( Shin bijin junisugata: Kesho ) |
Người Đẹp Ngủ Mê
Tác giả: Yasunari Kawabata
CHƯƠNG 1
ng không được làm điều gì bất nhã, người đàn bà ở quán trọ cảnh giới ông già Eguchi. Không được thọc ngón tay vào miệng cô gái đang ngủ, hay thử làm bất cứ việc gì khác tương tự.
Ở tầng một, chỉ có hai phòng: phòng đầu mà hai người đang đứng nói chuyện rộng chừng tám chiếu [4], và một phòng ngủ bên cạnh; nhưng tầng trên nữa hình như chẳng có phòng nào; và ở tầng trệt thì có vẻ chỉ dành làm phòng khách nên ngôi nhà này không đáng mang danh là một quán trọ. Thực ra chẳng có bảng hiệu nào ở cổng, chắc vì những điều bí ẩn của ngôi nhà không cho phép công khai treo bảng. Không khí im ắng, tĩnh mịch. Ngo i trừ người đàn bà đã mở cái cổng khóa chặt đưa ông vào nhà và bây giờ đang đứng nói chuyện cùng ông, chẳng thấy bóng người nào khác. Đây là lần đầu tiên ông đến chỗ này và ông không thể đoán ra mụ là bà chủ hay người giúp việc. Tốt hơn không nên hỏi.
Mụ có lẽ đã quá xa tuổi bốn mươi tuy giọng nói nghe còn trẻ và bề ngoài cố tạo cho mình một dáng điệu, một cung cách điềm tĩnh và đứng đắn. Đôi môi mỏng dính không hở ra khi nói. Ít khi nhìn thẳng Eguchi. Có cái gì trong đôi mắt đen thẫm ấy làm ông bớt ngờ vực, và mụ lại tỏ ra thoải mái tự nhiên. Mụ pha trà từ cái ấm nước bằng sắt đặt trên lò than bằng đồng. Nhờ chất lượng lá trà và cách pha, trà ngon một cách lạ lùng, nhất là so với nơi chốn và tình cảnh hiện tại, khiến ông già Eguchi cảm thấy dễ chịu. Một bức tranh của Kawai Gyokudo [5] treo ở hốc tường, chắc là tranh in lại, vẽ một làng miền núi với màu ấm của lá thu vàng. Thực ra chẳng có gì trong cái phòng này khiến ta nghĩ nó chứa đựng những chuyện bí ẩn lạ thường.
"Và xin đừng bao giờ tìm cách đánh thức cô gái. Dù ông làm cách gì đi nữa, cô ta không thức dậy được đâu. Cô ta ngủ say li bì và chẳng cảm nhận chi hết". Người đàn bà lập lại: "Cô ta chỉ ngủ và ngủ, chẳng hay biết gì từ đầu đến cuối. Không biết được ai nằm bên cạnh mình suốt đêm đâu. Ông chẳng nên lo ngại".
Eguchi không nói gì, giữ những mối nghi ngờ xuất hiện trong đầu cho riêng mình.
Ông quay mắt sang chỗ khác, nhìn đồng hồ đeo tay.
"Mấy giờ rồi nhỉ?"
"Mười một giờ kém mười lăm".
"Tôi cũng đoán thế. Các cụ ông thường đi ngủ sớm và dậy sớm. Tùy ông đấy, khi nào cảm thấy sẵn sàng".
Người đàn bà đứng dậy, mở khóa cửa phòng bên cạnh. Mụ dùng tay trái. Eguchi nhìn mụ, nín thở, dù động tác dùng tay trái mở cửa phòng này tự nó chẳng có gì đáng chú ý. Mụ ghé mắt nhìn vào căn phòng. Chắc chắn là mụ có thói quen nhìn vào phòng từ ngưỡng cửa như thế, và cũng chẳng có gì khác thường việc mụ quay lưng về phía Eguchi. Vậy mà ông thấy nó lạ lùng. Một con chim to và lạ thêu trên cái nút thắt chiếc đai lưng. Ông không biết nó thuộc loài chim nào. Tại sao mắt và chân chim lại hiện thực quá đỗi trong một hình chim cách điệu hóa? Chắc chắn không phải vì con chim này mà ông cảm thấy bất an, đó chỉ là một hình thêu vụng về; nhưng nếu nỗi bất an dính liền với tấm lưng của người đàn bà thì nó lại nằm ngay nơi con chim. Chiếc đai lưng có nền màu vàng nhạt, gần như trắng.
Căn phòng bên cạnh được thắp sáng lờ mờ. Người đàn bà đóng lại cánh cửa nhưng không khóa rồi đặt chiếc chìa khóa lên bàn trước mặt Eguchi. Cung cách cũng như giọng nói của mụ không để lộ ra chút gì là mụ vừa xem xét một căn phòng bí mật.
"Chìa khóa đây. Tôi mong ông ngủ ngon giấc. Nếu ông cảm thấy khó ngủ thì có sẵn thuốc ngủ bên gối".
"Bà có gì uống không?"
"Ở đây không phục vụ rượu".
"Tôi không thể làm một ly trước khi ngủ hay sao?"
"Không".
"Cô gái đang ở phòng bên?"
"Cô đang ngủ và chờ ông".
"Thật à?" Eguchi tỏ vẻ hơi ngạc nhiên. Cô gái vào phòng bên tự hồi nào? Cô ngủ được bao lâu rồi? Có phải người đàn bà mở cửa phòng lúc nãy là để xem cô đã ngủ say chưa? Eguchi đã từng nghe một người bạn thường lui tới chốn này kể rằng các cô gái đợi khách khi đã ngủ say, và không tỉnh giấc; nhưng ngay bây giờ khi đang ở đây, ông lại thấy khó tin chuyện này.
"Ông muốn thay đồ ở đâu?" Mụ có vẻ sẵn sàng giúp ông. Eguchi không trả lời.
"Nghe tiếng sóng kìa. Và tiếng gió".
"Tiếng sóng?"
"Chúc ông ngủ ngon". Mụ rút lui.
Còn lại một mình, ông già Eguchi nhìn quanh căn phòng, trống rỗng và không có sự xếp đặt bí ẩn nào. Rồi ánh mắt ông dừng lại trên cánh cửa dẫn vào phòng bên cạnh. Cánh cửa làm bằng gỗ thông bá hương, rộng gần một thước, có vẻ được đặt thêm vào sau khi ngôi nhà đã xây xong. Ngay cả bức tường khi nhìn kỹ mới thấy nó được bịt kín lại, thay thế cái vách ngăn di động chia đôi hai phòng trước đó, để làm một phòng bí mật cho các người đẹp ngủ mê. Tường được sơn cùng màu như các tường khác nhưng có vẻ tươi mới hơn.
Eguchi đưa tay cầm chìa khóa. Tưởng ông sẽ mở cửa đi vào phòng bên nhưng ông vẫn ngồi yên. Như người đàn bà nói lúc nãy: tiếng sóng nghe dữ dội. Như thể các ngọn sóng đập mạnh vào vách đá cao nhô ra biển, và như thể ngôi nhà nhỏ bé này nằm ngay bên bờ vách. Tiếng gió rít báo hiệu mùa đông sắp về, có lẽ vì ngôi nhà quạnh quẽ, có lẽ vì có cái gì không ổn trong tâm thần ông già Eguchi. Tuy vậy, ông cảm thấy căn phòng khá ấm, dù chỉ sưởi bằng một lò than hồng. Vùng này có khí hậu ấm áp mà. Gió cũng không đủ mạnh để làm lá vàng bay. Eguchi đến nơi này hơi khuya khoắt nên không thể nhìn thấy địa thế ngôi nhà; nhưng ông ngửi được mùi biển mặn. Khu vườn trông rộng so với ngôi nhà với rất nhiều cây thông và cây phong cao lớn. Những cành thông sắc nhọn chĩa mạnh lên nền trời. Ngôi nhà xưa kia chắc là một biệt thự đồng quê.
Eguchi đốt một điếu thuốc, chìa khóa vẫn giữ trong tay. Ông hút một hai hơi rồi dụi tắt; nhưng điếu thứ hai, hút hết. Ông cảm thấy một sự trống rỗng khó chịu hơn là tự nhạo mình về một nỗi lo ngại mù mờ nào đó. Ông có thói quen uống một ly rượu mạnh trước khi đi ngủ nhưng ít khi ông ngủ được ngon giấc và thường gặp ác mộng. Một nhà thơ nữ chết trẻ vì bệnh ung thư đã viết trong một bài thơ về những đêm thức trắng: "đêm dọn ra cho tôi nào cóc, nào chó chết, rồi nào xác người chết trôi". Eguchi chẳng thể nào quên được câu thơ đó. Bây giờ chợt nhớ đến nó, ông tự hỏi cô gái đang ngủ - không, phải nói là bị thiếp cho ngủ - ở phòng bên có giống như một xác chết trôi không; và ông cảm thấy do dự, chưa muốn đi vào chỗ nàng nằm. Ông không biết được cách nào người ta đã làm cho nàng ngủ say. Dù sao đi nữa, nàng đã ở trong một trạng thái mê man giả tạo, chẳng thể hay biết những sự việc xảy ra quanh mình, và như thế có lẽ nàng mang nước da xỉn màu chì như một tên nghiện ngập, đôi mắt quầng thâm, các xương sườn lộ rõ dưới lớp da khô queo quắt. Hay có lẽ nàng thuộc típ người lạnh, da thịt húp híp, mềm nhẽo. Có lẽ nàng đang ngáy nhẹ, cặp môi hé mở để lộ lợi răng đã ngả sang màu tia tía. Ông già Eguchi, sáu mươi bảy năm ở đời, đã từng trải qua những đêm khó chịu, bực tức với đàn bà. Thật tình mà nói, những đêm thất vọng như thế là những đêm khó quên nhất trong đời. Sự thất vọng này ít khi liên quan đến nhan sắc các người đàn bà nhưng dính líu nhiều đến những bi kịch, những lệch lạc trong cuộc đời họ. Ông cảm thấy chẳng hứng thú chút nào, ở cái tuổi gần đất xa trời này, nếu phải trải qua một nỗi thất vọng mới. Những ý tưởng buồn bã này chiếm cứ đầu óc ông, ngay lúc ông sắp bước vào cuộc phiêu lưu. Nhưng thử hỏi có cái gì tồi tệ hơn cảnh một lão già suốt đêm nằm dài bên cạnh một cô gái trẻ bị thiếp ngủ mê, không thể thức tỉnh? Có phải Eguchi đã đến ngôi nhà này đê tìm cho ra, tìm đến mức điểm tận cùng của nỗi ghê sợ tuổi già?
Người đàn bà đã nói về các khách hàng mụ có thể tin cậy. Hầu như ai tới đây đều có thể tin cậy được mà. Người đàn ông kể cho Eguchi về ngôi nhà này đã quá già, già đến độ không còn là đàn ông nữa. Lão ta có lẽ nghĩ rằng Eguchi cũng đã rơi vào tình trạng suy nhược cùng cực như lão. Mụ đàn bà ở ngôi nhà này chắc đã quen chung đụng với đám khách hàng già cả nên đã nhìn Eguchi một cách không ngờ vực và cũng không tỏ ra thương hại. Ông biết mình chưa phải loại sức tàn lực tận nên chưa phải là một khách hàng đáng tin cậy. Nhưng ông có thể chọn mình làm một người đáng tin cậy, tùy tình cảm của ông vào một lúc nào đó, tùy khung cảnh, và tùy người đẹp. Sự ghê sợ tuổi già đè nặng con người ông. Ông biết mình đang tiến gần cái hoàn cảnh ảm đạm, buồn thảm của những khách hàng già nua khác. Nội cái việc ông mò tới đây cũng đã nói lên rõ điều này. Và như thế ông không có ý định vi phạm các ràng buộc thê thảm, các hạn chế xấu xí mà người ta áp đặt lên đám khách lụm khụm. Thực tình ông không muốn vượt qua các hạn chế đó, và ông sẽ không để mình làm thế trong thực tế. Tuy có thể gọi là một câu lạc bộ nhưng số lượng người già làm hội viên rất ít. Eguchi đến đây không phải để tố cáo các tội lỗi hay xoi mói các hành vi bí mật của câu lạc bộ này. Óc tò mò nơi ông chẳng mạnh mẽ gì vì một nỗi buồn rầu chán ngắt của tuổi già đã xâm chiếm cõi lòng ông.
"Vài cụ khách thố lộ ngủ qua đêm ở đây mang đến cho họ những giấc mộng đẹp", mụ đàn bà nói vào một lúc nào đó. "Vài người lại nhớ đến thời trai trẻ".
Eguchi đã không cười gượng được vào lúc đó. Ông đưa cả hai tay chống lên bàn để đứng dậy rồi bước về phía cánh cửa làm bằng gỗ thông bá hương.
"À ra thế!"
Những tấm màn nhung màu đỏ thẫm. Màu đỏ trông thẫm hơn trong cái ánh sáng lờ mờ. Như thể có một vừng sáng mỏng lơ lửng trước các màn, như thể ông bước vào một thế giới ma quái. Màn che cả bốn bức tường. Cánh cửa thông cũng được che màn, viền màn được buộc túm lại. Ông khóa cửa, vén màn, và nhìn xuống cô gái. Nàng đâu có làm bộ ngủ. Ông nghe được tiếng thở của một người đang ngủ say mà. Eguchi nín thở: nàng đẹp quá, đẹp hơn ông tưởng. Nhan sắc của nàng không phải là điều ngạc nhiên duy nhất. Nàng trẻ nữa. Nàng nằm nghiêng phía trái, mặt nàng hướng về ông. Ông chưa thấy thân thể nàng - nhưng ông đoán nàng chưa tới hai mươi tuổi. Chao ôi, như thể có một quả tim khác đang vung cánh trong lồng ngực ông già Eguchi.
Bàn tay mặt và cổ tay nằm lọt ra ngoài tấm chăn mỏng. Cánh tay trái có vẻ trải xéo dưới tấm chăn. Ngón cái tay mặt bị che gần nửa dưới má. Các ngón tay trên gối bên cạnh mặt nàng hơi cong lại trong giấc ngủ êm dịu, không quá cong để làm biến mất những chỗ lõm mềm mại, thanh tú, nơi các ngón tay nối với bàn tay. Màu hồng ấm áp từ mu bàn tay trông càng hồng hơn khi tới các móng tay. Một bàn tay trắng sáng và mịn màng.
"Cô ngủ thật à? Không thức được à?"
Eguchi buột miệng hỏi như thể cho mình cái cớ chạm đến bàn tay cô gái, nắm lấy trong lòng tay mình rồi lay nhẹ. Ông biết rõ nàng sẽ không mở mắt. Vẫn nắm bàn tay cô gái, ông nhìn kỹ khuôn mặt nàng. Thuộc loại gái nào đây? Cặp lông mày chưa bị phấn sáp đụng đến và hàng lông mi đang nhắm lại kia trông đều đặn. Ông ngửi mùi hương từ mái tóc trinh trắng của nàng. Một lúc sau tiếng sóng nghe như mạnh hơn, có phải vì cô gái đã bắt được quả tim thổn thức của Eguchi? Ông mạnh dạn cởi quần áo mình. Eguchi ngước mắt nhìn lên khi chợt nhận ra ánh sáng tỏa từ trên cao. Anh điện đến từ hai cửa sổ ở trần nhà được che bằng giấy bản. Một cách điềm tĩnh, ông tự hỏi có phải ánh sáng được sắp đặt cho hợp với các tấm màn nhung đỏ thẫm, hay là ánh sáng phản chiếu từ các màn nhung đó làm màu da của cô gái trông đẹp như các nàng hồ ly; nhưng màu nhung đỏ chưa đủ mạnh để làm khuôn mặt nàng hồng lên mà. Mắt ông bắt đầu quen dần với cái ánh sáng trong căn phòng, quá sáng đối với ông, một người quen ngủ trong bóng tối, nhưng dường như đèn luôn để sáng, không thể tắt được. Ông biết nhận ra tấm chăn đắp thuộc loại tốt.
Eguchi chui vào chăn một cách nhẹ nhàng vì ngại đánh thức cô gái đang ngủ. Nàng chẳng mặc gì trên người. Cũng chẳng có phản ứng gì, đôi vai không co lại, cặp háng không khép vào, nàng chẳng cảm nhận sự hiện diện của ông bên cạnh nàng. Hơi lạ, vì các cô gái trẻ thường theo phản xạ tự nhiên dù đang ngủ say đến mấy đi nữa. Nhưng đây đâu phải là một giấc ngủ bình thường, ông lại tự nhủ, và ông muốn tránh đụng chạm đến người nàng. Đầu gối nàng đưa về phía trước khiến đôi chân ông trở nên vướng víu, gò bó. Dù không nhìn kỹ ông cũng đoán được nàng không nằm theo thế phòng ngự, đầu gối mặt không nằm ngay trên đầu gối trái. Đầu gối mặt kéo ra sau, chân duỗi thẳng. Nàng nằm nghiêng phía trái, vai và háng không thẳng hàng vì nửa người trên hơi khom lại. Nàng có vẻ không được cao lắm.
Những ngón tay nàng mà Eguchi đã cầm lên cũng ngủ say: cả bàn tay lại nằm y như cũ khi ông thả xuống. Ông kéo cái gối về phía mình và bàn tay rơi ra ngoài. Ông chống cùi chỏ lên gối và ngắm nó. Trông như còn sống, ông nhủ thầm. Nó còn sống mà, có phải bàn tay của một xác chết đâu, ông thầm thì như thế chỉ để muốn nói lên là nó xinh đẹp; nhưng ông cảm thấy mình vừa nói ra một điềm gở. Cô gái ngủ mê man như chết nhưng thời gian sinh tồn của nàng đâu có ngưng chảy, vậy nàng có giữ được thời gian đó không hay là nó chảy tuột vào một vực sâu không đáy? Nàng không phải là một búp bê sống, vì không thể có búp bê sống trên thế gian này; nàng được biến thành một đồ chơi sống, để các cụ già đã mất năng lực đàn ông không bị cảm thấy xấu hổ. Không, không phải một đồ chơi: đối với các cụ, nàng chính là cuộc sống. Một cuộc sống người ta có thể sờ mó được, một cách tự tin. Dưới cặp mắt lão thị của Eguchi, bàn tay nàng gần sát bên trông mịn và đẹp hơn. Thật mịn khi vuốt ve nhưng ông không thể thấy được nét thanh tú trong cách cấu tạo của nó.
Tuy nhiên ông vẫn thấy được dái tai của nàng có cùng màu hồng ấm áp ở bàn tay do máu mang đến, càng hồng hơn ở những đầu ngón tay. Đôi tai lộ ra giữa những sợi tóc. Màu hồng của dái tai nói lên sự tươi mát của cô gái làm tim Eguchi se lại. Ông đã mò mẫm tìm đến ngôi nhà bí ẩn này lần đầu tiên vì tò mò tìm của lạ, nhưng bây giờ ông nghĩ dường như những người đàn ông càng bị lão suy hơn ông càng tìm thấy nơi đây những niềm vui và những nỗi đau mãnh liệt hơn ông. Tóc cô gái thật dài, có lẽ để dài như thế cho các lão già vuốt ve. Ngả người lên gối, Eguchi lùa tóc nàng ra khỏi tai, một mảng da trắng hiện ra sau vành tai. Cổ và vai trông tươi và trẻ, chưa có cái đầy đặn của đàn bà. Ông nhìn quanh phòng. Chỉ có áo quần ông vừa trút bỏ nằm trong giỏ. Không thấy áo quần cô gái đâu cả. Có lẽ mụ đàn bà đã mang ra khỏi phòng nhưng Eguchi thấy nhói với ý nghĩ cô gái đã hoàn toàn khỏa thân khi vào phòng. Nàng sẽ được ngắm nhìn như thế mà. Nàng được thuốc cho ngủ trong mục đích này, có gì lạ đâu. Vậy mà Eguchi lại kéo chăn đắp lên bờ vai nàng rồi nhắm mắt. Mùi hương da thịt nàng tiết ra trong không khí và bất chợt Eguchi ngửi thấy mùi trẻ thơ. Mùi sữa của những đứa bé còn bú, nồng hơn mùi cô gái. Không thể nào tin được - rằng nàng đã có con, rằng vú nàng đã cương lên, rằng sữa đã rỉ ra từ hai núm vú nhỏ xíu này. Ông nhìn chằm chằm lần nữa vầng trán và đôi má, rồi cái đường vạch trông còn vẻ con gái nối cằm với cổ. Dù đã biết đủ nhưng ông vẫn giở nhẹ tấm chăn khỏi vai nàng. Đôi vú không phải là vú đã có sữa cho con bú. Ông dùng một ngón tay rờ nhẹ. Không thấy ướt. Cô gái chưa đến hai mươi tuổi. Khuôn mặt còn mang vẻ trẻ thơ - không phải là hoàn toàn không hợp - nhưng nàng đâu còn mang mùi sữa trẻ con trên người. Thực ra, nàng mang hương thơm đàn bà. Ấy thế mà ông già Eguchi tin chắc mình đang ngửi ngay trong lúc này một mùi trẻ con còn bú. Ông có bị ảo giác lướt qua đầu không? Nhưng tại sao ảo giác lại đến với ông? Ông không hiểu được; nhưng chắc là nó đã đến theo kẻ hở từ quả tim bỗng dưng trống không của ông. Một nỗi cô đơn buồn bã trào lên. Nhưng hơn cả nỗi cô đơn hay nỗi buồn rầu, chính là nỗi cô chiếc tuyệt vọng của tuổi già như thể đông lạnh hẳn trong ông. Rồi từ từ ông thấy cõi lòng mình chùng xuống, cảm thương cô gái mà mùi hương tiết ra đã mang đến chút ấm áp trẻ trung. Hình như có cả tiếng nhạc vang lên từ thân xác cô gái, ông tưởng như thế có lẽ để xua đi cái cảm giác tội lỗi lạnh ngắt. Tiếng nhạc của tình yêu. Ông muốn trốn chạy, nhìn quanh bốn bức tường với những tấm màn nhung che kín như thể không còn lối ra. Những tấm màn đỏ thẫm nhận ánh sáng từ trần nhà trông mềm mại nhưng hoàn toàn bất động. Chúng cầm giữ ông và cô gái đang ngủ.
"Dậy. Dậy đi". Eguchi lắc vai cô gái. Rồi ông nâng đầu nàng. "Dậy đi. Dậy đi".
Cái gì khiến ông làm thế? Một nỗi xúc động hiện lên từ một cõi nào sâu thẳm trong ông. Nàng ngủ, nàng không nói, nàng chẳng thấy khuôn mặt ông, chẳng nghe giọng nói ông, nàng nằm đó, như vậy đó, hoàn toàn không biết đến một con người mang tên Eguchi đang ngồi đây, bên cạnh nàng; ôi tất cả những điều này làm ông không chịu nổi. Và số phận ông, nàng cũng chẳng mảy may biết đến. Nàng ngủ mê, đầu nặng trên tay ông. Ấy vậy mà ông tưởng mình thấy nàng hơi nhíu mày như thể đáp lại một cách sống động tiếng gọi thầm thì của ông. Eguchi không rút tay về. Nếu chỉ cần lay nhẹ mà cô gái đã thức dậy thì ngôi nhà này đâu còn gì bí ẩn nữa, cái bí ẩn mà lão Kiga, người giới thiệu ông tới đây, đã cho rằng "giống như ngủ với một ông Bụt vô hình". Đối với các ông già, loại khách mà mụ đàn bà có thể "tin cậy", ngủ với một người đẹp không khi nào tỉnh thức là một mối cám dỗ, một cuộc phiêu lưu, một niềm vui thú mà họ tin mình còn thực hiện được. Lão Kiga có lần kể cho Eguchi là lão cảm thấy mình sống lại chỉ khi nào nằm bên cạnh một cô gái đã bị thiếp cho ngủ say.
Một ngày kia khi đến nhà thăm Eguchi, lão nhìn ra vườn và thấy cái gì màu đỏ nằm trên đám rêu nâu mùa thu.
"Cái gì vậy cà?"
Lão đi ra vườn để nhìn cho rõ. Những quả mọng màu đỏ của cây lá san hô [6]. Nằm rải rác khắp vườn. Kiga nhặt một quả và vừa vò vừa nói về ngôi nhà bí ẩn. Lão tìm đến đó mỗi khi cảm thấy niềm tuyệt vọng về tuổi già quá não nề.
"Tôi đã mất hy vọng ăn nằm với đàn bà từ lâu lắm rồi. Nhưng giờ đây có một chỗ người ta thuốc các cô gái ngủ mê từ đầu đến cuối không tỉnh dậy được".
Có phải một cô gái ngủ mê, không nói gì, không nghe gì lại nói lên mọi điều, nghe được mọi điều trước một ông già không còn đủ sức làm đàn ông với đàn bà? Nhưng đây là lần đầu tiên Eguchi trải qua kinh nghiệm với đàn bà như thế. Cô gái này chắc hẳn là đã bao lần kinh qua cái kinh nghiệm này với các lão già như ông. Nàng nằm đây, hiến dâng tất cả cho ông nhưng hoàn toàn vô thức, thân xác duỗi dài như trong một giấc đông miên, hơi thở đều và nhẹ, khuôn mặt ngây thơ nghiêng qua một bên. Có lẽ một số lão già đã vuốt ve, rờ mó khắp người nàng, có lẽ một số khác nhìn thân xác nàng mà khóc nức nở về thân phận già nua của mình. Nàng chẳng thể hay biết gì, trong cả hai trường hợp. Tuy nghĩ thế mà Eguchi cảm thấy không đủ sức làm điều gì cả. Rất thận trọng, ông rút nhẹ tay khỏi gáy cô gái như thể giữ gìn một đồ vật dễ vỡ; nhưng cùng lúc nỗi thôi thúc đánh thức nàng dậy một cách hung bạo vẫn không nguôi ngoai trong lòng ông.
Khi ông rút tay về thì đầu và vai cô gái quay nhẹ đến khi nằm ngửa mặt. Tưởng nàng có thể mở mắt, ông lùi người ra xa một chút. Mũi nàng, đôi môi nàng, dưới ánh đèn rọi từ trần nhà, trông sáng rỡ tuổi trẻ. Nàng đưa bàn tay trái lên miệng. Có vẻ như nàng sắp ngậm ngón trỏ, và Eguchi tự hỏi nàng có thói quen làm thế khi ngủ không; nhưng không, nàng chỉ đặt ngón tay lên môi thôi. Đôi môi lại hé ra, để lộ một vài cái răng. Nàng đã thở bằng mũi, bây giờ thì bằng miệng, hơi thở có vẻ nhanh hơn chút. Nàng có bị đau không, Eguchi tự hỏi rồi trả lời, không. Hai môi mở hé khiến ta tưởng một nụ cười hàm tiếu lơ lửng trên đôi má. Một lần nữa tiếng sóng đập vào vách đá cao nhô ra biển vọng về nghe như gần hơn. Chỉ cần nghe tiếng các ngọn sóng khi rút lui người ta biết chắc là có những tảng đá lớn nằm ở chân vách đá. Nước biển bị giữ lại đàng sau các tảng đá thì rút đi chậm hơn. Hơi thở của nàng tỏa ra từ miệng có mùi nồng hơn là từ mũi lúc nãy. Tuy nhiên, đó không phải là mùi sữa. Lạ thật, Eguchi tự hỏi lần nữa, sao ông lại ngửi thấy mùi sữa. Có lẽ đó là một mùi làm ông cảm thấy có chất đàn bà trong cô gái này.
Ông già Eguchi hiện nay có một đứa cháu ngoại miệng còn hôi sữa. Ông thấy hình ảnh nó trước mặt mình ngay tại đây. Cả ba con gái ông đều có chồng và đều có con; và ông nhớ lại không những mùi sữa ở các đứa cháu ngoại mà ngay cả mùi sữa ở các đứa con gái ông khi còn ẵm ngửa. Có phải những kỷ niệm về mùi sữa của các đứa con, đứa cháu ruột thịt hiện ra lúc này như thể để quở trách ông? Không đâu, đó là mùi hương của lòng thương cảm đối với cô gái đang ngủ xuất ra từ trái tim ông. Đến lượt ông xoay người nằm ngửa, và nằm một cách không đụng chạm đến thân thể nàng, rồi nhắm mắt lại. Tốt hơn uống viên thuốc ngủ có sẵn bên gối. Thuốc này chắc ít mạnh hơn thứ thuốc dành cho cô gái; ông sẽ thức dậy trước nàng mà. Nếu không, sự bí ẩn và quyến rũ của nơi chốn này sẽ tan biến đi. Ông mở gói giấy nhỏ chứa hai viên thuốc màu trắng. Uống một viên thôi, ông sẽ ngủ chập chờn, giữa mê và tỉnh; dùng cả hai, ông sẽ ngủ say như chết. Chết à, tại sao không, ông vừa ngẫm nghĩ vừa nhìn hai viên thuốc; rồi một kỷ niệm khó chịu, một kỷ niệm rối loạn dính líu đến sữa lại trở về trong đầu ông.
"Sữa. Người anh hôi mùi sữa. Mùi trẻ bú sữa". Người đàn bà đang dở tay gấp tấm áo khoác ông vừa cởi ra bỗng đổi sắc mặt, nhìn ông giận dữ. "Chắc là con anh. Anh bế nó ở nhà trước khi đến đây, phải không? Đúng không? Tôi ghét con nít còn bú thậm tệ. Ghét không chịu được!"
Đôi bàn tay run cầm cập, người đàn bà đứng lên và vứt cái áo khoác xuống đất. "Tôi chịu hết nổi. Bế con nít xong lại mò đến đây à?" Giọng nàng nghe chát chúa, tia nhìn đầy oán hờn. Nàng là một cô "geisha" [7], người tình của ông dạo đó. Nàng biết rõ ngay từ đầu ông đã có vợ con, nhưng mùi sữa nơi trẻ sơ sinh đột ngột khích động nàng, đẩy nàng vào một cơn ghen tuông dữ dội. Eguchi và cô "geisha" này từ đó không còn giữ được quan hệ tốt lành như trước nữa.
Mùi sữa mà cô "geisha" oán ghét đến từ đứa con gái út của ông. Trước khi lấy vợ ông có một người yêu. Bố mẹ cô gái nghi ngờ, kiểm soát cô rất kỹ, và những cuộc gặp gỡ hiếm hoi với nàng trở nên cuồng nhiệt. Có một lần khi rút mặt mình ra khỏi ngực nàng ông chợt thấy máu đọng chung quanh núm vú. Ông giật mình nhưng cứ làm ra vẻ tự nhiên như không có gì xảy ra; ông úp mặt lại vào ngực nàng và liếm sạch. Cô gái, mê ly, không nhận biết gì cả. Sau đó, khi sự cuồng nhiệt đã qua đi, ông kể lại những gì xảy ra, nàng bảo ông nàng chẳng thấy đau đớn gì cả.
Tại sao hai kỷ niệm này, từ một quá khứ xa xôi, giờ đây lại trở về? Đâu thể nào tin được là hai kỷ niệm từng vùi sâu lại khiến ông ngửi thấy mùi sữa từ cô gái đang nằm bên cạnh. Những năm tháng đó đã mù mịt lắm rồi nhưng ông không nghĩ rằng, tuy chẳng rõ vì sao, người ta có thể phân biệt kỷ niệm gần với kỷ niệm xa mà chỉ dựa trên thời điểm, lâu rồi hay mới đây. Ông có thể nhớ một sự kiện xảy ra vào thời thơ ấu cách đây sáu chục năm trước một cách sống động và rõ ràng hơn là một việc chỉ vừa xảy ra hôm qua. Có phải khuynh hướng này lại rõ nét hơn khi càng về già? Vả lại, phải chăng những biến cố, những sự việc xảy ra hồi còn bé đã tạo nên cá tính và quyết định cả một đời người? Chuyện này có vẻ tầm thường, nhưng người lần đầu tiên đã dạy Eguchi rằng cặp môi đàn ông có thể làm tươm máu gần như bất cứ chỗ nào trên thân xác đàn bà, chính là cô gái có máu đọng chung quanh núm vú; và dù rồi sau đó Eguchi đã tránh đi đến cực điểm như thế, cái kỷ niệm về người đàn bà là một tặng vật mang đến sinh lực cho cả đời người đàn ông, ngay tận bây giờ vẫn chưa bị xóa nhòa, vẫn còn mãi trong ông, một người đã tròn sáu mươi bảy tuổi.
Còn một chuyện tầm thường nữa.
"Trước khi ngủ tôi nhắm mắt lại và đếm những người đàn ông tôi sẵn lòng để cho hôn. Tôi đếm họ trên đầu ngón tay. Thấy khoái trá lắm. Nhưng khi đếm không tới mười người thì tôi buồn lắm". Eguchi hồi trẻ đã nghe lời tâm sự như thế từ một người đàn bà tuổi trung niên, vợ viên giám đốc một công ty lớn, có quan hệ rộng rãi trong giới thượng lưu, và theo lời đồn, thông minh. Khi đó bà đang nhảy điệu luân vũ với Eguchi. Nghe lời tâm sự đột ngột kiểu này chỉ có nghĩa ông là một trong những người đàn ông bà sẵn lòng để cho hôn; Eguchi cầm tay bà bớt chặt lại.
"Tôi chỉ đếm họ thôi" Bà nói một cách hờ hững. "Anh còn trẻ, và tôi đoán anh không thấy buồn mỗi khi tìm cách dỗ giấc ngủ. Và nếu anh thấy buồn thì có sẵn vợ anh đó. Nhưng thỉnh thoảng anh nên thử làm như tôi đi.Tôi thấy nó như thuốc bổ đấy".
Giọng bà tỉnh khô và Eguchi không trả lời. Bà nói bà chỉ đếm họ thôi; nhưng ta có thể nghi là bà cũng gọi lên trong đầu những khuôn mặt, những thân thể của họ. Và việc đếm tới mười chắc cần rất nhiều thì giờ và óc tưởng tượng. Eguchi đang nghĩ tới đây thì mùi nước hoa có hơi hướng khích dục từ người đàn bà quá thì này thoảng đến nồng hơn ở mũi ông. Dĩ nhiên, bà có cái tự do thầm kín tưởng tượng trong đầu hình dáng Eguchi giữa những người đàn ông bà sẵn sàng để cho hôn. Chuyện này chẳng dính dáng gì đến ông cả, và thực ra ông chẳng thể chống cự hay than phiền; tuy thế vẫn có cái gì dơ bẩn trong việc ông bị dùng làm đồ chơi trong trí tưởng của một người đàn bà quá thì mà ông chẳng thể hay biết gì. Nhưng tới tận bây giờ ông vẫn không quên lời nói của bà. Sau đó ông thấy mình nửa tin, nửa ngờ, rằng bà ta đã tìm cách quyến rũ ông, hay bà đã bịa ra chuyện đó để đùa cợt ông; cuối cùng chỉ lời nói của bà là còn đọng lại trong trí nhớ ông. Bà đã qua đời từ lâu. Ông già Eguchi không còn những nỗi nghi hoặc như trước nữa. Và một người đàn bà tài tình như thế, chắc bà đã hôn hít, ôm ấp trong trí tưởng đến mấy trăm đàn ông trước khi chết chứ không phải chơi đâu?
Về phần Eguchi, khi tuổi già xáp đến gần, vào những đêm khó ngủ, ông thỉnh thoảng nhớ lại lời bà ấy và đếm đàn bà trên đầu ngón tay, nhưng ông không làm chuyện đơn giản là chỉ đếm những người đàn bà ông không ngại hôn. Ông nhớ đến những người nào để lại trong ông những kỷ niệm một thời yêu thương. Và đêm nay nữa, ông lại nhớ đến một mối tình xưa cũ vì cô gái đẹp đang ngủ kia đã gây cho ông cái ảo tưởng là ông ngửi được mùi sữa đâu đây. Có lẽ mùi máu trên ngực người yêu của một thời xa cũ đã làm cho ông ngửi cái mùi không có thực từ cô gái đang nằm đây. Có lẽ để mình đắm chìm trong hồi tưởng đến những người đàn bà không bao giờ trở lại từ quá khứ xa xăm là niềm an ủi u buồn cho một ông già, ngay khi ông đang vuốt ve, mơn trớn cô gái đẹp không thể nào tỉnh thức. Eguchi thấy cõi lòng mình ấm lên cùng nỗi cô đơn. Ông chỉ sờ qua ngực nàng để xem có bị ướt không, nhưng sau đó không một ý nghĩ méo mó nào hiện ra trong đầu ông, như làm cho cô gái giật mình khi khám phá ra máu trên ngực vào lúc thức dậy, rất lâu sau ông. Đôi vú nàng có vẻ căng tròn một cách đẹp đẽ. Một ý lạ đến với ông: tại sao bộ ngực của giống cái loài người, duy nhất trong các loài vật khác, sau một cuộc tiến hóa lâu dài, lại mang hình dạng đẹp đẽ? Cái đẹp tuyệt vời mà bộ ngực phụ nữ đã đạt tới phải chăng là một vinh quang của nhân loại?
Có lẽ đôi môi đàn bà cũng vậy. Ông già Eguchi nghĩ đến những người đàn bà trang điểm trước khi đi ngủ, những người khác lại lau tẩy son phấn sạch sẽ trước khi vào giường. Cũng có những người mang cặp môi nhợt nhạt sau khi chùi son, những người mang cặp môi xỉn màu thời gian. Khuôn mặt cô gái nằm bên cạnh ông có trang điểm chút ít gì không, ông không thể thấy rõ dưới ánh sáng dịu dàng xuống từ trần nhà và ánh phản chiếu từ các tấm màn nhung che bốn bức tường, nhưng nàng không đi xa tới độ cạo cả lông mày. Đôi môi và những cái răng thấy được trông khỏe mạnh, tươi tắn. Dù không nhai một chất gì làm thơm miệng, hơi thở của nàng có mùi thơm thường tiết ra từ miệng một cô gái trẻ. Eguchi không ưa những núm vú nở rộng và sẫm màu. Khi giở tấm chăn lên hồi nãy, ông thoáng thấy đầu vú nàng còn nhỏ và còn hồng. Nàng ngủ nằm ngửa và ông có thể hôn ngực nàng. Nàng đâu phải là một cô gái có bộ ngực mà ông chẳng thấy hứng hôn lên chút nào. Ở tuổi ông mà còn hứng hôn thế, Eguchi nghĩ, thì huống chi những lão già khú đế khi đến ngôi nhà này; họ phải thấy vui sướng, khoái trá biết bao, nên họ sá gì giá cả, sá gì hiểm nguy. Trong đám họ chắc chắn có những kẻ cuồng nhiệt, tham lam và hình ảnh những kẻ này làm gì với nàng lại lẩn quất trong đầu Eguchi. Cô gái ngủ say và không hay biết gì hết. Có phải vì thế mà khuôn mặt nàng, thân xác nàng vẫn nguyên vẹn, vẫn trong sạch trước mắt ông lúc này? Nếu Eguchi không hạ mình dở trò khỉ với nàng như những kẻ tham lam, ấy chỉ vì ông thấy nàng rất đẹp khi ngủ. Có phải sự khác biệt giữa ông và các lão già khác nằm ở chỗ ông còn nội lực hoạt động như một người đàn ông? Các lão già đó cần cô gái ngủ rất say, một giấc ngủ không đáy. Còn Eguchi, đã hai lần ông tìm cách đánh thức nàng dậy, nhẹ nhàng thôi. Giả dụ bất ngờ cô gái lại mở mắt tỉnh dậy, ông thấy mình thực tình chẳng biết định làm gì với nàng; vậy mà ông vẫn thử làm, xuất phát từ cảm giác yêu mến cô gái này. Không phải đâu, ông đoán là nó xuất phát từ nỗi lo sợ và sự trống rỗng trong ông.
"Có lẽ mình nên ngủ thôi" Ông nghe mình lẩm bẩm một cách vô ích, rồi thêm, "đây không phải là giấc ngủ nghìn thu đâu. Không phải thế đâu, cho nàng hay cho cả mình".
Ông nhắm mắt lại, tin rằng sau cái đêm lạ lùng này mình sẽ thức dậy buổi sáng, còn thở, có khác chi tất cả những đêm bình thường trước đó. Cô gái ngủ với ngón trỏ đặt trên miệng nhưng cái cùi chỏ lại thọc ngang phía ông làm ông khó chịu. Eguchi dùng ngón trỏ và ngón giữa nắm lấy cổ tay nàng, kéo cánh tay dài ra dọc theo người; cùng lúc ông cảm thấy mạch nàng đập, nhẹ và đều. Hơi thở êm dịu của nàng thì có phần chậm hơn ông. Gió thỉnh thoảng lại thổi qua mái nhà nhưng không còn rít lên những âm thanh báo hiệu mùa đông sắp về. Tiếng sóng ầm ầm đập vào vách đá nhô ra biển nghe dịu bớt khi dội lên cao, và cái tiếng vang đến từ mặt biển này nghe như âm nhạc đến từ thân thể cô gái cùng với nhịp đập của trái tim và mạch đập ở cổ tay nàng. Một con bướm trắng muốt lượn đi lượn lại theo điệu nhạc, dưới đôi mi khép kín của ông. Eguchi buông cổ tay nàng ra. Ông sẽ không chạm vào người nàng bất cứ chỗ nào nữa. Mùi thơm từ hơi thở, từ mái tóc, từ thân thể nàng, đều thoáng dịu.
Những ngày chạy trốn về Kyoto bằng đường tỉnh lộ nhỏ với cô bạn có lần bị máu đọng trên ngực lại trở về trong trí nhớ ông già Eguchi. Cái kỷ niệm này sao sống động thế ngay bây giờ, có lẽ vì ông được bao bọc trong cái ấm nồng tỏa ra từ một thể xác tươi trẻ. Có rất nhiều đường hầm ngắn trên đường xe lửa nối các tỉnh miền Tây với thành phố Kyoto. Mỗi lần tàu chạy vào đường hầm cô gái như thể kinh hãi kéo đầu gối mình sát lại đầu gối ông và nắm chặt tay ông. Và mỗi khi tàu ra khỏi đường hầm thì thấy một khe núi hay một ngọn đồi với dải cầu vồng giăng trên.
"Trông xinh quá!", hay "Thú nhỉ!". Nàng thốt lên lời khen vui vẻ mỗi lần thấy chiếc cầu vồng bé nhỏ, và thực ra nàng cứ đưa mắt hết sang trái rồi sang phải nên lúc nào cũng tìm được một cái cầu vồng mỗi khi tàu ra khỏi đường hầm. Thỉnh thoảng màu sắc hiện ra quá mờ nhạt khiến ta không thể phân biệt và nàng cảm thấy đó là một điềm gở giữa đám cầu vồng xuất hiện nhiều một cách lạ lùng này.
"Anh có tin là người ta đuổi theo mình không? Em lo người ta chặn bắt khi mình tới Kyoto. Và một khi em bị bắt về, người ta sẽ không cho em ra khỏi nhà nữa".
Eguchi hồi đó vừa học xong đại học và mới đi làm nên không thể kiếm sống được ở Kyoto; ông cũng biết rõ là trừ trường hợp hai người cùng tự sát, sớm hay muộn họ phải quay lại Tokyo. Nhưng những chiếc cầu vồng nhỏ nhắn khiến ông liên tưởng đến sự trinh trắng của những bộ phận kín đáo trên thân thể cô gái, và sự liên tưởng này cứ nằm mãi trong đầu ông. Ông đã nhìn thấy sự trinh trắng đó trong một quán trọ nằm bên bờ sông Kanazawa. Đó là vào một đêm tuyết mỏng rơi. Ông bị xúc động mạnh, hơi thở nghẹn lại, nước mắt ứa ra. Từ đó cho đến suốt mấy chục năm sau ông không còn bao giờ nhìn thấy sự trinh trắng như thế nơi những người đàn bà khác; và ông nghĩ rằng ông thấu hiểu mọi sự trinh trắng, rằng sự trinh trắng ở chỗ kín chỉ riêng cô gái này có mà thôi. Ông tìm cách cười xóa cái ý tưởng này đi nhưng nó đã thành một sự việc có thật trong niềm khao khát khôn nguôi của ông và nó vẫn còn là một kỷ niệm mãnh liệt theo ông mãi cho tới tận tuổi già. Gia đình cô gái gửi một người tìm bắt và dẫn nàng về lại Tokyo; ít lâu sau nàng bị gả chồng.
Khi họ tình cờ gặp lại nhau gần hồ Shinobazu, nàng đã có một hài nhi địu trên lưng. Đứa bé che đầu bằng một mũ len trắng. Khi đó vào mùa thu và hoa sen trong hồ đang tàn. Con bướm trắng bay lượn đêm nay sau đôi mi nhắm kín của Eguchi có phải do cái mũ trắng đó gợi lên không?
Khi họ gặp nhau bên hồ, tất cả những gì Eguchi nghĩ ra được là hỏi thăm nàng có được hạnh phúc không.
"Có ạ", nàng trả lời ngay tức khắc. "Em có hạnh phúc". Chắc là nàng không có câu trả lời nào khác.
"Nhưng tại sao em đi bộ một mình ở đây với con nhỏ trên lưng?" Đó là một câu hỏi lạ thường. Cô gái không nói, chỉ nhìn thẳng vào mặt Eguchi.
"Trai hay gái?"
"Gái. Thật mà! Ua, nhìn nó mà anh không biết sao?"
"Có phải con anh không?"
"Không". Cô gái lắc đầu một cách giận dữ. "Không, không".
"Thật sao? Ngay nó là con anh đi nữa, em chẳng cần phải nói ra bây giờ. Em chỉ nói ra khi nào em muốn. Trong bao nhiêu năm nữa cũng được".
"Không phải đâu. Thật vậy mà! Em đâu có quên có một thời em đã yêu anh nhưng anh đừng có bày đặt tưởng tượng này nọ. Anh sẽ gây khổ sở cho con em mà thôi".
"Thật sao?" Eguchi không cố ý nhìn kỹ mặt đứa bé sơ sinh nhưng ông cứ nhìn theo cô gái mãi. Nàng đi được một quãng khá xa rồi ngoái đầu liếc mắt. Thấy Eguchi còn nhìn theo mình, nàng bước nhanh hơn. Ông không gặp lại nàng lần nào nữa. Rồi ông nghe tin nàng chết cách đây hơn mười năm. Eguchi, bây giờ sáu mươi bảy tuổi, đã mất đi nhiều bạn bè và bà con, nhưng kỷ niệm về cô gái ấy vẫn còn tươi rói trong ông. Cái kỷ niệm này, dù bây giờ chỉ còn lại ba chi tiết, cái mũ trắng của đứa bé, sự trinh trắng ở chỗ kín và vết máu trên ngực, luôn còn trong trẻo và sinh động. Rất có thể là không ai trên thế gian, trừ Eguchi, biết được sự trinh trắng vô song đó và cái ký ức này sẽ biến mất khỏi mặt đất cùng với cái chết cận kề của ông. Dù cảm thấy thẹn thùng nàng vẫn để ông ngắm nhìn thỏa thích mà. Có lẽ cô gái nào cũng thế; nhưng chắc chắn là nàng tự mình không biết được sự trinh trắng đó. Nàng đâu thể thấy nó được.
Vào sáng sớm hôm sau khi đến Kyoto, Eguchi và cô gái đi dạo trong một rừng trúc. Lá trúc sáng loáng như bạc trong nắng ban mai. Trong hồi tưởng của Eguchi, lá trúc tươi tốt và mềm mại, trắng sáng như bạc ròng, và cành trúc hình như cũng làm bằng bạc. Dọc theo con đường mòn men theo bìa rừng, các bụi cỏ đầu bạc và cúc gai đang nở hoa. Eguchi không chắc lắm về mùa hoa nở nhưng trong tâm tưởng ông con đường nhỏ đó bồng bềnh trong một cảnh sắc như thế. Đi quá cánh rừng thì hai người trèo ngược theo một dòng suối trong xanh lên tận chỗ thác nước đang đổ xuống rào rào, màn nước long lanh ánh mặt trời. Và trong màn bụi nước, cô gái đứng, khỏa thân. Sự việc xảy ra thì khác hẳn nhưng với thời gian trôi qua, tâm trí Eguchi đã tạo ra một hình ảnh như thế. Khi về già, đôi khi chỉ nhìn những ngọn đồi ở Kyoto và những thân cây thông đỏ đứng thành cụm thoai thoải lại làm sống lại hình ảnh cô gái đó trong ông; nhưng những kỷ niệm sinh động như đêm nay thì thực sự hiếm hoi. Có phải tuổi trẻ của cô gái đang ngủ mê đã gọi chúng về không?
Ông già Eguchi vẫn tỉnh như sáo sậu và không tỏ vẻ gì sắp chìm vào giấc ngủ. Ông không muốn nhớ đến những người đàn bà khác ngoài cô gái đã ngắm nhìn những chiếc cầu vồng nhỏ. Ông cũng chẳng muốn rờ mó, vuốt ve cô gái đang ngủ, chẳng muốn nhìn nàng trần truồng. Ông xoay người nằm sấp, mở lại lần nữa gói thuốc đặt bên gối. Mụ đàn bà đã nói đây là thuốc ngủ nhưng Eguchi còn phân vân. Ông không biết được nó thuộc loại thuốc nào, có giống như thuốc mà người ta đưa cô gái uống không. Ông bỏ một viên vào miệng rồi uống thật nhiều nước để nuốt trôi. Ông thường uống một ly rượu mạnh trước khi ngủ nhưng không có thói quen dùng thuốc; vì thế lần này ông bị kéo vào giấc ngủ nhanh chóng. Và ông nằm mộng. Ông được một người đàn bà ôm hôn nhưng nàng có đến bốn chân. Bốn chân này siết chặt ông. Nàng cũng có tay nữa. Tuy nửa tỉnh, nửa mê, ông cảm thấy bốn chân thật là lạ lùng nhưng không kinh tởm. Bốn chân đó, rất khêu gợi, kích thích hơn hai chân nhiều, vẫn ám ảnh ông. Đúng là cái thuốc ngủ này làm cho người ta nằm mơ như thế, ông nghĩ lơ mơ. Cô gái xoay người quay lưng về phía ông, đôi mông sát người ông. Ông hơi xúc động khi thấy đầu nàng xa ông hơn mông nàng. Nửa tỉnh, nửa mê, ông lùa tay vào mái tóc dài trải rộng bên ông và vuốt ve như thể chải lược rồi thiếp đi.
Ông lại có một cơn mơ khác, cực kỳ khó chịu. Một trong các con gái ông đẻ ra ở nhà thương một hài nhi dị dạng. Và khi tỉnh giấc ông già Eguchi không thể nhớ được bộ phận nào bị biến dạng trên cơ thể đứa bé. Chắc là ông không muốn nhớ đó thôi. Dù sao đi nữa, đó là một sự biến đáng sợ. Đứa trẻ sơ sinh tức khắc bị tách rời người mẹ. Nhưng núp sau tấm màn trắng của phòng hộ sinh người mẹ bắt đầu chặt nó ra từng mảnh để sẵn sàng ném vào thùng rác. Viên bác sĩ, một người bạn của Eguchi, mặc đồ trắng, đứng bên cạnh người mẹ. Eguchi cũng đứng bên cạnh nàng. Ông bây giờ đã tỉnh ngủ hẳn, rên rỉ trước giấc mơ khủng khiếp. Các tấm màn nhung đỏ thẫm trên bốn bức tường làm ông hoảng hốt đến nỗi ông đưa tay che mặt rồi vò trán. Cơn ác mộng ghê sợ làm sao! Viên thuốc ngủ đâu có chứa lén con quái vật nào đâu. Có phải vì ông đến đây để tìm những lạc thú méo mó, biến dạng mà ông gặp phải một giấc mơ biến dạng? Trong ba cô con gái, ông không biết mình đã gặp đứa nào trong mơ và ông cũng chẳng tìm cách biết rõ hơn. Cả ba cô đều sinh hạ các hài nhi hoàn toàn bình thường.
Eguchi ngay lúc này muốn rời quách nơi đây cho rồi, nếu có thể. Nhưng ông lại uống thêm một viên thuốc nữa để rơi vào giấc ngủ sâu hơn. Ông cảm thấy nước lạnh chạy qua cổ họng. Cô gái vẫn nằm quay lưng về phía ông. A, cái cô gái này, có thể lắm chứ không à, sinh ra một đứa con xấu xí nhất, đần độn nhất, ông nghĩ thầm và đặt tay lên bờ vai nàng.
"Quay lại đây đi!"
Như thể nghe theo lời ông, nàng xoay người về phía ông. Một tay đặt lên ngực ông. Một chân gác lên đùi ông như thể run rẩy vì lạnh. Người nàng rất ấm, không thể bị lạnh đâu. Từ miệng hay từ mũi nàng, ông không chắc lắm, phát ra tiếng rên yếu ớt.
"Cô cũng gặp ác mộng hay sao?" Ông hỏi.
Nhưng ông già Eguchi đã rơi tuột vào vực sâu của giấc ngủ.
--------------------------------
CHÚ THÍCH
[4] Ở Nhật, diện tích các căn phòng được tính bằng chiếu (tatami) trải trên sàn. Mỗi chiếu có kích thước 1,8 m x 0,9m, hay 1,62 mét vuông.
[5] Xuyên hợp Ngọc Đường, danh họa Nhật (1873-1957).
[6] Aoki: Aucuba japonica (chú thích của bản tiếng Anh).
[7] "geisha" (nghệ giả) là cô gái mặc y phục cổ truyền "kimônô" chuyên múa, đàn, hát hay trò chuyện mua vui cho các khách hàng đàn ông trong các bữa tiệc.
[5] Bức tranh của Kawai Gyokudo
White Cloud on Beautiful Mountains in Autumn
Kawai Gyokudokhoảng năm 1940
Khi Gyokudo Kawai qua đời ở tuổi 83 vào tháng 6 năm 1957, một họa sĩ người Nhật, Kiyokata Kaburagi, người vô cùng đau buồn đã nói: "Tôi cảm thấy núi sông của Nhật Bản đã không còn nữa, phong cảnh của Nhật Bản cũng không còn nữa".
Như Kaburagi đã nói, bản chất nghệ thuật của Gyokudo là vẽ nên thiên nhiên tươi đẹp của Nhật Bản và những con người sống giữa thiên nhiên đó. Mặc dù có rất nhiều họa sĩ vẽ phong cảnh tương tự nhưng có rất ít người vẽ được những bức tranh phong cảnh quen thuộc độc đáo như ông.
Trong tác phẩm này, lấy bối cảnh trên Núi Myogi vào cuối mùa thu, những hình người nhỏ và ngựa đi trên cao nguyên được đặt ở tiền cảnh. Gyokudo đã vẽ một làng miền núi với mầu ấm của lá thu vàng, một người cưỡi ngựa lên cao nguyên, thể hiện một không gian bao la, đồng thời thể hiện trọn vẹn sự tĩnh lặng của miền núi, xen lẫn chút cô đơn để tạo cảm giác của sự rơi sâu hơn. Cách diễn đạt này dè dặt và đơn giản đến cùng và không khoa trương và kết quả là nó dần dần lấp đầy trái tim chúng ta với một cảm giác ấm áp.
Ngày nay, khi sự phong phú của thiên nhiên đang biến mất, thế giới được Gyokudo miêu tả lặng lẽ nói với người xem như quê hương tinh thần của người dân Nhật Bản.
(Nguồn: Tác phẩm chọn lọc từ Bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Thành phố Nagoya, 1998, P. 79.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét