Thứ Hai, 15 tháng 1, 2024

QUYỂN 103 VẠN THẠCH, TRƯƠNG THÚC LIỆT TRUYỆN

 

SỬ KÝ II. LIỆT TRUYỆN (QUYỂN HẠ)

Phạm Văn Ánh dịch

 

QUYỂN 103 

VẠN THẠCH, TRƯƠNG THÚC LIỆT TRUYỆN

 

Thạch Phấn, Thạch Kiến

Vạn Thạch quân tên là Phấn, cha người nước Triệu, họ Thạch. Nước Triệu mất, rời sang sống ở huyện Ôn. Cao tổ sang đông đánh Hạng Tịch, qua Hà Nội, bấy giờ Phấn mười lăm tuổi, làm tiểu lại, hầu cận Cao tổ. Cao tổ nói chuyện cùng, yêu quý vị Phấn rất cung kính, hỏi rằng: “Nhà mày còn những ai?” Đáp rằng: “Phấn chỉ còn mẹ, bất hạnh mắt mù, nhà nghèo, có chị, biết gảy đàn sắt.” Cao tổ hỏi: “Mày muốn theo ta không?"  Đáp: “Xin tận sức.” Thế là Cao đế triệu chị Phấn, hóa ra là mỹ nhân, cho Phấn làm Trung quyên, phụ trách nhận thư từ danh thiếp, dời nhà Phấn đến làng Thích Lý trong thành Trường An, do chị Phấn là mỹ nhân vậy. Làm quan đến thời Hiếu Văn đế, tích lũy công lao, làm tới Thái trung đại phu[1]. Không có văn tài, nhưng cung kính cẩn trọng không ai sánh bằng.

Thời Văn đế, Đông Dương hầu Trương Tương Như làm Thái tử Thái phó, bị bãi chức. Chọn người có thể giữ chức Thái phó, đều tiến cử Phấn, Phấn được làm Thái tử Thái phó[2]. Khi Hiếu Cảnh đế lên ngôi, phong làm Cửu khanh; Phấn ở gần, Hoàng đế sợ, bèn chuyển Phấn làm Tướng quốc cho chư hầu. Con trưởng của Phấn là Kiến, thứ hai là mỗ, thứ ba là mỗ[3], thứ tư là Khánh, đều đức hạnh thuần hậu, hiếu thuận cẩn trọng, làm quan đến trật hai nghìn thạch. Thế là Cảnh đế nói: “Thạch quân cùng bốn người con đều làm quan đến hạng hai nghìn thạch, bề tôi được tôn sủng đều tập trung ở nhà ông ta.” Phấn được xưng hiệu là Vạn Thạch quân.

Năm cuối thời Hiếu Cảnh đế, Vạn Thạch quân được hưởng lộc Thượng đại phu, về nhà dưỡng lão, hằng năm khi triều hội, lấy tư cách đại thần vào chầu. Qua cổng cung, Vạn Thạch quân ắt xuống xe rảo bước vào, thấy xe vua trên đường đều giữ đúng nghi thức. Con cháu làm tiểu lại, về nhà đến bái yết, Vạn Thạch quân phải mặc triều phục mới gặp, không gọi theo tên. Con cháu có lỗi lầm, không trách mắng, cho ngồi một bên, người ngồi đối diện không cho ăn uống. Rồi sau các con phê bình lẫn nhau, người có tuổi phạm lỗi phải cởi trần tạ tội, sửa đổi, mới được chấp nhận. Con cháu ai đến tuổi đội mũ[4] ở bên cạnh, dẫu ngày thường cũng phải đội mũ, nghiêm cẩn đến thế. Đầy tớ vui vẻ, vâng dạ cẩn trọng. Khi Hoàng thượng ban đồ ăn cho gia đình, ắt dập đầu phủ phục mà ăn, hệt như trước mặt Hoàng thượng. Khi xử lý việc tang, tỏ rõ đau đớn thương xót. Con cháu noi theo dạy bảo, cũng hệt như thế. Gia đình Vạn Thạch quân nhờ hiếu thuận cẩn trọng, nổi tiếng khắp các quận trong nước, dẫu các nhà phẩm hạnh chất phác ở Tề, Lỗ, đều tự cho mình không bằng.

Năm Kiến Nguyên thứ hai, Trung lang lệnh Vương Tang vì văn học mà mắc tội. Hoàng thái hậu cho là nhà nho chuộng văn vẻ mà kém phẩm hạnh, nay nhà Vạn Thạch quân không nói nhiều mà chủ động thi hành, bèn phong con trưởng là Kiến làm Lang trung lệnh, con út là Khánh làm Nội sử.

Kiến già bạc đầu, Vạn Thạch quân còn khỏe mạnh. Kiến làm Lang trung lệnh, cứ làm năm ngày được nghỉ ngơi một ngày, lại về thăm cha, vào phòng kế bên, trộm hỏi người hầu, lấy quần lót cha mặc và bô, tự tay giặt rửa rồi giao cho người hầu, không dám để Vạn Thạch quân biết, coi đó là việc thường. Kiến làm Lang trung lệnh, việc gì cần nói, đuổi hết người bên cạnh, lời nói tận tình, khẩn thiết; đến khi triều kiến, tựa như chưa từng nói gì. Vì thế Hoàng thượng rất tôn trọng, dùng lễ đối đãi.

Vạn Thạch quân chuyển ra ở Lăng Lý. Nội sử Khánh say rượu về nhà, đến cổng ngoài không xuống xe. Vạn Thạch quân hay chuyện, bỏ ăn. Khánh sợ, để trần xin nhận tội, không cho. Cả họ tộc cùng anh là Kiến đều cởi trần thỉnh tội, Vạn Thạch quân trách rằng: “Nội sử là người sang quý, vào cổng làng, trưởng lão trong làng đều chạy đi ẩn, thế mà Nội sử nghênh ngang ngồi xe, phạt thế thỏa đáng!” Bèn dạy bảo rồi tha cho. Khánh cùng các con em vào cổng làng, chạy vội về nhà.

Năm Nguyên Sóc thứ năm, Vạn Thạch quân mất. Con trưởng là Lang trung lệnh Kiến khóc lóc đau đớn, chống gậy mới đi nổi. Hơn năm sau, Kiến cũng chết. Các con cháu đều hiếu thuận, nhưng Kiến hiếu nhất, hơn cả Vạn Thạch quân.

Kiến làm Lang trung lệnh, dâng thư tâu việc, được phê chuẩn rồi chuyển xuống, Kiến đọc bản tấu, nói: “Viết nhầm rồi! Chữ 'mã' (cùng phần đuôi đáng lẽ năm nét, nay viết bốn nét, thiếu một nét, Hoàng thượng trách tội chết mất!” Vô cùng sợ sệt. Ông tính cẩn thận, với việc khác cũng như thế.

Thạch Khánh

Con út Vạn Thạch quân là Khánh làm chức Thái bộc[5], khi ngự giá ra ngoài, Hoàng thượng hỏi trước xe có mấy con ngựa, Khánh cầm roi trỏ từng con xong, giơ tay đáp: “Sáu con ngựa.” Trong số các con, Khánh ít cẩn trọng nhất, mà còn như thế. [Khánh] làm Tướng quốc nước Tề, cả nước Tề đều ngưỡng mộ đức hạnh gia đình ông, không cần nói mà Tề rất yên trị, lập đền thờ gọi là Thạch tướng từ[6].

Năm Nguyên Thú thứ nhất, Hoàng thượng lập Thái tử, chọn bề tôi có thể làm Thái phó, Khánh từ Quận thủ quận Bái phong lên làm Thái tử Thái phó, được bảy năm thăng làm Ngự sử đại phu.

Năm Nguyên Đỉnh thứ năm, mùa thu, Thừa tướng có tội, bị bãi chức. Hạ chiếu cho Ngự sử: “Vạn Thạch quân là người được tiên đế tôn trọng, con cháu hiếu thảo, nay lấy Ngự sử đại phu Khánh làm Thừa tướng, phong làm Mục Khâu hầu.” Lúc này nhà Hán đang xuống phía nam thảo phạt lưỡng Việt[7], sang đông tấn công Triều Tiên, lên bắc truy kích Hung Nô, sang tây đánh Đại Uyển, trong nước nhiều việc. Thiên tử tuân thủ trong nước, sửa sang miếu thần thượng cổ, làm lễ tế trời, đại hưng lễ nhạc. Của cải quốc gia thiếu thốn, bọn Tang Hoằng Dương phụ trách làm lợi cho nước, bọn Vương Ôn Thư giữ luật nghiêm khắc, bọn Nghệ Khoan sùng chuộng văn học, làm quan đến Cửu khanh, thay nhau nắm việc, không cần Thừa tướng quyết định, Thừa tướng chỉ cần trung hậu cẩn trọng mà thôi. Tại vị được chín năm, không nói được gì về việc khuông phò. Thạch Khánh từng muốn xin trị tội cận thần Sở Trung và quan Cửu khanh là Hàm Tuyên, không thể khiến họ nhận tội, trái lại còn bị trách lỗi, phải chuộc tội.

Trong năm Nguyên Phong thứ tư, Quan Đông có hai trăm vạn lưu dân, người không có hộ tịch tới bốn mươi vạn, công khanh bàn nghị, muốn xin dời lưu dân đến biên giới, như bị biếm trích. Hoàng thượng cho rằng Thừa tướng cao tuổi cẩn trọng, không thể cùng bàn nghị, bèn cho Thừa tướng cáo lão hồi hương, rồi xem xét đề nghị của Ngự sử đại phu. Thừa tướng hổ thẹn vì không được bổ nhậm, bèn dâng thư: “Khánh may được làm Thừa tướng để đợi tội, như con ngựa hèn chẳng biết lấy gì giúp cuộc trị lý, thành quách kho lẫm trống không, dân phần nhiều lưu vong, đáng tội búa rìu, Hoàng thượng không nỡ lòng xử tội. Xin trả lại ấn Thừa tướng, ấn phong hầu, đem bộ xương tàn về quê, tránh đường cho người hiền tài.” Thiên tử nói: “Kho lương đã trống, dân nghèo lưu vong, ông lại muốn dời đi, khiến họ lay động không yên, chấn động nguy cấp, mà lại từ chức, ông muốn đổ cái khó cho ai đây?” Hạ chiếu trách Khánh, Khánh rất hổ thẹn, bèn quay lại xử lý chính sự.

Khánh văn nghĩa sâu xa, thẩm xét cẩn thận, nhưng không có mưu lược lớn, không nói được gì cho trăm họ. Hơn ba năm sau, trong năm Thái Sơ thứ hai, Thừa tướng Khánh chết, thụy là Điềm hầu. Con giữa của Khánh là Đức, được Khánh tin yêu coi trọng, Hoàng thượng lấy Đức thừa tự, thay Khánh nối tiếp tước hầu. Sau làm quan Thái thường, phạm pháp bị xử chết, được chuộc tội, bị giáng làm dân thường. Khánh đương làm Thừa tướng, các con cháu có mười ba người làm quan đến hạng hai nghìn thạch. Sau khi Khánh chết, một số bị tội bãi chức, sự hiếu thuận cẩn trọng ngày một suy.

Vệ Oản

Kiến Lăng hầu Vệ Oản, người Đại Lăng đất Đại. Oản nhờ tài điều khiển xe ngựa được làm quan Lang, thờ Văn đế, xét công lao được thăng lên Trung lang tướng, thuần hậu cẩn trọng, chẳng còn gì khác. Hiếu Cảnh đế khi làm Thái tử, triệu thân cận của Hoàng thượng đến uống rượu, còn Oản thác bệnh không đi. Lúc Văn đế sắp mất, dặn Cảnh đế rằng: “Oản là bậc trưởng giả, hãy đối xử tốt với ông ta.” Đến khi Văn đế băng hà, Cảnh đế lên ngôi, hơn năm không trách mắng Oản, Oản ngày càng cẩn trọng.

Cảnh đế ra chơi vườn Thượng Lâm, hạ chiếu Trung lang tướng ngồi cùng xe, trở về hỏi rằng: “Ông biết tại sao được ngồi cùng xe không?” Oản đáp: “Thần từ kẻ đánh xe, may được xét công thẳng lên làm Trung lang tướng, không biết nguyên nhân thế nào.” Hoàng thượng hỏi: “Lúc ta làm Thái tử có triệu ngươi, ngươi không chịu đến là cớ làm sao?” Đáp rằng: “Tội thần đáng chết, thần thực bị ốm!” Hoàng thượng ban kiếm. Oản nói: “Tiên đế ban cho thần sáu thanh kiếm, thần không dám vâng chiếu nhận thêm.” Hoàng thượng nói: “Kiếm, người ta mua đi bán lại, riêng người giữ đến nay chăng?” Oản đáp: “Còn đủ.” Hoàng thượng sai lấy sáu thanh kiếm, kiếm còn trong bao, chưa từng đeo qua. Quan Lang có lỗi, thường phải chịu tội, không được đổ thừa cho tướng quan khác; nếu có công, hay nhường tướng khác. Hoàng thượng cho là liêm chính, trung thực, không có lòng khác, bèn phong Oản làm Thái phó cho Hà Gian vương. Ngô, Sở làm phản, hạ chiếu sai Oản làm tướng, đem quân Hà Gian đi đánh Ngô, Sở có công, phong làm Trung úy. Được ba năm, nhờ quân công, trong năm Tiền Nguyên thứ sáu thời Cảnh đế, phong Oản làm Kiến Lăng hầu.

Năm sau, Hoàng thượng phế truất Thái tử, giết thuộc quan Lật Khanh. Hoàng thượng cho Oản là bậc trưởng giả, không nỡ trị tội, bèn ban cho Oản cáo lão về quê, rồi sai Chất Đô bắt họ Lật trị tội. Xong xuôi, Hoàng thượng lập Giao Đông vương làm Thái tử, triệu Oản về, phong làm Thái tử Thái phó. Lâu sau, thăng làm Ngự sử đại phu. Được năm năm, thay vào hầu Lưu Xá làm Thừa tướng, vào triều tâu việc theo đúng chức trách. Nhưng từ khi mới làm quan đến lúc làm Thừa tướng, trước sau không có gì đáng nói. Thiên tử cho là người đôn hậu, có thể giúp thiếu chúa, tôn sùng ông ta, ban thưởng rất nhiều.

Oản làm Thừa tướng được ba năm, Cảnh đế băng hà, Vũ đế lên ngôi. Trong niên hiệu Kiến Nguyên, Thừa tướng nhân lúc Cảnh đế bị bệnh, tù nhân của đám quan thư nhiều người bị tội lụy, nên bị coi không xứng với chức vị, bị bãi quan. Sau đó Oản chết, con là Tín lên thay, dâng vàng làm tế khí sai lễ chế, bị phế tước hầu.

Trực Bất Nghi

Tái hầu Trực Bất Nghi là người Nam Dương. Làm quan Lang, thờ Văn đế. Cùng chỗ ông ở có người cáo lão về quê, cầm nhầm vàng của quan Lang cùng ở khác, thế rồi người đó phát hiện, định đổ xằng cho Bất Nghi, Bất Nghi tạ lỗi nhận cầm, mua vàng đền. Người cáo lão về quê trở lại trả vàng, viên quan Lang mất vàng trước đây rất hổ thẹn, nhân đó khen Bất Nghi là trưởng giả. Văn đế khen ngợi, từng bước thăng đến Thái trung đại phu. Hội kiến ở triều đình, có người hủy báng: “Bất Nghi tướng mạo rất đẹp, nhưng không hiểu sao khéo trộm cả chị dâu!” [8] Bất Nghi nghe được, nói: “Tôi không có anh trai.” Cuối cùng chẳng tự thanh minh.

Khi Ngô, Sở làm phản, Bất Nghi đang làm quan hạng hai nghìn thạch, cầm quân tiến đánh. Thời Cảnh đế năm Hậu Nguyên thứ nhất, phong làm Ngự sử đại phu. Thiên tử xét công người tham gia dẹp loạn Ngô, Sở, bèn phong Bất Nghi làm Tái hầu. Thời Vũ đế, niên hiệu Kiến Nguyên, cùng Thừa tướng Oản đều vì mắc lỗi nên bị bãi miễn.

Bất Nghi học theo Lão tử, đến chỗ nào cũng làm như các quan thời xưa, chỉ sợ người ta biết sự tích làm quan của mình. Không muốn lập danh tiếng, được khen là trưởng giả. Bất Nghi chết, con là Tương Như lên thay. Cháu nội là Vọng, dâng vàng làm tế khí sai lễ chế, bị mất tước hầu.

Chu Nhân

Lang trung lệnh Chu Văn, tên là Nhân, tổ tiên vốn người Nhậm Thành. Nhờ làm nghề thuốc nên được tấn kiến. Cảnh đế khi là Thái tử, cho làm Xá nhân, tích công thăng dần, đến thời Hiếu Văn đế làm tới Thái trung đại phu. Cảnh đế mới lên ngôi, phong Nhân làm Lang trung lệnh.

Nhân vốn thâm trầm kín đáo, thường mặc áo vá, quần ướt nước tiểu, cho nên không sạch sẽ, nhờ đó được sủng ái. Cảnh đế vào hậu cung, bí mật đùa cợt với cung tần, Nhân thường ở bên. Đến khi Cảnh đế băng hà, Nhân vẫn làm Lang trung lệnh, cũng chẳng có gì đáng nói. Có lần Hoàng thượng hỏi về người khác, Nhân đáp: “Hoàng thượng tự xét xem.” Cũng không hề hủy báng. Vì thế Cảnh đế hai lần đến nhà. Gia đình Nhân chuyển đến Dương Lăng. Hoàng thượng ban tặng rất nhiều, nhưng thường từ chối, không dám nhận. Chư hầu quần thần đưa hối lộ, trước sau không nhận của ai.

Vũ đế lên ngôi, cho là bề tôi của tiên đế, tôn trọng Nhân. Nhân cáo bệnh xin từ chức, được hưởng lộc hai nghìn thạch về quê, con cháu đều làm đại quan.

Trương Âu

Ngự sử đại phu Trương Thúc, tên là Âu, con ngành thứ của An Khâu hậu Trương Duyệt. Thời Hiếu Văn đế, dựa vào thuyết Hình danh, để phụng sự Thái tử. Nhưng Âu tuy theo Hình danh, song lại là bậc trưởng giả. Thời Cảnh đế, được tôn trọng, từng làm quan Cửu khanh. Đến thời Vũ đế, năm Nguyên Sóc thứ tư, Hàn An Quốc bị bãi chức, chiếu phong Âu làm Ngự sử đại phu. Từ khi Âu làm quan, chưa từng nói muốn tra án ai, chuyên lấy sự thành khẩn trung hậu xử lý việc quan. Thuộc quan cho ông là trưởng giả, cũng không dám khinh khi. Tâu trình việc ngục tụng, việc có thể thẩm xét lại thì thẩm xét; việc không thể thẩm xét lại bất đắc dĩ phải chịu, nhỏ lệ rồi đích thân xem xét, niêm phong. Lòng yêu người đến thế đấy.

Tuổi già bệnh nặng, xin từ quan. Thế rồi thiên tử cũng ban chế sách cho nghỉ, cáo lão về nhà hưởng lộc bậc Thượng đại phu. Nhà ở Dương Lăng, con cháu đều làm đại quan.

Thái sử công bàn rằng: Trọng Ni có nói: “Người quân tử muốn trì độn trong lời nói mà mẫn tiếp ở việc làm, là nói về Vạn Thạch, Kiến Lăng, Trương Thúc chăng? Vì thế họ giáo hóa không nghiêm nghị mà thành công, không hà khắc mà an trị. Tái hầu làm quan khôn khéo, còn Chu Văn lại bợ đỡ, bị người quân tử chỉ trích, coi họ gần như xu nịnh. Nhưng như họ có thể gọi là quân tử biết dốc sức vào việc vậy!

 

Chú thích.

[1] Thái trung đại phu: chức quan tương đối lớn, cùng các chức thấp hơn là Trung đại phu và Hạ đại phu đều được dự bàn chính sự, địa vị thấp hơn các quan khanh.

[2] Thái tử Thái phó: chức quan phụ trách việc dạy dỗ, phò tá cho Thái tử.

[3] Mỗ: không nói rõ tên hai người này.

[4] Tức tuổi hai mươi.

[5] Thái bộc: chức quan phụ trách về xe ngựa cho nhà vua.

[6] Thạch tướng từ: đền thờ Tướng quốc họ Thạch.

[7] Tức Nam Việt và Đông Việt, tương ứng với tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Phúc Kiến ngày nay.

[8] Ý nói Bất Nghi tư thông với chị dâu, nhưng sau, Bất Nghi nói mình không có anh, không có anh thì không có chị dâu, đó thực ra cũng là một cách thanh minh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét