Trong các tác phẩm võ hiệp của Kim Dung, nhiều nhân vật lịch sử có thật, như: Khưu Xứ Cơ, Kiều Phong, Quách Tĩnh, Dương Quá... tưởng đã bị lãng quên theo dòng chảy thời gian lại tái ngộ hậu thế với một dung mạo mới.
Trong thế giới võ hiệp của Kim Dung, Khưu Xứ Cơ là một đạo sĩ chuyên hành hiệp trượng nghĩa. Là cao thủ bậc nhất trong Toàn Chân thất tử - 7 đại đệ tử của Trung Thần Thông Vương Trùng Dương, ông đã dùng võ công thâm hậu của mình để trừ gian diệt bạo, cứu khổn phò nguy.
Tôn xưng “Khưu thần tiên”
Trong Xạ điêu anh hùng truyện của Kim Dung, Khưu Xứ Cơ từng lặn lội từ Trung Nguyên sang tận Mông Cổ tìm tung tích vợ con của hai huynh đệ kết nghĩa là Quách Khiếu Thiên (cha Quách Tĩnh) và Dương Khiết Tâm (cha Dương Khang, ông nội Dương Quá) để tìm cách giúp đỡ.
Khưu Xứ Cơ (1148-1227), đạo hiệu Trường Xuân Tử, là người Sơn Đông - Trung Quốc ngày nay. Năm 18 tuổi, Khưu bái Vương Trùng Dương làm thầy, trở thành một trong Toàn Chân thất tử.
Khi Vương Trùng Dương mất, Khưu cư tang bên mộ thầy 3 năm, sau đó ẩn cư tu luyện 13 năm nữa rồi lập ra Long Môn phái, đồ đệ rất đông, nổi tiếng khắp nơi.
Khưu Xứ Cơ là người thông hiểu thời thế. Khi quân Mông Nguyên nổi lên chống triều Kim, theo triệu kiến của Thành Cát Tư Hãn, năm 1222, dù đã ngoài 70 tuổi nhưng ông vẫn dẫn 18 đệ tử vượt trên 10.000 dặm đường đến Tây Vực (nay là Afghanistan) yết kiến đại hãn. Thành Cát Tư Hãn rất kính trọng Khưu Xứ Cơ.
Tượng Trường Xuân Khưu Xứ Cơ |
Nguyên sử chép: “Thái Tổ (tức Thành Cát Tư Hãn) Tây chinh, mỗi ngày thường bàn việc với Khưu Xứ Cơ. Hỏi về cách bình thiên hạ, đáp rằng phải giới hiếu sát. Hỏi về cái gốc trị nước, đáp rằng kính trời yêu dân...”.
Thành Cát Tư Hãn đãi ông rất hậu, tôn xưng là “Khưu thần tiên”, ban cho hổ phù, ngọc tỉ để chưởng quản tất cả những người xuất gia trong thiên hạ.
Năm 1224, Khưu Xứ Cơ trở về Yên Kinh (nay là Bắc Kinh), lập đạo quán Thái Cực, sau đổi thành Trường Xuân cung, là cơ quan trung tâm của Toàn Chân giáo. Lúc này, giáo đồ Toàn Chân giáo phủ kín miền Bắc Trung Quốc rồi lan về vùng Giang Nam.
Năm 1227, Khưu Xứ Cơ qua đời, 18 đệ tử của ông tiếp tục hành đạo, đưa Toàn Chân giáo phát triển đến giai đoạn cực thịnh.
Mãi đến đời Minh, Toàn Chân giáo mới mất chỗ đứng trong chính trường, dần dần suy thoái nhưng dòng chủ lưu vẫn chảy xuyên suốt trong dân gian đến nay.
Kiều Phong (Huỳnh Nhật Hoa) |
Kiều Phong: Phá giải hận thù dân tộc
Trong Thiên long bát bộ của Kim Dung, Kiều Phong (hay Tiêu Phong) là nhân vật chính bi tráng, đầy hào khí.
Ông vốn là người Khiết Đan, xuất thân dòng dõi tôn thất nhà Liêu. Vì mưu đồ phục Yên của Mộ Dung Bác, các cao thủ võ lâm Trung Nguyên đã đón đầu sát hại mẹ Kiều Phong, khiến cha ông phải nhảy xuống vực sâu tự vẫn.
Kiều Phong được các cao thủ Thiếu Lâm, Cái Bang mang về nuôi dưỡng, biến cải thành người Hán, truyền dạy võ công và sau đó trở thành bang chủ Cái Bang.
Tuy nhiên, hận thù giữa hai dân tộc Hán và Khiết Đan quá sâu sắc. Kiều Phong bị lộ tông tích Khiết Đan và bị truất phế ngôi vị bang chủ Cái Bang.
Yêu tự do, ông đã đem cái chết của mình để phá giải hận thù Hán - Khiết Đan, ngăn chặn chiến tranh giữa hai nhà Liêu - Tống.
Theo Liêu sử, Tiêu Phong (1030-1065) là đại thần nhà Liêu, người Khiết Đan. Khi hoàng đế Liêu Đạo Tông (Gia Luật Hồng Cơ) lên ngôi, Tiêu Phong được phong Văn ban Thái bảo, rồi Đồng tri Khu mật viện sự.
Năm 1048, ông tham gia đánh dẹp bộ tộc Trở Bốc, năm sau phá được bộ tộc Địch Liệt. Sau đó, ông phát hiện và mật tấu âm mưu tạo phản của cha con Gia Luật Trùng Nguyên - thân tộc của vua.
Khi Trùng Nguyên dấy binh làm phản, Tiêu Phong tham gia khởi binh dẹp loạn, đuổi Trùng Nguyên về vùng sa mạc phía Bắc rồi bức phải tự sát.
Nhờ lập được đại công nên Tiêu Phong được phong làm Nam Viện đại vương. Năm 1065, Tiêu Phong bị bệnh chết, được vua Liêu Đạo Tông truy phong là Liêu Tây quận vương.
Dương Quá và Tiểu Long Nữ |
Dương Quá: Bắn chết Mông Kha
Dương Quá là nhân vật nam chính trong Thần điêu hiệp lữ của Kim Dung, vốn người thông minh, đa mưu. Dương Quá cùng vợ chồng Quách Tĩnh – Hoàng Dung chống quân Mông Cổ, giữ vững thành Tương Dương, lập nhiều chiến công cho nhà Tống.
Trong một trận chiến đấu với quân Mông Cổ để giữ thành Tương Dương, Dương Quá đã giết được đại hãn Mông Kha bằng công phu Đạn chỉ thần công do Đông Tà Hoàng Dược sư truyền dạy.
Với võ công trác tuyệt, Dương Quá được tôn là Tây Cuồng - một trong “thiên hạ ngũ tuyệt” (danh xưng thay cho “võ lâm ngũ bá” trước đó).
Về sau, Dương Quá lui khỏi võ lâm, cùng Tiểu Long Nữ - sư phụ và cũng là vợ mình - đi sống ẩn dật rồi tuyệt tích giang hồ.
Theo sử sách, Dương Quá (1236-1367) là tướng lĩnh cuối đời Nam Tống. Dương Quá đam mê võ nghệ, rất giỏi thuật xạ tiễn (bắn tên), trong quân được xưng là “Phi tướng quân”.
Năm 1259, khi quân Mông Cổ bao vây Hợp Châu, Dương Quá dùng tên bắn chết đại hãn Mông Kha khiến quân Mông đại bại, được phong Tương Dương thành thủ bị sứ.
Năm 1267, quân Mông Cổ lại bao vây Tương Phàn, Dương Quá quyết tử giữ thành và đã chết trong chiến trận.
Hoàng Dung và Quách Tĩnh trong Xạ Điêu Anh Hùng truyện |
Quách Tĩnh: Bị chém đầu.
Trong Xạ điêu anh hùng truyện, Thần điêu hiệp lữ và Ỷ Thiên Đồ Long ký của Kim Dung, Quách Tĩnh là nhân vật trung thực, thật thà, dũng cảm, học được võ công của nhiều cao thủ và trở thành Bắc Hiệp trong “thiên hạ ngũ tuyệt”. Quách Tĩnh có công lớn trong việc bảo vệ thành Tương Dương chống quân Mông Cổ. Khi thành bị phá, vợ chồng Quách Tĩnh - Hoàng Dung đã tự vẫn.
Tuy nhiên, trong thực tế, Quách Tĩnh (? - 1269 hoặc 1273) là binh sĩ của Lữ Văn Đức, quan An phủ sứ vùng Kinh - Hồ cuối đời Nam Tống. Quách câu kết với đạo sĩ tên Hoàng Dược Sư, tự xưng là luyện được thần thông, có thể làm phép điều khiển thần binh, thần tướng đánh đuổi quân Mông.
Lữ Văn Đức rất tin tưởng Quách, ban cho quan chức. Quách lén đi các vùng, chiêu mộ bọn du thủ du thực làm “lục đinh, lục giáp”, lại nói rằng: “Chỉ cần 300 quân có thể đuổi hết quân Mông”.
Sau đó, Quách khai thành giao chiến, cùng Hoàng Dược Sư ngồi làm phép. Khi quân Mông tràn vào thành như ong vỡ, Lữ Văn Đức than: “Làm lỡ việc quốc gia là ngươi, làm lỡ việc quốc gia cũng là ta!”, rồi chém đầu Quách Tĩnh và Hoàng Dược Sư, sau đó tự vẫn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét