Thứ Tư, 12 tháng 4, 2017

Hải Đăng mũi Điện


3. Từ chùa Thanh Lương, chúng tôi quay xuôi về nam qua TP Tuy Hòa về Hải Đăng mũi Điện. 

Bắt đầu từ đây, tôi đọc thêm blog Hoài Nhân để hiểu về miền đất Phú Yên. Nơi anh qua, những cảm nhận thật đặc biệt. 
Anh viết: "Đến hải đăng Mũi Điện có 3 điều thú vị sau đây:
- Được hưởng cảm giác chinh phục cực Đông của Tổ quốc, và nếu tới đây vào sáng sớm sẽ được cảm giác đón ánh bình minh đầu tiên của ngày mới trên đất nước Việt Nam. Đây là mục đích chính của các bạn phượt hoặc các bạn du lịch tự do.
- Được tham quan một trong những ngọn hải đăng lớn nhất và cổ xưa nhất Việt Nam (dù rằng trên thực tế hải đăng này mới được xây dựng lại chưa tới 20 năm).
- Từ trên ngọn hải đăng được ngắm nhìn bao quát bãi biển tuyệt đẹp phía dưới. Đó là bãi Môn, nơi đã được đưa vào bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh."


Qua vùng Tuy An, xuôi về thành phố, những xóm làng và con đường mới mở rộng. Dọc QL29, xe đi qua những bãi biển ngắt xanh, bãi Ngà, bãi Gốc trải dài ven lộ biển, qua cầu Hùng Vương sông Đà Rằng và cầu Đà Nông trên sông cùng tên gọi (phía thượng nguồn gọi là sông Bàn Thạch).
Cầu Hùng Vương
Cầu Đà Nông
Thi thoảng gặp bên đường QL29 những vạt phơi con moi biển. Cháu nội tôi rất thích ăn món này, nhưng xe chỉ ngang và ngắm qua.


Bãi Ngà dài và đẹp hoang vắng, gặp dấu tích con người là sự san lấp một dự án nào đó. Qua bãi Gốc với cận kề núi non. Háo hức đi mũi Điện, cảm giác ấy cũng trôi nhanh. Công nhận rằng đường biển ven bãi Ngà, ngang qua sân bay Đông Tác (sân bay Tuy Hòa), dù còn ngổn ngang nhưng đoạn đường rộng, vắng xe, chạy vòng sát biển với view đẹp tới mức sững sờ. Còn đây là hình ảnh qua bãi Gốc.




Bãi Gốc
Rồi, đã thấy mũi Điện đâu đây.

Biển một bên và đường một bên

Đứng trên cầu mũi Điện, chụp con lạch đổ vào bãi Môn.


Bãi Môn với những đẹp mê, chup trên đường lên hải đăng.



Phải dừng hơi lâu để chụp ảnh cho các bạn cùng đoàn.

 
Bà giáo nghỉ chân để lên tiếp.


Từ trên Hải Đăng nhìn xuống.



Mũi Rạng Đông với bia Cực Đông.


Đã để ý, đường xuống Bãi Môn, quyết đi.



Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

Chùa Thanh Lương

Ngày thứ 2, đi đường Độc Lập dọc theo bãi biển Mồng 1 Tháng Tư, rẽ trái vào Lê Duẩn, rời thành phố Tuy Hòa, đến chùa Thanh Lương. Ngày mồng Một đầu tháng Ba âm lịch thanh nhã, cả đoàn như một cơ cánh đi chùa, vui tươi và thành kính.



Đường bờ biển mát lành trong gió sớm mai.


Thôn Mỹ Quang Nam, một làng chài nghèo thuộc xã An Chấn (huyện Tuy An - Phú Yên), chùa Thanh Lương bao năm qua bình dị, thưa thớt khách vãng lai. Ngư dân làng này chỉ làm một nghề duy nhất, đó là đánh bắt cá, quanh năm tiếp xúc với sóng to gió dữ, lời kinh tiếng kệ cầu an không thể thiếu vắng trong cảnh chồng đi biển, vợ ở nhà gửi lời cầu nguyện. Tôi chợt nhớ lại truyện ngắn thương tâm và đầy nhân văn của Chekhov: Đêm Giáng sinh giông bão, một phụ nữ trẻ đứng trên bờ biển lạnh buốt ngóng ra khơi xa đợi chồng về – một cảnh tượng có thể gây thương cảm cho bất cứ ngư dân nào trong làng. Mòn mỏi không một bóng thuyền. Trong vò võ chờ đợi và cô đơn, trách duyên, trách phận. Chekhov đã kết thúc câu chuyện của mình bằng một dấu lặng đến vô cùng: “Đêm Noel đó nàng đã yêu chồng.”
---------
Bắt đầu vào làng đã thấy nhộn nhịp một sớm mai mùa lộng cùng một buổi đi làm nơi trại nuôi tôm cá.


Mọi người nhường chỗ cho xe du lịch.


Bao đời sư trụ trì đến rồi đi không lưu dấu ấn. Thế nhưng hơn chục năm nay, ngôi chùa bình dị này lại mang trong mình một bức tượng Phật kỳ lạ, được ngư dân Phật tử nơi đây thờ cúng đó là một pho tượng được vớt lên từ Hòn Dứa ngày 24-12-2004. Một ngôi chùa bình yên như chùa làng quê tôi, thành nổi tiếng. Và từ đó cũng nhiều chuyện thị phi: Nào là năm 1912 có bà Bảy, 56 tuổi nào đó (tâm thần) tố cáo sư trụ trì, thầy Quảng Ngộ cho uống thuốc mê và hiếp dâm bà (lời tố thật hài). Sự thật có thể là cũng do sau khi pho tượng này thu hút nhiều khách hành hương, ngày 21/12/2007, HT Thích Nguyên Đức, Phó Ban thường trực THPGPY ký công văn số 095 về việc xin phép chính quyền cho di dời tượng Phật bà ra khu du lịch Sao Việt tại Gành Ông, xã An Chấn (Khu Du Lịch còn nằm trong dự án)...”. Sau bị Phật tử vạch trần thủ đoạn đê hèn của các sư quốc doanh cùng lợi ích nhóm. Từ đó chùa Thanh Lương được yên ả giữa làng quê.

Từ thuở ban đầu với ngôi chùa Thanh Lương  nhỏ bé, nằm khiêm nhường một góc trời quê với gió biển và cát phủ lấp thời gian cũ kỹ. Thầy Quảng Ngộ một thân trơ trọi với chung quanh vô vàn thiếu thốn, đã vận động bà con Phật tử hùn sức góp công tu bổ theo khả năng hiện có để ngôi chùa Thanh Lương dần được khắp nơi biết đến với công hạnh đó của Thầy.

2. Một số hình ảnh chùa Thanh Lương, Tuy An.

Thấy cổng chùa hình như luôn đóng, rẽ trái qua đường vào, bên là khu dân cư với những vườn dừa nhà thấp, ngói "tây" (ngoài bắc không thấy dùng nữa)
      




Phía trước ngôi chính điện là hồ Long Thủy, bức tường che bờ là các tranh đắp về Pháp Tướng Quán Thế Âm Bồ Tát, nếu đủ thì Quán Thế Âm có 33 Pháp Tướng, nhưng chưa thấy đắp hết. Bóng tranh lung linh huyền ảo trên mặt hồ sớm ngày Sóc thanh tịnh, tâm linh.






Nhiều ngôi chính điện chùa được làm bằng sành sứ, mảnh ve chai, nhưng ở đây với những mảng san hô biển khơi, tưởng vô dụng đã tận dụng làm vật liệu trang trí mặt ngoài và chung quanh chính điện. Phần nội thất là những miếng muỗng dừa thô ráp, được xử lý để trở nên nguyên liệu chính trang trí. 



Thật là môt ý tưởng độc đáo cho ngôi chùa làng biển này mang nhiều “dư chấn” từ những bước đi của Bồ tát Quan Âm từ biển xa khơi ngàn về ngự tọa chốn Thanh Lương.

-----

Trong chính điện, bên trái là tượng Pháp tướng Quán Thế Âm Bồ Tát (như là pháp tướng Vô úy Quán Âm, ở đây có 3 mắt, tay cầm binh khí (gươm), nhưng không thấy có 4 tay.

-----
Giữa Chính điện là tượng A Di Đà với pháp ấn Địa xúc.


-----
Phía bên phải là tượng ADi Đà với thế tay Giáo hóa ấn.


Toàn bộ tượng chùa đều thông suốt một giải pháp về điêu khắc kiến trúc: Ngoài chính điện có 2 tượng A Di Đà với 1 tượng Quán Thế Âm. Còn lại các tranh đắp bên hồ, tượng gỗ lũa tạc theo tượng rước từ biển, tượng gỗ trong Điện Quán Âm Linh Ứng vớt từ biển và tượng dưới tán cây cổ thụ đều là tượng các Pháp tướng của Quán Thế Âm Bồ Tát. Tập trung vào suy nghĩ sâu sắc, biểu hiện sự an ổn. 
Chùa làng bình dị như vậy trong một không gian bao rộng như lòng người dân biển miền Trung. Ở ngoài bắc với ngôi chùa to và rộng như này, sẽ có nhiều khu tượng, kể cả dãy Thập điện diêm vương, hai hàng 18 vị bồ tát la hán và vô số những bát hương đĩa đựng cùng hòm công đức.

Tượng gỗ trong Điện Quán Âm Linh Ứng vớt từ biển




-------
Tòa Điện Quán Âm Linh Ứng.



Một hang đá phía sau Điện, bên phải. Chắc là mô tả vách đá đảo hòn Dứa nơi vớt tượng. Thấy kỳ kỳ. Cái này thật thà quá, lại tốn tiền.



-----
Thành tâm.



--------------------

Gửi mấy đồng cho bà cụ quét chùa. Bà giáo vào gặp nhà sư, công đức. Thấy bữa ăn sáng của sư trong này đạm bạc. Không thấy có máy lạnh, giải khát có ga như sư miền bắc quê mình.

----------
Bài tôi viết đã quá dài, các bạn chịu khó đọc. Các phần bài sau sẽ lược bớt tình tiết vi vu.

Cận cảnh với những mảng san hô biển khơi trang trí mặt ngoài và chung quanh chính điện.

Thứ Hai, 3 tháng 4, 2017

Tháp Nhạn về đêm

Sau khi thỏa thuê vũng vẫy biển Tuy Hòa đoàn đi thăm Tháp Nhạn trước bữa ăn. Cái háo hức của tâm trạng thăm địa danh đầu tiên trong hành trình khiến mọi người đều râm ran bàn tán. 

Cầu Hùng Vương bắc qua sông Đà Rằng
Trong lịch sử, người Việt chỉ cần 200 năm để vượt sông Thu Bồn, Đồng Nai, MêKông và đi đến tận cùng đất mũi Cà Mau. Nhưng chúng ta phải mất 400 năm mới vượt qua bờ sông Gianh để có thêm châu Ô, châu Lý và mở ra một lộ trình mở đất nhọc nhằn.

- Năm 1471, vua Lê Thánh Tông thân chinh cầm quân đánh Chăm Pa đến tận đèo Cả. Tuy nhiên sau đó Lê Thánh Tông chỉ sát nhập vùng đất từ đèo Hải Vân tới đèo Cù Mông (phía bắc Phú Yên) vào lãnh thổ Đại Việt. Vùng đất Phú Yên vẫn thuộc quyền quản lý của Chăm Pa với tên gọi Ayaru.
- Từ năm 1570, Nguyễn Hoàng tấn công vào thành Hồ, là thủ phủ của Chăm Pa tại vùng Ayaru (Phú Yến), thành Hồ bị thất thủ, từ đó vùng đất Ayaru là nơi tranh chấp thường xuyên giữa người Việt và người Chăm.
- Năm 1611, Nguyễn Hoàng sát nhập Ayaru vào lãnh thổ Đàng Trong với tên gọi Phú Yên. Tên gọi nầy do chúa Nguyền Hoàng đặt với ước nguyện về một miến đất trù phú, thanh bình trong tương lai. 

2. Tháp Nhạn

Tượng Bà trong tháp Nhạn

Phú Yên với 9 đơn vị hành chính, có có 5 nơi chủ yếu đồng bằng. 
Một ngọn núi nằm giữa lòng thành phố bên một con sông lớn là điều kỳ lạ. Tháp Nhạn là thắng cảnh tiêu biểu nơi đây, cũng như sông Đà Rằng vậy, nên chứa nhiều huyền tích. Như 
Huyền thoại bà chúa khai sáng người Chăm; việc xây dựng ngọn tháp trên núi Nhạn của ông Lương Văn Chánh giao tranh với quân Chiêm Thành. (như kiểu ông Đùng bà Đùng gẫy gánh ra hai hòn núi - để lý giải việc núi giữa đồng bằng). Có giải thích rằng tên núi Nhạn vì nơi đây xưa có nhiều chim nhạn, tôi không tin lắm vì có lần nghe tên Lũng Cú mạn Hà Giang vì trên núi có nhiều cò, cú... hơ hơ... 

Tháp Nhạn tên gọi trong tiếng Ê-Đê và Jarai gọi là tháp KơHmeng. Phải chăng cuộc xâm chiếm của người Việt tạo lên sự di cư liên tục chủa người Chăm lên vùng Cheo Reo và hợp với dân bản địa thành nhóm tộc mới Anak Jarai, mà tên tháp vẫn còn ghi lại theo tiếng Jarai vậy. 



Xe 45 chỗ lên tận khu chân tháp. Trời đêm, mọi người mải mê chụp cái rực rỡ của kiến trúc Chăm trong ánh sáng chiếu từ chân tháp. Có mỏm núi cao bên cạnh, tôi lên thấy có tượng Phật Bà bên ngôi miếu của một gia đình cung dựng. Thấy kiến trúc này không hòa hợp lắm. Tín ngưỡng Chăm có chăng chỉ đôi chút hòa với Phật giáo Nam tông Khmer.





Núi Nhạn (ảnh sưu tầm)
Phía trái là đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Phú Yên



Tượng Phật Bà trên núi Nhạn

Tháp Nhạn, nhìn từ quán Sông Ba.
đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Phú Yên (nhìn từ quán Sông Ba)
Câu chuyện về công trình này thú vị lắm (Khởi công từ 1983, hoàn thành 2007, tức là trước Phú Khánh dựng sau Phú Yên hoàn thành); Lúc đầu tượng đài có tượng (là một bà mẹ soi đuốc, một chiến sĩ cầm súng xông lên, một em bé cầm sách đi học) quay mông vào tháp Nhạn để ngắm cánh đồng Tuy Hòa. khi thi công lên đến sàn mái và một phần trụ đài, thì xảy ra sự cố, xuất hiện các vết nứt ở hai cánh mái sảnh chính (phía Tây - Nam). Việc xử lý sự cố kéo dài, rồi ngừng hẳn khi tách tỉnh Phú Khánh. Công trình được thiết kề sau này đã xử lý tốt phần tâm linh. Đài không có tượng, hướng về tháp.  Ngôn ngữ của kiến trúc để nói lên được câu chuyện của tâm linh: Hình ảnh một đàn chim nhạn nối nhau bay cao, bay xa.  
May mà 14 năm đó cánh đồng lúa Tuy Hòa vẫn tươi xanh.


đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Phú Yên
Ảnh sưu tầm trên internet
-------
Về quán Sông Ba bên Đà Rằng ăn cơm tối, ngắm sông. Tiêu chuẩn ăn 130k/ bữa. Hải sản Tuy Hòa thật tươi ngon.

Nơi miền Trung vào trong nớ, những người bán vé số, đồ ăn thêm, hát rong không bao giờ bị chủ quán rầy la. Khác với Bắc nhiều lắm, tửng tưng quay đi khi họ đến bên bàn. 
Chợt nhớ những lần lũ lụt ngoài ni, chỉ một người trưng cái hòm bên chợ, người người bỏ tiền vô. Hồn nhiên như nghĩa vụ.

Người hát rong bên quán Sông Ba.

Sông Đà Rằng về đêm- bên quán Sông Ba.