cái cửa sổ nhỏ bằng cuốn vở học trò nằm ở góc cao trên cùng. Một cái rá nhỏ đựng thức ăn được ròng dây thả xuống, người ta làm vậy để tránh mọi bất trắc khi mở cửa đưa cơm cho tử tù.
Ai đó ơi… ai đó! Ba chồm dậy vội vã lên tiếng. Ngoài cửa sổ không có tiếng trả lời. Mặc, ba cứ hét lên. Làm ơn làm phúc nói với thằng Cả nhà tui chạy vô tỉnh gặp bác Đông trai! Ai đó ơi làm ơn làm phúc!…Làm ơn làm phúc!Tịnh không một tiếng đáp. Nửa giờ sau cái rá được kéo lên, không cần biết ba đã ăn hay chưa. Ai đó ơi làm ơn làm phúc!… Làm ơn làm Phúc!… Làm ơn làm phúc! Làm ơn làm Phúc!… Ba lại chồm dậy hét thật to, kéo dài tưởng không dứt. Bỗng có tiếng đáp gọn lỏn. Thằng Cả bị giam lỏng rồi!
Ba chết giấc chừng mười giây và bừng tỉnh, ông cuống cuồng hét thật to. Ai đó ơi… làm ơn làm phúc nói với thằng con rể!… Làm ơn làm phúc nói với thằng con rể!… Làm ơn làm Phúc!… Làm ơn làm phúc! Làm ơn làm Phúc!… Làm ơn làm phúc! Làm ơn làm Phúc!… Làm ơn làm phúc!… Hét đến khan cổ thì thôi, chẳng ai trả lời.
Ba đứng khóc lặng lẽ.
*
Cửa sổ nóc xà lim vẫn mở, có lẽ đó là ân huệ cuối cùng tiểu đội du kích canh gác xà lim dành cho Chủ tịch Thị trấn Phạm Vũ. Ánh sáng ngập tràn căn phòng mười sáu mét vuông. Ba đứng nhìn bốn xung quanh. Căn phòng trống rỗng lạnh lẽo ngổn ngang những nét chữ vạch trên tường, mỗi ba chữ “Tôi bị oan” không có chữ nào khác. Có hai mươi sáu tử tù bị nhốt ở đây, ba là người thứ hai bảy, lại có hàng trăm dòng chữ “Tôi bị oan” la liệt trên bốn bức tường và nền nhà. Không biết những ai đã viết, lấy cái gì để viết. Kiến đen bò kín đặc trên tất cả các nét vạch chữ, không sót một chữ nào, cảm giác chính lũ kiến đen đã sắp hàng tạo nên hàng trăm chữ “Tôi bị oan” ấy.
Quay lại nhìn bức tường sau lưng, ba thấy dòng chữ “Tôi bị oan” rất to kéo dài từ đầu bức tường cho đến cuối bức tường, nét chữ đậm chừng bốn, năm centimet. Kiến đen bu đầy trên những nét chữ đó, nổi cộm lên trên tường. Không ai có thể vạch được nét chữ to đậm như vậy, có ai đó đã lấy máu viết. Ba đoán đúng, khi tiến tới gẩy một khúc kiến, ông thấy vệt máu đã khô cứng. Ông trân trố nhìn hàng vạn con kiến đen bu đầy trên những vết máu khô cứng ấy, nhớ đến một câu của G.Flaubert, hình như trong cuốn Nhật kí người điên thì phải, “Em yêu, rồi một ngày em sẽ biết máu người tanh đến thế nào.” Ba bỗng buồn rũ ra.
Ba ngồi dựa tường lắng nghe những âm thanh ngoài đời lọt qua cửa sổ. Hình như trời đang mưa. Tiếng ếch nhái nhao nhao cùng tiếng loa phóng thanh ẩm ướt, thứ âm thanh nhàm chán hàng ngày giờ đây thật quá đỗi thiêng liêng. Lẫn giữa tiếng ếch nhái và tiếng loa phóng thanh là tiếng gì nghe như tiếng người, nhiều âm rè, thỉnh thoảng nhói lên chói tai. Mãi sau ba mới nhận ra đó là tiếng hát say bét nhè của dị nhân Kiểm Hát. Sáu giờ rồi, giờ say của Gã say thời đại mới. Không, làm gì sáu giờ, người ta vừa đưa cơm trưa xong cơ mà.
Ngoài kia Kiểm Hát vẫn nói và hát triền miên trong cơn say. Thoạt đầu nghe như tiếng rên, kế đến như tiếng thét, tiếng chửi, tiếng bù lu bù loa về một điều gì đó. Tại sao dị nhân Kiểm Hát không say ở nhà lại say ở đây? Tại sao không say vào sáu giờ mà say giờ này? Tại sao cửa sổ không chịu đóng và dã đứng giữa trời mưa hát vọng vào? Khấp khởi trong ba những câu hỏi hy vọng, bất chấp lũ kiến vẫn thi nhau nhéo dái tai ông. Có thể người bạn chiến đấu của ông năm xưa vẫn còn coi ông là người bạn chiến đấu. Có thể lắm.
Một hòn sỏi bắn qua cửa sổ, hòn sỏi bọc giấy! Ba chộp lấy, chữ dị nhân Kiểm Hát rành rành: “Thằng Tuy đã đi Thanh Hóa từ 5 giờ sáng, thằng bạn mi đang ở đó.” A đúng rồi! Ba muốn bay ra khỏi cửa sổ ôm chầm lấy Kiểm Hát. Giờ đây ba mới thực sự hiểu được giá trị lớn lao của tình bạn. Người bạn đã bị ba bỏ rơi hơn chục năm nay kể từ khi ông làm chủ tịch Thị trấn, trong thâm tâm ông vẫn coi gã là kẻ đầu bò cần tìm biện pháp xử lý, giờ đây đang tìm cách cứu ông. Đúng là không ai có thể học hết chữ ngờ. Đây là chữ ngờ tuyệt hảo, chữ ngờ viết hoa phóng to một ngàn lần vẫn chưa thỏa.
Ba giờ sáng ba bị bắt. Dị nhân Kiểm Hát vội vàng chống nạng đi lên huyện đánh thức thằng em phó chủ tịch huyện nhằm moi lấy thông tin Nhân vật có số má của Chính phủ, người bạn chí thiết của ba hiện đang ở đâu. Khi biết chắc người đó đang thăm và làm việc tại Thanh Hóa, năm giờ sáng dã lôi cổ thằng con cả dậy, nói như vầy như vầy và giục nó đi ngay, càng nhanh càng tốt. Anh Tuy lái xe tải cho Công ty lương thực tỉnh, chỉ có anh mới đi về nhanh được, mới nói được rành rẽ vì sao ba bị bắt. Thế mà ba không nghĩ ra, từ khi bị bắt đến giờ chưa khi nào ông nghĩ tới phương án này! Trời có mắt…
Bây giờ khoảng ba giờ chiều. Từng sống nhiều năm trong hang đá ba nhìn vệt sáng qua cửa sổ áng chừng thời gian. Năm giờ sáng anh Tuy đi, mười hai giờ trưa đến Thanh Hóa, nhiều nhất ba giờ chiều anh Tuy sẽ gặp được người đó. Nhất định giờ này anh Tuy đã gặp người đó rồi. Bốn giờ chiều anh Tuy sẽ quay về, chậm nhất chín giờ đêm sẽ có tin, sáu tiếng nữa ba sẽ có tin.
Sáu tiếng đồng hồ dài hơn thế kỉ. Ba đi đi lại lại vài chục vòng, nằm lăn qua lật lại vài trăm lượt, đứng lên ngồi xuống mấy trăm lần… Sáu tiếng đồng hồ đã trôi qua, chín giờ tối đã đến. Không thấy tăm hơi Kiểm Hát. Ba im lìm dán mắt lên cửa sổ bây giờ là khoảng sáng trắng mờ, âm thầm đếm nhịp tim tính thời gian. Bảy lăm nhịp tim là một phút, một giờ trôi qua, hai giờ trôi qua, ba giờ trôi qua, bốn giờ trôi qua, năm giờ trôi qua, sáu giờ trôi qua… Ba giờ sáng vẫn không thấy bóng Kiểm Hát đâu.
Ba nơm nớp lo kiến cắn dái tai. Kiến chưa cắn dái tai ông vẫn còn hy vọng. Mười hai giờ trôi qua chưa thấy kiến cắn. Thỉnh thoảng có một hai con bò lên dái tai, ba tôi hồi hộp đến nghẹt thở. Kiến không cắn! A ha kiến không cắn! Lồng ngực ba muốn vỡ tung. Khoảng sáng mờ cửa sổ bị che khuất, một cái đầu chuồi vào. Kiểm Hát! Ba chạy tới dưới chân cửa sổ.
Ba thì thào. Gặp không? Kiểm Hát thì thào. Không gặp được nhưng người ta cho nối máy, thằng Tuy kể hết cho ông đó rồi. Ba hấp tấp hỏi. Sao sao?… Ông đó nói sao? Ông đó nói: “Thế à!”. Kiểm Hát nói. Là sao?…Là sao? Thế à là sao? Ba không hiểu cuống quít hỏi lại. Ông đó chỉ nói “Thế à?” rồi dập máy. Dứt lời, cái đầu dị nhân Kiểm Hát biến mất sau cửa sổ..
Ba rơi xuống nền xi măng lạnh toát, nằm im như chết. Kiến đen đang ngủ yên trong các vạch chữ ở bốn bức tường và nền nhà bỗng đâu thức dậy, chúng lũ lượt bò tới ba. Trong phút chốc hàng vạn, hàng chục vạn con kiến đen phủ kín lấy người ông.

--------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét