Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

Mây trôi man mác


Hoa muống biển

Mây trôi man mác
Truyện ngắn của Phan Cung Việt.
Thú thực, đi biển đã nhiều lần nhưng chỉ lần tìm đến xứ biển này, tôi mới thực sự thấm thía câu thơ của Nguyễn Du:
“Buồn trông cửa biển chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông dợn nước mới sa
Mây trôi man mác biết là về đâu?!”…
Cửa biển chiều, ở cửa ngõ miền Trung, mùa xuân, dợn nước sa như dòng mực xanh tím. Mây trôi man mác như giấy trắng. Đúng là thấp thoáng. Đúng là buồn trông. Đúng là “về đâu”!...
Tôi thả bộ dọc theo bãi cát hoàng hôn, tìm nơi gội đầu. Xứ này nghe nói nhiều cửa hiệu mà người gội toàn đàn ông. Đàn ông gội đầu cho đàn ông, chán chết! Bởi vậy tìm rất khó. Cuối cùng bước vào một quán nhỏ, nằm khuất cuối một bờ cây gì không rõ tên tuổi ở biển, đơn giản nhưng có nét ngăn nắp.
Như mọi quán gội sang trọng ở những đô thị lớn mà tôi từng sống và đi qua, tấm gương khổ rộng trong suốt nhìn được cả cảnh biển chiều, đặc biệt hai chiếc ghế da có vẻ đẳng cấp, kiểu cao thấp cấu trúc khác nhau. Về sau mới biết đó là chiếc ghế dùng vào hai việc cắt tóc và gội. Trên tường tôi nhìn không rõ, có cảnh xưa như là cờ xí trống hội, ảnh người to nhỏ không rõ là người gia đình hay diễn viên trang trí. Anh con trai đẹp nhưng gầy (chắc tay gội đàn ông)? “Đây vừa cắt, vừa cạo, vừa lấy ráy tai, gội… làm tất, từ A đến Z”. Giọng không ra đùa không ra thật. Rồi chỉ sang chiếc ghế da nhỏ hơn có tay tựa inox sáng loáng: “Chú ngồi tạm, để đi gọi…” Gọi ai, đàn ông hay đàn bà, có chút hồi hộp!
Cô gái như ùa từ biển vào. Cứ nghĩ không có cơ may được cô gái gội cho, hỏi trống không: “Gội đầu?” Đôi mắt hiền và đẹp, dưới đôi lông mày đẩy lên cao như hai vầng trăng mảnh dẻ nhìn vào gương: “Vâng”. Chỉ biết cô gái tỏ ra nhân hậu, trước câu hỏi hách dịch, ngớ ngẩn của một người khách lạ có nét quái nhân.
Phải nói cô gái rất đẹp. Dáng vóc rất mô đéc. Nhưng đẹp nhất là sống mũi và bộ ngực. Mũi thẳng, thanh tú, chắc cả người đẹp phương Tây và phương Đông đều ganh tị với cô. Thoáng nhìn như diễn viên trong ảnh bước ra. Cô gái bận chiếc áo dệt màu biển để bộ ngực nhô cao dờn dợn như sóng. Nhìn sang, người đàn ông biến mất khi nào.
Đánh bạo:
- Chồng cháu?
- Không phải. Chắc chú nhìn cửa hiệu là “Lệ Hải”?
- Thường thì như vậy là một cặp uyên ương lập nghiệp nơi xa…
- Không, anh cháu mà? Thật đấy. Anh Hải.
Nhìn bộ đồ nghề cắt tóc rất chỉnh chu ở bàn bên cạnh, khách trở chứng sờ đầu mình, muốn cắt tóc trước, thậm chí cạo râu lấy ráy tai rồi mới gội, nhưng đôi tay cô gái đã chạm vào đầu, dầu gội đã bén vào chân tóc.
Cười, phô chiếc răng khểnh rất duyên:
- Vậy làm sao bây giờ đây?
- Đành vậy. Tùy.
- Anh (vâng… chú) chịu khó làm ngược chút vậy nhé. Gội trước rồi anh Hải cắt, cạo sau…
- Vâng, tùy em!
Cô gái cười. Chứng tỏ khác xa với các cô gái hời hợt và nhẫn tâm thời nay, cô có một sự cảm thông với con người từ kiếp trước.
- Chú bao nhiêu rồi. Tóc có sợi bạc sao không nhuộm như những người khác cho trẻ?
- Không muốn, của sao để vậy. Như một số phận…
Rồi mắt buồn nhìn mơ hồ lên hai tấm ảnh diễn viên trên tường. Người đàn ông ảnh riêng, khổ lớn, ảnh đen trắng. Người đàn bà ảnh màu nhạt, khổ nhỏ treo dưới. Đoán là ảnh gia đình.
Thú thực, cô gái gội chẳng khác gì những thợ gội sành điệu ở thủ đô, nghĩa là từ gội khô, gội ướt, rửa mặt. Nước gội vùng cát có độ mát rất khó miêu tả. Riêng cô gái có hai động tác mà tôi chưa từng gặp ở cửa hàng gội đầu quan trọng nào.
Trong gió biển chiều, bên cô gái đẹp, tôi thiu thiu mộng mị. Đôi tay cô gái chừng hai mươi tuổi mềm mại và cứng cáp khác thường, thon nhỏ và sắc nhọn cũng khác thường, như chiếc lược ngà mười ngón chải đều ra phía sau. Như thế thì ai cũng làm được khi gội khô. Nhìn vào gương, những vệt tóc dưới chiếc bàn cào cứ chạy thẳng tắp như trò chơi trẻ con trên bãi cát. Bất chợt hai cánh tay người đẹp khuỳnh ra hai bên như cánh chim hải âu sắp vỗ lên và cô bắt đầu “xóc tóc” như người ta xóc lên cả lượm lúa với từng bông lúa. Tóc đang nằm theo luống được xóc ngang xù lên rất lạ lùng tựa như một cụm bọt biển vừa trôi vào, trong khi bọt dầu gội cứ vỡ ra tanh tách. Tôi nhìn chiếc răng khểnh lộ ra trong gương:
- Em xóc tóc tuyệt quá!
Chiếc răng khểnh cười dè dặt, đôi mắt đẹp hiểu ra điều gì đó rất nhạy cảm của nữ tính liền nhìn mãi ra biển, như không nhìn lại vào gương nữa.
Tuyệt nhất là sau lần xóc tóc nhẹ, mười ngón tay chuyển lực thẳng và mạnh hơn, mỗi lần xóc tóc như nghe được cả mười tiếng gõ. Tiếng gõ hộp sọ dội mười âm thanh lạ lùng, như tiếng trống trận xưa, như tiếng chạm thuyền thời tiền sử ở các xứ biển. Cái đầu ương ngạnh và cảm giác lạ lần đầu tiên được đánh thức mạnh mẽ. Thức rồi lại thiếp đi.
- Anh… (à… chú) ngủ đấy à? Trước biển chiều dễ ngủ lắm!
Tôi mở mắt ngượng nghịu. Miệng lắp bắp như cơn mê “Cảm ơn… cảm ơn em!”…
Đôi mắt đẹp của cô gái vốn rất nhạy cảm, lại nhìn mãi ra bãi biển.
Sang khâu rửa mặt thì bàn tay cô gái cũng gây cảm giác khác hẳn các cô gái khác. Tức là mấy ngón tay thoa sữa lên mặt dìu dịu như sóng biển uốn lượn, với những đường hoa văn tựa như “múa tuồng” mà xưa nay tôi chưa gặp. Nhưng sự lạ này khó có gì để nói thêm. Tôi sướng đê mê, mắt mở to, nhìn gần hơn các tấm hình trên vách và nhận ra: cô gái có nét đẹp của người đàn ông và người đàn bà kia gộp lại.
Cô gái hiểu ý:
- Ba và mẹ em đấy! Anh Hải là anh cùng cha cùng mẹ của em…
- Em nói sao?
- Anh không hiểu à. Nghĩa là ba em có hai vợ, với tám người con. Anh Hải và em là con bà hai…
- Vậy gia đình hiện ở đâu?
- Sáu người con bà cả đều ở Bắc. Hai anh em em ở trong này. Ba mẹ em mất cả rồi, mất vì bệnh ung thư. Một người ung thư gan (chắc vì uống nhiều rượu), một người ung thư cột sống, tội nghiệp lắm, là mẹ em.
Tôi định hỏi chắc ba em là người đẹp trai, có tài làm thầu, lái xe hoặc cán bộ cốp, nhưng nhìn vào nét đăm chiêu của cô gái, động lòng không dám hỏi nữa thì cô gái kể:
- Ba em là nghệ sĩ, ông hát tuồng. Lớn lên và đi hát ở ngoài Bắc, mẹ em là người đàn bà đẹp nhà gần rạp hát đêm nào cũng đi xem đâm mê rồi tiến tới xin chữ ký, rồi yêu lúc nào không hay. Sinh sáu người con, bốn trai hai gái, cụ chuyển vào hát trong này. Mẹ em lại mê dù lúc ấy mẹ em ít tuổi. Ai cũng can ngăn nhưng mẹ em quyết sống với ba em, bất chấp tất cả. Sinh ra anh Hải và em. Em lên mười thì mẹ mất…
Cô gái đang cương nghị, bỗng mềm yếu hẳn, dụi mắt qua gương.
- Vậy ba em mất trước hay mẹ em mất trước?
- Ba em mất trước. Thiêu xác trong này rồi đưa bình tro hài cốt ra Bắc lâu rồi!...
Cô gái ngừng tay lâu quá, chừng hai tay rũ xuống. Tôi lạnh đầu và thấy như choáng váng. Gió biển từ đâu quần lên ào ạt. Tôi tỉnh lại: “Cháu che rèm cửa được không?” Cô gái cũng tỉnh lại: “Vâng cháu xin lỗi chú. Người ta càng ngày càng bị ung thư và xuất huyết não nhiều quá”.
Biển tối hẳn, gió thổi ào ạt xô bờ. Như biển nghe được câu chuyện vừa rồi. Gió bật tung cánh cửa, thổi đứng hai khung ảnh treo trên vách, như có ai dựng hai người trong ảnh dậy. Cô gái trong gương thẫm đi. Rồi ghé sát vào vai nói rất nhỏ, giọng hổn hển: “Tối quá rồi, bây giờ mới cắt tóc thì làm sao?”
Và hú gọi trước biển:
- Ớ anh Hải. Về cắt tóc nhé!
Rồi lại gọi:
- Ớ anh Hải. Về cạo mặt nhé!...
Tôi giật mình nắm chặt tay cô gái: “Em đừng gọi vậy. Nghe sợ lắm!”
Chàng trai tên Hải biến mất như ma, để lại hai chúng tôi trong quán gội đầu đầy gió trước biển.
Tiếng cô gái như tiếng gọi hồn của người bản xứ.
Biển thốc lên cồn cào. Bất chợt giật tung cả những thứ treo trên vách. Cô gái vội vàng ôm lấy khung ảnh bố mẹ mình vừa rơi xuống, áp mãi vào ngực.
Cả tấm ảnh to cờ xí ngày xưa mà bố cô cất giữ từ thời trai trẻ mỗi lần đi hát tuồng cũng bị gió giật tung. Tôi chồm lên đỡ lấy.
Cô gái dụi mắt: “Cảm ơn, cảm ơn anh. Anh Hải, anh Hải đâu?...”
Tôi cảm thấy không thể ở mãi với cô gái trong cái quán lều trước biển này.
Bèn ghé sát vào cô gái, trong tiếng biển gầm thét:
- Em gội tuyệt quá, mai anh lại đến!
- Anh ơi, chúng em hết hạn thuê nhà. Mai đã chuyển đi nơi khác rồi!
- Chuyển đi đâu!
- Dạ cũng chưa biết…
Trách gì gió biển giật tung tất cả!

*
* *

Từ ngày trở về thành phố, tôi sinh ra thao thức như nhiễm phải một thứ nước kỳ lạ trên đời này: lệ biển. Nhớ lần về qua một lối đầy dừa, thấp thoáng chiếc cổng và lá cờ xí như khu chùa cổ, người ta kể trước đây là khu nhà của những người hát tuồng. Sau bom đạn, thời gian phế tích, nghệ sĩ người khuất, người chuyển đi, khu đất hóa cảnh tang hải thương điền. Người ta còn kể một người đàn ông hát tuồng tài giỏi từ Bắc vào, có cô gái đẹp xứ biển phải lòng, tình duyên lâm cảnh éo le sinh hai người con đặt tên là Hải và Lệ. Họ lấy nước mắt của biển để lưu lại chuyện tình của mình trong cõi đời.
Về sau hai người mất vì bệnh hiểm nghèo. Khi sống bà muốn có đứa con sau này theo nghiệp bố, dù đời nghệ sĩ nghèo khổ lận đận thế nào, nhưng không có ai, kể cả cô gái út nghe nói xinh đẹp hơn cả mẹ ngày xưa, muốn theo nghiệp cha. Đúng rồi em Lệ mà tôi đã gặp trong túp quán nhỏ chao đảo trước một vùng biển động. Chứ còn ai nữa.
Mọi điều rồi qua đi như hết đợt sóng này đến lớp sóng khác ngoài biển cả. Chỉ có những cái neo cái mốc trong cuộc đời con người ta là ở lại, như những ngọn núi nơi xứ biển kia. Tôi cảm ơn em Lệ vì đó là cô gái đã cắm chiếc neo thời gian vào cuộc đời tôi. “Chú… anh”!? Đúng, em Lệ đã dũng cảm vạch ra cho tôi cái “chỉ giới” cuối cùng ấy. Từ sau lần ấy tôi sẽ không được các cô gái gọi là anh nữa. Tôi đã là chú của họ.
- Chú bao nhiêu rồi. Tóc có sợ bạc sao không nhuộm như những người khác cho trẻ.
- Vâng, tùy em!
- Vậy làm sao bây giờ đây?
- Không muốn, của sao để vậy. Như một số phận!
Nghe tiếng trống tuồng hội và tiếng hát đàn ông lạ lùng của một nghệ sĩ nào đó bất chợt cất lên (chắc là hồn của bố cô gái), như đánh tín hiệu cho tôi dừng lại, đừng chuyện tiếp nữa vô duyên. Đã đối thoại với nhau một lần lúc nãy rồi.
Tấm cờ xí bị gió biển quật xuống đã bay đi từ lúc nào, hình như nó nhập vào một cánh buồm nào đó ngoài biển của người đi đánh cá đêm.

Và bây giờ tôi muốn gọi Nguyễn Du là “Thánh thơ” bởi khi tôi hẹn lần sau đến gội đầu nữa, thì em Lệ bảo ngày mai chuyển đi rồi… “Chưa biết đi đâu!”
“Mây trôi man mác…!”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét