Thứ Hai, 22 tháng 4, 2019

Phận hoa bên lề

(Trích) Gần với con người lắm, lẫn giữa con người, vây bọc con người, nhưng lau sậy thì cực kỳ cô đơn. Mùa nối mùa chẳng người nào ngó ngàng tới. Một năm chỉ một lần, lúc thân sậy già, ngã màu vàng, rám nắng, má tôi mới đi lựa đám sậy tốt nhất, chặt về vài bó, dìm dưới ao, đợi sa mưa ôm lên đồng cặm gò sạ lúa. Sậy còn tươi mà đem cắm lên đất thì lúa chưa xanh thân sậy đã mọc nhánh rồi. Cứ sống mãnh liệt vậy, nên những thân sậy người ta dùng dây bện chặt thành những tấm đăng rào nhốt gà, vịt hay ven dưới sông đón bắt tôm, cá… cũng chẳng bao lâu đâm nhánh mới, làm thành những viền xanh uốn lượn giữa dòng.
Tha thiết sống, bất chấp yêu ghét, lau sậy cũng trổ bông. Bông cũng không níu kéo bất cứ cái nhìn nào. Lơ thơ. Nhợt nhạt. Chỉ trẻ con là chờ đợi mùa bông chín, mùa gió chướng thổi sòng, mùa áo mới, mùa Tết. Mảnh mai mình hạc, bông lau vươn cao óng mượt, trắng muốt giữa ngút ngàn bông sậy bạc đầu, chảy thành dòng rập rờn trong gió. Trên cái nền dòng sông bông chín, ông trời mặc sức vẽ gió, vẽ nắng lên.
Bông lau, sậy đẹp nhất là lúc đang tàn, lúc đang phai. Dường như có vài thứ giống vậy, như mùa thu, pháo hoa, giao thừa, tiếng chuông chùa… lúc đẹp là lúc mất. Chẳng hiểu đẹp để mất hay vì biết sẽ mất nên đẹp. Gió chướng thông ngọn thì bông sậy lìa cây, vào khi ngọt ngào và mỹ miều nhất, rút lui, buông bỏ vào lúc vinh quang nhất. Nên tôi, trong vai người đứng ngắm phải ngẩn ngơ nhớ tiếc. Đôi lúc nghĩ, có người nào dám và được rời đi nhẹ nhỏm như cái bông sậy nhỏ nhoi này? (
Nguyễn Ngọc Tư)

Phận hoa bên lề

Chu Văn Sơn

Đó là loài hoa nở vào cuối năm.
Đó là loài hoa mọc nơi cuối đất.
Đó là loài hoa đợi ở cuối đời.


1.
          Khi hầu hết các loài hoa trong năm đã khoe sắc phô hương cả rồi, nó mới nở. Nếu xem mỗi niên hoa như một dãy dằng dặc, xếp hàng đợi đến lượt nở, thì nó đứng ở cuối hàng. Kiên nhẫn, nhún nhường, hay biết phận biết thân? Thật khó nói. Chỉ biết khi năm hầu tàn, mùa hầu cạn, chẳng còn loài hoa nào tranh chòi nữa, nó mới dâng hoa. Nó nở trong gió bấc mưa phùn, dưới màu mây xám bạc của ngày đông tận. Nhưng không ai đợi nó dịp tất niên. Càng không ai chờ nó cho tân niên. Nó là loài hoa không được chào đón.
          Nó là loài hoa không biết đến hội hè. Nó không có chỗ trong các bình hoa bày trang trọng tại những chốn cao sang. Cũng không có chỗ trong những vựa hoa, quầy hoa, sạp hoa bày trên phố xá. Không ai đầu tư, không ai khuyến mại. Nó không bao giờ có mặt trong danh sách những thứ hoa cần mua sắm để trang hoàng khánh tiết cho bất cứ kì cuộc nào. Và nó cũng chẳng dám mơ được nằm trên bàn tay tình nhân trao tặng nhau những dịp lễ lạc. Bàn tay chăm thôi còn chả dám mong, nói gì đến bàn tay tình. Có phải bàn tay duy nhất lau được biết đến trong đời là bàn tay cầm nắm nó khi triệt bỏ nó ?
          Không có chỗ trong vườn nhà. Không bén mảng tới những hoa viên. Nó không có căn cước tại đấy. Có ai cấp thẻ xanh để cho nó quyền cư trú tại đấy đâu. Thảng hoặc có bóng nó vươn hoa ở góc vườn nào, thì nó chỉ được xem như dân lậu, dân liều. Nó thường bị trục xuất trước tiên khỏi những hoa viên, hoa uyển. Họa chăng, chỉ khi vườn đã bỏ hoang, nó mới có hi vọng. Chủ nhân chả còn đoái hoài, các loài khác chả thèm giành giật đất nữa, thì nó mới đến mọc. Nó rón rén mọc trên đất bỏ, đất thí. Dạng nhảy dù. Sống chui. Nó là loài hoa vườn hoang.
          Ta thường thấy nó ở bên đường. Đúng hơn, nó vẫn ở bên đường mà ta thường không thấy. Nó không phải là địa chỉ cho những ánh mắt thưởng ngoạn kiếm tìm. Từng đoàn xe cứ vút qua. Những ánh mắt vãng cảnh cứ rướn xa. Nhưng điểm nhìn của dòng người thường không đặt vào nó. Nó bị lãng quên ngay trong tầm mắt người đời. Dù ngọn hoa có đâm ngang tầm nhìn, xiên vào nhãn giới, thì cũng thế thôi. Cả khi du khách dừng lại để chụp ảnh, ống kính zoom qua đầu nó là để chớp lấy những cảnh hớp hồn phía xa. Về xem lại, thấy nó lỡ có mặt trong khuôn hình ngoài ý muốn, thì bực mình. Khi in ra, người ta cẩn thận dùng photoshop xóa nó đi, cho hết vướng. Nó là loài hoa bên đường.
          Nhưng, vương quốc thực sự của nó là miền hoang, là núi đồi gò bãi. Nó là cư dân của những miền đời quên lãng. Lãng quên, đó mới là không gian cho nó, của nó. Một kiếp hoa chung thân chốn lãng quên. Có phải nỗi hoang vu vón lại thành loài hoa ấy. Có phải nó là đứa con tự túc của nỗi hoang vu. Sinh ra nó để tự khuây khỏa, khoảng trống của hoang vu có bớt đi được phần nào không, mà giữa chốn hoang vắng, có bóng nó chập chờn, lại chỉ thấy lòng thêm hoang dại.
          Nó là hoa lau.


2.
          Nó là loài cỏ. Mà nào có như cỏ mật được giấu vào túi áo, cỏ gà được chọn chơi, cỏ gừng, cỏ nhung được chăm chút trong công viên. Nó là loài cỏ bị bỏ rơi. Người ta vẫn trông mà đâu có thấy... Mặc, lau vẫn sống đời lau. Lầm lụi thanh bần. Lau vẫn mọc, theo cách riêng. Không riêng từng thân, mà thành từng bụi. Khi nở thì nhất loạt, cứ tua tủa vươn lên. Mỗi ngọn như một tia phun mạnh vào không trung. Tất cả như một chùm pháo hoa bừng sáng. Lau tự bắn pháo hoa, tự mình hội hè lễ lạc chăng ?
          Thực ra, lau là chị em của mía. Cùng một xuất thân mà hai thân phận. Mía thành cây vườn, lau thành cỏ hoang. Chị em xa cách từ đó. Nhờ có đường, mía thành loài có ích, được chăm chút, vồ vập. Chỉ có hoa thôi, mà lại là thứ hoa bạc phận, lau cứ như kẻ vô ích, bị bạc đãi, thờ ơ, dù không ít đời lau được trưng thu làm đệm. Nếu vườn mía xuất hiện cỏ lau, chủ vườn sẽ diệt lau lập tức. Người ta gom lau thành đống, đợi khô, rồi đốt, ngay bên những luống mía. Nào ai biết mía của phần xác, lau của phần hồn, kể cả khi đứng nhai mía bên lau.
          Lau cũng nở theo cách riêng. Không bày từng cánh, không đơm từng phiến, mà vươn từng sợi. Từng sợi nương nhau mà thành lọn, tụ lại mà thành bông. Như bông tuyết khô. Như núm bông lẻ. Như lọn mây thất lạc thinh không, rơi rụng khỏi bầu trời, đậu hờ trên ngọn mảnh. Nhưng bao giờ lau cũng vươn cao nhất, cố nghển cổ lên mà nở hoa. Có lẽ trong các loài, đây là loài hoa cổ gầy nhẳng mà vươn dài nhất. Dài đến ngất nghểu chon von. Khi toàn thân đã hết hẳn tầm vươn, nó mới đành trổ hoa. Như để được diện kiến với trời, như để được giao lưu với mây, díu dan với gió. Lau phải lòng mây, gió, phải lòng khoảng không chăng ? Nhiều khi ngắm nó, tôi cứ miên man với những giả tưởng cổ tích. Phải chăng, thuở xưa lau vốn là một cụm mây trắng út ít ? Một lần theo chúng theo bạn xuống nhởn nhơ trần giới, rồi mải quyến luyến cây cỏ, đến lúc ngẩng lên thì ngày đã khép, nắng đã tắt, chẳng còn kịp theo bầy mà về trời. Thế là cụm mây út rớt lại miền hoang. Nó lìa khỏi gió. Đậu vào đầu cỏ. Mà thành hoa lau. Từ đấy, mây út sống kiếp cỏ hoa để một đời luôn nhớ tiếc khoảng không, ngóng vọng bầu trời. Suốt đời thèm về lại kiếp mây trắng. Mà không thể. Phải vì thế mà những bông lau buồn nhất là lúc hoàng hôn ? Khi mặt trời khuất dần sau núi, thu hết nắng đem đi, trên đầu mỗi bông lau chỉ còn le lói vài tia nán lại, dáng lau mới bồn chồn làm sao. Những ánh bạc cứ tím rực lên rồi thẫm lại. Đầu bông cố rướn lên rồi lả xuống. Xốn xang mà u uất. Lau bơ phờ rủ bờm trong hoàng hôn. Rồi những ánh chiếu li ti cũng tắt dần trên từng sợi bạc của hoa lau, bóng tối ngấm sâu vào cây cỏ. Đó là lúc ngày thực sự trút hơi thở tàn cuối cùng để chết lịm vào lòng đêm. Cả chùm lau muôn sợi bạc mềm óng ánh thế, tím rực thế, bỗng tím bầm, tím ngắt, như vẻ mặt thất thần của kẻ chợt nhận ra mình khánh kiệt... Đón được gió mà đành buông gió. Muốn cất mình bay, mà suốt đời chỉ đậu. Cuối cùng, lau chọn một cách bay riêng. Không toàn thể, thì từng phần. Chẳng tưng bừng, thì lặng lẽ. Không có một chuyến chung, thì làm vô vàn chuyến riêng. Lau cứ âm thầm xé mình ra. Đời hoa là đời của ước mơ lớn xé lẻ thành những sợi lau con. Mỗi sợi bạc một ước mơ bay. Cứ từng sợi, từng sợi, gửi vào gió. Mà bay. Nhung tuyết một đời tan thành từng chuyến bay như thế. Bợt bạc rồi xơ xướp. Hết nhung hết tuyết, cũng hết đời hoa.


3.
          Đã có khi tôi nghĩ lau như phận hoa lưu đày. Ấy là lần đi dọc đèo Bông Lau trên đường số Bốn vắt từ Thất Khê sang Đông Khê mạn Cao Bằng. Nhưng rõ nhất là lần trên đất Lào từ Luang Prabang về Viên Chăn. Toàn đường núi là đường núi. Hành khách trên xe ai nấy kẻ gà người gật. Cũng gà gà gật gật nhìn ra, tôi cứ thấy núi đồi hai bên chập chờn trắng, trập trùng trắng. Nhìn quấy nhìn quá, nghĩ là mây bám tuyết phủ đó thôi. Nhưng Lào thì làm gì có tuyết nhỉ ? Ừ, làm gì có. Thế là bừng tỉnh. Thì ra lau. Chao, có đến hàng mấy chục cây số núi đồi bạt ngàn lau trắng. Mênh mang đồi này núi khác những bờm lau trắng trùng phùng như bầy bầy đàn đàn những ngựa trắng là ngựa trắng. Chúng tập kết ở chốn núi đồi này là do bị xua đuổi mà cụm lại ? Hay đang tìm đến nhau, hội quân tại đây để dàn hàng nghênh chiến trong một trận sinh tử nào ? Tôi đã ngất ngây đến hàng giờ với liên tưởng đó. Nhưng, khi kịp nhìn lau trong toàn cảnh núi non rừng rú trải đến vô tận ấy, tôi mới nhận thấy dáng lau kia đâu có kiêu hùng sát khí. Một nỗi buồn trắng xóa phủ khắp núi đồi hoang. Lau trầm cảm thế kia mà. Bấy giờ, tôi mới thấy lau như một bộ lạc bị hất ra rìa lãnh thổ. Lau như kẻ thất thổ, lưu vong, phải khăn gói theo nhau tìm đến những chốn heo hút này để náu mình, để làm nơi trú xứ. Lau như bầy người di tản. Rừng xanh núi đỏ kia là chốn tị nạn của lau. Lau của kiếp người phát vãng. Rừng sâu rú thẳm kia là chốn chôn đời của những kiếp người vô tăm tích. Lau mang phận lưu đày.
          Nhưng lau lại là công dân toàn cầu. Ở đâu mà chẳng gặp lau. Giữa cố đô Luang Prabang của Lào, tôi cũng gặp lau nép mình bên những nếp chùa cổ, cạnh những pho tượng Phật được khắc tạc sơ giản đến sơ sài. Ở Bhutan, vương quốc nhỏ xíu treo mình trên rặng Hymalaya, tôi cũng luôn gặp những dáng lau. Lau bình thản đứng bên lề đường nhìn từng toán người hành hương lên Tigernet, ngôi chùa thiêng mà như gá trên vách núi, dựng cheo leo bên mép vực sâu. Ở Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ, cái thủ đô độc đáo nửa phần thuộc Á, nửa phần thuộc Âu, tôi cũng gặp lau. Những bông lau cứ điềm nhiên mà trắng hết phận mình, chẳng cần biết mình là lau Âu hay lau Á. Lạ, vào Đà Lạt, gặp những đồi lau nương mình trong các thung lũng khuất sau hồ Tuyền Lâm, sang Angkor, gặp lau liêu xiêu trắng dưới đôi chân sa thạch của những vũ nữ Apsara, phất phơ bên nụ cười của Bayon bốn mặt, lên Vạn Lý Trường Thành, gặp lau rạp mình dưới chân cái tấm bia khắc câu “Bất đáo trường thành phi hảo hán” của Mao, qua Malaysia gặp lau nấp sau bức tường đổ của pháo đài Malacka, ... tôi không thấy ngạc nhiên lắm. Thì những chốn xưa xưa khuất nẻo thế ấy vốn là nơi trú ngụ của lau mà. Còn cái lần gặp lau ở Mỹ, thì tôi thực sự ngạc nhiên. Đó là hôm đến New York, ra đảo tượng Nữ thần Tự do. Ở cái nơi hiện đại tối tân, nơi được chăm sóc cẩn thận bậc nhất thế giới này, mà phía sau tòa tháp tượng sừng sững ngất trời lại có hoa lau. Lau thầm trắng những bông ẩn nhẫn. Tất nhiên, du khách đều đổ xô vào thần tượng. Đến đây đâu phải để ngắm lau. Nhìn những bông lau bạc lạc lõng, lơ ngơ ấy, tôi bỗng ngộ một điều : phía sau mỗi thần tượng đều có những đời lau....
Và lần vừa rồi, về Lao Cai, đúng cái nơi con sông Hồng nhập mình vào đất Việt, tôi lại thêm một lần ngỡ ngàng về lau. Cả một bãi nổi giữa sông, dài đến hàng dặm, ngập tràn lau trắng. Từng bông trắng xóa, cả bãi bạc xóa, toàn đảo cứ lấp lóa lên như đang phơi tơ bạc ròng dưới cái nắng hiếm hoi của ngày đông. Dòng nước hồng thì vờn quanh đảo trắng. Còn lau trắng cứ bồng bênh soi bóng xuống mặt sông hồng. Chẳng phải kia là Thiên Thai trong cõi thực sao ? Chẳng phải kia là chốn dành cho những mối tình ngư phủ sao ? Tôi bỗng thèm thấy bóng một chiếc thuyền không, chủ nhân của nó bỏ lại bên bến lau. Và ước sao khi ấy, giữa ngàn lau xôn xao kia, họ đang thầm thĩ với nhau những lời chỉ có họ và lau mới biết. Khung cảnh trữ tình đó cứ xui tôi tin rằng : hẳn là thuở xưa, Chử Đồng Tử và Tiên Dung cũng đã gặp nhau rồi bén duyên nhau trong đám lau như thế ! Thì trong lau vẫn ẩn cái nhịp sống đời đời trên mặt đất này thôi.

4.
          Là thứ hoa đạm bạc vào bậc nhất, lau mang trong mình một chút thiền ý.  Thiền ý về cái lẽ sắc không của tồn sinh. Không màu mè, không hình nét. Có sắc mà vô sắc. Là hoa mà như không phải hoa. Có mà như không có. Hoa lau nhắc ta nhiều nhất về sự chập chờn mong manh của phận người. Cũng là nhắc về cái bạc lý bạc nghĩa của sự tồn sinh. Có lẽ vì thế mà thiền nhân bao đời thường thấy nhân gian trong một thoáng hoa lau. Nhiều khi cứ ngắm mãi cái bông trắng hiu hắt bất định ấy, chính tôi cũng từng lâm vào nghi hoặc : nó là hoa hay không phải hoa ? nó là hoa lau hay chỉ là cái bóng nhòe mờ, phôi pha của một loài hoa nào khác ?
          Nhưng nó cũng nhắc ta về ý nghĩa bền bỉ của sinh tồn. Mỗi tồn sinh trên cõi này chỉ là một bóng hiu hắt, một thoáng chập chờn, thế thôi. Có nghĩa gì lắm đâu. Nhưng mà vẫn cố. Vẫn thản nhiên. Vẫn cứ mỉm bông lau. Nên lau đâu có giấu mình. Trái lại, luôn vươn mình. Mọi loài hoa đều sợ gió. Gió làm phai sắc, nhạt hương, rã cánh. Gió thành kẻ thù của hoa. Nhưng riêng lau thì không sợ gió. Lau chung tình cùng gió, nô giỡn, cợt cười cùng gió. Lau chờ gió để được tung bờm. Lau nương gió để cùng khiêu vũ. Đứng rủ bờm trong sương sớm, nhưng một khi nắng lên, gió dậy là nó lại tung những chỏm bờm ánh bạc, rúng động, náo nức như muốn tung mình tề phi cùng gió. Chỉ mình nó nô giỡn với lãng quên, làm cho lãng quên đỡ phần cô tịch… Song, có lẽ phải trong canh khuya mới thấy hoa lau nhẫn nại thế nào. Nó gục đầu vào sương khuya. Nhưng sương khuya đâu phải là điểm tựa. Sương khuya lại từng giọt đậu lên đầu nó, dụi mình vào nó. Nó tìm nơi tựa, rốt cục lại phải làm chỗ tựa cho kẻ khác. Nó chỉ còn biết tựa vào chính mình. Đành tìm sự vững vàng trong thế chon von. Lấy cái chênh chao để làm sự cân bằng. Cứ thế, nó yên phận làm lau để an ủi mặt đất này.


5.
          Có tình cờ không, khi theo nhau suốt bao năm, mà phải đến lần này, khi về đất Hoa Lư tôi mới có thể viết về lau. Có phải đó là ý muốn của lau ? Có phải lau muốn tôi phải viết những trang lau này trên đất cờ lau ? Thực ra, nơi chúng tôi ở và làm công việc soạn đề thi suốt hai tuần, nhìn ra xung quanh đến hàng cây số đồng ruộng, có bóng lau nào đâu. Nhưng, Hoa Lư là hoa lau. Đồn rằng xa xưa chốn này là ngàn lau rậm rạp. Rậm rạp đến mức người ta ngỡ lau đã độc chiếm toàn bộ vùng này làm căn cứ của mình. Lau đồn trú trên mọi triền đồi, vách núi của cái xứ sở lắm núi nhiều non vẫn được xem là vịnh Hạ Long trên cạn này. Cứ vào cữ đông này đây là lau nhất loạt phất cờ trên toàn xứ. Lau rợp đất, lau rợp trời khiến người nay cứ mơ hồ thấy bóng đội quân cờ lau của Đinh Bộ Lĩnh hàng ngàn năm trước vẫn thấp thoáng đâu đó trong lau. Nhớ lần tha thẩn vào Tràng An Bái Đính. Tôi muốn có cuộc hành hương đến ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á, nằm sâu trong non nước Hoa Lư, nơi mà thiên nhiên hoang sơ dường như vẫn còn bảo lưu trong nó màn sương khói thời vua Đinh vua Lê, cùng màn sương Dương Vân Nga, người đàn bà kì lạ, làm hoàng hậu của những hai vị hoàng đế, với hai triều đại khác nhau. Lại cũng muốn kiếm tìm cho mình một ngọn lau mang hồn vía chốn này. Nhưng cuối cùng, cái ấn tượng còn lại không phải về chùa, mà về lau. Chả biết do mải tìm lau hay lau dẫn lối mà tôi đã lạc đến một cồn lau ẩn sau một bến nước hoang hút, âm u. Rêu dày ngập gót, dây dại nghênh ngang chen đá lấn cây. Chốn rậm rạp và rờn rợn ấy mách bảo tôi rằng có lẽ bao nhiêu năm rồi chẳng có ai mò tới đây. Và, bất ngờ tôi gặp một vạt lau già có đến cả ngàn bông trắng muốt. Bông nào cũng như một chòm râu bạc phất phơ bên bến vắng. Cứ như vẫn phất phơ ở đấy tự bao đời. Chà, những bông lau ẩn dật ! Những bông lau tự tại, thích thảng ! Tôi nhớ đã kêu lên thế. Và đã đinh ninh đó là lau xưa, những cây lau vẫn ẩn mình ở đây từ thời Đinh Bộ Lĩnh. Trong giây lát, tôi ngỡ mình đang ở ngàn xưa. Và khi bần thần bước ra khỏi vùng lau ấy, tôi thoáng thấy mình như vừa trở về từ xa xưa vậy. Tôi đã giữ riêng cho mình cái ảo giác hiếm hoi đó suốt bấy nay và thầm biết ơn những bông lau đã tặng cho mình khoảnh khắc thi vị ấy. Và, biết ơn cả cái ông vua Đinh Bộ Lĩnh nữa. Có lẽ ông cũng là vị vua độc đáo nhất trong những đấng quân vương. Bởi ông là người đầu tiên mà cũng có thể là người duy nhất đã nhìn thấy trong lau một lá cờ. Người nhìn thấy trong lau tiềm ẩn ngọn cờ, người ấy là hoàng đế. Càng xứng là hoàng đế khi nghiệp vương của người ấy cũng là sự nghiệp biến cờ lau thành một ngọn quốc kì. Vậy là cái lá cờ Đại Cồ Việt sau này được trương lên khi Đinh Tiên Hoàng Đế đăng quang đã được phất lên lần đầu trong cờ lau Hoa Lư rồi. Nó là những bông lau trắng xốp này đây. Nhưng, sau khi lên làm vua, liệu Đinh Bộ Lĩnh có còn quý lau, nhớ lau nữa không ? Khi hoàng đế là thằng bé con, thì mới nhìn thấy cờ trong lau. Chỉ có con mắt trẻ thơ mới có cái nhìn ấy. Còn khi đã ngự ngai vàng, có lẽ vua chỉ còn thấy cờ trong những tấm vóc đại hồng. Lá cờ lau xưa thì gửi trả lại cái thời chỉ xem là ấu trĩ thôi.
          Vậy là chỉ có con trẻ và giống nghệ sĩ là đoái hoài đến hoa lau. Đám trẻ con thì thấy cờ trong lau. Đám nghệ sĩ thì thấy mình trong lau. Cầm trên tay bông lau lúc ấy, một kí ức lau cũng lộn xộn kéo về. Tôi nhớ cái bến lau của Phan Huy Vịnh đã chuyển một không gian rặt thảo mộc Tàu trong câu Tầm Dương giang đầu dạ tống khách / Phong diệp địch hoa thu sắt sắt thành một không gian rất Việt, trong đó phận tài hoa lận đận bên trời đã lẫn vào lau lách đìu hiu : Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách / Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu. Tôi nhớ đến thứ lau nặng duyên nghiệp Nguyễn Du gửi vào nỗi tương tư của chàng Kim, vào nỗi hoang vắng của nàng Kiều trong cái đêm nàng đành thả phận mình theo gã Mã Giám SinhVi lô heo hắt hơi may/Một trời thu để riêng ai một mình, cũng như bố trí Tiền Đường thả một bè lau cho Vãi Giác Duyên cứu Kiều. Sau này, Thích Nhất Hạnh đã tựa vào chiếc bè ấy mà đọc Kiều bằng cái nhìn thiền quán để chỉ ra ở đó bao nhiêu là Phật lí cùng những công án Thiền. Tôi nhớ góc nhìn lau vượt đầu núi Phú Sĩ của Hokusai. Nhớ ngàn lau hào hoa vẽ tranh trong nhạc của Văn Cao Ngàn lau thấp thoáng bóng kinh kì sầu bao la. Nhớ đến hồn lau đa tình của Quang Dũng Người đi châu Mộc chiều sương ấy / Có thấy hồn lau nẻo bến bờ. Và nhớ phận lau của ý niệm phôi pha đầy se xót về cõi tạm của Trịnh Công Sơn Chập chờn lau trắng trong tay ... Nhưng, nhớ nhiều hơn là lần đến viếng Hoàng Hữu tại nghĩa trang Việt Trì. Chiều muộn hôm ấy, sau khi thắp hương, tôi có hóa ngay bên mộ cho anh bài mình viết về Hai nửa vầng trăng. Lúc hóa xong, ngước lên, bất ngờ tôi thấy bảng lảng sau làn khói một bóng hoa lau trắng. Thứ hoa bạc mệnh từng nhập vào thơ anh, ám vào đời anhNgười xa phơ phất hồn lau gió / Thổi trắng chân trời như khói pha đã theo anh về đây chăng ? Tình cờ hay là vận vào ? Bấy giờ, đọc trên mộ chí, thấy bạn văn đã chọn khắc cho thi sĩ một câu hoành tráng Bến bờ anh tim dội sóng khôn cùng. Tôi nghĩ, ừ, đành rằng đó cũng là một câu hay. Nhưng khoa trương chưa hẳn đã là Hoàng Hữu. Câu thơ xuất thần nhất, Hoàng Hữu nhất phải là cái câu đem hồn mình nương náu vào lau gió kia...


          6.
          Thì ra, người có thể hờ hững với lau, lau đâu hờ hững với người. Chẳng thế mà một trong những nơi quần cư của lau là nghĩa địa. Hầu như nghĩa địa nào cũng ẩn hiện những lau. Có phải ở đó, nó mới sống cái sứ mệnh bí ẩn nhất của loài hoa được gọi là lau : sứ mạng lau xóa hệ lụy nhân gian và an ủi những vong hồn. Nó hảo tâm hiến mình làm giá thể để cho mỗi linh hồn đậu lại. Nó là đội quân thiện nguyện, tìm đến an trú nơi nghĩa địa để an ủi những vong linh. Mỗi bông lau cứ như sự hiển linh của một cô hồn. Trước khi Phật bà vẩy nước cành dương để hóa giải cho mỗi kiếp người, thì lau đã an ủi cho họ bên từng nấm mộ.
          Khi bông hoa cuối cùng của những vòng hoa phủ quanh mộ tàn úa, rã rời, thì lau mọc. Lau lặng lẽ đến và cúi đầu mặc niệm. Bấy giờ nó mới thực sự là lau. Nó lau đi những vết hoen cuối cùng trong dương gian. Nó lau cho hư vô thêm trong suốt. Nó túc trực bên ngưỡng cửa hư không để đón đợi, để an ủi những vong hồn, lau khô những khổ lụy cuối cùng, rồi tiễn đưa từng vong linh vào sâu cõi hư bằng cái vẫy tay phơ phất. Có hoa lau người ta mới biết, thì ra, hư không cũng bám bụi, cũng cần lau xóa thường xuyên. Hoa lau cứ lầm lụi lau đi những lớp bụi vô hình, vô minh. Lau cho cả gió, cả mây, cả trời...
          Và, chỉ khi nào bước vào đến chốn ấy, may chăng, mỗi chúng ta mới thấy giật mình: con đường của phận người là đường tới hoa lau.
 
                                                            Hoa Lư, mùa hoa lau Giáp Ngọ
                                                                                             CVS


HÔM NAY HỌ ĐÃ GẶP NHAU
Trần Hòa Bình với Chu Văn Sơn, hai con người tài hoa ấy hôm nay họ đã gặp nhau. Và Chu Văn Sơn sẽ không hỏi thế nữa với câu hỏi ở cuối bài viết của anh về Trần Hòa Bình. 
Người xứ Đoài, kẻ xứ Thanh, sinh thời họ vốn nghĩa bạn bè, tình huynh đệ. Cùng có những điểm chung thật giống nhau: sớm anh hoa phát tiết từ khi sinh viên khoa Văn, Đại học sư phạm Hà Nội, cùng làm thầy giáo, cùng chữ nghĩa văn chương báo chí, cùng được xem như là ánh hồi quang cuối cùng của thế hệ vàng còn sót lại. Và đến bây giờ, người trước người sau, hai kẻ tài hoa ấy lại giống nhau khi mà bè bạn, người đời thì luyến tiếc, còn cái ông Trương Trào thì lại bảo rằng “không để ở lâu trên cõi thế mà hóa ra nhàm”.
Đây là bài viết của Chu Văn Sơn về Trần Hòa Bình, xin được trích từ email năm 2008 sau lúc Trần Hòa Bình “theo trăng gió đi xa”: “Gửi Vũ Khánh bài hoàn chỉnh mình viết về Trần Hòa Bình (báo Văn Nghệ in không hoàn chỉnh) CVS” 
Trong này, Chu Văn Sơn đã viết: “Nghĩ cho cùng, họ đều là những gã lãng tử phiêu du qua cõi này bằng đôi cánh tài hoa. Họ để lại cho ta bao nhiêu anh hoa cũng là bấy nhiêu tiếc nuối”. Thì điều này, chẳng cũng chính là anh sao?

TRẦN HÒA BÌNH - GÃ LÃNG TỬ XỨ ĐOÀI
Chu Văn Sơn

Sản phẩm của con người đôi khi mang cả những thông tin đầy bí ẩn về kẻ làm ra nó. Nhất là sản phẩm nghệ thuật. Chả thế mà các cụ vẫn bảo văn chương thường vận vào mình. Khi trở về thăm mẹ xứ Đoài, nhìn những chiếc lá bàng lang thang trong ngõ vắng thành Sơn, Bình đã thú thực với mẹ Chúng con như những chiếc lá bàng phiêu du trong gió. Nhưng tôi chắc, anh chưa thể ngờ cái ví von kia sẽ vận vào mình. Và ngay cả khi mải mê với mái tóc thề ảo ảnh miền Kinh Bắc, thú nhận với người tình :
Tóc thề ảo ảnh chân trời vắng
Có lẽ phiêu du đến chót đời !
lúc bấy, anh cũng không thể ngờ mình đang làm bức chân dung tự hoạ. Phải, tiên cảm dù có giàu đến đâu, Bình cũng đã làm sao ngờ nổi đấy là đường chỉ tay tiền định của đời anh ! Nhưng, sự thực là thế. 
Phiêu du đến chót đời - đó chính là Trần Hòa Bình. 
Từ xứ Đoài, Bình đã đến với cuộc đời này trong phong vận một lãng tử đời mới, và đi qua cuộc đời này đúng như một liên khúc phiêu du. Phiêu du qua học đường giảng đường, phiêu du trong tình trường và hôn nhân, phiêu du trong làng báo vườn văn, phiêu du đến tận giây phút chót. Cuộc phiêu du đà khép lại, mà cuộc đời vẫn còn lắm dở dang ! Dầu sao, với ngần ấy năm dám sống, dám là mình, Bình cũng đã lưu lại trong cuộc sống nhiều nhàm tẻ này một nốt thăng hoa mỹ. 
Trong những năm ngay sau chiến tranh, còn nặng nề bao cấp, giữa thế giới học đường mô mô phạm phạm, thì một ông thầy áo phông, quần bò, giày thể thao, túi thổ cẩm, tóc loà xoà chất nghệ có vẻ là một nghịch ảnh. Càng là nghịch ảnh khi chàng lãng tử ấy luôn muốn biến giảng đường trang nghiêm thành tao đàn tươi trẻ, biến mỗi giờ giảng thành một cuộc đàm luận xôm tụ về chữ nghĩa và đời. Nghịch ảnh ấy làm ngứa mắt những ai nệ khuôn phép, nhưng lại vô cùng bắt mắt các em, những lứa sinh viên ưa lối sống hiện đại, khát khao sáng tạo và giải phóng cá tính. Hiện thân của một điệu sống phóng khoáng, trẻ trung, sành điệu, Bình như một câu Thơ mới lạc vào giữa vườn thơ Đường, như một điệu nhạc pop lạc vào giữa một điệu thức cổ điển. Hình như cái duyên riêng của Bình là đấy. Có vẻ như phi hàn lâm, và muốn thoát li học đường, nhưng đời Bình lại không thể thiếu giảng đường. Nếu không có bục giảng, không có sinh viên, nhất là những nam sinh tài tử, nữ sinh lãng mạn, họ vừa là học viên vừa là khán thính giả vừa là fan hâm mộ, thì đời Bình sẽ ra sao ? Bình như một thần tượng gần gũi về chuyện dám sống, dám là mình, dám sáng tạo của họ. 
Là phong vận của Bình, phiêu du cũng là mệnh giá của Bình. Tách hẳn khỏi học đường làm kẻ viết hoàn toàn tự do - cũng không phải, mà bám rễ học đường làm hàn lâm hẳn - cũng không phải. Cả đời đánh đu với báo, nhưng Bình cũng chỉ thích làm nhà báo tài tử. Sớm bước vào vườn thơ và để lại không ít hoa trái, nhưng Bình cũng không phải người làm vườn tận tuỵ. Vẽ cả tranh, viết cả phê bình, nhưng Bình cũng chẳng định chung thân với giá vẽ trang văn. Tình trường với Bình như một dòng sông muôn ngả, nhưng Bình cũng đâu có chịu dừng lâu với một bến nước nào… Người mong cầu sự trọn vẹn không khỏi tiếc xót cho anh. Người dễ chấp nhận các cá tính thì thấy như thế mới là Bình. Đời chỉ là chốn ngao du, còn Bình là một lãng tử đem cái tài hoa của mình làm đôi cánh phiêu du trong đời, mà ở khoảng trời nào, chặng đời nào cũng gắng sống cho sành, cho đẹp. Vậy thôi. Chỉ vậy thôi. Mà khác đời. Mà hiếm. Hèn chi, anh cứ là một hấp lực mạnh. Quanh anh và từ anh luôn có không ít những bản sao.

*
Có lẽ, thơ vẫn là cuộc phiêu du ngoạn mục nhất của Trần Hòa Bình. Sớm nổi tiếng giỏi văn ở xứ Đoài, Bình đã làm thơ từ hồi còn học phổ thông. Nhưng có lẽ chất lãng tử chưa thể là điệu hồn của thi sĩ nhí. Vì thế, thơ thời học trò mới chỉ là tiếng lòng của một bé con ngoan nết thôi. Một hồn thơ như Bình chỉ thực sự dậy thì, khi bàn chân chạm vào lối ngõ của cõi yêu. Cho nên, hồi đầu, tuy cũng có làm thơ theo đề tài, cũng loáng thoáng công trường và chiến trường, nhưng đó không phải tạng Bình. Bình dừng ngay, và may là thế. Chỉ đến với tình yêu, Bình mới thực là Bình. Ở đó chàng tình nhân đã cầm lấy cây bút thi nhân. Tâm hồn tinh tế, tay bút tài hoa mới được dịp khoe mình. Có thể nói, mỗi cuộc tình đem đến cho anh một nguồn thơ. Và có không ít nguồn thơ chỉ đem đến cho anh có… một bài. Nhưng, thơ Bình là nỗi lòng thực của một kẻ yêu, đa tình, đa đoan mà chẳng thể đa mang. Hồi đầu, thơ Bình tươi trong và mát lành lắm, cả thiên nhiên và tình yêu đều râm ran mướt mát : Gặp gỡ mùa mưa lòng trẻ lại / lòng ta tươi tốt một triền đê/ thở mãi không cùng hương đất bãi / mưa như gót trẻ kéo nhau về… Và em? Lẽ nào không thể nói! / tóc ướt như ngày mới chớm yêu / khi mùa mưa đến em ra bãi / ngô mía đôi bờ xanh vút theo… Ai gần Bình, đều dễ dàng nhận thấy, cái tươi trong dịu mát ấy là món quà một đi không trở lại mà tâm hồn anh nhận được từ tình yêu thứ nhất. Cho nên, trước năm 90, dù anh viết về Dòng sông trước nhà, hay Nha Trang Biển, dù Gặp lại miền Trung hay Thêm một… thì thơ anh vẫn mang một hồn trẻ tươi tắn và hào hoa : Thêm một chiếc lá rụng / Thế là thành mùa thu / Thêm một tiếng chim gù / Thành ban mai tinh khiết 
Có người không gần anh cứ nghĩ Bình làm thơ chơi, để thỏa mãn phong tình, để tán đời, tán gái (?) Mà Bình tán cũng dẻo lắm cơ. Câu chữ nào của Bình cũng khôn nét, khôn mặt, cũng muốn rao tình, rao duyên. Nhưng không hẳn thế. Phần sâu nhất của hồn thơ Bình là một nỗi buồn, không dễ chia sẻ. Mà càng ở những bài thơ sau, nỗi buồn ấy càng đậm. Càng vào tuổi tri thiên mệnh Bình càng phải đối mặt với cô đơn. Con người luôn tươi cười, luôn ăn nói hoa mĩ hoạt ngôn ấy, sau những vinh danh hoan tụng của đời, cũng dần thấm thía những khoảng trống không dễ vượt qua của phận người trong nhân duyên, giữa nhân gian. Con người có vẻ nhởn nhơ ấy cũng hết sức băn khoăn với câu hỏi luôn tra vấn từng cá thể người “hạnh phúc là gì? hạnh phúc có thật không ?” khi một mình giữa đêm khuya không rời mắt trước “những cánh sen quay trong gió như thuyền”. Thơ Bình lúc này dù phơi bày trải nghiệm hay đúc kết chiêm nghiệm thì cũng thường xoay quanh những cuộc tình éo le, tan vỡ, thường trở đi trở lại những chiều mưa, những khoảng vắng, những khung cửa âm thầm, những hàng hiên trống lạnh, những chiếc lá rụng, những giọt mưa vỡ… Khi tiễn người yêu về nhà chồng, kẻ phiêu du này cũng lâm vào nỗi phù du đầy ngang trái : Cớ sao mắt em buồn như đêm mưa xứ đồi?/ cớ sao cơn mưa xứ đồi lại đến cùng anh …Mai em về nhà chồng / hết rồi những cơn mưa ướt mái đầu con gái / một đêm nào chúng ta chia tay / bong bóng nước dưới chân dập dờn nghìn hoa trắng.../ Mai em về nhà chồng / mưa theo em ròng ròng thương nhớ / mai em về nhà chồng nước mắt gửi vào mưa âm thầm khung cửa.../ Anh thức qua đêm nhìn mưa / anh thức qua năm tháng nhìn em / anh thức qua cuộc đời nhìn tình yêu / bong bóng nước trôi xuôi vỡ nghìn hoa cánh trắng / đâu rồi dấu chân em / in mòn thời thiếu nữ?... Khi cùng người yêu đến chợ tình Khau Vai, gã lãng tử ấy cũng đâu còn vô tư chỉ để mà tán tụng. Từ cuộc yêu éo le của mình, anh chợt thấm thía phận người, vì cay cực nhận ra rằng trong mỗi cuộc đời ai chẳng có một Khau Vai : Sau này không lấy được nhau em có tìm anh không ?/… trong đời ai chẳng có một Khau Vai / nhọn sắc đá tai mèo/ cứa vào thương nhớ/ hãy nhìn nhau nhìn nhau trước gió / em sẽ thấy một Khau Vai trong số phận chúng mình… Thế đấy, thơ Bình sau này là tình buồn, tình đau. Nhưng, buồn đau cũng phải đúng chất Binh. Nghĩa là: dù có buồn đau thì vẫn cứ phải duyên dáng, vẫn cứ phải ra người phong vận. Nên thơ Bình có cứa lòng người cũng không làm thành vết xước của con tim ai. Nên khi Bình triết lí, có thể không là triết lí sâu, nhưng thường phải là triết lí đẹp. Đẹp, hào hoa, đó mới là Bình, là thơ Bình. Nên nó là cái đau hào hoa, cái buồn hào hoa. Không phải vẻ hào hoa quý phái, không phải vẻ hào hoa phố phường, mà cái vẻ hào hoa xứ đồi, xứ Đoài, ta thấy phảng phất đâu đó ở Quang Dũng, Hoàng Hữu. Hào hoa như chất lau xám phơ phất trong thi tứ, như hoa mưa bong bóng hay ảo ảnh tóc thề trong thi ảnh, như lớp phấn hoa mướt mát trong ngôn từ. Điệu thơ và lời thơ Bình cũng mơ hồ đôi chút Lưu Quang Vũ, Trịnh Công Sơn. Có lẽ, họ cùng tạng, cùng nòi, là đàn anh đàn em của nhau, nên mang hơi hướng nhau chăng ? Nghĩ cho cùng, họ đều là những gã lãng tử phiêu du qua cõi này bằng đôi cánh tài hoa. Họ để lại cho ta bao nhiêu anh hoa cũng là bấy nhiêu tiếc nuối. 
Bình ơi, giờ anh đang phiêu du ở cõi nào ?

Văn Chỉ, vào thu 2008
CVS

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2019

LỘC VÀNG

TÀI TỬ LỘC VÀNG: VÀO TÙ VÌ YÊU NHẠC

Ông Lộc Vàng tên thật là Nguyễn Văn Lộc, sinh năm 1945 là một trong những người mê nhạc vàng nổi tiếng tại Hà Nội.
Trước năm 1954, đâu đâu cũng nghe người ta hát nhạc vàng (đó là dòng tân nhạc nay gọi là tiền chiến. Hồi đó vì vẻ đẹp sang trọng và đáng quý nên người ta so sánh nó quý như vàng, chứ không phải nhạc vàng hiểu theo nghĩa sến, héo úa sau này) nó ngấm vào ông từ khi nào không biết. Cũng vì trót yêu, trót thèm được phiêu du cùng cái cảm xúc thật của mình mà bất chấp lệnh cấm, ông Lộc cùng một nhóm bạn, trong đó có ông Phan Thắng Toán (Toán “Xồm”) và Nguyễn Văn Đắc thường xuyên tụ họp tại nhà, cùng hát với nhau những bài hát của Văn Cao, Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Đặng Thế Phong, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng...
“Chúng tôi gặp gỡ, đóng cửa hát cho nhau nghe thôi chứ cũng chẳng phản đối chính sách nhà nước gì cả. Chúng tôi chỉ thấy dòng nhạc này hay quá, trữ tình và đầy tình người nên muốn lưu giữ lại và đóng cửa hát cho nhau nghe.”
“Người này đồn người kia. Công an bắt bạn tôi và nói rằng vì chúng tôi thích những bài nhạc ấy nên chúng tôi phá hoại nền văn hóa CNXH và tuyên tuyền văn hóa trụy lạc của chủ nghĩa đế quốc. Và họ đã xét xử bọn tôi”.
Ra tù, nhà cửa ông Toán "Xồm" cũng tan nát. Ông lang thang trên đường phố sống vào tình thương của người qua lại. Vào quán ông Lộc Vàng, người ta bắt gặp một bức ảnh một người mặc áo sơ mi trắng ngồi châm thuốc cho một người hành khất. Người mặc áo sơ mi trắng là ông Lộc và người hành khất không ai khác chính là ông Toán Xồm (ảnh dưới). Một đêm năm 1994, người ta nhìn thấy ông Toán nằm gục chết, đói lả, cô đơn, trên hè phố.

Anh Lộc và anh Toán Xồm trên phố Tô Hiến Thành.
Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Ngày 27 tháng 3 năm 1968 nhóm nhạc của ông Lộc Vàng bị bắt. Vụ án “Phan Thắng Toán và đồng bọn về tội tuyên truyền văn hóa đồi trụy của chủ nghĩa đế quốc” đưa ra xét xử, ông Toán “Xồm” bị tuyên 15 năm tù giam, ông Đắc bị 12 năm tù giam và ông Lộc Vàng bị 10 năm tù giam, để rồi khi ra trở về cuộc sống tự do họ vẫn không khỏi thắc mắc vì sao.
“Nghĩ đến cuộc đời của mình sao mà cay đắng chua chát quá. Mình có làm cái gì đâu, chỉ yêu thích âm nhạc thôi mà bị tù đày. Sau khi dòng nhạc này được khôi phục lại, những bản nhạc này được hát lên ti vi. Khi nghe người ta hát mà mình ngồi ứa nước mắt ra”.
Bà ra đi để lại cho ông hai người con và một tình yêu chưa bao giờ nguôi ngoai: “Tôi biết cô ấy từ năm 17 tuổi, chơi thân với nhau, rồi yêu nhau sau đó. Ngoài 20 tuổi tôi phải vào tù, 31 tuổi ra tù, thiên hạ dị nghị, kinh sợ tôi hơn một gã tù lưu manh, chỉ có cô ấy không ngại, vẫn yêu, vẫn thương tôi”.
Nhưng năm 90 ông mở quán cà phê nhạc, chỉ để có chỗ cho ông thỏa niềm đam mê, vì thế tài sản của ông cứ dần “đội nón ra đi” để bù đắp vào sự thua lỗ của quán: “Lỗ nhiều tôi bán nhà to mua nhà nhỏ, từ nội thành bay ra ngoại thành. Khi chưa mở quán tôi có ngôi nhà 50 m2 ở phố Kim Mã, sau bốn năm tôi chỉ còn 50m2 đất, ở tít Cầu Diễn”. Bây giờ, ông sống luôn ở quán.
Vợ Lộc Vàng đã mất hơn 10 năm nay nhưng mỗi khi thăng hoa trên sân khấu ông lại khóc. “Tôi chỉ ước vợ tôi sống lại, ở bên cạnh tôi, nghe tôi hát. Ngày xưa, tôi đi hát vợ tôi bế thằng lớn theo sau. Mấy ông bạn bảo: Trời rét, để con ở nhà mang con theo làm gì? Vợ tôi trả lời: Em không đi nghe hát đâu mà để nếu chồng em có bị bắt lần nữa, em còn biết đường đi tiếp tế”.
Vì người mình yêu, bà bỏ nghề diễn viên làm nghề bán đậu phụ ngoài vỉa hè. Suốt quãng đời bên nhau chưa một lần vợ Lộc Vàng trách cứ ông về tình yêu với dòng nhạc mang đến nhiều hệ lụy.
Ngày nay, góc quán nhỏ của nghệ sĩ Lộc Vàng số 17A đường ven hồ Tây vẫn vang lên tiếng hát. Tiếng hát mà ông đã đánh đổi cả cuộc đời mình để giữ gìn, nâng niu.

Thứ Tư, 3 tháng 4, 2019

Chờ người (Lam Phương)

Nghe tin Bạch Yến trở về sau hơn 10 năm xa cách, Lam Phương xao xuyến viết bài Chờ Người rất đặc sắc. Giai điệu lách thoát hẳn ra khỏi dòng nhạc quen thuộc của anh, nhất là một bài buồn viết theo hợp âm trưởng (major) là chuyện ít có:
“Chờ em, chờ đến bao giờ

Mấy thu thuyền đã xa bờ.


Mười năm trời chẳng thương mình

Để anh thành kẻ bạc tình
Cầu xin cho mây về vui với gió
Dù có qua bao đắng cay
Muôn đời anh vẫn chờ em.”





Duyên quê

Nguyễn Hữu Thiết là một nhạc sĩ kiêm ca sĩ nổi tiếng của nền Tân Nhạc Việt Nam trong thế kỷ 20. Ông cùng với vợ ông là ca sĩ Ngọc Cẩm tạo thành một cặp song ca lừng tiếng về tài năng nghệ thuật cũng như về sự chung thủy trong tình yêu được nhiều người yêu thích mến mộ.




---------------
Một ca khúc của ông:  Người Đã Đi Rồi qua giọng ca Hoàng Oanh.




Người Đã Đi Rồi - Nguyễn Hữu Thiết
Mùa thu đến người ơi
Lặng trong lá vàng rơi
Trong nước cuốn hoa trôi 
Nghe tiếng gió xa xôi
Vẫn vắng bóng một người
Người đã đi rồi. 

Kìa thu ấy người đi
Để xao xuyến biệt ly
Đông tới đến xuân sang
Năm tháng đến bên tôi
Ôi tiếc nhớ thơ mộng
Làm rối tơ lòng. 

Anh vui sồng hồ phương trời
Ngày đêm nhớ em mong
Hôm nao ta cùng tâm sự
Chuyện đời như sương khói. 

Với tiếng gió chiều
Thu về nghe nỉ non
Buồn trên lối mòn
Sống nước gian hồ
Dìu dập như muốn tiếng đàn
Lâng lâng tâm hồn ta. 

Kỷ niệm ấy còn đâu
Người đi đã từ lâu
Theo kiếp sống tha hương
Đi cất bước muôn phương
Có nghĩ đến một người
Giờ đây đợi chờ. 

Kìa thu đến người ơi
Gợi tình yêu đầy vơi
Thu đến với heo may
Mang buốt giá tim tôi
Ôi tiếc nhớ xa vời
Người đã đi rồi

Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ

"Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ" là một giấc mơ- "Giấc mơ đời hư ảo"- như một câu nói của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Nhịp 2/4 chậm rãi, điệu Blue khắc khoải; âm nhạc của "Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ" thật sự là một điệu buồn. Nó rỉ rả, tha thiết kể lể với chúng ta về một dòng sông kí ức chảy trôi trong tâm tưởng. Có khúc sông vui dào dạt, có khúc sông buồn miên man và có khúc cuộn trào như thác đổ...Như một điệp khúc, nhiều lần, nhiều đêm như vậy, đều "thấy ta là thác đổ", mãnh liệt đến nỗi "tỉnh ra còn nghe".
Góp phần tạo nên sức sống bền bĩ cho "Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ" là lớp ca từ đầy sức ám ảnh. Với vỏ bọc ngoài nhẹ tênh, giản dị, đời thường nhưng lại chuyên chở sự nặng chịch của những dụ ngôn nghệ thuật. Đời ta hết mong điều mới lạ/ Tôi đã sống rất ơ hờ; Nhiều đêm thấy ta là thác đổ/ Tỉnh ra có khi còn nghe...
"Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ" như một bản sao cuộc sống của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn! Ông đã sống hết mình với âm nhạc, với tình yêu, với cuộc đời, ầm ào như thác đổ...rồi bình yên về chốn hư vô, cùng với những giấc mơ đời hư ảo. (
Hữu Du)



Thứ Ba, 2 tháng 4, 2019

Nỗi Lòng Người Đi


Khi học cấp 3, bọn trẻ chúng tôi đã thường ngâm nga ca khúc này với thanh vỡ giọng như để tâm sự những điều chưa có để mà tỏ ra mình đã lớn. Sau này cũng ra đi chiến trận, vẫn hát và nhớ thương. Gặp lại bài hát này nghe lại bồi hồi và thú vị.
-------------------
Bài hát Nỗi Lòng Người Đi (Anh Bằng) với giọng hát và guitar của Toàn Nguyễn. 


Đây không phải là một giọng ca nổi tiếng, nhưng nếu bạn là người thích nghe nhạc guitar acoustic thì ít nhất vài lần được nghe giọng của ông rồi.
Hơn 10 năm trước, ông hát ở phòng trà ở đường Trần Cao Vân, sau đó trên mạng lan truyền album các bài nhạc Trịnh do Toàn Nguyễn hát với giọng ca rất ấm và mộc mạc, cùng tiếng đàn guitar chậm rãi của ông. Toàn Nguyễn hát mà như thủ thỉ tâm sự, rất giàu cảm xúc. 



------------------------

Rừng lá thấp

Có thể nói, lời hát của bài Rừng lá Thấp, nếu được suy xét kỹ, là những lời lên án thẳng thừng về sự sáo rỗng, giả dối về “tình yêu lính” trong câu hát, giọng hát của các “cô nàng” về người lính. 
Những người như anh lính TQLC Vũ Mạnh Hùng cảm thấy câu hát đó không thật lòng với họ. Khi anh Hùng nói việc này với Trần Thiện Thanh – vốn là một nhạc sĩ nổi tiếng sáng tác và hát nhạc lính. Trần Thiện Thanh đã không nói gì, vì không muốn bình luận về đồng nghiệp. Ông đã ghi lại những ý kiến đó vào một bài nhạc lính, và bài Rừng Lá Thấp đã trở thành bài nhạc lính kinh điển và nổi tiếng nhất.

Mời các bạn nghe ca khúc với phần nhạc đệm thật đặc trưng.

Pù pài nhằng tỉnh cằm có

                   
Nói như người Tày trên Cao Bằng: “Hát đây lố” (Hát rất hay)

Pù pài nhằng tỉnh cằm có Sáng tác Phạm Tịnh Biểu diễn: NSND Dương Liễu
Nàng ới Lời Nàng à lấy nớ .....ới. ca đăm cáp ca đáng ơi củng lố ca ... Khẩu a le rây a le cáp le khấu le nà củng le khấu ới nàng (à) no... Lời nàng a lấy nơ.... ới. Pi bấu đảy gạ ca ới nặng lố đăm.. Pỏ à le vạ à le nhằng le tính le căn ga le cá gạc ới nàng (à) no... Lời nàng (á a ới....ớ ơ ớ ơ ơi...) quá lô đông ngỏang lồng nặm ơi piến bấu đang. Mùa a le xuân a le đạ lý xuân khửn phia, piên le ngỏang ơi nàng à no...
Lời nàng a lấy nới..... màn sương dày phủ lên ngăn đường đi phía xa, đường đi dấu xa e đâu ngại bởi đã nói lời hẹn cùng anh thắm duyên chỉ hồng..... bên lâu... (2 lần) Ngọn lửa đêm đông ớ ơ...ớ ơ ơi... xốn sang rạo rực giữa đêm đông sương buông, lời yêu thương nhờ gió bay đi xa gửi tới a người mà e thương .... ---------------
Dương Liễu sinh ra, lớn lên ở huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng, trong một gia đình không ai làm nghệ thuật. Bà là người Kinh nhưng có thể nói thạo tiếng Tày, tiếng Nùng. Bà theo học ngành sư phạm mẫu giáo nhưng mong ước được hát đã thôi thúc bà gia nhập Đoàn Văn công Cao Bằng (cuối năm 1979).
Hiện bà là Đoàn phó phụ trách chuyên môn Đòan nghệ thuật tỉnh Cao Bằng, nên bà vừa tham tham gia biểu diễn, vừa chỉ đạo nghệ thuật. Dương Liễu còn sáng tác ca khúc. Bà là hội viên của Hội văn học nghệ thuật tỉnh Cao Bằng, thành viên Hội bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng.
Bà đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Chuyện “Cái giọng Sài Gòn”

Chuyện “Cái giọng Sài Gòn”

(Hải Phan)


Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, trong đầu lúc nào cũng có một ý định là sẽ “thở đều” trên mảnh đất ồn ào này, ý định đó chắc sẽ giữ mãi cho đến lúc một ngày nào đó âm thầm không bứt rứt cắn tay áo mà mỉm cười he he he XXX xuống dưới ấy… Gọi là yêu Sài Gòn thì có phần hơi quá! Không dám gọi thứ tình cảm dành cho Sài Gòn là tình yêu, nó chưa thể đạt đến mức ấy. Cái tình với Sài Gòn là cái tình của một thằng ăn ở với Sài Gòn hơn 20 năm, cái tình của một thằng mà với nó, Sài Gòn còn quá nhiều điều níu kéo, quá nhiều chuyện để mỗi khi bất chợt nghĩ về Sài Gòn, lại thấy nhơ nhớ, gần gũi… 

Hồi còn đi học, vẫn hay chọc mấy đứa bạn bằng 2 câu thơ nhại :

Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Gái Sài Gòn cái mỏ cong cong 

Chuyện con gái Sài Gòn “mỏ” có cong không thì hông biết, chỉ biết con gái Sài Gòn có cái dẫu môi cong cong dễ làm chết người lắm, nhất là khi cánh môi be bé ấy cong lên một chữ “hônggg…” khi đứa con trai rủ rê đi đâu, năn nỉ gì đó. Lúc đó, lấy gương ra soi, chắc cái mặt của đứa con trai đó tội lắm.

Mà con gái Sài Gòn có điệu đà, õng ẹo chút thì mới đúng thiệt là con gái Sài Gòn. Ai mà chẳng biết vậy. Gọi đó là cái duyên ngầm của người con gái đất Gia Định cũng chẳng có gì sai. Ai hiểu được sẽ thấy sao mà yêu mà thương đến vậy…

Có dạo đọc trong một bài viết về Sài Gòn – Gia Định của nhà văn Sơn Nam, có thấy ông viết giọng Sài Gòn, cũng như văn hóa và con người Sài Gòn là một sự pha trộn và giao thoa đến hợp nhất của nhiều nơi. Đó là những người Chăm bản địa, những người khách Hoa, những người miền Trung đầu tiên đến đất Gia Định…Từ đó hình thành một loại ngôn ngữ vừa bản địa, vừa vay mượn của những người đi mở đất…

Giọng người Sài Gòn được xem là giọng chuẩn của miền Nam, cũng như giọng người Hà Nội được xem là giọng chuẩn của người miền Bắc. Giọng chuẩn tức là giọng không pha trộn, không bị cải biến đi qua thời gian. Như nói về giọng chuẩn của người Hà Nội, người ta nói đến chất giọng ấm nhẹ, khi trầm khi bổng, khi sắc khi thanh, và chẳng ai phủ nhận người Hà Nội nói chuyện rất hay và “điêu luyện”. Cái “điêu luyện” ấy như thuộc về bản chất của người Hà Nội mà chỉ người Hà Nội mới có được. Nếu nói là người Việt Nam nói như hát, thì đúng ra chỉ có người Hà Nội là “nói như hát” mà thôi, họa chăng chỉ có giọng Huế của người con gái Huế trầm tư mới cùng được ví von thế…


Người Sài Gòn thì khác, giọng Sài Gòn cũng khác. Không ngọt ngào …mía lùi như một số người dân Tây Nam Bộ ven vùng sông nước mênh mang chín rồng phù sa, không nặng nề cục mịch như người miền Đông Nam Bộ nóng cháy da thịt, giọng người Sài Gòn cũng ngọt, nhưng là cái ngọt thanh hơn, nhẹ hơn. Đó là chất giọng “thành thị” đầy kiêu hãnh của người Sài Gòn, chẳng lẫn vào đâu được mà dù người khác có bắt chước cũng khó lòng. Dường như qua nhiều năm cùng với đất Gia Định – Sài Gòn phù hoa trong nhịp sống, trong đổi mới và phát triển, thì giọng nói của người Sài Gòn cũng trở nên “cao sang” hơn. Dù vậy, có cái “thanh” của một vùng đất một thời là thủ phủ Nam Bộ, nhưng cũng chẳng mất đi đâu cái mộc mạc không bỏ được của cái gốc chung Nam Bộ.

Giọng người Sài Gòn nói lên nghe là biết liền. Ngồi nghe hai người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau ở một quán nước, bên đường hay qua điện thoại, dễ dàng nhận ra họ. Cái giọng không cao như người Hà Nội, không nặng như người Trung, mà cứ ngang ngang sang sảng riêng…Mà điều đặc biệt trong cách người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau là mấy từ “nghen, hen, hén” ở cuối câu… Người miền khác có khoái, có yêu người Sài Gòn thì cũng vì cách dùng từ “nghen, hen” này. Khách đến nhà chơi, chủ nhà tiếp. Khách về, cười rồi buông một câu “Thôi, tôi dìa nghen!” – Chủ nhà cũng cười “Ừ, dzậy anh dìa hen!”. Nói chuyện điện thoại đã đời, để kết câu chuyện và cúp máy, một người nói “Hổng còn gì nữa, dzậy thôi hen!” “thôi” ở đây nghĩa là dừng lại, kết thúc, chấm dứt gì đó. Hai đứa bạn nói chuyện cùng nhau, bắt gặp cái gì vui, quay đầu sang đứa kế bên “Hay hén mậy?” bằng giọng điệu thoải mái…


Giọng người Sài Gòn đôi khi diễn đạt cùng một câu nói, nhưng lại bằng nhiều cung bậc giọng điệu khác nhau lại mang ý nghĩa khác nhau. Đám nhỏ quậy, nghịch phá, người chị mắng, giọng hơi gằn lại và từng tiếng một, có chút hóm hỉnh trong đó “Dzui dzữ hen!”. Đám bạn cùng tuổi, ngồi chơi chung, cười đùa, một người nói giọng cao cao vui vẻ “Dzui dzữ hen!”… Người Sài Gòn có thói quen hay “đãi” giọng ở chữ cuối làm câu nói mang một sắc thái khác khi hờn giận, khi đùa vui như “Hay dzữuuu”, “Giỏi dzữưưu…!” Nghe người Sài Gòn nói chuyện, trong cách nói, bắt gặp “Thôi à nghen” “Thôi à!” khá nhiều, như một thói quen và cái “duyên” trong giọng Sài Gòn.

Người Sài Gòn nói chuyện, không phát âm được một số chữ, và hay làm người nghe lẫn lộn giữa âm “d,v,gi” cũng như người Hà Nội phát âm lẫn các từ có phụ âm đầu “r” vậy. Nói thì đúng là sai, nhưng viết và hiểu thì chẳng sai đâu, đó là giọng Sài Gòn mà, nghe là biết liền. Mà cũng chẳng biết có phải là do thật sự người Sài Gòn không phát âm được những chữ ấy không nữa, hay là do cách nói lẫn từ “d,v,gi” ấy là do quen miệng, thuận miệng và hợp với chất giọng Sài Gòn. Ví như nói “Đi chơi dzui dzẻ hen mậy!” thì người Sài Gòn nói nó… thuận miệng và tự nhiên hơn nhiều so với nói “Đi chơi vui vẻ hen mầy!”. Nói là “vui vẻ” vẫn được đấy chứ nhưng cảm giác nó ngường ngượng miệng làm sao đó. Nghe một người Sài Gòn phát âm những chữ có phụ âm “v” như “về, vui, vườn, võng” nó cảm giác sao sao á, không đúng là giọng Sài Gòn chút nào…

Nhìn lại một quãng thời gian hơn 300 năm hình thành và phát triển của Sài Gòn từ Phiên Trấn, Gia Định Trấn, Gia Định Thành, Phiên An, Gia Định Tỉnh…cho đến Sài Gòn, Tp HCM, dân Sài Gòn đã là một tập hợp nhiều dân tộc sinh sống như Việt, Hoa, Kh’mer…Các sử sách xưa chép lại, khi người Việt bắt đầu đến Đồng Nai – Gia Định thì người Kh’mer đã sinh sống ở đây khá đông, rồi tiếp đó là người Hoa, và một số người tộc láng giềng như Malaysia, Indonesia (Java) cũng có mặt. Sự hợp tụ này dẫn đến nhiều sự giao thoa về mặt văn hóa, làm ăn, cũng như những mặt khác của đời sống, trong đó dĩ nhiên phải nói đến ngôn ngữ.

Tiếng nói của người Sài Gòn không chỉ thuần là tiếng Việt, mà còn là sự học hỏi, vay mượn nhiều từ ngữ của dân tộc bạn, đâm ra mang nhiều “hình ảnh” và “màu sắc” hơn. Những từ như “lì xì, thèo lèo, xí mụi, cũ xì…” là mượn của người Hoa, những từ như “xà quầng, mình ên…” là của người Kh’mer. Nói riết đâm quen, dần dần những từ ngữ đó, những tiếng nói đó được người dân Sài Gòn sử dụng một cách tự nhiên như của mình, điều đó chẳng có gì lạ…Thêm vào đó, nó được sửa đổi nhiều cho phù hợp với giọng Sài Gòn, thành ra có những nét đặc trưng riêng.

Vậy nói cho cùng thì người Sài Gòn cũng có những tiếng gọi là “tiếng địa phương” (local dialect !?). Những tiếng này thể hiện rõ nhất khi người Sài Gòn nói chuyện cùng người miền khác. Nghe một người Sài Gòn nói chuyện cùng một người khác vùng, dễ dàng nhận ra những khác biệt trong lời ăn tiếng nói giữa hai người, hai miền. Có một số từ người Sài Gòn nói, người miền khác nghe rồi…cười vì chưa đoán ra được ý. Cũng như khi nghe người Huế dùng một số từ lạ lạ như “o, mô, ni, chừ, răng…” trong khi nói chuyện vậy thôi. Khác là mấy tiếng người Sài Gòn nói, vẫn có chút gì đó nó…vui vui tai, là lạ, ngồ ngộ làm sao.

Người Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung, có thói quen dùng từ “dạ” khi nói chuyện, khác với người miền Bắc lại dùng từ “vâng”. Để ý sẽ thấy ít có người Sài Gòn nào nói từ “vâng”. Khi có ai gọi, một người Sài Gòn nói “vâng!” là trong dáng dấp của câu nói đó có giọng đùa, cười cợt. Khi nói chuyện với người lớn hơn mình, người dưới thường đệm từ “dạ” vào mỗi câu nói. “Mày ăn cơm chưa con? – Dạ, chưa!”; “Mới dìa/dzề hả nhóc? – Dạ, con mới!”… Cái tiếng “dạ” đó, không biết sao trong cảm giác nghe của một người Sài Gòn với một người Sài Gòn thấy nó “thương” lạ…dễ chịu mà gần gũi, nhẹ nhàng mà tình cảm lắm lắm. Cảm giác nó thật riêng so với những nơi khác. Nghe một tiếng “dạ” là biết ngay tên này là dân miền Nam cái đã rồi hẳn hay… 

Một người miền khác, có thể là Bắc hoặc Trung, diễn tả một khoảng thời gian ngắn vài ngày thì nói “Từ bữa đó đến bữa nay”, còn người Sài Gòn thì nói “Hổm nay”, “dạo này”…người khác nghe sẽ không hiểu, vì nói chi mà ngắn gọn ghê. (Lại phát hiện thêm một điều là người Sài Gòn hay dùng từ “ghê” phía sau câu nói để diễn tả một sắc thái tình cảm riêng. Tiếng “ghê” đó chẳng hàm ý gì nhiều, nó mang ý nghĩa là “nhiều”, là “lắm”. Nói “Nhỏ đó xinh ghê!” nghĩa là khen cô bé đó xinh lắm vậy.) Lại so sánh từ “hổm nay” với “hổm rày” hay nghe ở các vùng quê Nam Bộ, cũng một ý nghĩa như nhau, nhưng lại không hoàn toàn giống nhau. Nghe người Sài Gòn dùng một số từ “hổm rày, miết…” là người Sài Gòn bắt chước người miền sông nước vậy. Nhưng nghe vẫn không trái tai, không cảm thấy gượng, vì trong người Sài Gòn vẫn còn cái chất Nam Bộ chung mà.


Nghe một đứa con trai Sài Gòn nói về đứa bạn gái nào đó của mình xem…”Nhỏ đó xinh lắm!”, “Nhỏ đó ngoan!”…Tiếng “nhỏ” mang ý nghĩa như tiếng “cái” của người Hà Nội. Người Sài Gòn gọi “nhỏ Thuý, nhỏ Lý, nhỏ Uyên” thì cũng như “cái Thuý, cái Uyên, cái Lý” của người Hà Nội thôi.

Nói một ai đó chậm chạp, người Sài Gòn kêu “Thằng đó làm gì mà cứ cà rề cà rề…nhìn phát bực!” Nghe cứ như là đùa, chẳng làm câu nói nặng nề lắm. Một người lớn hơn gọi “Ê, nhóc lại nói nghe!” hay gọi người bán hàng rong “Ê, cho chén chè nhiều nhiều tiền ít coi!”… “Ê” là tiếng Sài Gòn đó, coi gọi trổng không vậy mà chẳng có ý gì đâu, có thể nói đó là thói quen trong cách nói của người Sài Gòn. Mà người Sài Gòn cũng lạ, mua hàng gì đó, thường “quên” mất từ “bán”, chỉ nói là “cho chén chè, cho tô phở”… “cho” ở đây là mua đó nghen. Nghe người Sài Gòn nói chuyện với nhau, thường bắt gặp thế này “Lấy cái tay ra coi!” “Ngon làm thử coi!” “Cho miếng coi!” “Nói nghe coi!”… “Làm thử” thì còn “coi” được, chứ “nói” thì làm sao mà “coi” cho được nè ? Vậy mà người Sài Gòn lại nói, từ “coi” cũng chỉ như là một từ đệm, dân Sài Gòn nói dzậy mà. Ngồi mà nghe người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau thì quái lắm, lạ lắm, không ít người sẽ hỏi “mấy từ đó nghĩa là gì dzậy ta ?” – Mà “dzậy ta” cũng là một thứ “tiếng địa phương” của người Sài Gòn à. Người Sài Gòn có thói quen hay nói “Sao kỳ dzậy ta?” “Sao rồi ta?” “Được hông ta?”…Nghe như là hỏi chính mình vậy đó, mà…hổng phải dzậy đâu nghen, kiểu như là nửa hỏi người, nửa đùa đùa vậy mà.

Tiếng Sài Gòn là thế đó, nếu bạn giả giọng Sài Gòn nói chuyện, dù có giống cách mấy mà bỏ quên mấy tiếng đệm, mấy tiếng Sài Gòn riêng riêng này thì đúng là… “bạn hông biết gì hết chơn hết chọi!”

Mà giọng Sài Gòn đã thế, cách người Sài Gòn xưng hô, gọi nhau cũng có phần mang “màu sắc” riêng.

Người Sài Gòn có cái kiểu gọi “Mày” xưng “Tao” rất “ngọt”. Một vài lần gặp nhau,nói chuyện ý hợp tâm đầu một cái là người Saigon mày tao liền. Nếu đúng là dân Sài Gòn, hiểu người Sài Gòn, yêu người Sài Gòn sẽ thấy cách xưng hô ấy chẳng những không có gì là thô mà còn rất ư là thân thiện và gần gũi.

Mày-tao là kiểu xưng hô hay thấy trong mối quan hệ bạn bè của người Sài Gòn. Cách xưng-hô này thấy dàn trải từ đủ các mối quan hệ bạn bè; từ bạn học giữa mấy đứa nhóc chút xíu, cho đến mấy bác mấy anh lớn lớn tuổi. Hổng biết cái máu dân Sài Gòn nó chảy mạnh quá hay sao mà thấy mấy cách gọi này nó…tự nhiên và dễ nói hơn là mấy từ như “cậu cậu – tớ tớ” của miền Bắc. Nói chuyện bạn bè với nhau, thân thiết mà gọi mấy tiếng mày mày tao tao thì nghe thật sướng, thật thoải mái tự nhiên, và khoai khoái làm sao ấy. Gọi thế thì mới thiệt là dân Sài Gòn. 

Đấy là ngang hàng, ngang vai vế mà gọi nhau, chứ còn như đám nho nhỏ mà gặp người lớn tuổi hơn, đáng bậc cha, chú thì khác. Khi ấy “tụi nhỏ” sẽ gọi là chú, thím, cô, dì, hay bác và xưng “con” ngọt xớt. Có vẻ như người Sài Gòn “ưa” tiếng chú, thím, dì, cô hơn; cũng như đa phần dân miền Nam khác vậy mà. Mà có lẽ cách gọi này cũng còn tuỳ vào việc ước lượng tuổi của người đối diện. Gặp một người phụ nữ mà mình nhắm chừng tuổi nhỏ hơn mẹ mình ở nhà thì “Dì ơi dì…cho con hỏi chút…!” – còn lớn hơn thì dĩ nhiên là “Bác ơi bác…” rồi. Những tiếng mợ, thím, cậu,… cũng tuỳ vào vai vế và người đối diện mà gọi. Có người chẳng bà con thân thuộc gì, nhưng là bạn của ba mình, lại nhỏ tuổi hơn, thế là gọi là chú và vợ của chú đó cứ thế gọi luôn là thím. Gọi thì gọi thế, còn xưng thì xưng “con” chứ không phải “cháu cháu” như một số vùng khác. Cái tiếng “con” cất lên nó tạo cho người nghe cảm giác khoảng cách giữa mình với đứa nhỏ đang nói kia tự dưng… gần xịt lại. Nghe sao mà quen thuộc, và gần gũi đến lạ lùng. Tự dưng là thấy có cảm tình liền.


Nói tiếp chuyện xưng-hô, người Sài Gòn có kiểu gọi thế này :

Ông đó = ổng 
Bà đó = bả 
Anh đó = ảnh 
Chị đó = chỉ 
….. 

Không hiểu sao mà dấu hỏi tự nhiên cái trở nên giữ vai trò quan trọng… ngộ nghĩnh vậy nữa. Nhưng mà kêu lên nghe hay hay đúng hông? Gọi vậy mới đúng là chất Nam Bộ – Sài Gòn á nghen. 

Người Sài Gòn cũng có thói quen gọi các người trong họ theo… số. Như anh Hai, chị Ba, thím Tư, cô Chín, dượng Bảy, mợ Năm…Mà nếu anh chị em họ hàng đông đông, sợ gọi cùng là chị Hai, anh Ba mà hổng biết nói về ai thì dzậy nè, thêm tên người đó vào. Thành ra có cách gọi: chị Hai Lý, chị Hai Uyên, anh Ba Long, anh Ba Hùng…

Thêm nữa, nếu mà anh chị em cùng nhà thì tiếng “anh-chị-em” đôi khi được…giản lược mất luôn, trở thành “Hai ơi Hai, em nói nghe nè…” và “Gì dzạ Út ?”…Tôi thích cách gọi này, đâm ra ở nhà gọi Dì Út tôi chỉ là một tiếng Út gọn lỏn. Có chuyện nhờ là cứ “Út ơi…con nhờ chút!” hoặc với mấy chị tôi thì “Hai ơi Hai…em nói nghe nè!”.

Cách gọi này của người Sài Gòn nhiều khi làm người miền khác nghe hơi…rối. Có lần, kể cho người bạn ở Hà Nội nghe về mấy người anh chị trong gia đình. Ngồi kể lể “anh Hai, chị Hai, dì Hai, Út, cậu Hai, mợ Hai, chú Ba…” một hồi cái bị kêu là hổng hiểu, xưng hô gì rối rắm quá chừng, làm phải ngồi giải thích lại suốt một hồi…lâu.


Cách xưng hô của người Sài Gòn là vậy. Nghe là thấy đặc trưng của cả một mảnh đất miền Nam sông nước.

Cứ thế, không sang trọng, điệu đà như giọng người dân đất Bắc, cũng chẳng trầm lắng, thanh thanh như tiếng Huế Thần Kinh, cái giọng Sài Gòn đi vào tai, vào lòng, vào cách cảm, và nỗi nhớ nhung của người Sài Gòn lẫn dân miền khác bằng sự ngọt ngào, bằng cái chân chất thật thà của truyền thống xa xưa, và bằng cả cái “chất Sài Gòn” chảy mạnh trong từng mạch máu người dân Sài Gòn. Đi đâu, xa xa Sài Gòn, bỗng dưng nghe một tiếng “Dạ!” cùng những tiếng “hen, nghen” lại thấy đất Sài Gòn như đang hiện ra trước mắt với những nhớ thương…