Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

Những họa tiết khắc trên Chương đỉnh


Chương đỉnh – Đỉnh đặt hàng thứ nhất bên phải tượng trưng cho ánh sáng


, tục danh con gà có nơi là con ca, lại gọi con qué. Loài gà thì nòi giống rất nhiều, nơi nào cũng có. Nhưng ở đây ẩn nghĩa chữ kê này chỉ con gà trống có cựa. Giống gà trống tính hay gáy báo giờ rất ích lợi với người dân quê. Không những thế, con gà trống còn được chọn dùng làm phẩm vật chính cúng tổ tiên, dâng lên trong các lễ hiến tế thần linh; từ xưa, người ta thường lấy xương chân gà để dùng vào việc bói quẻ lành dữ. Cho nên gà trống còn được xem là loài linh cầm, con vật mang lại đại cát, đại lợi, bình an. Ngạn ngữ có câu: “Ếch tháng ba, gà tháng mười” chỉ món ăn ngon và bổ nhất vào mùa đông. Trong địa chi 12 con giáp, gà (dậu) được xếp đứng hàng thứ mười.

LINH QUY

Linh Quy, còn có tên là thái, hoặc Linh thái; tục danh con rùa thiêng; thiêng vì ngày xưa người ta thường dùng nó vào việc bói toán có tính cách thiêng liêng huyền nhiệm, gọi là bói rùa. Có sách chép là thủy quy tức rùa nước(30) (để phân biệt với loại rùa sống ở núi và biển), còn gọi là huyền y đốc bưu; xưa kia sông ngòi nước ta chỗ nào cũng có, nó rất dễ sống. Rùa đẻ trứng, lúc nào cũng ấp; nó thở hơi bằng tai; con đực con cái giao hợp bằng đuôi; sách Đại Nam nhất thống chí nói rằng: “cũng có khi rùa giao cấu với rắn”. Mai rùa làm thuốc có công dụng bổ âm và chữa được bệnh ho, sốt rét. Người ta lễ bằng vảy rùa để chữa bệnh ho và sốt. Rùa là con vật sống lâu, có sức chịu đựng dẻo dai, biểu tượng cho việc trường thọ. Trong các ngôi chùa, ta thường thấy nó cõng trên lưng con hạc thờ, ngoài đình thì gánh cả tấm bia đá nặng trĩu, nên có câu: “Thương thay thân phận con rùa/ Trong chùa đội hạc, ngoài đình đội bia”. Rùa được xếp trong nhóm tứ linh (long, lân, quy, phụng). Theo Kinh Dịch, sử truyền rằng vua Vũ nhà Hạ trị thủy thành công được trời ban cho con rùa thần, trên mai có 9 chữ số. Vua Vũ nhân đó đặt thành chín mục và gọi là Lạc Thư. Chín mục, đó là Cửu trù của Hồng phạm, tức là phép lớn cai trị thiên hạ; là bản tóm tắt nền minh triết Trung Hoa cổ đại. Nó là thiên cảo luận triết lý có trước nhất trong lĩnh vực triết Đông bao gồm cả vũ trụ và nhân sinh quan. Dựa vào đấy, người ta dùng con rùa để bói gọi là bốc. Bốc vốn có nghĩa “vấn quy” tức “hỏi rùa”, hỏi sự hung cát bằng con rùa. Sau người ta thay con rùa sống bằng mai rùa để bói. Con rùa trở thành vật linh... Những người tu hành hay tín đồ theo đạo Phật kiêng ăn thịt rùa. Những lúc làm lễ phóng sinh, người ta thường chọn rùa để thả (ngày nay có thể dùng ba ba để phóng sinh thay rùa). Theo các nhà phong thủy, những nơi có rùa (long, lân, quy, phụng) sống tự nhiên lâu năm thường được xem là “huyệt đạo” chính của mạch đất linh.
Theo Sách đỏ Việt Nam, họ nhà rùa đông đúc còn có giống rùa đầu to, rùa hộp trán vàng, rùa hộp lưng đen, rùa hộp ba vạch, rùa đất lớn, rùa răng, rùa núi vàng, rùa núi viền... đều có giá trị cao về kinh tế và dược liệu quý.
Do bản tính chậm chạp “chậm như rùa” nên ngày trước những người đi làm ăn xa khi xuất hành khỏi nhà gặp rùa thường kiêng, có câu: “Gặp rắn thì đi, gặp quy thì về” là vậy.
(30). Nhiều sách chép là thủy quy (rùa nước), hải quy (rùa biển), sơn quy (rùa núi) chúng tôi chép đúng chữ trên Chương đỉnh là linh quy (rùa thiêng).

TÂY HẢI

Tây Hải, chỉ vùng biển nằm về phía Tây thuộc chủ quyền nước ta; ở đây là vùng biển giáp với vịnh biển Thái Lan. Biển phía Tây có nhiều tài nguyên, nhất là những động vật sống dưới đáy biển. Hải sản vùng biển này rất phong phú, đa dạng. Vùng biển phía Tây ít gặp phải những cơn bão mạnh như biển ở phía Đông, bởi nó được các mũi đất liền che chắn và chịu ảnh hưởng khí hậu của vịnh biển Thái Lan, kín gió, ấm áp, rất thuận lợi cho sự sinh sống của các loài rong tảo thảm thực vật nhiệt đới dưới đáy biển. 

GIỚI

Giới, tục danh là củ kiệu, còn gọi là hỏa thông, hay thái chi, thuộc họ hành. Nó là một thứ cây rau củ, có thể dùng khi tươi cả lá và củ làm gia vị, có thể phơi qua nắng để muối, hoặc chế biến làm mắm để ăn rất ngon. Những người tu hành không hay dùng vì mùi hăng qua hơi thở. Theo các nhà Đông y, dược tính của nó dùng làm thuốc rất lợi tiểu và chặt ruột. Vùng miền Trung nước ta trở vào Nam trồng nhiều. Các tỉnh từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế trở vào Quảng Nam có giống kiệu ngon hơn cả. Đây là một loại rau củ, một thứ sản vật thơm tho của đất đai nước Việt.


, tục danh con tây ngu, hay tê ngưu, còn gọi muông tê, tức con tê giác, thuộc bộ ngón lẻ. Người xưa mô tả tê ngưu như sau: Con tê giác hình dáng như con trâu, đầu lợn, bụng to, chân ngắn, chân có ba móng sắc đen, có ba sừng, một sừng ở đỉnh đầu, một sừng ở trên trán và một sừng ở trên mũi, sừng trên mũi tức sừng để ăn. Cũng có loài chỉ có một sừng; giống tê ba sừng gọi là thủy tê, giống tê hai sừng gọi là sơn tê. Có sách chép là tỷ, tức là giống tê một sừng, giống này nặng hàng ngàn cân, như con đa ngưu, da rất cứng và bền, có thể chế áo giáp trang bị cho binh lính. Cổ ngữ có nói: giống tê trông lên mặt trăng mà mọc sừng. Lại nói sừng tê có vằn như hình trứng cá, gọi là túc vằn, giữa vằn có mắt, gọi là mắt thóc (túc nhãn); sừng nào giữa đen có hoa vàng là chính thấu, giữa điểm vàng có hoa đen là đảo thấu, giữa hoa lại có hoa gọi là trùng thấu, là hạng thượng phẩm; sừng có vằn như hột tiêu hột đậu là hạng thứ nhì; sừng đen tuyền không có hoa là hạng kém. Sừng tê giác có thể mài thành bột dùng làm thuốc rất quý, chữa trị được khá nhiều bệnh nguy hiểm, cấp tính, tăng cường sinh lực, bổ âm dương, chữa bệnh yếu chân tay, nên giá rất đắt. Da của nó là một món ăn ngon và là món cực bổ trong bát trân, lại có thể bào chế thuốc chữa được rắn độc cắn. Nơi nó sống thường là thung lũng ẩm ướt trong rừng già có độ cao tương đối. Tê giác quen sống độc thân, tuy to lớn nhưng di chuyển nhanh nhẹn, vùng hoạt động khá rộng. Trong thiên nhiên chúng không có kẻ thù, không cạnh tranh với các loài thú khác. Giống tê giác, thích ăn thực vật có gai, khi uống thì quậy cho đục nước mới uống. Tê giác là loài thú rất quý của rừng xanh nước ta.
Ngày trước nhiều cánh rừng thấp ở các tỉnh của Việt Nam đều có tê giác sinh sống. Hiện nay do môi trường sống bị xâm hại, lại vừa trải qua chiến tranh, rừng bị tàn phá nhiều, một phần do khai thác bừa bãi, một phần bị săn bắn trộm nên loài tê giác gần như chẳng còn lại mấy; do vậy mà nòi giống cá thể của chúng đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam cần phải bảo vệ khẩn cấp.
Nhờ có chính sách tốt, môi trường bình yên, mấy năm gần đây người ta lại phát hiện ra ở vườn quốc gia Cát Tiên thuộc tỉnh Lâm Đồng có một số cá thể tê giác một sừng, rất quý lại xuất hiện.

LINH GIANG

Linh Giang, tức con sông Linh, thường gọi sông Gianh; sông ở cách thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch chừng vài cây số về phía nam, bờ phía bắc thuộc huyện Quảng Trạch, bờ phía nam thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Nước sông quanh năm trong xanh nên còn có tên là sông Thanh Hà, lòng sông rộng trung bình khoảng 680 mét, đoạn rộng nhất hơn 1.000 mét, từ nguồn đổ về tận cửa biển dài khoảng 160 km, phát nguyên từ ba nguồn: một nguồn từ núi Thanh Lãnh ở về địa giới huyện Hương Khê thuộc tỉnh Hà Tĩnh chảy qua huyện Tuyên Hóa, do cửa Kiện Khê đến sông La Hà; một nguồn từ các núi Kim Linh chảy xuống qua núi Cao Mại, sông hơi sâu và rộng, đến xã Yên Lễ thì hợp lại với sông La Hà; một nguồn từ nguồn Son An Náu chảy về phía đông qua huyện Minh Hóa nhập vào sông La Hà, rồi từ đây đổ ra biển tại cửa Gianh. Dọc hai bên bờ sông từ đầu nguồn trở xuống toàn là núi đá vôi.
Hồi Nguyễn Hoàng nương theo lời sấm Trạng Trình, năm 1558 ông nhận lệnh vua Lê mới vào trấn thủ, khai phá Đàng Trong, ông lấy địa thế Hoành Sơn và sông Gianh mà hoạch định chiến lược, sau khi ông mất vào năm 1613, được một thời gian, người con trai của ông là chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, nhân cớ chúa Trịnh Tráng sai tướng đem quân vào đánh, ông bèn đối đầu với Đàng Ngoài, lấy sông này làm giới hạn, cho nên có tên "Nam Hà - Đàng Trong" và "Bắc Hà - Đàng Ngoài" để hai họ Trịnh - Nguyễn phân tranh, cát cứ hai miền, rạch đôi sơn hà từ buổi ấy và kéo dài hơn hai trăm năm sau. Lại gần cửa biển, quen gọi cửa Gianh, sóng gió dữ dội, hai bờ cách trở như hào rãnh của trời, cùng với lũy Nhật Lệ làm thế hiểm yếu trong ngoài. Trước kia người phương Bắc đạp đất phía Nam, khi qua sông Gianh, họ có câu ca rằng: "Mạnh khôn vượt được Thanh Hà/ Dẫu rằng có cánh khó qua lũy dài", ý nói sông núi ở đây hiểm trở, khó vượt qua được.
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, lấy hình tượng sông Gianh khắc vào Chương đỉnh; năm Thiệu Trị thứ 4, dựng bia đá ở bờ phía nam; đầu triều Tự Đức chép vào điển thờ, hàng năm sai quan sắm lễ vật đến tế.
Sông Gianh có nhiều loài tôm, cua, cá giá trị dinh dưỡng cao và ngon thơm một vùng.
Con sông Gianh linh thiêng kỳ vĩ chảy trên mảnh đất Quảng Bình từng chịu bao bom đạn thời chiến tranh 1964- 1975.

LỤC ĐẬU

Lục Đậu, tục danh đậu xanh, hạt có mấy sắc nên gọi là quan lục và du lục, có thể nấu cháo, nấu cơm, nấu chè, làm bột, làm bánh, chế nước giải khát... để bồi bổ sức khỏe. Hạt đem tẩm nước cho lên mầm làm giá là vật ngon trong các thứ rau, có thể làm chất giải các thứ độc, thật là loại cốc cứu đời. Theo kinh nghiệm dân gian, khi trồng đậu xanh nên kiêng ngày Mão. Người bệnh đang uống thuốc, tránh ăn các món có thành phần đậu xanh. Đậu xanh được dùng nhiều trong bữa ăn chay, người nhà Phật có nhiều phương cách chế biến làm món ăn ngon từ loại đậu này.

ĐIỂU THƯƠNG


Điểu Thương, tức súng bắn chim, loại súng săn được sản xuất khá phổ biến dưới thời vua Gia Long, Minh Mạng. Súng có thân, nòng hơi dài, bắn từng viên một như súng trường sau này (vì vậy có sách ghi là súng trường), có thể dùng trong chiến đấu. Điểu thương là một thành tựu của sự phát triển khoa học kỹ thuật quân sự ở vào thời Nguyễn sơ. Dưới triều Minh Mạng, mỗi vệ quân (đơn vị bộ binh khoảng 500 người), ngoài các loại vũ khí khác còn được trang bị thêm 200 khẩu điểu thương. Thời Tự Đức, triều đình tổ chức thi Tiến sĩ Võ, có môn thi bắn súng điểu thương, tức dùng loại súng này.

NGŨ TINH

Ngũ Tinh, tức năm ngôi sao, nhà thiên văn thường gọi là năm vị hành tinh gồm: Kim tinh, Mộc tinh, Thủy tinh, Hỏa tinh, Thổ tinh, ứng với Ngũ hành, năm thành tố hình thành vũ trụ.
Kim tinh còn có tên Minh tinh, Thái Bạch, buổi sáng sớm nó mọc ở phía Đông, được gọi là Khải Minh, buổi hoàng hôn nó xuất hiện ở phía Tây, được gọi là Trường Canh (sao Mai và sao Hôm). Mộc tinh còn có tên cổ là Tuế tinh, thường gọi là sao Tuế. Thủy tinh còn có tên là Thần tinh; Hỏa tinh có tên Huỳnh Hoặc; Thổ tinh còn có tên Trần tinh. Nhà thiên văn thường quan sát những thay đổi của ngũ tinh để đoán việc thế sự và thời tiết.

ĐẬU KHẤU

Đậu Khấu, còn gọi là bạch đậu khấu, viên đậu khấu, một loại cây đậu chỉ mọc nhiều ở vùng miền Trung và Nam Bộ. Theo các nhà Đông y, đậu khấu có tác dụng rất tốt cho việc hành khí, ấm dạ dày, tiêu thực khoan trung, trừ hàn hóa thấp; người ta thường dùng hoa và hạt của nó sao vàng hạ thổ, chiết tinh dược liệu chế biến để làm thuốc chữa đau dạ dày, đầy bụng, nôn mửa, ăn không tiêu và chữa các bệnh về phổi. Lại có mấy loại gọi là thảo đậu khấu, hồng đậu khấu, nhục đậu khấu đều có giá trị cao trong y dược. Đậu khấu cũng là một loại cốc đáng quý của nước ta.

MÔNG ĐỒNG THUYỀN


Mông Đồng Thuyền, tức loại thuyền có nhiều tay chèo được chế tạo dưới triều vua Gia Long, Minh Mạng. Có tài liệu nói rằng, thời Nguyễn sơ, nhà vua cho mua một loại tàu của châu Âu, đem về tháo ra, mô phỏng lại, Sở Võ khố chọn người cứ theo vậy mà đóng thành loại thuyền đồng này?
Thuyền mông đồng là loại phương tiện thủy chiến khá “hiện đại” dưới thời Minh Mạng, đi sông lớn và ven biển rất tiện lợi. Đây là loại thuyền dùng cho thủy binh, đánh dấu thành tựu đóng thuyền đồng của Việt Nam ở thế kỷ XIX.

LỢI NÔNG HÀ


Lợi Nông Hà, tức sông Lợi Nông, còn gọi sông Phủ Cam, sông An Cựu, ở phía bắc huyện Hương Thủy - nay thuộc thành phố Huế; cửa sông bắt nguồn từ đông nam xã Phú Xuân (nay là phường Vĩnh Ninh) ở bờ nam sông Hương đoạn gần cầu sắt cồn Dã Viên, chia nước từ đây chảy theo hình vòng cung ôm lấy phố xá rồi về hành cung Thần Phù, lại chảy qua hành cung Thuận Trực, đổ vào phá Hà Trung. Nguyên xưa: một dải ven sông, ruộng đất có hàng ngàn vạn mẫu, quanh năm là nước mặn, mùa lụt hay ngập úng, năm Gia Long thứ 13, xa giá ngự đến xã Thanh Thủy, xem xét hình thế, nhà vua cho triệu phụ lão đến hỏi và dụ bảo việc đào sông, dân trong vùng thưa rằng: “Khai đào con sông này thật là lợi cho nông dân”, nhà vua bèn sai quan quân đốc thúc dân binh khai đào. Lại sai đặt cửa đập ở hạ lưu Thần Phù để ngăn nước mặn. Sông được đào nhiều năm mới thành. Từ đấy vùng đất này trở thành màu mỡ, thu được mối lợi rất nhiều.
Nguyên tên sông An Cựu, năm Minh Mạng thứ 2, 1821, đổi thành tên Lợi Nông (làm lợi cho nhà nông, và ban khẩu dụ rằng: Đã có danh thì hãy lo lấy phận), phía trên và phía dưới cửa sông đều có dựng mốc đá để ghi dấu.
Lợi Nông là con sông đầu tiên do triều Nguyễn khai đào ở Huế và Việt Nam. Khởi đào từ năm Gia Long thứ 13 (1814).
Sông Lợi Nông lấy nước từ sông Hương tưới cho đồng ruộng của huyện Hương Thủy và là hào rãnh bảo vệ mặt nam của Kinh thành, nó còn có chức năng cân bằng độ nhiệt cho thành phố Huế, tạo nên vẻ duyên dáng trong bố cục kiến trúc ở hai bên bờ sông. Thành phố Huế cổ kính và đẹp hơn cũng nhờ có một phần của con sông này. Sông An Cựu nổi tiếng khắp đất nước bởi có đặc điểm “nắng thì đục, mưa thì trong”, và những tiếng ngâm, đàn ca Huế về đêm trên những con đò.
Dưới thời Huế còn là Kinh đô, hai bên bờ sông Lợi Nông có nhiều dinh cơ phủ đệ của các ông hoàng bà chúa, đình thờ, miếu mạo được dựng lập, hưởng cơn gió trong lành theo thủy mạch Lợi Nông tạo ra. Những đêm trăng thanh trên dòng sông này thuyền bè xuôi ngược, dào dạt âm điệu thơ ca ngân vọng.
Dưới dòng sông này, trước đây mấy chục năm còn có “một xã hội” được gọi là các vạn đò Lợi Nông, An Cựu, Phủ Cam, Bình Linh sinh sống đông đúc bằng nghề sông nước, nay thì phần lớn cư dân thủy diện đã lên bờ định cư đổi đời.

AM LA

Am La, còn đọc yêm la; tục danh quả xoài. Có hai loại nhỏ và lớn, thường gọi là hương cái, đầu đời Minh Mạng cho tên là mông, cây rất lớn, lá như lá chè mà dày; lá non ăn được; có vị chua, quả to bằng cái chén, hơi dài và dẹt, chín vào tháng Năm tháng Sáu, thịt mềm, sắc vàng tươi, vị rất ngọt thơm, thật là phẩm quý ở phương Nam. Vân Đài loại ngữ của Lê Quý Đôn chép rằng: tục truyền năm nào xoài sai quả thì ngũ cốc mất mùa, xoài ít quả thì ngũ cốc được mùa. Ứng với thời tiết điều này cũng có linh nghiệm. Xoài mọc nhiều ở Quảng Nam và Bình Định, nhưng từ Phú Yên, Khánh Hòa trở vào thì nhiều hơn. Một loại quả ngon, trước đây thường dùng để tiến vào cung vua. Lại có loại gọi là xoài cơm, xoài cát, xoài tượng.

NGẠC NGƯ

Ngạc Ngư, tục danh cá sấu, loài bò sát lưỡng cư, sức rất khỏe, có thể nhịn ăn vài ngày; da của nó gọi là giao cách có thể dùng làm túi đại đao. Vùng núi Cam Lộ, Quảng Trị ngày trước có giống cá này, đồng bằng Nam Bộ có nhiều hơn. Người xưa miêu tả: ngạc ngư, hình cá, mồm rồng, móng hổ, mắt cua, vảy kỳ đà, đuôi dài ba thước, to như lá cờ, có gai như móc câu, lặn dưới nước, thấy người hoặc súc vật đi qua thì vung đuôi lên chụp bắt. Cá sấu có con mình dài hơn chục thước, nặng đến hơn ngàn cân; nhiều con sống lâu được xem thành tinh, người đi vào vùng sông nước nhiều lau sậy rất lo sợ. Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng con ngạc ngư vào Chương đỉnh.
Cá sấu có giá trị kinh tế và trong y dược rất cao, hiện nhiều nơi trong nước ta đều có nuôi để xuất khẩu; vùng Bầu Sấu rừng Cát Tiên có giống cá sấu nổi tiếng hơn cả.

THƯƠNG SƠN

Thương Sơn, tức núi Thương, lại có tên là núi Thiên Dữu (sau này có người gọi là núi Kim Phụng). Núi ở phía nam huyện Hương Trà, hình thế núi khum khum cao lớn, trông như vựa thóc tròn, nên gọi thế. Xưa kia trên đỉnh núi có giếng, nước rất trong mát, trong giếng có cá, truyền rằng giếng này là nơi để tiên xuống tắm. Thương Sơn là một ngọn núi đẹp khác thường. Nó được nhiều nhà phong thủy xem là ngọn núi chủ thứ nhất của hệ sơn mạch xứ Huế. Thương Sơn được Thi ông Tùng Thiện Vương chọn làm bút hiệu.
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng núi Thương vào Chương đỉnh; năm Tự Đức thứ 3 (1850), liệt núi này vào hàng danh sơn, chép trong điển thờ, hàng năm sai quan sắm lễ vật đến tế sơn thần.

MẠT LỴ

Mạt Lỵ, tức hoa lài, còn gọi là nhài, lại gọi nại hoa, mạt lợi, mạt lệ, mộc lệ hoa. Loài hoa này nguồn gốc xa xưa có từ xứ Ấn Độ, được đem trồng ở nhiều nơi của châu Á để làm cảnh, người ta lấy hoa buổi sớm để ướp trà. Hoa nhài còn được xem là biểu trưng cho dáng vẻ thanh lịch, tao nhã, đáng yêu: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Hoa có hai loại, đơn và kép, hoa nở màu trắng, mùi thơm nhất là vào ban đêm, nên một số văn nhân thi sĩ ví loài hoa này với người kỹ nữ. Hoa có công dụng làm vị thuốc, điều hòa chân khí, trừ hỏa, khử hàn tích... dùng rễ để làm mát và đẹp da hoặc để bôi mặt.

THUẬN MỘC

Thuận Mộc, tục danh cây gỗ huện, còn gọi là cây gỗ huống (có nhiều sách ghi nhầm là cây bồ hòn). Cây gỗ huện có hai loại: sắc tím và trắng, loại sắc tím chất gỗ rắn, thân dài, bề rộng dày bội phần, thịt gỗ lại dai; sắc đỏ mà nhẹ có thể dùng làm cung điện, đình chùa, nhà ở, đóng thuyền, làm các đồ thờ và đồ gia dụng rất tốt; loại huện sắc trắng chất gỗ rất thường, chỉ dùng làm đồ tạp dụng mà thôi. Rừng ở nước ta các tỉnh miền Trung trở vào Nam đều có nhiều, nhưng chủ yếu là huện sắc trắng. Riêng loại huện sắc tím (đỏ nhẹ) khá hiếm, nó thuộc về hàng gỗ quí.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét