Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

Hoa trạng nguyên.

Nguyễn Thị Việt Nga và thầy dạy Nguyễn Hoàng Đạo.
Tôi biết Anh Nguyễn Hoàng Đạo khi anh dạy trường phổ thông năng khiếu Hải Hưng, vợ anh là bạn học thời cấp 3 với tôi. Anh người cao gầy, dáng lòng khòng, hiền lành, hóm hỉnh, vui chuyện và đặc biệt cách cười hay lắm. Anh  hay ê a khi bắt đầu câu chuyện nào đó. Một lần như vậy, nói với tôi, khi anh về làm hiệu trưởng trường THPT Phú Thái, quê tôi: Tớ về đây, thấy chỗ cậu, nhiều người có nhiều cách nói nhỉ! Tôi nhìn anh, nở nụ cười hình chữ nhật ..., anh hiểu và không thấy bao giờ hỏi lại.
       
Anh dạy học như thế nào thì các bạn hãy đọc bài của Việt Nga, học trò, viết về anh. Chỉ nghĩ, bài Địa lý anh dạy, ta không chỉ hiểu về "đất" mà ta biết và yêu thêm về con người nơi "đất ở". Và thêm nữa, Việt Nga là "cánh hoa trạng nguyên thắm đỏ" như "Bóng trạng nguyên in trong mắt thầy vời vợi".


Việt Nga nói. "Để phấn đấu thành một GS.TS, NGND, NGƯT đã khó nhưng để trở thành một nhà giáo chân chính, một thầy giáo mà lớp lớp học trò kính trọng, lấy đó là một hình mẫu cho mình noi theo là một điều khó khăn hơn. Thầy Nguyễn Hoàng Đạo đã làm được điều đó. Thầy có một tình yêu bao la đối với học trò và có một thái độ nghiêm túc đối với sự nghiệp".
Ngoài đời, anh thích đọc sách, ham bơi lội và tham gia nhiều giải thi bơi khắp đất nước này. Gần đây mới biết anh dich truyện ngắn. Tôi nhờ anh gửi cho để đăng cho vui. Tôi sẽ lần lượt đăng hầu các bạn.


Hoa Trạng Nguyên
                                                                                              
(Kính tặng thầy Nguyễn Hoàng Đạo, nguyên giáo viên dạy Địa, trường Phổ thông Năng Khiếu Hải Hưng)
              
   
Gần Tết, trên đường đi làm, em hay gặp những chậu hoa trạng nguyên đỏ rực người ta mang đi bán. Và những kỷ niệm tươi thắm thuở học trò lại rưng rưng thức dậy. Nhớ thầy, nhớ 12 Văn ngày xưa biết mấy....
           
Lớp chuyên Văn của em toàn con gái. Và tất nhiên, đã học chuyên Văn thì chỉ có một con đường: thi đại học khối C với ba môn Văn - Sử - Địa. Năm lớp 12 là năm ôn thi "quyết tử". Cả thầy và trò đều vất vả. Có hôm đến lớp, thấy thầy phờ phạc, chúng em lo lắng hỏi: "Thầy bị ốm à?". Thầy lắc đầu, bảo đêm qua thức trắng để tìm công thức vẽ bản đồ. Hơi mệt một chút, nhưng bù lại, thầy đã có "bảo bối" giúp các em vẽ bản đồ Việt Nam, bản đồ thế giới thật "ngon lành". Thế là suốt hai tiết Địa, thầy và trò miệt mài vẽ. Cuối buổi học, chúng em reo toáng lên vì trên trang giấy đã là lược đồ một nước Việt Nam đẹp đẽ, có hồn, có sắc, tỉ lệ rất chuẩn, rất cân,  không còn xiêu vẹo, nguệch ngoạc như mấy hôm về trước. Đối chiếu với sách in, đứa nào cũng tự hào bởi đã vẽ "gần như sách". Suốt cả giờ ra chơi, chúng em ngồi ngắm nghía bản đồ.
            Thầy không chỉ là một thầy giáo tận tụy với học trò mà còn là một thầy giáo giỏi, truyền được lòng ham học, tình yêu đối với môn Địa lý đến lớp lớp học trò. Để cho, mỗi giờ lên lớp của thầy đều là một giờ học hứng thú và sôi nổi. Từ đó, chúng em thêm yêu quý, thêm tự hào về đất nước Việt Nam đẹp đẽ, giàu tiềm năng. Từ những giờ học Địa lý ấy, chúng em hiểu sâu sắc hơn về Tổ quốc mình; thuộc từng tên sông, tên núi mỗi vùng miền; thuộc từng quần đảo xa xôi đến mỗi cột mốc biên giới hay thềm lục địa; nhìn thấy cả tài nguyên, khoáng sản trong lòng đất... Cũng từ những bài học ấy, chúng em sống ý thức hơn; biết nâng niu từng nhành cây, ngọn cỏ, biết tiết kiệm từ giọt nước ngọt lành, biết chung tay gìn giữ môi trường cho xanh- sạch - đẹp... Đến tận bây giờ, gần 20 năm đã qua, nhưng chúng em vẫn nhớ như in lời thầy giảng. Thầy bảo, hệ thống đường giao thông như những mạch máu của cơ thể Tổ Quốc; những vùng khoáng sản như những "kho báu chìm"; đường biên giới quốc gia giống như sự phân định đất đai của gia đình mình với đất đai nhà hàng xóm...Từ lời giảng dí dỏm, thông minh của thầy, môn Địa lý có sức hấp dẫn vô cùng. Và chúng em say mê tìm hiểu. Mỗi giờ học luôn quên ngày, quên buổi. Chẳng ai nghe thấy tiếng trống báo ra chơi. Có hôm, vào giờ Văn đã lâu mà cả thầy và trò vẫn còn say sưa với những vùng công nghiệp, vùng trồng cây lương thực... Cô Loan ôm cặp đứng ở cửa lớp cười cười.
            Thầy bảo: "Đi thi đại học, dứt khoát lớp mình đỗ rất cao. Riêng môn Địa, người thấp nhất cũng sẽ được 7 điểm". Lời tuyên bố "như đinh đóng cột" ấy khiến cả lớp vô cùng hồ hởi. Nhưng thầy cũng nhắc không được chủ quan. Ngồi trong phòng thi, chỉ một chút lơ là, không đọc kỹ đề dẫn đến lạc đề  là cũng đủ bị trừ điểm rất nhiều. Thầy còn hứa, khi nào báo kết quả thi đại học, thầy sẽ khao cả lớp một bữa ra trò. Những cô nương mang tâm hồn ăn uống vỗ tay ầm ầm, rồi mè nheo: thầy khao  kem nhé, chè thập cẩm nhé, ốc luộc nhé... thầy hào phóng gật đầu trước tất cả mọi "yêu sách" ấy.
            Trước ngày thi tốt nghiệp, thầy gọi cả lớp đến nhà. Từ đầu năm, thầy đã bí mật, kỳ công trồng và chăm sóc một hàng cây hoa trạng nguyên trước cửa. Thầy bảo: thầy trồng hoa trạng nguyên cho lớp mình đấy! Đúng tháng 5, hoa trạng nguyên khoe sắc đỏ rực. Cái màu đỏ thật lạ lùng. Tươi thắm, chói chang, cháy bỏng khao khát, ước mơ. Thầy còn bảo: trạng nguyên nở đẹp thế này đúng là điềm lành rồi! Lớp mình thi tốt nghiệp, thi đại học sẽ thành công lớn! Cả lớp đứng quanh hàng trạng nguyên thắm sắc, thấy lòng rưng rưng khó tả, cảm nhận được tình thầy bao la, cảm nhận được cả nỗi ngậm ngùi khi sắp phải xa trường, xa thầy, xa bạn... Thầy còn gọi cả một ông thợ ảnh vào chụp ảnh cho lớp bên những đóa trạng nguyên đang thắp lửa mùa thi. Cả lớp chụp với thầy, rồi từng tổ, từng nhóm, từng người... chụp riêng với thầy. Ảnh nào thầy cũng nhắc ông thợ chụp: chú ý lấy cho được hoa trạng nguyên... Thầy còn kể cho chúng em nghe sự tích hoa trạng nguyên... Bóng trạng nguyên in trong mắt thầy vời vợi. Cả lớp cảm nhận được tình yêu thương vô hạn của thầy, cảm nhận được ước mong cháy bỏng của thầy: mong cho cả lớp đều thành đạt!
            Hôm liên hoan chia tay bè bạn, chia tay thầy cô, cả lớp đã khóc thật nhiều. Thầy cười mà nước mắt cũng đã rưng rưng. Thầy dặn dò kỹ lưỡng việc đi thi, phải đọc kỹ đề bài thế nào, phải cẩn trọng khi làm bài ra sao, phải bình tĩnh, tự tin, cố gắng viết cho đẹp, cho sạch. Thầy còn dặn cả việc nhớ mang theo tẩy với bút chì, thước kẻ, nhớ mang thêm một hai chiếc bút dự trữ. Thầy nắm tay từng đứa, chúc thành công...
            Thế là chẳng có tấm ảnh nào với hoa trạng nguyên, luống hoa mà thầy kỳ công trồng cho cả lớp với ước mong tất cảm thi xong, thầy mới buồn rầu thông báo rằng chẳng hiểu sao cái ông thợ ảnh sơ ý, để cháy hết loạt phim ảnh chụp ch các em đều đỗ đạt. Hôm ấy, hoa trạng nguyên xòe đẹp thế, lẽ ra thầy trò mình phải có những tấm ảnh thật đẹp. Tiếc quá! Chúng em an ủi thầy, rằng khi nào nhận được kết quả thi đại học, thầy trò mình "chụp lại" cũng được mà. Trong thâm tâm, đứa nào cũng nghĩ, chúng em đã được nhận những tình cảm đẹp nhất thầy giành cho chúng em rồi. Đó mới là điều quan trọng nhất nâng đỡ và động viên chúng em không những trong kỳ thi đó, mà còn trong suốt cuộc sống sau này. Nhưng thầy vẫn chưa thôi áy náy. Thầy về, lại ra sức chăm chút dãy trạng nguyên, cho lần chụp ảnh sau.
            Thế nhưng, chỉ ít ngày sau đó dãy đường nhà thầy được mở rộng. Thầy trò chưa kịp chụp ảnh thì luống hoa trạng nguyên bị phá đi. Thầy day dứt mãi vì chuyện này. Báo điểm thi đại học, lời tiên đoán của thầy thành sự thật. Lớp đỗ hết. Môn Địa, người thấp nhất cũng được 7 điểm. Lớp có buổi liên hoan rất học trò tại công viên Bạch Đằng lộng gió, thầy cười thật tươi bên màu phượng vĩ chói chang...
            Những vần thơ em viết kỷ niệm ngày mình đi học đại học có cả sắc trạng nguyên thắm đỏ thầy trồng:
            Mai em vào đại học
            Cả nhà mừng xôn xao
            Mười hai  năm đèn sách
            Hoa trạng nguyên đỏ rào...
            Bao nhiêu năm đã trôi qua, nhưng mỗi lần chạm sắc trạng nguyên tươi thắm, em lại nhớ tới những ân tình của thầy dành cho chúng em, lại nhớ thuở học trò "nhất quỷ nhì ma". Những  cánh trạng nguyên thắm đỏ ấy, trong tim mỗi đứa học trò 12 Văn ngày xưa, đều là biểu tượng của tình thầy mênh mông và sâu sắc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét