Thứ Ba, 16 tháng 1, 2024

QUYỂN 109 LÝ TƯỚNG QUÂN LIỆT TRUYỆN

 

SỬ KÝ II. LIỆT TRUYỆN (QUYỂN HẠ)

Phạm Văn Ánh dịch

Lý Quảng (khoảng 184-119 TCN)


QUYỂN 109

LÝ TƯỚNG QUÂN LIỆT TRUYỆN

Lý Quảng

Tướng quân Lý Quảng người ở Thành Kỷ, quận Lũng Tây, tiên tổ là Lý Tín, làm tướng thời Tần, đuổi bắt được Thái tử Đan nước Yên. Quê gốc ở Hòe Lý, sau rời sang Thành Kỷ. Gia đình Quảng đời đời luyện bắn cung. Hiếu Văn đế năm thứ mười bốn, Hung Nô đem đại quân xâm nhập Tiêu Quan, Quảng là con nhà lành tòng quân đánh Hồ, giỏi cưỡi ngựa bắn cung, bắt giết được nhiều địch, được làm quan Trung lang nhà Hán. Em họ của Quảng là Lý Sái cũng làm quan Lang, đều làm Vũ kỵ thường thị, trật tám trăm thạch. Quảng từng theo nhà vua xuất hành, nhiều lần xung phong phá trận, phá được cửa quan, giết được mãnh thú, Văn đế nói: “Tiếc thay, ngươi không gặp thời! Nếu người sinh vào thời Cao đế, phong vạn hộ hầu cũng chưa xứng đâu!”

Đến khi Hiếu Cảnh đế lên ngôi, Quảng làm Đô úy Lũng Tây, sau chuyển sang làm Kỵ lang tướng. Khi Ngô, Sở làm phản, Quảng làm Kiêu kỵ đô úy, theo Thái úy Á Phu đi đánh quân Ngô, Sở, thu được cờ xí, tỏ rõ công danh dưới thành Xương Ấp. Do Lương vương trao ấn tướng quân cho Lý Quảng, khi về, không được phong thưởng. Chuyển làm Thái thú Thượng Cốc, Hung Nô ngày ngày đến giao chiến với Lý Quảng. Điển thuộc quốc[1] là Công Tôn Côn Da khóc nói với Hoàng thượng rằng: “Lý Quảng là người tài năng khí phách, thiên hạ không người thứ hai, tự phụ về tài của mình, nhiều lần giao chiến với địch, e sẽ chết mất.” Thế là bèn đổi Quảng làm Thái thú Thượng Quận. Lý Quảng từng làm Thái thú các quận biên cảnh như Lũng Tây, Bắc Địa, Nhạn Môn, Đại Quận, Vân Trung, sau mới chuyển đến Thượng Quận, đều nổi tiếng là người dốc sức chiến đấu.

Hung Nô đem đại quân vào Thượng Quận, thiên tử sai viên Trung quý nhân[2] theo Lý Quảng luyện tập quân lính để đánh Hung Nô. Viên Trung quý nhân đem mấy chục quân phóng ngựa đi, gặp ba người Hung Nô, liền giao chiến. Ba người Hung Nô quay lại bắn tên, khiến Trung quý nhân bị thương, giết gần hết các kỵ binh đi theo. Trung quý nhân chạy về chỗ Quảng, Quảng nói: “Đó nhất định là những người đi bắn chim điêu.” Quảng liền dẫn trăm quân kỵ đuổi theo ba người ấy. Ba người bỏ ngựa chạy bộ, chạy được mấy chục dặm, Quảng sai kỵ binh bao vây thành hai cánh tả hữu, còn mình đích thân bắn ba người kia, giết chết hai người, bắt sống một người, quả nhiên là người đi bắn chim điêu của Hung Nô. Sau khi bắt trói tên đó cho lên ngựa, trông thấy có mấy nghìn kỵ binh Hung Nô, thấy Quảng, chúng cho là kế dụ địch, đều kinh sợ, liền lên núi bày trận. Trăm quân kỵ của Quảng đều hoảng sợ, muốn phi ngựa về. Quảng nói: “Ta cách đại quân mấy chục dặm, nay đã thế này, nếu cả trăm quân kỵ bỏ chạy, Hung Nô đuổi theo bắn, ta sẽ chết hết. Ta hãy lưu lại, Hung Nô ắt cho là ta ra dụ địch cho đại tướng quân, không dám đánh ta.” Quảng lệnh cho các kỵ binh: “Tiến!” Tiến lên cách trận của Hung Nô hai dặm thì dừng, lệnh rằng: “Tất cả xuống ngựa cởi yên!” Các kỵ mã nói: “Địch đông lại gần, nếu có nguy cấp thì phải làm sao?” Quảng đáp: “Giặc cho rằng ta sẽ chạy, nay ta đều cởi yên cho chúng thấy ta không chạy, để chúng tin chắc rằng ta dụ địch.” Thế là kỵ binh người Hồ không dám đánh. Có viên tướng cưỡi ngựa trắng ra chỉ huy quân lính, Lý Quảng lên ngựa cùng hơn chục kỵ mã phi ngựa bắn chết viên tướng cưỡi ngựa trắng người Hồ, rồi trở về chỗ quân kỵ của mình, cởi yên, lệnh cho quân sĩ thả ngựa mà nằm. Bấy giờ vào lúc chiều tối, quân Hồ cũng lấy làm lạ, không dám đánh. Nửa đêm, quân Hồ vẫn cho là quân Hán có phục binh bên cạnh định nhân đêm tối tấn công nên quân Hồ rút sạch. Sáng ra, Lý Quảng liền về đại quân của mình. Đại quân không biết Lý Quảng đi đâu nên không đi tiếp ứng.

Lâu sau, Hiếu Cảnh đế băng hà, Vũ đế lên ngôi, cận thần cho Quảng là danh tướng, nên Quảng từ chức Thái thú Thượng Quận được lên làm Vệ úy ở cung Vị Ương, Còn Trình Bất Thức cũng làm Vệ úy cung Trường Lạc. Trình Bất Thức cùng Lý Quảng vốn đầu là Thái thú cầm quân đóng đồn ở biên giới. Đến khi ra đánh quân Hồ, Quảng hành quân không cần chia bộ ngũ hoặc dàn trận, khéo dựa chỗ có cỏ có nước để đóng đồn, đóng quân ở đó, ai cũng thấy tiện, không cần gõ thanh la cảnh vệ, trong mạc phủ giảm bớt giấy tờ sổ sách, nhưng có khi đặt quân thám sát ở xa, song cũng chưa từng gặp điều gì nguy hại. Trình Bất Thức sắp đặt quân lính thành hàng ngũ, đóng quân, bày trận, đêm đánh thanh la, quan binh xử lý sổ sách đến tận sáng, quân không được nghỉ, nhưng cũng chưa từng gặp nguy hại nào. Bất Thức nói: “Quân Lý Quảng cực đơn giản nhưng nếu giặc thình lình tấn công, không lấy gì chống lại được; nhưng quân sĩ của ông ta được nhàn nhã vui vẻ, đều vui lòng chết vì tướng. Quân của ta tuy nhiều việc phiền nhiễu, nhưng giặc cũng không thể phạm đến.” Bấy giờ Lý Quảng Trình Bất Thức đều là danh tướng ở các quận biên cương nhà Hán, nhưng Hung Nô sợ mưu lược của Lý Quảng, sĩ tốt phần nhiều vui vẻ theo Lý Quảng mà khổ sở vì Trình Bất Thức. Thời Hiếu Cảnh đế, Trình Bất Thức nhiều lần can gián thẳng thắn nên được làm Thái trung đại phu, là người liêm khiết, cẩn trọng trong văn từ pháp lệnh.

Sau, nhà Hán dùng thành Mã Ấp để dụ Thiền vu, sai đại quân mai phục bên núi cạnh Mã Ấp, còn Quảng làm Kiêu kỵ tướng quân, thuộc quyền chỉ huy của Hộ quân tướng quân. Bấy giờ, Thiền vu phát giác được việc đó, liền rút, quân Hán chẳng lập được công gì. Bốn năm sau, Quảng lấy thân phận Vệ úy làm tướng quân, ra Nhạn Môn đánh Hung Nô, Quân Hung Nô đông, đánh bại quân của Quảng, bắt sống được Quảng. Thiền vu vốn nghe nói về tài của Quảng, lệnh rằng: “Bắt được Lý Quảng nhất định phải để sống mang đến.” Quân kỵ người Hồ bắt được Quảng, bấy giờ Quảng bị thương, chúng đặt Quảng vào giữa hai con ngựa, kết dây cho Quảng nằm. Đi được mấy chục dặm, Quảng vờ chết, ngó thấy bên cạnh có người Hồ cưỡi ngựa tốt, Quảng bất ngờ nhảy lên ngựa của tên đó, rồi đẩy hắn ngã, đoạt lấy cung, thúc ngựa chạy mấy chục dặm về phía nam, thu được tàn quân của mình, nhân đó dẫn quân vào biên ải. Hung Nô cho mấy trăm kỵ binh đuổi bắt, Quảng vừa đi vừa lấy cung tên người Hồ bắn giết quân kỵ đuổi theo, vì thế thoát được. Về đến nhà Hán, nhà Hán giao Quảng cho pháp quan trị tội. Pháp quan cho Quảng làm tổn thất, thương vong nhiều nhân mã, bản thân bị giặc bắt sống, đáng chém. Quảng dùng tiền chuộc tội, bị cách chức làm dân thường.

Thấm thoắt, Quảng ở nhà được mấy năm. Nhà Quảng với nhà cháu nội Dĩnh Âm hầu trước đây cũng lui về sống, săn bắn trong núi phía nam huyện Lam Điền. Có đêm, Quảng dẫn theo một kỵ sĩ đi ra ngoài, cùng người khác uống rượu ngoài đồng, về đến đình Bá Lăng, viên Úy ở Ba Lăng say rượu, quát Quảng dừng lại. Kỵ sĩ của Quảng nói: “Lý tướng quân trước đây đấy mà.” Viên Úy đáp: “Tướng quân nay cũng không được đi đêm, nói gì đến trước!” Rồi ngăn lại, bắt Quảng qua đêm dưới đình. Không lâu sau, Hung Nô vào giết Thái thú Liêu Tây, đánh bại Hàn tướng quân, sau đó Hàn tướng quân chuyển đến Hữu Bắc Bình. Thế rồi thiên tử bèn triệu Quảng đến phong làm Thái thú Hữu Bắc Bình. Quảng liền xin viên Úy ở Bá Lăng cùng đi, đến trong quân thì đem chém.

Quảng ở Hữu Bắc Bình, Hung Nô nghe tin, gọi là “Tướng quân bay (Phi tướng quân) của nhà Hán”, tránh Quảng mấy năm, không dám xâm phạm Hữu Bắc Bình.

Quảng ra ngoài đi săn, thấy tảng đá trong đám cỏ, tưởng là hổ liền giương cung bắn, mũi tên cắm sâu trong đá, đến xem hóa ra là đá. Nhân đó bắn tiếp, nhưng không thể cắm vào đá được nữa. Quảng ở trong quận, nghe nói có hổ, từng đích thân tới bắn. Đến khi ở Hữu Bắc Bình bắn hổ, hổ nhảy lên vồ làm Quảng bị thương, rốt cuộc Quảng cũng bắn chết được hổ.

Quảng vốn liêm khiết, được ban thưởng liền chia cho thủ hạ, ăn uống chung với quân sĩ. Suốt đời Quảng, làm quan hai nghìn thạch hơn bốn mươi năm, nhà không có của dư, cũng không nói đến chuyện gia sản. Quảng mình cao, tay vượn, giỏi bắn cung cũng là do trời phú, con cháu hay người khác học cũng không ai bằng Quảng. Quảng vụng về ít nói, ở cùng người khác thì vẽ xuống đất làm trận thế, lấy việc thi bắn cung rộng, hẹp, ai thua phạt uống rượu, đến tận lúc chết Quảng cũng chỉ lấy bắn cung làm vui. Quảng cầm quân, gặp lúc hết lương, thấy nước, quân sĩ chưa uống hết lượt thì Quảng chưa đụng đến nước, quân sĩ chưa ăn hết lượt thì Quảng chưa ăn. Quảng khoan dung điềm tĩnh, không hà khắc, quân sĩ vì thế yêu thích khi được dùng. Phép bản cung của Quảng là: thấy địch tiến gấp, nhưng không ở trong vòng mấy chục bước, liệu chừng không trúng sẽ không bắn, bắn tên, theo tiếng cung bật địch phải ngã ngay. Theo cách đó nên khi Quảng cầm quân nhiều lần bị vây khốn, Quảng bắn mãnh thú cũng vậy, nên từng bị thương.

Một thời gian sau, Thạch Kiến chết, Hoàng thượng liền triệu Quảng thay Kiến làm Lang trung lệnh. Năm Nguyên Sóc thứ sáu, Quảng lại làm Hậu tướng quân, theo quan đại tướng quân ra Định Tương đánh Hung Nô. Các tướng phần lớn đều giết địch, bắt được tù binh đủ số quy định, có công, được phong hầu, riêng quân của Quảng không lập được công gì. Hai năm sau, Quảng lấy thân phận Lang trung lệnh đem bốn nghìn kỵ binh ra Hữu Bắc Bình, Bác Vọng hầu là Trương Khiên đem vạn kỵ binh cùng đi với Quảng, theo đường khác nhau. Đi được mấy trăm dặm, Tả hiền vương của Hung Nô đem bốn vạn kỵ binh bao vây, quân sĩ của Quảng đều sợ, Quảng bèn sai con là Cảm phóng ngựa lên trước. Cảm một mình cùng mấy chục kỵ binh phóng lên, xông thẳng vào quân kỵ giặc Hồ, rồi vòng ra hai cánh tả hữu mà về, báo với Quảng rằng: “Giặc Hồ dễ đối phó thôi.” Quân sĩ mới yên tâm. Quảng dàn thành trận thế hình tròn, hướng ra bên ngoài, quân Hồ đánh gấp, tên bắn như mưa. Quân Hán chết quá nửa, tên của quân Hán gần hết. Quảng bèn lệnh quân sĩ giương cung nhưng không bắn, rồi Quảng đích thân dùng cung Đại hoàng bắn các tỳ tướng địch, giết được mấy người, quân Hồ dần giải vây. Đúng lúc chiều tối, mặt mày tướng sĩ đều biến sắc, nhưng Quảng thần thái điềm nhiên như thường, càng chú ý chỉnh đốn quân. Trong quân từ đó nể phục dũng khí của Quảng. Hôm sau, lại dốc sức đánh, rồi quân của Bác Vọng hầu cũng đến, quân Hung Nô bèn giải vây rút đi. Quân Hán mỏi mệt, không truy đuổi nữa. Bấy giờ quân của Quảng mất gần hết, bãi binh về. Theo luật nhà Hán, Bác Vọng hầu tiến quân chậm quá kỳ hạn, đáng tội chết, cho chuộc tội làm dân thường. Quân của Quảng công tội ngang nhau, không được thưởng.

Ban đầu, Quảng cùng em họ là Lý Sái đều thờ Hiếu Văn đế. Thời Cảnh đế, Lý Sái có nhiều công, làm quan đến hạng hai nghìn thạch. Thời Hiếu Vũ đế, làm đến chức Thừa tướng đất Đại. Năm Nguyên Sóc thứ năm, do làm Khinh xa tướng quân, theo đại tướng quân đánh Hữu hiền vương, có công đạt định mức, được phong làm Lạc An hầu. Năm Nguyên Thú thứ hai, thay Công Tôn Hoằng làm Thừa tướng. Sái ở hàng trung của hạng hạ[3], danh tiếng kém Lý Quảng rất xa, nhưng Quảng không được tước vị và ấp phong, làm quan chưa quá chức Cửu khanh, còn Sái làm liệt hầu, địa vị lên đến tam công. Các viên quân lại cùng sĩ tốt của Quảng có người cũng được phong hầu. Quảng từng đùa với người xem thiên văn là Vương Sóc rằng: “Từ khi nhà Hán đánh Hung Nô, Quảng chưa từng không ở trong quân, mà trong các bộ quân từ Hiệu úy trở xuống, tài năng không bằng người hạng trung, nhưng nhờ công đánh giặc Hồ, có mấy chục người được phong tước hầu, còn Quảng thì chẳng kém ai, nhưng không có chút công nào để được phong ấp, tại sao vậy? Chẳng lẽ ta không đáng được phong hầu chăng? Hay là mệnh số như thế?” Sóc hỏi: “Tướng quân tự nghĩ xem, từng có việc gì phải hối hận không?” Quảng đáp: “Ta từng làm Thái thú Lũng Tây, rợ Khương làm phản, ta dụ chúng hàng, hơn tám trăm người đầu hàng, ta lừa rồi giết trong một ngày, đến nay riêng việc đó rất lấy làm hối hận.” Sóc nói: “Họa không gì lớn bằng giết kẻ đã hàng, đó là nguyên nhân tướng quân không được phong hầu vậy.”

Hai năm sau, đại tướng quân, Phiêu kỵ tướng quân đem đại quân đánh Hung Nô, Quảng nhiều lần xin theo. Thiên tử cho Quảng đã già, không đồng ý; lâu sau mới chấp nhận, cho làm Tiền tướng quân. Năm ấy là năm Nguyên Thú thứ tư.

Quảng đã theo đại tướng quân Vệ Thanh đi đánh Hung Nô, ra biên ải, Thanh bắt được giặc nên biết chỗ ở của Thiền vu, bèn tự dẫn tinh binh kéo đến, lệnh cho Quảng cùng quân của Hữu tướng quân, kéo ra theo đường phía đông. Đường phía đông nhỏ lại phải vòng xa, mà đại quân đi phải nơi nước và cỏ ít, tình thế đó không thể tập trung tiến quân được. Quảng đích thân yêu cầu: “Tôi làm Tiền tướng quân, nay đại tướng quân lại lệnh cho tôi đi theo đường phía đông, và tôi từ khi kết tóc đã đánh nhau với Hung Nô, nay mới được một lần đối trận với Thiền vu, tôi xin làm tiền quân, đi trước quyết liều chết với Thiền vu.” Đại tướng quân Vệ Thanh cũng ngầm theo lời dặn của Hoàng thượng, cho là Lý Quảng đã già, vận số trắc trở, chớ cho đánh với Thiền vu, sợ không được như mong muốn. Mà lúc bấy giờ, Công Tôn Ngao mới mất tước hầu, làm Trung tướng quân theo đại tướng quân, đại tướng quân cũng muốn sai Ngao cùng mình đánh Thiền vu, cho nên đổi Tiền tướng quân Quảng lo việc khác. Khi biết việc đó, Quảng cố xin đại tướng quân. Đại tướng quân không nghe, lệnh cho Trưởng sử đem thư đến mạc phủ trao cho Quảng, nói: “Kíp mang quân đi, như nói trong thư.” Quảng không từ biệt đại tướng quân, lên đường ngay, trong lòng tức giận đến chỗ quân mình, dẫn quân cùng Hữu tướng quân Dị Cơ hợp quân tiến theo đường phía đông. Quân không người dẫn đường, có lúc bị lạc, cho nên đến sau đại tướng quân. Đại tướng quân giao chiến với Thiền vu, Thiền vu chạy trốn, quân Hán không bắt được mà rút về. Theo hướng nam, sau khi qua sa mạc, gặp Tiền tướng quân và Hữu tướng quân. Quảng gặp đại tướng quân, rồi trở vào trong quân. Đại tướng quân sai Trưởng sử mang lương khô và rượu đến cho Quảng, nhân đó hỏi Quảng và Dị Cơ về việc lạc đường, Vệ Thanh muốn dâng thư báo thiên tử lý do quân phải đi đường vòng. Quảng chưa kịp trả lời, đại tướng quân sai Trưởng sử kíp đòi thuộc hạ dưới trướng Quảng đến xét hỏi. Quảng nói: “Các Hiệu úy không có tội, là ta tự lạc đường. Nay ta sẽ tự đến cho xét hỏi.”

Quảng đến quân doanh, nói với thuộc hạ rằng: “Quảng từ khi kết tóc đã đánh nhau với Hung Nô, lớn nhỏ hơn bảy mươi trận, nay may được theo đại tướng quân xuất binh đánh quân của Thiền vu, nhưng đại tướng quân lại đổi quân của Quảng phải đi vòng đường xa, rồi bị lạc đường, chẳng phải ý trời sao! Vả Quảng đã hơn sáu mươi tuổi, dẫu sao cũng không thể đối diện với bọn thư lại kia.” [4] Rồi rút dao tự cắt cổ. Các sĩ đại phu cùng quân binh của Quảng đều khóc. Trăm họ nghe tin, người biết hay không biết Quảng, không phân trẻ già đều sa nước mắt. Còn Hữu tướng quân giao cho pháp quan xử trí, bị khép tội chết, cho được chuộc làm thường dân.

Quảng có ba người con, là Đương Hộ, Tiêu và Cảm, đều làm quan Lang. Nhà vua đùa với Hàn Yên, Yên có chút thất lễ, Đương Hộ đánh Yên, Yên chạy. Nhà vua cho Đường Hộ là người dùng cảm. Đương Hộ chết sớm, Tiêu được phong làm Thái thú Đại Quận, đều chết trước Quảng. Đương Hộ có con, khi Đương Hộ mất con còn trong bụng mẹ, tên là Lăng. Lúc Lý Quảng chết trong quân, Cảm đang theo Phiêu kỵ tướng quân. Quảng chết, năm sau Lý Sái làm Thừa tướng nhưng liên đới việc xâm lấn khu đất trống vườn lăng Hiếu Cảnh đế, bị giao pháp quan trị tội, Sái cũng tự sát, không chịu bị hỏi cung, nước phong bị phế. Lý Cảm làm Hiệu úy, theo Phiêu kỵ tướng quân đánh Tả hiền vương của Hung Nô, ra sức chiến đấu, đoạt được trống cờ của Tả hiền vương, chém nhiều thủ cấp, được tặng tước quan nội hầu, ban thực ấp hai trăm hộ, thay Quảng làm Lang trung lệnh. Không lâu sau, do oán đại tướng quân Vệ Thanh khiến cha mình ôm hận mà chết, liền đánh đại tướng quân bị thương, đại tướng quân giấu kín việc đó. Không lâu sau, Cảm theo Hoàng thượng đến đất Ung, rồi tới săn bắn ở cung Cam Tuyền. Phiêu kỵ tướng quân Hoắc Khứ Bệnh là chỗ thân thích của Vệ Thanh, bắn chết Cảm. Khứ Bệnh bấy giờ đang được quý sủng, Hoàng thượng giấu chuyện, bảo Cảm bị hươu húc chết. Được hơn một năm, Khứ Bệnh chết. Cảm có con gái ở trong cung Thái tử, được sủng ái, con trai Cảm là Vũ được Thái tử yêu quý, nhưng hám lợi, họ Lý dần suy kém.

Lý Lăng

Lý Lăng đến tuổi trưởng thành, được chọn làm quan quản giám ở Kiến Chương, giám sát các quân kỵ. [Lý Lăng] giỏi bắn cung, yêu sĩ tốt. Nhà vua cho rằng họ Lý đời đời làm tướng nên sai chỉ huy tám trăm kỵ binh. [Lăng] từng vào sâu đất Hung Nô hơn hai nghìn dặm, qua Cư Diên xem địa hình, không thấy giặc, lại đem quân về. Được phong làm Kỵ đô úy, chỉ huy năm nghìn quân Sở ở Đan Dương, dạy bắn cung ở Tửu Tuyền, Trương Dịch để đóng đồn phòng bị giặc Hồ.

Mấy năm sau, mùa thu năm Thiên Hán thứ hai, Nhị sư tướng quân là Lý Quảng Lợi đem ba vạn kỵ binh đi đánh Hữu hiền vương của Hung Nô ở Kỳ Liên Thiên Sơn, rồi sai Lý Lăng đem năm nghìn bộ binh cùng quân thiện xạ của mình ra hơn nghìn dặm phía bắc Cư Diên, muốn chia quân của Hung Nô, không cho chúng tập trung đối phó với Nhị sư. Lăng đến hạn trở về, Thiền vu đem tám vạn quân bao vây tấn công quân của Lăng. Quân Lăng có năm nghìn người, tên đã hết, lính chết quá nửa, nhưng cũng giết và làm bị thương hơn vạn quân Hung Nô Lăng vừa lui vừa đánh, liên tiếp tám ngày, còn cách Cư Diên hơn trăm dặm, Hung Nô chặn mất đường nhỏ, quân của Lăng thiếu lương mà cứu binh lại không đến, giặc đánh gấp rồi chiêu hàng Lăng. Lăng nói: “Không còn mặt mũi nào về báo với bệ hạ nữa.” Rồi hàng Hung Nô. Quân của Lăng mất hết, chỉ còn hơn bốn trăm người trốn được, tản mác trở về nhà Hán.

Thiền vu dụ hàng được Lăng, vốn nghe danh tiếng gia đình Lăng, khi giao chiến thấy Lăng dũng mãnh, bèn gả con gái rồi cho Lăng được hiển quý. Nhà Hán nghe tin, liền giết mẹ, vợ và con Lăng. Từ đấy về sau, danh tiếng họ Lý bị hủy, còn những kẻ sĩ làm môn hạ ở Lũng Tây đều cho là sự sỉ nhục.

Thái sử công bàn rằng: Sách truyện có ghi: “Bản thân chính đáng, dẫu không ra lệnh người ta vẫn thi hành; bản thân không chính, dẫu ra lệnh người ta cũng không theo.” [5] Là nói về Lý tướng quân chăng? Ta thấy Lý tướng quân khiêm cung cẩn trọng như người quê mùa, miệng không thể thốt nên lời. Hôm chết, thiên hạ người quen biết hay không quen biết đều rất đỗi đau buồn. Đó là vì ông ta có lòng trung, lại thành thực nên được sĩ đại phu tin tưởng vậy? Ngạn ngữ nói: “Đào mận không nói, dưới gốc thành lối đi.” Câu ấy tuy nói việc nhỏ, nhưng có thể để bàn việc lớn vậy.

 

Chú thích.

 [1] Điền thuộc quốc? Chức quan lo việc quan hệ qua lại giữa triều Hán với các tộc người thiểu số, trật hai nghìn thạch.

[2] Quý trung nhân. Chỉ cận thần được nhà vua sủng ái.

[3] Tức vào hàng thứ tám.

[4] Ý nói không muốn hạ mình để bị bọn Trưởng sử hỏi cung.

[5] Dẫn lời Khổng tử ở thiên "Tử Lộ" trong sách Luận ngữ.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét