Thứ Hai, 14 tháng 1, 2019

Nỗi buồn chiến tranh



Nỗi buồn chiến tranh
...
Mến yêu một cô gái cảm nhận về chiến tranh thật ấm lòng.

Nguồn ở đây.


Với những đứa trẻ sinh ra vào những năm 1990, 2000 như chúng tôi, chiến tranh là một điều gì đó xa lạ, một thứ đồ cổ cất trong các ngăn tủ hiếm khi được mở ra. Dù suốt những tháng năm đi học tràn ngập các giờ học lịch sử về những trận chiến, chiến thuật quân sự, các bài hát về thiếu niên dũng cảm thời chiến, với tôi chiến tranh không lưu lại hơn là những con số tồn tại trên trang giấy lẫn các gương mặt người trẻ trung mặc quân phục trong bức hình đen trắng.

Thế đấy, thật khó để hình dung ra rằng, cái thời khói lửa ấy mới kết thúc cách đây 40 năm thôi. Tôi hiếm khi xem phim về chiến tranh, đọc sách viết về thời đại ấy. Với tôi, bối cảnh ấy quá ngột ngạt và bạo lực, và vậy là tôi thấy hoàn toàn xa lạ với một thời quá khứ của đất nước này, còn đọc sách viết với cảm hứng thời đại hào hùng kiểu Rừng xà nu thì lại càng không. Hồi học Văn, tôi chỉ nhớ bài thơ Tây tiến của Quang Dũng, với những câu thơ ám ảnh như: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” hay “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.

Một ngày nóng phát rồ của mùa hè 40 độ, tôi lượn lờ vào siêu thị chơi, và lang thang vào cửa hàng sách Fahasa trong đó. Giữa hàng loạt sách phiêu lưu, ngôn tình, cổ điển, có một quyển sách bìa đen lặng lẽ thu hút sự chú ý của tôi, đó là “Nỗi buồn chiến tranh” – Bảo Ninh. Đây sẽ là một trong những cuốn sách ám ảnh nhất tôi từng đọc. Chiến tranh không còn xa lạ nữa, mà trở nên thật, đau đớn và dằn vặt khôn nguôi.

Trong các sách viết về chiến tranh, đến nay tôi mới chính thức đọc được hai quyển và cảm được chúng, đó là All quiet on Western front và Nỗi buồn chiến tranh. Trên goodreads – trang thông tin về sách rất phổ biến trên mạng, Nỗi buồn chiến tranh (The sorrow of war) nhận được rất nhiều bình luận của độc giả nước ngoài, phần lớn là khen ngợi sự chân thật trong miêu tả thân phận con người của sách. Thú vị là, nhiều bạn đọc nước ngoài ban đầu “phải” đọc cuốn sách theo yêu cầu của lớp văn học (English class), sau chuyển sang thật sự yêu thích. Một cuốn sách Việt Nam nhận được sự quan tâm của độc giả quốc tế như thế, có thể là vì: 1. Sách viết về chiến tranh Việt-Mỹ qua cái nhìn của người lính Bắc Việt, 2. Phong cách văn chương đã đạt mức hiện đại, phù hợp với bạn đọc nước ngoài đã quen với các tác phẩm văn học nổi tiếng có lối viết sâu sắc, gọn và miêu tả nhân vật độc đáo, 3. Sự chân thật chạm tới trái tim con người. Có lẽ chính yếu tố thứ 3 mới là điều làm nên sức ảnh hưởng của Nỗi buồn chiến tranh.

Truyện là dòng hồi tưởng của nhân vật Kiên – một trong số ít những người lính còn sống sót trở về sau 10 năm chiến đấu từ Bắc vào Nam. Xuyên suốt hồi tưởng của anh là những kí ức sống động, đau xót về tháng năm cầm súng với đồng đội, hồi ức về thời thơ ấu êm đềm cùng mối tình trong trắng với người bạn gái tên Phương. Chiến tranh đã qua mà Kiên cứ sống giữa hai bờ quá khứ – thực tại, giằng xé lẫn nhau. Anh trở về nhưng cũng không thể ở bên cạnh Phương nữa. Kiên, giống như những người lính trong All quiet on western front đã vĩnh viễn mất đi một điều gì đó trong chiến tranh, và khi quay lại đời thường anh trở nên lạc lõng, không hòa nhập nổi, và anh im lặng trong dòng hồi tưởng và những con chữ mình viết ra.

Cuốn tiểu thuyết cứ dằn vặt người đọc, bởi nó quá chân thật về thân phận con người. Với tôi, văn chương chỉ là nghệ thuật thực sự, khi người viết thành thực với trái tim mình, với cuộc đời này, không để bất cứ một thứ gì làm sức ép lên ngòi bút. Chiến tranh đã hủy hoại thật nhiều thứ. Làm sao những chàng trai mới 17, 18 tuổi, vừa mới còn trên ghế nhà trường, có thể ngay lập tức cầm súng, học cách đâm lưỡi lê vào bụng kẻ thù, học cách lái xe tăng cán nát thân người, nhìn đồng đội mình chết hết mà sau đó còn có thể trở về bình thường và nguyên vẹn? “Giết người, thì có gì là vinh?” – Một trong số họ đã lên tiếng tự hỏi. Truyện có những phân cảnh ngột ngạt đến không chịu được, như khi Kiên bắt được 4 người lính phía bên kia, và họ phải đào huyệt tự chôn mình trong buổi chiều hôm ấy. Họ đào một cách bình thản, rồi quỳ xuống để nhận phát đạn vào đầu mình. Tôi thấy sợ cho cái cảnh bạo lực khủng khiếp ấy, khi mà con người lạnh lùng đối xử với nhau như với đồ vật. Nhưng rồi một trong số người lính sắp bị bắn ấy ôm chân Kiên, khóc và xin tha mạng, vì anh ấy còn trẻ quá, vì anh ấy còn mẹ, còn người yêu ở nhà. Những người trai trẻ ấy, dù ở chiến tuyến nào, cũng đều là con người, đều có những ràng buộc thân thích, đều có tuổi trẻ, có ước mơ, có tình yêu. Thật may, cuối cùng Kiên đã không giết người, anh tha cho 4 cậu lính ấy. Chút kí ức này vẫn còn cứu vớt được phần nào tháng ngày về sau của Kiên.

Kí ức của Kiên cứ trở đi trở lại với những oan hồn, những cái chết. Cái chết ngập tràn trong truyện, từ gương mặt Can – người lính trẻ đào ngũ vì muốn gặp mẹ già – nay chết trên đường về, bị đồng đội khinh rẻ, từ người lính ngụy bị ngập trong hố nước, ngạt đến chết, từ những thây người nảy lên khi bị xe tăng cán phải, rồi bẹp dúm, biến thành những rẻo thịt bị giòi bọ bâu đầy trên các rãnh bánh xe. Bảo Ninh phơi bày bộ mặt tàn khốc của chiến tranh, với những cái chết cứ dày lên ở chiến trường, với những đau đớn cho một tâm hồn trẻ trung bị hủy diệt, trở nên bạo lực, chai sạn đi trong những tháng ngày chỉ có chém và giết. Và cái chết cứ ngấm dần vào tuổi trẻ, giết dần đi những ước mơ trong sáng, nhân tính, và khát vọng sống của con người.

Đối lập với sự chết chóc, cô đơn cứ ngập tràn, lại là khoảng thời gian vĩnh viễn bạo lực không thể chạm tới. Và có lẽ vì vậy, mà sự phá hủy của chiến tranh sau này lại càng khiến trái tim con người đau xót hơn. Đó là khoảng thời gian Kiên còn chưa đi lính, vẫn đi học và ở bên Phương. Ở khoảng không gian, thời gian ấy, có nghệ thuật hiện hữu bên cây đàn dương cầm của bố mẹ Phương trong căn nhà nhỏ ở Hà Nội, bên những bức tranh bố Kiên chất đầy trong căn gác. Phương là một biểu tượng cho sự hoàn hảo, trong trắng, một vẻ đẹp cực đoan mà theo như mẹ Phương, cũng mong manh và dễ bị vỡ nát bởi biến động cuộc đời. Tôi rất thích đoạn mẹ Phương miêu tả về cô, có lẽ vì tôi vốn thích sự hoàn hảo của cái đẹp. Mẹ Phương đã mong cô gắn bó với thứ âm nhạc của thiên tài, đàn dương cầm, bởi mẹ cô biết, Phương có vẻ bất cần như vậy, nhưng thực chất tâm hồn cô yếu đuối và luôn cần được bảo bọc. Bên cạnh đó, truyện có một không gian khác cũng êm đềm và thanh tịnh, đó là chỗ bố dượng của Kiên ở. Tôi không thể quên khi ông nói với Kiên tư tưởng của mình: “Con ạ, nghĩa vụ duy nhất của một người trước Trời và Đất là phải sống, chứ không phải hy sinh. Hãy cảnh giác trước những thứ yêu cầu con người phải chứng minh bằng cái chết.” Chỉ có người luôn yêu thương con người, nhìn trước được sự bạo lực sẽ hủy hoại tâm hồn ra sao, mới có thể nói với một người sắp ra trận như thế. Trước khi Kiên đi, Phương nghe lời mẹ, đã đàn tặng anh khúc Sonata cung Mi thứ mộng ảo của Mozart, và Kiên đã khóc. Khúc đàn ấy như tiếng chấm hết cho quãng đời tươi đẹp, cho quá khứ yên bình, cho cả tình yêu giữa hai người.

Tôi chợt nhớ đến bộ phim The pianist, khi người nghệ sỹ ngồi vào đàn chơi bản Ballade của Chopin, chơi mê mải như thoát ra tháng năm sống chui lủi sắp bị biến dạng cả về nhân dạng và con người, chơi như không còn gì để mất trước sỹ quan người Đức, chơi như thăng hoa khát vọng sống và đau đớn cho nghệ thuật đã bị bạo lực làm cho câm tiếng. Tiếng đàn của Phương, xót xa hơn, khi nó cất lên báo hiệu cho những khổ đau sắp chuẩn bị vùi dập cuộc đời con người, khi nó vang lên đẹp đẽ để rồi những năm tháng sau vĩnh viễn câm lặng.

Tôi đã biết về một thời đạn bom như thế, qua những con chữ không màu mè, không có gì ngoài sự trần trụi của Bảo Ninh. Tôi nhớ tới ông nội mình, người tôi chưa hề biết mặt. Ông cũng đã đi chiến trường từ ngày bố tôi còn bé, và không quay về nữa. Những lá thư gửi đi tìm mộ cứ lần lượt được hồi đáp về, không có kết quả. Chiến tranh đã hết, nhưng cái bóng của nó vẫn vươn dài đến tận ngày nay. Trong từng lá cây ngọn cỏ ngoài kia đều thấp thoáng dáng hình của người lính đã vùi tuổi xuân của mình trên từng tấc đất quê hương.

Tôi chỉ có thể cúi đầu trước bia mộ của hàng bao liệt sỹ đã hy sinh ngoài kia, bỏ lại tuổi xuân trên chiến trường khốc liệt, và thầm mong sau này, sau này sẽ không bao giờ ước mơ, tuổi trẻ và thân phận con người lại bị hủy hoại và chôn vùi lần nữa. Mãi mãi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét