Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Mẹ đưa em qua phủ Tây Hồ.


Ông bạn Phạm Hoài Nhân ra Bắc, ổng là... chuyên gia tin học. Có một ngày chớm thu, dự buổi ra mắt tiểu thuyết Sông của người miền Tây Nguyễn Ngọc Tư. Bạn Hai Ẩu là một VIP, (nghĩa là Very Important Patient- Bạn mới mổ tim). Ra Bắc, được Chuồn chuồn và mẹ Bụ dẫn đi Hà Nam, Phủ Lý, thăm nhà Bá Kiến (vì đất nhà anh Chí đã vào dự án) và loanh quanh Phủ Tây Hồ. Rất tiếc anh em không gặp được nhau. Bài viết này kể lại một lần trong những ngày đó.

Mẹ đưa em qua phủ Tây Hồ.


Khăn quàng cũ cuối mùa thu,
Mẹ đưa em qua phủ Tây Hồ

là lời ca bài Phố nghèo của nhạc sĩ Trần Tiến. Bài hát gợi lên một không gian đậm chất Hà Nội. Hà Nội nghèo chứ không phải Hà Nội sang, Hà Nội lãng mạn của Phú Quang, Trịnh Công Sơn...

Phủ Tây Hồ là gì? Ở đâu? Thật ra thì không cần biết điều này vẫn cảm được bài hát qua giọng ca da diết của Trần Thu Hà. Thế nhưng biết vẫn thích hơn. Vì thế, ra Hà Nội lần này lúc chớm thu, tôi đưa tôi ra phủ Tây Hồ....

 Hồ Tây, nhìn từ phủ Tây Hồ

Tôi đọc rất kỹ Sơn Nam, ông già Nam bộ giải thích rất chi tiết về các nơi thờ cúng như đền, chùa, miếu, đình...  Có cả dinh (như dinh Cô ở Long Hải, Vũng Tàu), nhưng tuyệt nhiên không thấy ông nhắc đến phủ. Nói đến phủ, tôi nghĩ đến dinh thự, như phủ tổng thống, phủ thủ tướng... Và như vậy phủ Tây Hồ phải chăng là một dinh thự của vị quan nào đấy trên bờ hồ Tây?

Không, không phải vậy! Chùa là nơi thờ Phật, đền là nơi thờ các bậc danh nhân, miếu là nơi thờ các vị thần thánh, cònPhủ là nơi thờ Mẫu, mà tiêu biểu là Mẫu Liễu Hạnh. Giáo sư Vũ Ngọc Khánh giải thích chữ phủ ở đây nghĩa là cõi. Miền Nam không có phủ thờ mẫu nên Sơn Nam không có giải thích điều này.
Phủ Tây Hồ là nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh, và tuy cùng nằm ven bờ hồ Tây nhưng phủ nằm tận bên kia hồ, chứ không phải chỗ chùa Trấn Quốc nơi du khách thường lui tới.

 Phủ Tây Hồ

Truyền thuyết kể rằng thuở xưa quan trạng Phùng Khắc Khoan cùng hai bằng hữu dạo chơi trên Hồ Tây đã tao ngộ chúa Liễu. Đôi bên xướng họa cùng nhau. Phùng Khắc Khoan cho lập phủ Tây Hồ tại nơi gặp gỡ để thờ bà chúa Liễu và nhớ nơi hội ngộ.

Thành tâm khấn nguyện
  
Phủ Tây Hồ trở nên một chốn linh thiêng, người dân thường đến đây cầu tài cầu lộc, nam nữ đến đây cầu duyên cầu tình.

Níu giữ cây si cổ thụ, buông rể xuống ven hồ
Ngày nọ, ở phủ Tây Hồ, có một gã trung niên từ Nam ra, ngắm hồ Tây mênh mang sương mờ, tưởng nhớ cuộc tao ngộ lung linh năm nào giữa người và tiên, ngắm khách thập phương thành tâm khấn nguyện.
 Suy tư- Phạm Hoài Nhân



Thoảng đâu đây qua làn sương mỏng lời ca:
Khăn quàng cũ cuối mùa thu,
Mẹ đưa em qua phủ Tây Hồ 


Nhờ mẹ Bụ ngắm trời, thoáng heo may xứ bắc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét