--------------------------------------
Điêu khắc, những chu kỳ đổi thay
Cùng với chính trị biến động, văn hóa hưng suy, nghệ thuật thăng trầm, điêu khắc cũng có những phát triển hoặc phân hóa dữ dội.
Ngay từ xa xưa, trong
những không gian vật chất luôn có mối quan hệ cộng sinh giữa điêu khắc và kiến
trúc. Đôi khi hình thức điêu khắc thoát ly đặc trưng kiến trúc, nhưng về cơ bản
chúng không tách rời nhau, luôn bổ sung cho nhau và cùng tập hợp lại trong một
trật tự hay cấu trúc có ý thức nhằm tạo nên một chỉnh thể thiên nhiên văn hóa.
Tượng Nhân sư ở Ai Cập
Điêu khắc gần
với kiến trúc theo nghĩa nó gọt đẽo một vật cảm quan. Điêu khắc cho phép ta
chiêm ngưỡng cơ thể người và tinh thần được dung hợp thành một toàn thể gắn
bó.. Kiến trúc tạo phông nền, thỏa mãn mọi nhu cầu của một đời sống thực; điêu
khắc hướng tới việc gây dựng một thế giới ảo, khó định tính hay đong đếm. Kiến
trúc khống chiếm diện tích lớn rộng; điêu khắc tìm về một kích cỡ nhỏ bé, khiêm
tốn hơn. Kiến trúc thỏa mãn công năng; điêu khắc nhỉnh hơn ở khả năng thoát bỏ
những vỏ bọc vật chất, hình hài, màu sắc chất liệu để bày tỏ một quan
niệm nghệ thuật cũng như thái độ sống của một thời đại. Kiến trúc hướng tới
không gian; điêu khắc không chỉ mô tả thời gian…
Hiện diện của thần
quyền
Trải qua nhiều biến
động, lịch sử cổ đại vẫn kịp để lại dấu ấn khó phai trên những tác phẩm điêu
khắc và kiến trúc. Khao khát dâng hiến niềm tôn kính và nỗ lực sáng tạo của
nghệ sĩ – kiến trúc sư đã hòa quyện, hợp thể kiến trúc và điêu khắc thành những
lời tụng ca sức mạnh siêu nhiên của một đời sống ngoài hiện thực trần gian, chỉ
thực sự trú ngụ trong trí tưởng tượng của con người. Cùng với kinh kệ, giáo lý,
ngôn từ, hội họa…, kiến trúc và điêu khắc trở thành một cầu nối giữa ước vọng
sống, giữa niềm tin, đức tin và thế giới tôn giáo, tâm linh.
Điêu khắc “Đàn bà nằm”
của Henri Moore
Sẽ hình dung ra thế
nào một Ai Cập cổ đại đã bị thời gian, sự hoang dã của sa mạc phế bỏ, vùi lấp
mất những lăng mộ Pharaon hay tượng Nhân sư? Các đền đài Hy – La sẽ chẳng lưu
giữ được bao nhiêu vẻ quyến rũ, nếu bên các hàng cột, dọc theo các hành lang
hay chạy suốt chính điện thờ lại thiếu đi những câu chuyện bằng đá mô tả đời
sống huyền hoặc của các vị thần? Văn minh Ấn Độ sẽ nhạt nhòa đến thế nào, nếu
vắng bóng những điêu khắc phồn sinh trên những đền thờ từ thời Sanchi? Thật khó
hình dung dọc bờ biển Trung Hoa ở Macao, Hong Kong hay Đà Nẵng ở Việt Nam lại
thiếu những điêu khắc Quán Thế Âm Bồ Tát?
Điêu khắc Quán Thế Âm
Bồ tát ở Macao
Trên một hiện trường
xa thẳm của văn hóa, lịch sử chỉ có thế giới Hồi giáo là từ chối điêu khắc như
một công cụ để vinh danh Thượng đế và đấng tiên tri.
Môi giới quyền lực thế
tục
Lịch sử điêu khắc cận
đại, hiện đại thì ghi nhận một thời đoạn mà thần thánh dần nhường chỗ, hoán đổi
và chuyển giao vai trò tự trị cho con người. Con người – những sinh linh nhỏ
bé, đáng thương đã vội vàng nắm bắt lấy những phương tiện, công cụ hữu hiệu
nhất để tự giải thoát bản thân khỏi những nhọc nhằn mưu sinh, cố giành đoạt
quyền lực, luôn thèm muốn mở rộng lãnh địa chiếm hữu. Máy móc, công nghệ, vũ khí,
chiến tranh… dần mách mối cho con người tự khám phá và phát lộ ra những sức
mạnh, quyền năng ghê gớm của chính mình. Chỉ một thoáng mong manh ấy thôi cũng
đủ khiến đồng hồ văn minh vùn vụt lướt qua hàng thế kỷ. Điêu khắc và kiến trúc
đã gắng hết mọi nỗ lực để thay đổi, biến hóa gương mặt đô thị hoặc tất cả các
trung tâm mà con người tụ sinh.
Vết dấu mà hậu sinh
còn cơ hội chứng kiến và khám phá những giá trị tinh thần từ quá khứ, chính là
các tượng đài cực kỳ hoành tráng.
Trích đoạn đài phun
nước Người Áo chinh phục biển cả ở mặt tiền Quảng trường Hofburg
Tác phẩm kiến trúc
cảnh quan của KTS John Nash đã làm nền cho Cột Nelson cao vút ở Quảng trường
Trafalga London (Anh). Tác phẩm điêu khắc ghi nhớ vị anh hùng vĩ đại nhất của
Anh quốc trong chiến tranh và cũng là vị chỉ huy thủy binh kiệt xuất nhất trong
lịch sử nước này. Trận chiến này không chỉ là chiến thắng quan trọng nhất của
quân Anh trong những cuộc đối đầu chống Napoléon. Nó mở ra một kỷ nguyên mới,
trật tự thế giới mới.
Tượng đài Hoàng đế
Wilhelm I ở thành phố Koblenz (Đức)
Hoặc là tượng đài
Hoàng đế Wilhelm I ở thành phố Koblenz (Đức). Trước sự hòa hợp của hai con sông
lớn Mosel và Rhein, tổ hợp kiến trúc – điêu khắc hoành tráng này là nơi tưởng
niệm và nhắc nhở đến một nước Đức thống nhất.
Trong Khu Tưởng niệm
Quốc gia trên núi Rushmore gần thành phố Keystone, bang South Dakota (Mỹ) là
một tác phẩm điêu khắc bốn vị Tổng thống George Washington, Thomas Jefferson,
Theodore Roosevelt và Abraham Lincoln. Tác phẩm được tạc vào khối đá granite
của cha con Gutzon Borglum đã trở thành biểu trưng cho lịch sử 150 năm đầu tiên
của Hoa Kỳ.
Ở đại điện Hendelplatz
(Áo), nổi bật điêu khắc của Thái tử Karl. Con ngựa chiến tung vó như báo hiệu
những bất an của cả châu Âu và thế giới khi Đại chiến thứ nhất bùng nổ…
Hướng tới giá trị nhân
bản
Mấy thế kỷ qua, cùng
với chính trị biến động, văn hóa hưng suy, nghệ thuật thăng trầm, điêu khắc
cũng có những phát triển hoặc phân hóa dữ dội. Sự tôn vinh các anh hùng dân
tộc, khúc khải hoàn ngợi ca những con người tạo nên chuyển biến lịch sử nhân
loại và sự khẳng định uy quyền thế tục đã dần biến đổi.
Điêu khắc Thời gian của Dali
Điêu khắc Thời gian của Dali
Ở không ít các xứ sở
của độc tài, toàn trị, điêu khắc đã mau mắn góp phần bơm bít, tạo dựng những
giá trị ảo, phi nhân. Mỗi tác phẩm đều hớt hơ hớt hải, cuống cuồng biến thái
thành công cụ cho một thứ chủ nghĩa sùng bái cá nhân. Nghệ thuật lạnh lùng trở thành
phương tiện khủng bố tinh thần dân chúng.
Trong khi đó, ở những
xã hội có xu thế tiến bộ, điêu khắc hướng tới âm thầm ca ngợi vẻ đẹp sâu kín
trong tâm hồn con người. Tiếp đến, vẻ đẹp lãng mạn được thay thế bởi những cảm
xúc đa dạng, đa chiều, phức tạp hơn của con người thời hiện đại. Những biến cố
trong đời sống, những bi kịch, đau khổ trong tâm thức, nỗi hoang mang lo sợ về
hiện tại, khả năng mất định hướng trong tương lai cũng được khai thác như những
đề tài đầy nhân văn.
Hình thể nhường chỗ
cho cảm xúc. Sự suy ngẫm, chất trí tuệ được đề cao. Cái bắt mắt được thay thế
bởi khả năng nhận thức sâu sắc hơn những biến đổi về thân phận con người. Ý
thức khai sáng trong từng tác phẩm điêu khắc như được hiện diện trong mỗi góc
gallery, bảo tàng, công viên hay quảng trường…
“Alison Lapper mang
thai” của Marc Quinn
Nguồn cơn đó, xu thế
đó đã thúc đẩy điêu khắc “Alison Lapper mang thai” của Marc Quinn – điêu khắc
gia hàng đầu của nước Anh xuất hiện tại Quảng trường Trafalga, London. Đặt bên
cạnh và ngang bằng với các vị thần, các bậc anh hùng nước Anh trong thế kỷ 19
như vua George IV, Sir Charles Napiner, tướng Henry Havelock… là một cô gái tật
nguyền, một nghệ sĩ tạo hình, một biểu tượng của cuộc đấu tranh không ngừng
nghỉ, mệt mỏi trước những rủi ro, bất hạnh của phận người.
Marc Quinn đưa ra một
thái độ, cách cảm nhận từ tác phẩm của mình: “Thay vì sáng tác hình tượng một
ai đó chinh phục thế giới bởi sức mạnh của quân đội, tôi muốn thể hiện một
người đang phải đương đầu với bất hạnh trong cuộc sống hằng ngày, một người
đang sống một cách viên mãn và cũng để thể hiện tương lai”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét