Thứ Tư, 16 tháng 1, 2019

“ĐÔNG CHU” – VĂN CHƯƠNG ĐỒNG NGHĨA VỚI KINH SỬ



Đông Chu quen thuộc tới mức nhiều người nằm lòng các câu,
điển tích, chuyện trong tác phẩm này.
 

Đọc Đông Chu để biết bản chất của người Tàu hơn 2000 năm nay không hề thay đổi. Tôi viết "Lời tựa" cho bộ "Đông Chu liệt quốc" - Trung tâm ngôn ngữ VH Đông Tây và Nxb LĐ - xuất bản năm 2010.
“ĐÔNG CHU” – VĂN CHƯƠNG ĐỒNG NGHĨA VỚI KINH SỬ
Khởi đầu là chuyện cung cấm, đàn bà. Thế rồi nhà Tây Chu tồn tại đã bốn trăm năm trước đó chuyển thành nhà Đông Chu, bắt đầu sự hấp hối kéo dài gần bằng ngần ấy năm nữa của một vương triều với bao nhiêu thế cuộc xoay vần, hưng, suy, tan, hợp... Bắt đầu một đại bi kịch của dân tộc Trung Hoa với biết bao nhiêu "tích", bao nhiêu tình huống, số kiếp... Tất cả những gì thuộc về con người, thuộc về đối nhân xử thế hầu như đều diễn ra trong mấy thế kỉ sục sôi điên đảo ấy, gồm cả thiện, ác; dũng, hèn; trí, ngu; trung, nịnh... cả đến dâm loạn, dối trá, bịp bợm... gồm suốt cả từ tiên đến tục... khái niệm nào cũng đạt tới một trình độ khái quát rất cao, cũng đạt tới cảnh giới có thể coi như một thứ... ĐẠO hằng tồn tại giữa cuộc đời này. Đại bi kịch ấy hấp dẫn đến nỗi những đời sau không biết bao nhiêu văn nhân, tài tử đã phải múa bút xông vào để khai phá như khai phá một kho đề tài vô tận không biết cạn bao giờ. Song có lẽ người thành công nhất vẫn là Phùng Mộng Long tiên sinh với bộ Đông Chu Liệt Quốc chí bất hủ của ông.
Không biết đã có bao nhiêu người, bao nhiêu đời từng ngả mũ bái phục bộ sách này. Song, dù có phát biểu thêm một lần nữa tưởng cũng không thừa. Có thể nói, văn chương mà đến cỡ như Đông Chu liệt Quốc chí (sau đây gọi tắt là Đông Chu) của Phùng Mộng Long, thì có thể nói đã đạt đến bực thần thông quảng đại. Chuyện của cả thiên hạ suốt bốn trăm năm với hàng nghìn nhân vật, hàng trăm cuộc chiến, hàng vạn âm mưu... mà cứ như từ trong bụng tuôn ra, mạch lạc, khúc chiết, rõ ràng, trùng trùng điệp điệp, không nhân vật nào mang máng nhân vật nào. Cái thiện cũng như cái ác, trung cũng như nịnh, giỏi cũng như ngu, anh hùng cũng như hèn hạ... tất cả cũng không cái nào giống với cái nào. Sức khái quát tư tưởng của Đông Chu lớn đến nỗi, muôn đời đều có thể soi vào đấy mà nhận ra mình, mà nhìn rõ thực chất thế sự của thời đại mình. Những quy luật của trời đất, nhân gian, của quỷ thần, chiến tranh, của tham tàn, đểu cáng... mà Đông Chu đã vạch ra, cho đến tận thời hiện đại bây giờ vẫn đúng, vẫn có thể vận dụng được. Đặc biệt là luật nhân quả thì có thể nói không ở đâu triệt để bằng Đông Chu. Một bộ sách nén chặt lịch sử bốn trăm năm với biết bao nhiêu số phận, nhân nào, quả ấy hiện lên rõ ràng, sòng phẳng, không mảy may thoát đi đâu được. Vạn sự thịnh suy của những đời sau, dẫu có biến tướng kiểu gì đi chăng nữa, cũng đều không ra ngoài bộ sách ấy. Đó thực sự là cả một pho kiến thức nhân sinh vĩ đại, kiến thức triết học, văn học, sử học, y học, âm nhạc, chính trị, quân sự, ngoại giao... khổng lồ, chẳng những kẻ làm quan, làm tướng đời đời cần phải học, mà kể cả thứ dân cũng có thể học được ở trong đó rất nhiều điều. Pho kiến thức ấy ví như những vỉa quặng quý, có vỉa lộ thiên, có vỉa chìm sâu trong lòng đất, vỉa nọ chồng lên vỉa kia, tầng tầng lớp lớp, dẫu có khai thác mãi cũng không thể nào hết được. Thật xứng đáng liệt vào hạng sách mà "mỗi lần đọc lại một lần thấy mới".
Điều ghê gớm nữa là tuy viết về lịch sử đấy, song điều đó vẫn không ngăn cản thiên tài Phùng Mộng Long múa bút sáng tạo nên những chi tiết đầy văn chương, siêu (và) thực đến bạt vía kinh hồn. Chỉ xin dẫn ra đây một ví dụ thôi cũng đủ. Ví dụ đoạn viết về Việt Vương Câu Tiễn, vì nếm phân Ngô Phù Sai, mà đến khi trở lại ngôi vua rồi mới mắc chứng hôi mồm(!). Quân sư Phạm Lãi bèn bắt tất cả triều đình đều phải nhai một thứ lá hái trên núi gọi là lá trấp, tưởng là để phòng bệnh hay chữa bệnh gì đây? Té ra là làm cho mọi cái mồm cùng… thối luôn thể, cùng nhất tề thở ra tuyền một mùi hôi, giống như cái mùi hôi phát ra từ cửa miệng của đấng quân vương kia vậy... Thật là một hình ảnh tượng trưng thiên tài. Cái chuyện cam tâm thở ra một thứ thối tha để cùng a dua với đấng chí tôn của mình như thế, thì chẳng riêng gì lũ kẻ sĩ, quí tộc thượng đẳng cha mẹ dân thủa xưa, kể cả những đời sau này, đời nào mà chẳng có. Thậm chí cho đến tận bây giờ, “truyền thống” ấy hình như vẫn còn hiện hữu đâu đây... Một chi tiết trào lộng thâm trầm, sâu sắc đến như thế, đắt đến như thế, vậy mà Phùng Mộng Long tiên sinh viết ra cứ tỉnh bơ như không. Thử hỏi từ cổ chí kim, với biết bao thiên tài văn chương lừng lẫy trên thế gian này, liệu đã có mấy ai nghĩ ra nổi một tình huống tương tự? Vậy thì, Đông Chu xứng đáng là một trong những áng văn chương không tiền khoáng hậu. Và sở dĩ ngày nay, chúng ta có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với siêu tác phẩm đó, với những điều ghê gớm đó, là nhờ ở công lao to lớn của cụ Nguyễn Đỗ Mục, của cụ Cao Xuân Huy. Đó thực sự là những tài sản trí tuệ vô giá mà các bậc Tiên hiền đã để lại cho hậu sinh chúng ta vậy.
Trong Đông Chu, có lẽ những đoạn viết về Tề Hoàn công và Quản Trọng chính là nằm trong số những đoạn khoái hoạt nhất của ngòi bút Phùng Mộng Long. Ông vua anh hùng ấy, một trong năm vị ngũ bá thời Xuân Thu có một sự nghiệp lẫy lừng, song kết thúc lại cực kì thảm hại. Không thấy Phùng Mộng Long tiên sinh miêu tả cái nhân tướng của Tề Hoàn công ra sao. Song cứ theo sự khởi đầu - kết thúc của cái nghiệp bá chủ ấy mà xét, thì trên gương mặt Tề Hoàn công ắt phải có hai đường gọi là đường pháp lệnh xuất phát từ hai bên cánh mũi, chạy xuống chui tọt vào hai bên mép, mà sách nhân tướng học gọi là tướng “lưỡng xà nhập khẩu” (hai con rắn cùng chui vào miệng). Tiếc rằng trên đầu lưỡi lại không có nốt ruồi thành ra đó là một tướng hung (nếu có nốt ruồi thì biến thành tướng quý là "lưỡng long tranh châu"). Tướng "lưỡng xà nhập khẩu" có thể đạt đến phú quí cực đỉnh đấy, song kết cục bao giờ cũng chỉ là... chết đói mà thôi. Cùng có cái tướng số này với Tề Hoàn công, trong toàn bộ Đông chu còn hai vị vua nữa là Sở Linh vương và Triệu Chủ phụ (Triệu Vũ vương). Ba cái đỉnh phú quí khác nhau, đồng thời cũng là ba kiểu chết đói bi thảm khác nhau. Bằng cách miêu tả cực kì sinh động những số kiếp và những kết cục bi thảm ấy, Phùng Mộng Long tiên sinh muốn ngầm răn chúng ta rằng, lẽ huyền cơ của cõi nhân sinh này thật là đáng sợ, nó không chừa bất cứ đẳng cấp xã hội nào. Những chuyện ấy có dịp mà “tán”, chắc sẽ còn rất nhiều điều lý thú.
Đông Chu có những bài ca về mưu lược trùm đời như Quản Trọng, kì tích về lòng kiên nhẫn như Trùng Nhĩ (Tấn Văn Công), bản lĩnh dùng người điêu luyện như Tấn Điệu công, trí tuệ huyền thoại như Khổng Tử, quân sự cái thế như Tôn Vũ, nhẫn nhục đến giun dế cũng phải tởm như Câu Tiễn, ngoại giao lắt léo như Tử Cống... Lại có những hạng gian thần như Bá Hi, dẻo mỏ như Tô Tần, tâm địa quay quắt như Trương Nghi, nhân cách lộn mửa như Lao Ái... Lại có Ngũ Viên (Ngũ Tử Tư) mà kiến thức, mưu trí cũng như cuộc đời của ông là cả một thiên đại bi hùng. Đây cũng chính là những trang khoái hoạt đặc biệt của ngòi bút Phùng Mộng Long. Nhất là đoạn tả Ngũ Viên trút sự hận thù trong mười chín năm ròng rã của mình lên cái xác khô của Sở Bình vương. Riêng về cái gọi là "họa đàn bà" rất phổ biến trong chính sử Trung Hoa thì trong Đông Chu cũng có ít nhất tới ba bốn “vụ” cực kì điển hình, cực kì sinh động, biến hoá, không “vụ” nào giống với “vụ” nào. Đó là câu chuyện nàng Bao Tự làm thất điên bát đảo cả nhà Chu lẫn các nước chư hầu, đến nỗi còn để lại muôn đời câu thành ngữ “Ngàn vàng mua lấy trận cười”. Tiếp theo là câu chuyện về nàng Hạ Cơ con dâu nước Trần với cái thuật “hoàn tân” (trở lại gái trinh sau mỗi lần ân ái) bí ẩn như thần thoại. Hay là nàng Li Cơ nước Tấn đã làm điêu đứng cả một triều đình mày râu từ thế tử đến các hạng trung, đại phu... kẻ mất mạng, kẻ bị thương không sót một mống nào. Hay là nàng Tây Thi nước Việt mà nhan sắc cũng như số phận đã từng làm điên đảo bao văn nhân tài tử suốt cổ kim…
Đông Chu cung cấp cho chúng ta những kiến thức sinh động về những nhân vật, sự việc, những huyền thoại đã biến thành phong tục, tập quán văn hoá, biến thành những câu thành ngữ… của nhiều dân tộc hàng nghìn năm nay. Đó là đại thi hào, đại ngu trung bậc nhất thời Xuân Thu Khuất Nguyên với Sở Từ và Ly Tao bất hủ, một trong “lục tài tử” của văn học cổ điển Trung Hoa mà ngày ông gieo mình xuống sông Mịch La tự tử đã trở thành ngày Tết Đoan Ngọ mồng năm tháng năm. Đó là bậc đại khí phách, đại cương trực Giới Tử Thôi cõng mẹ vào sâu trong rừng để trốn cái phú quý của Tấn Văn công, thà chịu chết cháy chứ nhất định không chịu ngồi chung một triều với đám quan lại công thần rặt một lũ tham lam. Tết Hàn Thực mồng ba tháng ba hàng năm chính là kỉ niệm cái ngày Tấn Văn công phóng hỏa đốt cháy mẹ con bậc đại công thần mà dứt khoát từ chối nhận mình là “công thần” ấy. Có lẽ vì bị cháy tuyệt mất giống rồi nên từ đó đến nay, đã hàng nghìn năm không còn thấy người nào như thế nữa chăng? Đó là âm hồn cha nàng Tổ Cơ kết những dây cỏ làm ngã ngựa đại tướng nước Tần là Đỗ Hồi để đền ơn Ngụy Khỏa, câu chuyện rất đỗi nhân sinh ấy có mặt trong câu thành ngữ “kết cỏ, ngậm vành”, vân vân và… vân vân.
Chất trào lộng trong một bộ sách nghiêm cẩn và hùng vĩ như Đông Chu, lạ thay, cũng gồm đủ, song đôi khi phải ngẫm kĩ mới thấy được. Ấy là khi Phùng Mộng Long "bỡn" cả số kiếp những hạng đế vương. Ví dụ cái điềm "đương bích" trong cung vua nước Sở. Chuyện rằng Sở Cung vương muốn chọn một trong số năm người con làm người kế vị, mới tế các thần, rồi chôn một viên ngọc trong sân nhà thái miếu, đánh dấu chỗ chôn rồi đến canh năm, sai các con lần lượt vào tế, xem ai đứng đúng chỗ chôn ngọc thì đó là người được quỷ thần ngầm chọn làm vua sau này. Khang vương vào trước, lúc lễ đứng quá lên trước chỗ chôn ngọc bích. Linh vương vào sau, lúc lễ "với tay" đến chỗ chôn ngọc bích. Tử Can và Tử Tích thì đứng cách xa lắm. Duy có công tử Khí Tật bấy giờ tuổi hãy còn nhỏ, người vú ẵm vào lễ đứng đúng ngay chỗ chôn ngọc bích. Về sau, quả nhiên Khang vương và Linh vương tuy đều lần lượt được làm vua, song cả hai đều có kết cục thảm hại (phải chờ đến lượt đích danh công tử Khí Tật lên làm vua (tức Sở Bình vương), thì nước Sở mới được yên ổn). Riêng Linh vương thì chỉ cần mô tả động tác "với tay" tới chỗ chôn quyền lực đó thôi, cũng đủ nói lên bản chất khao khát ngôi báu của ông vua hiếu chiến này ghê như thế nào. Chi tiết đó liên quan đến việc sau này Linh vương giết anh là Hùng Mi (tức Khang vương) để cưỡng chiếm ngôi vua nước Sở, rồi cuối cùng chính Linh vương cũng bị truất ngôi mà chết thảm ở trong buồng... nhà một kẻ thứ dân. Ôi! nước Sở rộng mênh mông, thiếu gì chỗ chết đường hoàng cho một ông vua nhỉ?
Những câu chuyện, những "tích", trùng trùng điệp điệp, trùng trùng lớp lang, muôn hình vạn trạng ấy trong Đông Chu kể sao cho xiết. Bộ "kinh" này có thể thỏa mãn bất cứ sự say mê nào. Chẳng hạn người mê y thuật chưa hết bàng hoàng bái phục trước câu chuyện (hậu) Biển Thước khám bệnh cho Tề Hoàn công, thì đã lại rợn người kính sợ trước câu chuyện Cao Hoãn chữa bệnh cho Tấn Cảnh công. Hay những người mê âm nhạc vừa thích thú với đoạn Vệ Linh công nghe tiếng nhạc thần bí trên sông Bộc Thủy, thì đã lại hút hồn với trường đoạn nghe nhạc của Tấn Bình công,v.v…
*
* *
Người viết những dòng này có may mắn được tiếp xúc với bộ sách “Đông Chu Liệt Quốc chí” của Phùng Mộng Long tiên sinh từ hồi học lớp tám, lớp chín, trên tủ sách của nhà ông bác họ trong làng. Bấy giờ gồm tổng cộng mười hai mười ba tập gì đó, sách rất cũ, giấy ngả màu vàng, ngoài bìa mỗi tập đều có vẽ một bức tranh cổ minh họa tác phẩm rất nghệ thuật. Bộ Đông Chu ấy do cụ Nguyễn Đỗ Mục (1866-1948) dịch. Mặc dù không đậm chất kiếm hiệp để cầu lấy sự hấp dẫn như Tam Quốc, song Đông Chu thực sự đã hút hồn tôi từ đó. Sau này, khi đã có chút kiến thức về văn học cổ điển cũng như lịch sử Trung Quốc, rồi đọc đi đọc lại bộ sách đó, tôi mới có thể thưởng thức được một phần tài nghệ tuyệt luân của cụ Nguyễn Đỗ Mục trong việc dịch kiệt tác đó ra chữ quốc ngữ. Dịch văn chương mà đến như thế, có thể nói là đã gọi được hết ba hồn chín vía của chữ nghĩa ra. Nói thì có người bảo rằng nói ngoa, chứ nếu trong thi ca có bản dịch “Chinh Phụ Ngâm” thiên tài của Đoàn Thị Điểm từ nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn, thì trong văn xuôi, cũng có bản dịch “Đông Chu liệt quốc” tuyệt tác của Nguyễn Đỗ Mục tiên sinh. Bộ sách này còn một số bản dịch khác, duy có bản dịch ấy của tiên sinh mới đích thực là một sự sáng tạo lại một cách kì vĩ, gần như nguyên vẹn tác phẩm bất hủ của Phùng Mộng Long bằng ngôn ngữ tiếng Việt yêu dấu của chúng ta. Xin được nghiêng mình kính phục và tri ân bậc túc Nho tiền bối ấy.
Thời cách đây chưa lâu, những sách như thế này là cực hiếm, nó chỉ có thể được tìm thấy trong Thư viện Quốc gia hoặc trong tủ sách của những nhà có truyền thống học hành, đỗ đạt từ mấy đời truyền lại. Khoảng giữa những năm tám mươi của thế kỷ trước, tôi tình cờ mua được một bộ ở một tiệm bán sách cũ gần ngã tư Sở - Hà Nội. Giá bấy giờ bằng gần hai tháng lương của kĩ sư mới ra trường. Không còn nhớ do “nhà” nào xuất bản, nhưng rồi bộ sách ấy cũng ở với tôi được không lâu thì bị thất lạc, có lẽ cái “duyên” của tôi với sách Đông Chu là chưa đến lúc chăng? Khoảng hơn chục năm sau, tôi lại có may mắn mua được một bộ khác cũng ở một tiệm sách cũ tại Sài Gòn. Lần này thì sách do NXB Khoa học Xã hội - Hà Nội xuất bản năm 1989. Bộ Đông Chu này cũng vẫn là bản dịch của cụ Nguyễn Đỗ Mục, có sự hiệu đính của cụ Cao Xuân Huy (1900-1983). Sách được in thành tám tập, giấy đen sì, chất lượng xấu khủng khiếp. Đến nỗi tôi chỉ đọc được chừng chục lần thì từng trang, từng trang đã gãy rời khỏi gáy sách. Có trang thậm chí đã bắt đầu mủn ra như những mảnh vải liệm trong quan tài của người tiền sử. Tôi đã cố giữ gìn, xắp xếp, mỗi khi giở ra đọc dù nóng mấy cũng không dám bật quạt. Vậy mà vẫn không tránh khỏi bị thất lạc lúc thì trang này, lúc thì trang khác. Những trang sách quý có khi bị gãy nát làm bốn năm mảnh, có khi bị gió thổi bay ra ngoài trời, bay lên trần nhà hoặc lăn lộn vào các xó xỉnh... Rồi thì nhện giăng, bụi bặm, rồi thì lũ trẻ nghịch ngợm, phá phách, rồi thì chuyển nhà chỗ nọ, chỗ kia... Bộ Đông Chu già nua, khổ hạnh ấy của tôi thế là mang thương tích đầy mình, nó không còn được nguyên vẹn, tử tế như xưa nữa. Tôi rất ân hận về điều đó, lòng vẫn hằng canh cánh như thể đang bị khuyết mất một phần kiến thức trong đầu mình.
May mắn cho những kẻ ham sách như tôi là đất nước đã chuyển mình sang thời chợ búa. Thị trường sách với những nhà làm sách sành sỏi đã không quên một bộ sách quý như Đông Chu. Và tôi đã từng gặp một Đông Chu mới tái sinh rất trẻ trung, xinh đẹp ngay giữa Sài Gòn cùng vô số sách quí khác, đủ các loại cổ kim Đông, Tây, bày xếp la liệt như những hàng rau, hàng cỏ chợ đầu mối. Sách mới ra, ghi nộp lưu chiểu quý 2/2005, in giấy tốt, trình bày cực đẹp, gồm ba tập, mỗi tập hơn năm trăm trang khổ 14,5 x 20,5, bìa cứng hẳn hoi. Vẫn là bản dịch thông kim bác cổ của cụ Nguyễn Đỗ Mục, do cụ Cao Xuân Huy hiệu đính đây thôi, lại có cả bài tựa của đích danh Cao tiên sinh in ở đầu sách. Càng yên tâm hơn khi sách do một nhà xuất bản danh giá, độc tôn, đúng “chuyên môn” là nhà xuất bản Văn Học - Hà Nội ấn hành. Tiếc thay, đó là một bộ sách bị nhiều lỗi in ấn đến mức có nhiều chỗ sai lệch cả nội dung mà tôi đã từng viết bài góp ý đăng trên báo Người Hà Nội và một số website văn học khác.
Nay lại có thêm một “nhà” làm sách khác là Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây quyết cho Đông Chu “tái sinh” một lần nữa. Thật xứng đáng với công lao của các bậc tiền nhân, cũng như một tin mừng đối với những kẻ yêu sách. Biết tôi là người mê Đông Chu đến mức đã từng “gây hấn” với những kẻ làm tàn tật bộ sách quí như vừa kể ở trên, ông Chủ tịch Đoàn Tử Huyến có nhã ý giành cho tôi vinh hạnh đặc biệt là viết lời giới thiệu cho lần in này. Đó là lý do xuất hiện những lời quê kệch, sơ sài và rất mực liều lĩnh trước một kiệt tác như thế ở đây.
Người ta vẫn nói sách là một loại sản phẩm văn hoá. Thậm chí các nhà xuất bản còn được “mặc nhiên” trao một thứ chức năng rất “thiêng liêng” là góp phần “định hướng” văn hoá (đọc) cho toàn xã hội(!). Vì vậy, một "sản phẩm" văn hóa mang trong mình nó một sức nặng trí tuệ ghê gớm và có tầm vóc muôn đời như cỡ Đông Chu này thì không thể cẩu thả để mà sinh ra một dạng "thứ phẩm" được. Nếu như vậy thì thà cứ hiếm sách như ngày trước còn hơn. "Nhà" làm sách lần này (Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây) đã quán triệt điều đó với tinh thần tôn trọng người sẽ mua sản phẩm của mình, tôn trọng người đã viết ra những cuốn sách... Hy vọng bạn sẽ hài lòng khi mở sách ra và hãnh diện khi đặt bộ sách này lên giá sách nhà mình, coi như bạn và nhiều đời con cháu của mình đang có trong tay một bộ "Kinh", đang có cơ hội sở hữu một phần kho trí tuệ của nhân loại vào bất cứ lúc nào.

Tết Kỉ Sửu/2009

ĐÔNG CHU KINH SỬ
Phạm Lưu Vũ

(Lời giới thiệu cho bộ Đông Chu liệt quốc - viết theo đặt hàng của Nxb VH)

Nhà Chu trải tám trăm năm, chia làm hai thời kì, thì bốn trăm năm đầu (Tây Chu) thực ra mới chỉ là “liệt thổ”, bốn trăm năm sau (Đông Chu) mới thực là “liệt quốc”. Liệt thổ có “thần chí”, nên Liệt quốc có bộ sách này. Thế mới nói: “Đông Chu liệt quốc chí” là “quả” của “Tây Chu liệt thổ thần chí” vậy. Liệt thổ là “nhân”, liệt quốc là “quả”, giống như hai mặt của một bàn tay, Đông Chu là mặt ngửa, thì Tây Chu là mặt sấp và ngược lại, thật là đối xứng và nhiệm màu không thể tả. Nguyên cuối đời nhà Thương, trong cung xuất hiện rất nhiều chuyện quái dị. Có lúc bỗng dưng vua gọi các quan toàn bằng những cái tên của chó lợn, các quan nhìn nhau như hàng tôm hàng cá, đánh chửi nhau như cơm bữa, triều đình lúc nào cũng như có loạn. Rồi con chim rán nằm giữa mâm bỗng cất tiếng hót, con lợn quay trên bệ thờ bỗng kêu ủn ỉn, bát tiết trâu bỗng sôi ùng ục, sủi bọt, phun thẳng lên trần nhà… Vua lo sợ lắm, họp các quan lại bàn. Có người nói:

“Chắc do ma quỷ gây ra…”

Bèn sai sứ lặn lội đem lễ vật sang tận đất Lihsa ở về phía Tây, thỉnh pháp sư về bắt ma. Sứ giả thỉnh được một vị Ban Thiền đạo tổ, là một phù thủy cao tay. Về tới nơi, vừa gặp vua, Ban thiền đạo tổ đã nói ngay:

“Xung quanh đại vương dày đặc âm khí, ma quỷ nhiều không kể xiết…”

“Ngươi có biết lai lịch của chúng không?” – vua hỏi.

“Đó là oan hồn của những cung nữ các đời trước – Ban Thiền đạo tổ trả lời – do sống oan, chết thảm... Nay gặp lúc vận nhà Thương đã suy, nên mới kết lại mà báo”.

Vua nghe nói vận suy thì không bằng lòng, nhưng cũng không biết thế nào, đành hỏi:

“Vậy thì ta thiên cung đi chỗ khác là tránh được chứ gì?”

Ban Thiền đạo tổ lắc đầu bảo:

“Không được. Tránh đâu thì các âm hồn cũng sẽ theo tới đó”.

“Vậy nhà ngươi có thể bắt được không?” - Vua hỏi.

“Bắt được – Ban Thiền đạo tổ trả lời – xin cho lập đàn”.

Vua mừng lắm, lập tức sai người lập đàn để đạo tổ bắt ma, Ngày hôm ấy bắt trong nội cung, ma nhiều như châu chấu, cho hết vào hồ lô, đậy nút, dán bùa nhốt hết lại. Hôm sau sang cung phía Tây thì không thấy gì. Đạo tổ án linh quang, chiếu thiên mục xem xét một hồi rồi bảo:

“Chỉ còn một con ma ở cung phía Đông”

Bèn lập tức dẫn âm binh sang. Lúc ấy, trong cung phía Đông có một cung nữ đang ngồi dệt vải, bỗng nghe có tiếng chép miệng ở ngay trên đầu, bèn ngửa mặt nhìn lên, thấy một con thạch sùng hoa sặc sỡ, hai mắt long lanh, nhỏ bằng hạt tấm đang ngoái đầu nhìn xuống. Người cung nữ kinh ngạc há hốc miệng ra, ngay lập tức con thạch sùng thả mình xuống, người cung nữ chưa kịp né thì nó đã rơi tọt vào trong miệng rồi chui ngay xuống bụng. Người cung nữ hoảng sợ hai tay ôm bụng, muốn chạy ra ngoài để nôn ọe mà không sao đứng lên nổi, chỉ thấy trong bụng rộn rạo lên một lúc rồi yên. Vừa lúc ấy đạo tổ dẫn âm binh tới. Bước vào trong cung, ngài bỗng sững lại. Không còn thấy một dấu vết âm khí. Đạo tổ buột miệng than:

“Ta chậm mất rồi”

Bèn trở lại cung tâu với vua. Vua hỏi:

“Ngươi có biết con ma ấy trốn đi đâu không?”

Đạo tổ khẳng định:

“Nó không còn ở trong cõi âm nữa, nếu còn trong cõi âm, thì trốn đường nào thần cũng nhìn ra. Nay nó trốn lên cõi dương thì thần đành chịu”.

Vua cũng không biết làm thế nào, đành thưởng cho đạo tổ một xe vàng lụa rồi tiễn ngài về.

Nói chuyện người cung nữ, từ hôm ấy trong bụng bỗng có thai mà không biết, bởi vì bụng không hề to ra, mọi chuyện sinh hoạt vẫn bình thường. Đúng mười tháng sau, một đêm nằm một mình bỗng thấy trở dạ, đẻ ra một đứa bé gái bằng ngón chân cái, giây lát lớn lên bằng cổ tay. Người cung nữ sợ lắm, bèn lấy một tấm lục bọc lại, rồi lén ra khỏi cung, giấu vào trong một bụi cây.

Sáng hôm sau, người cung nữ vẫn chưa hết nét hoảng hốt ở trên gương mặt. Vua nom thấy, gạn hỏi thì không giấu được nữa, bèn quỳ xuống, nói hết sự thật ra. Vua bắt dẫn ra chỗ bụi rậm thì không còn thấy đứa bé ở đó nữa. Mặc dù đang nổi giận, song nhớ đến lời nói của Ban Thiền đạo tổ, biết đứa bé gái ấy chính là con ma trong cung ngày trước, thì có bắt tội người cung nữ cũng vô ích, bèn tha tội cho nàng rồi sai quan sức đi các nơi, treo thưởng cho ai bắt được đứa bé ấy…

Mấy hôm sau, có một người thợ săn họ Kỉ vào rừng săn bắn, thấy một con chồn rất to chạy ở phía trước, khoảng cách cũng không xa lắm, nó cứ thẳng lối mà chạy, không chui vào bụi rậm thì lấy làm lạ, bèn giương cung bắn. Mũi tên trúng ngay vào lưng, con chồn cứ đeo tên mà chạy, họ Kỉ thúc ngựa đuổi theo. Vòng vèo một hồi thì con chồn chui vào bụi rậm trốn. Họ Kỉ xuống ngựa, rút dao ra phát cây vạch lá, vào đến giữa bụi rậm thì không thấy con chồn đâu, chỉ thấy một bọc lụa, mở ra thì bên trong có một đứa bé gái chân tay quẫy đạp, hai mắt nhắm nghiền, miệng khóc oe oe. Họ Kỉ hết sức kinh ngạc, bụng nghĩ một đứa trẻ đã được muông thú bảo bọc, thì chắc không chuyện phải tầm thường, bèn ẵm đứa bé lên, mang ngay về nhà, giao cho vợ nuôi.

Đứa bé lớn lên, càng lớn càng xinh đẹp, đến năm 15 tuổi đã là một thiếu nữ nghiêng nước nghiêng thành. Có một người thuộc tộc Chu đã phát hiện ra bông hoa tuyệt sắc ấy ở nơi thôn dã. Người đó là Cơ Phát, con trai của tộc trưởng Cơ Xương, lúc ấy đang bị vua nhà Thương, bấy giờ đã sang đời Đế Tân (Trụ), giam ở trong ngục Dữu Lý.

Nguyên họ Cơ nối đời làm tộc trưởng tộc Chu. Cha Cơ Xương là Cơ Quý Lịch bị Đế Tân giết, Cơ Xương thay cha vỗ về trăm họ, xây dựng lực lượng để nuôi chí báo thù. Đế Tân biết vậy nên lập kế, lừa Cơ Xương vào chầu rồi phục võ sĩ bắt, đem giam trong ngục Dữu Lý.

Cơ Xương bị giam, không tiếc về việc bị giam, mà chỉ tiếc chưa giải được Hà Đồ của Phục Hy truyền lại, nhỡ phải bỏ mạng ở nơi này thì chẳng uổng phí một đời hay sao. Nguyên ngục Dữu Lý thực ra chỉ là một cái hang ở trên núi. Trong hang tối tăm, cái tối xông cả vào chín khiếu, đến nỗi không nghĩ gì được. May trên đỉnh hang có một chỗ thông lên trời, Cơ Xương sở dĩ phát hiện ra nhờ vào một đốm sáng từ mặt trời rọi xuống, lớn hơn bàn tay. Một hôm tình cờ nằm ngủ, ngửa mặt lên trần hang vào đúng chỗ ấy, mơ thấy vua Phục Hy đội mũ bông trắng, áo vải mầu nâu, cầm cây gậy trúc gõ vào đầu Cơ Xương mà bảo:

“Hà Đồ là ngũ hành của Thiên, ở trong thiên cang, cho nên khởi từ Càn (thiên), nhà ngươi không thuộc về thiên cang, mà thuộc về Địa sát thì giải thế nào được. Ngũ hành của Nhân ở trong Địa sát, khởi từ Khảm (thủy). Nhà ngươi cứ theo đó mà giải thì sẽ chẳng khó khăn gì. Nhưng muốn thoát ra khỏi đây thì phải học chữ này”.

Nói xong, vua Phục Hy bảo Cơ Xương ngửa hai bàn tay ra, chấm nước bọt viết vào lòng bàn tay phải một chữ “Chỉ”, lòng bàn tay trái một chữ “Lự”, đoạn ghé tai đọc cho một câu khẩu quyết.

Cơ Xương giật mình tỉnh dậy, thấy một luồng ánh sáng chói lòa, đả thông chín khiếu, không còn mê muội vào Hà Đồ nữa, bèn ngồi dậy vạch ngay Lạc Thư, bắt đầu từ Khảm… Dịch lý trùng trùng khởi ra trong đầu như đã có sẵn từ vô thỉ. Nguyên cái đốm sáng ấy mỗi năm chỉ xuất hiện vào mùa hạ, vào khoảng giờ Ngọ. Cơ Xương đã tận dụng những phút quý báu ấy để hoàn thiện Lạc Thư, chồng bát quái và viết Thoán từ… Người đời sau đặt tên cho cái hang ấy là hang Dữu Lý, cũng chính vì cái nhân duyên đó.

Cơ Phát bỏ ra một trăm tấm lụa mua người con gái ở nhà họ Kỉ, đem về nuôi dạy tử tế, chỉ ba tháng đã thành thục mọi lễ nghi, món tuyệt sắc ấy đã không còn dấu vết nào ở nơi thôn dã nữa. Cơ Phát biết vua Trụ là kẻ ham mê nữ sắc, liền đem nàng vào kinh, dâng lên Trụ vương để chuộc tội cho cha.

Vua Trụ vớ được Đát Kỉ thì mừng lắm, truyền thả ngay Cơ Xương. Quan thái sư là Tỉ Can ngăn mãi không được, bèn lập kế sai quân áp giải Cơ Xương lên phía Bắc, nơi có một đàn sói hùng mạnh, ước hàng vạn con sống trong hoang mạc. Thả Cơ Xương vào đó, khác nào đem thịt đến mồm sói, Cơ Xương mười phần không có lấy nửa phần cơ hội để mà trở về.

Tỉ Can đã tính toán lầm. Cơ Xương nhờ vào phép Chỉ Lự của vua Phục Hy, đã thành thạo ngôn ngữ của các loại súc sinh, nên dễ dàng hòa nhập vào bầy sói, được bầy sói tôn làm đầu đàn, hết lòng phục dịch và cung phụng suốt mấy tháng trời.

Cơ Xương trở về tộc Chu, ra sức vỗ yên bách tính trong nước, lại đem những đức tính của loài sói ra soạn thành phép tắc, gọi là Chu Lễ, về sau Chu Lễ trở thành tổ đức của dân tộc Trung Hoa. Tộc Chu ngày càng cường thịnh, lấn át cả những bộ tộc xung quanh. Cơ Xương chết, truyền cho Cơ Phát. Cơ Phát bấy giờ mới báo thù, khởi binh đánh Trụ vương, khiến Trụ vương phải tự sát ở Lộc đài. Cơ Phát lên ngôi, tức là Chu Vũ vương. Nhà Tây Chu bắt đầu như thế.

Tây Chu trải bốn trăm năm thì lật ngửa, chuyển thành Đông Chu, cũng khởi đầu là chuyện cung cấm, đàn bà. Lịch sử vốn chỉ là trò sấp ngửa như thế. Đông Chu cũng kéo dài gần bằng ngần ấy năm nữa với bao nhiêu thế cuộc xoay vần, hưng, suy, tan, hợp... Bắt đầu một đại bi kịch của dân tộc Trung Hoa với biết bao nhiêu "tích", bao nhiêu tình huống, số kiếp... Tất cả những gì thuộc về con người, thuộc về đối nhân xử thế hầu như đều diễn ra trong mấy thế kỉ sục sôi điên đảo ấy, gồm cả thiện, ác; dũng, hèn; trí, ngu; trung, nịnh... cả đến dâm loạn, dối trá, bịp bợm... gồm suốt cả từ tiên đến tục... khái niệm nào cũng đạt tới một trình độ khái quát rất cao, cũng đạt tới cảnh giới có thể coi như một thứ... ĐỨC của sói tính tồn tại giữa cuộc đời nhân thần thảo khấu này. Đại bi kịch ấy hấp dẫn đến nỗi, những đời sau không biết bao nhiêu văn nhân, tài tử đã phải múa bút xông vào để khai phá, như khai phá một kho đề tài vô tận không biết cạn bao giờ. Song có lẽ người thành công nhất vẫn là Phùng Mộng Long tiên sinh với bộ Đông Chu Liệt Quốc chí bất hủ của ông.

Không biết đã có bao nhiêu người, bao nhiêu đời từng ngả mũ bái phục bộ sách này. Song, dù có phát biểu thêm một lần nữa tưởng cũng không thừa. Có thể nói, văn chương mà đến cỡ như Đông Chu liệt Quốc chí (sau đây gọi tắt là Đông Chu) của Phùng Mộng Long, thì có thể nói đã đạt đến bực thần thông quảng đại. Chuyện của cả thiên hạ suốt bốn trăm năm với hàng nghìn nhân vật, hàng trăm cuộc chiến, hàng vạn âm mưu... mà cứ như đọc trong lòng bàn tay để ngửa. Tất cả đều mạch lạc, khúc chiết, rõ ràng, trùng trùng điệp điệp, không nhân vật nào mang máng nhân vật nào. Cái thiện cũng như cái ác, trung cũng như nịnh, giỏi cũng như ngu, anh hùng cũng như hèn hạ... tất cả cũng không cái nào giống với cái nào. Sức khái quát tư tưởng của Đông Chu lớn đến nỗi, muôn đời đều có thể soi vào đấy mà nhận ra mình, mà nhìn rõ thực chất thế sự của thời đại mình. Những quy luật của trời đất, nhân gian, của quỷ thần, chiến tranh, của tham tàn, đểu cáng... mà Đông Chu đã vạch ra, cho đến tận thời hiện đại bây giờ vẫn đúng, vẫn có thể vận dụng được. Đặc biệt là luật nhân quả thì có thể nói không ở đâu triệt để bằng Đông Chu. Một bộ sách nén chặt lịch sử bốn trăm năm với biết bao nhiêu số phận, nhân nào, quả ấy hiện lên rõ ràng, sòng phẳng, không mảy may thoát đi đâu được. Vạn sự thịnh suy của những đời sau, dẫu có biến tướng kiểu gì chăng nữa, thì cũng đều không ra ngoài bộ sách ấy. Đó thực sự là cả một pho kiến thức nhân sinh vĩ đại, kiến thức triết học, văn học, sử học, y học, âm nhạc, chính trị, quân sự, ngoại giao... khổng lồ, chẳng những kẻ làm quan, làm tướng đời đời cần phải học, mà kể cả thứ dân cũng có thể học được ở trong đó rất nhiều điều. Pho kiến thức ấy ví như những vỉa quặng quý, có vỉa lộ thiên, có vỉa chìm sâu trong lòng đất, vỉa nọ chồng lên vỉa kia, tầng tầng lớp lớp, dẫu có khai thác mãi cũng không thể nào hết được. Thật xứng đáng liệt vào hạng sách mà "mỗi lần đọc lại một lần thấy mới". 

Điều ghê gớm nữa là tuy viết về lịch sử đấy, song điều đó vẫn không ngăn cản thiên tài Phùng Mộng Long múa bút sáng tạo nên những chi tiết đầy văn chương, siêu (và) thực đến bạt vía kinh hồn. Chỉ xin dẫn ra đây một ví dụ thôi cũng đủ. Ví dụ đoạn viết về Việt Vương Câu Tiễn, vì nếm phân Ngô Phù Sai, mà đến khi trở lại ngôi vua rồi mới mắc chứng hôi mồm(!). Quân sư Phạm Lãi bèn bắt tất cả triều đình đều phải nhai một thứ lá hái trên núi gọi là lá trấp, tưởng là để phòng bệnh hay chữa bệnh gì đây? Té ra là làm cho mọi cái mồm cùng… thối tha luôn thể, để nhất tề thở ra tuyền một mùi hôi, giống như cái mùi hôi phát ra từ cửa miệng của đấng quân vương kia vậy... Thật là một hình ảnh tượng trưng thiên tài. Cái chuyện cam tâm thở ra một thứ thối tha, để cùng a dua với đấng chí tôn của mình như thế, thì chẳng riêng gì lũ kẻ sĩ, quí tộc thượng đẳng cha mẹ dân thủa xưa, kể cả những đời sau này, đời nào mà chẳng có. Thậm chí cho đến tận bây giờ, “truyền thống” ấy hình như vẫn còn hiện hữu đâu đây... Một chi tiết trào lộng thâm trầm, sâu sắc đến như thế, đắt đến như thế, vậy mà Phùng Mộng Long tiên sinh viết ra cứ tỉnh bơ như không. Thử hỏi từ cổ chí kim, với biết bao thiên tài văn chương lừng lẫy trên thế gian này, liệu đã có mấy ai nghĩ ra nổi một tình huống tương tự? Vậy thì, Đông Chu xứng đáng là một trong những áng văn chương không tiền khoáng hậu. Và sở dĩ ngày nay, chúng ta có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với siêu tác phẩm đó, với những điều ghê gớm đó, là nhờ ở công lao to lớn của cụ Nguyễn Đỗ Mục, của cụ Cao Xuân Huy. Đó thực sự là những tài sản trí tuệ vô giá mà các bậc Tiên hiền đã để lại cho hậu sinh chúng ta vậy. 

Trong Đông Chu, có lẽ những đoạn viết về Tề Hoàn công và Quản Trọng chính là nằm trong số những đoạn khoái hoạt nhất của ngòi bút Phùng Mộng Long. Ông vua anh hùng ấy, một trong năm vị ngũ bá thời Xuân Thu có một sự nghiệp lẫy lừng, song kết thúc lại cực kì thảm hại. Không thấy Phùng Mộng Long tiên sinh miêu tả cái nhân tướng của Tề Hoàn công ra sao. Song cứ theo sự khởi đầu - kết thúc của cái nghiệp bá chủ ấy mà xét, thì trên gương mặt Tề Hoàn công ắt phải có hai đường gọi là đường pháp lệnh xuất phát từ hai bên cánh mũi, chạy xuống chui tọt vào hai bên mép, mà sách nhân tướng học gọi là tướng “lưỡng xà nhập khẩu” (hai con rắn cùng chui vào miệng). Tiếc rằng trên đầu lưỡi lại không có nốt ruồi thành ra đó là một tướng hung (nếu có nốt ruồi thì biến thành tướng quý là "lưỡng long tranh châu"). Tướng "lưỡng xà nhập khẩu" có thể đạt đến phú quí cực đỉnh đấy, song kết cục bao giờ cũng chỉ là... chết đói mà thôi. Cùng có cái tướng số này với Tề Hoàn công, trong toàn bộ Đông chu còn hai vị vua nữa là Sở Linh vương và Triệu Chủ phụ (Triệu Vũ vương). Ba cái đỉnh phú quí khác nhau, đồng thời cũng là ba kiểu chết đói bi thảm khác nhau. Bằng cách miêu tả cực kì sinh động những số kiếp và những kết cục bi thảm ấy, Phùng Mộng Long tiên sinh muốn ngầm răn chúng ta rằng, lẽ huyền cơ của cõi nhân sinh này thật là đáng sợ, nó không chừa bất cứ đẳng cấp xã hội nào. Những chuyện ấy có dịp mà “tán”, chắc sẽ còn rất nhiều điều lý thú. 

Đông Chu có những bài ca về mưu lược trùm đời như Quản Trọng, kì tích về lòng kiên nhẫn như Trùng Nhĩ (Tấn Văn Công), bản lĩnh dùng người điêu luyện như Tấn Điệu công, trí tuệ huyền thoại như Khổng Tử, quân sự cái thế như Tôn Vũ, nhẫn nhục đến giun dế cũng phải tởm như Câu Tiễn, ngoại giao lắt léo như Tử Cống... Lại có những hạng gian thần như Bá Hi, dẻo mỏ như Tô Tần, tâm địa quay quắt như Trương Nghi, nhân cách lộn mửa như Lao Ái... Lại có Ngũ Viên (Ngũ Tử Tư) mà kiến thức, mưu trí cũng như cuộc đời của ông là cả một thiên đại bi hùng. Đây cũng chính là những trang khoái hoạt đặc biệt của ngòi bút Phùng Mộng Long. Nhất là đoạn tả Ngũ Viên trút sự hận thù trong mười chín năm ròng rã của mình lên cái xác khô của Sở Bình vương. Riêng về cái gọi là "họa đàn bà" rất phổ biến trong chính sử Trung Hoa thì trong Đông Chu cũng có ít nhất tới ba bốn “vụ” cực kì điển hình, cực kì sinh động, biến hoá, không “vụ” nào giống với “vụ” nào. Đó là câu chuyện nàng Bao Tự, khởi đầu Đông Chu, lặp lại cái khởi đầu của Tây Chu trước đó, làm thất điên bát đảo cả triều đình nhà Chu lẫn các nước chư hầu, đến nỗi còn để lại muôn đời câu thành ngữ “Ngàn vàng mua lấy trận cười”. Tiếp theo là câu chuyện về nàng Hạ Cơ con dâu nước Trần với cái thuật “hoàn tân” (trở lại gái trinh sau mỗi lần ân ái) bí ẩn như thần thoại. Hay là nàng Li Cơ nước Tấn đã làm điêu đứng cả một triều đình mày râu từ thế tử đến các hạng trung, đại phu... kẻ mất mạng, kẻ bị thương không sót một mống nào. Hay là nàng Tây Thi nước Việt mà nhan sắc cũng như số phận đã từng làm điên đảo bao văn nhân tài tử suốt cổ kim…
 
Đông Chu cung cấp cho chúng ta những kiến thức sinh động về những nhân vật, sự việc, những huyền thoại đã biến thành phong tục, tập quán văn hoá, biến thành những câu thành ngữ… của nhiều dân tộc hàng nghìn năm nay. Đó là đại thi hào, đại ngu trung bậc nhất thời Xuân Thu Khuất Nguyên với Sở Từ và Ly Tao bất hủ, một trong “lục tài tử” của văn học cổ điển Trung Hoa mà ngày ông gieo mình xuống sông Mịch La tự tử đã trở thành ngày Tết Đoan Ngọ mồng năm tháng năm. Đó là bậc đại khí phách, đại cương trực Giới Tử Thôi cõng mẹ vào sâu trong rừng để trốn cái phú quý của Tấn Văn công, thà chịu chết cháy chứ nhất định không chịu ngồi chung một triều với đám quan lại công thần rặt một lũ tham lam. Tết Hàn Thực mồng ba tháng ba hàng năm chính là kỉ niệm cái ngày Tấn Văn công phóng hỏa đốt cháy mẹ con bậc đại công thần mà dứt khoát từ chối nhận mình là “công thần” ấy. Có lẽ vì bị cháy tuyệt mất giống rồi nên từ đó đến nay, đã hàng nghìn năm không còn thấy người nào như thế nữa chăng? Đó là âm hồn cha nàng Tổ Cơ kết những dây cỏ làm ngã ngựa đại tướng nước Tần là Đỗ Hồi để đền ơn Ngụy Khỏa, câu chuyện rất đỗi nhân sinh ấy có mặt trong câu thành ngữ “kết cỏ, ngậm vành”, vân vân và… vân vân.

Chất trào lộng trong một bộ sách nghiêm cẩn và hùng vĩ như Đông Chu, lạ thay, cũng gồm đủ, song đôi khi phải ngẫm kĩ mới thấy được. Ấy là khi Phùng Mộng Long "bỡn" cả số kiếp những hạng đế vương. Ví dụ cái điềm "đương bích" trong cung vua nước Sở. Chuyện rằng Sở Cung vương muốn chọn một trong số năm người con làm người kế vị, mới tế các thần, rồi chôn một viên ngọc trong sân nhà thái miếu, đánh dấu chỗ chôn rồi đến canh năm, sai các con lần lượt vào tế, xem ai đứng đúng chỗ chôn ngọc thì đó là người được quỷ thần ngầm chọn làm vua sau này. Khang vương vào trước, lúc lễ đứng quá lên trước chỗ chôn ngọc bích. Linh vương vào sau, lúc lễ "với tay" đến chỗ chôn ngọc bích. Tử Can và Tử Tích thì đứng cách xa lắm. Duy có công tử Khí Tật bấy giờ tuổi hãy còn nhỏ, người vú ẵm vào lễ đứng đúng ngay chỗ chôn ngọc bích. Về sau, quả nhiên Khang vương và Linh vương tuy đều lần lượt được làm vua, song cả hai đều có kết cục thảm hại (phải chờ đến lượt đích danh công tử Khí Tật lên làm vua (tức Sở Bình vương), thì nước Sở mới được yên ổn). Riêng Linh vương thì chỉ cần mô tả động tác "với tay" tới chỗ chôn quyền lực đó thôi, cũng đủ nói lên bản chất khao khát ngôi báu của ông vua hiếu chiến này ghê như thế nào. Chi tiết đó liên quan đến việc sau này Linh vương giết anh là Hùng Mi (tức Khang vương) để cưỡng chiếm ngôi vua nước Sở, rồi cuối cùng chính Linh vương cũng bị truất ngôi mà chết thảm ở trong buồng... nhà một kẻ thứ dân. Ôi! nước Sở rộng mênh mông, thiếu gì chỗ chết đường hoàng cho một ông vua nhỉ? 

Những câu chuyện, những "tích", trùng trùng điệp điệp, trùng trùng lớp lang, muôn hình vạn trạng ấy trong Đông Chu kể sao cho xiết. Bộ "kinh" này có thể thỏa mãn bất cứ sự say mê nào. Chẳng hạn người mê y thuật chưa hết bàng hoàng bái phục trước câu chuyện (hậu) Biển Thước khám bệnh cho Tề Hoàn công, thì đã lại rợn người kính sợ trước câu chuyện Cao Hoãn chữa bệnh cho Tấn Cảnh công. Hay những người mê âm nhạc vừa thích thú với đoạn Vệ Linh công nghe tiếng nhạc thần bí trên sông Bộc Thủy, thì đã lại hút hồn với trường đoạn nghe nhạc của Tấn Bình công,v.v… 

* *

Người viết những dòng này có may mắn được tiếp xúc với bộ sách “Đông Chu Liệt Quốc chí” của Phùng Mộng Long tiên sinh từ hồi học lớp tám, lớp chín, trên tủ sách của nhà ông bác họ trong làng. Bấy giờ gồm tổng cộng mười hai mười ba tập gì đó, sách rất cũ, giấy ngả màu vàng, ngoài bìa mỗi tập đều có vẽ một bức tranh cổ minh họa tác phẩm rất nghệ thuật. Bộ Đông Chu ấy do cụ Nguyễn Đỗ Mục (1866-1948) dịch. Mặc dù không đậm chất kiếm hiệp để cầu lấy sự hấp dẫn như Tam Quốc, song Đông Chu thực sự đã hút hồn tôi từ đó. Sau này, khi đã có chút kiến thức về văn học cổ điển cũng như lịch sử Trung Quốc, rồi đọc đi đọc lại bộ sách đó, tôi mới có thể thưởng thức được một phần tài nghệ tuyệt luân của cụ Nguyễn Đỗ Mục trong việc dịch kiệt tác đó ra chữ quốc ngữ. Dịch văn chương mà đến như thế, có thể nói là đã gọi được hết ba hồn chín vía của chữ nghĩa ra. Nói thì có người bảo rằng nói ngoa, chứ nếu trong thi ca có bản dịch “Chinh Phụ Ngâm” thiên tài của Đoàn Thị Điểm từ nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn, thì trong văn xuôi, cũng có bản dịch “Đông Chu liệt quốc” tuyệt tác của Nguyễn Đỗ Mục tiên sinh. Bộ sách này còn một số bản dịch khác, duy có bản dịch ấy của tiên sinh mới đích thực là một sự sáng tạo lại một cách kì vĩ, gần như nguyên vẹn tác phẩm bất hủ của Phùng Mộng Long bằng ngôn ngữ tiếng Việt yêu dấu của chúng ta. Xin được nghiêng mình kính phục và tri ân bậc túc Nho tiền bối ấy.

Thời cách đây chưa lâu, những sách như thế này là cực hiếm, nó chỉ có thể được tìm thấy trong Thư viện Quốc gia hoặc trong tủ sách của những nhà có truyền thống học hành, đỗ đạt từ mấy đời truyền lại. Khoảng giữa những năm tám mươi của thế kỷ trước, tôi tình cờ mua được một bộ ở một tiệm bán sách cũ gần ngã tư Sở - Hà Nội. Giá bấy giờ bằng gần hai tháng lương của kĩ sư mới ra trường. Không còn nhớ do “nhà” nào xuất bản, nhưng rồi bộ sách ấy cũng ở với tôi được không lâu thì bị thất lạc, có lẽ cái “duyên” của tôi với sách Đông Chu là chưa đến lúc chăng? Khoảng hơn chục năm sau, tôi lại có may mắn mua được một bộ khác cũng ở một tiệm sách cũ tại Sài Gòn. Lần này thì sách do NXB Khoa học Xã hội - Hà Nội xuất bản năm 1989. Bộ Đông Chu này cũng vẫn là bản dịch của cụ Nguyễn Đỗ Mục, có sự hiệu đính của cụ Cao Xuân Huy (1900-1983). Sách được in thành tám tập, giấy đen sì, chất lượng xấu khủng khiếp. Đến nỗi tôi chỉ đọc được chừng chục lần thì từng trang, từng trang đã gãy rời khỏi gáy sách. Có trang thậm chí đã bắt đầu mủn ra như những mảnh vải liệm trong quan tài của người tiền sử. Tôi đã cố giữ gìn, xắp xếp, mỗi khi giở ra đọc dù nóng mấy cũng không dám bật quạt. Vậy mà vẫn không tránh khỏi bị thất lạc lúc thì trang này, lúc thì trang khác. Những trang sách quý có khi bị gãy nát làm bốn năm mảnh, có khi bị gió thổi bay ra ngoài trời, bay lên trần nhà hoặc lăn lộn vào các xó xỉnh... Rồi thì nhện giăng, bụi bặm, rồi thì lũ trẻ nghịch ngợm, phá phách, rồi thì chuyển nhà chỗ nọ, chỗ kia... Bộ Đông Chu già nua, khổ hạnh ấy của tôi thế là mang thương tích đầy mình, nó không còn được nguyên vẹn, tử tế như xưa nữa. Tôi rất ân hận về điều đó, lòng vẫn hằng canh cánh như thể đang bị khuyết mất một phần kiến thức trong đầu mình.

May mắn cho những kẻ ham sách như tôi là đất nước đã chuyển mình sang thời chợ búa. Thị trường sách với những nhà làm sách sành sỏi đã không quên một bộ sách quý như Đông Chu. Và tôi đã từng gặp nhiều Đông Chu mới tái sinh rất trẻ trung, thơm tho cùng vô số sách quí khác, đủ các loại cổ kim Đông, Tây, bày xếp la liệt như những hàng rau, hàng cỏ chợ đầu mối. Song phàm đã là chợ búa, thì ngọn rau, con cá cũng còn phải coi chừng, huống hồ là sách quý, không tránh khỏi những sạn nọ, sạn kia, nhỏ thì gây bức bối, khó chịu, lớn thì hỏng cả tiệc vui. Lỗi nhẹ thì như đi đường gặp chỗ thiếu ánh sáng, phải dò dẫm mà đi, lỗi nặng thì như gặp phải bóng đêm, không biết đường nào mà lần… Cho nên nghề làm sách, cần phải thấu hiểu những người đọc sách mới được.

Có lẽ nhờ những nhân duyên ấy với Đông Chu, cho nên nay tôi đã tham gia sâu vào bộ sách này, rút ra từ một “rừng” Đông Chu tiếng Việt, có bản in từ đầu những năm ba mươi thế kỉ trước, có cả đống bản in thời nay… Nhận lời giúp vào một tay, làm bộ Đông Chu liệt quốc chí, thì Tây Chu liệt thổ thần chí hiện ra như đã nói ở trên, “nhân duyên” ấy tưởng cũng kì tuyệt đấy chứ? Hy vọng nó sẽ ra mắt, song song với bộ sách này. Riêng với Đông Chu, tôi đã ra tay nhặt sạn, bổ sung chỗ này, chỉnh sửa chỗ kia… Lẫn lộn thì sắp lại cho đúng chỗ, tối nghĩa thì sửa lại cho sáng sủa, rườm rà thì cắt gọt cho gọn gàng, bỏ chỗ thừa, đắp chỗ thiếu… đánh vật suốt cả năm trời, cùng với Nhà xuất bản Văn học, quyết cho Đông Chu “luân hồi” một kiếp nữa cho thật đàng hoàng, chính tắc, ngõ hầu giúp cho bạn đọc Việt Nam ta hiểu rõ Trung Hoa hơn, hiểu thủy tổ Đức của người Trung hoa hơn…

Và cũng là mong muốn đền ơn được một phần công lao của các bậc tiền nhân, cũng như một tin mừng đối với những người yêu sách. Song dù thế nào thì cũng không thể tránh khỏi sai sót, nghề làm sách vốn dĩ như vậy. Rất mong được bạn đọc lượng thứ. Đó là lý do xuất hiện những lời quê kệch, sơ sài và rất mực liều lĩnh trước một kiệt tác như thế ở đây.

Hy vọng bạn sẽ hài lòng khi mở sách ra, và hãnh diện khi đặt bộ sách này lên giá sách nhà mình, coi như bạn và nhiều đời con cháu của mình đang có trong tay một bộ "Kinh", đang có cơ hội sở hữu một phần kho trí tuệ của nhân loại, vào bất cứ lúc nào.

Trung Thu 2019


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét