Tượng chùa Bối Khê |
Tính không
Truyện Hà Thúc Sinh
Ông Thức
tính như người. Xuề xoà. Ông biết uống rượu ngon nhưng không nhất thiết với chiếc
ly lau bóng. Trà cũng vậy. Cao trà ối cả bộ ấm tách chứng tỏ ít khi nó được
chùi rửa. Ông có thể lăn kềnh ra ngủ với bộ quần áo đi ăn đám cưới về. Làm nghề
cắt cỏ sinh sống, thuê vài thanh niên Mễ phụ việc, ông không đến nỗi cực. Bạn
bè ít ai hiểu gia cảnh ông, đại khái biết ông sinh sống vùng này đã non chục
năm, thuê căn gác ở phố Monterey Park, gần ngôi chùa Việt. Dọc bao lơn hẹp ông
đặt vài chậu nhỏ. Một gốc húng, một gốc tía tô, một gốc kinh giới, đôi ba gốc ớt.
Mùa hè ông tưới bằng chiếc ấm nhôm vốn dùng nấu nước pha trà. Khi có bạn đến
dùng cơm, đòi ớt, ông cười bảo: “Đợi tí, thò tay ra cái đồn điền là có ngay”.
Ông ít bạn nhưng quý bạn. Thường đến với ông hơn cả là giáo sư Thủ.
***
Giáo sư
Thủ – bạn vong niên – đã ngoại lục tuần. Ông Thủ xưa dạy Triết, sang Mỹ bỏ nghề
dạy, làm cán sự xã hội. Từ vợ mất vì gan, ông ghé ông Thức thường hơn, gần như
cách nhật.
Có lần
ông Thủ than:
“Mình
rượu chè be bét gan lại tốt, vợ cả đời không tí men khi không lăn kềnh vì gan”.
Ông Thức
an ủi:
“Tre
trúc tốt người đẽo. Người tốt tiên thánh đẽo”.
Đôi bạn
như sự bù trám cho nhau nên hợp ý nhau. Ông Thủ là người đọc nhiều, hiểu rộng,
mượn sách gì cũng có; bù lại ông Thức có miếng ngon, ới, khuya mấy ông Thủ
không khước từ. Chiều cuối tuần họ hay ăn uống, kế ra ngồi bao lơn nhìn xuống
khu công viên xanh mướt cỏ. Đó là lúc ông Thủ kể ông Thức nghe lắm chuyện trong
tuần. To lớn thế giới cũng có, tủn mủn cộng đồng cũng có. Nhưng dù chuyện gì
ông Thức đều lắng nghe với cung cách trầm tư như người nghe tiếng chuông chùa.
Thường
ông Thức chỉ lên tiếng khi ông Thủ trở lại với thực tế gần, chẳng hạn:
“Ăn ớt
không cay như ngủ với vợ điếc”.
Ông Thức
ngạc nhiên:
“Lạ, mẹ
con bà Nhung kế bên lại khen vừa cay vừa thơm”.
Ông Thủ
cười:
“Té ra
đã có dãy Pyrenees trong chậu ớt đấy”.
Ông Thức
cười:
“Nói gì
trong miệng lưỡi người”.
***
Một lần
có vị viết quyển sách chạm vào niềm kiêu hãnh truyền thống bám dài theo lịch sử
dân tộc của tôn giáo ông Thủ theo, ông đem cơn phẫn nộ vào căn gác của bạn. Bao
giờ ông Thức lại để cho cái dốc tam tứ cực đó làm trượt ngã tình bạn ở nhau.
Ông không tin nếu ông nói “Tôn giáo, nói chung, cốt tuỷ đều giống nhau như ngọn
hải đăng do con người tạo ra để chính con người khỏi lạc trong biển ác” mà mong
được ông Thủ vui vẻ thừa nhận, thành thử ông chỉ gật gù cho bạn vui lòng. Lát
sau biết gật gù không là giải pháp, ông Thức bảo: “Đi vãn cảnh chùa tí đi!”.
Trên
con đường dốc, gió thổi, vừa đi qua hồ nước lớn trong công viên thì trời đổ
mưa. Hai người tấp vào toà nhà mát đứng trú.
Ông Thủ
nói:
“Lạ,
mưa trong mùa hè”.
Ông Thức
nhìn sang phía chùa mù mịt mưa, đáp:
“Bụi bặm
quá, Trời tắm Phật”.
Ông Thủ
nhìn bạn không nói.
Ông Thức
cứ lặng lẽ ngắm những hạt mưa lớn nổ trên vũng nước trước sân công viên, lát
sau lại bảo:
“Thế chứ
chóng tạnh”.
Ông Thủ
không chống:
“Mưa hè
thường vậy”.
Đột ngột
ông Thức bảo:
“Thế chứ
ở quê tôi khác đấy”.
“Sao?”
“Từng
có lần mưa hè gây lụt chết khối người”.
“Đâu thế?”.
“Bác muốn
nghe không?”.
Hai người
đốt hai điếu thuốc, và ông Thức kể ông Thủ nghe câu chuyện mưa hè ở quê ông.
“Vâng,
quê tôi có câu truyền tụng “năm Mão mất quần, năm Thân mất xác”. Ấy là năm Đinh
Mão, 1927, có trận bão lớn lắm ở Thanh, chết bộn. Đến mùa hè Giáp Thân, 1944, một
trận lụt khủng khiếp giết nhiều hơn nữa. Đủ đâu, chiến tranh còn bùng nổ, kéo
theo trận đói Ất Dậu bác biết rồi. Lúc đó tôi còn bé biết gì, nhưng thuở sinh
tiền ông tôi có lần kể trận lũ lụt hè năm ấy gây thiệt hại nhân mạng lớn nhất
cho một ngôi làng vùng đồng chiêm trũng.
Đó là
ngôi làng có truyền thống sùng Phật, có nhiều chùa lớn nhỏ, chuông cái nào cái
nấy ôm hai ba vòng tay. Nhưng dân làng xem ra họng lớn hơn trống, nghiệp nặng
hơn chuông. Đàn bà đanh đá, đàn ông hung hãn; gọi là thiếu từ bi, là ác cũng
không quá. Tráng đinh lại nhiều. Tí đất tí đê đã sẵn sàng đổ máu với người làng
bên. Trận lụt kéo dài non tháng, đất trời trắng xoá, người chìm chết quá bán,
phần lớn già cả. Có điều lạ là một tượng Phật vàng óng đã mấy trăm tuổi lại nổi
lên. Khi nước rút, lòng người ổn, dân làng sửa chùa mới nhớ ra tượng, trai
tráng ùa nhau đi tìm, thấy tượng ngồi trên một triền núi cao, uy nghi, sáng
láng. Thật là một phép lạ nhiệm màu. Cả làng lại khói hương nghi ngút bàn chuyện
rước Phật về. Đôi vị tiên chỉ sống sót có ý không thuận, cho rằng núi thiêng Phật
toạ, không nên trái ý. Tượng do đó cứ toạ trên triền núi cao với sự nhiệm màu
toả xuống như muốn xoa dịu sự thống khổ sinh ly tử biệt của kiếp người. Sau mưa
nắng, sợ hư hỏng, quan chức cho thợ tìm đường lên chùi rửa. Thế là phép lạ được
giải. Tượng bằng gỗ mít rỗng bác ạ. Có người tìm hỏi nhà sư biết điều đó chăng,
biết sao yên lặng, nhưng ông chỉ chắp tay mô Phật nhìn vào quãng không”.
Trời dứt
mưa thì đường lên đèn. Cả hai đồng ý không nên làm rộn chùa lúc chạng vạng. Ông
Thủ đề nghị quay về làm một tuần trà. Ông Thứ cưng bụng khoe ngay:
“Có đứa
cháu đi Đài Loan về cho ít Thiết Quan Âm, không khét như mấy thứ ở đây, và hậu
vị lại ngọt đằm chẳng thua loại Ô Long kỳ trước”.
Nghĩ
sao ông Thủ hỏi nhỏ:
“Cốt tuỷ là trà, phải không?”.
Ông Thức đồng ý ngay:
“Vâng, hề gì cái tên”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét