Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

Tiếng Chuông Chùa.



Nhà tôi ở cạnh chùa, nhưng không phải đất chùa và tôi cũng không có kiểu nghĩ “gần Chùa”. Cứ mỗi sáng sớm và chập tối, tiếng chuông chùa vọng tới, lòng nhẹ nhõm. Có lần thầm đếm theo 108 tiếng của Đại hồng chung, sau đó lắng nghe lời bài kệ. Và thế là cũng ngộ một chút về “chuông Cảnh tỉnh” khi sớm và “chuông Thu không” mỗi hoàng hôn.

Chuông cảnh tỉnh mang ý nghĩa thức tỉnh, thúc đẩy con người tịnh tiến tu hành để vượt ra ngoài tội lỗi của kiếp luân hồi.

Tiếng thu không nhắc nhở cơn vô thường sẽ rất nhanh chóng đến với mọi người. Phật tử nghe tiếng chuông thu không cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản như đứng bên bờ của sự giác ngộ.

Cả chuông thu không lẫn chuông cảnh tỉnh đều đánh 108 tiếng với 3 hồi, mỗi hồi 35 tiếng và 3 tiếng kết thúc trong lời cầu nguyện (bài kệ) của chính nhà sư. 

Cách đánh này nhằm loại trừ 108 phiền lão căn bản của chúng sinh, đồng thời làm trí lực tăng trưởng. 

Nhà Phật thật tinh diệu. 

Bài viết của Bác Ngô Phan Lưu như một chuyện Thiền.

…..
Tiếng chuông chùa.

Nhà tôi gần chùa của sư Bản. Đó là một ngôi chùa nông thôn nghèo, quanh năm vắng lặng.

Hằng ngày, tôi chăn trâu cắt cỏ, cứ ghé tạt vào chơi...

1. Một hôm, tôi hỏi đùa sư Bản: “Sư đã đến Niết bàn chưa?”.

Sư đang vá áo, vội ngừng tay, trả lời: “Đến mãi... Nhưng không ở lâu được”.

Thật sự, tôi rất ngạc nhiên: “Sư đến bằng gì?”.

Sư đáp: “Trên những cánh bay của chuông chùa”.

2. Tôi vẫn cắt cỏ chăn trâu. Có một lần khác tôi hỏi sư: “Sao sư không tụng kinh, mà cứ nện chuông hoài hoài?”.

Đang vo gạo, sư đáp: “Kinh không có cánh”.

Đột ngột, sư nhìn sững vào tôi, giọng sư nghiêm trọng: “Rồi anh cũng sẽ đi tu”.

Tôi giật thót người. Tôi có cảm giác câu trả lời vừa rồi là mình nói, không phải của sư nói.

3. Nơi hai đầu gối của sư, cộm dày lên hai vết chai cứng. Hai vết chai thâm đen, hậu quả của sự quỳ gối lâu năm. Hai vết chai hình tròn, dấu ấn chứng minh đức kiên trì tụng niệm của sư.

Tôi sờ nắn hai vết chai ấy, lại đùa: “Liệu “tâm” của sư có chai như đầu gối không?”.

Sư đáp: “Đầu gối quỳ, tâm không quỳ”.

4. Lại có hôm, gặp sư cày ruộng, tôi buông tiếng: “Bữa nay, “tâm” của sư có nhà không?”.

Sư ngừng bò: “Nó” đang cày đây”.

Tôi nín thinh...

5. Lại nhớ có lần tôi lẩn thẩn đếm tiếng chuông công phu của sư: “Sao sư nện chuông đúng 108 tiếng giỏi thế?”.

Sư ngừng tay gieo hạt, nói vọng lên bờ: “Xâu chuỗi Bồ Đề 108 hột”.

6. Nói chuyện với sư Bản thật dễ dàng. Quá dễ dàng là đằng khác.

Nhưng lạ thay! Sự dễ dàng ấy thật chẳng dễ dàng. Lúc nào, tôi cũng thông suốt một cách bí rị. Lúc nào tôi cũng sáng trưng một cách tăm tối. Tôi không được thanh thản như sư.


7. Ngày hôm qua, sư Bản nằm viện cắt ruột thừa. Yên lành cả.

Ngày mai, tôi sẽ đem cháo, nước cho sư.

Đêm nay, không có tiếng chuông chùa. Có thể, không có cả tuần nữa cũng nên.

Tôi nằm nặng nề. Nặng nề đến không dậy nổi.

Tôi mở mắt nhìn sâu vào đêm đen. Sâu nữa vào đêm đen.

Thì ra, trên những cánh bay của chuông chùa, không những sư Bản đã bay, mà tôi cũng bay mà không hề biết...



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét