Thứ Ba, 16 tháng 1, 2024

QUYỂN 107 NGỤY KỲ, VŨ AN HẦU LIỆT TRUYỆN

 

SỬ KÝ II. LIỆT TRUYỆN (QUYỂN HẠ)

Phạm Văn Ánh dịch

 

QUYỂN 107 

NGỤY KỲ, VŨ AN HẦU LIỆT TRUYỆN

Ngụy Kỳ hầu Đậu Anh là con trai anh họ bên ngoại của Hiếu Văn đế. Đời cha là người Quan Tân, thích tân khách. Thời Hiếu Văn đế, Đậu Anh làm Thừa tướng nước Ngô, bị bệnh nên thôi chức. Hiếu Cảnh đế mới lên ngôi, cho làm Chiêm sự[1].

Lương Hiếu vương là em của Hiếu Cảnh đế, được mẹ là Đậu thái hậu yêu quý. Lương Hiếu vương vào chầu, nhân đó anh em cùng yến ẩm. Bấy giờ, Hoàng thượng chưa lập Thái tử, rượu ngà ngà, thản nhiên nói: “Sau khi yên giấc ngàn thu sẽ truyền cho Lương vương.” Thái hậu mừng. Đậu Anh cầm chén dâng lên Hoàng thượng, nói: “Thiên hạ là thiên hạ của Cao tổ, cha con truyền nhau, đó là quy định của nhà Hán vậy, cớ sao Hoàng thượng lại tự ý truyền cho Lương vương!” Từ đấy Thái hậu ghét Đậu Anh. Đậu Anh cũng xem nhẹ chức quan của mình, rồi nhân ốm nên từ chức. Thái hậu loại Đậu Anh khỏi danh sách được ra vào cung, không được hội triều các tiết xuân thu.

Hiếu Cảnh đế năm thứ ba, Ngô, Sở làm phản, Hoàng thượng xét trong tông thất và người họ Đậu không ai hiền năng như Đậu Anh, bèn triệu kiến Anh. Anh vào triều kiến, cố từ chối có bệnh không đủ khả năng nhận chức. Thái hậu cũng thấy hổ thẹn. Thế rồi Hoàng thượng nói: “Thiên hạ đang nguy cấp, vương tôn sao có thể thoái thác được?" Bèn phong Anh làm đại tướng quân, ban cho nghìn cân vàng. Anh bèn tiến cử các danh tướng, hiền sĩ hiện đang sống an nhàn ở nhà như Viện Áng, Loan Bố. Số vàng được ban, Anh để phía dưới hiên, quan lại trong quân đi qua, sai lấy của cải ấy chi dùng, không đem chút vàng nào vào nhà. Đậu Anh giữ Huỳnh Dương, giám sát quân Tề và Triệu. Bảy nước làm phản đều bị đánh tan, phong Anh làm Ngụy Kỳ hầu. Các du sĩ, tân khách đều tranh về với Ngụy Kỳ hầu. Thời Hiếu Cảnh đế, mỗi khi vào triều bàn nghị việc lớn, các chư hầu khác không ai dám tranh hơn với Điều hầu và Ngụy Kỳ hầu.

Hiếu Cảnh đế năm thứ tư, lập Thái tử Lật, sai Ngụy Kỳ hầu làm Thái tử Thái phó. Hiếu Cảnh đế năm thứ bảy, Lật thái tử bị phế truất, Ngụy Kỳ hầu nhiều lần khuyên can nhưng không được. Ngụy Kỳ hầu thác bệnh, ẩn cư mấy tháng dưới núi phía nam Lam Điền, các tân khách, biện sĩ thuyết phục, không ai thuyết phục được. Cao Toại người Lương bèn khuyên Ngụy Kỳ hầu rằng: “Người có thể khiến tướng quân giàu sang là Hoàng thượng, người có thể khiến tướng quân thành thân tín là Thái hậu. Nay tướng quân làm thầy Thái tử, Thái tử bị phế mà không thể can ngăn; can không được lại không thể chết. Tự thác bệnh rồi lui gót, mang theo mỹ nữ nước Triệu, ẩn cư không vào triều. Đem các việc ấy mà bàn, là tự vạch rõ lỗi lầm của chúa thượng. Nếu Hoàng thượng và Thái hậu giận tướng quân, thì vợ con tướng quân cũng chẳng còn.” Ngụy Kỳ hầu cho là phải, bèn ra, lại vào chầu như trước.

Đào hầu bị bãi chức Thừa tướng, Đậu Thái hậu nhiều lần tiến cử Ngụy Kỳ hầu. Hiếu Cảnh đế nói: “Thái hậu há nghĩ thần tiếc không cho Ngụy Kỳ làm Thừa tướng ư? Ngụy Kỳ là người hay hí hửng tự mừng, nhiều việc tỏ ra xem nhẹ, khó làm Thừa tướng, nắm chức trọng yếu được.” Bèn không dùng, mà dùng Kiến Lăng hầu Vệ Oản làm Thừa tướng.

Vũ An hầu Điền Phần là em cùng mẹ với Hiếu Cảnh đế, sinh ở Trường Lăng. Sau khi Ngụy Kỳ hầu đã làm đại tướng quân, đang lúc thịnh, Phần làm quan Lang, chưa hiển quý, thường đến hầu rượu Ngụy Kỳ, quỳ xuống đứng lên như con cháu. Đến khi Hiếu Cảnh đế tuổi cao, Phần ngày càng được hiển quý và sủng ái, làm Thái trung đại phu. Phần giỏi biện luận, học các sách Bàn vu[2], Vương thái hậu cho là hiền năng. Hiếu Cảnh để băng hà, ngay hôm ấy Thái tử lên ngôi, Thái hậu nhiếp chính, kế sách dùng để trấn áp hay vỗ về thiên hạ phần lớn đều từ tân khách của Điền Phần. Em trai Phần là Điền Thắng, đều là em của Vương thái hậu, năm Hậu Nguyên thứ ba đời Hiếu Cảnh đế, phong Phần làm Vũ An hầu, Thắng làm Chu Dương hầu.

Vũ An hầu mới nắm quyền đã mong được làm Thừa tướng, tỏ ra nhún nhường khiêm hạ với tân khách, tiến cử danh sĩ sống ở nhà chưa ra làm quan, khiến họ được hiển quý, muốn nhân đó lấn lướt các tướng võ tướng văn như Ngụy Kỳ hầu. Năm Kiến Nguyên thứ nhất, Thừa tướng là Oản bị bệnh thôi giữ chức, Hoàng thượng nghị bàn việc lập Thừa tướng và Thái úy. Tịch Phúc khuyên Vũ An hầu rằng: “Ngụy Kỳ hiển quý đã lâu, kẻ sĩ trong thiên hạ vốn quy phục ông ta. Nay tướng quân mới hưng khởi, chưa được như Ngụy Kỳ, dù Hoàng thượng muốn phong tướng quân làm Thừa tướng, ngài nhất định phải nhường cho Ngụy Kỳ. Ngụy Kỳ làm Thừa tướng, tướng quân ắt làm Thái úy. Thái úy cũng tôn quý như Thừa tướng, lại có tiếng nhường cho người hiền.” Vũ An hầu bèn khéo léo nói với Thái hậu để đánh tiếng lên Hoàng thượng, thế là Hoàng thượng bên phong Ngụy Kỳ hầu làm Thừa tướng, Vũ An hầu làm Thái úy. Tịch Phúc chúc mừng Ngụy Kỳ hầu, nhân đó nhắc nhở: “Quân hầu tính thích thiện ghét ác; nay người tốt khen ngợi quân hầu, cho nên làm đến Thừa tướng; nhưng quân hầu lại ghét ác, kẻ ác lại đông, cũng sẽ hủy báng quân hầu. Quân hầu có thể khiêm tốn bao dung thì may mắn lâu dài; nếu không sẽ vì lời hủy báng mà thất thế.” Ngụy Kỳ không nghe.

Ngụy Kỳ, Vũ An đều thích Nho thuật, tiến cử Triệu Oản làm Ngự sử đại phu, Vương Tang làm Lang trung lệnh. Đón Thân công nước Lỗ, muốn dựng nhà Minh đường[3], lệnh cho chư hầu ai về nước ấy, bỏ việc thu thuế ở quan ải, dùng lễ chế định pháp độ, hưng khởi lối cai trị của thời thái bình. Kiểm tra, khiển trách người trong tông thất và người họ Đậu không có phẩm đức, khai trừ khỏi dòng họ. Bấy giờ ngoại thích đều làm liệt hầu, liệt hầu nhiều người lấy Công chúa, đều không muốn đến nước phong, vì vậy lời hủy báng đến tai Đậu thái hậu. Thái hậu thích đạo Hoàng Lão, còn bọn Ngụy Kỳ, Vũ An, Triệu Oản, Vương Tang tôn sùng Nho thuật, chỉ trích học thuyết Đạo gia, vì thế Đậu Thái hậu càng không thích bọn Ngụy Kỳ. Đến năm Kiến Nguyên thứ hai, Ngự sử đại phu Triệu Oản đề nghị không tâu việc chính sự với Đông cung. Đậu Thái hậu cả giận, bèn bãi chức và đuổi bọn Triệu Oản, Vương Tang, rồi bãi chức Thừa tướng, Thái úy, lấy Bách Chi hầu Hứa Xương làm Thừa tướng Vũ Cường hầu Trang Thanh Địch làm Ngự sử đại phu. Ngụy Kỳ, Vũ An do đó là liệt hầu nhưng ở nhà.

Vũ An hầu tuy không giữ chức, nhưng nhờ Vương Thái hậu nên được Hoàng thượng tin yêu, nhiều lần kiến nghị chính sự, có hiệu quả, các quan lại cùng kẻ sĩ trong thiên hạ chạy theo thế và lợi, đều bỏ Ngụy Kỳ để theo Vũ An. Vũ An ngày càng kiêu lộng. Năm Kiến Nguyên thứ sáu, Đậu Thái hậu băng hà, Thừa tướng là Xương, Ngự sử đại phu Thanh Địch do không chu đáo trong tang lễ, bị bãi chức. Lấy Vũ An hầu là Phần làm Thừa tướng, lấy Đại tư nông Hàn An Quốc làm Ngự sử đại phu. Kẻ sĩ trong thiên hạ, các Quận thú cùng chư hầu ngày càng theo về Vũ An.

Vũ An mặt nhỏ xấu xí, nhưng xuất thân cực kỳ tôn quý. Lại thêm các vua chư hầu phần nhiều cao tuổi, Hoàng thượng mới lên ngôi, tuổi còn rất trẻ, Phần là tâm phúc nên được làm Thừa tướng ở kinh, cho là không mạnh tay áp chế, dùng lễ để chế phục, thiên hạ không nể sợ. Bấy giờ, Thừa tướng vào tâu việc, ngồi nói hồi lâu, những điều nói ra đều được nghe theo. Người mà Vũ An tiến cử hoặc là bình dân đến hạng hai nghìn thạch, chia bớt quyền lực của chúa thượng. Hoàng thượng bèn nói: “Ông phong cho quan lại đã hết chưa? Ta cũng muốn phong cho quan lại.” Vũ An từng xin chọn đất quan sở để mở rộng dinh thự, Hoàng thượng giận nói: “Sao ông không lấy kho quân giới luôn đi!” Từ đấy về sau mới thôi. Từng triệu tân khách đến uống rượu, để anh trai là Cái hầu ngồi quay về nam, còn mình ngồi quay về đông, cho là Thừa tướng nhà Hán là tôn quý, không thể vì anh mà phải nhún nhường. Vũ An từ đấy càng thêm kiêu căng, sửa nhà to đẹp nhất các phủ đệ. Ruộng vườn cực màu mỡ, xe đi mua bán vật dụng ở các quận huyện cũng nối nhau trên đường. Trước nhà bày chuông trống, dựng cờ cán cong dài, có hàng trăm phòng phía sau dành cho hầu thiếp. Chư hầu dâng vàng, ngọc, chó, ngựa, cùng các thứ thưởng ngoạn, nhiều không kể xiết.

Sau khi Đậu Thái hậu qua đời, Ngụy Kỳ ngày càng bị lạnh nhạt, không được trọng dụng, các tân khách dần rời đi, thậm chí tỏ ra ngạo mạn, chỉ có Quán tướng quân vẫn không khác trước. Ngày ngày Ngụy Kỳ lặng lẽ bất đắc chí, mà cũng chỉ hậu đãi một mình Quán tướng quân.

Quán tướng quân tên là Phu, người Dĩnh Âm. Cha Phu là Trương Mạnh, từng làm Xá nhân cho Dĩnh Âm hầu Quán Anh, được sủng ái, nhân đó làm quan trật hai nghìn thạch, cho nên lấy theo họ Quán, đổi thành Quán Mạnh. Khi Ngô, Sở làm phản, Dĩnh Âm hầu Quán Hà làm tướng quân, thuộc quyền quan Thái úy, tiến cử Quản Mạnh làm Hiệu úy. Phu đem nghìn người cùng cha lên đường. Quán Mạnh tuổi cao, Dĩnh Âm hầu miễn cưỡng dùng, nên ông ta trầm uất bất đắc ý, vì thế khi giao chiến thường đánh vào trận địa kiên cố của địch, rồi chết trong quân Ngô. Theo quân pháp, cha con đều tòng quân, có người chết thì người kia được đưa xe tang về nhà. Quán Phu không chịu theo xe tang về, khảng khái nói: “Xin lấy đầu Ngô vương hoặc đầu tướng địch để báo thù cho cha.” Thế rồi Quán Phu mặc giáp cầm kích, mộ được mấy chục tráng sĩ trong quân vui lòng đi theo. Đến khi ra khỏi phòng lũy, không ai dám tiến, chỉ có hai người cùng mười mấy nô bộc tùy tòng phóng ngựa vào quân Ngô, đến dưới cờ tướng Ngô, giết và làm bị thương mấy chục người. Không tiến được, lại phi ngựa về, chạy vào phòng lũy quân Hán, nô bộc chết hết, chỉ còn một kỵ binh cùng về. Phu thân trúng mười vết thương lớn, may có thuốc tốt vạn lượng, cho nên không chết. Vết thương của Phu dần lành miệng, lại thỉnh cầu với tướng quân rằng: “Tôi rất thông thạo các chỗ quanh co trong phòng lũy quân Ngô, xin cho đi lần nữa.” Tướng quân cho là có đảm lược và nghĩa khí, sợ mất Phu, bèn nói với Thái úy, Thái úy cố ngăn lại. Sau khi quân Ngô bị phá, Quán Phu vì thế nổi danh thiên hạ.

Dĩnh Âm hầu tâu việc của Quán Phu lên Hoàng thượng, Hoàng thượng cho Phu làm Trung lang tướng. Mấy tháng sau, vì phạm pháp bị bãi chức. Về sau, gia đình sống ở Trường An, các nhà công hầu ở Trường An không ai không xưng tụng Quán Phu. Thời Hiếu Cảnh đế, Quán Phu đến nước Đại làm Tướng quốc. Hiểu Cảnh đế băng hà, đương kim Hoàng thượng mới lên ngôi, cho Hoài Dương là đầu mối giao lưu của thiên hạ, chỗ có quân binh hùng mạnh, cho nên dời Phu làm Thái thú Hoài Dương. Năm Kiến Nguyên thứ nhất, vào triều làm Thái bộc. Năm thứ hai, Phu cùng Vệ úy Trường Lạc là Đậu Phủ uống rượu, kẻ uống nhiều người uống ít, Phu say, đánh Phủ. Phủ là anh em của Đậu Thái hậu. Hoàng thượng sợ Thái hậu giết Phu, chuyển Phu làm Tướng quốc nước Yên. Được mấy năm, vi phạm pháp nên bị bãi quan, chuyển nhà về Trường An.

Quán Phu là người cương trực, uống rượu vào thì đổi cả tính nết, không thích ra mặt bợ đỡ. Với các hoàng thân quý thích, các nhà có thế lực từ tầm mình trở lên, nếu không muốn tỏ ra lễ độ, nhất định sẽ lăng nhục; các kẻ sĩ thấp hơn mình, nhất là người nghèo hèn, lại rất cung kính, đối đãi bình đẳng. Đối với chúng dân, tiến cử và yêu quý những kẻ thấp hèn. Kẻ sĩ cũng vì thế càng kính trọng ông ta.

Phu không ưa văn chương học vấn, thích hành hiệp, điều gì đã hứa thì thực hiện bằng được. Những người qua lại với Phu, không ai không phải hào kiệt hoặc cực gian ngoan giảo hoạt. Trong nhà có mấy ngàn vạn, thực khách hằng ngày có mười thậm chí hàng trăm người. Nào xây bờ ao, nào ruộng đất trang viên, tông tộc và tân khách vì tranh quyền đoạt lợi, hoành hành ở Dĩnh Xuyên. Trẻ con ở Dĩnh Xuyên hát rằng: “Dĩnh Thủy trong xanh, họ Quán yên lành; Dĩnh Thủy vẩn đục, họ Quán diệt tộc.”

Quán Phu ở nhà, tuy giàu có nhưng thất thế, các khanh tướng, Thị trung, tân khách ngày càng thưa dần. Đến khi Ngụy Kỳ hầu thất thế, cũng muốn dựa vào Quán Phu, coi đó như khuôn phép để phê phán, khiển trách những người trước ngưỡng mộ mà sau quay lưng với mình. Quán Phu cũng dựa vào Ngụy Kỳ để kết giao với liệt hầu, tông thất nhằm nâng cao thanh danh. Hai người cùng dựa vào nhau, qua lại như cha con, rất hòa hợp vui vẻ, không biết chán, chỉ hận biết nhau quá muộn.

Quán Phu có tang, qua thăm hỏi Thừa tướng, Thừa tướng thong thả nói: “Tôi định cùng Trọng Nhụ qua nhà Ngụy Kỳ hầu, lại gặp lúc Trọng Nhụ đang có tang.” Quán Phu nói: “Tướng quân còn chịu quang lâm nhà Ngụy Kỳ hầu, Phu đâu dám vì có tang mà từ chối! Xin nói Ngụy Kỳ hầu chuẩn bị yến tiệc, sáng mai tướng quân sẽ đến sớm.” Vũ An đồng ý. Quán Phu nói lại mọi chuyện với Ngụy Kỳ hầu như đã nói với Vũ An hầu. Ngụy Kỳ hầu cùng phu nhân mua nhiều thịt bò và rượu, ban đêm vẩy nước quét dọn, chuẩn bị yến tiệc từ tờ mờ đến tận sáng. Mới sáng, lệnh cho môn hạ nghe ngóng để tiếp đón. Đến trưa, Thừa tướng vẫn chưa đến. Ngụy Kỳ hỏi Quán Phu: “Chẳng lẽ Thừa tướng quên sao?" Quán Phu không vui, nói: “Phu có tang mà vẫn nhận lời hẹn, chắc sẽ đến thôi.” Bèn đánh xe, đích thân đến đón Thừa tướng. Thừa tướng bữa trước chỉ đùa Quán Phu, kỳ thực không có ý đi. Khi Phu tới cổng, Thừa tướng hãy còn nằm trên giường. Thế rồi Phu vào gặp, nói: “Hôm qua tướng quân có hứa qua nhà Ngụy Kỳ, vợ chồng Ngụy Kỳ chuẩn bị yến tiệc, từ sáng đến giờ, vẫn chưa dám ăn.” Vũ An kinh ngạc tạ lỗi rằng: “Hôm qua ta say, chợt quên lời đã nói với Trọng Nhụ.” Bèn lên xe đến, nhưng lại đi thong thả, Quán Phu càng thêm giận. Tới khi uống đã ngà ngà, Phu dậy múa mời Thừa tướng, Thừa tướng vẫn ngồi yên, Quán Phu từ chỗ ngồi hướng lên Thừa tướng nói lời mạo phạm. Ngụy Kỳ bèn dìu Quán Phu về, tạ lỗi với Thừa tướng. Thừa tướng vẫn uống rượu đến khuya, vui vẻ hết mức rồi về.

Thừa tướng từng sai Tịch Phúc đòi đất phía nam thành của Ngụy Kỳ. Ngụy Kỳ rất oán, nói: “Kẻ tôi tớ già này dẫu là đồ bỏ đi, tướng quân tuy sang quý, há có thể dùng quyền thế mà cướp được ư!" Không cho. Quán Phu nghe chuyện, giận, mắng Tịch Phúc. Tịch Phúc không thích hai người có hiềm khích, bèn tự bịa những lời tốt đẹp nói với Thừa tướng: “Ngụy Kỳ già sắp chết, tạm nhẫn nhịn, hãy chờ vậy.” Thế rồi Vũ An biết sự thực Ngụy Kỳ và Quán Phu giận không chịu trả ruộng, cũng giận nói: “Con trai Ngụy Kỳ từng giết người, Phần này để cho sống. Phần thờ Ngụy Kỳ, không gì không nghe, sao lại tiếc mấy khoảnh ruộng? Vả lại Quán Phu thì quan hệ gì? Ta không dám đòi hỏi ruộng ấy nữa.” Vũ An từ đấy rất giận Quán Phu và Ngụy Kỳ.

Mùa xuân năm Nguyên Quang thứ tư, Thừa tướng nói Quán Phu, nhà ở Dĩnh Xuyên, hoành hành bạo ngược, làm khổ dân chúng, xin triều đình tra xét. Hoàng thượng nói: “Đó là phận sự của Thừa tướng, còn đề nghị làm gì?” Quán Phu cũng nắm được một số việc ngầm của Thừa tướng, như việc gian dối trục lợi, nhận vàng của Hoài Nam vương và chuyện hai người nói riêng. Tân khách khuyên giải rồi thôi, cùng dàn hòa nhau.

Mùa hè, Thừa tướng lấy con gái của Yên vương làm phu nhân, có chiếu của Thái hậu, triệu liệt hầu và tông thất đều phải đến chúc mừng. Ngụy Kỳ hầu qua nhà Quán Phu, định cùng đi. Phu từ chối, nói: “Phu nhiều lần dựa vào rượu mà thất lễ, đắc tội với Thừa tướng, nay Thừa tướng và Phu còn có hiềm khích.” Ngụy Kỳ nói: “Việc hòa giải rồi.” Ép cùng đi. Uống rượu ngà ngà, Vũ An dậy chúc thọ, mọi người ngồi đó đều rời chiếu lạy. Sau Ngụy Kỳ chúc rượu, chỉ có bạn cũ rời chiếu lạy, quá nửa quỳ ở chiếu. Quán Phu không vui, đứng dậy mời rượu, đến Vũ An, Vũ An quỳ ở chiếu nói: “Không thể uống chén đầy được.” Phu giận, nhân đó cười gượng nói: “Tướng quân là người tôn quý, xin hãy uống hết đi!” Lúc ấy Vũ An không chịu. Mời rượu theo thứ tự, đến Lâm Nhữ hầu, Lâm Nhữ hầu đang ghé tai nói chuyện với Trình Bất Thức, lại không rời khỏi chiếu. Phu không có chỗ trút giận, bèn mắng Lâm Nhữ hầu rằng: “Ngày thường chê Trình Bất Thức không đáng một xu, nay trưởng giả chúc rượu, lại bắt chước đàn bà con gái thầm thì vào tai nhau thế à?” Vũ An nói với Quán Phu: “Trình tướng quân, Lý tướng quân đều là Vệ úy ở đông cung và tây cung, nay sỉ nhục Trình tướng quân trước mặt mọi người, lẽ nào Trọng Nhụ không giữ thể diện cho Lý tướng quân ư?” Quán Phu nói: “Nay chém đầu mổ bụng còn không quan tâm, đâu cần biết Trình với Lý nào!" Mọi người bèn vờ đi tiểu tiện rồi dần ra về hết. Ngụy Kỳ hầu về, gọi Quán Phu cùng về. Vũ An liền nổi giận nói: “Đây là tội ta để Quán Phu kiêu căng.” Bèn sai kỵ sĩ giữ Quán Phu lại. Quán Phu muốn đi cũng không được. Tịch Phúc dậy tạ tội, ấn gáy Quán Phu bảo tạ lỗi. Phu càng giận, không chịu tạ lỗi. Vũ An bèn gọi kỵ sĩ trói Phu lại đưa ra dịch trạm, triệu quan Trưởng sử đến: “Nay triệu người trong tổng thất đến là có chiếu chỉ.” Hạch tội Quán Phu mắng chửi, bất kính với tân khách, sai trói lại giam vào phòng. Rồi tra xét những việc trước đây, sai tiểu lại chia nhau truy bắt thân thuộc họ Quán, đều kết tội chém đầu thị chúng. Ngụy Kỳ hầu cả thẹn, bỏ tiền nhờ tân khách cầu xin, nhưng không ai khuyên giải được. Thuộc lại của Vũ An đều là tai mắt của ông ta, người họ Quán đều phải trốn tránh, Phu bị trói, không sao tố cáo những bí mật của Vũ An được.

Ngụy Kỳ đích thân ra mặt cứu Quán Phu. Vợ Ngụy Kỳ can rằng: “Quán tướng quân đắc tội với Thừa tướng, làm trái chiếu chỉ của Thái hậu, làm sao cứu được?” Ngụy Kỳ hầu nói: “Tước hầu do ta mà được, sẽ do ta mà mất, có gì đáng tiếc. Vả lại cũng không thể để Trọng Nhụ chết, còn Anh này sống một mình được.” Bèn giấu người nhà, lén dâng thư lên Hoàng thượng. Hoàng thượng lập tức triệu vào, Ngụy Kỳ nói ngọn ngành việc Quán Phu làm lúc say rượu, thực không đáng giết. Hoàng thượng cho là phải, ban đồ ăn cho Ngụy Kỳ, nói: “Hãy đến đông cung[4] biện giải việc đó.”

Ngụy Kỳ đến đông cung, ra sức khen chỗ tốt của Quán Phu, nói ông ta say rượu phạm lỗi, rồi bị Thừa tướng đem việc khác đổ tội cho. Vũ An lại ra sức bới móc việc Quán Phu hoành hành ngang ngược, đại nghịch bất đạo. Ngụy Kỳ đoán chừng không biết làm sao, nhân đó kể chỗ kém của Thừa tướng. Vũ An nói: “Thiên hạ may được an lạc vô sự, Phần được làm tâm phúc của Hoàng thượng, chỉ thích âm nhạc, chó ngựa, điền trạch. Thứ mà Phần này thích chỉ là loại phường hát, thợ giỏi, không như Ngụy Kỳ và Quán Phu ngày đêm chiêu tập anh kiệt, tráng sĩ trong thiên hạ đến cùng bàn luận, trong bụng chê bai, trong lòng hủy báng, không ngẩng nhìn lên trời chỉ cúi xuống vẽ dưới đất[5], ngó nghiêng hai cung[6], nếu thiên hạ có biến, thì định lập đại công. Thần thực không biết những việc làm của bọn Ngụy Kỳ.” Thế là Hoàng thượng hỏi các triều thần: “Hai người họ ai phải?" Ngự sử đại phu Hàn An Quốc nói: “Ngụy Kỳ nói việc cha Quán Phu chết, Quán Phu đích thân vác kích phi ngựa vào quân Ngô đầy bất trắc, thân bị hơn chục vết thương, tên tuổi đứng đầu ba quân, đó là tráng sĩ trong thiên hạ, không phải kẻ đại ác, tranh đua lúc chén rượu, không đủ lấy lỗi đó mà giết được. Ngụy Kỳ nói phải. Thừa tướng cũng nói Quán Phu giao du với phương gian tà giảo hoạt, xâm hại dân chúng, trong nhà có đến cự vạn, hoành hành ngông bạo ở Dĩnh Xuyên, khinh khi tông thất, mạo phạm thân thích của Hoàng thượng, đó gọi là cành lớn hơn gốc, bắp to hơn đùi, không bẻ cũng gãy, Thừa tướng nói cũng phải. Xin minh chúa hãy quyết định.” Chủ tước đô úy Cấp Ảm cho là Ngụy Kỳ nói phải. Nội sử Trịnh Đường Thời cho Ngụy Kỳ nói phải, sau không dám nói chắc. Còn lại đều không ai dám nói. Hoàng thượng giận Nội sử, nói: “Ông thường ngày nhiều lần nói chỗ hay chỗ dở của Ngụy Kỳ và Vũ An, nay bàn luận giữa triều đình, lại như con ngựa non ở càng xe[7], ta sẽ chém luôn các ngươi.” Liền bãi triều, vào cung dâng đồ ăn cho Thái hậu. Thái hậu cũng đã sai người nghe ngóng, về nói lại mọi chuyện. Thái hậu giận, không ăn, nói: “Nay ta còn sống mà người ta cùng chà đạp anh em ta, sau khi ta trăm tuổi, ắt đều coi ông ta như cá như thịt[8]. Hơn nữa lẽ nào Hoàng đế lại là phỗng đá! Nay Hoàng đế còn đây mà họ a dua phụ họa nhau, giả sử sau khi Hoàng đế trăm tuổi, những người ấy còn có ai đáng tin cậy không?” Hoàng thượng đáp: “Họ đều là họ ngoại của hoàng tộc, nên triều đình mới bàn nghị, nếu không, việc này chỉ cần viên ngục lại cũng đủ phán quyết rồi.” Bấy giờ tang trung lệnh là Thạch Kiến nói riêng về từng người với Hoàng thượng.

Vũ An đã dự chầu xong, ra ngoài, dừng xe ngoài cổng cung, gọi Hàn ngự sử đại phu lên ngồi cùng xe, giận nói: “Cùng Trường Nhụ đối phó một lão trọc già, sao phải do dự nước đôi thế?” Hồi lâu Hàn ngự sử nói với Thừa tướng: “Sao ngài không cảm thấy vui? Bởi lẽ Ngụy Kỳ hủy báng ngài, ngài nên bỏ mũ, treo ấn mà về, nói: 'Thần là tâm phúc, may được đợi tội, vốn không xứng với chức vị, Ngụy Kỳ nói đều đúng cả.' Như thế, Hoàng thượng ắt khen là biết nhường nhịn, không phế truất ngài. Ngụy Kỳ hẳn trong lòng tự thấy hổ thẹn, đóng cửa cắn lưỡi tự sát. Nay người ta hủy báng, ngài cũng hủy báng lại, ví như đám đàn bà con trẻ buôn bán tranh cãi nhau, sao mà không biết đại thể đến thế?” Vũ An tạ lỗi, nói: “Lúc tranh luận gấp quá, không nghĩ ra cách ấy.”

Thế rồi Hoàng thượng sai Ngự sử dựa vào sổ sách xét những lời Ngụy Kỳ nói về Quán Phu, nhiều chỗ khác nhau, nên bị cho là lừa dối nhà vua, bị đàn hặc rồi trói giam trong ngục Đô tư không. Thời Hiếu Cảnh đế, Ngụy Kỳ từng nhận di chiếu, nói: “Có việc gì bất tiện, tùy nghi tâu lên Hoàng thượng.” Đến khi bị giam, Quán Phu phạm tội đến mức bị giết cả họ, việc ngày càng cấp bách, các quan không ai dám nói lại cho rõ với Hoàng thượng. Ngụy Kỳ bèn sai con em dâng thư nói về việc nhận di chiếu, mong được triệu kiến lần nữa. Thư tâu lên Hoàng thượng, nhưng xem kỹ trong thư không có di chiếu. Chiếu thư được cất ở nhà Ngụy Kỳ, gia thần đóng ấn niêm phong. Bèn khép Ngụy Kỳ vào tội giả di chiếu tiên đế, tội đáng chém đầu ngoài chợ. Tháng Mười năm [Nguyên Quang] thứ năm, luận tội Quán Phu và gia thuộc. Mãi sau Ngụy Kỳ mới biết chuyện, nghe xong cả giận, bị bệnh phong, không ăn định chết. Có người nghe nói Hoàng thượng không có ý giết Ngụy Kỳ, Ngụy Kỳ ăn trở lại, khỏi bệnh, quyết định không xử Ngụy Kỳ tội chết. Lại có lời đồn xấu đến tai vua, nên đến cuối tháng Mười hai, Ngụy Kỳ bị luận tội chém ở chợ tại Vị Thành.

Mùa xuân, Vũ An hầu ốm, chỉ gào lớn xin tạ tội. Bèn sai đồng cốt đến xem quỷ thế nào, thầy đồng thấy Ngụy Kỳ và Quán Phu đang giằng giữ nhau, muốn giết Vũ An hầu. Rồi Vũ An hầu chết, con là Điềm thừa kế. Năm Nguyên Sóc thứ ba, Vũ An hầu mặc quần áo ngắn vào cung, mắc tội bất kính.

Hoài Nam vương là An mưu phản, bị phát giác, trị tội. Hoài Nam vương lần trước vào triều kiến, Vũ An hầu làm Thái úy, khi đến Bá Thượng nghinh đón Hoài Nam vương có nói với Hoài Nam vương rằng: “Hoàng thượng chưa có Thái tử, đại vương là hiền năng nhất, là cháu nội của Cao tổ, nếu Hoàng thượng bằng hà, không phải đại vương lên ngôi thì còn ai nữa!” Hoài Nam vương cả mừng, tặng Vũ An hầu rất nhiều vàng và lễ vật. Hoàng thượng từ việc của Ngụy Kỳ không cho Vũ An là phải, chỉ vì Thái hậu mà thôi. Đến khi nghe việc Hoài Nam vương đút lót vàng, Hoàng thượng nói: “Giả sử Vũ An hầu còn sống, sẽ giết cả họ.”

Thái sử công bàn rằngNgụy Kỳ, Vũ An đều dựa vào thân phận ngoại thích, được quyền cao chức trọng, Quán Phu dùng quyết sách nhất thời mà nổi danh. Ngụy Kỳ được cất nhắc từ loạn Ngô, Sở, Vũ An hiển quý nhờ khoảng mặt trời mặt trăng[9]. Nhưng Ngụy Kỳ thực không biết biến đổi theo thời, Quán Phu vô học lại không biết nhún nhường, hai người che chắn cho nhau, rồi thành tai họa. Vũ An cậy địa vị hiển quý mà thích quyền lực, chỉ vì chén rượu mà trách oán, hãm hại hai người hiền năng. Hỡi ơi thương thay! Giận lây sang người, mệnh mình cũng không được lâu. Mọi người không giúp đỡ, rốt cuộc mang tiếng ác. Hỡi ôi thương thay! Tai họa vì thế mà đến đấy!

 

Chú thích.

 

[1] Chiêm sự: chức quan đặt ra từ thời Tần, quản lý sự vụ trong cung hoàng hậu, thái tử.

[2] Sách gồm 26 thiên, nội dung pha trộn cả tư tưởng của Nho gia, Pháp gia và Mặc gia, tương truyền là do sử quan Khổng Giáp viết ra.

[3] Nhà để tuyên dương chính giáo, cử hành các đại lễ của triều đình.

[4] Đông cung: nguyên văn là "đông triều", chỉ cung Trường Lạc, chỗ ở của Thái hậu.

[5] Ý nói chỉ toan tính những việc ngấm ngầm của mình mà không cần biết đến ai.

[6] Chỉ Thái hậu và Hoàng đế.

[7] Ý nói ba phải, không dám có chủ ý.

[8] Ý nói tùy ý mổ xẻ như con cá, miếng thịt.

[9] Ý nói được hiển quý là nhờ lợi dụng được việc Thái hậu và nhà vua cùng nắm quyền.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét