Người bố nói một câu xúc phạm, người mẹ treo cổ tự vẫn và cô con gái 10 tuổi như ném trả tiếng nói lại cho loài người, cô không thèm nói tiếng người nữa, câm hẳn và bỏ nhà đi lang thang cho đến ngày thành thiếu nữ rồi chết trong một tình yêu ngổn ngang. Gió lẻ là gió gì cũng không ai biết, gió năm ấy, năm kia hay năm nào cũng cũng không ai biết, cô gái như mang gió đi theo và thổi vào tất cả nơi nào, những ai cô gặp cái lạnh không thể lấp đầy của sự một mình trên thế gian. Hàng trăm, hàng ngàn chuyện đã xảy ra trên những ngày lang thang ấy được kể lại bằng giọng kể không đầu không cuối, tuỳ vào những liên tưởng bất chợt, như ký ức vậy, ký ức trở về đâu cần có đầu có đuôi! Câu chuyện được kể không đơn tuyến, chính thủ pháp này đã khiến người đọc khó nắm bắt mạch chuyện từ đầu, thế nhưng một khi đã hiểu câu chuyện thì những ký ức, những mảng chuyện bất chợt này, như đứng độc lập và bản thân nó như một bài thơ ngắn đầy cảm xúc. (Hồ Trung Tú)
Gió Lẻ
Tại sao người ta không
nhìn thấy mình khi mình còn sống?
- Lời của một con ma
Trận
mưa ban trưa đã vẽ lên kính trước chiếc xe tải Landu một mùa gió lẻ. Lá me rơi
tầm tã trên mặt kính. Cái gạt nước không làm sao khỏa sạch được những chiếc lá
nhỏ mong manh. Người lái xe chồm người đu đưa bên cửa, gạt lá rơi theo tiếng chửi
thề lóc cóc. Cái khăn úa màu dầu nhớt trên tay ông ta mở ra trước mắt em bức
tranh chợ Cỏ giãy giụa trong buổi xế tàn ngày.
Hai
dãy nhà bên đường chạy chưa ngút tầm mắt thì nín bặt vì quãng đồng bỏ hoang. Chợ
chiều gì cũng héo, nắng sau mưa héo chiếu xiên trên rau củ héo, và những mảnh
thịt cũng héo tái tê dưới tiếng vo ve no say của lũ ruồi. Những người đàn bà
đang ngồi bên sạp hàng của mình ngáp ơi hời qua môi khô. Trong tiếng thở dài của
chợ Cỏ, em không nghe được hơi nước bay lên.
Một
người thanh niên khác trên chiếc xe tải đã chuyển những hủ dưa cải cuối cùng xuống
chợ. Anh ta mở cửa xe, ùa vào em cái mùi chua khẳm, anh lay tay em, tới chợ Cỏ
rồi, giùm ơn thức dậy, xuống xe.
Em
lặng lẽ thò tay vào túi lấy ra thêm một ít tiền. Tim anh ta đập mạnh. Lần này
không phải vì tiền, mà vì ngạc nhiên. Thực ra cô muốn đi đâu, anh ta hỏi. Em
nhìn anh một chút rồi nhắm mắt, em cũng không biết mình đi đâu hay sau đây anh
ta sẽ đi đâu. Em thích ngồi đây, trên cái nệm ghế dường như đã rách, đùi em chạm
vào khung thép, một khối mùi hỗn độn chênh chao chung quanh, nhưng em thấy dễ
chịu vì không buồn nôn.
Hôm
qua từ Xuyên Mỹ tới thành phố, trên chiếc xe khách nhỏ và chật, em lại bị nôn,
khi người lơ xe yêu cầu hành khách xuống một cái chợ xã hiu hắt, “bà con an
tâm, tụi này chạy đi vá vỏ chút rồi quay lại đón”. Những cọng mì từ miệng em
tuôn ra, lộn trái dạ dày. Trong đám hành khách nhếch nhác bị bán rẻ dọc đường,
có bà cụ kêu mèn đét ơi rồi xoa dầu vào thái dương em, bùi ngùi, “con nhỏ say
xe thiệt tội”, mùi cốt trầu từ hai túi áo bà ấm sực. Em thấy cổ họng mình không
cong lên nữa.
o O o
Họ
không còn nhớ màu của nắng, hay phía của mặt trời rơi, vào buổi chiều chiếc xe
tải rời một cái quán ăn bên ngã ba đường đi chợ Cỏ. Chẳng biết được hôm đó có
điềm báo nào không, nhện sa trước mặt, hay con chim nhỏ bay lạc vào cabin, hay
họ đã làm vỡ một cái tách trong quán nhỏ… trước khoảnh khắc cô gái xuất hiện
trước đầu xe, áo cũ nhàu, tóc xõa trên cái cổ mảnh khảnh trắng nhợt.
Cô
đứng chắn ở đó, gã nóng nảy nhấn còi. Cô vẫy một tờ giấy bạc xanh. Tiền lung
liêng cất tiếng, nó nói rằng con nhỏ này có tôi, và nó muốn đi cùng, trên chiếc
xe tải cũ nát, chở những hủ dưa cải từ thành phố đi chợ Cỏ.
Hôm
ấy gió lẻ bắt đầu ướm chân vào mùa. Khi mở cửa cho khách vào xe, gió vẽ một vệt
lạnh lên gương mặt đen đúa của Dự. Cậu ta làu bàu, “lạnh thấy mẹ…”. Cậu ta lân
la hỏi, em quen ai ở chợ Cỏ, nhưng cô gái đã ngủ rồi. Có thể cô không ngủ,
nhưng cô nhắm mắt để khỏi trả lời, cái ba lô nhỏ màu lông chuột ghì chặt trong
lòng. Gương mặt, bàn tay, và tất cả chi tiết trên người cô toát ra một vẻ câm lặng.
o O o
Có
vài câu hỏi bình thường mà người ta hay dùng để minh họa cho trò ảo thuật, thí
dụ như nhà em ở đâu, sao lại đi lang thang bụi đời như vầy? Bộ không còn người
thân nào? Em bệnh gì mà người em xanh rờn vậy? Em muốn đi đâu? Ai chờ em ở đó?
Em tên gì?
Những
dấu hỏi bầu bĩnh trùm lên mũi dao, và người ta chỉ cảm nhận sự sắc nhọn của dao
khi nó bắt đầu chạm vào da thịt.
o O o
Gã
gọi cô là Á. Cái tên sinh ra từ vụ tai nạn nhỏ, gã đã lơ đãng dập cửa trong lúc
hỏi cô tên gì, tay cô bị kẹt trong đó, và cô thét lên “Á!”. Đầu ngón tay trỏ của
cô bẹp dúm và chỉ năm phút sau, nó sưng phù. Cô gái không khóc, dù đau lả. Gã
áy náy định xoa dầu, nhưng cô lắc đầu, cô ngậm ngón tay đau cho đến khi nó cũng
ướt đầm đìa, tê dại.
Cô
vẫn câm lặng. Mà cô thì đi với họ đã hai ngày, và cuộc đi này có lẽ còn dài. Cô
cần có một cái tên, để lúc gọi ăn cơm, lên xe hay xuống xe. Nhưng sau vài ngày,
gã thấy tên cô có gì không ổn, nghe như tiếng kêu thét đau đớn, như một nỗi
bàng hoàng, và nó gợi nhớ cái lỗi bất cẩn của gã, trong khi vết thương đã gần
như lành lặn. Chiều đó ăn cơm xong, gã bất ngờ gọi:
-
Mỹ Ái, lên xe!
Quà
tặng đầu tiên làm cô mỉm cười.
o O o
Em
có nhiều tên, ở rẫy bắp trong Mai Lâm, người ta gọi em là Lạc, trên những nẻo
đường em đã đi qua, trẻ con gọi Câm ơi còn người lớn hỏi, “Em Cưng, đi đâu anh
chở?”. Tối hôm kia, trong một nhà chờ xe buýt bên đường, tên em là Lam. Người
thảng thốt Lam ơi là một thanh niên mềm nhừ vì say. Cả tiếng kêu cũng xiêu vẹo,
rã rời. Trong cái chuỗi lắp bắp trên môi là nỗi nhớ. Xe đạp. Chuyến đi. Đèo Mụ
Mị. Gác chân nhau ngủ trong sương. Em nghĩ anh ta đang nói nhảm, anh ta không
nói về mình, nên thản nhiên lấy mắt buộc những sợi mưa mỏng và dai ngoài kia.
Rượu đã thấm tới lưng, nên lưng cũng không giữ gã trai đang ngày càng cong khẳm.
-
Bữa ở trên đèo, tụi nó có tới sáu thằng. Mình đâu có bỏ chạy, mình chỉ tìm người
tới giúp.
Gần
như anh ta không giữ được cái đầu mình nữa, nó sắp rụng khỏi cổ. Cả người anh
ta ngấm nước mưa, rượu và nỗi buồn, tất cả đã ướt đẫm tới xương. Chúng pha
loãng máu, và trái tim mệt mỏi kia phải đẩy đưa từng dòng trong vắt. Em quẩy
túi lên vai, em sợ cái cách chảy trôi tuột, trơn lẫy của những dòng máu loãng.
Em
bỏ đi, chân sau đạp chân trước xước cả giày. Cảm thấy từ gót chân này một cơn
đau nhói chầm chậm dâng lên. Như em chính là người tên Lam.
Mỹ
Ái dường như chỉ là cái tên bất chợt. Em thích vì với em, nó không có quá khứ,
không có nỗi buồn.
o O o
Cô
gái ở lại cabin, bắt đầu từ hôm nôn trong một quán ăn, khi Dự bả lả nắm một
cánh tay chi chít sẹo ghẻ và đắm đuối bảo một cô phục vụ là đêm qua anh đã
chiêm bao thấy em, và chập chờn cả đêm, ướt đẫm cả đêm, “Anh thấy nhớ em khủng
khiếp…”. Cô rơi đũa, cong người bỏ chạy ra sau quán rồi loay hoay lên xe, không
xuống nữa. Cô dường như chọn cái khoảng không chưa đầy hai mét vuông đó làm
nhà.
Dự
hơi sửng sốt, “đại ca, con nhỏ đó không bình thường…”. Gã tọng một đũa rau vào
miệng, ngốn cả lời của chính mình, “nó không chịu được chú mầy nói dóc”.
-
Vậy mắc mớ gì nó ói?
-
Đi hỏi nó.
-
Đại ca giỡn, nó câm mà.
-
Thì thôi.
Bằng
cách dựng chuyện tầm phào, đồn đoán và bịa đặt, mỗi ngày họ bỏ ra một vài ý
nghĩ, nói một vài câu về cô. Điều đó làm gã hơi ngạc nhiên, cuối cùng thì gã và
Dự cũng có mối quan tâm chung.
Gã
mua chiếc Landu này năm năm trước, với giá bảy mươi ba triệu, số tiền của hai
mươi mốt năm làm bốc vác trong một nhà máy nước đá, lơ xe, phụ xế, và ôm vôlăng
ăn gửi nằm nhờ trên những con đường. Chủ cũ tặng kèm một phụ xế tóc dài phủ mắt,
đen quắt vì nắng và vì ngại tắm, già trước tuổi, tên Dự. Gã không cần Dự, nhưng
chiếc xe tải thì cần, cậu ta thuộc cái tiếng xùng xèng kia phát ra từ đâu và
mùi khét đó sẽ buộc họ dừng lại bao lâu, để sửa. Nếu nửa đường chiếc xe bỗng
nghẹn ngào và chết máy, Dự ngó quanh hoang mang, trời ơi chắc muỗi xé xác tui
quá, gã phải hiểu là đêm nay sẽ ngủ ở đây.
Năm
năm đi với nhau, gã vẫn coi Dự là một hạt cơm nguội rời. Gã không cần gia đình
nên không bao giờ xây dựng một gia đình. Đôi lúc tắm chung cũng không thèm nhìn
vào cơ thể nhau. Gã có cuộc sống riêng, giấc mơ riêng và người đàn bà của mình
vào những tối.
Nhưng
cô gái mang lên xe gã quá nhiều bí ẩn và bất thường. Cứ nhìn cô gái xanh mét
sau trận nôn mà không nén lòng được cứ phải buộc miệng, “nhìn con nhỏ ma quái
quá…”.
o O o
Em
luôn có cảm giác mình nôn ra máu. Cứ sau mỗi trận nôn, người em rã ra, kiệt sức,
không nghe tiếng tiếng máu chảy, tim thì cứ co bóp khan. Em thấy mình rất gần bờ
chết, chỉ cách một gót chân thôi, em sẽ rơi vào dòng nước đen ngòm, rồi thì
chìm xuống, mãi mãi. Hôm gặp lại cha, từ trường quay của chương trình “Giã từ
lưu lạc”, cha đưa em ghé qua nhà bác sỹ Lanh. Ông lật đật khám soi với đầy đủ
những xét nghiệm quan trọng. Ông hỏi em nôn gì khi nãy, cha cười héo hắt, nhắc
lại một bãi nôn khoai lang chua ngoét trước mặt bao nhiêu khách mời. Ông bác sỹ
cười, chắc là ăn nhiều khoai chướng bụng không tiêu hóa được. Mà, cũng có thể
do quá căng thẳng, xúc động, thất lạc nhau bảy tám năm chớ đâu có ít. Rồi ông
xoa đầu em, chú mà xúc động, là chú ngứa mũi, nhảy mũi liên tục.
Hôm
đó dường như ông cũng xúc động, cha em nói cha vừa ký quyết định nào đó cho bệnh
viện nào đó, gương mặt bác sỹ rạng ngời. Ông âu yếm dúi vào tay em đơn thuốc,
“Chịu khó truyền đạm, cháu nó coi bộ suy nhược lắm. Anh nói nó đã từng ở đâu,
trong Mai Lâm hả? Trời, hồi đi thanh niên xung phong tôi có ở đó, rừng thiêng
nước độc lắm. Tội nghiệp cháu nó…”
Cái
đơn thuốc làm cha tươi tỉnh và nhẹ nhõm. Cha không biết đó chỉ là tờ giấy vô vọng,
với những nét chữ đổ tháo vô vọng.
o O o
Gió
lẻ làm gã phải quan tâm nhiều tới chỗ ngủ. Bây giờ không thể bạ đâu nằm đó, trên
sạp hàng hay sàn xe. Không thể ngủ trong cơn đùa nghịch dẳng dai của những cơn
gió bị xé nhỏ bởi một bàn tay vô hình. Và từ khi lìa nhau, gió dằn vặt con người
bởi nỗi ly tan của chính nó. Những cơn buốt lạnh chợt tới, chợt đi, thảng thốt.
Đắp một tấm mền cũng là một cuộc tranh đấu nhỏ, bởi không biết bao giờ gió sẽ tới,
trong thời gian đó, người ướt đẫm mồ hôi. Sự đùa cợt không bao giờ mệt mỏi. Đến
mức người ta mòn mỏi thiếp đi thì gió lại dựng họ dậy theo cái kiểu lướt thật
chậm từ chân lên đầu, như có một linh hồn, một bóng ma vừa đi qua âu yếm.
Để
trốn gió, gã nhận chở bất cứ loại hàng nào, với cái giá rẻ nhất đi tới những
người đàn bà của mình ở những điểm đến quen thuộc. Bằng cách đó, từng mùa gió lẻ
đã đi qua đời gã êm đềm. “Khỏi tốn tiền trọ…”, Dự cười hinh hích, cậu ta nghĩ vậy.
Dự xa xôi với gã bởi những điều như thế. Dự trẻ, và ngơ ngác giữa cuộc đời ngơ
ngác.
Nên
dù nằm trong căn phòng ấm sực, cậu ta vẫn trằn trọc với cái kiểu gió đêm nay,
“con nhỏ câm đó sao không chịu vô nhà…”. Sáng sau gặp lại, không biết cô gái có
bị gió làm xanh đi chút nữa. Hai chân có thể sẽ không duỗi thẳng ra được, vì
gió vào cabin và cô gái bị đông còng queo.
o O o
Rẫy
bắp ở Mai Lâm đón gió lẻ bằng những luống cây ngiêng ngửa. Vài ngọn gió cô độc
đã nghênh ngang đi qua rẫy tạo ra một cảnh tượng buồn cười, chỗ thẳng chỗ xiên,
rối bời. Buổi sáng thức dậy, gió làm những cây bắp đã trổ cờ ngã rạp tạo một tầm
nhìn thấu vô nhà ông Tám Nhơn Đạo. Em thấy ông đang gội tóc cho bà vợ tật nguyền
của mình. Bà nằm trên một cái ghế dài, một tay ông đỡ cái đầu nặng trĩu của bà,
tay kia làm dội nước, rót dầu gội, rồi thì bàn tay to bè đó cũng chìm mất trong
đống bọt trắng xóa.
Buổi
gió làm cho việc gội đầu diễn ra nhanh hơn. Ông Tám ẳm vợ vô nhà, họ mất hút
sau cái cửa tối. Em chậm rãi xoay người về phía cây bằng lăng. Những chòm sao
tím thắp trên cây đã bị gió lùa rụng đầy đất. Từ lưu lạc, bầy sao bắt đầu nhuốm
màu lam lũ, tả tơi.
Con
Cò từ trong nhà ông Tám băng xăng bái xái chạy ra, mớ lông trên mép còn dính
chút mỡ cháy. Nó vừa đi vừa sủa sững sốt, dù đã sủa suốt đêm qua, dưới ánh sáng
ban mai, cảnh vật trên rẫy trở nên xa lạ. Nóc căn chòi em ở xù lên phơ phất,
như tóc của một người vừa ngủ dậy.
Trong
mớ âm thanh quen thuộc của lũ kiến chạm chân trên đường rời tổ, của muôn vạn
cái lá dập xao xác, những giọt sương sẽ sàng rụng xuống, tu hú kêu vang trong bờ
sậy, có lẫn tiếng cây đang ứa nhựa hàn gắn vết thương, nơi nụ hoa lìa.
o O o
Dự
hay dậy sớm, lúc ngồi dậy với cái lưng đau ê ẩm, cậu tung cửa chạy ngay tới chiếc
Landu xem cô gái có còn… sống. Dù cô đang ngủ cậu vẫn gọi cô dậy, xác nhận cô
còn có thể mở mắt, Dự nhoẻn cười, nói một câu vô nghĩa, “hên dã man…”.
Nhìn
cô sống, Dự cảm giác mình cũng sống, với những tia hy vọng ngập ngụa trong
lòng. Sự sống tồn tại trong mùa gió lẻ khắc nghiệt, ở nơi nào đó, chắc bà nội cậu
cũng đang thức dậy, hé mắt ứ hự chào ngày mới. Trong cơn cao hứng, đôi lúc Dự
đã đu lên vai gã, thân thiết như đứa em nghịch với anh trai. Gã cau có, gã
không thích những va chạm này.
Vì
Dự căm ghét những con đường. Những lúc dừng xe lại, chạy lại giở nón của một
người hành khất để tìm khuôn mặt già nua quen thuộc, Dự nguyền rủa con đường đã
mang bà nội cậu đi, bảy năm trước. Gã ngồi im lặng trên xe, nhìn cái lưng trĩu
thất vọng của Dự, và nghĩ, lựa chọn yêu thương con người đồng nghĩa với việc mất
mát những niềm vui. Đồng nghĩa với cái chết, sự lìa bỏ, sự phản trắc, tan vỡ…
Gã
thì yêu thương say đắm những con đường. Chúng luôn tồn tại, sinh sôi tươi mới.
Một con đường không có cái chết. Một con đường luôn biết chờ đợi.
o O o
Em
thích nhìn gương mặt người chủ xe sau buổi cà phê sáng. Môi ông ngậm một điếu
thuốc lơ đãng, lên ngồi sau tay lái và im lặng một thoáng, trước khi vào cuộc
hành trình. Khói thuốc cùng những giọt cafe còn đọng trên bộ râu tua tủa làm vẻ
mặt của ông lung linh. Sau đó thì khuôn mặt chỉ còn một sự trầm mặc quánh lại,
và trên người ông chỉ còn nhịp điệu của nỗi buồn.
Một
con người buồn bã.
Mỗi
lần qua một khúc quanh, hay khi phải phóng tầm mắt xa về phía trước, em nhận ra
nhịp tim của ông giống hệt em, máu chảy về đó rất ơ hờ, lãnh đạm, tựa như không
máu cũng chẳng sao, tim vẫn lay đúng nhịp. Không có gì sau ngã rẽ này hay phía
trước kia, chờ đợi.
Người
còn lại ngồi cạnh em thì ngược lại, hơi thở của anh ta luôn rộn ràng. Anh háo hức
chăm chút từng khoảnh khắc, từng biến đổi cảnh sắc trên từng đoạn đường mà chiếc
Landu cũ kỹ đi qua.
o O o
Cô
gái không còn tiền, buổi chiều mua cho cô hộp cơm, gã nghĩ tới chuyện để cô xuống
chợ Mỹ Đức, nơi chút nữa xe dừng lại giao những bó lác trói cua. Tới chợ thì trời
tối, chủ hàng bảo chờ sớm mai sẽ thanh toán tiền công. Gã lặng lẽ quẳng đôi
giày cô gái xuống xe, tiếp theo là túi xách và sau cùng là cô gái, bờ vai u nhã
lọt thỏm trong bàn tay gân guốc, chai sạn. Dự nhìn thấy hơi có chút bất nhẫn,
‘tội nghiệp con nhỏ…”.
Cô
gái như biết trước kết cuộc này, nên dạt đi nằm bên thềm chợ. Cô co lại trong
gió lẻ, vẫn cái vẻ nín nhịn câm lặng nhưng vì chợ rộng quá nên ngó nhỏ nhoi,
tha thủi. Gã cố không nhìn về đó dù Dự cứ liên tục chắc lưỡi hít hà. Chuyển hết
hàng thì gần nửa đêm, Dự nói, “làm một giấc tại chỗ, lấy được tiền là dọt luôn,
khỏi mất công kiếm chỗ ngủ, đại ca…”. Cậu ta muốn nấn ná thêm, biết đâu ông chủ
sẽ nghĩ lại, vớt cô gái theo cùng.
Khoanh
tròn trên một sạp hàng tạp hóa, Dự thiếp đi trong hy vọng mong manh. Gã ngồi
quanh đó, hút thuốc đến mòn mỏi. Mới thiu thỉu, vẫn nghe gió lẻ rờn trên mặt
thì cô gái hét lên, nghe như một cái tách rơi vỡ xuống nền nhà:
-
Lửa!
Gã
và Dự tốc chạy qua cánh cửa khói quặn đen ngòm. Dự không quên kéo cô gái theo.
Đi khỏi con đường hẹp bên hông chợ, một đám cháy đã nhói lên trong kính chiếu hậu.
Đêm ngưng đọng trên đường về. Gã thấy mộng mị, tiếng thét của cô gái, đám cháy…
Những tàn thuốc của mình đã gây tai họa, gã giấu ý nghĩ đó vào lòng.
Sáng
hôm sau, ti vi nói rằng chợ Mỹ Đức cháy rụm, chỉ còn cái khung bê tông ám khói,
hàng tỉ đồng hóa thành tro bụi, họ đang tìm nguyên nhân. Gã gần như úp mặt vào
tô hủ tiếu, cắm cúi ăn. Dự hớn hở thấy mình thoát chết, cứ chống đũa thắc mắc:
-
Ủa, tưởng đâu con nhỏ câm thiệt. Tự dưng phát lên nói là sao, trời?!
Người
có thể trả lời thì ngồi ngoài xe. Gã ngờ ngợ, không biết số phận đã làm nên đám
cháy đó hay chính cô gái muốn vậy. Giờ bỏ cô lại, biết đâu cô sẽ kể cho ai đó
nghe vụ cháy ở chợ Mỹ Đức. Cô có câm đâu.
o O o
Hồi
sáu tuổi, có lần em lén lấy dao cạo râu của cha để tỉa lông cho con chó Lu Lu,
không ngờ vì chuyện đó mà cha mẹ cãi nhau, cha chỉ vào em, hỏi mẹ, từng từ khít
như máu rỉ qua kẽ răng, “cô lấy thằng nào mà đẻ ra cái thứ này?”. Mẹ em không
trả lời, lẳng lặng vào phòng, khóa cửa trong. Ba giờ sau cha tìm thấy mẹ em
treo mình đung đưa trên xà nhà. Lưỡi trả lại cho cuộc đời, bởi người không chấp
nhận sự vô dụng của nó, nói mà chẳng người nghe.
Em
đứng nhìn mẹ, đái dầm vì sợ. Bà Chín ở bên cạnh bịt mắt em, tay bà khô quéo
không khép chặt được, trước khi vào phòng thay quần áo, em vẫn thấy gương mặt bị
biến dạng của mẹ. Khi em quay lại với cái áo đầm mới màu vàng chanh, bà Chín bắt
đầu khóc hức lên, chua xót, “trời đất ơi, kiếp người sao mau như nấu gói mì tôm
vậy…?”.
Suốt
hai ngày lễ tang của người đàn bà tuyệt vọng vì phát hiện mình bị ung thư dạ
dày, như cha em buồn bã kể, em ngồi dựa vách chỗ đặt quan tài của mẹ, lặng
thinh đốt giấy vàng mã, từ tay em lửa nối vào lửa, không bao giờ tắt. Mặt em,
tay em nóng rực như sắp tươm máu ra. Cuối ngày, bỗng bà Chín níu cha em, hớt hải:
-
Sao mấy ngày nay con nhỏ không nói năng gì?
Cha
quay lại nhìn em, thoáng nhẹ nhõm. Sự câm lặng cần thiết cho những bí mật.
o O o
Câu
hỏi đầu tiên mà Dự chuẩn bị sẵn, rất đơn giản, “nhà cửa ở đâu mà đi bụi, hả em
cưng?” nhưng cô gái không trả lời. Cô vẫn không có vẻ gì muốn nói. Giống như tiếng
thét ở Mỹ Đức chỉ là một giấc mơ.
Gã
nghe trong cái im lìm của cô là sự nhẹ nhõm của chính mình. Gã không bao giờ hỏi
ai một câu tương tự, bởi người ta sau khi trả lời luôn muốn hỏi lại, “còn
anh?”. Gã chưa bao giờ trả lời, kể cả với những người đàn bà gã ôm trong lòng.
Đó là câu trả lời mặn sẵn, làm rộp bỏng môi, như nước biển.
o O o
Từ
Thổ Sầu qua thành phố, tránh kẹt xe, nên ông Buồn (là em tự gọi vậy) đã lái chiếc
Landu đi tắt qua những con đường ven đô. Em sực nhớ em vừa ngang qua nhà. Cổng
cao và nhiều hoa giấy đỏ. Nó đã tinh tươm trước khi em trở về. Và sau đó thì
vương vãi những bãi nôn.
Nhiều
người mang quà tới chúc mừng cha và em, họ nói một cuộc sum họp được truyền
hình trực tiếp trên ti vi làm họ khóc muốn chết. Họ không ngờ cuộc đời của chủ
tịch lại nhiều bi kịch vậy, vợ đầu chết, con gái thất lạc gần mười năm trời. Phải
có ý chí cao lắm, nghị lực khủng khiếp lắm mới vượt qua những nỗi đau riêng mà
lo cho chuyện chung. Em nghe những điều đó với một chút ngẩn ngơ, rồi nôn, muốn
chạy tới phòng vệ sinh nhưng chẳng nhớ nó nằm đâu, nên thức ăn lộn ngược ra thảm.
Ngày khách nhiều em nôn nhiều lần. Chị Băng nói vậy thì cứ nằm trong phòng.
Thật
ra khách cũng không cần gặp em, khách chỉ muốn chị Băng nhớ là họ đã đến, và
con chó xù nhồi bông ngoại nhập kia, chiếc vòng bạch kim kia, cái túi xách đắt
tiền kia… là của họ tặng cho em. Chị Băng nhớ thì chị sẽ nói lại, khi cha về.
Công việc của chị Băng, là làm cha em nhớ tới họ.
Chị
còn chuyện quan trọng mỗi buổi sáng, là đi mua thức ăn cho bầy cá sấu trong chuồng.
Chị chạy xe máy đằng sau máng hai cái giỏ lặc lè. Người ở chợ quen với cảnh tượng
này, ai cũng khen vợ lãnh đạo mà chịu cực giỏi, chớ vợ mấy ông kia, giờ này còn
ngoài sân quần vợt. Chị Băng cười, ngồi không trông vào đồng lương của ổng, thì
chịu không nổi.
Chuyện
chị Băng nuôi cá sấu xây biệt thự ai cũng biết. Ai cũng nuôi cá sấu mà rồi
không ai xây biệt thự.
o O o
Dự
sốt cao, nằm lại một chỗ quen ở Lạc Mai, chuyến hàng đi Đập Đá chiếc Landu trống
chỗ. Gã không thấy chênh chao mảy may nào. Gã quen với sự tạm bợ và vô định,
ngày mai thức dậy, có thể Dự đã vĩnh viễn về nhà, vì đã tìm được bà nội dù còn
sống hay chỉ nắm xương tàn rã. Cô gái đang ngồi đây cũng vậy, cô lên xe bằng cái
ý nghĩ bất chợt nào rồi một ngày, vì ý nghĩ bất chợt, cô sẽ lặng lẽ xuống xe.
Chỉ còn gã và những con đường. Gã không muốn từ bỏ cái cuộc sống này, khước từ
mọi cơ hội trở lại như người bình thường, cạo râu cắt tóc, ăn mặc thẳng thớm chỉnh
tề, sáng sớm thức dậy uống càphê, ăn phở rồi chạy xe tới sở làm, yêu một người
và lấy làm vợ.
Xe
đi một qua một cánh rừng cao su đang thay lá thì mưa nhỏ. Mắt ngó qua cửa kính
nhòe nước, cô gái thốt nhiên nói “Biết nước khóc chừng nào rồi?
Giọng
cô đầy ngượng nghịu. Gã buồn cười, chắc đã lâu lắm ngôn ngữ rời bỏ cô gái này,
và khi chúng ùa trở lại trong một cơn lốc, cô phải xóc xổ khối hỗn độn đó, nhặt
lấy từng từ chắp nối thành câu.
-
Để đào cho.
Buổi
cơm tối, sau khi chuyển hàng xuống xe xong, cô giành bới cơm. Gã suýt mắc xương
vì chữ “đào”. Gió thổi ngoài kia cồn cào, vẫn là cái thứ gió xé nhỏ đau đớn buốt
lạnh. Gã lái xe chậm rãi tìm nhà trọ, cái thị trấn nhỏ bắt đầu đóng cửa tắt
đèn.
o O o
Nằm
nhìn trăng trôi trong rẫy bắp, em từng nghĩ, khi mình nói trở lại, câu đầu tiên
là gì?
-
Mầy đừng liếm chân tao, nhột lắm!
Câu
đó em sẽ nói với con Cò. Nó hay làm em tỉnh giấc bởi sự hí hửng vô chừng, chỉ
là bóng trăng, lá rơi hay mùi một con chó cái xa xa… Cái lưỡi ướt lạnh của nó bắt
đầu lượn lờ lên gót chân rồi lên đến bắp chân, đầu gối em. Những cơn rùng mình
từ đó chạy lên đỉnh đầu, làm nên một vòng sóng ran cả người.
Em
ghét cảm giác đó, nên em định nói với con chó. Nhưng rồi em lại nói câu khác:
-
Đi.
Đó
là buổi sáng em bỏ lại rẫy bắp sau lưng, đi dọc theo con đường chập chờn lau
lách, xập xòe bướm bay. Em tới một ngã ba, gặp một cái quán nước thưa người.
Con Cò lẽo đẽo đi theo, thật ra cái từ “đi” nó chẳng hiểu, vì em chưa từng nói,
nhưng nó biết có cơn đau nào đó đang xảy ra, bằng những tia máu vằn trong mắt,
bằng chuyển động của ngón tay, của cái hất mặt, nhíu mày, của bước chân oằn
trĩu…
o O o
Ba
ngày nằm bệnh với Dự như bằng ba năm. Nằm trong chăn, cậu hình dung chiếc xe tải
sáng nay đi ngang qua một ngôi miếu nhỏ, bà nội Dự đang nằm ngủ trong đó, nón
lá rách úp mặt, đầu gối trên chiếc bị bàng cũng rách. Bảy năm lưu lạc rách nát
thân già. Mình đã bỏ qua cơ hội tìm thấy bà, ý nghĩ đó làm Dự không yên. Ngày
mai, cũng qua cung đường đó, cái miếu đó, nhưng bà nội không còn ở đó nữa. Những
con đường đã cuốn bà trôi cùng chúng.
Dự
cầm tấm hình của bà nội, nó đã quăn queo, nhàu nát. Hàng trăm bàn tay đã cầm nó
lên, khi trả lại kèm theo những cái lắc đầu. Ngày Dự đi khỏi nhà với cái đầu cạo
trọc bóng, như một lời thề, “không tìm được bà nội con không về…”. Mẹ Dự sụt
sùi, “thiên hạ mênh mông, biết đâu mà kiếm hả con?”
Dự
không tin thiên hạ lại rộng hơn cái thành phố này. Lòng cậu bị một cái dằm thép
cháy đỏ trong đó, cháy từ buổi trưa Dự bỏ cuộc bi-a với bạn để chạy về nhà coi
chừng bà.
-
Bà nội báo hại con quá. Phải bà chết sớm con khỏe.
Dự
ngờ rằng, vì câu nói trong lúc dằn dỗi này mà bà nội bỏ đi. Dự phải tìm bà, quỳ
dưới chân xin lỗi… Bây giờ thì cũng chẳng nhớ sẽ nói với bà những gì, khi gặp lại.
Tất cả đã mỏi mê, Dự tìm bà chỉ vì muốn tìm, vậy thôi.
Nằm
quẩn quanh hết giường tới võng, không lái xe, không khuân vác, không lau dọn,
trêu ghẹo cô giúp việc của chủ nhà rồi cũng chán, Dự thấy rã rời, ừa thì mai
đây tìm được bà nội, rồi sau đó? “Sau đó” là một cái một khoảng trong veo vô tận.
Buổi
chiều chiếc Landu quay lại, Dự nhảy ào ra cửa, mừng húm, cảm giác xa lâu lắm rồi.
Một phần là do cô gái, khi trở lại, cô đã biết ngọng ngịu nói vài câu ngớ ngẩn,
“có mắc rảnh không?” hay “nút áo rời kìa”. Dự mắc cười quên cơn ớn lạnh, lúc
lau dọn chỗ sàn xe thủng, cô gái ngậm ngùi “chỗ đây rách rồi…”.
o O o
Em
chẳng nhớ là mình đã nói câu gì khiến ông Buồn mỉm cười, hôm đó. Bắt đầu từ miệng,
nụ cười bùng ra, gương mặt ông rạng rỡ, như có một hòn than sẽ sàng cháy, làm rựng
hồng lên những tro lạnh chung quanh.
Lúc
lời bật ra khỏi môi, thì em đang nghĩ tới tổ chim sâu trên nóc căn chòi cuối rẫy.
Chẳng biết chuyện ở đâu mà chúng nói ríu ran cả ngày. Em hình dung vầy, con
chim chồng nói:
-
Anh vừa gặp một con voi chết trong rừng.
Vợ
nó hỏi ngay, trời sao con voi đó chết? Vậy là giả thuyết được đặt ra, và câu
chuyện trở nên bất tận, hết con voi thì tới đàn kiến đang bò đi, chắc là bò tới
chỗ con voi, rồi nước suối chảy vòng qua xác con voi, rồi cái tán cây phía trên
con voi. Hôm sau thì tới chuyện một cành hoa rụng. Câu chuyện trong trẻo và vui
nhộn không bao giờ chấm dứt, bất chấp mưa, nắng, bất chấp gió lẻ gió bầy. Em
luôn nghĩ, không biết trên thế gian này có con chim nào tìm tới cái chết vì tiếng
hót của con chim khác? Có con chó nào bỗng dưng đâm đầu vào đá vì tiếng sủa của
con chó khác? Có con bò nào nhảy xuống sông tự chìm chỉ vì tiếng kêu của con bò
khác?
Tiếng
nói của con vật không dùng để làm tổn thương nhau, em nghĩ. Cho đến bây giờ em
cũng nghĩ vậy. Nên khi em nói theo kiểu – của – chim, đã làm hai người họ phì
cười. Có lần em đã học nói giống con người, chỉ vài từ ngắn ngủi thôi, nhưng em
mướt mồ hôi, kiệt sức:
-
Sao ông buồn vậy?
Và
người được hỏi cau mặt, phun một bãi nước bọt. Có vẻ ông không thích tiếng người.
o O o
Những
lúc cạo râu, gã mới nhìn lại mình. Trong gương là khuôn mặt của cha gã, đôi mắt
sâu của mẹ và đôi mày rậm ngang tàng của anh trai. Tất cả họ đã chìm, hoặc
trong biển sâu hoặc trong lòng nước Mỹ.
Gã
còn lại những con đường. Gã đi làm lơ xe khi chỉ mới mười ba tuổi. Với vài ba bộ
đồ, gã đi khắp, đi theo kiểu con vắt trong vườn chuối mùa mưa, chỉ cần một điểm
tựa, con vắt búng mình đến một nơi và từ nơi đó, nó lại vươn ra đi tiếp. Chỉ
khác là vắt cần máu để sống, gã chỉ cần được đi.
Dự
gặp gã lần đầu thì gọi đại ca, bởi “em nhìn là biết dân giang hồ liền…”. Với vẻ
lì lợm cố hữu, vong gia thất thổ, lấy xe làm nhà, lấy những con đường làm bầu bạn,
lâu lâu ghé qua ngấu nghiến đàn bà, lơ đãng những món tiền kiếm được… gã giang
hồ hơn mọi giang hồ.
Giờ
dù quanh quẩn đi lại ở mấy chợ quen, nhưng gã vẫn không lấy làm buồn. Những con
đường đó vẫn biến đổi mỗi ngày: cô chủ quán đã cắt tóc cao, cây me tây thay lá,
thêm cái tủ thuốc lá được đặt bên vỉa hè, những thùng rác được thay mới, một bảng
hiệu đã sơn lại, vài cái đèn đường tắt, panô giăng ngang đầu “Giải quần vợt mở
rộng” hôm nay đã bị mưa làm rơi mất chữ t…
Chẳng
bao giờ những con đường lại biến mất sau giấc ngủ quên trên gác xép, như cả nhà
biến mất, khi gã lên tám tuổi.
o O o
Đôi
lúc em quên là em-có-buồn. Đó là hồi em ở Mai Lâm. Công việc của em là không
cho đàn bò bên xóm ghé qua rẫy ông Tám Nhơn Đạo. Vừa ngó chừng, vừa làm cỏ rẫy,
bón phân. Tới mùa thì đánh lá mía, hay thu hái bắp, đặt hom khoai mì. Khi nào
đói thì vô nhà sau ông Tám, lục cơm ăn, có khi gặp ông đang chẻ củi, làm thơ,
có khi nhìn thấy bà ngồi trên xe lăn, coi phim Hồng Kông. Sau đó thì thấy buồn
ngủ, lăn ra chiêm bao thấy mình nói chuyện với con Cò, nghe con Cò than, con Vện
lúc này chắc thay lòng, không thương nó nữa, nên lảng tránh nó. Việc nói chuyện
với con này con kia làm giấc ngủ trở nên hấp dẫn và dễ chịu.
Em
ngủ bất cứ lúc nào và dậy bất cứ lúc nào, không ngày không đêm, không một nỗi
nhớ nào rõ ràng, và đủ sâu để cho em ngồi nhìn vào. Gió bầy đi rồi gió lẻ tới,
mỗi mùa gió có một tiếng nói riêng, nên âm thanh chung quanh em lúc nào cũng
thanh thao và trong trẻo.
Lâu
ngày, không còn giật mình vì tiếng người nữa. Nên cái bữa ông Tám ra chòi, em
không hay. Bỗng dưng thấy mình bị ép chặt xuống tấm ván mối ăn lấm tấm, và một
bàn tay lần vào áo em, thì em giật mình. Em gào lên, nhưng giọng tắt trong bàn
tay khẳm mùi rượu, thịt và nước tiểu. Cũng không chắc cái âm thanh bỏng rát
trong cổ họng em là tiếng người, và nếu cố hết sức, thì từ chòi rẫy choi loi
này, chỉ người đàn bà đang ngồi xe lăn nghe thấy. Có thể bà cũng không biết đó
là tiếng kêu của em, vì nghe như tiếng chó tru, tiếng chim đêm thảng thốt, tiếng
mèo gào trong bụi cỏ…
Em
lặng lẽ làm đám tang cho ông Tám Nhơn Đạo. Những gì em giữ cho ông đều biến mất,
vụt tắt, nắm xôi ông trao cho em ở góc chợ Mai Lâm, tấm vải ông xé áo mình để
bó tay em hôm bị dao cắt, cái góc thức ăn mặn sẵn ông để dành cho em trong tủ
chén, giọng ngâm Vân Tiên sảng khoái vẳng từ trong nhà những sớm mai, dáng ông
ngồi nhẫn nại gội tóc cho vợ những ngày nắng ấm…
Giờ
một người đàn ông xa lạ đang lúi húi trên em, như con Cò thường lè lưỡi liếm để
gọi em than thở chuyện đời nó. Lạ lùng, em không còn cái cảm giác ran khắp người.
Giống như cảm giác đó đã chết. Từ khi nghe lại tiếng người, mùi người.
Đó
là lần đầu tiên em phát hiện ra, vài thứ ở đây tên gọi đều không đúng với bản
chất, thí dụ như con Cò thật ra là con chó, con Beo chỉ là một ả mèo mập ú và
lười, rẫy bắp nhưng mùa này tàn bắp, chỉ cỏ và gió tơi bời…
o O o
Không
ngờ bà nội Dự lại ở trên con đường mà phải trên mười lần, chiếc Landu chở hàng
xuôi ngược qua đó. Một con đường chạy giữa bờ biển và những ngọn núi đá vôi,
nhiều chùa trên núi và nhiều sương khói trong chùa. Dự luôn lặng lẽ khi đi trên
con đường này, mà trước đây, cậu ta nghĩ, “chỉ vì thấy nó đẹp, mà buồn…”.
Cho
đến trưa nay thì Dự cũng nghĩ do con đường ít người, hiu hắt nên đi qua đây cậu
ta thấy bồn chồn. Khi dừng lại, vào quán nhỏ uống thứ cafe pha bột bắp lạt
nhách, nội Dự sai một người đàn bà bưng con hải sâm ngang qua, Dự thấy lạ quá gọi
vào nhìn cái con vật lơ đãng vật vờ trong nước như một tảng rêu sẫm màu. Nội Dự
kêu chị này nói một câu cũng bâng quơ:
-
Thấy mặt cậu giống một bà già hồi trước lang thang khúc này.
Dự
nhìn chị trân trân, đồng tử như sắp lăn ra ngoài, cậu ta rút tấm hình từ trong
áo ra, ngập ngừng, chị ơi có phải người này. Nội Dự đã dặn trước, nên chị bán hải
sâm gật đầu liền, thì bà này nè.
Chị
dẫn mọi người đến chỗ bà nội Dự. Một ụ đất bên đường, được đắp bằng tấm áo cỏ
chen lẫn hoa mười giờ đỏ. Hoa là do chị trồng. Rồi người trong xóm kéo ra, họ gật
gù nói đúng rồi.
Dự
phục xuống mồ, hoa nát trên tóc, khóc rống lên. Gã lặng lẽ ngồi nhổ cỏ. Cô gái
chạy về xe và lấy một chiếc khăn tay cũ, đã phai màu, dúi vào tay Dự, “cái đây
để khô…”
o O o
Có
thứ âm thanh của con người vẫn còn đẹp, đó là tiếng khóc. Có bữa em vào nhà ông
Tám Nhơn Đạo kiếm cơm, em nghe bà Tám khóc. Ông đi đám giỗ.
Tiếng
khóc của bà óng suốt, đen nhức nỗi buồn, nó không lẫn màu chua xót, màu tức giận,
màu tủi hờn… Thăm thẳm. Như một cái biển sâu và tối mà bà ngụp lặn chỉ với đôi
tay. Em lặng lẽ bưng tô cơm ngồi ngoài hè, chỗ gộc cây ông Tám kê bữa củi đã bị
băm nát, uống tiếng khóc ròng ròng.
Rồi
một bữa, lặng lẽ tìm phần cơm của mình, em lại nghe tiếng khóc, đã đục ngầu
nhàu nát, sau khi bà nghiến răng:
-
Con đĩ! Sao mầy còn lảng vảng ở đây?
Em
vỗ đầu con Cò. Đi. Và nó theo em tới cái quán ở ngã ba. Vài người biết em là
con nhỏ câm đang giữ rẫy cho ông Tám. Họ ngạc nhiên thấy em định đi đâu đó mà
không có tiền. Một người có giọng nói rất dịu dàng cầm tay em nắn mãi, trời đất
ơi, thiệt là tội, lạc cha lạc mẹ, về với chị đi, không làm gì nhiều, mà chị lại
trả công.
Em
bỗng thấy ngẹt thở, bởi đọc được điều gì đó không thật. Em cảm thấy mùi mồ hôi,
hơi thở trơn láng, nhịp tim trôi tuột, những thớ thịt rùng rùng nhảy nhót trên
gương mặt bén lẹm của chị, bụng em quặn lên, cổ họng cong oằn, em nôn. Cơn nôn
đầu tiên bắt đầu ở đó, quán nhỏ ngã ba đường, nhiều bụi và ruồi. Lúc đó em
không biết nó sẽ lặp lại dai dẳng sau này, ở những nơi có người, đông người,
nơi người ta vẫn hay nói dối.
Con
Cò quỳ dưới chân em, từ tốn liếm láp đống nôn, cơm khô và cá khô. Cái lưỡi dài
và mềm của nó như thấu vào lòng em đang khô rốc. Em thấy mát rượi từng vệt. Vài
chiếc xe dừng lại mời gọi, cánh cửa mở ra lố nhố những người. Cái cảm giác trào
ngược lảng vảng làm em đứng yên, tuyệt vọng.
Em
quay lại căn chòi, với con Cò. Đốt củi nướng khoai cho qua cơn đói, đêm nằm
nghe những sợi nước ngầm chảy re rắt trong lòng đất, tiếng đuôi thằn lằn rụng từ
vách xuống, tiếng con chuột ngứa răng cắn nỉ non vào gốc cây, tiếng lá khô lay
lắt rơi đậu trên một chiếc lá khô khác… Em đã đi quá xa trong việc lắng nghe những
âm thanh sâu thẳm của bóng đêm, đến nỗi giờ em cũng cảm giác được máu chảy
trong con người. Em không biết phải làm gì với khả năng kỳ dị của mình.
Ba
ngày sau một người tìm đến, anh nói anh người của chương trình truyền hình “Giã
từ lưu lạc”, “cha em nhờ tôi tìm em…”
o O o
Về
nhà. Dự đã rời khỏi chiếc Landu trong một sáng nhiều mây ở chân trời, có vẻ cả
ngày sẽ mưa. Không phải tiễn xa, chỉ cần mở cửa xe tải và đu qua, chui vào chiếc
xe khách, vậy là thành một cuộc đi. Nhẹ nhõm. Bình thường. Gã hầu như không vẫy
tay. Cô gái ngó Dự, vẻ mặt vẫn lãnh đạm và có chút ngơ ngác. Xe đi rồi cô nhắm
mắt ngay, có vẻ cô mệt mỏi vì phải mở mắt nhìn lâu như vậy.
Mưa
nhanh chóng phủ lên chiếc xe tải một cái bạt trắng xóa. Gã hút thuốc chậm rãi,
thoáng nghĩ về thằng nhỏ phụ xế cũng đang chung một cơn mưa, thoáng nghĩ từ điển
cuộc đời mình quá giản dị, nó không có chữ “về nhà”. Cũng như “gửi thư”, “mua
quà”, “nhà bếp”, “sinh nhật”…
Dường
như từ trang đầu tới cuối, chỉ vài cụm từ như “ra đi”, “lên đường”, và “trôi”.
o O o
Xe
dừng trước một cái cổng cao, kín bưng, cha nói, vô đi con, đây là nhà mình. Em
có chút không tin. Bức vách, mái nhà, cái hàng ba, những viên gạch… tất cả đã
thay đổi. Cái hộp giấy đựng sáp đèn cầy em đã giữ lại từ quan tài của mẹ cũng
không còn ở trong góc phòng, giữa hai tủ áo. Sáp đèn cầy nham nhở đỏ như máu
đông lại, hơ trên lửa, nó sẽ chảy thành dòng. Hồi nhỏ, em đã từng hình dung, nếu
đem mẹ ra làm cho ấm, máu mẹ sẽ lại chảy trong người.
Không
tìm được hộp sáp, em đã tin thật sự đây không phải là nhà của em. Nơi này thuộc
về hai đứa trẻ con của cha và chị Băng, vì chúng biết giữ cho thảm sạch sẽ, biết
xoay vòi về phía nào để nước ấm áp, bật nút nào thì ti vi sẽ có những người đàn
ông mình trần đánh nhau trong một cái chuồng bằng dây.
Thật
may em thấy thích chỗ của những con cá sấu. Ngồi nghe xương của những con cá nhỏ,
rạn nhừ trong những cái hàm đầy răng nhọn, và nhìn từng giọt nước mắt chảy ra.
Cá sấu không khóc cho những con mồi, dù chúng vẫn chảy nước mắt. Thật kỳ lạ, em
không nôn vì điều đó, có lẽ do cá không nhiều máu và không có tim, không mồ hôi
không nước bọt, nên em không bị khối hỗn độn đó giày vò. Như hôm ở trường quay,
khi người ta mời ông Tám Nhơn Đạo vào, và ông nói ông tìm thấy em ngồi đói rách
trong chợ như thế nào, ông đã nuôi nấng, yêu thương và che chở em ra sao:
-
Vợ chồng tui đơn chiếc, nên tui cưng con nhỏ như con đẻ của mình vậy.
Ông
nói. Và một cái vòi đắng nghét từ miệng em phụt ra. Cả trường quay nhốn nháo.
Rốt
cuộc, nếu như có gặp những con chim hót dối rằng mùa xuân đã về, những con chó
nhìn bóng trăng sủa dối rằng kẻ trộm tới… thì em sẽ không sao.
o O o
Hay
là đuổi con nhỏ đó đi đi. Trong lúc xoay nhau trên giường, người đàn bà nghẹn
ngào bảo vậy. Gã với lấy áo, hỏi, ghen à? Chị bảo không, tại nó ma quái kỳ cục
quá. Nhưng gã thấy mình đã xong. Gã ngồi dậy đốt thuốc, chậm rãi nhìn chị, nhìn
lại một lượt căn phòng đã che chở cho gã khỏi gió lẻ đêm nay. Những mạng nhện rối
tung đòng đưa theo cọng dây điện nối chụp đèn, trên những tờ báo dán vách là những
khuôn mặt nhìn đăm đăm vào gã. Mỗi khi vào lại căn phòng này, gã không nghĩ là
mình đã đi hàng chục ngàn cây số, trong hai năm quen chị. Những người trên vách
vẫn râu vẫn tóc, vẫn một ánh nhìn, một nụ cười, một vẻ đăm chiêu.
Nhưng
giờ gã sẽ không còn gặp lại họ, cũng như chị. Chị đã bước qua giao ước, chị
yêu. Những ghen hờn bắt đầu giống như xảy ra trong một gia đình, mà gã thì
không có phần trong gia đình đó.
Gã
ra xe. Cô gái ngơ ngác mở mắt ra thấy trời vẫn tối mịt mù, cô xuống xe vào nhà
rửa mặt. Chị chủ nhà ngồi chải tóc, nói vọng ra:
-
Ăn ngủ dầm dề với tụi lái xe tải đường dài, thứ con gái tệ hơn giẻ rách…
Cô
gái lặng lẽ dấp nước trên mắt, rồi đi. Chiếc Landu sẽ không bao giờ de đít đậu
lại ở khoảng vỉa hè lởm chởm gạch vỡ. Người đàn bà kia cũng biết điều đó, nên
quăng cây lược xé vào bức vách thẳm suốt những mặt người.
o O o
Đôi
khi những lời vô tình khiến em nhớ tới một vài thứ em bị mất. Đôi khi nhìn vài
người mẫu áo tắm đứng nằm sóng xõa trong mấy tờ lịch phai úa, em điềm nhiên
nghĩ, mình đã từng có những da thịt như họ. Giờ thì không còn.
Chỉ
nhớ là mất. Không tiếc nuối, không có ý định tìm lại. Giữa em và cơ thể em tồn
tại vài mối liên hệ ít ỏi, lúc đói, hay những cơn đau lúc em nôn. Một cơ thể bất
động thì đi cùng ai cũng không quan trọng.
Và
điều đó làm ông Buồn cho em ở lại trên xe ông, bởi khi em nhắm mắt lại, thì em
đã không tồn tại nữa. Em biến mất trong tiếng nước sánh ra khỏi những thùng cá
phía sau, cái mui vải lồng gió phần phật, một mảnh thép bị đứt mối hàn va lập cập
vào thân xe… Nhưng em thấy vui vì ông không nhìn thấy em, nghĩa là em có thể
cùng ông Buồn đi hết đời này, trời này, đất này. Để lâu lâu em lại giở giọng của
muông thú ra, và ông phì cười.
Một
hừng đông xe tới Lạc Mai, anh Tìm Nội đang đứng đó vẫy tay rối rít, anh nói anh
đã chờ ở đây mấy ngày rồi. Ngồi vào cái chỗ ngồi quen thuộc, anh vỗ vai em, bằng
điệu bộ hết sức tự nhiên, “phải dạy con nhỏ này ăn nói tử tế cho giống người ta
mới được…”.
Anh
Tìm Nội luôn nhìn thấy em. Nói giống như người… có lần em cũng nghĩ tới. Đó là
lúc em nhớ lại giọng nói của bà cụ có hai túi áo ấm mùi trầu. Nhớ anh Tìm Nội gọi
em mỗi sáng, “nè thức dậy đi, đừng có chết à nghen…”. Có bữa nấn ná nhắm mắt
thêm chút nữa, anh này bỗng thảng thốt, “ê, bộ chết thiệt hả?”. Nhớ người đàn
ông bán báo dạo không quen biết, một bữa ghé mắt qua cửa kính, tần ngần, “nằm vậy
tê chân sao chịu nổi…?”
Những
gì em đã mất, chỉ tiếng nói em còn nghĩ tới, đôi khi. Ban trưa, nghe tiếng rao
chè ơi hỡi ơi hời, hay tiếng gọi nhau vời vợi, em bỗng thèm nói-giống-người. Để
khi anh Tìm Nội sụp khóc bên mộ nội, em sẽ vỗ về, bảo “anh cứ khóc, tôi ngồi cạnh
đây, tôi chờ”. Em cũng muốn nói với ông Buồn, em thích ông cười, những lúc đó
máu chảy trong ông thật sự giống như người sống.
Nhưng
nói-giống-người thì em cũng phải nói những lời dối, gây đau, nói để giày vò
nhau… Biết đâu, em sẽ vừa nói vừa nôn thốc tháo. Biết đâu em vừa nói vừa khóc.
Có
buổi chiều ngồi ở cabin, em nghe trong nhà, chị đàn bà bảo ông Buồn:
-
Tâm ăn nhiều đi, cá rô mùa này béo lắm. Hồi sáng tôi kiếm mấy chợ mới mua được
mớ bông so đũa này để nấu chua. Biết chiều nay cậu ghé…
Chị
còn kể nữa, những chuyện bình thường đã xảy ra sau lần gặp gần nhất, cái cầu
thang gãy, nhà đằng kia bị trộm, chị bị sổ mũi mấy hôm… Tiếng đũa khua vào chén.
Tiếng muỗng chạm vào đáy tô. Hai con chó hục hặc giành xương. Một gia đình đầm ấm
luôn có những âm thanh đó, cả những câu chuyện bình thường vơ vẩn được kể bằng
kiểu-của-người.
Em
bỗng cuộn lại vì một cơn gió lẻ đi qua, buốt tận xương. Nhưng chỉ khoảnh khắc
thôi, sau đó thì ông Buồn ra xe. Tối nay ông không ngủ lại với chị, chỉ vì bữa
cơm quá đỗi đầm ấm, như một gia đình.
Ông
không thích kiểu-của-người, điều đó gần như chắc chắn. Em không còn băn khoăn
gì nữa, em sẽ vĩnh viễn nói kiểu của chim, hay của những con bò…
o O o
Dự
khoe, “em dọn dẹp lại cuộc đời…”, hôm đó cậu ta leo lên chiếc xe tải với một
mái tóc được gọt cao, lộ ra cái gáy trắng kỳ dị trên cái nền đen đúa. Cậu ta trở
nên siêng tắm, ăn mặc cũng chỉnh chu hơn. Khi quay trở lại với đời du mục, Dự
chỉ nói, “ở nhà cà nhổng không biết làm gì ra tiền, nên theo đại ca thêm ít
lâu…”. Dự không kể về cái đêm về nhà đầu tiên, trằn trọc trước một ngày mai
trong vắt vô tận, bỗng cậu ta thấy cô gái ẩn hiện phía mịt mù.
Dự
nhớ cô, nhớ một cách kỳ lạ, làn da xanh tái, những cơn nôn vô cớ, những câu nói
tức cười lộn ruột, nửa ngày ngủ nửa ngày mơ màng… Nỗi nhớ làm đêm thật dài.
Sáng
sau Dự lên Thổ Sầu, hỏi thăm cánh chạy xe tải đường dài, họ nói chiếc Landu
LT1257 đậu ở ngã tư Xuyên Mỹ hôm qua, nhưng sáng nay đi đâu chẳng rõ. Một ông
tài xế quen vỗ lưng Dự, “tao tính rủ đại ca mầy lên biên giới chở mấy chuyến điện
máy Trung Quốc. Gặp nó thì nhắn tao muốn gặp bàn chuyện mần ăn…”. Dự gật gật,
biết là chạy tới chạy lui thì không tìm được, người Nam kẻ Bắc. Dự nằm chờ ở Lạc
Mai.
Ngày
dài nối ngày dài, cậu ta bỗng bần thần, có khi nào họ sẽ không quay trở lại, có
khi nào trong phút bốc đồng không cơn cớ, đại ca chạy chiếc Landu vào rừng thẳm
mãi mãi, với cô gái. Chuyện gì đã xảy ra vào những ngày Dự về nhà? Dự tưởng tượng
ra vài tình huống bình thường nhất giữa người đàn ông giang hồ sành sỏi và cô
gái lưu lạc, và những vơ vẩn đó bện lại, thành một sợi dây thòng lọng rất dai,
từ từ siết nghẹt họng cậu ta.
o O o
Có
rất nhiều trạng thái tình cảm mà em không nghe thấy, hoặc có thể nghe mà không
hiểu đó là gì. Em cũng chẳng muốn mình biết hết vì không chắc em nôn ít đi hay
sẽ nhiều hơn. Một bữa xe dừng ở ngã tư chợ, em rời khỏi cabin lau kính xe trong
lúc anh Tìm Nội và ông Buồn bốc dở những thùng hàng. Chợ trưa đông ruồi, ít người.
Thưa thớt vài người đàn ông để trần đánh bài, gần đó có mấy chị bỏ sạp tụm lại
tỉa chân mày, nhổ tóc. Một người thanh niên dáng vẻ u ám, gầy nhom ghé lại, thì
thầm:
-
Em tưởng bỏ tôi dễ dàng như bỏ một con chó sao?
Và
một chị gục xuống, trong âm thanh róng riết kinh hoàng. Máu chị phun ra thành
vòi từ mũi dao xuyên qua ngực.
Em
nghẹn đi trong nỗi ân hận, em đã nghe nhịp tim người đó, hơi thở người đó khi
anh ta tiến lại gần. Em nghe trong anh ta đang sôi lên, máu ập vào tim như
sóng, và trái tim đó như sắp bục ra. Em cảm giác được nhưng em không biết tên của
những biểu hiện đó là Giết Chóc.
Rất
nhiều thứ thuộc về con người mà em không biết. Như anh Tìm Nội khi từ nhà quay
trở lại, nhịp thở trong anh rất khác, như hoang mang, như thắt thẻo, và trái
tim đôi khi lay lắt, lúc lại bồn chồn. Em muốn hỏi đó là gì, nhưng rồi cứ nói
kiểu-của-chim:
-
Bị lạ lắm.
o O o
Dự
nạt:
-
Biết chừng nào mới chịu ăn nói tử tế hả trời. Phải nói vầy nè, “lúc gần sáng
mưa lớn quá”.
Cái
câu mà cô nói lúc Dự gọi cô dậy là “hồi chút xíu nữa là sáng mưa trôi lắm”. Dự
rầy rà suốt. Cậu ta thấy mình hạnh phúc khi rầy rà, cái cảm giác được che chở
chăm sóc cho ai đó đã mất từ khi bà nội bỏ đi, giờ trở lại tràn đầy.
Và
giờ thì Dự có nhiều thời gian cho việc đó. Chiếc Landu đã bị rã ra ở một tiệm sửa
xe, gã muốn nó được sửa sang trước khi lên biên giới, với những con đường núi
quanh co. Cô gái buộc phải rời cabin, sống như người, ngủ trong căn phòng kín
bưng bốn phía.
Dự
hay quanh quẩn chỗ cô gái, nằm dài trên sàn nhà, chỏng chân lên vách, cười tủm
tỉm vì thấy mọi thứ gần giống một gia đình, ừ, chỉ thiếu bếp, và tiếng khóc của
trẻ con… Cậu ta mong mấy ông thợ sửa xe càng lâu càng tốt.
Nhưng
cái cảm giác dễ chịu đó không phải ai cũng có, những cái vách bọc quanh làm gã
thấy khó ngủ. Đêm đêm, gã ngồi đu bên cửa sổ phòng trọ, lặng lẽ nghe Dự ngáy
vang. Cái ý định trở lại những ngọn núi làm gã bồn chồn. Gã nhớ những con đường
như kẽ chỉ bên bờ vực, chạy ngoằn ngoèo trên những triền núi đá vôi. Đôi tay
người lái xe như múa. Gã nhớ tiếng còi xe cứ nấc lên theo từng dốc đá, loang
mãi ra thành một vòng sóng buồn hiu mỏng dần lên đỉnh núi. Rồi chúng rơi từng
chùm từng chùm nặng trĩu xuống đáy vực sâu nhói.
Hồi
lái xe khách xuôi ngược cung đường đó, gã thích bấm còi xe, như những tiếng gọi
chơi vơi. Gã không phải người gọi, mà cũng chẳng gọi bất cứ ai. Chỉ treo tiếng
kêu vời vợi ở lơ lửng tầng trời. Ở đây một tiếng động nhỏ cũng được hồi đáp, hất
một viên đá rơi xuống, tiếng đá lăn cũng tinh tang rất lâu. Nhiều khi dừng bên
mé vực, gã cất tiếng kêu: “Quyên ơi!” và đá núi vọng lại “ơi…ơi…” rợn ngợp.
Ở
trong cái bệnh viện bì bõm nước rong, gã cũng gọi Quyên ơi hàng trăm lần, nhưng
người đàn bà vẫn im phắt, trái tim ngưng lặng và cái bụng đã gò lên tròn tròn
sau áo không còn chút xao động nào. Gã đã không ngủ suốt hai ngày đêm trước đó
nhưng chỉ cần quay lưng lại, họ cũng bỏ đi. Chỉ còn lại những con đường.
Nỗi
nhớ không cơn cớ, cứ gặm nhấm giấc ngủ. Khi sắp thiếp đi, bỗng nghe âm thanh của
những bánh xe xé những vũng nước trên đường trong khi vút qua, và còn lại tiếng
ì ì rất xa. Gã nhớ ra mình đã xa chiếc Landu hơn tuần.
Gã
đốt nối thêm điếu thuốc. Cuối dãy là phòng cô gái, cô đang nôn, cái vách phòng
trọ bằng ván ép mỏng tang làm cô quá gần với con người. Gã hình dung vẻ mặt
xanh lướt và bất động của cô. Gã đẩy cửa bước vào.
o O o
Âm
thanh của những cái cửa khép lại không bao giờ giống hệt nhau. Bởi nó không đơn
giản chỉ là tiếng gỗ nghiến vào nhau, hay cú cọ sát của kim loại gỉ sét, mỗi
cánh cửa khép là một ám ảnh.
Em
nhớ cánh cổng nhà, hôm em khép lại và đi. Nó không một tiếng động, êm ái như một
cú lướt. Nhưng em nghe tiếng thì thầm của chị Băng trong phòng hai đứa con mình
-
Con nhỏ đó thể nào cũng chết sớm. Tụi con buồn làm gì.
Dường
như những đứa trẻ băn khoăn vì những món trang sức đắt tiền mà em đang treo
trên người, và vài phút cha ghé qua lặng lẽ xoa đầu em mỗi khi ăn tối xong. Bàn
tay cha rất mềm, có lần vì bận bắt tay với vài người quen mà ông để tay em trôi
tuột trong một hội chợ đông người, và cuộc đi bắt đầu.
Giờ
thì em tự xé tay mình khỏi tay cha, bằng một lần khép cửa.
Ở
cái chòi trong rẫy gió Mai Lâm thì không có cửa, chỉ là một cái mành may bằng
bao ximăng, cứng và sột soạt suốt đêm, không phân biệt được âm thanh đó do con
Cò, gió hay của con người. Nó trơ khốc như nhau.
Rồi
khi ông Buồn bước vào căn phòng trọ hẹp và ngộp thở, em bỗng phát hiện ra âm
thanh cửa cũng liên quan nhiều tới bàn tay khép cửa. Nghe vẫn gọn ghẻ, nhẹ
nhàng như khi ông dập cửa xe.
Ông
lại gần em, bàn tay đặt lên cổ em làm ấm ran chỗ đó, rồi ngồi bệt ở cạnh giường,
hút thuốc. Nhịp thở sâu và tối của ông rất gần làm khỏa đi khối hỗn độn của đôi
người đang thề thốt, hẹn hò ở phòng bên. Mọi thứ đã lắng lại, và dần một êm đềm,
em nhìn gương mặt lóe lên theo đốm lửa trên môi ông, cho đến khi mỏi mê, em gấp
mình lại thành ba khúc, như trên chiếc Landu, và ngủ. Khi khép mắt vẫn là đốm lửa
lập lòe.
Sáng
sau em dậy rất trễ. Anh Tìm Nội không gọi.
o O o
Con
đường chỉ dài chừng ba mươi bước chân. Đi hết quãng đó lại hiện ra con đường
khác cũng ngắn ngủi. Sương vây bủa, mịt mù. Lâu lâu nghe tiếng xe máy chạy lướt
qua, ma quái, chỉ nghe âm thanh rồi một khối đen xé sương lao tới, sau đó vẫn
còn cảm giác lờ đờ quanh thắt lưng, nhưng sương đã phủ mất người.
Gã
đi đằng trước dẫn đường, cái đèn pin trong tay loang loáng. Đoạn đèo từ đây lên
đỉnh Puvan nhiều cua khúc khuỷu, thắt ngặt. gã đã lái xe đi qua đoạn khó khăn
nhất, giờ thì trao tay lái cho Dự. Gã nhớ con đường này, nhớ từng tảng đá, từng
khúc quanh. Mười năm gã múa đôi tay mình trên tuyến đường này, dù sương cố tình
lấp đi bằng cái áo đục ngầu của mình, gã vẫn nhận ra, dưới chân mình là mé vực.
Gã huơ huơ đèn. Dự lờ đờ trôi theo.
Tay
Dự tê cóng, vì lạnh và vì các búi cơ căng ra lần dò theo ánh đèn hiệu phía trước.
Cậu ta thấy mệt mỏi rã rời. Không biết bao lâu thì mới ra khỏi sương mù, ra khỏi
con đường rối bời này. Bên kia núi có mặt trời, có lửa hơ ấm lại người, có quán
cơm với những thức ăn quen. Qua khỏi ải sương này, có ai đang đợi Dự?
Không
ai cả. Bên kia núi, với Dự còn mịt mù hơn, óng ả một nỗi tuyệt vọng, không một
bóng người. Bảy năm Dự cắm cúi đi trên đường vì tin có bà nội chờ mình ở đâu
đó. Rồi bà nội mất, Dự có cô gái đưa tay vẫy đằng xa. Nhưng một sáng thức dậy Dự
thấy ruột gan mình bị bứt lìa bởi người đàn ông đang vun vai khoan khoái bước
ra khỏi phòng cô. Và những tối sau tiếng cửa khép mở cọt kẹt tiếp nối, Dự chong
sự mất mát nghẹn ứ lên đỉnh đầu.
Cô
sẽ không bao giờ ở trong ngày mai của Dự, dù vẫn ở bên Dự phút này, nằm thiu
thiu. Trên người cô đắp tấm áo của gã đàn ông đang huơ đèn đi trước chừng mươi
bước. Dự bỗng nghĩ, nếu mình cho xe lao vào anh ta, nếu mình lao vào như một
tai nạn trong lúc mình không kiểm soát, trong lúc sương mù rình rập, trong cái
lạnh cóng tay. Mình chỉ cần trôi nhanh hơn, và anh ta thì nằm xuống mãi mãi với
những con đường, như anh ta đã nói, một chiều nào đi qua đám tang, Dự hỏi, tới
hồi đại ca chết, đại ca chôn ở đâu? Anh ta thản nhiên, bên đường.
Dự
mím môi, nếu xốc tới thật dài, bên kia núi biết đâu có người đang đợi.
o O o
Em
nghe một đoạn âm thanh rất nhanh bên mình, và em kịp nhớ nó giống hệt của người
thanh niên xoáy ngọn dao vào tim chị đàn bà giữa chợ. Lòng em cồn lên, và cơn đầy
ứ bắt đầu tràn ngược lên cổ họng. Cách một khoảng sương, ông Buồn đang chậm rãi
làm tín hiệu mở đường.
Ông
không biết xe đang lao vào ông. Trong cơn buồn nôn đắng đót, em ngã người giằng
tay anh Tìm Nội và kiệt sức níu chiếc xe trôi nghiêng về phía mình, phía không
ông, không ánh sáng. Cây cỏ ngã rạp vẽ nên một con đường chông chênh sâu hút.
Và em thấy mình thực sự trôi, bồng bềnh và mộng mị trong một không gian tối dần,
tối dần và rồi, bóng tối bắt đầu vô tận.
Trong
đen thẳm, em nghe Tìm Nội nói:
Thật
ra anh bây giờ đã là một con ma ấm ức, “con nhỏ này… tôi chỉ định giỡn thôi
mà…”.
Sao
người ta có thể đem chuyện giết nhau làm trò đùa? Em, cũng là con ma, hoang
mang với một điều thuộc về con người mà em vừa biết. Một niềm tuyệt vọng chậm
rãi kéo cái kén bọc lấy em, từ đây vĩnh viễn ông Buồn không bao giờ nghe em cất
tiếng, bằng kiểu của chuột, của chim, của những con bướm, con kiến, của những sợi
nước dưới suối, của những cái lá trên cành… Nụ cười sẽ tắt lịm mãi trên môi
ông, ý nghĩ đó vắt máu em ròng ròng như người ta vắt một chiếc áo ướt.
o O o
Sương
khép dần, tự vá víu cái khoảng trống mà chiếc xe tải để lại trên khúc đường
trơn ướt. Gã chết điếng bên bờ cỏ, mặt ướt đầm đìa. Gã đã không ngủ quên, không
quay lưng lại, thậm chí không chớp mắt, cũng không sao ngăn lại một cuộc đi. Lần
thứ ba gã bị từ chối, bị bỏ lại với những con đường, chúng không bao giờ thảng
thốt hỏi “Sao ông lại buồn?”, chúng cũng không biết âu yếm ôm choàng vai gã để
chia sẻ nỗi vui bất chợt.
Gã
lần ra mép vực, trong cơn thèm muốn yêu thương người, trong nỗi mất mát tê dại,
gã cất tiếng gọi chơi vơi, rã rời trong gió lẻ, sương mù, đá và cây…