“BÀI GIẢNG TRÊN NÚI” CỦA FRA ANGELICO (1395-1455)
Trong cuốn “Lives of the Artists”, xuất bản năm 1550, Giorgio Vasari viết: "để khắc họa những điều thánh thiện và tâm linh, người nghệ sĩ phải có một tâm hồn thánh thiện và ngoan đạo". Không ai trong lịch sử nghệ thuật đáp ứng đầy đủ yêu cầu đó hơn Guido di Pietro-được biết đến trong đời sống tôn giáo dưới tên Fra Giovanni da Fiesole, nhưng được biết đến nhiều hơn nữa ở tư cách nghệ sĩ với cái tên Fra Angelico. Như một tu sĩ, ông chỉ bắt đầu vẽ tranh sau một thời gian dài cầu nguyện, và tranh ông tràn đầy lòng thành tín. Ông được Giáo hoàng John Paul II phong chân phước vào năm 1984. Bức bích họa “Bài giảng trên núi” này, được Fra Angelico thực hiện từ năm 1440 đến 1450, như một phần trang trí cho Tu viện St Marco ở Florence. Tu viện St Marco trước đây của Dòng Đa Minh ở Florence, hiện là bảo tàng nhà nước, lưu giữ một số bản thảo được cho là hoàn toàn hoặc một phần do tay Fra Angelico làm.
Tuy được xem là một hoạ sĩ xuất sắc của giai đoạn Tiền Phục Hưng tiếp thu đầy đủ các kỷ pháp tạo hình mới nghiêng theo chiều hiện thực bắt đầu từ Giotto (1267-1337), nhưng khi sáng tác, Fra Angelico vẫn thể hiện với tinh thần của một tu sĩ-xem tranh vẽ về các chủ đề tôn giáo như là một “văn bản thần học bằng hình” hơn là một tác phẩm nghệ thuật. Mọi tìm tòi sáng tạo của ông, đều tập trung vào nỗ lực biểu tượng hoá hình thức biểu đạt không khác gì các nghệ sĩ Byzantium trước ông khá lâu.
Cần phải ghi chú điều này, để chuẩn bị một cách tiếp cận đòi hỏi kiến thức về biểu tượng học (Iconography) đối với tác phẩm “Bài giảng trên núi” của Fra Angelico. Tất cả các chi tiết trong tranh, từ hình ảnh núi đá có dạng hình tròn, với 12 thánh Tông đồ ngồi theo vòng tròn, đến màu trang phục của Chúa Jesus, tay phải chỉ lên trời còn tay trái cầm “văn bản” của Ngài... đến vầng hào quang trên đầu Judas v.v... đều đã được biểu tượng hoá nhằm tường minh một chủ đề quan trọng bậc nhất trong Kinh Thánh này.
Hình tròn, là biểu trưng cho sự viên mãn, cho Thiên Chúa (Pascal-1623/1662-sau này đã nói: "Thiên chúa là một bầu tròn mà trung tâm ở khắp nơi, còn chu vi thì không ở đâu cả" "Dieu est une sphère dont le centre est partout et la circonference nulle part") Núi đá hình tròn, tượng trưng cho “Nước Chúa nơi trần thế”, nền tảng của Giáo hội.
Hình ảnh Chúa Jesus tay phải chỉ lên trời, tay trái cầm “văn bản”, là nhằm truyền đạt ý nghĩa của bài giảng trên núi như một tuyên ngôn “Hiến Chương Nước Trời”.
Áo đỏ của Chúa Jesus, là màu máu mà Ngài đổ xuống trong công cuộc cứu chuộc. Còn màu xanh thiên thanh của áo khoác trùng với màu bầu trời, biểu trưng cho Thần tính nơi Ngài...
Judas cũng được mô tả trong bức tranh của Fra Angelico, được biểu thị bằng quầng đen trên đầu - một vầng hào quang của bóng tối đại diện cho cái ác. Sự lấp ló của hình tượng Judas, tượng trưng cho nguy cơ bóng tối và cái ác luôn có thể xâm nhập và tồn tại trong Giáo hội...
Còn nhiều chi tiết cần phải phân tích, trong bài viết in trong sách “Nghệ thuật Công giáo” tôi trình rõ và sâu hơn. Ở đây, chỉ trình bày như những gợi ý để suy tư...
NGUYÊN HƯNG
|
Bài giảng trên núi vẽ bởi Carl Heinrich Bloch |
Bài giảng trên núi có thể được so sánh với một bài giảng ngắn hơn, Bài giảng trên đất bằng, được trình thuật trong Tin mừng Luke (Luke 6:17–49). Một số nhà bình giảng cho rằng chúng là một bài giảng, một số khác cho rằng Chúa Giêsu thường rao giảng những chủ đề tương tự ở nhiều nơi khác nhau, và một số nhà bình luận khác lại cho rằng không có bài giảng nào thực sự diễn ra, nhưng chúng được Matthew và Luke đúc kết từ những lời giảng chính của Chúa Giêsu.
Có lẽ phần được biết đến nhiều nhất của bài giảng là Tám mối phúc thật ở đầu bài giảng. Bài giảng cũng bao gồm Kinh Lạy Cha và các huấn thị "không trả thù" và "giơ cả má kia", cũng như phiên bản Khuôn vàng thước ngọc của Chúa Giêsu. Các phần khác cũng thường được trích dẫn như "muối của đất," "ánh sáng thế gian," và "đừng xét đoán, để khỏi bị xét đoán." Nhiều người Kitô cho rằng Bài giảng trên núi là để diễn giải (midrash) cho Mười điều răn. Đối với nhiều người, gồm cả những nhà tư tưởng tôn giáo và đạo đức như Tolstoy và Gandhi, Bài giảng trên núi chứa đựng những nguyên lý trung tâm của giáo lý Kitô giáo.