Thứ Tư, 17 tháng 1, 2024

QUYỂN 110 HUNG NÔ LIỆT TRUYỆN

 

SỬ KÝ II. LIỆT TRUYỆN (QUYỂN HẠ)

Phạm Văn Ánh dịch



QUYỂN 110 

HUNG NÔ LIỆT TRUYỆN

Hung Nô, tiên tổ là con cháu của họ Hạ Hậu, gọi là Thuần Duy. Thời Đường Ngu về trước có người Sơn Nhung, Hiểm Duẫn, Huân Chúc sống tại khu vực man di phương bắc, di chuyển theo đàn gia súc. Súc vật họ nuôi phần lớn là ngựa, bò, dê, trong đó loài vật lạ thì có lạc đà, lừa, loa[1], ngựa quyết đề, ngựa đào đồ[2], ngựa đà kê[3]. Theo chỗ có nước và cỏ để di chuyển, không dựng thành quách, không làm nghề nông, nhưng cũng chia các vùng đất. Không có chữ viết, chỉ dùng lời nói để ước định với nhau. Trẻ con đã biết cưỡi dê, biết giương cung bắn chim, chuột; lớn lên một chút biết bắn chồn, thỏ hoang để làm thức ăn. Nam giới trưởng thành, sức có thể giương được cung cứng, thảy đều làm quân giáp kỵ. Phong tục của Hung Nô, lúc thường thì theo đàn gia súc, sống bằng nghề săn bắn cầm thú, lúc khẩn cấp thì người người đều thạo đánh trận, tiện cho việc đi xâm lấn, đó là thiên tính của họ vậy. Binh khí đánh từ xa thì dùng cung tên, gần thì dùng đao và khiên nhỏ. Lợi thì tiến, bất lợi thì lui, không coi việc trốn chạy là xấu hổ. Nếu thấy lợi, không cần biết đến lễ nghĩa. Từ vua trở xuống, đều ăn thịt gia súc, mặc quần áo làm bằng da, khoác áo lông. Người trẻ khỏe thì ăn đồ béo tốt, người già yếu thì ăn đồ thừa. Coi trọng người khỏe mạnh, khinh rẻ người già yếu. Cha chết, con lấy những người vợ kế của cha làm vợ, anh em chết, lấy hết những người vợ của anh em làm vợ mình. Tục Hung Nô là người có tên nhưng không phải kiêng kỵ, không có họ và tên tự.

Đạo triều Hạ suy vi, Công Lưu[4] mất chức quan coi nông nghiệp, bị biếm trích đến Tây Nhung, dựng ấp ở Bân. Hơn ba trăm năm sau, người Nhung địch tấn công Đại vương Đản Phủ, Đản Phủ bỏ chạy đến dưới chân núi Kỳ, còn người Bân thảy đều theo Đản Phủ lập ấp ở đó, hình thành nhà Chu. Hơn trăm năm sau, Tây bá Cơ Xương nhà Chu chinh phạt tộc Khuyển Di. Hơn chục năm sau, Vũ vương phạt Trụ, xây dựng Lạc Ấp, rồi lại về ở Phong Hạo, đuổi người Nhung ra phía bắc sông Kinh sông Lạc, theo thời gian vào cống, gọi vùng ấy là đất “Hoang phục” [5]. Hơn hai trăm năm sau, đạo nhà Chu suy vi, Mục vương chinh phạt Khuyển Nhung, bắt được bốn con sói trắng, bốn con hươu trắng rồi rút quân về. Từ đấy về sau, người ở vùng Hoang phục không đến cống nữa. Thế rồi nhà Chu bèn chế định phép “Phủ hình” [6]. Sau Mục vương hơn hai trăm năm, do Chu U vương sủng ái nàng Bao Tự, xảy ra hiềm khích với Thân hầu. Thân hầu giận, cùng Khuyển Nhung đánh giết Chu U vương dưới chân núi Ly Sơn, bèn chiếm đất Tiêu Hoạch của nhà Chu, rồi cư trú ở khoảng sông Kinh sông Vị, xâm lấn Trung nguyên. Tần Tương công cứu nhà Chu, thế rồi Chu Bình vương bỏ đất Phong Hạo rời sang Lạc Ấp phía đông. Lúc đó, Tần Tương công chinh phạt người Nhung, tiến đến đất Kỳ, bắt đầu liệt vào hàng chư hầu. Sáu mươi lăm năm sau, người Sơn Nhung vượt qua Yên tấn công Tề, Tề Ly Công giao chiến ở ngoại vi nước Tề. Bốn mươi tư năm sau, Sơn Nhung đánh Yên. Nước Yên báo tình hình nguy cấp cho Tề, Tề Hoàn công lên phía bắc đánh Sơn Nhung, Sơn Nhung thua chạy. Hơn hai mươi năm sau, người Nhung địch kéo đến Lạc Ấp, đánh Chu Tương vương, Tương vương chạy đến Phàm Ấp của nước Trịnh. Ban đầu, Chu Tương vương định đánh Trịnh, cho nên lấy người con gái người Nhung dịch làm vương hậu, cùng quân Nhung địch đánh Trịnh. Sau đó phế truất vương hậu người Địch, vương hậu oán, rồi mẹ kế của Tương vương là Huệ hậu sinh con là Tử Đái, muốn lập làm vua, Huệ hậu cùng vương hậu người Địch và Tử Đái làm nội ứng, mở cửa thành cho người Nhung địch, vì thế Nhung địch mới vào được thành, đánh đuổi Chu Tương vương, lập Tử Đái làm thiên tử. Bấy giờ người Nhung địch có khi ở Lục Hồn, phía đông đến tận nước Vệ, tung hoành lấn cướp Trung nguyên. Người Trung nguyên căm ghét, cho nên thi nhân có lời hát rằng: “Phải đánh Nhung địch”“Chinh phạt Hiểm Duẫn, kéo đến Đại Nguyên”, “Chiến xa ầm ầm, xây thành bắc phương”. Chu Tương vương ở ngoài được bốn năm, bèn sai sứ cấp báo với Tấn. Tấn Văn công mới lên ngôi, muốn dựng nghiệp bá, bèn dấy quân đánh đuổi Nhung địch, giết Tử Đái, đón Chu Tương vương về nước, cho cư trú ở Lạc Ấp.

Bấy giờ, Tần và Tấn đều hùng mạnh. Tấn Văn Công thảo phạt Nhung địch, khiến họ cư trú ở khoảng sông Ngân sông Lạc của Hà Tây, gọi là Xích Địch, Bạch Địch. Tần Mục Công có được Do Dư, tám nước Tây Nhung thần phục nước Tần, do đó từ đất Lũng về phía tây có các tộc người Nhung là Miên Chư, Côn Nhung, Địch, Nguyên; từ đất Kỳ, Lương Sơn, Kinh, Tất về phía bắc có các tộc Nhung Nghĩa Cừ, Đại Lệ, Ô Chi, Hu Diễn. Còn phía bắc nước Ô Tấn có các tộc Nhung là Lâm Hồ, Lâu Phiền; phía bắc nước Yên có Đông Hồ, Sơn Nhung. Các tộc sống phân tán ở khắp suối hang, đều có quân trưởng riêng, có chỗ tụ hợp hơn trăm tộc Nhung, nhưng không ai có thể thống nhất được.

Hơn trăm năm sau, Tấn Điệu công sai Ngụy Giáng giảng hòa với Nhung địch, Nhung địch vào chầu nhà Tấn. Hơn trăm năm sau, Triệu Tương tử vượt qua Câu Chú đánh phá và thôn tính nước Đại rồi kéo đến Hồ Mạch. Sau đó, cùng Hàn, Ngụy diệt Trí bá, chia nước Tấn, mỗi nước lấy một phần, Triệu có đất Đại, Câu Chú về phía bắc; Ngụy có Hà Tây, Thượng Quận, cho đến tận biên giới với người Nhung. Sau đó, người Nhung Nghĩa Cừ xây thành quách tự chống giữ, còn Tần lấn dần như tằm ăn lá dâu, đến Huệ vương, bèn hạ được hai mươi lăm thành của Nghĩa Cừ. Huệ vương đánh Ngụy, Ngụy sáp nhập Tây Hà cùng Thượng Quận vào Tần. Thời Tần Chiêu vương, vua của người Nhung Nghĩa Cừ dâm loạn với Tuyên thái hậu, sinh được hai con trai. Tuyên thái hậu lừa rồi giết vua Nghĩa Cừ ở Cam Tuyền, rồi dấy binh đánh diệt Nghĩa Cừ. Thế rồi Tần chiếm được Lũng Tây, Bắc Địa, Thượng Quận, xây trường thành để chống người Hồ. Rồi Vũ Linh vương nước Triệu cũng đổi phong tục, mặc trang phục người Hồ, học cưỡi ngựa bắn cung, tiến lên phía bắc đánh tan Lâm Hồ, Lâu Phiền. Đắp trường thành, từ đất Đại chiếm vùng phía dưới Âm Sơn, đến Cao Khuyết, lấy đó làm biên tái. Rồi đặt các đất Vân Trung, Nhạn Môn, Đại Quận. Sau đó, nước Yên có tướng giỏi là Tần Khai, làm con tin ở Hồ, người Hồ rất tin tưởng. Sau khi Tần Khai về nước, đem quân đánh úp, đuổi đến Đông Hồ, người Đông Hồ lui hơn nghìn dặm. Vũ Dương, người theo Kinh Kha hành thích Tần Thủy hoàng chính là cháu nội của Khai vậy. Nước Yên cũng đắp trường thành, đoạn từ Tạo Dương đến Tương Bình. Đặt các quận Thượng Cốc, Ngư Dương, Hữu Bắc Bình, Liêu Tây, Liêu Đông, để chống người Hồ. Lúc đó, trong bảy nước thời Chiến quốc vượt trội về chế độ mũ đai, chỉ có ba nước giáp giới Hung Nô. Sau đó, thời tướng nước Triệu là Lý Mục, Hung Nô không dám vào biên giới Triệu. Sau, Tần diệt sáu nước, Thủy hoàng sai Mông Điềm mang mười vạn quân lên phía bắc đánh Hung Nô, thu hết đất Hà Nam. Lấy sông Hoàng Hà làm biên giới, xây bốn mươi bốn huyện thành nhìn ra sông Hà, dời lính bị tội đày đến đó. Lại khai thông trực đạo, từ Cửu Nguyên đến Vân Dương, dựa vào khe lũng hiểm trở ở vùng núi non biên giới, chỗ nào làm được đường thì làm, từ Lâm Thao đến Liêu Đông, dài trên vạn dặm. Lại vượt qua sông Hoàng Hà chiếm lấy khu vực Bắc Giả vùng Dương Sơn.

Bấy giờ, Đông Hồ mạnh mà Nguyệt Chi hưng thịnh. Thiền vu của Hung Nô là Đầu Man. Đầu Man không địch nổi Tần, rời lên phía bắc. Hơn mười năm sau, Mông Điềm chết, chư hầu phản lại Tần, Trung nguyên loạn lạc, dân vùng biên bị Tần đày ra đều bỏ đi, do đó Hung Nô được rảnh tay, lại dần dần vượt sông Hoàng Hà xác lập biên giới phía nam với Trung nguyên như trước.

Thiền vu có thái tử tên là Mặc Đốn. Sau, Thiền vu lại sủng ái Yên chi [7] khác, sinh ra con bé, Thiền vu muốn phế Mặc Đốn để lập con nhỏ lên làm thái tử, bèn sai Mặc Đốn đi làm con tin ở tộc Nguyệt Chi. Mặc Đốn đến làm con tin ở Nguyệt Chi, Đầu Man liền tấn công Nguyệt Chi. Nguyệt Chi định giết Mặc Đốn, Mặc Đốn trộm được ngựa tốt, cưỡi ngựa trốn về. Đầu Man cho là dũng mãnh, sai thống lĩnh vạn quân kỵ. Mặc Đốn liền làm mũi tên bịt sắt, khi bắn phát ra tiếng kêu, huấn luyện quân kỵ hạ lệnh rằng: “Ai không bắn hết những mũi tên phát ra tiếng kêu thì chém.” Đi săn chim thú, kẻ nào không bắn mũi tên phát ra tiếng kêu, chém ngay kẻ đó. Thế rồi Mặc Đốn dùng mũi tên bịt sắt đó bắn vào ngựa tốt của mình, hầu cận có kẻ không dám bắn, Mặc Đốn lập tức chém kẻ không dám bắn. Không lâu sau, lại dùng loại tên đó bắn người vợ yêu của mình, tả hữu có kẻ sợ sệt, không dám bắn, Mặc Đốn lại chém kẻ đó. Thời gian sau, Mặc Đốn đi săn, dùng loại tên đó bắn vào ngựa tốt của Thiền vu, tả hữu đều nhắm bắn. Mặc Đốn biết tả hữu đã có thể dùng được, liền theo cha là Thiền vu Đầu Man đi săn, dùng loại tên đó bắn Đầu Man, tùy tùng cũng dùng tên ấy bắn chết Thiền vu Đầu Man, rồi giết hết các vợ kế và em trai Đầu Man cùng các đại thần không nghe theo mình. Mặc Đốn tự lập làm Thiền vu.

Sau khi Mặc Đốn lên ngôi, bấy giờ Đông Hồ hùng mạnh, nghe tin Mặc Đốn giết cha tự lập, bèn sai sứ đến nói với Mặc Đốn, muốn xin ngựa thiên lý của Đầu Man. Mặc Đốn hỏi quần thần, quần thần đều nói: “Ngựa thiên lý là ngựa quý của Hung Nô, chớ cho.” Mặc Đốn nói: “Lẽ nào với nước láng giềng mà tiếc một con ngựa ư?” Bèn cho Đông Hồ ngựa thiên lý. Một thời gian sau, Đông Hồ cho là Mặc Đốn sợ mình, liền sai sứ nói với Mặc Đốn, muốn được một Yên chi của Thiền vu. Mặc Đốn lại hỏi cận thần, quần thần đều giận nói: “Đông Hồ vô đạo, dám đòi Yên chi! Xin đánh chúng.” Mặc Đốn nói: “Lẽ nào với nước láng giềng lại tiếc một người con gái ư?” Bèn lấy một nàng Yên chi sủng ái cho Đông Hồ. Vua Đông Hồ càng thêm kiêu, đi xâm lấn phía tây. Giữa Đông Hồ và Hung Nô có vùng đất hoang, không người ở, rộng hơn nghìn dặm, mỗi nước đều dựng đồn lính ở bên biên giới của mình. Đông Hồ sai sứ bảo với Mặc Đốn rằng: “Phía ngoài đồn quân ở biên giới Hung Nô và nước tôi là đất bỏ đi, Hung Nô không thể đến đó, ta muốn có vùng đất ấy.” Mặc Đốn hỏi quần thần, quần thần có người nói: “Đó là đất bỏ đi, cho họ cũng được, không cho cũng được.” Thế là Mặc Đốn cả giận nói: “Đất đai là gốc của quốc gia, sao lại cho chúng!" Những ai nói cho Đông Hồ đều bị chém. Mặc Đốn lên ngựa, lệnh cho trong nước ai lui lại phía sau thì chém, rồi sang phía đông đánh úp Đông Hồ. Đông Hồ ban đầu khinh thường Mặc Đốn, không phòng bị. Đến khi Mặc Đốn đem quân tới đánh, cả phá và giết vua Đông Hồ, bắt dân Đông Hồ cùng súc vật, của cải. Rồi rút về, sang tây đánh đuổi Nguyệt Chi, xuống nam chiếm Lâu Phiền, Bạch Dương Hà Nam vương. Thu hết đất đai từng bị nhà Tần sai Mông Điềm chiếm của Hung Nô, lấy Hà Nam làm ranh giới với nhà Hán như trước đây, đến tận Triều Na, Phu Thi, rồi xâm chiếm Yên, Đại. Bấy giờ quân Hán đang cầm cự với Hạng Vũ, Trung nguyên mỏi mệt vì chiến tranh, do đó Mặc Đốn có cơ hội tự lớn mạnh, quân cung nỏ có đến hơn ba mươi vạn.

Từ Thuần Duy đến Đầu Man hơn nghìn năm, lúc lớn lúc nhỏ, lúc tan lúc lìa, quá xa, các đài truyền nhau không thể biết được thứ tự. Nhưng đến Mặc Đốn thì Hung Nô lớn mạnh nhất, thu phục hết tộc người di ở phương bắc, thành nước đối địch Trung nguyên ở phía nam, các đời truyền nhau, danh hiệu các chức quan của Hung Nô, có thể chép lại được.

Đặt chức Tả, Hữu hiền vương; Tả, Hữu lộc lãi vương; Tả, Hữu đại tướng; Tả, Hữu đại đô úy; Tả, Hữu đại dương hộ; Tả, Hữu cốt đô hầu. Hung Nô gọi người hiền là “Đồ kỳ”, cho nên thường lấy Thái tử làm Tả đồ kỳ vương. Từ Tả, Hữu hiền vương xuống đến Đương hộ, lớn thì có vạn quân kỵ, nhỏ thì có mấy nghìn, phàm hai mươi bốn thủ lĩnh, gọi là “Vạn kỵ”. Các đại thần đều đời đời tập ấm. Họ Hu Diễn, họ Lan, sau đó họ Tu Bốc, đó là ba họ hiển quý nhất. Các vương tướng thuộc mé tả thì ở phía đông, đối diện Thượng Cốc trở đi, phía đông tiếp giáp Uế Lạc, Triều Tiên; các vương tướng thuộc mé hữu thì ở phía tây, đối diện Thượng Quận sang phía tây, tiếp giáp Nguyệt Chi, Để, Khương; còn triều định của Thiền vu đối diện đất Đại và Vân Trung; chia nhau các vùng đất, theo chỗ có nước và cỏ để dịch chuyển. Còn Tả, Hữu hiền vương; Tả, Hữu lộc lãi vương là lớn nhất; Tả, Hữu cốt đồ hầu làm phụ chính. Hai mươi tư thủ lĩnh, mỗi người đều lập các thuộc quan gồm: Thiên trưởng, Bách trưởng, Thập trưởng, Tỳ tiểu vương, Tướng Phong, Đô úy, Đương hộ, Thư cừ.

Tháng Giêng hằng năm, các thủ lĩnh hội tụ với quy mô nhỏ tại vương đình của Thiền vu, cử hành lễ tế. Tháng Năm, tụ hội quy mô lớn ở Long Thành để tế tổ tiên, trời đất, quỷ thần. Mùa thu, ngựa béo, hội họp quy mô lớn ở Đài Lâm để tính toán nhân khẩu và súc vật. Theo luật pháp Hung Nô, rút dao chém người khác bị thương dài một thước, bị xử tội chết, phạm tội trộm cắp sẽ tịch thu gia sản; ai có tội nhỏ, kẹp gãy mắt cá chân; ai phạm tội lớn, xử chết. Người vào ngục lâu cũng không quá mười ngày, tù nhân cả nước không quá vài người. Còn Thiền vu thì buổi sáng ra khỏi doanh, vái lạy mặt trời lên, buổi tối vái lạy trăng. Về cách ngồi, thủ lĩnh ngồi bên trái nhìn về hướng bắc. Sùng bái ngày Mậu và ngày Kỷ. Đưa tiễn người chết, có quan quách, vàng bạc, áo cừu, nhưng không có mồ mả, tang phục; những cận thần, hầu thiếp bị tuẫn táng chết theo đến hàng trăm hàng nghìn người. Việc quân thì xem sao và trăng, trăng tròn thì tấn công, trăng khuyết thì lui quân. Khi giao chiến, chém được đầu địch, thưởng một chén rượu, cướp được vật gì, liền ban vật đó, cướp được người thì được cho làm nô tỳ. Cho nên khi họ giao chiến, ai nấy đều tự xông lên kiếm lợi, giỏi dụ địch để bao vây. Vì thế họ thấy địch thì xông lên trục lợi, tụ lại như chim; khi nguy khốn thất bại thì như ngói vỡ mây tan. Khi đánh địch ai đưa được người chết trận về, sẽ được hết gia sản của người chết.

Về sau, Hung Nô phía bắc chế phục các nước Hồn Dữu, Khuất Xạ, Đinh Linh, Cách Côn, Tân Lê. Thế rồi các quý nhân, đại thần ở Hung Nô đều thần phục, cho Thiền vụ Mặc Đốn là hiền năng.

Bấy giờ nhà Hán mới bình định Trung nguyên, dời Hàn vương Tín đến nước Đại, đóng đô ở Mã Ấp. Hung Nô đem đại quân tấn công bao vây Mã Ấp, Hàn vương Tín đầu hàng Hung Nô. Hung Nô hàng phục được Tín, nhân đó dẫn quân xuống nam, vượt qua Câu Chú, đánh vào Thái Nguyên, tiến đến chân thành Tấn Dương. Cao đế đích thân đem quân đánh Hung Nô. Vào đúng mùa đông cực lạnh, mưa tuyết rơi xuống, sĩ tốt hai ba phần mười bị lạnh cóng cánh tay, thế là Mặc Đốn vờ thua chạy, để lừa quân Hán. Quân Hán đuổi đánh Mặc Đốn, Mặc Đốn giấu hết quân tinh nhuệ, chỉ cho quân Hán thấy quân gầy yếu, thế là Hán đem hết quân, phần nhiều bộ binh, ba mươi hai vạn, đuổi lên phía bắc. Cao đế đi trước đến Bình Thành, quân bộ chưa đến được hết, Mặc Đốn tung tinh binh gồm bốn mươi vạn kỵ binh bao vây Cao đế ở Bạch Đằng, bảy ngày liền, quân Hán trong ngoài không tiếp tế được quân lương. Kỵ binh Hung Nô mạn tây đều là ngựa trắng, mạn đồng đều là ngựa xanh, mạn bắc đều là ngựa đen, mạn nam đều là ngựa đỏ. Cao đế bèn sai sứ ngầm tặng hậu lễ cho Yên chi, Yên chi liền nói với Mặc Đốn: “Hai chúa không thể làm nguy khốn nhau. Nay được đất nhà Hán, Thiền vu cũng không thể ở được. Và lại Hán vương cũng có thần phò trợ, Thiền vu hãy xét kỹ cho.” Mặc Đốn cùng tướng của Hàn vương Tín là Vương Hoàng, Triệu Lợi hẹn nhau, nhưng Hoàng, Lợi lại không đem quân tới, Thiền vu ngờ họ có âm mưu với quân Hán, liền nghe lời Yên chi, giải vây một góc. Thế là Cao đế lệnh cho quân sĩ cùng giương cung thật căng hướng ra ngoài, từ góc đã giải vây xông thẳng ra, gặp được đại quân, còn Mặc Đốn liền dẫn quân về. Nhà Hán cũng lệnh cho quân ngưng chiến, sai Lưu Kính kết minh ước giảng hòa kết thân với Hung Nô.

Về sau, Hàn vương Tín làm tướng cho Hung Nô, còn bọn Triệu Lợi và Vương Hoàng nhiều lần bội ước, xâm lấn cướp bóc đất Đại, Vân Trung. Không lâu sau, Trần Hy làm phản, lại cùng Hàn Tín hợp mưu đánh đất Đại. Nhà Hán sai Phan Khoái đến đánh, chiếm lại được các quận huyện ở đất Đại, Nhạn Môn, Vân Trung, không ra khỏi biên tái. Bấy giờ Hung Nô vì có nhiều tướng nhà Hán sang hàng nên Mặc Đốn thường qua lại xâm lấn cướp bóc đất Đại. Nhà Hán lo ngại việc đó, Cao đế bèn sai Lưu Kính dẫn con gái tôn thất xưng là công chúa sang gả cho Thiền vu làm Yên chi, mỗi năm đưa tặng Hung Nô tơ lụa, rượu, gạo, đồ ăn, mỗi thức số lượng nhất định, kết làm nước anh em để giảng hòa tương thân, Mặc Đốn cũng thả lỏng hơn. Sau, Yên vương Lư Oản làm phản, đem mấy nghìn bè đảng sang hàng Hung Nô, qua lại làm khổ dân từ Thượng Cốc sang đông.

Cao đế băng hà, thời Hiếu Huệ đế, Lã thái hậu, nhà Hán mới yên định, vì thế Hung Nô càng lộng hành. Mặc Đốn liền gửi thư cho Cao hậu, nói năng càn rỡ. Cao hậu định đánh Hung Nô, các tướng nói: “Giỏi võ bị như Cao đế, còn bị vây khốn ở Bình Thành.” Thế là Cao hậu bèn thôi, lại giảng hòa thân thiết với Hung Nô.

Đến khi Hiếu Văn đế mới lên ngôi, lại tái thiết quan hệ hòa thân với Hung Nô, tháng Năm năm thứ ba thời Hiếu Văn đế, Hữu hiền vương của Hung Nô vào chiếm đất Hà Nam, xâm lấn cướp bóc người man di ở biên giới Thượng Quận, giết chóc dân chúng. Hiếu Văn đế liền triệu Thừa tướng Quân Anh đem tám vạn năm nghìn quân xa kỵ đến Cao Nô đánh Hữu hiền vương. Hữu hiền vương chạy khỏi biên giới. Văn đế đến Thái Nguyên. Bấy giờ Tế Bắc vương làm phản, Văn đế bèn trở về, đình chỉ quân đánh Hồ của Thừa tướng.

Năm sau, Thiền vu gửi thư cho nhà Hán: “Đại Thiền vu Hung Nô được trời dựng lập kính cẩn vấn an Hoàng đế. Khi trước Hoàng đế nói đến việc hòa thân, lời trong thư hợp ý, hai bên cùng vui vẻ. Quan lại biên giới nhà Hán xâm lấn coi thường Hữu hiền vương, Hữu hiền vương không thỉnh mệnh, nghe theo kế sách của bọn Hậu nghĩa là hầu là Nan Chi, giao tranh với quan lại nhà Hán, cắt đứt hòa ước hai chúa, ly cách tình thân anh em. Thư trách của Hoàng đế gửi đến, bèn sai người mang thư hồi báo, không thấy trở về, sứ nhà Hán cũng không đến, nhà Hán vì thế không chịu giảng hòa, nước láng giềng cũng không quy phụ. Nay vì bọn tiểu lại làm hỏng hòa ước, trách phạt Hữu hiền vương, phái đi sang tây tìm đánh Nguyệt Chi. Nhờ trời ban phúc, sĩ tốt tinh nhuệ, ngựa chiến khỏe mạnh, diệt được Nguyệt Chi, chém hết và hàng phục chúng. Bình định Lâu Lan, Ô Tôn, Hu Kiệt cùng hai mươi sáu nước bên cạnh, sáp nhập hết vào Hung Nô. Các dân bắn cung đều gộp thành một nhà. Phương bắc đã bình định, muốn cho ngừng chiến để quân sĩ nghỉ ngơi, nuôi ngựa, bỏ những việc khi trước, khôi phục hòa ước cũ, khiến dân biên giới được yên, thảy như thuở xưa, khiến trẻ nhỏ được trưởng thành, người già được yên ổn, đời đời thái bình an lạc. Chưa được biết ý của Hoàng đế, cho nên sai Lang trung Hệ Hu Thiển dâng thư lên, hiến tặng một con lạc đà, hai con ngựa, tám con ngựa kéo xe. Nếu Hoàng đế không muốn Hung Nô đến gần biên giới, thì hãy hạ chiếu cho quan lại và dân chúng ở cách xa biên giới. Sứ giả đến, kíp sai trở về.” Tháng Sáu, sứ giả Hung Nô đến Tân Vọng. Thư gửi đến, nhà Hán bàn bạc xem nên đánh hay hòa. Công khanh đều nói: “Thiền vu mới phá được Nguyệt Chi, đang lúc thừa thắng, không thể đánh được. Và nếu được đất của Hung Nô, đều là đất mặn, không thể ở được. Hòa thân là tiện nhất.” Nhà Hán đồng ý kết thân.

Năm Tiền Nguyên thứ sáu thời Hiếu Văn đế, nhà Hán gửi thư cho Hung Nô, thư viết: “Hoàng đế kính cẩn vấn an Đại Thiền vu Hung Nô. Sứ giả là Lang trung Hệ Hu Thiển chuyển thư cho trẫm trong đó viết rằng: 'Hữu hiền vương không thỉnh mệnh, nghe theo kế sách của bọn Hậu nghĩa lư hầu là Nan Chi, cắt đứt hòa ước hai chúa, ly cách tình thân anh em, nhà Hán vì thế không chịu giảng hòa, nước láng giềng cũng không quy phụ. Nay vì bọn tiểu lại làm hỏng hòa ước, trách phạt Hữu hiền vương, phái đi sang tây tìm đánh Nguyệt Chi, thảy đều bình định được. Muốn cho quân sĩ nghỉ ngơi, nuôi ngựa, bỏ những việc khi trước, khôi phục hòa ước cũ, khiến dân biên giới được yên, khiến trẻ nhỏ được trưởng thành, người già được yên ổn, đời đời thái bình an lạc.' Trẫm rất mừng về điều đó, đó là ý của thánh chúa từ xưa vậy. Hán với Hung Nô kết làm anh em, cho nên tặng Thiền vu rất hậu. Việc bội ước, chia rẽ tình anh em thường do Hung Nô. Còn việc của Hữu hiền vương trước đã xá bỏ, Thiền vu đừng truy cứu nữa. Nếu Thiền vu làm theo ý trong thư, hãy báo rõ cho các quan lại, khiến họ không được phụ ước, phải thủ tín, kính noi như trong thư của Thiền vu. Sứ giả nói Thiền vu đích thân cầm quân chinh phạt nước khác, lập được chiến công, vất vả dụng binh. Trang phục gồm: áo kép vóc the, áo cánh dài hai lớp bằng vóc, áo bào kép bằng gấm, mỗi loại một bộ, lược vàng một chiếc [8], đai nạm vàng một chiếc, khóa đai lưng vàng một chiếc, the mười xấp, gấm ba mươi xấp, đũi đỏ, lụa xanh mỗi thứ bốn mươi xấp, sai Trung đại phu là Ý, Yết giả lệnh là Kiên mang tặng Thiền vu.”

Không lâu sau, Mặc Đốn chết, con là Kê Chúc lên thay, hiệu là Lão Thượng thiền vu.

Thiền vu Lão Thượng Kê Chúc mới lên ngôi, Hiếu Văn đế lại sai con gái trong tông thất xưng là Công chúa sang làm Yên chi của Thiền vu, sai hoạn quan Trung Hàng Duyệt người nước Yên phò tá Công chúa. Duyệt không muốn đi, nhà Hán ép phải đi. Duyệt nói: “Nếu nhất định bắt tôi đi, sẽ là nỗi lo cho nhà Hán vậy.” Sau khi sang Hung Nô, Trung Hàng Duyệt nhân đó đầu hàng Thiền vu, được Thiền vu rất thân gần và sủng ái.

Ban đầu, Hung Nô thích tơ lụa, đồ ăn của nhà Hán, Trung Hàng Duyệt nói: “Người Hung Nô không bằng một quận của nhà Hán, nhưng sở dĩ hùng mạnh là do ăn mặc khác, không nhờ cậy gì nhà Hán. Nay Thiền vu đổi tục, thích đồ của Hán, mà đồ của nhà Hán chiếm không quá hai phần mười thì Hung Nô tất thảy đã quy phục nhà Hán. Các thứ tơ lụa, vải vóc được nhà Hán tặng, đem mặc rồi chạy qua chỗ có gai, khiến áo quần đều hỏng rách, để cho thấy các thứ ấy không tốt bằng đồ chiên cừu của Hung Nô. Đồ ăn được nhà Hán tặng hãy vứt bỏ hết, để tỏ rằng các thứ ấy không tốt bằng sữa của Hung Nô.” Thế rồi Duyệt dạy cho hầu cận của Thiền vu cách thức ghi chép, tính toán nhân khẩu và súc vật của Hung Nô để thu thuế.

Nhà Hán gửi thư cho Thiền vu, dùng bản gỗ một thước một tấc, dùng các chữ “Hoàng đế kính cẩn vấn an đại Thiền vu Hung Nô”, các vật đem tặng cũng lời lẽ tương tự. Trung Hàng Duyệt bảo Thiền vu gửi thư cho nhà Hán dùng bản gỗ một thước hai tấc, đến ấn phong cũng rộng lớn, dài hơn, ngôn từ rất ngạo mạn là “Đại Thiền vu Hung Nô do trời đất sinh ra, nhật nguyệt dựng lập kính cẩn vấn an Hoàng đế nhà Hán”, cho đến các lễ vật cũng lời lẽ tương tự.

Sứ giả nhà Hán có người nói: “Phong tục Hung Nô coi rẻ người già.” Trung Hàng Duyệt vặn hỏi sứ nhà Hán rằng: “Còn phong tục nhà Hán, người phải đi tòng quân đồn thú, cha mẹ già của họ há không mất áo ấm chăn dày, đồ ăn ngon béo để cung cấp cho sĩ tốt ở biên giới ư?” Sứ nhà Hán đáp: “Phải.” Trung Hàng Duyệt nói: “Hung Nô thực sự coi chinh chiến là việc quan trọng, những người già yếu không thể chiến đấu, cho nên đem thức ăn béo tốt cho người tráng kiện, đại để nhằm tự bảo vệ, làm như thế thì cha con ai nấy đều bảo vệ nhau được lâu dài, sao lại nói Hung Nô coi rẻ người già?” Sứ nhà Hán đáp: “Người Hung Nô cha con nằm chung một lều. Cha chết, con lấy những người mẹ kế của cha; anh em chết thì lấy hết những người vợ của họ. Không mũ không đai, thiếu lễ nghi triều đình.” Trung Hàng Duyệt nói: “Phong tục của Hung Nô, người ăn thịt súc vật, uống sữa của chúng, mặc da của chúng; súc vật ăn cỏ, uống nước, theo thời di chuyển. Cho nên gặp lúc nguy cấp, ai nấy đều quen cưỡi ngựa bắn cung, gặp khi thảnh thơi, ai nấy đều vui vẻ vô sự, ít bị bó buộc, rất dễ thi hành. Vua tôi giản dị, chính sự cả nước cũng như đối với một người vậy. Cha con, anh em chết thì lấy vợ của họ, đó là sợ mất người nối dõi tộc mình. Cho nên Hung Nô dẫu loạn, cũng nhất định lập người trong tộc mình. Nay Trung nguyên tỏ vẻ không lấy vợ của cha anh, thân thuộc càng xa càng giết hại nhau, đến nỗi phải đổi họ, đều là từ đấy mà ra. Vả lại cái tệ hại của lễ nghĩa, khiến trên dưới oán hận nhau, rồi nhà của hoa lệ khiến sức vóc mấy cũng mệt mỏi. Phàm ra sức vào việc nông tang để kiếm cái ăn mặc, xây đắp thành quách để tự phòng bị, cho nên khi gặp nguy cấp, dân không quen chinh chiến, lúc thư nhàn, dân bỏ bê công việc. Ôi, người ở nhà đắp đất [9] vốn không nên nhiều lời, giả như họ cứ lem lém rồi lại xì xèo thì người đội mũ [10] chống làm sao được?”

Từ đó về sau, sứ nhà Hán ai muốn biện luận, Trung Hàng Duyệt đều nói: “Sứ nhà Hán không nên nhiều lời, chỉ cần tơ lụa, thóc gạo nhà Hán chuyển đến miễn sao đầy đủ, như vậy sẽ tốt đẹp thôi, sao phải nói nhiều? Vả lại, chỉ cần cung cấp cho đủ và tốt là được; không đủ, lại kém, thì đợi mùa thu lúa chín, sẽ đem kỵ mã đến giày xéo lên lúa mà thôi.” Trung Hàng Duyệt ngày đêm dạy Thiền vu những chỗ lợi hại của nhà Hán.

Nhà Hán, Hiếu Văn đế năm thứ mười bốn, Thiền vu Hung Nô đem mười bốn vạn kỵ binh xâm phạm Triều Na, Tiêu Quan, giết Đô úy Bắc Địa là Ngang, cướp nhiều dân chúng và súc vật, rồi kéo đến Bình Dương. Sai kỵ binh vào đốt cung Hồi Trung, sai thám mã đến cung Cam Tuyền ở Ung Châu. Thế rồi Văn đế lấy Trung úy Chu Xá, Lang trung lệnh Trương Vũ làm tướng quân, phát động ngàn cỗ chiến xa, mười vạn quân kỵ, đóng quân ở cạnh Trường An để phòng sự cướp bóc của giặc Hồ. Rồi phong Xương hầu là Lư Khanh làm Thượng Quận tướng quân, Ninh hầu là Ngụy Túc làm Bắc Địa tướng quân, Long Lự hầu là Chu Táo làm Lũng Tây tướng quân, Đông Dương hầu là Trương Tương Như làm đại tướng quân, Thành hầu là Đổng Xích làm Tiền tướng quân, huy động đại quân xa kỵ sang đánh Hồ. Thiền vu đóng lại trong biên giới hơn một tháng rồi rút, quân Hán đuổi ra khỏi biên giới rồi rút về, không giết được địch. Hung Nô ngày càng hoành hành, hằng năm xâm phạm biên giới, giết cướp nhiều dân chúng và súc vật, các vùng Vân Trung, Liêu Đông thiệt hại nặng nhất, như Đại Quận đến hơn vạn người. Nhà Hán lo lắng, bèn sai sứ đưa thư cho Hung Nô. Thiền vu cũng sai quan Đương hộ đưa thư tạ lỗi, lại nói đến việc hòa thân.

Năm Hậu Nguyên thứ hai thời Hiếu Văn đế, nhà Hán sai sứ đưa thư sang Hung Nô, thư viết: “Hoàng đế kính cẩn vấn an Đại Thiền vu Hung Nô. Thiền vu sai Đương hộ thư cư là Điêu Cừ Nan, Lang trung Hàn Liêu tặng trẫm hai con ngựa, đã đưa đến, xin kính nhận. Tiên đế quy định: Trường thành về bắc, là nước giương cung, chịu mệnh Thiền vu; Trường thành vào trong, là nhà mũ đai, thuộc trẫm thống trị. Khiến cho muôn dân được cày cấy, dệt vải, săn bắn, có cái ăn mặc, cha con không bị xa lìa, tôi chúa cùng yên, thảy không bị bạo ngược. Nay nghe nói bọn tà ác tham đánh cướp lợi, bội nghĩa phụ ước, quên cả tính mệnh muôn dân, ly gián niềm vui của hai chúa, mà việc ấy đã xảy ra từ trước. Thư đến có viết: 'Hai nước đã hòa thân, hai chúa vui vẻ, bãi binh cho sĩ tốt ngơi nghỉ nuôi ngựa, đời đời thịnh vượng an lạc, đổi mới từ đầu.' Trẫm rất vui về điều đó. Thánh nhân đổi mới hằng ngày, sửa đổi từ đầu, khiến người già được nghỉ ngơi, trẻ nhỏ được khôn lớn, thảy giữ được đầu cổ mà hưởng trọn tuổi trời. Trẫm với Thiền vu đều theo con đường đó, thuận theo trời, thương xót dân, đời đời truyền nhau, dài mãi vô cùng, thiên hạ không ai không được lợi. Nhà Hán với Hung Nô là nước láng giềng, Hung Nô ở đất phương bắc, lạnh, khí hậu khắc nghiệt đến sớm, cho nên sai quan lại đưa tặng Thiền vu rượu nếp, vàng, tơ lụa, bông, cùng các thứ khác, hằng năm tặng theo số lượng nhất định. Nay thiên hạ cực yên định, muôn dân vui sướng, trẫm và Thiền vu là cha mẹ họ. Trẫm nhớ lại việc trước kia, vì những nguyên do nhỏ nhặt, mưu thần thất sách, đều không đủ để ly gián niềm vui của anh em. Trẫm nghe nói trời không che một chỗ, đất không chở một phương. Trẫm với Thiền vu hãy cùng bỏ chuyện nhỏ nhoi đã qua, chung theo đạo lớn, trừ bỏ oán hận trước đây, để toan tính lâu dài, khiến dân chúng hai nước như con một nhà. Tính từ muôn dân, dưới tới cá rùa, trên đến chim bay, những loài biết đi biết mổ biết thở biết bò, không loại nào không được yên ổn lợi lạc mà tránh khỏi nguy hại. Cho nên người đến không ngừng, là đạo trời vậy. Cũng bỏ những việc trước đây: trẫm tha cho dân chúng đã trốn đi, Thiền vu cũng không nói đến bọn Chương Ni nữa. Trẫm nghe bậc đế vương thời xưa, giao ước rõ ràng mà không nuốt lời. Thiền vu hãy lưu tâm, thiên hạ an định, sau khi hòa thân, Hán không phụ trước. Thiền vu xét kỹ việc đó.”

Sau khi Thiền vu đã được định hòa thân, Văn đế hạ chiếu cho Ngự sử rằng: “Đại Thiền vu Hung Nô gửi thư cho trẫm, nói đã định việc hòa thân, dân bỏ trốn không đủ để dân nhiều, đất rộng thêm, Hung Nô không được vào biên tái, Hán không được ra khỏi biên tái, kẻ nào phạm phải ước định sẽ bị giết, có thể hòa thân lâu dài, về sau không còn tai họa, đều có lợi. Trẫm đã đồng ý việc đó. Hãy bố cáo cho thiên hạ, để ai nấy đều biết rõ.”

Bốn năm sau, Lão Thượng Kê Chúc thiền vu chết, con là Quân Thần lên làm Thiền vu. Quân Thần mới lên, Hiếu Văn đế lại hòa thân với Hung Nô. Còn Trung Hàng Duyệt lại tiếp tục phụng sự Thiền vu.

Quân Thần lên làm Thiền vu được bốn năm, Hung Nô lại cự tuyệt hòa thân với nhà Hán, đem đại quân xâm phạm Thượng Quận, Vân Trung, mỗi nơi ba vạn quân kỵ, cướp giết rất nhiều rồi bỏ đi. Thế là nhà Hán sai ba tướng quân đồn quân ở Bắc Địa, ở Câu Chú của nước Đại, ở cửa Phi Hồ của Triệu, men theo biên giới cũng giữ vững, phòng bị giặc Hồ vào cướp. Lại đặt ba tướng quân, đóng quân ở Tế Liễu, phía tây Trường An, ở Các Môn phía bắc sông Vị, ở Bá Thượng, để phòng giặc Hồ. Quân kỵ giặc Hồ vào biên giới Câu Chú nước Đại, lửa báo đến tận Cam Tuyền, Trường An. Mấy tháng sau, quân Hán đến biên giới, Hung Nô cũng rút xa khỏi biên tái, quân Hán bãi binh. Hơn mấy năm sau, Hiếu Văn đế băng hà, Hiếu Cảnh đế lên ngôi, Triệu vương Toại bèn ngầm sai người sang Hung Nô. Ngô, Sở làm phản, định cùng Triệu hợp mưu xâm phạm biên giới. Hán bao vây phá được Triệu, Hung Nô cũng bỏ ý định. Từ đấy về sau, Hiếu Cảnh đế lại cùng Hung Nô hòa thân, thông quan buôn bán, tặng cấp cho Hung Nô, gả Công chúa, như ước định cũ. Hết thời Hiếu Cảnh đế, có lúc Hung Nô vào cướp vặt ở biên giới, không có đánh cướp lớn.

Đương kim Hoàng đế lên ngôi, làm rõ ước định hòa thân, tặng đãi trong hậu, thông quan buôn bán, cấp nhiều cho Hung Nô. Hung Nô từ Thiền vu trở xuống ai nấy đều thân Hán, qua lại dưới chân Trường thành.

Nhà Hán sai Nhiếp Ông Nhất người huyện Mã Ấp vi phạm lệnh cấm, ngầm mang của cải sang buôn bán với Hung Nô, và bán thành Mã Ấp để dụ Thiền vu. Thiền vu tin theo, tham của cải Mã Ấp, liền đem mười vạn quân kỵ xâm phạm biên ải Vũ Châu. Nhà Hán mai phục hơn ba mươi vạn quân bên cạnh Mã Ấp, Ngự sử đại phu Hàn An Quốc làm Hộ quân, chỉ huy bốn tướng quân phục kích Thiền vu. Thiền vu vào biên ải nhà Hán, cách Mã Ấp trên trăm dặm, thấy súc vật đầy đồng mà không có người chăn, lấy làm lạ, liền tấn công nơi tuần phòng. Bấy giờ viên Uý sử Nhạn Môn đi tuần, thấy giặc cướp, liền giữ nơi tuần phòng, biết mưu kế quân Hán, Thiền vu bắt được, định giết, Uý sử liền nói với Hung Nô chỗ quân Hán mai phục. Thiền vu cả sợ nói: “Ta vốn đã ngờ việc đó.” Liền dẫn quân về. Ra khỏi biên ải, nói: “Ta bắt được Uý sử, nhờ trời, trời khiến y nói ra.” Coi Uý sử là “Thiên vương”. Quân Hán ước định khi Thiền vu vào Mã Ấp sẽ xông ra đánh, Thiền vu không đến, vì thế quân Hán không thu hoạch được gì. Quân của tướng quân nhà Hán là Vương Khôi ra đất Đại để đánh xe lương người Hồ, nghe nói Thiền vu rút lui, quân nhiều, không dám ra đánh. Nhà Hán cho Khôi vốn vạch kế cho quân mà không tiến đánh, liền chém Khôi. Sau đó, Hung Nô cắt đứt hòa thân, đánh các biên ải trọng yếu, thường vào cướp ở biên giới nhà Hán, nhiều không kể xiết. Nhưng Hung Nô tham, vẫn thích thông quan buôn bán, thích tài vật của nhà Hán, nhà Hán vẫn luôn thông quan buôn bán, nhằm đón ý của Hung Nô.

Mùa thu, sau cuộc dụng binh ở Mã Ấp năm năm, nhà Hán sai bốn tướng quân, mỗi tướng chỉ huy một vạn quân kỵ tấn công người Hồ ở các chợ dưới quan ải. Tướng quân Vệ Thanh ra Thượng Cốc, đến Long Thành, bắt giết được bảy trăm người Hung Nô. Công Tôn Hạ ra Vân Trung, không được gì. Công Tôn Ngao ra Đại Quận, bị giặc Hồ đánh bại, tổn thất hơn bảy nghìn người. Lý Quảng ra Nhạn Môn, bị giặc Hồ đánh bại, Hung Nô bắt sống được Quảng, sau đó Quảng trốn thoát về. Nhà Hán bỏ tù Ngao và Quảng, Ngao và Quảng chuộc tội, làm dân thường. Mùa đông năm ấy, Hung Nô nhiều lần vào biên giới cướp bóc, nhất là Ngư Dương. Nhà Hán sai tướng quân Hàn An Quốc đồn quân Ngư Dương phòng bị giặc Hồ. Mùa thu năm sau, Hung Nô đem hai vạn kỵ binh vào đất Hán, giết Thái thú Liêu Tây, bắt hơn hai nghìn người. Giặc Hồ lại vào đánh bại đội quân hơn nghìn người của Thái thú Ngư Dương, bao vây tướng quân nhà Hán là An Quốc, bây giờ hơn nghìn kỵ binh của An Quốc cũng bị giết gần hết, đúng lúc Yên đến cứu viện, Hung Nô liền rút. Hung Nô lại vào Nhạn Môn, bắt giết hơn nghìn người. Thế rồi nhà Hán sai tướng quân Vệ Thanh đem ba vạn quân kỵ ra Nhạn Môn, Lý Tức ra Đại Quận, đánh quân Hồ, bắt giết được mấy nghìn người Hồ. Năm sau, Vệ Thanh lại ra Vân Trung, theo hướng tây đến Lũng Tây, tấn công Lâu Phiền và Bạch Dương vương của giặc Hồ tại Hà Nam, bắt giết được mấy nghìn giặc Hồ cùng hơn trăm vạn bò dê. Nhà Hán liền chiếm đất Hà Nam, xây thành Sóc Phương, tu sửa biên ải do Mông Điềm thời Tần xây đắp, dựa vào sông Hà gia cố biên giới. Nhà Hán cũng bỏ đất Tạo Dương, là huyện hẻo lánh giao giữa Hung Nô với Thượng Cốc cho giặc Hồ. Năm ấy là năm Nguyên Sóc thứ hai triều Hán.

Mùa đông năm sau, Thiền vu Quân Thần của Hung Nô chết. Em trai Thiền vụ Quân Thần là Tả lộc lãi vương Y Trĩ Tà tự lập làm Thiền vu, đánh bại Thái tử Ô Đan của Thiền vu Quân Thần. Đan trốn sang hàng nhà Hán, nhà Hán phong Ô Đan làm Thiệp An hầu, được mấy tháng thì chết.

Thiền vu Y Trĩ Tà lên ngôi, mùa hè năm ấy, mấy mươi vạn kỵ binh Hung Nô kéo vào giết Thái thú Đại Quận 12 Cung Hữu, bắt mấy nghìn người. Mùa thu năm ấy, Hung Nô lại vào Nhạn Môn, bắt giết hơn nghìn người. Năm sau, Hung Nô lại vào Đại Quận, Định Tương, Thượng Quận, mỗi nơi ba vạn quân kỵ, bắt giết mấy nghìn người. Hữu hiền vương của Hung Nô oán nhà Hán cướp đất Hà Nam rồi xây thành Sóc Phương, nhiều lần đánh cướp, xâm phạm biên giới, vào tận Hà Nam, xâm nhiễu Sóc Phương, bắt giết rất nhiều quan dân.

Mùa xuân năm sau, nhà Hán phong Vệ Thanh làm đại tướng quân, thống lãnh sáu tướng quân, dẫn hơn mười vạn quân ra Sóc Phương, Cao Khuyết đánh giặc Hồ. Hữu hiền vương cho là quân Hán không thể đến, uống rượu say, quân Hán ra khỏi biên giới sáu bảy trăm dặm, đương đêm bao vây Hữu hiền vương. Hữu hiền vương cả sợ, trốn chạy thoát thân, các quân kỵ tinh nhuệ lần lượt trốn theo sau. Quân Hán bắt được bộ thuộc trai gái của Hữu hiền vương một vạn năm nghìn người cùng hơn chục Tỳ tiểu vương. Mùa thu năm ấy, một vạn quân kỵ Hung Nô kéo vào giết Đô úy Đại Quận là Chu Anh, bắt hơn nghìn người.

Mùa xuân năm sau, nhà Hán lại sai đại tướng quân Vệ Thanh chỉ huy sáu tướng quân cùng trên mười vạn quân kỵ, ra khỏi Định Tương mấy trăm dặm để đánh Hung Nô, trước sau bắt sống và chém được trên một vạn chín nghìn người, còn nhà Hán cũng thiệt mất hai tướng quân và trên ba nghìn quân kỵ. Hữu tướng quân là Kiến trốn thoát được, còn Tiền tướng quân là Hấp hầu Triệu Tín dụng binh bất lợi, đầu hàng Hung Nô. Triệu Tín vốn là Tiểu vương của người Hồ, hàng nhà Hán, được Hán phong làm Hấp hầu, làm Tiền tướng quân cùng Hữu tướng quân chia quân lên đường, riêng [Triệu Tín] gặp phải quân của Thiền vu, nên bị giết hết. Thiền vu thu hàng được Hấp hầu, cho làm Tự thứ vương, đem chị gái gả cho Tín, cùng mưu đánh Hán. Tín dạy Thiền vu lên mạn bắc, vượt sa mạc, dẫn dụ khiến quân Hán mệt mỏi cực độ rồi đánh lấy, không áp sát biên giới. Thiền vu theo kế đó. Năm sau, một vạn quân kỵ người Hồ vào Thượng Cốc, giết mấy trăm người.

Mùa xuân năm sau, nhà Hán sai Phiêu kỵ tướng quân Hoắc Khứ Bệnh đem vạn quân kỵ ra Lũng Tây, qua núi Yên Chi hơn nghìn dặm để đánh Hung Nô, bắt chém được hơn vạn tám nghìn người Hồ, phá được Hưu Chư vương, lấy được người vàng tế trời. Mùa hè năm ấy, Phiêu kỵ tướng quân lại cùng Cáp Kỵ hầu đem mấy vạn kỵ binh ra khỏi Lũng Tây và Bắc Địa hai nghìn dặm để đánh Hung Nô. Qua Cư Diên, tấn công vào núi Kỳ Liên, bắt giết được hơn ba vạn người Hồ, cùng hơn bảy mươi viên từ Tỳ tiểu vương trở xuống. Khi đó Hung Nô cũng xâm phạm vào Đại Quận và Nhạn Môn, bắt giết mấy trăm người. Nhà Hán sai Bác Vọng hầu cùng tướng quân Lý Quảng ra Hữu Bắc Bình, đánh Tả hiền vương của Hung Nô. Tả hiền vương bao vây Lý tướng quân, quân của Lý Quảng có khoảng bốn nghìn, chết gần hết, giết được địch cũng nhiều hơn số tổn thất. Đúng lúc Bác Vọng hầu đem quân đến cứu, Lý tướng quân mới thoát được. Nhà Hán tổn thất mấy nghìn người, Cáp Kỵ hầu trễ hẹn với Phiêu kỵ tướng quân, ông ta cùng Bác Vọng hầu đều bị tội chết, được chuộc tội làm thường dân.

Mùa thu năm ấy, Thiền vu giận Hồn Da vương và Hưu Chư vương ở phía tây bị quân Hán bắt giết được mấy vạn người, định triệu về giết cả hai. Hồn Da vương và Hưu Chư vương sợ, toan mưu hàng Hán, nhà Hán sai Phiêu kỵ tướng quân đến nghinh đón. Hồn Da vương giết Hưu Chư vương, đem quân binh hàng nhà Hán. Tổng cộng có hơn bốn vạn, nhưng phao lên là chục vạn. Nhà Hán thu phục được Hồn Da vương, do đó các đất Lũng Tây, Bắc Địa, Hà Tây ít khi bị người Hồ đánh cướp, nhà Hán liền chuyển dân nghèo ở Quan Đông đến sống ở các vùng chiếm được của Hung Nô là Hà Nam và Tân Tần Trung, giảm được nửa số lính thú từ Bắc Địa sang tây. Năm sau, Hung Nô kéo vào Hữu Bắc Bình và Định Tường, mỗi nơi mấy vạn quân kỵ bắt giết hơn nghìn người rồi rút.

Mùa xuân năm sau, nhà Hán bàn mưu rằng: “Hấp hầu Tín vạch kế cho Thiền vu, đến ở phía bắc sa mạc, cho là quân Hán không thể kéo đến.” Bèn cho ngựa ăn thóc, phát động mười vạn quân kỵ, tự nguyện cưỡi ngựa mang theo quân nhu gồm mười bốn vạn, chưa kể xe lương. Lệnh đại tướng quân Vệ Thanh, Phiêu kỵ tướng quân Hoắc Khứ Bệnh chia đôi số quân, đại tướng quân ra Định Tường, Phiêu kỵ tướng quân ra Đại Quận, đều ước định vượt qua sa mạc tiến đánh Hung Nô. Thiền vu nghe tin, bèn đem xe lương chuyển đến nơi xa, dẫn quân tinh nhuệ chờ ở phía bắc sa mạc, cùng đại tướng quân nhà Hán giao chiến một ngày, đến chiều tối, gió lớn nổi lên, quân Hán từ hai bên tả hữu bao vây Thiền vu. Thiền vu tự liệu không địch nổi, liền một mình cùng mấy trăm kỵ binh tinh tráng phá vây quân Hán chạy về hướng tây bắc. Quân Hán ban đêm truy đuổi nhưng không bắt được. Trên đường đi, bắt chém một vạn chín nghìn người Hung Nô, theo hướng bắc đến thành Triệu Tín ở núi Điền Nhan rồi rút về.

Thiền vu chạy trốn, quân binh thường hỗn chiến với quân Hán, rồi chạy theo Thiền vu. Lâu sau Thiền vu vẫn không gặp đại quân của mình, còn Hữu lộc lãi vương cho là Thiền vu đã chết, liền tự lập làm Thiền vu. Thiền vu đích thực lại gặp được quân mình, còn Hữu lộc lãi vương bỏ danh hiệu Thiền vu, lại làm Hữu lộc lãi vương.

Khi Phiêu kỵ tướng quân nhà Hán ra khỏi Đại Quận hơn hai nghìn dặm, giao chiến với Tả hiền vương quân Hán bắt giết được cả thảy hơn bảy vạn người Hồ, các tướng của Tả hiền vương đều chạy trốn. Phiêu kỵ tế trời ở núi Lang Cư Tư, tế đất ở Cô Diễn, đến tận Hàn Hải rồi về.

Từ đấy về sau, Hung Nô trốn đến đất xa, còn phía nam sa mạc không có triều đình Hung Nô nữa. Quân Hán vượt sông Hà, từ Sóc Phương sang tây đến Lệnh Cư, thường khơi thông kênh ngòi, khai khẩn ruộng đất, quan lại sĩ tốt năm sáu vạn người, lan dần như tằm ăn rỗi, địa bàn tiếp liền mạn bắc Hung Nô.

Hồi đầu, hai tướng quân nhà Hán dẫn đại quân bao vây Thiền vu, bắt giết được tám chín vạn, còn quân sĩ nhà Hán cũng tổn thất mấy vạn, ngựa chết hơn chục vạn con. Hung Nô tuy mỏi mệt, rút xa, nhưng ngựa nhà Hán cũng ít, không tiến đánh được. Hung Nô theo kế của Triệu Tín, sai sứ đến Hán, dùng lời khéo léo xin hòa thân. Thiên tử hạ lệnh quần thần bàn định, có người nói nên hòa thân, có người nói phải khiến Hung Nô thần phục. Thừa tướng trưởng sử Nhâm Sưởng nói: “Hung Nô mới bị đánh phá, khốn quẫn, chính là lúc có thể khiến họ làm ngoại thần, triều kiến biên giới.” Nhà Hán sai Nhâm Sưởng đến chỗ Thiền vu. Thiền vu nghe kế của Sưởng, cả giận, giữ không cho về. Trước đây nhà Hán cũng từng chiêu hàng sứ giả Hung Nô, Thiền vu cũng giữ sứ Hán để đối chọi. Nhà Hán đang thu thập thêm quân mã, đúng lúc Phiêu kỵ tướng quân Hoắc Khứ Bệnh chết, thế nên rất lâu nhà Hán không lên phía bắc đánh Hồ.

Mấy năm sau, Thiền vu Y Trĩ Tà tại vị được mười ba năm thì chết, con trai là Ô Duy lên làm Thiền vu. Năm ấy là năm Nguyên Đỉnh thứ ba triều Hán. Thiền vu Ô Duy lên ngôi, còn thiên tử nhà Hán bắt đầu tuần sát các quận huyện. Sau đó nhà Hán mới tiến về nam diệt hai nước Việt, không đánh Hung Nô, Hung Nô cũng không xâm phạm biên giới.

Thiền vu Ô Duy lên ngôi được ba năm, nhà Hán đã diệt Nam Việt, sai quan Thái bộc trước đây là Hạ đem năm nghìn kỵ binh ra khỏi Cửu Nguyên hơn hai nghìn dặm, đến Phù Tư Tỉnh rồi về, không thấy bóng người Hung Nô nào. Nhà Hán lại sai Triệu Phá Nô, nguyên là Tòng Phiêu hầu, đem hơn vạn kỵ binh ra khỏi Lệnh Cư mấy nghìn dặm, đến sông Hung Hà rồi về, cũng không thấy người Hung Nô nào.

Bấy giờ, thiên tử tuần thú biên giới, đến Sóc Phương, huy động mười tám vạn quân kỵ để tỏ uy vũ, rồi sai Quách Cát dùng lời khéo báo cho Thiền vu. Quách Cát đến Hung Nô, quan phụ trách tiếp khách của Hung Nô hỏi nguyên nhân đi sứ, Quách Cát hành lễ nhún nhường, nói lời tốt đẹp, rằng: “Gặp Thiền vu tôi sẽ nói.” Thiền vụ tiếp kiến Cát, Cát nói: “Đầu của vua Nam Việt đã treo ở cửa khuyết phía bắc nhà Hán. Nay nếu Thiền vu có thể đánh quân Hán trước, thiên tử nhà Hán đích thân cầm quân đợi ở biên giới; Thiền vu nếu không thể đánh, hãy mau nhìn về nam mà xưng thần với nhà Hán. Sao phải chạy tít vùng xa xôi, trốn đến vùng đất lạnh giá không cỏ không nước ở phía bắc sa mạc, chẳng được tích sự gì.” Nói xong, Thiền vu cả giận, liền chém ngay viên phụ trách tiếp khách, rồi giữ Quách Cát lại không cho về, đày đến phía trên Bắc Hải. Rốt cuộc Thiền vu cũng không chịu làm giặc cướp ở biên giới nhà Hán, cho quân sĩ và ngựa được nghỉ ngơi, tập săn bắn, sai sứ sang nhà Hán, dùng lời ngon ngọt để xin hòa thân.

Nhà Hán sai bọn Vương Ô dò xét Hung Nô. Theo pháp luật Hung Nô, sứ nhà Hán không bỏ cờ tiết rồi dùng mực bôi lên mặt thì không được vào trại. Vương Ô là người Bắc Địa, hiểu phong tục người Hồ, bỏ cờ tiết, bôi mực lên mặt, được vào trong trại. Thiền vu quý Ô, và hứa ngon ngọt, rồi sai Thái tử vào nhà Hán làm con tin, để xin hòa thân.

Nhà Hán sai Dương Tín sang Hung Nô. Bấy giờ nhà Hán phía đông chiếm Uế Lạc, Triều Tiên, lập làm quận, phía tây đặt quận Tửu Tuyền để chặn đứt đường thông giữa người Hồ và người Khương. Nhà Hán lại hướng về tây đến Nguyệt Chi, Đại Hạ, lại đem Công chúa gả cho Ô Tôn vương, nhằm chia cách các nước tiếp viện cho Hung Nô ở phía tây. Về phía bắc, lại mở rộng ruộng đất đến Huyền Lôi, lấy đó làm biên giới, còn Hung Nô trước sau không dám nói gì. Năm đó, Hấp hầu Tín chết, vua quan nhà Hán cho là Hung Nô đã suy yếu, có thể khiến họ thần phục. Dương Tín là người cương trực quật cường, vốn không phải bề tôi hiển quý, Thiền vu không muốn thân cận. Thiền vu định triệu vào, Dương Tín không chịu bỏ cờ tiết, Thiền vu ngồi trong trại tiếp kiến, còn Dương Tín ở bên ngoài. Dương Tín gặp Thiền vu, nói: “Nếu muốn hòa thân, phải cho Thái tử của Thiền vu sang nhà Hán làm con tin.” Thiền vu nói: “Đó không phải ước định từ trước. Ước định trước đây, nhà Hán thường gả công chúa cho, cung cấp tơ sợi, đồ ăn để hòa thân, còn Hung Nô không quấy rối ở biên giới. Nay lại muốn làm ngược lại, bắt Thái tử của ta làm con tin, vậy không còn trông mong gì nữa rồi.” Phong tục Hung Nô, thấy sứ giả nhà Hán không phải bề tôi được sủng, trông như nho sinh thì cho là muốn đến du thuyết, liền bác lời sứ giả; thấy người nào tuổi trẻ, cho là muốn hành thích, phải đè bẹp nhuệ khí người đó. Mỗi khi sứ giả nhà Hán sang Hung Nô, Hung Nô liền sang đáp lễ. Nếu nhà Hán giữ sứ giả Hung Nô, Hung Nô cũng giữ sứ nhà Hán, nhất định phải thỏa đáng mới chịu thôi.

Dương Tín về nước, nhà Hán sai Vương Ô đi sứ, còn Thiền vu lại dùng lời ngon ngọt, muốn được nhiều của cải nhà Hán, bèn lừa bảo Vương Ô rằng: “Tôi muốn vào nhà Hán gặp thiên tử, cùng nhau kết làm anh em.” Vương Ô về báo, nhà Hán xây phủ cho Thiền vu ở Trường An. Hung Nô nói: “Không được bậc quý nhân nhà Hán đi sứ sang, tôi không sao tỏ được thành ý.” Hung Nô sại bậc quý nhân của họ đến nhà Hán, bị bệnh, nhà Hán cấp thuốc, muốn chữa cho khỏi, không may lại chết. Rồi nhà Hán sai Lộ Sung Quốc đeo ấn hai nghìn thạch đi sứ sang Hung Nô, nhân đưa linh cữu quý nhân kia về, hậu táng mấy nghìn vàng, nói: “Đây là bậc quý nhân của nhà Hán vậy.” Thiền vu cho là nhà Hán giết quý sứ của mình, bèn giữ Lộ Sung Quốc không cho về. Những điều Thiền vu đã nói, đều là nói suông lừa dối Vương Ô, tuyệt không có ý sang nhà Hán và đưa Thái tử sang làm con tin. Thế rồi Hung Nô nhiều lần sai kỳ binh xâm phạm biên giới. Nhà Hán liền phong Quách Xương làm Bạt Hồ tướng quân, cùng Trác Dã hầu đồn quân từ Sóc Phương sang đông, phòng bị giặc Hồ. Lộ Sung Quốc bị giữ lại Hung Nô ba năm, Thiền vu chết.

Thiền vu Ô Duy lên ngôi được mười năm thì chết, con là Ô Sư Lư lên làm Thiền vu. Ô Sư Lư tuổi nhỏ, hiệu là Nhi thiền vu. Ấy là năm Nguyên Phong thứ sáu. Từ đó về sau, Thiền vu ngày càng rời lên phía tây bắc, quân đội ở mạn trái tiếp giáp với Vân Trung, mạn phải tiếp giáp quận Tửu Tuyền, Đôn Hoàng.

Nhi thiền vu lên ngôi, nhà Hán sai hai sứ sang, một là điều tang Thiền vu, một là điều tang Hữu hiền vương, muốn nhân đó ly gián Hung Nô. Sứ Hán sang Hung Nô, Hung Nô đưa tất cả đến chỗ Thiền vu. Thiền vu giận rồi giữ cả hai sứ giả nhà Hán. Sứ Hán bị giữ ở Hung Nô trước sau cả thảy hơn mười người, còn sứ giả Hung Nô đến, cũng bị nhà Hán giữ lại tương tự.

Năm ấy, nhà Hán sai Nhị sư tướng quân Quảng Lợi sang tây đánh Đại Uyển, rồi lệnh Nhân Vu tướng quân là Ngao đắp thành Thụ Hàng. Mùa đông năm ấy, Hung Nô bị mưa tuyết lớn, súc vật đói lạnh chết rất nhiều. Nhi thiền vụ còn trẻ, thích đánh giết, người trong nước phần nhiều không được yên. Tả đại đô úy muốn giết Thiền vu, sai người lẻn sang báo nhà Hán rằng: “Tôi muốn giết Thiền vu để hàng Hán, nhà Hán xa, mau đem quân đến đón tôi, tôi sẽ hành sự ngay.” Ban đầu, nhà Hán nghe tin ấy, cho nên đắp thành Thụ Hàng, nhưng lại cho đường sá xa xôi.

Mùa xuân năm sau, nhà Hán sai Trác Dã hầu là Phá Nô đem hơn hai vạn quân kỵ ra khỏi Sóc Phương theo hướng tây bắc hơn hai nghìn dặm, hẹn đến núi Tuấn Kê thì về. Trác Dã hầu đến rồi theo hẹn rút về, Tả đại đô úy định hành sự liền bị phát giác, bị Thiền vu giết, phát động quân mé tả đánh Trác Dã hầu. Trác Dã hầu trên đường đi bắt giết được mấy nghìn người. Rút về, cách thành Thụ Hàng bốn trăm dặm, bị tám vạn quân kỵ Hung Nô bao vây. Trác Dã hầu đương đêm đích thân ra ngoài tìm nước, bị quân Hung Nô bắt sống, nhân đó ồ ạt tấn công. Trong quân, Quách Tung làm Hộ quân, Duy Vương thống lãnh hàng quân Hung Nô, cùng bàn mưu rằng: “Ngay đến các Hiệu úy đều sợ để mất tướng quân sẽ bị giết, không ai khuyên nhau trở về.” Thế rồi quân mất hết ở Hung Nô. Nhi thiền vu cả mừng, liền sai kỳ binh tấn công thành Thụ Hàng, nhưng không thể hạ được, bèn vào cướp bóc vùng biên giới rồi rút đi. Năm sau, Thiền vu muốn đích thân đánh thành Thụ Hàng, chưa đến nơi thì ốm chết.

Nhi thiền vu lên ngôi được ba năm thì chết. Con còn nhỏ, Hung Nô bèn lập người chú út, em trai Thiền vu Ô Duy tức Hữu hiền vương Câu Lê Hồ làm Thiền vu. Đó là năm Thái Sơ thứ ba.

Thiền vu Câu Lê Hồ lên ngôi, nhà Hán sai Quang lộc Từ Tự Vi ra ngoài ải Ngũ Nguyên mấy trăm dặm, lúc xa đến trên nghìn dặm, đắp thành lũy, chòi canh đến tận Lư Cù, rồi sai Du kích tướng quân Hàn Duyệt, Trường Bình hầu Vệ Kháng đồn quân bên cạnh, sai Cường nỗ đô úy là Lộ Bác Đức đắp thành phía trên đầm Cư Diên.

Mùa thu năm ấy, Hung Nô dẫn đại quân vào Định Tương, Vân Trung, bắt giết mấy nghìn người, đánh bại mấy quan hai nghìn thạch rồi rút, trên đường phá hủy thành lũy, chòi canh do Quang lộc xây đắp. Lại sai Hữu hiền vương xâm phạm vào Tửu Tuyền và Trương Dịch, bắt mấy nghìn người. Đúng lúc Nhâm Văn giải cứu, thu lại các đất bị mất, Hung Nô rút quân. Năm ấy, Nhị sư tướng quân phá được Đại Uyển, chém vua nước ấy rồi về. Hung Nô định đánh chặn hậu nhưng không kịp. Mùa đông năm ấy, [Hung Nô] định tấn công thành Thụ Hàng, đúng lúc ấy Thiền vu ốm chết.

Thiền vu Câu Lê Hồ lên ngôi được một năm thì chết. Hung Nô bèn lập người em trai là Tả đại đô úy Tư Đê hầu làm Thiền vu. Nhà Hán đã diệt Đại Uyển, uy thế rúng động cõi ngoài. Thiên tử có ý tiến quân vây khốn Hung Nô, bèn hạ chiếu rằng: “Cao hoàng đế để lại cho trẫm nỗi lo ở Bình Thành, thời Cao hậu Thiền vu đưa thư đến lời lẽ ngang ngược. Xưa, Tề Tương công phục thù chín đời, sách Xuân thu [11] coi là trọng đại” Đó là năm Thái Sơ thứ tư.

Thiền vu Tư Đê hầu lên ngôi, cho tất thảy sứ giả nhà Hán không chịu hàng trở về. Bọn Lộ Sung Quốc được về. Thiền vu mới lên ngôi, sợ nhà Hán đánh úp, bèn đánh tiếng rằng: “Ta là đứa trẻ, đâu dám sánh với thiên tử nhà Hán! Thiên tử nhà Hán là hàng trưởng thượng của ta vậy.” Nhà Hán sai Trung lang tướng Tô Vũ đem hậu lễ sang cho Thiền vu. Thiền vu càng kiêu căng, hành lễ rất ngạo mạn, không như nhà Hán mong muốn. Năm sau, Trác Dã hầu Phá Nô trốn thoát về Hán.

Năm sau, nhà Hán sai Nhị sư tướng quân Quảng Lợi đem ba vạn kỵ binh ra Tửu Tuyền, đánh Hữu hiền vương tại Thiên Sơn, chém được hơn vạn thủ cấp quân Hồ rồi rút về. Hung Nô dẫn đại quân bao vây Nhị sư tướng quân, cơ hồ không thể thoát. Quân Hán hao tổn đến sáu bảy phần. Nhà Hán lại sai Nhân vu tướng quân là Ngao ra Tây Hà, cùng Cường nỗ đô úy hội quân ở núi Trác Da, không thu được kết quả. Lại sai Kỵ đô úy Lý Lăng đem năm nghìn kỵ binh và bộ binh, ra khỏi Cư Diên về phía bắc trên nghìn dặm, gặp quân của Thiền vu, hai bên giao chiến, Lăng giết và làm bị thương trên vạn quân địch, đến lúc hết lương, muốn giải vây rút về, Hung Nô bao vây Lăng Lăng hàng Hung Nô, quân của Lăng liền mất, chỉ còn bốn trăm người về được. Thiền sư rất coi trọng Lăng, đem con gái gả cho.

Hai năm sau, lại sai Nhị sư tướng quân đem sáu vạn kỵ binh, mười vạn bộ binh, ra Sóc Phương. Cường nỗ đô úy Lộ Bác Đức đem hơn vạn quân, hội quân với Nhị sư. Du kích tướng quân là Duyệt dẫn theo ba vạn bộ binh và kỵ binh ra Ngũ Nguyên. Nhân vu tướng quân là Ngao đem một vạn kỵ binh và ba vạn bộ binh, ra Nhạn Môn. Hung Nô nghe tin, đem hết tài sản chuyển đến vùng xa tận phía bắc sông Dư Ngô, còn Thiền vu dẫn mười vạn kỵ binh đợi ở phía nam sông, giao chiến với Nhị sư tướng quân. Nhị sư bèn giải vây rồi đem quân về, đánh nhau với Thiền vu liên tiếp hơn mười ngày. Nhị sư nghe tin cả nhà mình bị giết vì tội vu cổ [12], nhân đó đem hết quân binh đầu hàng Hung Nô, nghìn người đi chỉ một hai người trở về. Du kích tướng quân Duyệt không thu được kết quả gì. Nhân vụ tướng quân Ngao giao chiến với Tả hiền vương, bất lợi, dẫn quân về. Vào năm này, quân Hán đi đánh Hung Nô không được nói công lao nhiều hay ít, công lao không bù được tổn thất. Có chiếu bắt Thái y lệnh là Tùy Đãn, tội nói việc cả nhà Nhị sư tướng quân bị giết, khiến Quảng Lợi đầu hàng Hung Nô.

Thái sử công bàn rằngHọ Khổng làm sách Xuân thu, đoạn về thời Lỗ Ẩn công, Hoàn công thì rõ ràng, đến đoạn Định công, Ai công lại kín đáo, vì liên quan đến văn vẻ [13] đương thời, không thể khen mà phải kiêng tránh đi. Thế tục nói về người Hung Nô, bệnh của họ nhờ cầu may để có quyền nhất thời, chuộng lời nịnh bợ cho hợp ý mình, chỉ dựa vào điều phiến diện, không xét thực lực đôi bên; tướng soái cậy đất nước rộng lớn, sĩ khí hăng hái, người làm vua dựa vào đó để ra quyết sách, nên không dựng được công nghiệp rộng sâu. Nghiêu dẫu hiền năng cũng không thể gây dựng sự nghiệp, sau nhờ Hạ Vũ nên chín châu mới được yên. Vả muốn dấy lên mối rường của thánh nhân, chỉ ở chỗ chọn dùng tướng võ tướng văn thôi! Chỉ ở chỗ chọn dùng tướng võ tướng văn thôi!

Chú thích.

 [1] Một loài vật là con lai giữa lừa và ngựa.

[2] Đều là các loại tuấn mã.

[3] Một loại ngựa hoang.

[4] Công Lưu: Tương truyền là cháu bốn đời của Hậu Tắc - thủy tổ của nhà Chu.

[5] Vùng đất xa xôi, cách kinh đô từ hai nghìn đến hai nghìn năm trăm dặm.

[6] Phủ hình hình pháp, đặt ra thời Chu Mục vương theo kiến nghị của Lã bầu, gọi là Lã hình, đời sau đổi thành Phủ hình.

[7] Yên chi: Vợ của Thiền vu - vua Hung Nô.

[8] Nguyên văn là "tỷ dư", một thứ đồ dùng để bện tóc, làm bằng vàng, có sách cho là lược chải tóc.

[9] Chỉ dân thường.

[10] Chỉ quan chức.

[11] Đây chỉ sách Xuân thu Cốc Lượng truyện.

[12] Tội dùng tà thuật, hình nhân để phù phép hại người.

[13] Ý nói điển chương chế độ, nền chính trị đương thời.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét