Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

Lục Trúc ngõ




Đó là một con ngõ không tên. Ngõ ấy mọc nhiều trúc xanh, người ta gọi là Lục Trúc hạng, là ngõ trúc xanh.
Ông già ở trong ngõ trúc ấy cũng không có tên. Ông ở trong con ngõ đầy trúc xanh nên được gọi là Lục Trúc Ông.
Trong ngôi nhà ở rừng trúc, nơi mà Lệnh Hồ Xung đã gặp Nhậm Doanh Doanh và lầm tưởng là Bà Bà vì chàng không được thấy khuôn mặt thật của nàng.
Một cuộc gặp gỡ không bình thường. Phải chăng đó là do số mệnh?
Sau mành trúc, Bà Bà ngồi bên cây đàn thất huyền chơi bản Thanh Tâm Phổ Thiện Chú, lúc thì hỏi han, khi thì dạy dỗ, lúc lại cùng chàng chiêm nghiệm sự đời ấm lạnh của thế gian. Nhưng sau lớp lụa mỏng, những sắc thái tình cảm từ giản đơn đến phức tạp chảy tràn qua gương mặt thiếu nữ. Khóe mắt trắc ẩn, đôi mày khẽ chau, bờ môi cắn nhẹ. Nàng nghe một gã nam tử nói về tình yêu của gã dành cho một cô gái khác. Nghe mãi, nghe mãi, cảm thấy như thể mối tình tuyệt vọng và buồn đau kia đã biến thành của nàng từ lúc nào không hay. Nhạc Linh San, cô mười sáu tuổi và có một người yêu cô đến thế? Còn Nhậm Doanh Doanh nàng, đã mười tám và sao lại không?
Lệnh Hồ Xung có được phong thái tiêu diêu, lãng tử một phần cũng nhờ tiếng đàn. Âm nhạc giúp cho chàng sống tự do tự tại, làm một lãng tử đích thực. Đó là một cuộc sống lý tưởng, hiếm hoi chốn giang hồ.

Tôi không biết liệu trên đời này có tiếng đàn nào xanh như tiếng đàn Doanh Doanh trong ngõ trúc nhỏ ở thành Lạc Dương thuở ấy không? Bởi tiếng đàn ấy là tiếng đàn ‘vô thanh’. Kim Dung không là nhạc sĩ, ông chỉ tả nó bằng lời chứ không bằng những nốt nhạc cụ thể. Và cũng bởi vì thế, nó mặc nhiên mang cả cái không khí yên bình của cái ngõ nhỏ mọc đầy trúc xanh, mặc nhiên mang luôn cái ánh nắng xanh biêng biếc của lá trúc rập rờn dưới nắng, và cũng mặc nhiên mang cả mối tình nhẹ nhàng, kín đáo mà đằm thắm của cô gái Doanh Doanh gửi gắm vào trong tiếng huyền cầm.

Mà cũng chỉ vì cái đoạn sách ấy của Kim Dung mà tôi vẫn thỉnh thoảng hay thơ thẩn nghĩ về một tiếng đàn xanh, hay một giọng đàn tỏa ánh sáng xanh …



Lục Trúc ngõ, Lạc Dương thành và Thanh Tâm Phổ Thiện Chú


PS.
Một lần, trọng thương tái phát, theo thói quen Lệnh Hồ Xung vẫn đến ngõ Lục Trúc tìm người. Lần gặp đó, đôi bên chỉ trò chuyện qua lại vài ba câu ngắn ngủi, rồi Bà Bà lại gảy đàn như mọi khi. Lệnh Hồ Xung ngồi nghe, thần trí đang tỉnh táo bỗng dần trở nên mơ hồ, đầu lâng lâng, ngả lưng trên sàn trúc mà chìm vào giấc ngủ.
Tỉnh dậy, chỉ thấy nắng đầy bên song, gió thổi rì rào phía rừng trúc xa xa, Trúc Ông hiền từ đang ngồi bên mỉm cười nhìn chàng. Vội vàng đa tạ rồi cúi đầu nhận lỗi, vì đã lỡ ngủ thiếp đi trong lúc Bà Bà tấu nhạc cho nghe.
Lúc bấy giờ, mới nghe Trúc Ông nói rằng, "khúc nhạc Bà Bà tấu khi nãy có tên là Thanh Tâm Phổ Thiện Chú, vốn dùng để giúp người nghe thả lỏng nghỉ ngơi, lợi trong việc chữa trị thương thế, Bà Bà hẳn đã có ý muốn thiếu hiệp ngủ một giấc thật đầy."
...

Trong tiếng nhạc nghe như có tiếng nước chảy, ngập ngừng rồi lại xôn xao như lăn tròn và vỡ tung trên mặt lá. Không gian ngập một sắc lam của trúc xanh nơi rừng vắng, cũng gợi nên cảm giác về một nơi chốn yên bình và thân thuộc như mái hiên của ngôi nhà thơ ấu của chúng ta. Với những khán giả từng xem qua bản phim Tiếu Ngạo được dựng năm 2001, khi nghe nhạc, hẳn không nhiều thì ít sẽ nhớ đến khoảng thời gian vô cùng thi vị giữa chàng Lệnh Hồ và Bà Bà dù nó chỉ diễn ra qua một vài tập phim ngắn ngủi nơi ngõ Lục Trúc.

Về sau này, tôi vẫn thường nghe đi nghe lại bản nhạc ấy, nghe trong những lúc mệt mỏi, nghe vào những khi trong lòng có vết thương cần được chữa lành. Đôi khi chỉ nghe vì nhớ nhung âm hưởng trong lành và thanh tĩnh của nó, chỉ nghe vì muốn lòng mình cũng được thanh tĩnh và trong lành như thế.

Khóm trúc xanh xanh dưới nắng vàng
Cô thôn quạnh quẽ... Tiếng cầm vang
Lữ khách dừng chân bên ngõ vắng
Tao ngộ cùng nhau một tiếng đàn

16 nhận xét:

  1. PV nói về truyện kiếm hiệp thật là tuyệt vời. Ngày còn trẻ Tám cũng hay đọc truyện Kim Dung. Phải công nhận những mối tình trong truyện KD thật là đẹp.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Tám đã chia sẻ.
      Bây giờ mới có điều kiện đọc lại Tám à!

      Xóa
  2. Thật tuyệt
    Bi tui có cái tủ sách trên 2000 quyển nhưng không có lấy một chữ của Kim Dung. Biết tài nghệ ông rát kỹ nên không dám đọc, sợ ghiền mà bỏ những thứ khác. Đây là lần dầu đọc Kim dung...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bu thông kim bác cổ mà bỏ đi KD thì thật là mất mát đó.
      Chào Bu!

      Xóa
  3. Bà già này thì đọc Kim Dung từ thủa bé, lúc nào không đi học thì cắm đầu vào đọc.. nhưng bây giờ lại quên mất rồi. Đọc bài viết này lại muốn tìm lại bộ sách Kim Dung xưa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những mối tình mà Kim Dung xây dựng thì luôn làm nao lòng người.

      Xóa
    2. Nao lòng hồi còn trẻ
      chớ bi chừ đọc lại có còn nao không TTm ơi!

      Xóa
    3. Để hôm nào về đọc lại rồi M sẽ trả lời cho anh sau nhé Anh Bu ơi!

      Xóa
    4. Cảm ơn các Bạn đã luận bàn ... nao lòng hồi còn trẻ.

      Xóa
  4. Tiếng đàn thánh thót ngân vang
    Cung trầm cung bổng ngỡ ngàng tao nhân

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Clips tôi làm vội để minh họa cho bài viết.
      Tiếng đàn tranh thật mê hồn.
      .
      Chào Én!

      Xóa
  5. Cảnh ấy, tiếng đàn ấy, người ấy...không nao lòng mới lạ nhỉ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào Bạn thăm nhà.
      Cảnh ấy, tiếng đàn và Bạn là những niềm vui.

      Xóa
  6. Trả lời
    1. Cảm ơn Bạn ghé thăm.
      Mến yêu Thánh cô Hứa Tịnh.

      Xóa
  7. tôi cũng rất thích đoạn này trong TNGH. bức ảnh Ngõ Trúc thật đẹp.

    Trả lờiXóa