SỬ KÝ II. LIỆT TRUYỆN (QUYỂN HẠ)
Phạm Văn Ánh dịch
QUYỂN 108
HÀN TRƯỜNG NHỤ LIỆT TRUYỆN
Ngự sử đại phu Hàn An Quốc là người Thành An nước Lương,
sau rời đến Thư Dương. Hàn An Quốc từng theo Điền Sinh người đất Trâu học
sách Hàn tử[1] và
học thuyết Tạp gia[2]. Hàn An Quốc phụng sự Lương Hiếu vương, làm Trung đại
phu. Khi Ngô, Sở làm loạn, Hiếu vương sai An Quốc cùng Trương Vũ làm tướng, chống
quân Ngô ở biên giới phía đông. Trường Vũ ra sức đánh, An Quốc giữ chỗ hiểm yếu,
vì thế quân Ngô không thể qua được nước Lương. Ngô, Sở đã bị đánh tan, An Quốc
và Trương Vũ nhờ đó nổi danh.
Lương Hiếu vương là em trai của mẹ Cảnh đế, Đậu Thái hậu
cưng yêu, cho được tự ý thỉnh nhậm chức Thừa tướng và chức quan trật hai nghìn
thạch, ra vào du chơi, vượt cả thiên tử. Thiên tử biết chuyện, trong lòng không
vui. Thái hậu biết Hoàng thượng không vui, bèn giận sứ giả nước Lương, không
cho gặp, tra xét những việc Lương Hiểu vương làm. Hàn An Quốc làm sứ giả nước
Lương, gặp Đại trưởng công chúa[3], khóc nói: “Lương vương thể hiện lòng hiếu
của người con, lòng trung của bề tôi mà sao Thái hậu không hiểu? Trước đây khi
Ngô, Sở, Tề, Triệu... bảy nước làm phản, từ cửa Hàm Cốc về đông đều liên kết
nhau để tiến sang tây, chỉ có Lương là nước thân nhất nên rơi vào cảnh gian
nan, Lương vương nghĩ Thái hậu, Hoàng thượng ở Quan Trung, mà chư hầu làm loạn,
một tiếng khóc mà tuôn mấy hàng lệ, quỳ gối đưa tiễn sáu người bạn thân, đem
quân đánh Ngô, Sở, vì thế quân Ngô, Sở không dám sang tây, cuối cùng cũng phá
tan được chúng, đều nhờ công của Lương vương vậy. Nay Thái hậu đem những nghi lễ
tiểu tiết hà khắc để trách lỗi Lương vương. Cha anh Lương vương đều là đế
vương, những điều trông thấy đều lớn lao, cho nên ra vào cảnh giác, cấm người
ngựa qua lại, xe ngựa, cờ xí đều do Hoàng đế ban tặng, dẫu muốn dùng các thứ đó
để phô trương nơi huyện ấp, hay rong ruổi trong nước để khoe khoang với chư hầu,
đều là khiến thiên hạ thảy biết Thái hậu và nhà vua đều yêu mến mình vậy. Nay sứ
giả nước Lương đến, liền bị tra xét, trách hỏi. Lương vương sợ, ngày đêm khóc
lóc nhớ nhung, không biết làm sao. Lương vương là con hiếu tôi trung mà sao
Thái hậu không thương xót?” Đại trưởng công chúa nói lại với Thái hậu,
Thái hậu mừng nói: “Ta sẽ nói với Hoàng đế cho.” Nói với Hoàng
đế, Hoàng đế mới giải tỏa được nỗi lòng, rồi trật mũ tạ lỗi Thái hậu: “Anh
em không biết dạy nhau, để đến nỗi Thái hậu phải phiền lòng.” Rồi tiếp
kiến tất thảy sứ giả nước Lương, ban tặng rất hậu. Sau đấy, Lương vương càng được
thân quý. Thái hậu, Trưởng công chúa ban thêm cho An Quốc trị giá đến hơn nghìn
vàng, từ đó An Quốc được vinh hiển, gắn bó với triều Hán.
Về sau, An Quốc phạm pháp, bị luận tội, ngục lại Điền
Giáp đất Mông sỉ nhục An Quốc. An Quốc nói: “Riêng tro tàn không cháy lại
được nữa chăng?" Điền Giáp nói: “Cháy lên sẽ tè vào đấy.” Không
lâu sau, chức Nội sử nước Lương khuyết, nhà Hán sai sứ giả đến phong An Quốc
làm Nội sử nước Lương, từ tội đồ được thăng chức quan hai nghìn thạch. Điền
Giáp chạy trốn. An Quốc nói: “Giáp không về nhận chức, ta diệt cả họ
ngươi.” Giáp nhân đó cởi trần đến tạ tội. An Quốc cười nói: “Cứ
tè đi! Bọn ngươi có đáng trừng trị không?" Cuối cùng đối xử tốt với
Giáp.
Khi chức Nội sử nước Lương bị khuyết, Lương Hiếu vương mới
tìm được Công Tôn Quỷ người Tề, rất thích, định xin cho làm Nội sử. Đậu Thái hậu
biết chuyện, bèn hạ chiếu cho Lương Hiếu vương dùng An Quốc làm Nội sử.
Công Tôn Quỷ, Dương Thắng khuyên Hiếu vương xin làm Thái
tử, đồng thời mở rộng đất phong, sợ các đại thần nhà Hán không nghe, liền ngầm
sai người hành thích các mưu thần nắm quyền triều Hán. Đến khi giết Thừa tướng
cũ của nước Ngô là Viên Áng, Cảnh đế liền biết là kế của bọn Quỷ và Thắng, liền
sai sứ bắt Quỷ và Thắng. Sứ nhà Hán gồm mười người đến nước Lương, từ Thừa tướng
trở xuống phải lùng bắt trong cả nước, hơn tháng vẫn không bắt được. Nội sử An
Quốc biết tin Quỷ, Thắng ẩn ở chỗ Hiếu vương, An Quốc vào gặp Hiếu vương rồi
khóc nói: “Chủ bị nhục thì bề tôi phải chết. Đại vương không có tôi giỏi,
cho nên việc mới rối ren thế này. Nay không bắt được Quỷ và Thắng, xin ban cho
thần được chết.” Vương nói: “Làm gì đến nỗi thế?” An
Quốc khóc sa mấy hàng lệ, nói: “Đại vương tự so với Hoàng đế xem, so
quan hệ giữa Thái thượng hoàng với Cao hoàng đế và Hoàng đế với Lâm Giang
vương, ai thân thiết hơn?” Hiếu vương đáp: “Không so bằng được.” An
Quốc nói: “Xét lẽ, Thái thượng hoàng và Lâm Giang vương là chỗ cha con,
nhưng Cao đế nói: 'Người cầm ba thước kiếm thu lấy thiên hạ là trẫm,' cho nên
cuối cùng Thái thượng hoàng không được nắm mọi việc, phải ở cung Lịch Dương.
Lâm Giang vương là Thái tử trưởng dòng đích, chỉ vì một câu lỡ lời, bị phế làm
Lâm Giang vương; lại vì xâm hại tường cung điện, rốt cuộc phải tự sát trong phủ
quan Trung úy. Tại sao vậy? Trị thiên hạ không thể lấy việc tư làm loạn việc
công. Ngạn ngữ nói: 'Dẫu là cha đẻ, sao biết đó không phải là hổ? Dẫu là anh ruột,
sao biết đó không phải là sói?' Nay đại vương đứng vào hàng chư hầu, thích lời
phù phiếm của bề tôi gian tà, phạm đến cấm lệnh của Hoàng thượng, bẻ cong pháp
luật sáng láng của triều đình. Hoàng thượng và Thái hậu nên không nỡ trị tội đại
vương theo luật. Thái hậu ngày đêm khóc lóc, mong đại vương tự sửa lỗi, còn đại
vương vẫn không tỉnh ngộ. Nếu Thái hậu băng hà, đại vương còn dựa vào ai được nữa?” Nói
chưa dứt, Hiếu vương liền khóc nước mắt ròng ròng, tạ lỗi với An Quốc rằng: “Nay
ta sẽ giao Quỷ, Thắng ra.” Quỷ, Thắng tự sát. Sứ nhà Hán về báo, việc ở
nước Lương đều được giải quyết, đó là công của An Quốc vậy. Từ đó Cảnh đế và
Thái hậu càng thêm coi trọng An Quốc. Hiếu vương chết, Cộng vương lên ngôi, An
Quốc phạm pháp mất chức, về nhà.
Trong niên hiệu Kiến Nguyên, Vũ An hầu Điền Phần làm Thái
úy triều Hán, thân cận quyền quý được nằm trọng quyền, An Quốc đem lễ vật trị
giá năm trăm cân vàng biếu Phần. Phần nói về An Quốc với Thái hậu, thiên tử
cũng vốn biết tài của An Quốc, liền triệu vào triều cho làm Đô úy Bắc Địa, rồi
thăng làm Đại tư nông. Mân Việt và Đông Việt đánh nhau, An Quốc cùng quan Đại
hành[4] Vương
Khôi làm tướng xuất chinh. Chưa đến đất Việt, người đất Việt giết vua rồi hàng,
quân Hán cũng bãi binh. Năm Kiến Nguyên thứ sáu, Vũ An hầu làm Thừa tướng, An
Quốc làm Ngự sử đại phu.
Hung Nô đến xin giảng hòa kết thân, thiên tử giao cho quần
thần bàn nghị. Đại hành Vương Khôi là người Yên, nhiều lần làm quan nơi biên giới,
biết rõ việc ở Hung Nô, bàn rằng: “Hán và Hung Nô giảng hòa kết thân,
chưa được vài năm Hung Nô lại bội ước. Chẳng bằng không đồng ý, dấy binh đến
đánh.” An Quốc nói: “Đánh xa ngàn dặm, quân không được lợi.
Nay Hung Nô cậy binh mã đầy đủ, mang lòng cầm thú, rời chuyển như chim bay, khó
mà chế ngự. Được đất của chúng không đủ để mở rộng lãnh thổ, được dân của chúng
không đủ để mạnh thêm, từ thượng cổ đã không xem là dân trong nước. Nhà Hán đi
mấy nghìn dặm để tranh lợi, sẽ khiến người ngựa mỏi mệt, địch đem toàn lực khống
chế điểm yếu của ta. Vả lại cung nỏ hết tầm, mũi tên không thể xuyên qua tấm
the mỏng nước Lỗ; xung phong hết sức, không thổi bay nổi một sợi lông hồng.
Không phải ban đầu không mạnh, mà sức về cuối suy yếu vậy. Đánh chúng không tiện,
chẳng bằng kết thân.” Quần thần tham gia bàn nghị phần nhiều phụ họa
theo An Quốc, vì thế Hoàng thượng đồng ý giảng hòa kết thân.
Năm sau, tức năm Nguyên Quang thứ nhất, bậc hào môn Mã Ấp,
quận Nhạn Môn là Nhiếp Ông Nhất thông qua Đại hành Vương Khôi nói với Hoàng thượng
rằng: “Hung Nô ban đầu giảng hòa kết thân, tỏ ra thân gần tin tưởng dân
chúng vùng biên, có thể dùng lại để lôi kéo họ.” Nhà Hán ngầm sai Nhiếp
Ông Nhất làm gián điệp, lẻn sang Hung Nô, nói với Thiền vu rằng: “Tôi
có thể chém được quan Huyện lệnh, Huyện thừa ở Mã Ấp, đem thành dâng hàng, có
thể thu được hết của.” Thiền vu vui mừng tin tưởng, cho là phải, đồng
ý với Nhiếp Ông Nhất, Nhiếp Ông Nhất liền trở về, vợ chém mấy tên tử tù, treo đầu
trên thành Mã Ấp, để sứ giả của Thiền vu tưởng thật, nói: “Trưởng lại của
huyện Mã Ấp đã chết, hãy đến gấp.” Thế là Thiền vu vượt qua biên ải
đem hơn chục vạn kỵ binh, tiến vào ải Vũ Châu.
Bấy giờ, nhà Hán mai phục hơn ba mươi vạn quân xa kỵ và
sĩ tốt tinh nhuệ, ẩn mình bên hang núi cạnh Mã Ấp. Vệ úy Lý Quảng làm Kiêu kỵ
tướng quân, Thái bộc Công Tôn Hạ làm Khinh xa tướng quân, Đại hành Vương Khôi
làm Tướng đồn tướng quân, Thái trung đại phu Lý Tức làm Tài quan tướng quân, Ngự
sử đại phu Hàn An Quốc làm Hộ quân tướng quân, các tướng đều thuộc quyền chỉ
huy của Hộ quân. Ước chừng Thiền vu đã vào Mã Ấp, quân Hán liền xuất kích.
Vương Khôi, Lý Tức, Lý Quảng dẫn các cánh quân chủ công từ đất Đại tiến đánh xe
lương của Hung Nô. Bấy giờ, Thiền vu dẫn quân vào biên ải Vũ Châu thuộc trường
thành nhà Hán, còn cách Mã Ấp hơn trăm dặm, tung hoành cướp bóc, chỉ thấy súc vật
đầy đồng, không thấy bóng người. Thiền vu lấy làm lạ, tấn công đài đốt lửa báo,
bắt được viên Úy sử[5] của
Vũ Châu, tra hỏi, viên Úy sử nói: “Mấy chục vạn quân Hán mai phục dưới
thành Mã Ấp.” Thiền vu quay lại bảo thuộc hạ rằng: “Suýt bị
người Hán bán đứng rồi!” Bèn dẫn quân về. Ra khỏi ải, nói: “Ta
bắt được Úy sử, đúng là trời xui.” Thế rồi gọi viên Úy sử ấy là “Thiên
vương”. Dưới ải truyền tin báo Thiền vu đã dẫn quân lui, quân Hán đuổi
đến biên ải, đoán chừng không kịp, liền bãi binh. Ba vạn quân của bọn Vương
Khôi nghe tin Thiền vu không giao chiến với quân Hán, xét thấy nếu xông sang
đánh xe lương, nhất định sẽ giao chiến với tinh binh của Thiền vu, quân Hán ắt
thua, xét tình hình rồi bãi binh, đều không lập được công gì.
Thiên tử giận Vương Khôi không tiến đánh xe lương của Thiền
vu, tự ý cho quân ngừng chiến. Khôi nói: “Ban đầu ước định giặc vào
thành Mã Ấp sẽ dẫn quân đón đánh Thiền vu, còn thần đánh xe lương của chúng thì
có thể thắng. Nay Thiền vu đã biết tình hình, không đến mà kéo quân về, thần
cho đem ba vạn quân ắt không đánh nổi, chỉ chuốc nhục thôi. Thần vốn biết rút về
sẽ bị chém, nhưng có thể giữ toàn vẹn ba vạn quân sĩ của bệ hạ.” Thế
là Khôi bị giao cho Đình úy. Đình úy phán Khôi lâm trận tránh địch, đáng chém.
Khôi đem ngàn vàng đút riêng cho Thừa tướng Điền Phần. Phần không dám nói với
Hoàng thượng, mà nói với Thái hậu: “Vương Khôi là người đầu tiên tạo ra
việc ở Mã Ấp, nay việc không thành lại giết Khôi, đó là báo thù cho Hung Nô vậy.” Hoàng
thượng triều kiến Thái hậu, Thái hậu đem lời Thừa tướng nói với Hoàng thượng,
Hoàng thượng nói: “Người làm ra sự kiện ở Mã ấp là Khôi, cho nên phát động
mấy chục vạn quân trong thiên hạ, theo lời y mới có việc ấy. Hơn nữa nếu không
bắt được Thiền vu, quân của Khôi đánh vào xe lương của Hung Nô cũng thu hoạch lớn,
có thể an ủi sĩ đại phu. Nay không giết Khôi, không biết lấy gì tạ lỗi thiên hạ.” Khôi
biết chuyện, bèn tự sát.
An Quốc là người hùng tài đại lược, đủ trí tuệ để thích ứng
với đời, lại có lòng trung hậu, nhưng tham của. Người được An Quốc tiến cử đều
là kẻ sĩ liêm khiết, tài năng hơn ông ta. Ở nước Lương, tiến cử Hồ Toại, Tang Cổ,
Chất Đà, đều là danh sĩ trong thiên hạ, cũng vì thế kẻ sĩ khen ngợi và hâm mộ
An Quốc, thiên tử cũng coi là rường cột quốc gia. An Quốc làm Ngự sử đại phu
hơn bốn năm, Thừa tướng Điền Phần chết, An Quốc tạm xử lý sự vụ của Thừa tướng
dẫn đường cho xe vua đi, bị ngã què chân. Thiên tử bàn việc giao chức Thừa tướng,
định giao cho An Quốc, sai sứ đến thăm, thấy chân An Quốc què nặng, bèn thay đổi,
cho Bình Cức hầu Tiết Trạch làm Thừa tướng. An Quốc bị bệnh thôi giữ chức mấy
tháng, chân khỏi, Hoàng thượng lại cho An Quốc làm Trung úy. Được hơn một năm,
chuyển sang làm Vệ úy.
Xa kỵ tướng quân Vệ Thanh đánh Hung Nô, đem quân ra Thượng
Cốc, phá được Hung Nô ở Long Thành. Tướng quân Lý Quảng bị Hung Nô bắt, lại trốn
được; quân của Công Tôn Ngao bị tổn thất lớn, đều đáng chém, cho chuộc tội làm
dân thường. Năm sau, Hung Nô dẫn đại quân xâm phạm biên giới, giết Thái thú
Liêu Tây, đến khi vào Nhạn Môn, giết hại mấy nghìn người. Xa kỵ tướng quân Vệ
Thanh đem quân đi đánh, kéo ra Nhạn Môn. Vệ úy An Quốc làm Tài quan tướng quân,
đồn quân ở Ngư Dương. An Quốc bắt sống tù binh Hung Nô, chúng nói Hung Nô đã
rút xa, liền dâng thư nói hiện đang phải lo việc đồng áng, xin tạm bỏ các đồn
quân. Bãi bỏ đồn quân được hơn tháng, Hung Nô đem đại quân vào Thượng Cốc, Ngư
Dương. Trong quân doanh của An Quốc chỉ có hơn bảy trăm người, ra giao chiến,
không thắng, lại rút vào. Hung Nô cướp được hơn nghìn người cùng gia súc rồi
rút quân. Thiên tử nghe tin, nổi giận, sai sứ đến trách tội An Quốc. Chuyển An
Quốc sang biên giới phía đông, đóng đồn ở Hữu Bắc Bình. Bấy giờ Hung Nô nói sẽ
xâm phạm phía đông.
Ban đầu An Quốc làm Ngự sử đại phu rồi làm Hộ quân, sau dần
bị bài xích, xa lánh, biếm trích; còn những người mới được sủng ái là tướng
quân Vệ Thanh có công, càng được hiển quý. An Quốc đã bị xa lánh, không nghe nhắc
đến; đem quân đóng đồn lại bị Hung Nô khinh thường, tổn thất rất nhiều, tự thấy
hổ thẹn, may được bãi miễn cho vệ chức cũ, lại phải sang đông dời các đồn quân,
trong lòng ấm ức không vui. Được mấy tháng, bị bệnh nôn ra máu rồi chết. An Quốc
mất năm Nguyên Sóc thứ hai.
Thái sử công bàn rằng: Ta với Hồ Toại thẩm định âm
luật, lịch pháp, thấy được đức nghĩa của Hàn Trường Nhụ; trong sâu thẳm đáy
lòng Hồ Toại ẩn chứa niềm trung hậu. Người đời nói nước Lương có nhiều bậc trưởng
giả, quả không phải nói suông! Hồ Toại làm quan đến chức Chiêm sự, thiên tử
đang muốn trông cậy vào, giao làm Thừa tướng triều Hán thì Toại chết. Nếu
không, với sự liêm khiết và đức hạnh đoan chính của Hồ Toại, ông ta sẽ là bậc
quân tử tận tụy với chức vụ vậy.
Chú thích.
[1] Tức sách của Hàn Phi tử.
[2] Một học thuyết triết học cuối thời Chiến
quốc đến đầu thời Hán, chuyên chọn lấy sở trường của các nhà, thâu nạp cả Nho
gia, Mặc gia, Pháp gia...
[3] Tức cô ruột của nhà vua.
[4] Đại hành: chức quan phụ trách việc tiếp đãi
tân khách.
[5] Thuộc quan dưới quyền các Quận ủy ở
các quận vùng biên giới nhà Hán.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét