Tôi không bôi bác người già, không chống lại sự già.
Tôi viết chỉ muốn chiêm nghiệm thêm cái nhìn của mình, cho thấu đáo mọi nhẽ xem
lúc già mình sẽ như thế nào. Lường trước mọi điều may ra tránh được những bỡ
ngỡ, những “bất cập” khi mình già thật.
Người già chả cười chả khóc gì mà mắt cũng tự nhiên nhoèn ướt, nói chuyện lúc hăng lên văng cả nước bọt, câu trước quên sau, húp bát canh thì… rớt xuống cằm…
Có nhiều khi ta mơ
màng “thơ ngây” kể lại chuyện ngày xưa cho bọn trẻ nghe về “ơn xưa” hay
"nỗi niềm đau chôn dấu”, “ôm một khối tình" qua những chứng tích anh
dũng của mình…
Chắc rằng ta sẽ nhận
được sự ngạc nhiên của “chúng nó” về câu chuyện lãng mạn vào thời xưa của các
tiền nhân. Tình yêu gì lạ quá vậy? chỉ mắt liếc, rụt rè trao thư, hoạ hoàn nắm
được tay nhau chốc lác thôi... mà bồi hồi suốt kiếp ... Oh! my god? truly?
Viết đề dẫn câu
chuyện “Tôi sẽ đi với Mèo”, truyện dịch của Bác Vu Nho.
Có một lần ba ông:
VuNho (VN), Bulukhin (Bu), VanPham (Van) chát chít.. Nội dung như vầy.
@ VN: Tôi có dịch
truyện ngắn Ytalia : Tôi sẽ đi với Mèo!/ Câu chuyện về ông già không được con
trai, con dâu, cháu trai, cháu gái quan tâm nên đã quyết định đi vào thế giới loài
MÈO. Tôi nghĩ đúng là tuổi nào cũng có "vấn đề", bất kì là già hay
trẻ!
@ Văn: Bác ơi hãy quên
mình đi, chát chít, viết blog cho đỡ phiền/ Thôi hãy đừng hoài cổ nữa, chúc Bác
vui!/ Что это не важно, важно то, что у него есть ...
(viết câu này vì Cụ Nho là TS Văn học, tiếng Nga, cụ đang ở BGD)
@ VN: He he he lời
khuyên của bạn già quý giá. Chẳng quên thì cũng phải quên. Chủ động quên trước
cho nên... nhẹ người./ Ta viết Blog ta chơi
@ Từ miền mèo có đầy
nắng ấm, Bu viết: Cô đơn là thuộc tính của con người, với người già thì sự cô
đơn càng tệ hại hơn. Anh ta ngày càng vo tròn mình lại, ngại đi xa, ngại tiếp
xúc, thường trực mặc cảm không còn ai nghĩ đến mình nữa. Nhà thơ Lưu vũ Tích
cách nay gần 1200 năm cũng có cái tâm trạng ấy. Uống rượu ngắm hoa mà cứ nghĩ
là hoa nở ra không phải cho cái thân già mình thưởng thức. Thiên hạ quên ta rồi
đến hoa lá cỏ cây cũng quên ta nốt....huhuhu!
***
Nhớ xưa “bát phố, o
mèo …”, giờ đây ba lão “lèo nhèo” luận chương.
Sau khi luận bàn "Anh hùng thiên hạ cóc thằng nào bằng ta", thấy "Tam hầu", lão bịt tai, lão bịt mồm, lão thì nằm bẹp bịt mắt. Thật thảm hại, thương thay...
|
Tôi sẽ đi với Mèo
Đ. Rôđari (Ytalia) – Vũ Nho dịch từ tiếng Nga
Xinhor Antonio bây giờ đã về hưu, vốn là một trưởng
ga đường sắt, có một gia đình lớn– con
trai, con dâu, cháu nội đích tôn tên là Nino và cháu gái Daniela. Nhưng chẳng
ai thèm đoái hoài đến ông, dù chỉ là chút xíu.
- Bố nhớ là…, Ông bắt đầu hồi tưởng – Khi đó bố là
Phó trưởng ga ở Potdiponxi…
- Bố này– con trai ông cắt ngang– hãy để con yên
thân đọc báo. Con rất quan tâm tin khủng hoảng chính phủ ở Veneduela.
Ông Antonio quay sang chỗ con dâu và bắt đầu lại từ
đầu:
- Bố nhớ, khi bố là trợ lí cho Trưởng ga ở
Galarate…
- Bố à- cô con dâu ngắt lời ông– Sao bố không đi dạo
một chút hả? Bố không thấy là con đang bận đánh bóng sàn nhà hay sao.
Ông không có được một chút thành
công nào với thằng cháu Nino. Nó đang mê đọc truyện tranh cấm trẻ em dưới mười
tám tuổi ( cu cậu mới mười sáu). Ông rất hi vọng vào đứa cháu gái. Chính ông
đôi khi cho phép nó đội mũ trưởng ga để chơi trò tai nạn đường sắt, vụ tai nạn
làm chết 47 người và 120 người bị thương. Nhưng Daniela cũng rất bận.
- Ông ơi! – cô bé nói với ông – Đừng quấy rầy cháu
xem chương trình truyền hình thiếu nhi rất chi là hay.
Daniela bảy tuổi, nhưng cô bé rất
chăm học. Ông Antonio thở dài:
- Hừm, rõ rồi, trong nhà này không có việc gì cho
ông già về hưu, cựu nhân viên đường sắt! Thật là bực mình, lúc nào đó tôi sẽ
đi. Tôi thề, tôi sẽ đi với Mèo.
Thật vậy. Một buổi sáng ông đi
khỏi nhà, sau khi nói rằng sẽ đi chơi bài loto, nhưng thực tế là nhằm hướng quảng
trường Achentina, nơi giữa đống tro tàn của thành Rom cổ đại tụ tập hàng nghìn
con Mèo. Ông tụt xuống theo cầu thang, bước qua thanh chắn bằng sắt ngăn cách
vương quốc Mèo với vương quốc ô tô và trở thành Mèo. Và ông lập tức bắt đầu “liếm
chân” mình để không mang theo vào cuộc đời mới bụi bặm từ đôi giày của thế giới
loài người. Có một con Mèo quen quen đi qua và chăm chú nhìn ông. Nhìn nhìn rồi
nói:
- Xin lỗi, có phải ông trước đây là ông Antonio?
- Tôi không muốn hồi tưởng đến ông ta!
- Nghĩa là, hình như tôi thấy quen. Ông biết không,
tôi vốn là giáo viên về hưu sống ở nhà đối diện. Ông nhất định là thấy tôi, hoặc
giả có thể thấy em tôi.
- Vâng, tôi thấy bà. Bà luôn luôn cãi nhau vì chuyện
chim bạch yến.
- Đúng! Nhưng tôi đã chán cái trò cãi nhau và tôi
quyết định đi với Mèo.
Ông Antonio rất ngạc nhiên. Ông
nghĩ rằng chỉ có mình ông có ý nghĩ tốt đẹp thế này. Bỗng nhiên, hóa ra là giữa
tất cả những con Mèo sống ở quảng trường này chỉ có một nửa là Mèo thật, nghĩa
là những con Mèo mà bố mẹ thực sự là những ông Mèo đực và những bà Mèo cái. Số
còn lại là tất cả những người chán cảnh làm người và biến thành Mèo. Ở đây có kẻ
đổ rác chạy khỏi nơi nương thân của những người già cả, những quý
bà cô đơn không hòa thuận với người phục vụ. Ở đây có cả một vị Thẩm phán
– một người khá trẻ, có vợ, có con, có ô tô và căn hộ bốn phòng, hai buồng tắm
và chẳng ai hiểu vì sao anh ta lại đi làm Mèo. Tuy nhiên, anh ta không “quan dạng”
khi “những bà mẹ Mèo” mang đến những mẩu vụn đầu cá, giò, pho mát, mì sợi, lòng
gà. Anh ta nhận phần mình và tót lên bậc thang cao nhất của cái nhà thờ cổ.
Mèo- mèo không ghen với Mèo- người.
Chúng đối xử với họ hoàn toàn bình đẳng, không cao ngạo. Tuy nhiên, chúng thường
hay nói với nhau:
- Chúng mình không có ý định làm người – Dù người
ta có đem giăm bông mà nhử!
- Chúng tôi ở đây có một hội rất lừng danh – Mèo- bà
giáo nói với ông Antonio- Chiều nay có bài giảng về thiên văn. Ông đi chứ?
- Tất nhiên- Thiên văn chính là niềm say mê của
tôi. Tôi nhớ, khi tôi là trưởng ga ở Kaxchi den Lago, thì tôi đã dựng ở ban
công một ống kính phóng đại hai trăm lần và đêm đêm tôi xem vòng sao Thổ, các vệ
tinh của sao Mộc, chúng được sắp thành hàng hệt như chuỗi hạt, tinh vân của
Andromed, giống như dấu phảy.
Nhiều Mèo tụ tập lại nghe chuyện
của ông ta. Trong nhóm của chúng, chưa bao giờ có một cựu trưởng ga. Bọn chúng
ham muốn hiểu nhiều về đường sắt. Chúng hỏi, chẳng hạn, vì sao trong nhà vệ
sinh của toa hạng hai không bao giờ có xà phòng.v.v. Khi trời đã tối, trên trời,
sao hiện rõ, Mèo- bà giáo bắt đầu bài giảng của mình:
- Đây– bà ta nói- Hãy nhìn đây. Đây là chòm
sao Gấu lớn. Còn kia là chòm sao Gấu bé. Hãy quay lại như tôi, hãy xem bên phải
tháp Achentina. Đó là sao Rắn.
- Hừ, hệt như vườn bách thú – Mèo- đổ rác nhận xét.
- Ngoài ra, chỗ kia là sao Ma- kết, sao Dê trắng,
hay sao Cừu đực, sao Bò cạp.
- Lại thế nữa! – Ai đó sửng sốt.
- Còn kia là chòm sao Cẩu.
- Quỷ bắt nó đi! Những con Mèo xúc động. Bực hơn tất
cả là chú Mèo Hung- Kẻ cướp. Nó được gọi thế mặc dù nó hoàn toàn màu trắng,
nhưng khác biệt bởi thói quen nhà binh. Anh ta bỗng hỏi:
- Thế có chòm sao Mèo chứ?
- Không – bà giáo đáp.
- Không có sao, dù chỉ là một ngôi nhỏ được gọi là
sao Mèo à?
- Không.
- Thế đấy – Mèo Hung –Kẻ cướp giận dữ - Người
ta cho sao cho Chó, cho Lợn, còn bọn mình không ư? Lịch sử mới hay làm sao!
Vang ầm tiếng meo meo giận dữ. Mèo-
bà giáo cao giọng bào chữa cho các nhà thiên văn– Họ biết phải làm gì– mỗi người
có nghề nghiệp của mình. Và nếu như họ đã quyết định không cần thiết gọi một tiểu
hành tinh là Mèo, nghĩa là họ có cơ sở của mình.
- Cơ sở của họ không đáng giá bằng cái đuôi chuột!
- Cơ sở không đáng giá bằng cái đuôi chuột! Mèo
Hung- kẻ cướp xẵng giọng- Chúng ta hãy xem, Thẩm phán nói về chuyện ấy thế nào.
Mèo- Thẩm phán giải thích rằng
anh ta từ nhiệm chính là để không bao giờ kết tội ai về điều gì. Nhưng trong
trường hợp này, anh ta kết luận:
- Ý kiến tôi là thế này – Các nhà thiên văn là đồ đểu
cáng!
Vang lên những tiếng vỗ tay điếc
tai. Mèo-bà giáo tỏ ý tiếc rằng đã bênh vực họ và hứa là sẽ xem lại quan điểm
nhân sinh của mình. Hội nghị quyết định tổ chức cuộc tuần hành chống đối. Những
thông điệp riêng được gửi cấp tốc cho tất cả dân cư Mèo của thành Rom đến Pho
ri, vào các quán địa phương và vào bệnh viện Xanh-Kaminlo, nơi dưới cửa sổ có một
chú Mèo ngồi đợi những người bệnh có vứt cho chúng bữa ăn tối không, nếu họ cảm
thấy rất kinh tởm.
Thông điệp cũng bay đến chỗ những
con Mèo ở Tractever và những con Mèo lang thang ngoại ô thành Rom, đồng thời
cho những con Mèo đẳng cấp Trung lưu, nếu như chúng mong muốn thống nhất
lại (sau khi tạm thời quên đi thực đơn, gối đệm lông tơ và nơ trên cổ). Cuộc gặp
gỡ được ấn định vào lúc nửa đêm ở Koliday.
- Tuyệt diệu! – Mèo – Antonio nói- Tôi đã ở đó với
tư cách người du lịch và người thăm thuần túy, nhưng là Mèo thì tôi chưa bao giờ.
Cái đó sẽ là sự trải nghiệm xúc động mới đối với tôi.
Sớm hôm sau, Koliday có người Mĩ
đến xem (đi bộ và đi ô tô). Người Đức đi ô tô buýt và xe Phaeton cổ; người Thụy
Điển có túi da đeo chéo qua vai; dân chúng vùng Abruzi mang cá nướng, dân Milan
mang máy quay phim Nhật. Nhưng không ai có thể ngó thấy cái gì vì thành phố đã
bị bao bọc bởi Mèo. Tất cả các lối vào, lối ra, diễn đàn, cầu thang, dãy cột và
vòm cuốn. Không thể ngó thấy một viên đá cổ. Khắp nơi chỉ toàn Mèo, rặt Mèo.
Hàng ngàn Mèo. Theo hiệu lệnh của Mèo Hung- xuất hiện tấm băng rôn (tác phẩm của
Mèo- bà giáo và ông Antonio) trên đó viết: “Koliday đã bị chiếm! Chúng tôi muốn
có ngôi sao Mèo!”.
Những người du lịch, tham quan,
khách qua đường đã bị dừng lại và quên mất rằng họ cần đi xem tiếp, vỗ tay
khoái trá. Nhà thơ Aphonxo Mèo đọc diễn văn. Không phải tất cả hiểu anh ta muốn
nói điều gì, nhưng chỉ dáng vẻ anh ta thuyết phục tất cả tin rằng nếu như nhà
thơ có thể là Mèo, thì từ lâu phải có ngôi sao Mèo. Một ngày hội lớn bắt đầu. Từ
Koliday, các thông điệp Mèo được gửi đi Pari, Lonđon, Niu-ooc. Việc tuyên truyền
được tiến hành trên toàn thế giới. Mèo đực và Mèo cái toàn hành tinh hướng về
các nhà thiên văn với lời kêu gọi của mình bằng tất cả các thứ tiếng. Và vào một
ngày tuyệt diệu, đúng hơn là vào một đêm, chòm sao Mèo đã rực rỡ chiếu ánh sáng
riêng.
Trong khi chờ đợi các tin tức mới,
những Mèo đực, Mèo cái thành Rom tản mát về “các ngôi nhà” của mình. Ông
Antonio và Mèo- bà giáo vội vã về quảng trường Achentina, vừa đi, vừa lập ra những
kế hoạch mới.
- Thật là tuyệt – ông ta nghĩ và nói – Nếu như xung
quanh vòm nhà thờ thánh Pi-ôt có những chú Mèo đứng dựng thẳng đuôi lên!
- Nhưng ông bảo sao – bà giáo hỏi – nếu tôi đề nghị
chiếm sân vận động Olimpic đúng vào hôm ở đó hai đội bóng Roma và Lazio sẽ
chơi?
Ông Antonio đang định nói “ Chấn động!” cùng với cử
chỉ khâm phục, nhưng ông không kịp nói nửa lời, vì bỗng ông nghe thấy tiếng gọi:
- Ông ơi! Ông ơi!
- Ai nhỉ? Daniela! Cô bé tan học và nhìn thấy ông.
Ông Antonio đã có được một chút kinh nghiệm của
loài Mèo, và làm ra vẻ không nghe thấy. Nhưng Daniela khẩn khoản:
- Ông làm sao thế ông! Ông đi với Mèo làm gì? Cháu
đã đi tìm ông mấy ngày khắp mọi nơi- ở đất liền và ở ngoài biển – Bây giờ thì về
nhà thôi ông ạ!
- Con bé tốt làm sao! Mèo- bà giáo nói – Nó học lớp
mấy? Hẳn là nó có kết quả học tập giỏi chứ? Nó rửa tay sạch chứ? Ồ, hẳn là nó
không trong số những đứa trẻ viết lên cửa nhà vệ sinh “Đả đảo cô giáo!” chứ?
- Không. Nó là con bé rất thông minh – Ông Antonio
đáp đã hơi bớt xúc động- Tôi đi tiễn nó. Tôi xem xét để nó không đi qua
đường khi đèn đỏ.
- Tôi hiểu cả - Mèo- bà giáo nói – Nào, thì tôi
cũng đi xem em tôi sống ra sao. Có lẽ nó bắt đầu viêm khớp biến chứng và cô ấy
không thể tự đi giầy.
- Nào, ông ơi, đi thôi! Daniela ra lệnh. Mọi
người nghe thấy điều đó chẳng hề ngạc nhiên. Họ nghĩ rằng tên con Mèo là thế.
Có gì đặc biệt đâu, vì có những con Mèo được đặt đủ loại tên.
Khi đến nhà, Mèo Antonio lập tức
ngồi lên chiếc ghế bành yêu thích và vẩy tai làm hiệu chào.
- Cả nhà thấy không? – Daniela hỏi – cô bé rất hài
lòng- Đây chính là Ông!
- Đúng rồi! – Nino khẳng định – Ông cũng biết vẫy
tai.
- Được rồi, được rồi – Bố mẹ nói hơi ngượng – Nào,
bây giờ thì ngồi vào bàn!
Nhưng họ chuyển cho Mèo- ông những
mẩu thức ăn ngon nhất. Họ thết ông thịt, sữa đặc, bánh quy, vuốt ve và hôn ông.
Họ nghe xem ông gừ gừ, yêu cầu ông đưa chân cho. Họ vuốt ve tai ông, đặt
lên gối nhồi lông tơ, làm cho ông nhà vệ sinh có mùn cưa.
Sau bữa trưa, ông đi ra ban
công. Nhìn sang nhà đối diện, ông thấy trên ban công, Mèo- bà giáo đang liếc
nhìn chim bạch yến.
- Thế nào? – ông hỏi bà.
- Tuyệt – Bà đáp- Em gái đối xử với tôi còn tốt hơn
là với Cha tòa thánh La Mã.
- Nhưng mà bà đã thừa nhận bà là ai à?
- Tôi là gì – Có phải con ngốc đâu? Cô ấy biết thì
lại tống tôi vào nhà điên. Cô ấy cho tôi tấm chăn của bà mẹ đáng thương của
chúng tôi. Trước đây, đến nhìn nó cô ấy cũng chẳng cho.
- Còn tôi thì không biết làm thế nào – ông nói-
Daniela muốn tôi lại thành Ông. Tất cả bọn họ đều yêu tôi.
- Này, đồ ngốc! Khám phá ra châu Mĩ rồi lại bỏ! Hãy
xem! Ông sẽ hối tiếc!
- Thật tình tôi không hiểu – ông lặp lại- thế nào
cho phải. Tôi sẵn sàng đầu hàng, tôi thèm hút thuốc quá!...
- Tuy nhiên, ông nghĩ làm thế nào lại biến từ Mèo
thành Ông nội?
- Ồ, cái đó đơn giản hơn cả điều đơn giản – ông Antonio
nói.
Và thật thế. Ông ta ra quảng
trường, bước qua thanh chắn bằng sắt theo hướng ngược lại, và thay cho Mèo là một
ông già đứng tuổi đang hút thuốc lá. Ông quay về nhà hơi hồi hộp. Daniela sau
khi thấy ông, nhảy lên vì vui sướng. Trên ban công ngôi nhà đối diện, Mèo- bà
giáo lim dim một mắt tỏ ý chúc tốt lành, nhưng tự nhủ thầm “Thật là lão ngốc!”.
Cạnh bà ta trên ban công là em
gái bà ta. Cô ấy dịu dàng nhìn con Mèo và nghĩ “Không nên quá gắn bó với nó. Bởi
vì nếu mà nó chết, ta sẽ rất đau khổ, và ta sẽ bị loạn nhịp tim”.
Còn sau đó đến lúc tất cả Mèo sống
ở Pho ri, tỉnh dậy và đi bắt chuột. Còn Mèo ở quảng trường Achentina tụ tập lại
chờ đợi những người đàn bà tốt bụng mang đến cho chúng những túi to đựng đồ ăn
ngọt. Mèo đực và Mèo cái sống ở bệnh viện Xanh-Kamilo, tản ra các luống hoa và
đường trồng cây và dưới mỗi cửa sổ, hy vọng rằng bữa tối sẽ không ngon và bệnh
nhân sẽ bí mật ném qua cửa sổ. Và những chú Mèo lang thang, trước đây là người,
hồi tưởng lại. Một thời trước, họ điều khiển ô tô ray, làm việc bên máy tiện,
đánh máy chữ như thế nào. Họ vốn là những chàng trai trẻ đẹp và say mê những cô
gái tuyệt vời.
Vũ Nho dịch
theo bản tiếng Nga (chuyển ngữ từ tiếng Ytalia) của I.Konxtantinovna. Báo Tuần
lễ, số 32, 1982.
Xin gửi tới ông fần đầu bài biết: 'Một thời để nhớ'. (fần tiếp theo chưa biết khi nào viết đc): http://k14vt.blogspot.com/2012/09/mot-thoi-e-nho.html
Trả lờiXóaCảm ơn ông!
Xin gửi ông vài 'câu thơ' mang màu tâm sự, ông xem có thể post lên blog của ông?! Tks!
Trả lờiXóahttp://k14vt.blogspot.com/2012/09/trung-thu-ngoi-nho-chi-hang.html