Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Sự sinh, sự chết và sự sống: Đọc “Báu Vật Của Đời” của Mạc Ngôn


Phạm Xuân Nguyên


Nhà văn Mạc Ngôn trong một cuộc phỏng vấn
tại nhà riêng ở Bắc Kinh năm 2009 - Ảnh: Reuters

1.

Cuốn tiểu thuyết của nhà văn Trung Quốc dày 860 trang chữ Việt kể cuộc đời một phụ nữ nhà quê Trung Hoa tên là Lỗ Toàn Nhi, năm 16 tuổi bỏ tục bó chân, lấy chồng là Thượng Quan Thọ Hỷ; chồng bất lực – không có khả năng truyền giống – mẹ chồng khát cháu trai nối dõi tông đường, Toàn Nhi lấy giống đàn ông thiên hạ, sinh cho nhà Thượng Quan một đàn con chín đứa, gồm tám gái, một trai. Trong số đó, Lai Đệ và Chiêu Đệ là giống của ông chú dượng chỉ biết đánh bạc, bắn chim. Vu Bàn và Lãnh Đệ của một anh chàng bán vịt dạo; Tưởng Đệ, của một thầy lang bán thuốc rong; Phán Đệ, của Lão Béo bán thịt chó; Niệm Đệ, giống hòa thượng Trí Thông chùa Thiên Tề; Cầu Đệ, giống của bốn tên lính thất trận; sau chót, cặp sinh đôi Ngọc Nữ và Kim Đồng, của mục sư Malôa.
"Mẹ nhận ra một chân lý nghiệt ngã: là đàn bà không lấy chồng không được, lấy chồng mà không sinh con không được, sinh con toàn con gái cũng không được. Muốn có địa vị trong gia đình, dứt khoát phải sinh con trai." (tr.783).
Nhưng Kim Đồng, đứa con trai duy nhất sau chuỗi sinh nở dằng dặc một đời người của Lỗ thị lại suốt đời bám vú mẹ trong khi các cô gái nhà Thượng Quan đều quyết liệt dấn thân vào đời. "Phong nhũ phì đồn" (mông to, vú nẩy ) trước hết là nói cái sự sinh ấy. Lỗ thị trước hết, là số phận người phụ nữ Trung Quốc trong một xã hội phong kiến coi rẻ giá trị, phẩm giá của người phụ nữ. Chuyện ăn nằm, thụ thai, và sinh nở của Lỗ thị trước hết, là sự tung hê, thách thức cái xã hội ấy. Chỉ nội mặt này – cứ tạm gọi là về phương diện phong tục, tập quán – Lỗ thị xứng đáng là một bà mẹ vĩ đại.

Deco phồn sinh
2.

Đàn con của Lỗ thị có đủ mọi thành phần xã hội, nói rộng ra, có đủ mọi giống người. Họ được bà mẹ vĩ đại sinh ra đúng vào lúc đất nước Trung Quốc cũng đang trong cơn quặn đau quặn đẻ. Giặc ngoại xâm, các thế lực chính trị thay nhau đến rồi đi, bao biến thiên, bao bi kịch xảy đến với vùng đất Cao Mật, với gia đình Thượng Quan. Mỗi đứa con chọn một con đường, một cách sống, và một cách chết trên con đường đời đầy gian truân khổ ải. Họ thậm chí còn xung khắc, thù ghét nhau theo sự chọn lựa chính kiến, lý tưởng, nhưng điểm tựa duy nhất, nguồn an ủi duy nhất của họ, là người mẹ Lỗ thị. Đất nước cũng vật vã thăng trầm như đời mẹ. Lỗ thị càng là một bà mẹ vĩ đại. Đó không còn là thân phận người phụ nữ nữa. Đó là thân phận đất nước Trung Hoa vĩ đại và đau thương. Đau thương và vĩ đại như cơn lốc tràn qua lục địa Trung Hoa mênh mông, xoáy quật thân phận một người phụ nữ như Lỗ thị đến chết vẫn chưa được yên.
Mở đầu truyện, người mẹ sinh Kim Đồng trong cơn ngất lịm. Kết thúc truyện, Kim Đồng thức chong đêm canh mộ mẹ, sợ "ông Chính Phủ" bắt đào lên dù chôn tại một bãi đất hoang. "Anh trông thấy phía sau mộ mẹ, nơi không bị giẵm nát, có rất nhiều hoa đang nở, những bông hoa mầu nhợt nhạt, chỉ một bông giữa là màu đỏ nhờ nhờ. Loại hoa này có mùi thơm. Anh bò lên mấy bước, giơ tay ngắt lấy bông hoa rồi đưa vào miệng. Cánh hoa rất giòn, như thịt tôm sống, nhưng khi nhai thì xộc lên mũi toàn một mùi máu. Vì sao hoa nở có máu? Vì trên mảnh đất này thấm đẫm máu người." (tr. 859).

3.

Xét trên phương diện văn học, Lỗ thị là một nhân vật ghê gớm – một phụ nữ tượng trưng của một đất nước ở cái khả năng thiên phú mà dù con người có chà đạp tiêu diệt đến đâu thì vẫn trường tồn, bởi vì nếu nó mất đi thì mất luôn cả sự sống. Đêm nằm bên mộ mẹ, ngước mắt nhìn lên trời sao, ngẫm về cả cuộc đời đau khổ chất chồng của mẹ mình, Kim Đồng chỉ thấy hiện ra những bầu vú. "Báu vật trên trời là mặt trời mặt trăng và những vì sao. Báu vật của đời là vú to mông nẩy!". Cả lịch sử của đất nước nhà văn tóm lại ở bốn chữ ấy: phong nhũ đồn phì. Mạc Ngôn, do đó, ở phương diện này, là một nhà văn ghê gớm.
Mạc Ngôn là ai? Đọc tiểu sử của ông, qua lời giới thiệu của bản Việt ngữ, chúng ta được biết, ông sinh năm 1935, hiện là sáng tác viên bậc một của Cục Chính Trị, Bộ Tổng Tham Mưu, Quân Đội Nhân Dân Trung Quốc, cuốn "Phong nhũ phì đồn", in năm 1995, và được trao giải thưởng cao nhất về truyện cùng trong năm. Trước đó, ông đã nổi tiếng với cuốn "Cao Lương Đỏ" , và trở thành nổi tiếng trên thế giới cùng với sự xuất hiện của cuốn phim dựa theo tác phẩm do đạo diễn lừng danh Trung Quốc, Trương Nghệ Mưu, chuyển thể; cuốn phim đoạt giải Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim ở Cannes (Pháp) năm 1994.
Những chi tiết trên có gì đáng nói, với độc giả người Việt? Thứ nhất, Mạc Ngôn thuộc lớp nhà văn trẻ ở Trung Quốc. Tiếp đó, ông dám viết về cái hiện thực bề sau, bề sâu, của lịch sử hiện đại nước ông. Thứ nữa, cái viết của ông được chấp nhận, và đón nhận.
4.

Tác phẩm trên của Mạc Ngôn, xét về nghệ thuật viết tiểu thuyết, không hẳn là xuất sắc. Trong chừng mực nào đó, nó vẫn thuộc truyền thống của lối kể chuyện mang tính cổ truyền của Trung Quốc. Người đọc có cảm tưởng, ở phần cuối, tác giả có vẻ lan man, khi tản mạn về vùng đất Cao Mật bước vào thời kỳ mở cửa. Có vẻ như tác giả hơi tham nữa. Nhưng tôi thích ở đây, là cái nhìn nghệ thuật-lịch sử tỉnh táo và sắc sảo của nhà văn. Ông không nương nhẹ, không xuê xoa quá khứ. Mạch văn của ông cũng gây ấn tượng đối với tôi ở chỗ, nó cho thấy được dòng chảy của cuộc đời như vốn dĩ thể, không đứt đoạn, không tách bạch, dù các sự kiện rất khác nhau xoay vần cuộc đời nhân vật theo các nẻo số phận khác nhau. Tính liên tục lịch sử – đây là điều theo tôi, ở dạng truyện như thế này, các nhà văn ta thường bị gãy. Ví như ở hai thời điểm hai đội quân của Tư Mã Khố và của Lỗ Lập Nhân thế nhau về lại Cao Mật, nhà văn ta trong trường hợp này dễ phết lên bức tranh hiện thực hai màu tương phản theo chủ quan, còn Mạc Ngôn vững tay để chỉ có một màu phủ lên cuộc đời của mẹ con Lỗ Thị, như khách quan nó phải như thế.

5.

Đọc Mạc Ngôn ở Phong nhũ phì đồn tôi nghĩ nhiều đến Lỗ Tấn. Có lẽ, bởi cả hai nhà văn Trung Quốc này, một đầu và một ở cuối thế kỷ 20, đã có sự gặp nhau trong suy nghĩ về đất nước mình. Nhân vật người điên của Lỗ Tấn thấy ai cũng muốn ăn thịt mình; nhân vật người không rời vú mẹ của Mạc Ngôn thấy bông hoa bốc mùi máu; hai hoàn cảnh lịch sử, hai chế độ chính trị khác nhau giữa hai thời kỳ sống của hai nhà văn. Nhưng có một cái không khác, đó là tình yêu nước, và trách nhiệm nhà văn của hai người, và không chỉ của riêng họ. Nhà văn, cũng như người phụ nữ vậy, phải có niềm vui và nỗi đau của sự mang thai và sinh nở những giá trị mới, nhận thức mới cho người đọc. Và xã hội phải có tinh thần làm bà đỡ mát tay cho những cuộc sinh nhọc nhằn và không ít nguy hiểm đó.

2001
Phạm Xuân Nguyên
Sưu tầm nhân Nhà văn Mạc Ngôn nhận giải thưởng Nô ben văn học 2012 (vanthekt)

4 nhận xét:

  1. Ông lần được bài quá hay. Ngắn gọn mà đầy đủ. Chỉ đọc 1 bài này biết qua nội dung chuyện, biết lý do Mạc Ngôn được giải Nôben.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vẫn nghĩ ông Mạc Ngôn có giải NôBen văn học từ đầu TK 21, giờ là thật. Tác phẩm Đàn Hương hình tôi đọc đến vài lần, như kiểu Sông Đông vậy.
      Chúc Phothuongdan vui!

      Xóa
  2. Nhân dịp này các báo thường nhắc đến tiểu thuyết Báu vật của đời của Mạc Ngôn. Hiếm thấy nhắc đến Đàn hương hình cũng của ông. Tác phẩm này tôi đọc cũng thấy mang lại nhiều cảm xúc và ấn tượng sâu sắc.

    Tôi thích Mạc Ngôn từ khi đọc 2 tác phẩm nói trên (BVCĐ và ĐHH), nhưng từ khi biết đến Ma chiến hữu của ông (ca ngợi người lính TQ trong cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung) thì đâm ra không thích nữa...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khẳng định giải Nobel văn chương năm 2012 trao cho ông Mạc Ngôn là quá chính xác, chỉ hiềm nỗi cuốn “Ma chiến hữu” của ông Mạc Ngôn tuy có phần lên án chiến tranh, nhưng quan điểm của nhà văn này đứng hẳn về phía quân Trung Quốc xâm lược, gọi chiến tranh xâm lược là chiến tranh vệ quốc là xúc phạm dân tộc Việt Nam. Tôi mua và đọc 3 cuốn dịch ra TV của Mạc Ngôn.
      .
      Có chép một bài "Anh đưa em qua phủ Tây Hồ" của Bạn,
      Chúc vui!

      Xóa