Nhân
đỉnh - Đỉnh đặt hàng thứ nhất bên trái tượng trưng cho lòng nhân ái
KHỔNG TƯỚC
Khổng
Tước, tục danh con công, cũng còn gọi là con cuông, là
Việt điểu, thuộc họ trĩ, bộ gà; người xưa bảo tiếng gáy của nó thốt ra nghe như
tiếng “đô hô”, phần nhiều khổng tước thường sống ở cây to trên núi cao, gò
cao để có thể bay dễ dàng. Trước đây, rừng núi các tỉnh nước ta đều có, nhưng
nổi tiếng và người ta dễ gặp nhiều là ở vùng Gò Công, tỉnh Tiền Giang, Nam Bộ;
vùng đền Cuông, tỉnh Nghệ An; vùng Tu Bông, Vạn Giã, tỉnh Khánh Hòa; các tỉnh
Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Lâm Đồng đều có. Nó là loại chim không chịu ở
chốn rừng rậm, làm tổ đơn giản, đẻ vào khoảng tháng Năm tháng Sáu, mỗi lứa chừng 4
đến 6 trứng có màu trắng đục, kích thước trứng trung bình. Ấp độ 28 ngày thì nở.
Ban đêm nó thường ngủ trên cành cây cao gần chỗ kiếm ăn. Ngoài mùa sinh sản, công thường sống theo đàn hay từng gia đình. Cả con trống và mái đều không có
cựa. Theo các nhà Đông y, thịt chim công có nhiều dược tính công dụng rất cao
trong việc giải độc; ngược lại lông của nó có nhiều độc tố không được để đụng
chạm vào mắt vì có thể làm mù; mật của chim công rất độc, khi làm thịt người ta
phải bỏ mật đi; thịt công chần qua rồi làm nem, là món rất quí trong hàng bát
trân, ngày xưa chỉ vua quan mới được dùng món “nem công chả phượng”. Sách An
Nam chí chép rằng: Chim công trống sau khi nở được một năm, đuôi dài
chừng vài thước, gặp gió thì xòe đuôi để múa, trông óng ánh như bánh xe gấm.
Lại có một loại công trắng, lông trắng tinh, toàn thân như tuyết, vào đời vua
Minh Mạng, quan quân tỉnh Biên Hòa bắt được một con đem dâng lên.
Do môi
trường sống tại các cánh rừng núi nước ta hiện nay bị xâm phạm quá mức; một
phần lại bị đơm bẫy nên các cá thể quí hiếm trong đó có loài chim công còn rất
ít, hơi khó gặp. Muốn tận mắt xem nó múa thì có thể đến các vườn thú ở Hà Nội,
thành phố Hồ Chí Minh may ra sẽ còn gặp. Còn muốn nghiên cứu đặc tính, tìm hiểu
kỹ loài công này thì có thể đến các khu bảo tồn của rừng Cúc Phương, tỉnh Ninh
Bình hay vườn quốc gia Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, sẽ thấy.
Công là loại
chim tuyệt đẹp, được người xưa quan niệm, loài chim mang ý nghĩa may mắn, cát
tường “Khổng tước thái bình”, xứng đáng ở ngôi “hoa hậu của rừng xanh” rất cần
được bảo tồn nòi giống.
ĐẠI MẠI
Đại Mại, tục danh con đồi mồi, thuộc họ vích, bộ rùa, chúng sống chủ yếu ở biển sâu và cạnh các hải đảo, nhất là những nơi có nhiều san hô; khi lên cạn nó có khả năng nhịn đói dài ngày nhưng phải được giữ ấm bằng nước biển.
Đại Mại, tục danh con đồi mồi, thuộc họ vích, bộ rùa, chúng sống chủ yếu ở biển sâu và cạnh các hải đảo, nhất là những nơi có nhiều san hô; khi lên cạn nó có khả năng nhịn đói dài ngày nhưng phải được giữ ấm bằng nước biển.
Đồi mồi có
nhiều giá trị kinh tế, thịt rất ngon, có nhiều chất dinh dưỡng, là vị thuốc
dùng chữa bệnh nhiệt, mê sảng, kinh giản, ung nhọt; vảy và mai làm hàng mỹ nghệ
xuất khẩu. Vùng biển nước ta từ tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng trở vào Đà Nẵng,
Bình Định, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa,
Phú Quốc, chúng sống rất nhiều.
NGỰ BÌNH SƠN
Ngự Bình Sơn, tức núi Ngự Bình, lại gọi Hòn Mô ở về phía tây bắc huyện Hương Thủy- nay thuộc phường An Cựu, thành phố Huế. Núi này nổi vọt lên ở quãng đất bằng như bức bình phong, cao chừng 104 mét, được xem là tặng vật trời ban để làm lớp án thứ nhất trấn giữ trước Kinh thành Huế. Tên xưa của núi là Mạc Sơn, hoặc là Bằng Sơn, vì trông nó tựa như một con chim bằng đang đậu, mặt quay về phía bắc với đôi cánh hơi khuỳnh ra hai bên trông thật khỏe. Đời Gia Long xây dựng kinh thành, vua lên núi chơi, thấy đỉnh núi bằng phẳng, hình dáng uy nghi, cân đối, đẹp như một ngọn núi nhân tạo, khắp nơi trồng cây thông, cho tên núi là Ngự Bình. Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), nhà vua ngự giá lên chơi, xem xét hình thế, thấy hai bên tả hữu núi đất đứng đối nhau, nhân đấy gọi tên núi phía tả là Tả Phù, núi phía hữu là Hữu Bật. Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng núi này vào Nhân đỉnh; năm Mậu Tuất (1838), nhân tiết Trùng Dương (nhằm ngày 9 tháng Chín âm lịch), nhà vua lại ngự lên núi, cho bá quan theo hầu ăn yến ở trên núi, nhân đấy, ngự soạn bài thơ ghi lại việc này. Tiết Trùng cửu, các vua Nguyễn lên chơi núi bắt đầu từ đấy. Năm Thiệu Trị thứ 4, ngự chế tập thơ “Thần Kinh nhị thập cảnh”, tức Hai mươi bài thơ tả cảnh đẹp ở Kinh sư, trong ấy có bài vịnh núi này, đầu đề là “Bình Lãnh Đăng Cao”. Bài thơ ấy được khắc vào một tấm bia bằng đá thanh khá đẹp, đặt trong một nhà bia xây gạch kiểu vòm cuốn, tọa lạc ngay dưới chân núi. Bây giờ, nhà bia đã hư hỏng, nhưng tấm bia vẫn còn y nguyên.
Theo gương
người xưa, ngày nay hễ đến dịp Nguyên tiêu, hay tiết Trùng Cửu, người Huế
thường rủ nhau lên núi ngắm trăng, làm thơ...
Cạnh núi Ngự
Bình nhìn về phía tây nam bên trái có ngọn núi Bân, thường gọi núi Tam Tầng, là
chỗ ngày xưa Nguyễn Huệ sai đắp đàn để tế cáo trời đất lên ngôi Hoàng đế, lấy
hiệu Quang Trung, rồi xuất đại binh ra Bắc đánh tan 29 vạn quân nhà Thanh xâm
lược giải phóng đất nước. Nơi ấy bây giờ người ta xây dựng một công viên văn
hóa, có tượng đài vua Quang Trung oai hùng lẫm liệt nhìn ra phương Bắc...
Núi Ngự Bình
là biểu tượng tự nhiên của vùng đất văn hóa lịch sử vốn được các chúa Nguyễn
chọn đóng thủ phủ, đến vua nhà Nguyễn chọn làm kinh đô. Ngự Bình được ví như
người tình muôn thuở của nàng sông Hương thơ mộng, mải mê đứng ngắm tình nhân
suốt đời. Vì vậy, từ xa xưa nhiều người vẫn thường gọi xứ Huế là miền của “núi
Ngự sông Hương”.
LIÊN HOA
Liên Hoa, tục danh hoa sen (27), còn có các tên Hà hoa, Thủy chi hoa, Tịnh khánh hoa, Lục nguyệt xuân, Phù cừ. Loài hoa thường mọc ở những vùng nước ngập nhiều bùn lầy, nơi bùn lầy càng tanh hôi cây sen càng phát triển. Mặc dù sống ở chốn bùn đất như vậy, nhưng hoa của nó có sắc và hương rất riêng, hột của nó có mùi thơm dịu, hoa và hột cùng kết thành một lượt.
Từ cổ xưa, hoa sen đã được các nền văn hóa của nhiều quốc gia chọn làm biểu trưng cho sự tinh khiết, cao quí, thể hiện khí tiết của bậc quân tử. Đặc biệt trong văn hóa Phật giáo, hoa sen có ý nghĩa tượng trưng rất sâu rộng. Phật Đà vốn được gọi là Nhân Liên hoa (hoa sen trong loài người), không bị nhiễm bởi phiền não lo buồn thế gian, tuy sống ở thế gian nhưng không dính bụi trần dơ bẩn.
Hàm nghĩa của hoa sen phong phú, nên trong
kinh điển Phật giáo thường dùng hoa sen làm vật phẩm cúng dường dâng lên Phật,
Bồ Tát. Kinh A Di Đà chép rằng dân chúng ở thế giới cực lạc đều hóa sinh từ hoa
sen, do vậy thế giới cực lạc được gọi là Nước Hoa Sen. Trong kinh điển
thường dùng hoa sen để ví với 32 tướng tốt của Đức Phật, ví dụ cho sự thù thắng
của Pháp môn, trong đó nổi tiếng nhất chính là kinh Diệu Pháp Liên Hoa…
Hạt sen được gọi là liên tử, bỏ vào nước
ngọt thì chìm, bỏ vào nước mặn thì nổi, vì thế người nấu muối thường dùng hột
sen để thử độ mặn. Củ sen gọi là liên ngẫu. Người ta đào củ sen
luộc ăn. Còn hột sen nấu chín ăn hoặc để vậy ăn sống cũng được, lại có thể thay
thế làm lương thực. Tim sen gọi là liên tâm dùng chữa chứng
mất ngủ, tim đập nhanh. Người xưa nói, nhà tiên nhân trữ hột thạch liên và
củ sen khô trải đến ngàn năm đem dùng làm thức ăn vẫn rất tuyệt diệu. Hoa sen,
hột sen, và gồm cả cây sen đều có thể chế biến làm nhiều món ngon, nhất là món
chay. Hột sen có nhiều dược tính được các nhà Đông y dùng làm thuốc bồi bổ,
tăng sức, giảm nóng, trừ thấp, mụn nhọt, bổ tỳ, dưỡng tâm, trị chứng mất ngủ,
di mộng tinh, cao huyết áp, băng huyết, thổ huyết, chảy máu cam, say nắng...
Thực là một loài hoa ích lợi cả hình và tướng.
Ở cố đô Huế, có giống sen trồng ở hồ Tịnh
Tâm trong Thành Nội, ngon và thơm nổi tiếng, nhưng sản lượng ít, xưa kia chỉ
được dùng cho hoàng cung. Ngày nay hột sen hồ Tịnh Tâm vẫn là thứ sen quý hiếm
nhất nước.
(27). Một số sách chép là liên tử (hạt
sen). Chúng tôi chép đúng chữ khắc trên Nhân đỉnh là liên hoa.
BÁO
Báo, tục danh con beo, động vật hoang dã, mới nhìn qua tương tự con “cọp nhỏ” có vằn như đồng tiền vàng. Lại có loại báo lửa, báo hoa mai, báo gấm; thuộc họ mèo, bộ ăn thịt, loại báo có thói quen sống ở vùng rừng thưa, hay thảo nguyên, chúng thường leo lên ở trên chạc ba của những cây to, nằm im quan sát chung quanh để rình mồi. Nó leo trèo giỏi hơn hổ, là loài vật có sức dũng mãnh. Nó cũng được tôn xưng là “chúa sơn lâm”. Thịt và xương đều có dược tính, được Đông y dùng để bồi bổ sức khỏe và trị được các bệnh xương cốt, da lông dùng trong mỹ nghệ trang sức có giá trị cao. Xưa rừng nước ta nhiều tỉnh đều có, nay do biến động nên cá thể còn lại rất ít.
HƯƠNG GIANG
Hương Giang, tức sông Hương, sông ở Thừa Thiên Huế; có hai nguồn lớn, đều phát nguyên từ rừng rậm chân dãy Trường Sơn. Nguồn Tả Trạch xuất phát từ mạch Động Dài và khe Sơn Ba chảy về phía tây bắc, khuất khúc qua 55 ngọn thác lớn nhỏ rồi mới đổ về ngã ba Bằng Lãng. Nguồn Hữu Trạch từ phía đông núi Chấn Sơn, chảy qua một chặng đồi núi, vượt 14 ngọn thác rồi mới nhập vào ngã ba Bằng Lãng tạo thành một dòng chính. Tại đây, lòng sông trở nên rộng rãi, nước chảy hiền hòa. Theo cách tính ngày trước thì từ đây trở xuống mới gọi là sông Hương, chảy về đông nam, chảy vòng quanh lăng Cơ Thánh (tức lăng Hưng Tổ Hiếu Khang Hoàng đế) đến phía đông núi Ngọc Trản, rồi lại chảy ngoặt sang phía bắc, qua ngã ba Long Hồ, lại chảy liền xuống ngã ba cầu Lợi Tế, chảy qua trước mặt Kinh thành Huế, qua ngã ba cầu Gia Hội, xuống ngã ba sông Bao Vinh. Từ đây, sông Hương chuyển hướng đông bắc để hội lưu với sông Bồ tại ngã ba Sình và cứ thế dòng sông mở rộng thêm, rồi êm đềm chảy đến bến Thai Dương, qua phía nam thành Trấn Hải, đổ ra cửa Thuận An, dài khoảng 28 cây số. Trên dòng chính có các nhánh sông nhỏ về phía nam với ba ngả: sông Lợi Nông, sông Thiên Lộc (Thọ Lộc) dân gian quen gọi là Như Ý và sông Phổ Lợi. Đoạn sông chảy ngang trước mặt Kinh thành Huế vừa là minh đường vừa như một dải lụa mềm ôm lấy khuôn mặt dịu hiền và kiêu sa của chốn Kinh kỳ.
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh,
cho khắc hình tượng sông Hương vào Nhân đỉnh; đời Thiệu Trị, ngự chế thơ “Thần
Kinh nhị thập cảnh”, trong đó có bài “Hương Giang hiểu phiếm”, (Buổi sớm bơi
thuyền trên sông Hương) khắc vào bia đá, dựng nhà bia ở bờ sông cạnh Nghinh
Lương Đình; năm Tự Đức thứ 3 (1850), đăng liệt vào hàng sông lớn trong điển thờ.
Trải qua năm tháng, thời thế thay đổi, sông Hương còn có các tên: sông
Lô Dung, sông Dinh, sông Linh Giang, sông Kim Trà, sông Phú Xuân, Tiêu Kim
Thủy, sông Trường Tiền, sông Huế… Với những tao nhân mặc
khách, văn nhân thi sĩ thì sông Hương còn được gọi: con sông tình yêu,
sông tím nhân loại, dòng sông thi ca, dòng sông mở nước, sông thạch xương bồ... Người
xưa nói: nước sông Hương đang trong trở đục là báo điềm xấu, còn đang đục trở
trong dự báo điềm lành. Không biết thực hư thế nào?
Sông Hương là báu vật vô giá của thiên
nhiên ban tặng cho mảnh đất xứ Huế và Tổ quốc Việt Nam. Con sông dùng dằng
thướt tha này đã tạo nên sự cảm xúc vô tận của biết bao văn nhân nghệ sĩ trải
qua nhiều thế kỷ nay.
NAM TRÂN
Nam Trân, tục danh cây lòn bon(28) có nơi gọi là lòn bong, cao độ vài mét, mùa xuân nở hoa, mùa thu quả chín; vỏ mỏng, cùi thịt trắng, vị thơm ngọt; vùng núi Quảng Nam rất nhiều. Về trái cây này, có một chuyện ở vùng Quảng Nam kể rằng: khi Nguyễn Vương còn đang ẩn náu ở nguồn sông Ô Gia, vì thiếu lương thực nên nhiều ngày chỉ ăn cầm bữa bằng quả lòn bon. Vì vậy mà sau này, khi Nguyễn Vương lên ngôi vua Gia Long, người ta đã đặt tên cho cây trái này là phụng quân mộc (cây gặp vua). Chắc chắn cũng vì cái tích ấy nên khi đúc Cửu đỉnh, vua Minh Mạng cho khắc hình tượng cây lòn bon vào Nhân đỉnh.
(28). Đại Nam nhất thống chí, Sài Gòn xb
(1962); Hà Nội xb (1969), đều không chú cây nam trân khắc ở đỉnh nào.
LUÂN XA PHÁO
Luân Xa Pháo, tức là loại pháo khá lớn đặt trên bệ đỡ có hai bánh xe, được chế tạo dưới triều vua Gia Long, Minh Mạng. Loại súng này thường được kéo theo các đơn vị quân đội bộ binh, cơ động nhanh. Trong chiến đấu, luân xa pháo được binh lính đẩy dàn lên trước hàng quân, khai hỏa một loạt để uy hiếp tinh thần đối phương, rồi bộ binh mới tiến lên, tấn công quân địch.
Luân xa pháo được sử dụng từ lâu, nhưng
thực sự là thứ vũ khí mạnh và tiện lợi dưới thời Nguyễn sơ.
Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), đúc xong Cửu
đỉnh, cho khắc hình tượng loại pháo này lên Nhân đỉnh.
NGUYỆT
Nguyệt, tức là mặt trăng, chỉ thời gian một tháng. Ngày trước, nhiều nước lấy chu kỳ của “trăng già, trăng non” để làm lịch, gọi là lịch trăng, lịch âm, hiện vẫn còn dùng. Ngày trăng tối nhất gọi là sóc (ba mươi), ngày trăng sáng nhất gọi là vọng (mười lăm). Người xưa giàu tưởng tượng, nhìn lên bóng trăng thấy những quầng đen, xám, họ đã sáng tạo ra những câu chuyện “chị Hằng Nga” giàu màu sắc huyền diệu. Ban đêm, nhìn lên mặt trăng, nhà thiên văn có thể đoán biết thời tiết, sâu bệnh ôn dịch của năm ấy. “Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa”...
NHU
Nhu, tục danh lúa nếp. Một thứ lúa cho gạo nấu chín rất thơm và dẻo nên gọi là nọa, cũng quen gọi là cơm nếp, là xôi. Lúa nếp cho sản lượng thấp, nên ngày trước người ta trồng ít, chỉ để dâng cúng tổ tiên, thần thánh. Mỗi khi có việc làng, việc họ, hay có đám giỗ thì mới được ăn xôi. Ngoài loại nhu (nếp) này, còn có các loại nếp khác: nếp voi, nếp cau, nếp bò, nếp chốt, nếp hường bầu, nếp lũ, nếp đen, nếp kỳ lân, nếp tây, nếp sáp, nếp than, nếp một, nếp trứng, nếp già, nếp cút, nếp cái, nếp chuột… Loại lúa nếp này đại diện cho hơn 40 loại nếp khác cùng thời, là hạt ngọc trời ban cho thế gian.
LÂU THUYỀN
Lâu Thuyền, một loại thuyền lớn đóng bằng gỗ tốt có tầng lầu rất đẹp được chế tạo dưới triều vua Gia Long và Minh Mạng. Loại thuyền này thường chỉ được dùng cho nhà vua và hoàng gia, các quan đại thần hộ giá đi lại trên sông Hương hoặc xa lắm cũng chỉ ra đến vùng Quảng Trị, Quảng Bình hoặc vào Quảng Nam. Thuyền có tầng lầu(29) chính là thành tựu nổi bật nhất của ngành đóng tàu thuyền nước ta dưới thời nhà Nguyễn ở thế kỷ XIX.
(29). Đại
Nam thực lục chính biên, Sđd, phiên là loại thuyền nhỏ?
PHỔ LỢI HÀ
Phổ Lợi Hà, tức sông Phổ Lợi, dân gian quen gọi là sông Chợ Nọ. Sông ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nguyên xưa chỉ là một con ngòi nhỏ, năm Minh Mạng thứ 17, cho đào tiếp và mở rộng từ địa phận các làng Phò An và Diên Trường dài hơn 330 trượng, phía trên thông với sông cũ La Ỷ, phía dưới giáp với đường sông Diên Trường; ở hạ lưu sông Diên Trường lại cho đào thêm một đoạn dài hơn 130 trượng thẳng đến sông cũ La Ỷ, dưới tiếp với đường sông Diên Trường chảy vào sông lớn (sông Hương) để ra cửa biển Thuận An. Khi đào xong, nhà vua ban cho tên sông Phổ Lợi, trên bờ sông dựng nhà bia và khắc bia đá để ghi dấu (Hiện có sách xuất bản năm 2007 ghi chú là sông Phả Lại?).
Thời mới
đào, thuyền bè từ dòng sông Hương theo đường sông này đến cửa biển Thuận An là
25 dặm, so với đường vòng lúc trước gần hơn được 8 dặm. Mặc dù là sông đào,
không lớn lắm, nhưng Phổ Lợi có vị trí khá quan trọng trong việc chia nước về
mùa lũ, cân bằng thân nhiệt về mùa hạ, cũng như “một hào rãnh” khá quan trọng
để bảo vệ cho Kinh thành Huế.
Năm Minh
Mạng thứ 17 (1836), đúc xong Cửu đỉnh, khắc hình tượng sông Phổ Lợi vào Nhân
đỉnh; tháng 6 năm Thiệu Trị thứ 3, có thơ ngự chế “Quá Phổ Lợi Hà cảm
tác” khắc bia dựng cạnh bờ sông; đến năm Tự Đức thứ 8, triều đình cho
đắp một con đập trên đường sông ngăn mặn, nước lụt mùa thu thì mở cửa đập,
thuyền bè mới qua lại được.
Ngày trước
hai bên bờ dòng sông này rất đẹp, nước trong xanh như nước sông Hương và rất
sạch. Năm tháng tuổi thơ, khi theo cha là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc về dạy
học ở làng Dương Nỗ, cậu bé Nguyễn Sinh Cung, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh
thường cùng nhóm bọn trẻ trong xóm xuống tắm ở bến sông Phổ Lợi trước đình
Dương Nỗ. Bà Nguyễn Khoa Bội Lan sinh năm 1916, con gái của nhà thơ nổi tiếng
đối vận, nói lái xứ Huế, cụ Nguyễn Khoa Vy, kể rằng: Lúc bà còn làm báo ở Hà
Nội, mỗi khi có dịp nói chuyện về Huế, Bác Hồ hay nhắc tới cái bến nước đầy kỷ
niệm về tuổi thơ ở làng Dương Nỗ, tức là về cái bến ở con sông Phổ Lợi này.
Con
sông Phổ Lợi được đào dưới thời nhà Nguyễn đã đem lại rất nhiều mối lợi thiết
thực cho người dân trong vùng. Nhưng tiếc rằng hiện nay vai trò của sông Phổ
Lợi đang mai một, nếu không có giải pháp thì sẽ dần dần làm mất đi nguồn lợi
của dòng chảy như vốn có.
CỬU
Cửu, tục danh rau hẹ, còn gọi tên chung nhũ, phỉ tử, cửu thái, hay là khỉ dương thảo, thuộc họ hành tỏi. Nó là một loại rau dễ trồng, dễ sống, thổ nhưỡng tỉnh nào cũng trồng được, có thể dùng làm rau ăn hàng ngày, mùi vị thơm đặc biệt. Theo Đông y, cây hẹ gồm lá và rễ có thể dùng làm thuốc chữa trị các chứng bệnh di mộng tinh, đau lưng, nhức mỏi, bệnh ho của trẻ con, kiết lỵ ra máu, làm thuốc bổ giúp cơ thể tiêu hóa, tốt cho gan và thận, chữa hư khí rất hiệu nghiệm. Riêng những người âm hư hỏa vượng không nên dùng. Hẹ cũng là thứ rau đem lại hương vị từ đồng ruộng Việt Nam.
KỲ NAM
Kỳ Nam, là một loại chất gỗ thơm chứa rất nhiều dầu, màu đen có vân, nhai thì dẻo và đắng, đốt cháy ra dầu có mùi thơm kỳ lạ. Tinh chất cũng được tìm thấy ở thân cây dó bầu, nghĩa là trong một thân cây dó bầu, thường có nhiều trầm hương và có thể có một ít kỳ nam. Người xưa ví trầm hương với kỳ nam như thủy tinh đối với ngọc thạch vậy.
Người ta cho
rằng gỗ trầm biến thành kỳ nam là do những phân chim rơi xuống ở những chạc ba
làm cho cành cây bị bệnh. Ở những chỗ cây bị bệnh ấy, chất dầu tụ lại nhiều hơn,
để chống chọi với chứng bệnh và do đó sinh ra kỳ nam. Cũng có người nói rằng,
sự kết thành kỳ nam là do một thứ nấm làm cho chất gỗ nhẹ dần, thay màu sắc và
tụ tập chất dầu lại nhiều, sự hội tụ dầu như vậy rất là bất thường. Nó có thể ở
phía dưới thân cây, gần gốc cây, ở chạc ba cành cây hoặc có khi chạy xuống đến
tận rễ. Người đi trầm (người đi điệu) phải làm cho cây bị thương tích như chặt
vào đấy vài nhát. Hoặc có khi do những con thú lớn như voi, cọp, trâu, bò rừng
cọ vào làm cho cây bị thương tích. Ngay chỗ cây bị thương ấy dầu bắt đầu tụ lại
và dần dần thay hẳn tính chất của gỗ mà thành kỳ nam. Như vậy chất kỳ nam bạ
vào thân cây, ở phía ngoài, và dính một phần ở phía vỏ, gọi là kỳ bì. Khi chất
dầu tụ ở gốc cây hay ở rễ lớn thì thành ra trầm. Nếu chất trầm này có lỗ và lởm
chởm thì gọi là trầm mắt kiến. Nếu chất dầu mới bắt đầu tụ lại ở vài nơi khác,
làm thành một thứ gỗ thơm có vài chấm đà, thì gọi là tốc. Khi nào sự kết tụ dầu
đủ mức độ, thì cây dó già rụi và chết, lúc bấy giờ thân cây tự nhiên mục và hủy
hoại rất mau, chỉ để lại những khúc trầm và những miếng kỳ nam quí hiếm.
Kỳ nam là
loại dầu tự nhiên rất đặc biệt của cây dó bầu, có dược tính đa dạng và cao cấp;
kỳ nam lấy ở cành cây càng quí hơn. Theo Đông y, người phụ nữ có thai nên tuyệt
đối kiêng tránh, không uống hoặc mang theo trong người vì hơi của nó có thể làm
bị sẩy thai. Người ta dùng kỳ nam để làm thuốc trị cảm, phong, kiết lỵ, trợ
tim, có tính bổ dương, ngăn tiêu hao nguyên khí; dùng làm dầu chống nắng, trị
các vết muỗi cắn. Những người mộ đạo còn dùng những gốc trầm to để tạc tượng
Phật, tượng Thánh để thờ tự. Người Hồi giáo ở xứ sa mạc, những nơi nắng nóng
thường dùng nhiều dầu kỳ nam.
Năm 1830,
triều đình đặt hộ trầm hương ở tỉnh Phú Yên, sai mộ dân sung vào. Mỗi năm người
trong hộ nộp thuế 1 cân trầm hương. Phàm lấy được kỳ nam phải đem nộp hết cho
quan, tính trừ vào thuế. Ai giấu hay bớt thì có tội.
NAM HẢI
NAM HẢI
Nam Hải, chỉ vùng biển phía Nam thuộc chủ quyền nước ta. Trong vùng biển này có nhiều hòn đảo, như đảo Đại Kim, Mãnh Hỏa, Nội Trúc, Phú Quốc, Thổ Châu… Trên một số đảo này có nhiều loại cây mọc tự nhiên cho dược liệu quí. Riêng đảo Phú Quốc gồm đủ các các loài động, thực vật phong phú như trong đất liền. Biển phía Nam nhiều tài nguyên, lắm hải sản có giá trị kinh tế cao và cực ngon. Theo Đại Nam nhất thống chí, thời còn tranh chấp với nhà Tây Sơn, một số đảo này được xem là căn cứ ẩn náu của chúa Nguyễn Vương.
NGÔ ĐỒNG
Ngô Đồng, các tỉnh ven núi đều có. Đời Minh Mạng có người đem từ Quảng Đông về trồng ở hai bên góc điện Cần Chánh. Sau nhà vua thấy cây nở hoa sắc đẹp, liền sai binh biền lấy lá của nó làm mẫu rồi lên các vùng núi trong nước để tìm, khi tìm được, đem về trồng ở các góc điện trong Đại nội. Kinh Thi nói rằng: “Ngô đồng sinh hỹ, vu bỉ triêu dương” cây ngô đồng sinh ở phía mặt trời mọc, tức cây này. Lại nói rằng chim phượng (loài chim khôn) chỉ chọn cành ngô đồng để đậu. Ý nói tôi hiền chọn minh quân mà thờ. Sở dĩ có tính cách như vậy, nên cây ngô đồng được người xưa xem như bậc quân tử. Có một loại tương tự tên là sấn ngô; tức vinh đồng mộc; gỗ dùng làm nhạc cụ có âm thanh rất hay.
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc
xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng cây ngô đồng vào Nhân đỉnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét