Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2023

39b. Hai thế giới trong Hồng Lâu Mộng (Kỳ 2)




39b. Hai thế giới trong Hồng Lâu Mộng (Kỳ 2)
  DƯ ANH THỜI
Trong phần trước, chúng tôi đã từng chỉ ra, hai thế giới trong Hồng lâu mộng chính là sự đối sánh mãnh liệt giữa nhơ bẩn và thanh sạch.
Giờ đây chính là lúc tìm hiểu sâu hơn xem xem thái độ của các nhân vật trong Đại quan viên đối với hai thế giới đó có chứng thực cho quan sát của chúng tôi hay không? Chúng tôi sẽ phân tích màn Đại Ngọc chôn hoa trong liên hệ với vấn đề trên. Màn nổi tiếng này diễn ra ở hồi 23, lúc Bảo Ngọc và các tiểu thư trong thập nhị thoa vừa mới bắt đầu cuộc sống của họ trong thế giới Đại quan viên lí tưởng. Xin phép được trích dẫn cả một trường đoạn do tầm quan trọng của câu chuyện:
“Hôm đó đúng trung tuần thấng ba. Sau bữa sáng, Bảo Ngọc mang theo cuốn Hội chân kí (tức Truyện Tây Sương của Nguyên Chẩn, đời Đường - ND) đến một tảng đá dưới cây hoa đào bên cầu Thấm Phương ngồi xem. Bảo Ngọc giở sách đọc từ đầu. Đọc đến đoạn “Lạc hồng thành trận” (Gió thổi hoa rơi từng trận một), chợt thấy cơn gió lướt qua, hoa đào rụng quá nửa rơi đầy trên sách, trên đất. Bảo Ngọc toan rũ đi, nhưng lại sợ bước chân giày xéo lên, đành hứng lấy đem thả xuống ao. Những cánh hoa đào nổi lênh đênh trên mặt nước rồi trôi qua đập Thấm Phương. Bảo Ngọc quay lại thấy trên mặt đất còn lại rất nhiều hoa. Đương lúc ngần ngừ chợt nghe có tiếng người hỏi: “Anh ở đây làm gì thế?” Bảo Ngọc quay đầu thấy Đại Ngọc vai vác một cái cuốc treo túi the, tay cầm cái chổi quét hoa. Bảo Ngọc cười nói: “Tốt quá, cô quét hết hoa chỗ này lại, mang thả xuống nước. Tôi mới thả xuống một ít.” Đại Ngọc cười đáp: “Thả xuống nước không hay. Anh xem nước ở đây sạch, chỉ là chảy ra qua nhà người ta chỗ làm bẩn chỗ làm hôi cả lên, thì vẫn phũ phàng với hoa kia. Trên góc gò tôi đã đào sẵn mồ cho hoa. Nay ta quét gom lại cho vào trong túi này, mang chôn xuống. Lâu ngày hoa hoá đất, như thế chẳng sạch hay sao?”[2]

Đại Ngọc chôn hoa
Màn “Đại Ngọc táng hoa” đã được đưa lên sân khấu Kinh kịch ngay từ thời Thanh mạt. Sang năm đầu thời Trung Hoa dân quốc, nhờ vào việc biên diễn lại của hai diễn viên nổi tiếng Mai Lan Phương và Âu Dương Dư Sảnh, câu chuyện lại càng trở nên quen thuộc đối với người Trung Quốc. Thế nhưng mọi người dường như chỉ tập trung sự chú ý vào diễn tiến của tình yêu của đôi trai gái, nhất là những màn tiếp sau như màn Bảo Ngọc tìm đến thấy “Đại Ngọc ngồi khóc bên mồ chôn hoa” (Hồi 27, nguyên văn “mai hương trủng Phi Yến khấp tàn hồng”[3]). Còn các Hồng Học gia thì chỉ để tâm vào xuất xứ của “táng hoa”.[4] Còn như vì sao Đại Ngọc chôn hoa thì dường như chưa được trực diện nêu ra như một vấn đề.
Chúng tôi trịnh trọng cho rằng, tình tiết Đại Ngọc chôn hoa chính là chỗ để tác giả dùng để nói rõ lằn ranh giữa hai thế giới trong tác phẩm. “Táng hoa” chính là sự cố đầu tiên trong Đại quan viên kể từ sau khi Bảo Ngọc dọn vào ở trong vườn. Ý của Đại Ngọc đã rất rõ: Trong Đại quan viên là thanh sạch, nhưng ra khỏi vườn này là hôi thối rồi. Chôn hoa lại trong vườn, để cho hoa tan vào trong đất vườn, như vậy mới có thể giữ cho thanh sạch mãi mãi. “Hoa” ở đây lẽ tự nhiên tượng trưng cho các cô gái trong vườn. Mấy câu cuối trong Táng hoa từ của Đại Ngọc làm chứng cho khẳng định đó:
            Vị nhược cẩm nang thu diễm cốt,
            Nhất đôi tịnh thổ yểm phong lưu.
            Chất bản khiết lai hoàn khiết khứ,
            Cường vu ô náo hãm cừ câu.[5]
Cho nên hồi 63 đoạn quần phương dạ yến có chuyện tửu lệnh mỗi một nàng đều bắt thăm thẻ đề tên các loài hoa. Ở hồi 42, Lâm Hi Phượng cũng nói: “Trong vườn chẳng phải là các thần hoa?” Câu chuyện Tình Văn sau khi chết thành hoa thần cũng nên lí giải trên một mạch chủ đề như vậy. Hoa tượng trưng cho các nhân vật trong Đại Quan Viên, thế nên các nhân vật muốn giữ được thanh khiết thì cũng chỉ có cách ở lại trong vườn riêng chứ không thể đưa cắm ra bên ngoài. Trong phần đầu bài này chúng tôi từng nói rằng đối với Bảo Ngọc và đám nữ nhi trong Đại quan viên thì thế giới bên ngoài như tuồng không tồn tại. Câu này chủ yếu là nhấn mạnh trong ước muốn chủ quan - nhóm người trong Đại quan viên mơ cầu một sự vĩnh hằng cho thế giới lí tưởng, mơ cầu cuộc sống tinh thần thanh triệt, chứ không phải là nói trên phương diện nhận thức khách quan họ mù mịt vô tri đối với thế giới bên ngoài. Chị em trong Đại quan viên, nói như chính tác giả “thơ ngây xán lạn”,[6] thế nhưng họ không ấu trĩ ngốc nghếch. Thực ra họ một mặt phân biệt rất rõ hai thế giới, mặt khác cũng ý thức được sự đe doạ của thế giới hiện thực đối với thế giới lí tưởng. Câu chuyện “Đại Ngọc táng hoa” chính là một sự biểu đạt hai tầng ý nghĩa trên bằng hình tượng ẩn dụ.
Tác giả tiểu thuyết có lúc cũng biểu đạt một cách trực diện tính chất hiểm ác của thế giới bên ngoài. Hồi 49 đánh dấu khởi điểm thịnh thời của Đại quan viên, các nhân vật quan trọng như Tiết Bảo Cầm, Hình Tụ Yên, Lý Văn, Lý Khởi[7] cũng đều dọn vào ở trong vườn. Cũng trong hồi này Sử Tương Vân cảnh báo Bảo Cầm: “Cô trừ lúc ở bên cụ, còn thì cứ ở trong vườn. Hai chỗ này nơi nào cũng có thể tha hồ chơi đùa ăn uống. Còn như có đến nhà bà Hai, nếu bà ở nhà thì cứ chuyện trò vui cười với bà, có ngồi lâu một chút cũng không ngại. Nhược bằng bà không ở nhà, cô đừng có vào. Trong nhà đó người ta đều xấu bụng, họ đều muốn làm hại ta cả.”[8] Sử Tương Vân nói quá thẳng. Cho nên độc giả tinh ý sẽ thấy, ngoài thế giới Đại quan viên lí tưởng ra chỉ còn chỗ Giả Mẫu là hãy còn an toàn. Còn nữa người ta đều là muốn xâm hại người trong Đại quan viên. Vì sao chỗ Giả Mẫu còn được an toàn? Là vì cụ cũng là người trong thập nhị thoa chốn Chẩm Hà Các trước đây. Trong mắt người ở Đại Quan Viên, vẫn cứ là “người trong nhóm chúng mình”. Sự phân biệt rõ ràng “chúng mình” và “bọn họ” này chính là tương ứng với sự phân biệt hai thế giới mà có vậy.


Thế nhưng cái gọi là “chúng mình” đó trong Đại Quan Viên cũng không phải là bình đẳng đồng loạt, thế giới lí tưởng vẫn có trật tự của nó. “Đào Nguyên”[9] là một thế giới lí tưởng đầu tiên trong lịch sử văn học Trung Quốc. Theo như lời Vương An Thạch, chốn đó “chỉ có phụ tử không quân thần”. Nói cách khác, trong chốn Đào Nguyên tuy không có trật tự chính trị nhưng vẫn còn trật tự luân lí. Còn như cái trật tự của Đại Quan Viên thì lấy chữ “tình” làm chủ. Cũng vì vậy mà bộ tiểu thuyết kết bằng tình bảng.[10] Thế nhưng do chỗ phần tình bảngngày nay không còn thấy nữa, thành thử việc tìm hiểu cái trật tự đó theo ý của tác giả đã là chuyện không có thể nữa. Trên đại thể có thể nói tiêu chuẩn để tác giả phân thứ vị trong tình bảng là không đơn nhất. Cho nên ngoài chữ “tình” ra, chúng ta còn phải tính đến những tiêu chí khác như dung mạo, tài học, phẩm hạnh cho đến thân phận…[11] Ở đây chúng tôi muốn nêu lên một manh mối thường hay bị xem nhẹ, đó chính là quan hệ giữa Bảo Ngọc và chị em (nguyên văn quần phương) trong Đại Quan Viên. Hồng lâu mộng bản Canh Thìn hồi 46 có một dòng bình điểm như sau: “Theo dõi tình án trong Hồng lâu mộng, đều phải xét từ chỗ “Thạch huynh” (Bảo Ngọc - ND), mỗi người có một bản thảo chuyện tình của mình, đan kết với nhau rất thần diệu”.[12] Lời bình rất quan trọng. “Tình” trong “tình án” tức cũng là “tình” trong “tình bảng”. Như vậy thì mức độ nông sơ, gần xa trong quan hệ giữa các nữ nhân vật trong sách với Bảo Ngọc quyết định phần lớn địa vị của họ trong tình bảng.[13] Mà muốn tìm hiểu cái kết câu nội tại của Đại Quan Viên thì cũng phải bắt đầu từ chỗ xem xét quan hệ của từng nhân vật với Giả Bảo Ngọc.
Nói đến kết cấu nội tại của Đại Quan Viên, chúng ta không thể không chú ý một chút phối trí các kiến trúc phòng ốc của nó. Việc phối trí này theo chỗ tôi nghĩ, cũng phản ánh kết cấu nội tại của đại Quan Viên. Tống Kì từng chỉ ra, bố trí vườn và sân cũng như bài thiết nội thất đều nhằm phù hợp với tính cách của một số nhân vật chính.[14] Nhận xét này là rất chính xác. Và đây cũng là cách nhìn của phê bình văn học phương Tây. Bố trí chỗ ở của nhân vật cũng góp phần biểu hiện tính cách nhân vật. “Căn phòng của một người chính là phần mở rộng của bản thân anh ta”.[15] Tào Tuyết Cần càng có ý thức hơn trong việc vận dụng bố cảnh để thể hiện con người nhân vật. Đây chỉ chứng minh sơ bộ trên một số dẫn chứng nổi bật. Chúng ta còn nhớ hồi 17 Bảo Ngọc đề câu đối và biển bảng cho Đại Quan Viên. Tác giả chỉ kể chuyện bốn địa điểm theo trình tự như sau: Tiêu Tương Quán, Đạo Hương Thôn, Hoành Vu Uyển và Di Hồng Viện.[16] Bình luận của các nhân vật đối với từng nơi chốn đó là rất có ý nghĩa. Trước hết nói Tiêu Tương Quán. Vừa đến nơi mọi người đều nói: “Một nơi hay biết mấy”. Bảo Ngọc thì cho đây là: “Chỗ đầu tiên Quý phi đến chơi, nên có những lời chúc tụng mới được”. Cho nên đề bốn chữ “Hữu phượng lai nghi”.[17] Đủ thấy tác giả rất trịnh trọng đối với Tiêu Tương Quán. Hồng lâu mộng bản Canh Thìn bên dưới câu “Một nơi hay biết mấy” có lời bình: “Nơi này mới thích hợp với chỗ ở của cô gái mày chau”.[18] Sau này ở hồi 23, Bảo Ngọc và Đại Ngọc bàn với nhau về chỗ ở, Đại Ngọc nói: “Em nghĩ bụng Tiêu Tương Quán là hay”. Bảo Ngọc vỗ tay cười đáp: “Đúng với suy nghĩ của anh. Anh cũng muốn bảo em ở đó. Anh thì ở chỗ Di Hồng Viện. Chúng mình hai chỗ gần nhau, mà cũng đều thanh nhã vắng lặng”.[19] Trần thuật đó biểu hiện quan hệ đặc biệt giữa Đại Ngọc và Bảo Ngọc.


Lại xem Đạo Hương Thôn. Giả Chính hỏi Bảo Ngọc: “Nơi này thế nào?” Bảo Ngọc lập tức trả lời bố: “Kém xa chỗ vừa đề Hữu phượng lai nghi”, kế đó bèn nói nào là chỗ này để lộ dấu vết uốn nắn của con người, nào là tạo cảnh không được “tự nhiên”. Kết cục làm Giả Chính nổi nóng.[20] Không chỉ có vậy. Về sau có lần Bảo Ngọc vâng lệnh Nguyên Xuân vịnh bốn bài thơ, riêng đến Đạo Hương Thôn là viết không ra. Cuối cùng Đại Ngọc phải đứng ra làm thay mới xong được chuyện.[21] Tình tiết đó biểu hiện Bảo Ngọc không thích chủ nhân Đạo Hương Thôn – Lí Hoàn. Lí Hoàn là người duy nhất trong đám chị em ở Đại Quan Viên đã từng gả chồng, mà như ta đã biết bình luận của Bảo Ngọc đối với các cô đã có chồng tệ ra sao.[22] May mà Lí Hoàn là chị dâu của Bảo Ngọc, vả chăng tính tốt, cho nên đánh giá thấp của Bảo Ngọc đối Lí Hoàn cũng chỉ kín đáo bộc lộ qua thái độ của Bảo Ngọc đối chỗ ở của cô ta mà thôi. Trong Kim Lăng thập nhị thoa chính sách[23] Lí Hoàn xếp ở vị trí 12, chỉ trên Tần Khả Khanh, việc đó không phải là không có nguyên nhân.
Bây giờ xét đến Hoành Vu Uyển. Giả Chính nói: “Nhà cửa nơi này trông vô vị quá”.[24] Đây có thể nói tác giả mượn mồm Giả Chính để biểu hiện thái độ của mình. Du Bình Bá chứng tỏ đã cảm nhận được điều đó khi nêu vấn đề “phân hạng giá trị người và cảnh” trong Đại Quan Viên.[25] Lời bình ở đây chắc nói rõ ý đồ của chính tác giả tiểu thuyết: “Đây là phép chưa khen (bên kia) hẵng chê (bên này) trước đã. Bảo Thoa với Đại Ngọc chưa so đã thấy hơn kém. Khắc họa cảnh và người trong tiểu thuyết như vậy không phải là dễ”.[26]


Thập nhị thoa
Cuối cùng nói đến Di Hồng Viện. Miêu tả Di Hồng Viện rất tường tận. Chúng ta có thể nhận ra ba điểm quan trọng trong chương pháp: thứ nhất để Bảo Ngọc đề “Hồng hương lục ngọc” – một cách gồm toàn lấy vẻ riêng trong cảnh trí Di Hồng Viện.[27] Thứ hai, chuyện “hồng và ngọc” về sau lại chiếu ứng với tình tiết Nguyên Xuân bảo Bảo Ngọc vịnh thơ bốn nơi.[28] Trong Di Hồng Viện có đặt tấm gương lớn trong lúc các nơi khác không có. Chi tiết đó ám thị đến hình tượng “phong nguyệt bảo giám”. Đây nét quan trọng thứ hai thuộc về chương pháp. Thứ ba, nước ở Di Hồng Viện được giới thiệu là một chỗ hợp lưu: “…từ cửa đập kia (đập Thấm Phương - ND) chảy đến cửa hang, theo chỗ trũng ở núi phía đông bắc dẫn đến trang trại. Lại khơi một nhánh nhỏ chảy ra phía tây nam, cùng chảy đến đây rồi vẫn hợp lại như cũ, theo tường kia chảy đi”.[29] Lời bình của Chu Nghiên Trai rất đáng được chú ý: “Nước ở Di Hồng Viện, ngụ ý lớn của bộ sách”. Tất cả những điều trên đều chứng thực cho luận điểm tác giả mượn việc bố trí trong Đại Quan Viên kín đáo biểu hiện quan hệ giữa Bảo Ngọc và các kim thoa trong vườn, biểu hiện kết cấu nội tại của thế giới lí tưởng. Xuất phát từ đây mới có thể hiểu được ý tứ của Chu Nghiên Trai khi nói: “Theo dõi tình án trong Hồng lâu mộng, đều phải xét từ chỗ “Thạch huynh”. Hình tượng nước trong vườn Đại Quan sau khi chảy đến Di Hồng Viện lại theo tường trôi ra ứng hợp với ý của Đại Ngọc ngỏ cùng Bảo Ngọc khi chôn hoa – nước trong vườn là sạch, chỉ là khi đã chảy ra là lại nhiễm ô uế của nhà người.
Phần chú thích
[1] Bài này nguyên là một chương trong cuốn sách cùng tên của Dư Anh Thời, giáo sư đại học Harvard (Ying-shih Yu, Professor of Chinese History at Harvard University). Sách do Thượng Hải xã hội khoa học viện xuất bản xã xuất bản năm 2002. Bài trên được Diana Dư dịch sang tiếng Anh rồi sau đó khi sách xuất bản tại Trung Quốc thì đem vào làm phụ lục. Các chú thích trừ khi ghi rõ “tác giả chú” còn thì đều của người dịch. Các trích dẫn từ Hồng lâu mộng trong trường hợp người dịch bài này dịch lại sẽ chú rõ “tương ứng với Hồng lâu mộng, bản dịch tiếng Việt, Nxb.Văn Học, tập…, tr. …” 
[2] Bát thập hồi hiệu bản, tr.233-234 (tác giả chú). Tương ứng với Hồng lâu mộng, bản dịch tiếng Việt, Nxb.Văn Học, tập 1, tr.326-327. 
[3] Nguyên đề mục hồi 27: Trích Thuý Đình, Dương Phi hí thái điệp; Mai Hương Chủng, Phi Yến khấp tàn hồng. Trong đó Dương Phi chỉ Bảo Thoa, Phi Yến chỉ Đại Ngọc, tàn hồng chỉ hoa đào rụng, mai hương chủng là mộ chôn hoa. Trực dịch: Bên mồ chôn hương, Đại Ngọc khóc hoa tàn. Bản dịch tiếng Việt: “Đình Trích thuý, Dương Phi đùa bườm trắng; Mộ Mai Hương, Phi Yến khóc hoa tàn”, vô hình trung biến cụm động từ mai hương - chôn hương thành tên riêng, gây khó hiểu và nhầm lẫn cho bạn đọc (Hồng lâu mộng, Nxb.Văn Học, tập 1, tr.375, bản in năm 2002).
[4] Chẳng hạn Văn Nhất Đa chỉ ra hai chữ “táng hoa” thấy lần đầu tiên ở Ẩm thuỷ tập của Nạp Lan Tính Đức. Xin xem Hồng lâu mộng bình luận, Hồng lâu mộng quyển, tr.263.
[5] Bát thập hồi hiệu bản, tr.283 (tác giả chú). Bản dịch tiếng Việt:     
Sẵn túi gấm ta đành nhặt lấy,
Chọn nơi cao che đậy hương tàn.
Thân kia trong sạch muôn vàn,
Đừng cho rơi xuống ngập tràn bùn nhơ.
Hồng lâu mộng, Nxb.Văn Học, bản in năm 2002, tập 1, tr.387.
[6] Bát thập hồi hiệu bản, tr. 233 (tác giả chú). 
[7] Bản dịch tiếng Việt nhầm Khởi thành Ỷ (Hồng lâu mộng, Nxb. Văn Học, bản in năm 2002, tập 1, tr.705). 
[8] Bát thập hồi hiệu bản, tr.525 (tác giả chú). Tương ứng với Hồng lâu mộng, bản dịch tiếng Việt, Nxb.Văn Học, tập 1, tr.709.   
[9] Xin xem Đào Tiềm, Đào Hoa Nguyên Kí.
[10] Nho lâm ngoại sử cũng có một danh sách các nhà nho được truy phong tiến sĩ mà tục gọi là “U bảng” ở hồi cuối cùng – hồi 56. Tuy nhiên phần đa các nhà nghiên cứu cho đây là hồi “thêm vào”. Tại Đại lục bản in phổ biến nhất lưu hành rộng nhất là bản 55 hồi của Nhân dân xuất bản xã không công nhận hồi 56 này. Bản dịch tiếng Việt Chuyện làng nho dịch dựa vào bản của Nhân dân xuất bản xã nên cũng không có hồi 56.
[11] Xem Tống Kì, Luận Đại Quan viên, tr.6-7 (tác giả chú).
[12] Đại ý lời bình nói về việc muốn theo dõi bao quát được câu chuyện tình cảm của các nhân vật nữ trong tiểu thuyết thì phải bắt đầu xem xét từ đầu mối Bảo Ngọc. Mỗi một nhân vật đều có câu chuyện tình cảm của mình. Tiểu thuyết đã kết cấu các câu chuyện tình cảm đó trong một trật tự trần thuật đan xen tài tình.
[13] Vấn đề này còn phải thảo luận thêm. Cái gọi là “tình” ở đây ít nhất có thể phân thành hai loại: tình trong tình yêu, và tình trong tình cốt nhục. Vị thứ của Kim Lăng chính thập nhị thoa có thể xác định khá cụ thể. Sau Lâm Đại Ngọc và Tiết Bảo Thoa là Nguyên Xuân, Thám Xuân. Ngược lại Nguyên Xuân và Tích Xuân thì lại xếp sau Diệu Ngọc. Giải thích điều này đều dựa vào các căn cứ trên bản thân văn bản tác phẩm. Bản thân Bảo Ngọc hàng ngày cho rằng huynh đệ với nhau chẳng qua là cái tình lí tự nhiên mà thôi (xem Bát thập hồi hiệu bản, tr.204). Có thể suy luận Bảo Ngọc cũng nghĩ như vậy về tình cảm chị em. Thế nhưng giữa Bảo Ngọc và Nguyên Xuân, Thám Xuân ngoài tình tình cốt nhục còn có tình bạn. Cho nên vị thứ (trong Tình bảng - ND) cao hơn Nghênh Xuân và Tích Xuân. Ở đây chỉ là tạm nêu một ý sơ lược, phân tích bình luận kĩ hơn về vấn đề này xin hẹn với bạn đọc trong dịp khác (tác giả chú).
[14] Xem Luận Đại Quan viên, tr.3 (tác giả chú).
[15] Xem Rene Wellek and Austin Warren, Theory of Literature, A Harvest Book, 1956. pp.210-21 (tác giả chú).
[16] Tên vườn cũng như tên bốn nơi quan trọng này được đặt chính thức trong ngày Nguyên Phi về tỉnh thân. Xin xem hồi 18, Hồng lâu mộng, Nxb.Văn Học, bản in năm 2002, tập 1, tr.252.
[17] Bát thập hồi hiệu bản, tr.164-165 (tác giả chú). 
[18] Du Bình Bá, Tập bình, tr.261 (tác giả chú). “cô gái mày chau” ý chỉ Lâm Đại Ngọc. Sau này Tiêu Tương Quán là chỗ ở của Đại Ngọc. Đại Ngọc khó tính lại đa sầu – ND.
[19] Bát thập hồi hiệu bản, tr.232 (tác giả chú). 
[20] Bát thập hồi hiệu bản, tr.166-167 (tác giả chú). 
[21] Tức là thiếu bài Hạnh liêm tại vọng. Bài làm hộ này lại là bài được Nguyên Phi khen hơn cả. Xem Hồng lâu mộng, Nxb.Văn Học, bản in năm 2002, tập 1, tr.257 và 259.
[22] Xem thêm chú thích số 71.
[23] Xin xem Hồng lâu mộng, Nxb.Văn Học, bản in năm 2002, tập 1, tr.75.
[24] Bát thập hồi hiệu bản, tr.168 (tác giả chú). Tương ứng với Hồng lâu mộng, bản dịch tiếng Việt, Nxb. Văn Học, bản in năm 2002, tập 1, tr.236.
[25] Hồng lâu mộng nghiên cứu, tr.235-237 (tác giả chú).
[26] Du Bình Bá, Tập bình, tr.267 (tác giả chú). Nhân tiện nói thêm, lời bình của các nhà bình điểm thường súc tích, nhà bình điểm đôi khi như là đang nói chuyện với một đối tượng độc giả cũng hiểu tác phẩm không kém ông ta. Lại thêm cách dùng từ cũng đặt trong bối cảnh cùng giới chuyên môn hoặc người trong cuộc, thành thử khi dịch các lời bình đó chúng tôi không tránh được việc phải diễn giải thêm ít nhiều. Trong trường hợp lời bình dẫn trên, ta phải biết Đại Ngọc về sau vào ở Tiêu Tương Quán, còn chỗ của Bảo Thoa là Hoành Vu Uyển. Cảm tình của tác giả trước sau nghiêng về Đại Ngọc. Hồng lâu mộng, Nxb.Văn Học, bản in năm 2002, tập 1, tr.237 và tr.258 in nhầm đỗ nhược hoành vu thành đỗ nhược hành vu; hoành chỉ thanh phân thành hành chỉ thanh phân. Hoành vu, bạch chỉ hay đỗ nhược và đỗ hoành đều là tên của một số loài hương thảo. 
[27] Di Hồng Viện như lời Bảo Ngọc – “trồng chuối và hải đường… … viết bốn chữ hồng hương lục ngọc thì mới đủ cả hai nghĩa “ màu xanh của lá chuối và màu đỏ của hoa hải đường”.
[28] Nét chương pháp thứ hai chính là cái mà lí luận văn học ngay nay gọi là kết cấu văn bản và kết cấu hình tượng của tiểu thuyết. Bài vịnh Di Hồng Viện có nhan đề Di hồng khoái lục. Ta có thể tìm thấy hình bóng chủ đề quan hệ tay ba Đại Ngọc-Bảo Ngọc-Bảo Thoa ngay trong hình tượng “di hồng khoái lục”. Hồng lâu mộng, Nxb.Văn Học, bản in năm 2002, tập 1, tr.241 và 258.
[29] Bát thập hồi hiệu bản, tr.170-172 (tác giả chú). Tương ứng với Hồng lâu mộng, bản dịch tiếng Việt, Nxb.Văn Học, bản in năm 2002, tập 1, tr.242.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét