NHÀ NGUYỆN ROTHKO (THE ROTHKO CHAPEL) -
NHÀ NGUYỆN CỦA MỘT HOẠ SĨ BIỂU HIỆN TRỪU TƯỢNG.
Trong 50 năm (mở cửa từ 1971), Nhà nguyện Rothko ở Houston đã đóng vai trò như một không gian để chiêm nghiệm cá nhân, đối thoại giữa các tôn giáo và hành động vì quyền con người. Nhà nguyện được tạo ra bởi Mark Rothko, một hoạ sĩ biểu hiện trừu tượng danh tiếng.
Tác phẩm "Obelisk bị hỏng"của Barnett Newman trước Nhà nguyện Rothko |
Nhà nguyện Rothko là nơi gặp gỡ liên tôn giáo, một trung tâm nhân quyền, và là bảo tàng nghệ thuật nơi trưng bày 14 bức tranh hoành tráng của Mark Rothko.
Trong năm thập kỷ qua, nhà nguyện đã khuyến khích sự hợp tác giữa những người thuộc mọi tín ngưỡng-hoặc không có tín ngưỡng nào cả. Trong khi bản thân nhà nguyện đã trở thành một địa danh nghệ thuật và trung tâm hành động vì quyền con người...
Bản thân nhà nguyện là một tòa nhà gạch hình bát giác, không cửa sổ. Những cánh cửa đen chắc chắn mở ra trên một tiền sảnh nhỏ có vách kính.
Căn phòng chính là một không gian hình bát giác kín mít với những bức tường trát vữa màu xám, mỗi bức tường được tô điểm bởi những bức tranh đồ sộ. Một số bức tường chỉ có một tranh, trong khi trên những bức tường khác, treo đến ba bức. Tất cả, đều có chủ ý. Một giếng trời từ trên cao đưa ánh sáng vào trong-sự thay đổi của góc sáng trong ngày làm thay đổi đáng kể màu sắc và không khí bên trong nhà nguyện. Có tám chiếc ghế dài bằng gỗ giản dị được sắp xếp một cách thân mật, và ngày nay, có thêm một vài chiếc thảm thiền.
Những bức tranh của Rothko ở đây, không có trường màu sáng đã làm nên sự nổi tiếng của Rothko mà lại có màu tối, màu đỏ tía hoặc màu đen. “Chúng giống như những cánh cửa để vượt ra ngoài. Rothko nói rằng màu sắc tươi sáng ngăn cản tầm nhìn của bạn trên bức tranh, còn màu tối có sức hút vào bên trong, hướng tầm nhìn vào cái vô hạn."-một nhà phê bình nhận xét.
Thoạt nhìn, những bức tranh có vẻ được tạo thành từ những mảng màu đậm, đặc. Nhưng nhìn kỹ, có thể thấy rõ rằng các bức tranh được cấu tạo từ nhiều sắc tố không đồng đều tạo ra các biến thể trong từng centimet. Bước lùi lại, sẽ thấy có sự khác biệt màu sắc tinh tế xuất hiện trên các bề mặt rộng-dẫn đến ấn tượng không thể nhầm lẫn về chiều sâu biến ảo của không gian trong tranh...
Năm 1970, kiến trúc sư Philip Johnson thiết kế nhà nguyện này với ý định trang trí bằng tranh của Rothko. Nhưng họa sĩ đã có những ý tưởng cụ thể về không gian đến nỗi Johnson đã phải khuất phục, phải thay đổi thiết kế, và bởi vậy nhà nguyện đã mang tên Rothko.
Các nhà lãnh đạo tôn giáo-Do Thái giáo, Chính Thống giáo, Công giáo, và Tin Lành-từ khắp nơi trên thế giới đã tham gia vào lễ cung hiến nhà nguyện vào cuối tháng 2 năm 1971. Năm mươi năm sau, nhà nguyện tiếp tục là một không gian dành cho việc chiêm nghiệm cá nhân, đối thoại giữa các tôn giáo và đấu tranh cho nhân quyền. Mặc dù Mark Rothko không sống để nhìn thấy khu bảo tồn mà ông tạo ra, Christopher Rothko-con trai Mark Rothko-nói rằng cha anh ấy biết nó phải như thế nào.
“Tôi phải mất một khoảng thời gian dài để nhận ra điều đó, nhưng đó thực sự là món quà của cha tôi, theo một nghĩa nào đó, dành cho ai đó đến nhà nguyện. Đó không chỉ là một nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi, mà thực sự còn mời gọi một khởi đầu mới vào thế giới bên trong mỗi người..."-Christopher Rothko nói.
Trong nhiều năm qua, nhiều người thừa nhận, “nhà nguyện đã trở thành một nơi linh thiêng”
Một người ghi trong sổ cảm tưởng ở nhà nguyện: “Bạn bước vào nhà nguyện này và bạn biết, bây giờ, nó đã được thánh hóa nhờ lời cầu nguyện của mọi người. Có điều gì đó bạn cảm thấy trong nhà nguyện cho bạn biết đó là một không gian thánh."
THÊM:
Nhà nguyện Rothko là một nhà nguyện phi giáo phái ở Houston, Texas, được thành lập bởi John và Dominique de Menil. Nội thất không chỉ phục vụ như một nhà nguyện, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật hiện đại.
Nhà nguyện nằm cách trung tâm thành phố hai dặm về phía Tây Nam trong khu phố Montrose, nằm giữa tòa nhà chứa Bộ sưu tập Menil và Nhà nguyện Saint Basil trong khuôn viên Đại học Saint Thomas. Khoảng trên dưới 100.000 người đến thăm nhà nguyện mỗi năm.
Susan J. Barnes-quản lý nhà nguyện-tuyên bố: “Nhà nguyện Rothko ... đã trở thành trung tâm đại kết rộng rãi đầu tiên trên thế giới, một thánh địa mở cửa cho tất cả các tôn giáo và không thuộc tôn giáo nào. Nó trở thành một trung tâm trao đổi văn hóa, tôn giáo và triết học quốc tế. Và nó đã trở thành nơi cầu nguyện riêng tư cho các cá nhân thuộc mọi tín ngưỡng "
Vào ngày 16 tháng 9 năm 2000, Nhà nguyện Rothko được đưa vào danh sách Di tích Lịch sử Quốc gia ở Hoa Kỳ.
Năm 1964, Rothko được John và Dominique de Menil (cũng là những người sáng lập Bộ sưu tập Menil gần đó) ủy quyền để tạo ra một không gian thiền đầy những bức tranh của ông.
Từ năm 1973 trở đi, Nhà nguyện Rothko mở rộng chức năng như một trung tâm cho các cuộc giao lưu nhằm thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau về các vấn đề ảnh hưởng đến công lý và tự do trên toàn thế giới. Cuộc gặp gỡ đầu tiên thu hút các học giả từ Lebanon, Iran, Ấn Độ, Pakistan, Nigeria, Nhật Bản, Ý, Hoa Kỳ và Canada.
Năm 1981, ở đây lại khởi xướng “Giải thưởng Nhà nguyện Rothko cho Cam kết với Chân lý và Tự do.”
Năm 1986, giải thưởng thứ hai được thành lập để tôn vinh và noi gương tinh thần của Óscar Romero, Tổng giám mục San Salvador, người bị sát hại vào ngày 24 tháng 3 năm 1980.
Các giải thưởng Nhà nguyện Rothko này đã công nhận các cá nhân và tổ chức là nạn nhân của các vi phạm nhân quyền.
Năm 1991, Nhà nguyện Rothko đánh dấu kỷ niệm 20 năm thành lập bằng giải thưởng chung với Tổ chức Nhân quyền Carter-Menil, được thành lập vào năm 1986 cùng với cựu Tổng thống Jimmy Carter. Nelson Mandela là diễn giả chính và đã nhận được giải thưởng Nhà nguyện Rothko đặc biệt.
Vào đầu năm 1999, Nhà nguyện Rothko đóng cửa để tu sửa lớn. Năm 2000, nhà nguyện mở cửa trở lại sau 18 tháng tu sửa, trị giá 1,8 triệu đô la, với các bức tranh của nghệ sĩ mới được phục hồi. Trong dịp kỷ niệm lần thứ 50 vào năm 2021, Nhà nguyện Rothko lại được trùng tu với chi phí gần 30 triệu đô la.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét