Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017

Thủ ấn (Mudra) trong yoga thiền.

8 kiểu đặt ngón tay sau hay còn gọi là thủ ấn sẽ mang đến những lợi ích bất ngờ cho sức khỏe.
Cuộc sống hiện đại ngày nay dễ đưa con người đến với những căng thẳng mỗi ngày. Và rất may mắn, đã có một giải pháp giúp bạn loại bỏ những căng thẳng ấy mà không cần phải mua thuốc thang đắt tiền gì cả. Đó chính là thủ ấn hay còn gọi là Mudra. Trong yoga thiền, có rất nhiều cách thủ ấn và mỗi cách mang đến một tác dụng, lợi ích riêng. Và đây là 8 cách thủ ấn chính.

1. Gyan Mudra


(Ảnh: stylecraze)

Cách thủ ấn này còn được xem là mudra của sự hiểu biết, bởi nó giúp tăng sức mạnh của sự tập trung, trí nhớ và còn giúp não bộ nhạy bén hơn. Bên cạnh đó, Gyan Mudra còn chữa chứng mất ngủ và nếu thực hiện thường xuyên sẽ giúp giảm tình trạng rối loạn tâm lí, tinh thần như giận dữ, buồn bã, lo lắng, căng thẳng...


Để bài tập Gyan Mudra có hiệu quả nhất, bạn nên tập vào buổi sáng sớm, khi tâm trí còn minh mẫn, sáng suốt và ai cũng có thể tập bài tập này. Cách tập: đầu ngón tay cái và ngón trỏ chạm nhau, ba ngón còn lại giữ thẳng hoặc để tự do.

2. Vayu Mudra

 (Ảnh: stylecraze)

Vayu Mudra sẽ giúp cân bằng luồng khí trong cơ thể, giải thoát khí dư khỏi cơ thể, giảm thấp khớp, đau cổ. Với bài tập này, bạn có thể tập trong tư thế đứng, ngồi hoặc nằm. Đầu tiên, ngó trỏ gập lại và lúc này, dùng ngón cái nhấn vào đốt ngón thứ hai của ngón trỏ. Ba ngón tay còn lại cố gắng giữ thẳng.


Các chuyên gia yoga thiền khuyên rằng khi đã đạt được mục đích luyện tập của Vayu Mudra thì nên dừng lại, bởi việc tập luyện trong thời gian dài có nguy cơ gây ra mất cân bằng trong cơ thể.

3. Agni Mudra

(Ảnh: stylecraze)

Cách thủ ấn này giúp hòa tan chất béo, thúc đẩy sự trao đổi chất, tiêu hóa, hạn chế nguy cơ béo phì. Bên cạnh đó, Agni Mudra còn cải thiện sức khỏe rất hiệu quả, giảm căng thẳng, mệt mỏi và quan trọng là giúp kiểm soát lượng cholesterol trong cơ thể rất tốt.


Agni Mudra nên được tập vào sáng sớm lúc còn đói bụng và ai mắc bệnh khó tiêu thì không nên tập thủ ấn này. Để tập động tác này, đầu tiên bạn gập ngón áp út rồi lấy ngón cái nhấn vào đốt thứ hai của ngón áp út, các ngón tay còn lại giữ thẳng. Mỗi khi tập động tác thủ ấn này nên giữ nguyên tư thế ít nhất 15 phút mỗi ngày.

4. Prithvi Mudra


(Ảnh: stylecraze)

Prithvi Mudra giúp cải thiện, thúc đẩy quá trình lưu thông máu trong cơ thể. Cải thiện hệ xướng yếu. Những ai đang muốn tăng cân nên tập thủ ấn này bởi Prithvi Mudra có tác dụng kích thích tăng cân. Bên cạnh đó, về mặt tinh thần, Prithvi Mudra giúp tăng tính kiên nhẫn, sức chịu đựng, tập trung, giảm thiểu tình trạng kiệt sức, trì trệ của tinh thần. Quan trọng hơn, thủ ấn này còn giúp bạn sở hữu làn da đẹp mịn màng, tươi trẻ.


Đầu tiên, bạn ngồi tư thế hoa sen, hai bàn tay giữ thẳng, đặt ngửa trên đầu gối. Sau đó, chạm đầu ngón cái vào đầu ngón tay áp út rồi giữ chặt, những ngón còn lại giữ thẳng. Tư thế này có thể tập vào mọi lúc trong thời gian tùy thích.

5. Varun Mudra


(Ảnh: stylecraze)

Với những ai còn đang loay hoay tìm phương pháp cải thiện làn da thì nên tập thủ ấn này càng sớm càng tốt. Lí do là vì Varun Mudra giúp cân bằng nước trong cơ thể, kích hoạt chất lỏng lưu thông, giữ ẩm cho cơ thể, chữa các vấn đề về da như nhiễm khuẩn da, và ngăn ngừa mụn. Bên cạnh đó, Varun Mudra còn giúp giảm những cơn đau cơ vốn vẫn hay hành hạ bạn.


Varun Mudra không quy định thời gian tập, thế nên bạn có thể áp dụng bất kì lúc nào mình muốn. Việc bạn cần làm chỉ là chạm ngón tay cái vào đầu ngón tay út mà thôi, các ngón tay còn lại vẫn giữ thẳng. Trong khi tập, bạn cần lưu ý tranh nhấn vào phần gần mong tay út bởi sẽ gây ra tình trạng mất nước của cơ thể.

6. Shunya Mudra


(Ảnh: stylecraze)

Tư thế này có thể giúp bạn thoát khỏi những cơn đau bằng cách thư giãn toàn bộ cơ thể. Bên cạnh đó, Shunya Mudra còn giúp giảm hoàn toàn chứng đau tai trong khoảng 5 đến 10 phút. Theo các chuyên gia yoga thiền, thủ ấn này rất có tác dụng với những người bị điếc, nhưng với trường hợp điếc bẩm sinh thì thủ ấn này không mang lại hiệu quả.


Bạn chỉ cần lấy ngón cái nhấn vào đốt thứ hai của ngón giữa, những ngón khác vẫn giữ thẳng. Khi các triệu chứng bệnh đã hết thì không cần tập thủ ấn này nữa.

7. Surya Mudra


(Ảnh: stylecraze)

Với những ai đang quan tâm đến việc giảm cân đều có thể tập thủ ấn này. Ngoài ra, Surya Mudra còn giúp giảm cholesterol, tăng khả năng tiêu hóa và giảm tình trạng căng thẳng, lo lắng. Để thực hiện được động tác này rất đơn giản, bạn chỉ việc gập ngón áp út lại rồi dùng ngón tay cái nhấn vào đốt thứ hai của ngón áp út.


8. Prana Mudra


(Ảnh: stylecraze)

Đây có thể xem là một trong những động tác thủ ấn quan trọng của yoga thiền bởi nó giúp kích hoạt năng lượng trong cơ thể và tăng cường hệ miễn dịch. Bên cạnh đó, Prana Mudra còn giúp khỏe mắt, chữa bệnh về mắt và giảm căng thẳng, mệt mỏi.


Đầu tiên, bạn ngồi ở tư thế hoa sen, sau đó chạm đầu ngón tay áp với ngón út vào đầu ngón tay cái.

(Nguồn: healthtipssource, stylecraze)
Theo afamily.vn


Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2017

XÚC ĐỊA ẤN



Trong tranh, Đức Phật ngồi xếp bằng thế hoa sen (Kiết già – Padmasana), tay ở tư thế Xúc địa ấn, tức tay phải đặt trên đầu gối phải, đầu những ngón tay duỗi ra đụng đất, tay trái đặt trên đùi trái, gan bàn tay ngửa lên trên.

Xúc địa ấn – Bhumispara, nghĩa đen là “chạm vào đất”, diễn tả lại thời điểm trước khi đạt được giác ngộ dưới gốc bồ đề, thái tử đã lấy đất làm chứng, cũng là biểu tượng của lòng kiên tín, quyết tâm, không gì lay chuyển nổi.

Tác phẩm Phật Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni Budda). Gốm sứ Lladró, làng truyền thống Almàssera thuộc Valencia, Tây Ban Nha.


Tác phẩm Phật Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni Budda) chỉ sản xuất giới hạn 1.000 chiếc trên toàn thế giới.
---------------
Tượng Phật Gautama tại Namobuddha, Nepal



Goodbye My Darling

Tiếng đàn của Francis Goya vô cùng quyến rũ và hết sức… ngọt ngào. Một guitarist nổi tiếng người Bỉ. Ông sinh năm 1946 tại Liege, tên thật là Francis Weyer. (Nghệ danh Francis Goya được ông sử dụng khoảng năm 1970, trùng với tên của một danh họa người Tây Ban Nha). Bản nhạc “Rann Na Mona” hay ta thường nghe với tên: Goodbye My Darling, nguyên là một bản nhạc Nhật, được Francis Goya biên soạn. 


Mấy hôm nay mưa, mưa đầu mùa dị biệt. Không gì tuyệt vời hơn nghe bản nhạc này khi mưa. Bạn hãy nghe mưa và nghe bản nhạc này nhé.



Thứ Sáu, 5 tháng 5, 2017

The Water Diviner

Olga Kurylenko và Russell Crowe trong phim The Water Diviner

The Water Diviner là một bộ phim Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ thuộc thể loại lịch sử chiến tranh của Russell Crowe. Phim đưa ta quay về thời điểm năm 1919 diễn ra sau "trận chiến Gallipoli" và theo chân một người nông dân Úc trên hành trình tìm kiếm 3 người con bị mất tích của mình.
Xem phim hồi hộp, xúc động, cảnh quay đẹp và chân thực.
Mến yêu Olga Kurylenko trong nhân vật, chồng chết trong chiến tranh Hi lạp – Thổ nhĩ kỳ (Đại chiến I). Đôi mắt sáng, gò má cao, thiện cảm. Trong phim có câu nói của cô, đại ý: Người đàn ông là của gia đình và những đứa con.
Chiến tranh luôn thật tàn khốc  Đoạn cuối phim khi 2 người nhìn nhau, cốc cafe cảm tưởng bình yên rồi mà phần typing cuối phim nghẹn lại: "Thế chiến thứ nhất l (1914-1918) có 37 triệu người thương vong, trong đó hơn 8 triệu người hoàn toàn mất tích... phim dành tặng những người mất tích và không trở về..."
PS. Trận chiến  Gallipoli.

Ðế quốc Ottoman Turkey vào thời cực thịnh của thế kỷ 16-17 đã chiếm một lãnh địa rộng lớn, có đến hơn 5 triệu cây số vuông, kéo dài suốt từ Trung Á sang đến tận Morocco. Biên giới Ottoman chỉ dừng lại ở cực Tây Phi Châu nhờ vào biển Atlantic Ocean. Suốt hàng bao thế kỷ, đất nước Thổ Nhĩ kỳ nằm vào vị trí nối liền hai biển lớn Black Sea (Hắc Hải), Aegean Sea và nối vào biển Ðịa Trung Hải. Ðây cũng là biên giới giữa hai lục địa Châu Âu và Châu Á, đường phân chia hai châu lục địa này từ Black Sea chạy dọc theo eo biển Bosporus (qua thành phố Istanbul) qua biển Marmara kéo dài đến bán đảo Gallipoli rồi nối vào biển Aegean Sea. Có lẽ người ta sẽ không biết đến bán đảo Gallipoli nhỏ bé ấy nếu không xảy ra một trận chiến nổi tiếng của Thế ChiếnI tại vùng bán đảo này. Là một trong 10 trận chiến đẫm máu nhất của lịch sử chiến tranh thế giới.
Chiến dịch Gallipoli còn gọi là Trận Gallipoli, kéo dài từ tháng 4 tới tháng 12 năm 1915, do quân Đồng minh Anh-Pháp, phát động nhằm chiếm thủ đô của Đế chế Ottoman.
Được xem là chiến dịch đổ bộ lớn nhất và tham vọng nhất trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất, cuộc tấn công thất bại với thiệt hại nặng nề cho cả hai phía. Thảm họa Gallipoli của liên quân đã thể hiện sự ngu xuẩn của chiến tranh, khi các chỉ huy bất lực đẩy những người lính dũng cảm đến những cái chết vô ích. Đại thắng này mang lại vinh quang cho tướng Thổ Mustafa Kemal Pasha, khiến ông trở thành một vị anh hùng bách thắng của người Thổ. Trong khi ấy, thảm họa này được coi là một đòn giáng nặng nề vào phe Entente ở vùng Balkan.

Bán đảo Gallipoli này rất đẹp vì bán đảo này không lớn lắm, bề ngang chỉ rộng khoảng 6km, còn bề dọc chỉ hơn 70km chạy dọc theo eo biển Dardanelles. Ðứng ở eo biển Dardanelles, từ bờ bên này người ta có thể thấy được bờ bên kia hay nói một cách văn vẻ hơn “đứng bên Âu Châu du khách có dịp nhìn thấy phần Tiểu Á của Á Châu.
Ðầu thế kỷ 20, Thế Chiến I đã xảy đến với nhân loại. Ðế quốc Hồi Giáo Ottoman sau hơn 600 năm thống trị đang trên đà suy tàn. Người ta đã ví đế quốc này như “con bệnh thoi thóp” nằm bên các “bác sĩ Âu Châu” ra tay chẩn bệnh chữa trị. Dĩ nhiên cách chữa trị hay nhất của các vị bác sĩ này là họ đem ra “mổ xẻ con bệnh” và chia chác cho nhau. Thuở ấy, các đế quốc Anh-Pháp-Nga là những đồng minh của nhau. Họ hẹn nhau đến Constantinople (ngày nay là Istanbul) thủ đô của Turkey để “mổ xẻ” chia chác nhau biên giới cuối cùng của đế quốc Ottoman. Ðế quốc Nga đi từ biển Hắc Hải đến, đế quốc Anh và Pháp sẽ vượt qua eo biển Dardanelles để cùng nhau hội tụ chữa bệnh cho đế quốc Ottoman.
Tầu chiến Anh tham gia chiến dịch đẫm máu Gallipoli.
Ðế quốc Anh lúc đó rất mạnh, họ điều quân của các thuộc quốc bao gồm Australia, New Zealand, India, Newfoundland, United Kingdom, cộng với quân đội của Pháp. Vì đế quốc Ottoman lúc đó đang thua khắp mọi nơi và cũng vì quân đội của cả Anh lẫn Pháp đều trang bị vũ khí tối tân hơn quân Thổ Nhĩ Kỳ nên các tướng lãnh của Anh và Pháp đều rất tự tin và nghĩ rằng họ sẽ vượt qua bán đảo Gallipoli để vào eo biển Dardanelles rất dễ dàng.


Ngày 25 tháng 4 năm 1915, chiến dịch Gallipoli bắt đầu. Quân đội của đế quốc Anh-Pháp có trên 500,000 quân, phía bên Ottoman có hơn 300,000 quân. Tuy nhiên, cuộc chiến mà đế quốc Anh và Pháp tưởng dễ nuốt đó hoàn toàn lại không dễ dàng như họ nghĩ. Những trận đánh khốc liệt trên một bán đảo nhỏ hẹp, quân đế quốc Anh-Pháp đổ bộ và cố gắng tiến lên từng tấc đất, đánh cận chiến với nhau và hàng hàng lớp lớp binh lính của cả hai bên nằm chết bên nhau. Tuy nhiên, sau những trận cận chiến như thế, họ (quân lính của cả hai bên) cũng đã để lại những hình ảnh đẹp, rất-là-con-người khi những người lính đó không còn nghĩ đến bộ quân phục họ đang mặc. Chính Tướng Casey của Australia viết trong báo cáo của ông đã có những người lính Turkey dìu người thương binh Anh đến nơi quân Australia đóng. Nhưng cũng có rất nhiều hình ảnh làm người ta rơi lệ khi biết những binh lính trẻ Thổ được lệnh ra trận không phải để tấn công quân địch (vì họ đâu có đủ vũ khí để mà chiến đấu) mà họ ra trận để mà chịu “chết cho quê hương” họ.

Mustafa Kemal Pasha, vị đại tá chỉ huy quân Thổ, là một vị chỉ huy gan dạ và thông minh. Ông biết nếu bán đảo Gallipoli thất thủ là đất nước ông sẽ mất. Bằng mọi giá ông và quân binh Thổ phải giữ vững Gallipoli. Khi thấy các binh lính Thổ hoảng sợ chạy trốn, ông nổi tiếng với câu ra lệnh bất hủ, “Tôi không ra lệnh cho anh em đến đây tấn công, tôi kêu gọi anh em đến đây để chết cho quê hương. Lúc chúng ta ngã xuống, sẽ có những người khác đến thay thế.” Có lẽ nhờ thế mà quân Thổ đã giữ vững được bán đảo Gallipoli.
Trận Gallipoli không phải chỉ là một trận đánh cứu chữa được “con bệnh thoi thóp” Turkey mà còn là một trận đánh oai dũng nhất trong lịch sử của dân tộc Thổ. Họ đã ngăn chận sự đổ bộ của liên quân đế quốc Anh-Pháp lên bán đảo Gallipoli. Sự lui quân của liên quân đế quốc nói lên sự thất bại của Anh-Pháp. Mustafa Kemal đem lại niềm tin và hy vọng cho quốc gia ông.
Sau khi Ðế chế Ottoman suy tàn và thua trận trong Ðệ Nhất Thế Chiến, dân tộc Thổ Nhĩ kỳ đã vùng dậy và hình thành phong trào quốc gia dưới sự lãnh đạo của Mustafa Kemal Pasha. Qua chiến dịch Gallipoli, ông trở nên nổi tiếng và giành lại độc lập cho đất nước và thành lập nước Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 10 năm 1923. Ông được dân Turkey gọi là Kemal Ataturk (Người Cha của Turkey).
Còn liên quân đế quốc Anh-Pháp sau hơn tám tháng rưỡi tấn công, sự thiệt hại nhân mạng quá cao nên buộc Anh và Pháp lui binh bỏ cuộc. Sau trận chiến, thanh danh của Winston Churchill của đế quốc Anh bị hoen ố. Nhưng điều đó không đau đớn bằng, chỉ ít lâu sau Australia và New Zealand tuyên bố là hai quốc gia tự trị, không vâng theo lời của mẫu quốc Anh nữa. Những binh sĩ Australia và New Zealand (được gọi tắt là ANZAC Australia New Zealand Army Corps) đã nằm an nghỉ tại Gallipoli không phải là ít.
Không gian bán đảo Gallipoli nếu có những nỗi buồn là cơ duyên như thế. Ba mươi sáu địa điểm chung quanh bán đảo là những cứ điểm chiến trận xảy ra và cũng là nơi mà quân lính hai bên nằm xuống quá nhiều. Trận chiến Gallipoli với hơn 800,000 quân hai bên tham chiến, các trận đánh diễn tiến chỉ hơn 34 tuần mà con số thương vong của cả hai bên lên đến khoảng 500,000 binh sĩ. Ai là người chịu trách nhiệm về con số thương vong này! Nói cho cùng, trong tất cả mọi cuộc chiến, các người chiến binh của cả hai phía đều không có người chiến binh nào thắng hay bại. Sự điên rồ và lợi ích của các người lãnh đạo đã hướng dẫn họ đến sự hận thù căm phẫn giết lẫn nhau. Ðế quốc thì có bao giờ thèm ngó ngàng gì đến nhân mạng của các binh lính, họ chỉ cần đạt được mục đích mà họ tự vẽ ra cho chính cá nhân, đảng phái, và chủ nghĩa dân tộc cực đoan của họ.
Trong trận chiến Gallipoli (Thế chiến I) diễn ra ngày 19/5/1915 giữa quân Đồng minh và Đế chế Ottoman (nay là Thổ Nhĩ Kỳ), xác của hàng nghìn lính Thổ và ANZAC (Australia và New Zealand) bị bỏ lại giữa chiến trường. Do sự nóng nực của mùa hè, các thi thể càng thối rữa nhanh hơn và bốc mùi hôi thối khắp nơi. Ngày 24/5, 2 bên tham chiến quyết định thực hiện lệnh ngừng bắn để thu dọn các xác chết. Vì thế, lính Đồng minh và Thổ có cơ hội làm việc cùng nhau để chôn cất người chết. Từ những kẻ thù không đội trời chung, họ dần cảm phục sự dũng cảm của nhau và trở thành bạn bè. Họ thậm chí còn trao đổi những vật kỷ niệm để chúc nhau may mắn. Khi công việc thu dọn người chết kết thúc, các binh sĩ lại tiếp tục đối đầu đẫm máu trên chiến trận. Ảnh: Listverse.

Hình ảnh Olga Kurylenko và Russell Crowe, Dylan Georgiades về phim The Water Diviner.

Thứ Năm, 4 tháng 5, 2017

Nhân Sứ

Nhân sứ
Hòa Vang


Tây Du ký, đã là một niềm đam mê mãn tính của bao nhiêu thế hệ người. Chặp này, lại đang bột phát. Khắp thôn cùng, xóm vắng đều vang lên những tiếng cười sảng khoái, như là gốc của Nhạc.
Nghe những tiếng cười, tự nhiên trong lòng thấy xúc động, cứ muốn nằng nặc đi tìm những thư tịch cổ để được ngõ hầu đọc thêm chút gì về cái Bộ Tứ đi thỉnh kinh ấy?
Chẳng có nhẽ, khi Đường Tam Tạng đã được gia phong Thiên Đàn Công Đức Phật, Tôn Ngộ Không thành Đấu Chiến Thắng Phật, Trư Bát Giới được là Tịnh Đàn sứ giả, và Sa Ngộ Tĩnh cũng được thành Kim Thân La Hán, thì bọn họ không có chuyện gì nữa sao?
Thư tịch cổ đâu không thấy, lại thấy một thiếu phụ như Thích Ca chìa cổ tay ra mà bảo:
"Anh nắm lấy đi". Nghe. Nắm. Liền được cô lôi đến một ngôi đền. Vốn ngại đền chùa miếu mạo nhưng đã có cô, nên không buông cái bàn tay nắm của mình ra. Vào đền. Cô bảo tiếp: "Em hay đến lễ ở đây. Cốt cho tĩnh tâm". Thấy mắt cô lúc ấy thẳng băng, trong sáng và hệ trọng, liền hỏi khẽ: "Vậy anh ngồi thế này liệu có ảnh hưởng gì đến cái tĩnh tâm em?". Nàng lắc đầu, tiếng nhẹ như hơi thở: "Không đâu!...Anh!"
Ra ngoài tiền sảnh, bà thủ nhang thoạt đầu có ý hãi vì nhìn thấy hơi nhiều râu tóc, sau lại cởi mở vì thấy biết xin một miếng trầu. ăn, nhai, lại xin thêm chút vôi và không nhả, nhổ chút gì....
- Nước trầu cau ai ưng là nuốt được lửa đó! Ông ăn trầu cách ấy thì tôi muốn đưa ông đọc thử cái này - bà thủ nhang sẽ sàng nói vậy rồi nhẹ bước vào nhà trong. Khi bà ra, thì thấy trên tay bà một tập giấy mỏng nhẹ the, kẹp nẹp xông cọ bóng láng.
Về, một mình đọc, gấp gáp, y hẹn ba hôm sau phải trả lại bà.
Lại về. Khép biệt thất, khoá trong đủ ba vòng, uống rượu một mình với Ông Địa, rồi muốn chép lại những gì nhớ được ...

1. Chứng mất ngủ là bệnh ngứa tay ở Tây Thiên.
Bấy lâu nay, giữa Tây Thiên trong đêm tĩnh lặng huyền không - mây bạc, hương ngát trăng thanh và đàn - ở Chính đại Đại chùa Lôi Âm - trùng đạo phăng phắc, uy nghi những toà sen đại định - chẳng ngờ có một toà sen nhỏ cứ dọ dạy, oằn lên, lả xuống.
Ấy là toà sen của Kim Thân La Hán Sa Ngộ Tĩnh. Người mắc chứng mất ngủ - chứng mất ngủ chưa từng có ở Tây Thiên.
Căn bệnh quái ác khởi từ một ngày....
Nhàn cư quá đỗi, Sa Ngộ Tĩnh chợt trật vạt cà sa, ngó xem đôi vai mình. Người thấy nó trắng nhễ nhại, nõn nường như da thịt đàn bà nhà phú hộ đang thời kỳ chửa đẻ. Nắn véo, thấy mềm thún thín như lườn hươu, vú nai những ngày vắt sữa cúng thần. Nỗi nhớ tấm vai xưa - gồ lên cả vầng, cứng như sừng, rám sắc đồng hun - cùng chuỗi tháng năm Tây Du gian nan mà sôi động thuở nào, ngùn ngụt cháy lên, thông thốc kéo về...
Và thế là, cái đêm mịt mù từ khi ấy, chợt đội thốc tất cả lên cái đêm...Đường Tam Tạng đã khẽ khàng dén bước đến bên đống xương trắng của Bạch Cốt Tinh, rồi phục xuống mà khóc tầm tã ào ạt như mưa, như gió.
- Ôi chao! Với di cốt tan nát của một yêu quái đã bị Tôn sư huynh đánh chết, lại có thể khóc than, thương xót như thế, đến thế được chăng? Đêm ấy....chỉ một mình ta đã đứng chết, sững sởn hết gai người...Và bây giờ, nhớ lại, càng thấy ghê rợn, kinh khiếp. Phải chăng? Hay là?...Có lẽ nào, Sư phụ ta, Đường Tăng, lại chính là một siêu yêu quái?
Cái mảy ý nghĩ sau cùng ấy, thế là đã vọt ra. Nó bằng cái mắt muỗi, nhưng trọn vẹn, rạch ròi. Nên nó thành ngay một tia chớp xé toang rồi không chịu tan lãn, nhằng nhằng vĩnh viễn thứ ánh sáng loá mắt. Nên nó thành ngay thứ hạt giống biết cười khanh khách, đậu đất là nảy mầm, vươn lên vù vù thành cây cành cổ thụ, túa ra đủ thứ rễ, bám riết lấy tâm trí, không thể lắc giũ phủi tẩy, cấu vứt. Chứng mất ngủ bắt đầu hành hạ Kim Thân La Hán từ ấy...
Ngày vào hạ, Phật Tổ Như Lai đi ra Lộc Uyển vui chan hoà cùng chúng tì khưu. Ngài thấy Sa Ngộ Tĩnh ngồi thừ lừ, rũ bờm râu tóc dưới một gốc cây, bèn vẫy tay gọi lại:
- Này Sa Tăng!Hãy khá nhìn xem, chung quanh tất thảy các gương mặt đều hồng tươi nhuận sắc, an lạc phồn thực. Cớ sao riêng con vóc hạc mình gầy, trán nhăn, má trũng?
- Dạ! Thưa Thống phụ chí tôn, ít lâu này con mắc chứng mất ngủ.
- Hơ! Mất ngủ! Mất ngủ ngay giữa cõi này? Sao lại đến nông nỗi thế?
- Dạ! Một ý nghĩ hành hạ con.
- Ý nghĩ gì vậy?
- Con không dám thưa. Nơi đây đông người quá. Và ý nghĩ ấy thật tội lỗi.
- Hơ! Sa ngộ Tĩnh. Há ngươi không biết, ở tĩnh thổ tầy oan này không có tội lỗi. Và đám đông ư? Cho ngươi được vinh hạnh như Cá Diếp khi xưa: Biến đám đông chung quanh thành vô nghĩa trước ta để được giao hoà riêng một mình với ta.
- Trời! Thế thì đó là một trọng tội rồi. Xoá đi như không thấy nhân thân, từng thấy gương mặt hồng tươi nhuận sắc, an lạc, phồn thực...Kinh khủng quá. Một trọng tội ở chính cõi cực lạc này rồi. Thống phụ là chính phạm, và con a tòng nếu nghe Người.
- Người vơ phạm tội cùng ta chăng? Sa La Hán - Gọng Như Lai thoáng run lên - Hãy rời gót tức khắc!
Bực bõ, đêm ấy đến lượt Như Lai thao thức ...
Chợt ngón tay ngài ngứa ran lên. Đẩy mấy ngón tả hữu lên day gãi mãi chẳng đỡ thì chớ lại càng ngứa đẫy. Ngài bật cười thầm: Ờ hay nhỉ? Rồi khẽ dướn người, nhìn xuống toà sen thấp tè, toen hoẻn tận tít tịt phía dưới của Sa Tăng, thấy nó chốc chốc lại ngọ nguậy, bèn khẽ đưa tay lên vẫy vẫy.
Kim Thân La Hán tức khắc đến bên, sụp lạy chờ lệnh.
- Lại gần đây, leo hẳn lên đây nào. - Quàng tay lên vai Sa Tăng, Như Lai thủ thỉ, - thế này thì hẳn nhà ngươi không còn áy náy gì về một đám đông bị xoá nữa đi nhé. Bây giờ, rõ là chỉ có hai người đồng bệnh mất ngủ, tâm sự với nhau khi tất cả an giấc. Ngươi sẽ nói cùng ta ý nghĩ nào đã khiến ngươi mất ngủ chứ? Bù lại, ta đi nước trước, ta sẽ cho ngươi duy nhất, nghe một bí mật của riêng ta. Ta bị ngứa một ngón tay...
Đó! Càng nói đến thì càng ngứa quá lắm....
- Thưa Thống Phụ, phải chăng người ngứa ở ngón giữa bàn tay phải?
- Trời! Sa Ngộ Tĩnh, Huệ nhãn ngươi siêu đạt đến thể thấu được tâm linh ta chăng?
Đúng. Đúng vậy. Nó tiếp đi, La Hán mình vàng thân yêu...
- Dạ...Con đang nói đây. Chẳng hay thống phụ còn nhớ ngày Người đến cứu giá, trấn yên vụ Đại náo Thiên cung của sư huynh Tôn Ngộ Không con?
- Ôi! Có thể nào quên? Đó là một ký ức sinh động.
- Nếu thế thì Người phải biết tại sao lại ngứa tay rồi chứ?
- Ta không biết. Ta chưa biết đến phút này mà...
- Vậy thì Thống phụ ơi, nghe con đây. Khi Người xoè ngửa cả bàn tay ra, rồi đố anh con nhảy vượt khỏi được, thì cũng ngay lúc ấy, toàn nội lực Người thảy đều đã dồn một ý hướng quyết liệt: Phải úp xuống, phải đè dập được con khỉ yêu quái này. Chính lúc xoè ra, ngửa lên mà lại chỉ nghĩ đến cách cụp vào, úp xuống thì còn làm sao cảm nhận được hết những gì đang diễn ra. Thống phụ đã thấy anh con nhổ một chiếc lông vạch mấy chữ lên đầu ngón tay Người - anh con nhầm là một cột chống trời cao nhất - sau khi ngỡ mình đã vọt lên hết chín tầng trời. Thế là Thống phụ dim mắt cười nhạt, bắt đầu triển nội lực...Chính lúc đó. Chính lúc đó...Trên cao, gió thổi, mây bay, lồng lộng. Mát quá, anh con thích chí quá độ, phởn lên,bèn vén áo bào, đái vào đỉnh "cây cột chống trời" nọ một bãi thoả thuê. Thống phụ đã không hay biết điều đó. Rồi Thống phụ úp gọn được anh con, bắt thành lão yêu hầu trọc lóc sọ, trụi sơ lông, vươn cổ ngẩng, ăn rỉ sắt, uống rỉ đồng năm trăm năm dưới Ngũ Hành Sơn. Rồi Người vào dự An Thiên đại hội do Ngọc Hoàng chiêu đãi tạ ơn. Hình như yến tiệc tưng bừng rực rỡ ấy khiến Người nhãng ý không lau rửa ngay những ngón tay vừa bận bịu biết bao của Người. Trộm nghĩ: Dẫu sao anh con cũng đã trải mấy nghìn tuổi, lại lạ lùng hơn cả Thống phụ, nứt ra từ một hòn đá giữa trời đất, lại tu luyện đắc bảy mươi hai phép thần thông, lại nhảy ra, nhảy vào lò Bát Quái của Lão Quân như ở chợ, lại đập mẻ cả Chiếu Yêu Kính của Thác Tháp Lý Thiên Vương, lại ăn hơi nhiều đào chín cây trong vườn Tây Vương Mẫu...Lại...Lại...Chẳng nhẽ cái dấu tích - dẫu là một chút nước thải - của một nhân thân như thế, há lại không để lại một chút di chứng nào ư?
- Hay, hay! Đúng, đúng! - Như Lai bật thốt lên, hứng khởi rồi giọng điệu lại điềm đạm lăn ngay vào nụ cười an hoà - Nhưng vì đến những ngày này nó mới phát ra nên phải nói thêm: Tại bãi nước đái khô của lão khỉ ngày ấy và chứng mất ngủ của nhà ngươi những ngày này nữa đó.
- Dạ! Con xin thú nhận. Công hay tội, vinh hay nhục cũng vậy. Con nhận rồi.
- Thôi, Sa Tăng...Ta đã nhớ ra một lời đồn thổi của đám thường nhân vùng núi Ngũ Hành...nơi tảng đá đã bóc lá bùa của ta ngày giải thoát Tôn Ngộ Không đó, có mọc lên một cây lá dấu. Giờ thi ta đoán chắc chỉ thứ lá dấu ấy mới chữa khỏi cho ta chứng ngứa ngáy ngón tay này.
Nhưng...Lại chỉ đám chúng sinh thường nhân mới bẻ hái được lá ấy. Riêng ta, đủ quyền phép để tức khắc bốc cả Ngũ Hành Sơn về đây. Nhưng như thế thì còn che mắt được ai. Ta- Đấng chí tôn toàn năng, thượng đẳng - Ta, ta mà lại mắc một chứng bệnh rận rệp ấy ư?...Đó! Ngươi thấy không? Thực là không tiện.
Lặng nghe, mắt Sa Tăng ánh lên nỗi đồng cảm chân thành. Nhưng khi nhận ra điều ấy thì Như Lai liền tạt chuyện:
- Giờ đến lượt nhà ngươi đó? Nào, ý nghĩ gì hành hạ con, Sa Tăng? Chí ít thì cũng phải như đáp lại những gì ta ngỏ cùng con chứ?
- Dạ, đương nhiên là vậy, cả cuộc đời con thôi. Một chuỗi dài đáp lại. Đáp lại công tu luyện thần lực và phục vụ chư tiên là hàm Quyển Liên đại tướng. Đáp lại cái lỡ tay vỡ chén lưu ly là kiếp đày đoạ dưới sông Lưu Sa tăm tối, bùn lầy. Đáp lại cái quỳ bái nhận sư phụ là cả chuỗi đầu lâu người tanh tưởi thoắt biến thành tràng hạt Đại Bồ Đề thơm sáng. Đáp lại cái công ngày gồng gánh, đêm canh gác suốt cuộc Vạn lý thỉnh kinh là toà sen Kim Thân La Hán. Và...đáp lại nỗi nhớ là chứng mất ngủ , là ý nghĩ khủng khiếp nghi ngờ Đường Tăng, thầy con...
Sa La Hán đã nói hết lòng mình với Như Lai ...
Nghe xong, Phật Tổ ngửa đầu cười ngất, hồi lâu, rồi cất lời khuyên dụ thật trang trọng:
- Bớ Sa Ngộ Tĩnh, con trung thực xiết bao nhưng huệ nhãn cũng cũng thấp kém xiết bao. Con đã không thấy được phẩm thượng thừa siêu việt của sư phụ con. Khi tu hành đã chứng đạo quá như Đường Tăng thì lòng từ ái sẽ bao trùm lên tất cả: Tiên Phật, thường nhân và khắp chúng yêu quái nữa. Hãy nghe ta: Phải dốc lòng yêu kính tin tưởng nhiều hơn nơi thầy Tam Tạng, nay là Thiên Đàn Công Đức Phật đó ...
Sa Ngộ Tĩnh dập đầu tạ phúc. Sự nghi ngờ đường Tăng lập tức tan biến. Lòng yêu kính hồi sinh tuôn về dâng lên những nước triều đông dào dạt trong lòng.
Nhưng khi về đến toà sen nhỏ của mình thì Sa Tăng vẫn khong chợp mắt được. Đã có những mớ bòng bong ý nghĩ khác cuộn rối lên. - Ôi chao! Nếu như ở tầng thế giới thường nhân không phân biệt được yêu quái với người thường thì ắt táng gia, vong mạng; lầm lẫn Tiên Phật với ma quỷ thì không thể thoát khỏi thiên la địa võng, trừng phạt khốc hạ! Ấy vậy mà, tu mãi tu mãi, tu đến như ta đây chưa nhằm nhò gì, còn tu nữa, mãi nữa, thì sẽ đến một thái độ nhập cả ba: Tiên Phât, người thường và yêu quái thành một. Vậy thì đặt ra ba loại tên gọi khác nhau ấy để làm gì nữa? Chia ba tầng thế giới ra làm gì? Và tu để làm gì nữa? Lịch trình tinh tấn của tâm não con người há lại giống như một thứ nhiễu sự vậy chăng?....Than ôi, lời Đức Chí Tôn thật chí lý! Chẳng qua là tại huệ nhãn ta thấp kém, phẩm hạnh ta ven xo, nhợt nhạt đó thôi. Ta đang đáp lại chính nó - Huệ nhãn ấy, Hạnh phẩm ấy - đấy thôi.

2. Hội tuyển nhân sứ.
Rạng sáng, trời nắng đẹp.
Chuông chùa Lôi Âm bỗng gióng giả từng hồi dài. Có một đoàn thường nhân đủ nam phụ lão ấu tới chiêm bái Tây Thiên, kính mong được tiếp kiến đàm luận thân ái hoà đồng với một Nhân Sứ.
Nghe báo, Như Lai điềm đạm:
- Một Nhân Sứ - một sứ giả, một đại diện của con người nơi Tây Thiên này ư? Để ta ra trước xem. 
Như Lai xuất hiện, hào quang ngũ sắc toả sáng loà nơi thềm cơ Lộc Uyển ngay trước Lôi Âm tự. Ánh sáng cũng làm phừng phừng lung linh luôn cả đoàn người đang dập đầu bái Phật. Tiếng Ngài lồng lộng:
- Chính ta ra tiếp các ngươi đây.
Vị trưởng lão dẫn đầu đoàn người bèn chắp tay, thưa lên:
- Kính lạy Đức Chí Tôn, vinh hạnh này thật khôn kể xiết, nhưng...Chúng tôi muốn được gặp một Nhân Sứ đích thực. Ngài đã từng là Thái tử Tất Đạt Đa xưa, từng có vợ, có con, từng đã là một người. Nhưng điều đó đã quá lâu rồi. Bây giờ tượng Ngài ở khắp mọi nơi, và dẫu bằng gì: đát, đá, đồng đen hay gỗ mít phủ sơn then, bê-tông cốt thép hoặc nhựa tái sinh...thì bất phân chất liệu, mọi người cứ thấy là đã tự nhiên hương khói nghi ngút, chắp tay quỳ rạp, mọp đầu thổn thức hoặc ríu rít cầu khẩn. Đối với một người ai lại như thế? Xin Đức Chí Tôn lượng thứ.
Như Lai gật gù, đoạn khoan dung hỏi tiếp:
- Vậy, liệu kẻ nào nơi đây gần gũi nhất với các ngươi? Hay là bốn thầy trò cái đoàn đã đi lấy kinh của ta về phổ độ cho các ngươi?
- Dạ...Có lẽ là vậy.
Như Lai quay lại phất áo:
- Bớ Thiên Đàn Công Đức Phật!
Từ sau lưng Phật Tổ, Đường Tăng khoan thai đi ra, từng bước như nhún theo tiếng nhạc. Nhưng cả đám thiếu nhi bỗng nhao nhao:
- Chúng cháu không nói chuyện với ông này đâu. Miệng ông ấy luôn bảo: Thật thà là căn cốt của người tu hành, nhưng chính ông ấy lại mở đầu việc thâu nạp đồ đệ bằng một điều dối trá, lừa Tôn Ngộ Không mặc vào bộ quần áo trấn yểm và đội chiếc mũ Kim Cô...Trùm bịp bợm, xấu lắm!
Khi mắc nạn vụ mấy quả nhân sâm, ông ấy đã đe Tôn Ngộ Không: "Nếu không tìm được cách thoát thì ta lại niệm chú!" Người nhân hậu tử tế ai lại lấy cái đau đớn lăn lộn của đồ đệ làm sức ép bắt bí, cốt hòng thoát cái thân mình như thế bao giờ....Ông ấy chỉ nhằm đạt được mục đích của mình bằng toàn công sức người khác, toàn những người tài giỏi, hữu ích hơn ông ấy bao nhiêu....Ông ấy là một con người giả. Chúng cháu ghét ông ấy lắm.
Như Lai còn dang ngạc nhiên thì Đường Tăng đã xấu hổ, che mặt quay vào. Phật Tổ hướng về phía đám trẻ:
- Chắc bọn bay chỉ thích gặp Tôn Ngộ Không.
Chúng thiếu nhi liền vui sướng dạ ran.
Một cái phất tay của Như Lai. Đấu Chiến Thắng Phật nhảy phóc ra, quắp một chân, còng tay, nhún mình chào:
- Lão Tôn đây!
Nhưng lão trượng trưởng đoàn đã đứng dậy vòng tay:
- Kính thưa Đại Thánh, lòng chúng tôi xảy xiết bao yêu kính, thích thú Đại Thánh không riêng gì đám trẻ con kia, Nhưng há có thể gọi là người được chăng? Hẳn Đại Thánh còn nhớ thuở Ngài qua Đông Hải thần châu, dạt vào bờ, phải ra chợ nhót lấy áo quần mũ hài của đám người lơ đễnh, rồi học đi, học đứng, học nói, học ăn đũa... sao cho tạm ra dáng Người mà trà trộn được. Rồi đến khi đã đầy đủ quyền phép, Ngài cũng vẫn phải để cái đuôi mình thành một ngọn cờ đuôi nheo sau miếu. Tóm lại, xin Đại Thánh tha lỗi, trước sau Ngài vẫn chỉ là một con khỉ, không thể gọi được một con Người.
Đấu Chiến Thắng Phật gãi tai cành cạch rồi cười khẹc khẹc vang động:
- Chí phải! Cái lãogià chắt chút của ta này nói phải. Ta biến nhé!
Dứt lời, nhún mình mất tăm dạng. Chỉ còn thấy dư âm khẹc khẹc đã lẩn vào phía sau Như Lai. 
Dưới một tán lá bồ đề mé cạnh, Tĩnh Đàn Sứ Giả Trư Bát Giới cũng lúc cúc cụp tai lủi. Bụng nghĩ: "Anh ta như chuông khánh còn chẳng ăn ai vì lốt khỉ, huống ta, mảnh chĩnh thối lốt lợn, lười biếng, tham ăn, háu gái còn bề bề in đậm trong tâm não lũ thường nhân này, thì còn ló mặt ra làm gì. Thôi, đi về toà sen, làm một giấc ngủ ngày, há chẳng sung sướng tênh tang hơn không?"
Thế là chỉ còn mỗi một danh tính: Kim Thân La Hán Sa Ngộ Tĩnh.
Lão trượng vòng tay:
- Xin cho chúng tôi được gặp Người.
Như Lai thoáng cau mày, rồi hiền hoà cất lời:
- Chẳng hay nhà ngươi không biết Sa Tăng là nhân vật nhạt nhẽo nhất trong số bốn thầy trò Tây Du chăng?
- Dạ, chúng con biết rõ như vậy. Nhưng còn biết rõ hơn: nhạt nhẽo là thuộc tính thứ nhất của con người. Đức Chí Tôn thử ngẫm xem: Trong một cuộc quyết chiến, số người chết được ghi đúng họ tên so với người táng mạng vô danh quả là hạt cát giữa sa mạc. Rồi gộp tất tật những cuộc huyết chiến vì nghĩa cả ấy lại, thì tổng số người chết lại chẳng thấm tháp vào đâu so với người chết vì dịch hạch, vì bão châu chấu, vì sóng thần, động đất, núi lửa, vì các lục địa nứt ra trôi dạt, vì những hố đen trên mặt trời tự nhiên cựa quậy, những đám bụi mặt trời lả xuống hay cuộn lên không hề dự báo...Thử hỏi, muôn triệu sinh linh ấy, sau khi tan biến, liệu có để lại chút xíu dư vị hơn một hạt muối. Sa La Hán nhạt nhẽo, tức đích thị con người. Xin Đức Chí Tôn cho phép....
Như Lai chép miệng đĩnh đạc:
- Lão già mồm mép kia, ngươi lại không biết cả chặng vạn lý Tây Du, Sa Tăng chỉ suốt suốt gồng gánh?
- Dạ, gồng gánh, vai hằn lên vết bầm, vết chai của các sức nặng, là âm bản của nhạt nhẽo. Gồng gánh suốt đời là thuộc tính thứ hai của con người. Vả lại, chính các Đại Đức, Thượng toạ thường dạy cho chúng con rằng: "Đứa hài nhi vừa được sinh ra đã có chiếc đòn gánh vô hình nơi vai, và chiếc đòn nọ chỉ rời ra khi nó đã nằm trong quan tài" Xin Đức Chí Tôn cho chúng tôi được gặp Nhân Sứ gồng gánh ấy: Sa La Hán.
Phật Tổ nén một nhịp thở dài, xuất ngôn chiêu cuối cùng:
- Này, lão đầu đàn đáo để, các ngươi mời gọi một người đã từng ăn thịt người ...tha thiết đến thế hay sao?
- Dạ. Chúng con biết rõ và nhớ: Sa Tăng đã từng ăn thịt người. Nhưng chúng con còn biết và nhớ hơn: Khi người bị hãm vào cảnh cùng cực đói khát, ở cảnh ấy thì đã có biết bao nhiêu kẻ đồng hành ăn thịt nhau! Chồng ăn thịt vợ, mẹ ăn thịt con...
Đức Chí Tôn ơi! Đau đớn thay! Có thể ăn thịt người khi đói khát, cùng cực cũng là thuộc tính của con người.
Chợt không thấy Như Lai đâu nữa. Hào quang ngũ sắc cũng tan biến....
Và trong ánh sáng thường tình. giữa sắc xanh cây lá, cỏ hoa thường tình... Sa Ngộ Tĩnh bước ra, nhập vào đoàn người, cả bọn kéo nhau vào Lộc Uyển, râm mát quây quần trò chuyện...

3. Tống biệt hành.
Đã tròn một tuần trăng. Một đêm....
Sa Ngộ Tĩnh đến trước Như Lai, áp hẳn đầu vào vế đùi Ngài, ngước lên khẩn nài:
- Thống phụ chí tôn… Xin Người cho con được phế bỏ toàn bộ công lực của một La Hán, hạ sơn, độc cô hành Đông Du về lại sông Lưu Sa xưa, làm một người thường chài lưới trên sông nước, chiều chiều thổi một ống tiêu, nhấc một ngụm rượu, nướng con cá nhỏ, và đợi một người đàn bà, lấy vợ sinh con... sau nữa, con sẽ hái được lá dấu gửi về cho Người.
Như Lai thấy nao lòng. Ngài cúi xuống, đặt lên vầng trán Sa Ngộ Tĩnh thần ban thiện phước, rồi khẽ khàng:
- Thôi, con đi. Cảm ơn con đã nghĩ đến ta. Việc đó nếu tiện, cũng nên làm.
Phút giã biệt giữa bốn thầy trò thật là bịn rịn.
Đường Tăng trao tấm Cẩm Lan cà sa:
- Này con, đây là áo khoác đi đường, cuộn lại làm gối, trải ra làm chăn khi ngủ, vải xé băng bó và lau rửa những vết thương ...
Ngộ Không tháo vành Kim Cô:
- Xưa, đây là nỗi đau, là sức ép, nó mạnh hơn cả ta. Nay, nỗi đau không còn, sức mạnh vẫn vẹn nguyên đó, lại thêm vào cả tình anh em của ta. Khá giữ lấy, phòng khi thậm nguy nan.
Bát Giới thót bụng, há miệng, ợ một tiếng. Quả nhân sâm hồng tươi, nguyên vẹn liền vọt ra:
- Đó! Phàm những thứ nuốt chửng, dẫu có được ngự trên toà sen rồi, vẫn không thể tiêu biến. Chú cầm lấy đừng chê, nhỡ khi lỡ bữa đói long ...
Sa Nhân bái tạ thầy và hai anh lần cuối hồi lâu, rồi quay gót thoăn thoắt xuống núi.
Như hơi ấm đã quấn bám, đã đi theo bước chân họ Sa xuống dần, tít tắp tận dưới kia -
 nơi đám bụi vẫn hồng hồng khoả lấp, vừa thâu nhận thêm một hạt bụi người - nơi xóm chợ chân núi, xao xác đủ tiếng chó gà, tiếng ngựa trâu, tiếng vẹt yểng...và tiếng Người.
Chỗ thầy trò giã biệt trên núi cao ấy, mãi sau mới có người biết! Có ba pho tượng đá, ba cặp mắt đá không có con ngươi, nhưng vẫn rõ hướng ngong ngóng dõi theo con đường xuống núi. Nhiều người đem đèn nhang hương hoa tới bái tạ, cầu cúng. Lâu lâu, nhận ra rằng: Phàm việc cao khoát quảng đại đều không thấy ứng nghiệm. Có chăng cũng chỉ ang áng lơ mơ. Vận vào bảo đúng bảo sai đều được. Nhưng những thỉnh cầu nhỏ rõ, cấp bách thì thực linh ứng.
Ví dụ như: Đói rã, khát lả. Lại ví dụ như: Mất ngủ, lở ngứa, đau đầu, đầy bụng thì chỉ thành tâm lễ khấn trong vòng một tuần nhang cháy trọn ắt đều được như nguyện.

Hết.

Bài viết của Bulukhin.
PHỎNG VẤN ĐƯỜNG TĂNG 
Sắp đến mùng 10 tháng 5 ngày Phật đản, bu tui tái bản “Phỏng vấn Đường Tăng” có sửa chữa, mong các bạn đọc và cho lời chỉ giáo
------------

- Bạch thầy Đường Tăng
- Bần tăng đây… mà thí chủ cần gặp Đường Tăng nào?
- Thầy hỏi thế … hóa ra có nhiều Đường Tăng sao ?
- Chỉ có hai thôi, ông Đường Tăng thứ thiệt kia là sư Huyền Trang, tên tục Trần Huy quê ở Hà Nam. Khi vua Đường Thái Tông cấm dân chúng chu du Ấn Độ thì ông ấy vẫn liều thân sang đó 17 năm để học Phật. Sau ngày trở về ông viết sách Đại Đường Tây Vực kí. Bần tăng tui không có quê hương bản quán, được sinh ra dưới ngòi bút văn sĩ Ngô Thừa Ân ở thời nhà Minh.
- Dạ , cụ Ngô Thừa Ân thân phụ thầy viết Tây du kí, một trong Tứ đại danh tác của Tàu, con đã đọc và có vài thắc mắc…xin được hỏi thầy. 
- Thắc mắc gì thí chủ cứ hỏi
- Bạch thầy, theo sử sách, khi thầy dẫn đoàn thỉnh kinh sang Tây Thiên thì đức Phật Thích ca đã nhập Niết bàn trên một ngàn năm rồi, vậy làm sao có chuyện Phật tổ tiếp thầy cùng đoàn tùy tùng ở đền Đại Hùng chùa Lôi Âm ạ.
- Hà… hà…Không những bần tăng gặp Phật Tổ mà còn được ngài phong cho chức danh Chiên đàn Công đức Phật, và phong cho Tôn Hành Giả chức danh Đấu Chiến Thắng Phật.
- Dạ, con thấy lạ …
- Bần tăng ghi nhận câu hỏi này, và sẽ giải thích cho thí chủ vào cuối cuộc gặp gỡ… bây giờ thí chủ nêu tiếp thắc mắc khác đi.
- Bạch thầy, mới đây ở nước con có ông Giáo sư - Tổng bí thư đảng cộng sản - tuyên bố: “Đường Tăng khi xưa đi lấy kinh sang đất Phật cũng phải hối lộ mới lấy được kinh…” (1), chuyện ấy hư thực ra sao xin thầy cho con biết. 
- Có lẽ do cụ Ngô Thừa Ân mô tả bần tăng và đoàn tùy tùng gặp Phật tổ để xin kinh có phần hài hước, trào lộng, nên ông Giáo sư - Tổng bí thư nọ hiểu nhầm, quy oan bần tăng và oan cho cả nhà Phật.
- Dạ, thấy nhà văn mô tả, ngài A Nan đã hỏi thầy: “Thánh tăng từ phương đông tới đây chắc có chút lễ vật gì biếu chúng tôi chăng, mau mau đưa ra đây chúng tôi mới trao kinh cho (2) Con tưởng ông ấy nói giỡn chơi ai dè đến khi đổi kinh không chữ lấy kinh có chữ thì A Nan, Ca Diếp, đòi quà ráo riết, thầy “đành bảo Sa Tăng mang ra chiếc bát tộ vàng” đưa cho họ….
- Vậy thí chủ có biết Phật tổ nghĩ sao về sự kiện này không.
- Dạ, con biết mất chiếc bát tộ vàng Hành Giả tiếc ngẩn ngơ bèn khiếu nại lên Phật tổ, không ngờ Phật tổ cười nói “…Việc hai người (A Nan, Ca Diếp) vòi lễ các ngươi ta biết cả rồi. Có điều kinh không thể trao cho một cách dễ dàng, không thể lấy không được”. Bạch thầy, thế chẳng phải nhà Phật đòi hối lộ là gì ạ. 
- Thí chủ và ông Giáo sư nọ nên nhớ Tây du kí là một tiểu thuyết mang đặc điểm văn hóa phương đông, được xây dựng bằng một loạt hình tượng thấm đẫm triết lí Phật giáo, Lão giáo, đầy ắp tính ẩn dụ triết học. Muốn hiểu được Tây du kí phải giải mã những mật ngữ, chứ không thể hiểu nó theo nghĩa từ điển của từng dòng chữ được.
- Thưa thầy, tức là phải đọc Tây du kí trong và sau các hàng chữ sao.
- Hoàn toàn đúng vậy. Chiếc bát tộ vàng của vua đại Đường trao bần tăng là biểu tượng cho tài sản, quyền lực, danh vọng, của một đế chế ở thế gian, nay phải lìa bỏ nó mới thọ lãnh được đạo giải thoát của đức Phật. Lại theo truyền thống Đạo học thì “Đạo pháp bất khinh truyền”, đấy là nội dung câu Phật tổ nói với Hành Giả “Kinh không thể trao cho một cách dễ dàng”. Quan điểm biện chứng của nhà Phật là mọi vật phải được được đổi ngang giá. Các nhà sư thọ hưởng vật chất tối thiểu để viết ra kinh thì họ phải được bù lại cái bát tộ vàng là vật ngang giá. Do vậy mà A Nan và Ca Diếp đã nói với bần tăng “Tay trắng trao kinh truyền đời người sau đến chết đói mất”. 
- Bạch thầy, bây giờ con đi vào một vụ việc cụ thể… hơi có tính nhạy cảm …chỉ sợ làm thầy phật ý.
- Không sao, thí chủ cứ hỏi.
- Dạ, sau khi đoàn thỉnh kinh rời xứ Tây Lương Nữ Quốc thì thầy bị bị một người đẹp hóa phép cắp về núi Độc Dịch động Tỳ Bà, nàng trổ hết ngón nghề ép thầy gửi cơn mưa móc nhưng thầy như gang như thép một mực từ chối. Đến nỗi thân phụ thầy - nhà văn Ngô Thừa Ân - đặt tựa đề cho hồi thứ năm mươi lăm có ý ngợ khen:
“Dâm tà bỡn cợt Đường Tam Tạng 
Đứng đắn kiên trì chẳng hoại thân”
Nhưng cũng sự việc đó ở phim Tôn Ngộ Không của nữ đạo diễn Dương Khiết, xem ra thầy không được cứng cõi thế…Vậy có thể coi nữ đạo diễn nọ xuyên tạc hình ảnh Hòa thượng Đường Tăng không.
- Ồ! Không, hoàn toàn không, bần tăng phải nói thật, người sinh ra ta là cụ Ngô Thừa Ân không hiểu đúng bần tăng trong tình huống ấy bằng mấy trường đoạn phim Tôn Ngộ Không của nữ đạo diễn Dương Khiết .
- Dạ…nghĩa là…
- Nghĩa là khi bị người đẹp ở Động Tỳ Bà dụ dỗ bần tăng không gang thép như nhà văn mô tả mà đã bắt đầu phừng phừng ham muốn như một người đàn ông chân chính. Phép thuật của người đẹp siêu việt đến nỗi tài nghệ như Tôn Ngộ Không đã từng làm trời sợ mà phải ôm đầu kêu đau oai oái, tìm đường thoát thân. Thế là, người đẹp kéo ta vào phòng kín…bản thân nàng séc xi một trăm phần trăm…
- Dạ, con thấy trong phim thầy có chống cự lại…
- Thì cũng chống cự cho ra vẻ ta đây là người tu hành. Nhất là khi người đẹp vứt cây tích trượng, ôm chặt bần tăng vào lòng, lột phăng áo cà sa … May thay, vào chính lúc thiên nan vạn nan ấy Hành Giả được Mão Nhật Tinh Quân trợ lực phá cửa xông vào cứu bần tăng khỏi bị mất nguyên dương, gìn giữ được phẩm giá. 
 - Bạch thầy, con vô cùng cảm thông với hoàn cảnh ngàn cân treo sợ tóc của thầy trước sự dụ dỗ chết người ấy. Chỉ thất vọng về vai trò lãnh đạo toàn diện và triệt để của thầy trong quá trình đi cầu đạo…
- Thí chủ thất vọng về bần tăng lắm sao.
- Dạ, hẳn thầy còn nhớ hôm ở Bạch Hổ Lĩnh thầy kiên quyết viết văn thư đuổi thẳng cánh Tôn Ngộ Không, cho dù anh ta khẩn khoản xin thầy ở lại…
- Có chuyện đó, vì trong chưa đầy một canh giờ Hành Giả lần lượt giết chết ba mạng người làm bần tang quá hãi hùng…Hành Giả đã khẩn thiết khẳng định ba người ấy là do yêu tinh Bạch cốt phu nhân biến hóa ra…Nhưng bần tăng lại nghe lời xúc xiểm xuyên tạc của Trư Bát Giới, xử oan sai Hành Giả.
- Dạ, hậu quả của việc thầy đuổi Ngộ Không như thế nào ạ
- Đấy là sai lầm quá lớn của bần tăng, nên sau đó phải chịu nỗi nhục nhớ đời. Yêu tinh Hoàng Bào ở Ba Nguyệt Động đã biến bần tăng thành con hổ lông vàng, tống vào rọ, bỏ đói.
- Dạ,Thầy có cảm nghĩ gì khi được Phật tổ phong danh hiệu Chiên đàn Công đức Phật.
- Bần tăng có tâm trạng áy náy về hai từ công đức… công lao bảo đảm an toàn chuyến đi chủ yếu của Tôn Ngộ Không, còn đức… than ôi, đôi khi bần tăng thất đức, luôn bênh vực Trư Bát Giới tham lam trí trá, đọc thần chú hành hạ Ngộ Không cho dù anh ta vô tội. Bần tăng thấy mình đa nghi, độc tài, cao ngạo, nhu nhược, lú lẫn … Lúc nhỏ bần tăng học thuộc Mạnh tử với lời dạy “Dân vi quý” nhưng khi lãnh đạo đoàn thỉnh kinh thì coi dân, đại diện là Tôn Hành Giả như cỏ rác.
- Dạ, xin thầy trở lại câu hỏi của con rằng Phật tổ quy tiên trên một ngàn năm mà thầy còn gặp được.
(Thầy Đường Tăng rút chiếc đồng hồ quả quýt giắt lưng coi giờ rồi nhẹ nhàng)
- Xin phép thí chủ, đã đến giờ bần tăng phải thuyết giảng Sám pháp nguyện cho chư Phật tử… Bần tăng tư vấn cho thí chủ hãy đọc kỹ mục HƯ CẤU NGHỆ THUẬT ở trang 165 sách Thuật ngữ văn học của học giả Lại Nguyên Ân…Có khi thí chủ hiểu rõ hơn chính bần tăng trả lời.
- Dạ, con ngàn lần hoan hỷ cảm ơn thầy, xin bái biệt, bái biệt.
------------------------------------------------


(2) Những dòng trong ngoặc kép là trích từ tiểu thuyết thần thoại Tây Du kí của Ngô Thừa Ân
(3.5.2017)