Blog Bà Tám.
“Monkeys Grasping for the Moon (Đàn Khỉ Với Trăng),” là tên tác phẩm điêu khắc của Xu Bing (Từ Băng). Tác phẩm này được sáng tạo dành riêng cho Sackler Gallery và là một phần trong tổng số tác phẩm với đề tài “Word Play Contemporary Art by Xu Bing Đùa với Chữ Nghệ Thuật Đương Đại của Từ Băng” của ông được triển lãm vào tháng Mười năm 2001. Tác phẩm Đoàn Khỉ Với Trăng sẽ được lưu giữ mãi mãi cho công chúng thưởng ngoạn ở viện Bảo Tàng Sackler.
Tác
phẩm Đàn Khỉ Với Trăng là sự kết hợp của hai mươi mốt miếng gỗ birchwood cắt
thành chữ khỉ của nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Những chữ này được nối liền với
nhau theo chiều thẳng đứng treo, hơn 80 feet, từ tầng trên cùng gần mái nhà có
lắp kính soi sáng suốt chiều cao ba tầng lầu đến tầng thứ ba là hồ tĩnh tâm.
Trông giống như đàn khỉ chuyền tay nắm đuôi nhau soi bóng trên mặt hồ.
Chữ Khỉ được Từ Băng trình bày theo lối chữ viết của người Ả Rập và Trung Hoa, người Nhật và người dùng tiếng Anh ...
Tác phẩm này dựa vào một câu chuyện Phật Giáo Trung Quốc kể lại câu chuyện một đàn khỉ muốn với lấy mặt trăng. Chuyền tay và nắm đuôi nhau đàn khỉ thả người từ cành cây xuống mặt hồ lóng lánh phản chiếu ánh trăng, rồi chợt nhận ra công việc khó nhọc mà chúng cố gắng đạt đến chỉ là một ảnh ảo.
Tác phẩm của Từ Băng là món quà của Phu Nhân Chiang Kai-shek (Chiang Soong Mayling 1898-2003) lưu niệm cuộc thăm viếng nổi tiếng trong lịch sử khi bà tham dự buổi họp với Quốc Hội năm 1943 và quay lại lần thứ nhì năm 1995. Trong buổi thuyết trình vào ngày 18 tháng Hai năm 1943, phu nhân Chiang đã để lại một câu nói vẫn còn được nhắc nhở là: “Chúng tôi ở Trung Hoa, cũng như quí vị, muốn thế giới tốt đẹp hơn, không phải chỉ dành riêng cho chúng tôi, nhưng cho nhân loại, và chúng ta cần phải đạt được điều ấy.”
Từ Băng sinh năm 1955, sau vụ Thiên An Môn đã rời bỏ xứ sở Trung Hoa đến sống ở Hoa Kỳ từ năm 1990. Tác phẩm của ông thường nghiêng về chủ đề truyền thông giữa các nền văn hóa khác biệt ngôn ngữ, luôn mang hình dáng chữ viết trong ngôn ngữ. Các bạn nào muốn biết thêm tiểu sử của Từ Băng có thể xem trên Wikipedia, có cả bản tiếng Việt dù không đầy đủ bằng bản tiếng Anh.
Vào thập niên 1980, tác phẩm của Từ Băng tạo nên nhiều dư luận. Tác phẩm “A Book From the Sky- Sách từ Trời” năm 1988 bao gồm những quyển sách in bằng tay, vẽ lên tường, hay viết lên những cuộn giấy dài treo từ trên trần, thoạt trông giống như nét chữ của ngôn ngữ cổ nhưng đó chỉ là những chữ giả, ngoằn ngoèo vô nghĩa. Cho rằng đây là một hình thức phê phán đường lối tuyên truyền của chính quyền một cách khéo léo, tác phẩm của ông đã gây xôn xao trong dư luận khi nó được trưng bày trong Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật của Quốc Gia ở Bắc Kinh.
Vào năm 1989, ông là một giáo sư rất nổi tiếng trong giới giáo dục, lúc ấy đang là thời điểm sinh viên học sinh đang than phiền về sự khống chế của chính quyền trong việc tự do sáng tạo và tự do ngôn luận. Khi cuộc biểu tình ở Thiên An Môn xảy ra năm 1989, nhiều sinh viên và giáo sư trẻ đã tham gia, thậm chí còn làm những tượng Nữ Thần Tự Do bằng plastic foam và giấy. Những bức tượng Nữ Thần Tự Do này trở nên dấu hiệu của phong trào đòi tự do dân chủ của sinh viên học sinh ở Thiên An Môn.
Trong phần ảnh post trong blog này có vài tấm tôi lấy từ trang mạng của Xu Bing, từ phần ảnh chữ Khỉ của các ngôn ngữ khác trở xuống. Còn phần trên là ảnh tôi chụp. Hôm đi Washington DC tôi ghé vào Freer để thử xem bộ đồ cổ gốm sứ Hội An có còn được trưng bày không (tôi xem bộ gốm này từ năm 2010) nhưng không còn. Đi từ Freer sang Sackler tôi không để ý tác phẩm Đàn Khỉ Với Trăng này nhưng ông nhà tôi lại rất thích, nhờ thế mà có ảnh.
Viện
Bảo Tàng Sackler do Arthur M. Sackler thành lập, mở cửa năm 1987. Bác sĩ Sackler
(1913–1987) cũng là tác giả của các tác phẩm trong lĩnh vực y tế. Chính phủ
Nhật và Nam Hàn cũng đóng góp vào công việc xây dựng viện bảo tàng này.
Viện
Bảo Tàng Sackler nối liền với Viện Bảo Tàng Freer bằng con đường ngầm. Cả hai
viện bảo tàng này đều trưng bày các tác phẩm nghệ thuật Á châu. Năm 2010 tôi đã
được xem triển lãm gốm sứ Hội An khai quật từ ngoài khơi Hội An. Gốm sứ này
thuộc thế kỷ 14 và 15.
Viện Bảo Tàng Freer mở cửa cho dân chúng thưởng ngoạn từ năm 1923 và trở thành viện bảo tàng nghệ thuật đầu tiên của Smithsonian. Người thành lập viện bảo tàng Freer, ông Charles Lang Freer (1854-1919), là một thương gia ở Detroit. Ông bắt đầu sưu tập tác phẩm nghệ thuật của Hoa Kỳ từ thập niên 1880 trước khi quay sang sưu tập tác phẩm nghệ thuật châu Á. Viện bảo tàng này tự hảo với bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật của Trung Hoa, Ai Cập, Nhật Bản, Đại Hàn, Nam và Đông Nam châu Á, các tác phẩm cổ xưa của các quốc gia lân cận với Đông Á, và cả những tác phẩm nghệ thuật của các quốc gia Hồi giáo. Viện bảo tàng Freer nổi tiếng với bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật của Hoa Kỳ, kể cả Phòng Chim Công của Whistler (Whistler’s Peacock Room).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét