Thứ Tư, 28 tháng 2, 2024

Trại Bồ Tùng Linh Chương VIII


Cõi mộng- Tranh Lê Cù Thuần

 Trại Bồ Tùng Linh

Thế Lữ

Chương VIII

Tuấn lượng trước cái buồn của mình trong những ngày dài dặc sau này. Anh không thể đành lòng ngay với sự đoạn tuyệt đột nhiên và kỳ dị của người thiếu nữ. Cái phen tái hợp ngắn ngủi kia chỉ khiến anh thêm tiếc thương, thêm ham muốn ngườl đẹp. Lòng anh mắt hẳn cả mối hy vọng của sự nghi ngờ. Thôi từ nay trở đi, Lan Hương sẽ không khi nào còn đến với anh nữa.

Tuấn nhận được điện tín của Bình ở Hà nội hẹn về chơi. Anh mong bạn như mong sự yên ủi. Trong thư trước trả lời anh, Bình xem ra để tâm tới chuyện của Tuấn lắm. Anh chờ đợi bạn đến mãi mười một giờ hôm sau.

Nhưng khi Bình đến trại Bồ, Tuấn thấy hơi khó chịu. Người bạn vui vẻ nhanh nhẹn kia hỏi han và xem xét cuộc tình duyên của anh như một nhà luân lý thiết thực. Tập "thư nhật ký" giở chừng của Tuấn, Bình đọc rất chăm chú nhưng mắt thoáng có những ánh đùa cợt. Tuấn thuật tiếp chuyện Lan Hương để đáp lại câu hỏi cặn kẽ của Bình và rào trước:

- Không phải là tôi không suy nghĩ đến đủ các lẽ, nhưng vô ích. Đến ở ngay trong cảnh, đem hết trí giác, hết tâm tư ra mà luận đoàn bao nhiêu lâu còn không hiểu gì cả, nữa là đứng ngoài trông vào... Đây có phải là tiểu thuyết đâu?

Binh gật đầu mỉm cười nói chậm rãi:

- Đứng ngoài trông vào... có lẽ chính vì thế mà cái tiểu thuyết của anh, hay của cô Lan Hương mới rõ được các đường lối... Giá anh tinh tường được như lúc chưa bỏ giở những đoạn nhật ký rất hay của anh thì có lẽ tôi nói chuyện với anh dễ hơn. Nhưng anh si tình mất rồi. Tôi lấy làm lạ rằng anh si tình như một cậu học trò hai mươi được yêu lần thứ nhất.

Tuấn nhìn bạn, buồn rầu, và thương hại cho bạn hay cho chính mình anh. Một lúc lâu anh mới thở dài nói:

- Không phải đâu Bình ạ. Có lẽ tôi yêu mê yêu say thực, nhưng chính vì tôi không còn tấm lòng của người học sinh tuổi hai mươi. Đàn bà qua trong đời tôi cũng đã nhiều, nhưng toàn là những thứ tình đẹp đẽ một cách rất văn chương: tôi ôm ấp trong tay và nghĩ đến một đoạn văn sẽ viết. Tôi thực không được yêu - không yêu được ai hết. Nhưng đến người đàn bà kỳ dị này... Không! Thực thế đấy, cái sự vô lý ôm ở đó thực đã khiến tôi... không đời nào sẽ quên được. Cái bí mật của Lan Hương tôi dò xét chán chê rồi nhưng bây giờ tôi đành chịu...

Anh nhìn xa, nói trầm ngâm như nhắc lại cho mình nghe một câu quen nghĩ:

- Đã là sự bí mật thì chỉ là sự bí mật, không thể nào tìm được một cách phân giải nào bao giờ...

Tuấn để mặc bạn dò xét, tìm tòi và căn dặn.

Anh trả lời các điều Bình hỏi và lững thững đưa Bình đi xem khắp trại Bồ.

Tuấn nhìn lại các hình cây, vòm lá anh đã thuộc lòng và nay thấy mất đi một khí sắc huyền hồ rất thắm thiết. Anh nhớ lại những lức đứng dưới bóng đa cỗ kính mà tưởng đến hồi quá khứ nặng chĩu cành lá những ngày nào: bây giờ cây đã hóa không hồn cũng như những rèm liễu, những vùng mẫu đơn và cả đến dăm bẫy gốc hoàng lan trơ trẽn.

Tuấn nhìn vẻ trầm mặc ngẫm nghĩ của Bình mà thấy hết cả sự vô ích của lý trí. Bình trỏ cây đề cỗi gần bờ nước:

- Từ khoảng cây này đến cây hoàng lan là chỗ cái hình bóng biến đi phải không? Thằng Dần không trông rõ lúc biến?

Tuấn toan nhại: " - Trông - rõ - lúc - biến". Nhưng anh chỉ gật đầu.

Bình với tay uốn một thân cây, rồi len qua khóm lá thấp tới bên gốc đề ba trạc.

- Trèo lên đây dễ lắm. Lá chung quanh phủ kín đáo ba mặt. Giá... một buổi tối nào tôi muốn biến mất thì...

Bình ngừng bặt lại: đôi mắt Tuấn vừa lườm anh.

Bữa cơm chiều, Tuấn khề khà uống rượu trước vẻ ngạc nhiên và ái ngại của Bình. Tuấn chỉ nói đến chuyện văn thơ. Bình hiểu anh chàng tránh những lý luận của bạn. Nhưng Bình đã rắp tâm hỏi với việc muốn biết, rồi đi bách bộ ở ngoài hiên rất lâu. Anh nhẩm thầm trong trí câu nói của Lan Hương mà Tuấn chép lại trong tập "nhật ký":

"Nhà em ở bên một hồ nước, sau rặng liễu và khóm trúc vàng... Em sẽ đưa anh đến khi nào anh xứng đáng...".

Bình vào nhà, ngồi trước bàn viết của Tuấn nghĩ ngợi đến khuya rồi mới đi nằm. Bên cạnh Tuấn, trong bóng hồng mờ - ngọn đèn treo phía bàn lúc ấy đã vặn nhỏ ngọn, - Bình chập chờn với nhiều câu hỏi. Anh ngủ đi khi tưởng tượng đến một hình ảnh kiều diễm.

°     °
°

Sáng hôm sau Tuấn thức dậy chưa biết Bình đi đâu vắng, toan gọi thằng Dần hỏi thì Bình mũ áo hẳn hoi ở ngoài vừa về.

Bình trả lời Tuấn:

- Tôi đi tìm cô Hoàng Lan Hương cho anh. Chưa thấy nhưng thế nào cũng thấy. Tôi muốn cả anh cùng đến một chỗ này, nhưng tôi còn muốn anh nghe tôi nói đã. Đêm qua tôi nghĩ nhiều lắm. Thì ra cầu chuyện của anh cũng có liên quan đến cái bí mật của chủ nhân trại Bồ này...

Hôm nhận được bức thư vắn tắt của Tuấn, Bình đã hơi biết được rằng chủ nhân trại Bồ là một vị hưu quan. Ông ta có một trai và hai gái. Người con trai lấy vợ rồi sang Pháp học và chết ở đó; con dâu ông án buồn rầu quá tự tử chết, nhưng việc ấy giữ kín trong nhà. Hai cô con gái lớn lên rồi "lấy chồng rất xa". Cả việc ấy cũng chỉ là một cách che đậy. Hình như họ bị thất tình, hoặc trốn đi, hoặc bị cầm giữ ở một bệnh viện nào, hay cũng lại quyên sinh như người chị dâu. Những chuyện đó đến hôm nay Bình không cho là quan hệ lắm nữa.

Vì Bình đã biết người vẫn hiện đến đây, trái với điều Bình đoán từ hôm trước, không phải là người nhà này. Cô gái tên là Hoàng Lan Hương (tên đó có phải tên thực hay tên mượn ?) có lẽ chỉ là bạn bè thân thuộc gì với nhà ông án. Cũng là con nhà thế gia, sống trong khuôn nghiêm cấm, và nuôi tâm hồn cô quạnh bằng tất cả cái kho tàng lãng mạn nồng đậm của văn chương, Hoàng Lan Hương hẳn cũng có một phen thất tình (Bình vội nói chữa câu nói lỡ) hẳn cũng... có một sự uất ức gì đó. Người thiếu nữ kiêu nhược sống với tưởng tượng, lòng âm ỷ cháy những sự ước muốn ngấm ngầm, là hạng rất dễ bị khích động. Một cuộc phân ly, một chuyện bức bách về tâm tình, một sự tuyệt vọng cho duyên phận: thế là đủ cho cô Lan Hương khuê các, lặng lẽ thành ra cái nhân vật dị kỳ mà Tuấn thấy "hiện lên" ở trại Bồ này. Trại Bồ chẳng là nơi trước kia Lan Hương thường qua lại chuyện trò với mấy người bạn chí thiết? Những lời tâm giao, những câu than thở hay dãi bầy, những mộng tưởng ân ái thố lộ qua từng đoạn văn thơ... Bao nhiêu tâm sự ấy vẫn còn u uất trong bóng cây lá.

Trại Bồ về sau bỏ hoang vì cái oan khí của người con dâu và cảnh chia rẽ đột nhiên của gia đình chủ nhân.

Chỉ có Lan Hương là thỉnh thoảng đến thăm viếng. Và chỉ đến những lúc đêm tối, hoặc để không ai trông thấy, hoặc để cảm thông với hồn cảnh vật hay để tưởng mình là hiện tinh của hoa cỏ, hay vì một cớ éo le ỡm ờ nào thường dật dờ trong trí não vơ vẩn của người... người... (Bình chọn lấy một tiếng nhẹ) người không vững bộ thần kinh?

Tuấn ngồi nghe, bình tĩnh và có vẻ nhẫn nại. Anh chỉ mỉm cười một đôi chỗ, rồi lại chăm chỉ yên lặng theo lời phân giải của Bình. Lúc đó anh mới khẽ nói:

- Không... vững bộ… thần kinh? Thì anh cứ bảo là điên có tiện không?

Bình:

- Người điên... có lẽ. Nhưng không là thứ người điên rồ dại mất hẳn thần trí. Lan Hương có những lúc, những hồi giữ một ý định rất bền chắc, những hoài niệm rất mạnh mẽ và có lẽ tinh thần sáng suốt một cách kỳ dị để sống trong những nhân vật và những cảnh tưởng tượng ra...

" Lan-Hương đến trại lần anh thấy không phải là lần đầu. Nhưng lần trước không biết cô ta tưởng mình là gì. Nhưng khi đột nhiêu thấy có một anh chàng viết lách dưới ngọn đèn trước cửa sổ, không biết ở đâu tới nhưng đoán chắc là một nhà văn, Lan Hương mới nẩy ra cái ý dàn xếp câu chuyện có một vẻ đẹp mơ hồ và làm hiện thực một thiên Liễu Trai mới. Trong đó có sự tò mò tinh nghịch của người đàn bà và tính thị kỳ của tấm lòng ưa tác quái, cử chỉ của anh, sự kinh ngạc cùng với những câu hỏi ngờ vực khêu gợi thêm cái hứng thú khác thường của người thiếu nữ. Cái tấn kịch ứng biến ấy, đêm này qua đêm khác, nối tiếp theo một điệu, một cách khá công phu. Không  khí huyền ảo đã thừa có ở nơi hoang tịch này rồi, chỉ thêm sự giữ gìn chờ đợi cho khôn khéo. Lan Hương có thế ẩn đâu mà chẳng được? Cô nàng chọn một nơi ẩn tiện nhất, những khi cần phải lánh: Không kín đáo lắm nhưng lại rất chắc chắn vì không ai ngờ. Những người vào hạng này thường vẫn có những cái thông minh sắc sảo thế đấy.

Tuấn đủng đỉnh hỏi:

- Anh cho là Lan Hương trốn lên cây.... Hoàng lan?

- Không.

- Cây liễu?

- Không. Có một cây rậm hơn... dễ leo hơn...

- Cây đề?

- Có lẽ. Một người gái đẹp ẩn lên cây để xem một anh chàng ngơ ngẫn theo tìm... sao lại không? Mà sự trêu nghẹo đó biết bao thi vị!

- Nhưng về sau, Lan Hương có bị ai theo tìm đâu? Tôi ngủ dậy thì...

Bình bật cười:

- Thì không thấy cô nàng bên cạnh? Lạ nhỉ. Anh không thể ngờ được sao? Cô nàng đã biến một cách giản dị nhất: là nhân trời chưa sáng, bỏ anh ngủ đấy, để lại cho anh một bông hoàng lan nhặt ở ngoài vườn hay đem theo sẵn trong mình... lẳng lặng ra về, dễ lắm. Những bông  Hoàng lan của Hoàng Lan  Hương... cái ý nên thơ xinh xắn có thể làm vơ vẫn được một anh chàng tên là Tuấn... Nhưng đến mớ cỏ với những cánh mẫu đơn tráo đỗi vào đôi hài... thì... cũng hơi ngoa.

Bình chắc hẳn hồi lý thuyết của mình làm tỉnh ngộ bạn ngay, và sững sờ thấy mặt Tuấn vẫn lạnh lùng. Tuấn khẩy một nụ cười nhạt nhẽo của người không tin nhưng không buồn cãi.

- Đa tình cũng đẹp lắm, nhưng đừng mê muội. Tuấn ạ. Anh làm tôi muốn thương hại cho anh...

Tuấn đáp:

- Đúng đấy. Bây giờ anh dẫn tôi đến con đường cuối cùng của anh đi.

- Con... đường... cuối... cùng?

- Ừ. Quên rồi à? Anh còn đưa tôi đi tìm... tìm thấy Lan Hương mà! Phải không? Ở đâu thế nhỉ?

Bình toan gạt vội cái giọng thờ ơ của Tuấn, nhưng anh vẫn ôn tồn:

- Ở cũng không xa đây, độ hơn hai cây số. Tôi biết đấy có một ngôi chùa, và mới qua quýt hỏi thăm được rằng có một người con gái nhà giầu đến ở trong ấy. Tôi chưa kịp tìm đến tận nơi, và muốn về để anh khỏi nóng ruột lúc thức dậy. Rồi ta sẽ cùng đến để anh trông thấy người tiên của anh giữa ban ngày. " Nàng thiếu nữ ban đêm" có lẽ bây giờ đã ngủ dậy.

Tuấn không nói gì, lấy chiếc áo trắng dài, mặc rồi theo Bình.

°     °
°

Ngôi chùa nhỏ có vẻ cũ nát ở trong một rào cây lưa thưa. Trước chùa, một cây đa lớn và cả bóng. Cửa chùa bưng đóng, một cánh gỗ hẻ mở một phía bên.

Im vắng nhẹ reo trong râm lạnh và thơm nhẹ hương hoa. Một cây hoàng lan nhô lên khỏi một khóm trúc.

Tuấn thản nhiên như trước một cảnh vô nghĩa lý.

Hai người đẩy cánh cửa hé bước vào. Không thấy ai. Hương khói vắng ngắt.

Trở ra còn đương bỡ ngỡ thì từ phía sau chùa có tiếng lá khô bị dầy séo chậm chạp. Một bà già ăn mặc cũ kỹ cầm chổi bước ra sân, một đứa bé gái, đầu còn trái đào, tay cầm một cành ổi, hai quả đã chín, trố mắt nhìn hai người.

Bà già lúc đó mới biết có khách lạ.

Bình hỏi nhưng bà già không biết ai là cô Lan Hương. Ở đây độ hơn tháng nay có một cô gái lịch sự, nói tiếng trọ trẹ, và một đứa ở gái, không biết từ đâu đến, xin trọ ở chùa. (Đứa bé nói leo: - A phải rồi, cô Huế, với chị Tân). Cô gái hình như ở dưỡng bệnh. Cả ngày chẳng chuyện trò chi hết, chỉ thỉnh thoảng hát những câu lạ tai và buồn... Bà già là người vẫn ở đây, giúp đỡ người con gái kia về việc mua bán thổi nấu; nhiều lúc bà già cũng dò hỏi và tìm cách gợi chuyện với cô Huế, nhưng không biết được gì.

Bình hỏi người con gái hình dung thế nào.

Bà già đáp rằng cô ta mặc quần áo hàng đen, tóc vấn trần cũng có hôm búi thành món sau gáy, da trắng xanh, dáng người yếu ớt, có lúc nào sai bảo đứa ở thì nói nhỏ nhẹ ít khi bà già hiểu là nói gì.

Bình thấy Tuấn nghe bằng cái tai rất lơ đãng. Tuấn có vẻ một người ngoài cuộc đi với Bình cho có bạn và lễ phép không dính dáng đến việc không phải của mình.

- Thế... (lời Bình hỏi bà già) cô... Huế không ở đây nữa sao?

- Bẩm vâng. Hai ba hôm trước người nhà đưa ô tô đến đón đi. Hôm đến ở cũng người nhà đưa đến...

- Sao lai ở đây mà không ở chỗ khác?

Nhưng Bình tặc lưỡi hỏi tiếp một câu mà bà già lại không biết thế nào trả lời. Sau một hồi căn vặn không có kết quả gì. Bình đành phải trở ra với cái anh chàng Tuấn hững hờ một vẻ đáng ghét. Hai người không nói với nhau một tiếng nào trên đường về.

°     °
°

Về nhà Tuấn ngả người trên ghế bành, ngồi rất im lặng.

Bình đang tìm cách phân giải cho Tuấn nghe những lý luận của mình thì đột nhiên, nhìn thẳng vào mặt bạn, Tuấn hỏi:

- Này Bình, bao nhiêu lời anh nói với tôi lúc sắp ra đi anh còn nhớ cả chứ?

- Còn, thế nào?

- Anh cũng không tin hẳn phải không?

Tuấn lẩm bẩm như nói một mình:

- Sự bí mật có bao giờ cắt nghĩa được đâu.

Bình không giấu được vẻ lúng túng. Mắt Tuấn sáng lên một cách lạ.

Bình hiểu rằng lời thuyết giải đến thế nào cũng không ích gì, ái ngại nhìn Tuấn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét