Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

Ngày xưa ơi ...

             

Đoản khúc sợ.
Ngày bé có bao nhiêu cái để sợ. Và khi người ta lớn dần có những cái sợ không còn sợ nữa, có những cái sợ vẫn không mất đi, có những cái sợ thêm ra…
Và tôi đang viết. Bao nhiêu cái để sợ, nhưng sợ nhất là gì nhỉ?
Đây là khúc đầu… (Bùi Kim Anh blog)

Bà cụ ngoại kể rằng: – Ngày xưa, bụi tre ở làng mình thật là rậm rạp. Đêm đến, nhất là những đêm lờ mờ ánh sao có một người phụ nữ không biết là đàn bà có tuổi hay là gái chưa chồng, chỉ loáng nhoáng bóng người mảnh dẻ, dáng người trẻ trung với mái tóc dài phải tới ngang lưng, buông xõa, bay vờn trong kẽ lá tay tre. Có người bảo cô ấy mặc áo đen. Có người trông thấy cô ấy mặc áo trắng. Có người kể thấy cô ấy đứng dưới bụi tre như đang đợi ai. Hỏi rằng cô ấy như thế nào thì chẳng ai tả được. Ai cũng đi thật nhanh, ù té chạy thật nhanh, nhắm mắt vào mà chạy. Thần hồn nát thần tính mà. Và bụi tre cứ thế dày thêm, chen chúc gốc tre, nhằng nhịt tay tre. Chẳng ai dám vác dao ra chặt. Chỉ có lũ trẻ chăn trâu, mấy đứa trẻ đánh khăng đánh đáo với với bẻ bẻ là chẳng làm sao. Ai chấp làm gì trẻ con. Ma cũng không bắt trẻ con. Mấy người đàn bà nhà quê đi cấy, đi làm cỏ bỏ phân về ngồi nghỉ cho ráo mồ hôi dưới bóng tre hay lồng tồng quang gánh đi chợ về ngồi cho đỡ mỏi, tiện tay rút lõi tre non xỉa xỉa răng cũng chẳng làm sao. Ma cũng chẳng chấp mấy mụ đàn bà lắm chuyện. Ấy thế mà có anh chàng đi uống rượu về, lẹo cà lẹo quẹo dúi đầu vào thân tre rồi vạch quần đái tồ tồ, đái cả ra rượu. Người nhà chờ mãi cả đêm chả thấy về. Sớm có một người đàn bà đi chợ xa hớt hải chạy ngược về làng gọi í ới. Anh chàng bị một cây tre quật xuống, nằm thẳng đơ. Rồi bà kể chuyện bình vôi biến thành chó trắng chạy đuổi theo người, chuyện ma trơi lấp lánh ngoài ruộng mả, chuyện ma xó nấp sau cánh cửa…Nghe chuyện ma sợ lắm cứ ôm chặt lấy bà. Nhưng mà thích lắm, tối nào cũng thích được nghe bà kể chuyện, bắt bà kể hết chuyện này sang chuyện nọ, kể đi kể lại. Sinh ra ở thành phố, lớn lên ở thành phố chẳng có bụi tre nào, nhưng mỗi khi đi qua phố vắng, đèn điện tù mù, bóng cây lờ mờ là tôi nín thở, đi thật nhanh, đi đúng như ma đuổi. Cứ chờn vờn trong tôi bóng người xà xuống từ ngọn cây. Rồi mỗi khi quấy khóc đòi mẹ, bà lại bảo:” Nín đi không có ông ba bị bắt bây giờ ”. Cái “ông ba bị chín quai mười hai con mắt hay bắt trẻ con” ấy hình dung ra sao bà chẳng biết, chẳng ai biết mà kinh thật đấy. Thế là im bặt. Sau này khi làm mẹ, rồi bây giờ là bà nội, bà ngoại, tôi lại dọa con, dọa cháu mỗi khi dỗ không nổi. Thế là đứa nào cũng sợ

Ngày bé có bao nhiêu cái để sợ. Và khi người ta lớn dần có những cái sợ không còn sợ nữa, có những cái sợ vẫn không mất đi, có những cái sợ thêm ra. Có ma hay không chẳng biết nữa. Ma nấp ở những đâu nhỉ? Ma xó ở xó nhà, xó bếp. Ma trơi ở đâu? Buổi tối đi qua nghĩa địa làng thấy nhoang nhoáng sáng bay lên bay xuống. Là đom đóm. Là lân tinh. Là ma trơi. Bà còn bảo bình vôi ở gốc cây đa biến thành chó trắng chạy ra chạy vào. Bà còn bảo con ma nấp trong cái chổi chạy quanh nhà. Bà bảo dưới đất kia có 9 tầng địa ngục, trên trời kia có 9 tầng mây. Bà ơi bây giờ bà đang ở đâu? Vì sao con người khi chết đi lại phải qua bảy bảy 49 ngày, rồi 100 ngày, rồi…sang áo. Những hình ảnh trông thấy khi tới chùa, những hình ảnh tưởng ra từ các tích cổ, từ lời kể của bà cứ nghĩ mà rùng mình kinh hãi. Qua bến đò âm, địa phủ, cối giã người, cưa xẻ người, gàu kéo nước thủng, vạc dầu sôi, quỷ sứ,…Có hay không có, tin và không tin nhưng cứ sờ sợ. Cái kiếp luân hồi, cái thuyết nhân quả cứ ám ảnh. Ôi giá như lúc nào và ai cũng sợ những cái tiền duyên, cái kiếp sau kiếp trước thì cái ác, cái xấu kể cả nhẹ như thói điêu ngoa, hóng hớt, ghen tị, bịa đặt… cũng bớt được bao nhiêu. Sợ ma, sợ quỷ, sợ cả thánh thần…sợ hãi càng nhiều có khi cũng tốt. Sợ sẽ ngăn lòng tham, ngăn việc ác của con người lại. Nhưng đời còn bao cái đáng sợ, trông thấy lù lù mà con người có sợ đâu, có trùn tay đâu mà tưởng ra những cái sợ vu vơ ấy. Chuyện cổ ai cũng biết, chuyện ma ai cũng có lần nghe, lên chùa ai cũng lên, xem bói nhiều người xem, vậy mà điều ác ở đời đâu có ít. Ngồi trên máy bay, nhìn qua ô cửa kính dày cứ lâng lâng không hiểu mình đang ở tầng mây thứ mấy. Có lúc lại nghĩ dở hơi ngộ nhỡ mình rơi thì sao nhỉ? Một thi thể nguyên vẹn hay mỗi nơi một mảnh. Tiếng quạ…quạ, những cánh quạ bay lên bay xuống. Tiếng con chim lợn kêu đêm. Bà bảo nghe tiếng chim lợn kêu là có người sắp chết. Trơ trọi. Thảm thiết. Ngày còn bé có đêm tôi nghe thấy tiếng chim lợn gào, rồi cả đêm nằm mà sợ. Lâu rồi quên mất âm thanh. Thành phố sáng đèn, người đông chẳng nghe thấy nữa. Con người mình lúc thì thấy tốt, lúc thấy xấu. Bà ơi khi cháu chết đi cháu cũng ở đâu? Mỗi lần đến nghĩa trang thắp hương cho bà lại như nghe thấy bà đang kể chuyện xưa. Bao nhiêu năm rồi, tóc tôi đã bạc rồi mà nỗi nhớ bà cứ chẳng nguôi. Kỳ lạ vậy, khi ngủ mơ tôi không bao giờ gặp người đang cùng chung sống, không bao giờ trong mơ hiện lên ngôi nhà đang ở. Bà luôn trở về trong giấc tôi mơ. Bà ngồi đó bổ cau phơi vào cái mẹt. Bà ngồi đó bên thềm nắng vá chiếc áo tôi làm rách. Có phải vì bà gắn bó với tuổi thơ tôi hay vì một ký ức linh thiêng nào mà bà luôn hiện về như vậy. Con người và bóng ma. Thiện và ác. Kiếp trước và kiếp sau. Chịu đựng và cố gắng. Những khát vọng và những điều ám ảnh. Có ma – không có ma – tôi luôn lẩm nhẩm để dọa mình và để bình tâm lại. Bọn trẻ con nhà tôi dọa nhau để chạy tóe tung. Thét lên cười rộ. Thét lên khóc ào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét