Thứ Hai, 15 tháng 1, 2024

QUYỂN 102 TRƯƠNG THÍCH CHI, PHÙNG ĐƯỜNG LIỆT TRUYỆN

 

Sử Ký II. Liệt Truyện (quyển Hạ)

Phạm Văn Ánh dịch

QUYỂN 102 

TRƯƠNG THÍCH CHI, PHÙNG ĐƯỜNG LIỆT TRUYỆN


Trương Thích Chi

Đình úy Trương Thích Chi, người Đổ Dương, tự là Quý. Sống cùng anh trai là Trọng. Nhờ có của cải nên được làm Kỵ lang[1], thờ Hiếu Văn đế, mười năm không được thăng chức, không có gì để người ta biết tiếng. Thích Chi nói: “Làm quan lâu hao tài sản của anh, không được thỏa ý.” Định xin từ chức về nhà. Trung lang tướng Viên Áng biết Thích Chi là hiền năng, tiếc nếu Chi đi, bèn xin chuyển Thích Chi bổ dụng làm Yết giả[2]. Thích Chi triều kiến xong, nhân đó tiến lên nói những việc nên làm. Văn đế bảo: “Thấp xuống chút, chớ bàn luận cao quá, làm sao để thời nay có thể thi hành được.” Thế là Thích Chi nói những việc thời Tần, Hán, nguyên nhân khiến Tần mất Hán hưng, nói một hồi lâu. Văn đế khen ngợi, bèn phong Thích Chi làm Yết giả bộc xạ[3].

Thích Chi theo xuất hành, lên vườn nuôi hổ. Hoàng thượng hỏi quan Úy vườn Thượng Lâm về sổ sách ghi chép các loài cầm thú, hỏi hơn mười việc, quan Úy nhìn trái ngó phải, đều không trả lời được. Viên Sắc phu[4] coi vườn hổ đứng cạnh viên Úy trả lời Hoàng thượng rất tường tận về sổ sách ghi chép các loài cầm thú, qua đấy để thấy y có tài ứng đối xuất sắc. Văn đế nói: “Quan lại mà không được thế ư? Viên Úy kia không trông cậy được?” Bèn hạ lệnh cho Thích Chi phong viên Sắc phu làm Thượng Lâm lệnh. Thích Chi lâu sau tiến lên hỏi: “Bệ hạ thấy Giáng hầu Chu Bột là người thế nào?" Hoàng thượng đáp: “Trưởng giả[5]  vậy.” Lại hỏi: “Đông Dương hầu Trương Tương Như là người thế nào?” Hoàng thượng lại đáp: “Trưởng giả.” Thích Chi nói: “Xét Giáng hầu, Đông Dương hầu đáng xưng tụng là trưởng giả, hai người này lúc bàn việc cứ lắp ba lắp bắp, lẽ nào học theo viên Sắc phu thao thao bất tuyệt ư? Vả nhà Tần dùng những viên thư lại, chỉ tranh làm sao cho nhanh, coi việc hà khắc, cốt so cao thấp, nhưng điều tệ của chúng là chỉ có văn suông thôi, thực chất không có lòng trắc ẩn. Vì thế chưa từng nghe đến lỗi của chúng, [thế mà] ngày càng suy bại, đến Tần Nhị thế, thiên hạ sụt như đất lở. Nay bệ hạ thấy viên Sắc phu có tài ăn nói mà phong vượt bậc, thần sợ thiên hạ hùa theo, tranh nói cho giỏi mà không trọng thực chất. Và lại dưới bắt chước trên nhanh như cái bóng và tiếng vang, dùng người không thể không xét thật kỹ.” Văn để nói: “Phải.” Bèn thôi, không phong cho viên Sắc phu ấy nữa.

Hoàng thượng lên xe, triệu Thích Chi ngồi cùng, đi chầm chậm, hỏi Thích Chi những mối tệ của nhà Tần. [Thích Chi] đều tình thực trả lời. Đến cung, Hoàng thượng phong Thích Chi làm Công xa lệnh[6].

Không lâu sau, Thái tử và Lương vương cùng ngồi xe vào triều, đến cửa Tư mã không xuống xe, thấy vậy Thích Chi đuổi theo ngăn Thái tử và Lương Vương, không cho vào cổng điện. Rồi hạch tội bất kính đến cửa Tư mã không chịu xuống xe, tâu lên triều đình. Bạc thái hậu biết chuyện, Văn đế cởi mũ tạ lỗi: “Con dạy con cái không nghiêm.” Bạc Thái hậu bèn sai sứ mang chiếu đến xá tội cho Thái tử và Lương Vương, sau đó cho vào cùng. Văn đế vì thế cho Thích Chi là người kỳ lạ, phong làm Trung đại phu[7].

Một thời gian sau, làm đến Trung lang tướng[8]. Theo hoàng thượng đến Bá Lăng, tới phía bắc lăng mộ dõi trông ra xa. Khi ấy Thận phu nhân đi theo, Hoàng thượng chỉ đường Tân Phong cho Thận phu nhân, bảo rằng: “Đường này đến Hàm Đan đó.” Sai Thận phu nhân đánh đàn sắt, Hoàng thượng nương tiếng đàn mà hát, tình ý thảm đạm bị thương, quay lại bảo quần thần rằng: “Ôi chao! Lấy đá núi phía bắc làm quách, dùng sợi gai sợi tơ để lót, dùng sơn chít các khe, há có thể động vào được?” Tả hữu đều nói: “Phải.” Thích Chi tiến lên rằng: “Nếu bên trong có thứ người ta muốn, dẫu kiên cố như núi Nam vẫn có kẽ hở; nếu bên trong không có thứ người ta muốn, dẫu không có đá có quách, sao phải lo?” Văn để khen phải. Rồi sau, phong Thích Chi làm Đình úy[9]

Thời gian sau, Hoàng thượng xuất hành qua cầu Trung Vị, có người từ dưới cầu chạy ra, khiến ngựa kéo xe kinh sợ. Liền sai kỵ mã bắt, giao cho Đình úy. Thích Chi thẩm vấn, hắn nói: “Tôi người huyện này, đến đây, nghe lệnh cấm đường, ẩn mình dưới cầu. Hồi lâu, cho là vua đã đi qua, liền chạy ra, thấy xe ngựa kỵ mã, vội bỏ chạy.” Đình úy tâu lên, một người phạm lệnh cấm đường, đáng phạt tiền. Văn đế giận nói: “Người này làm ngựa của ta kinh sợ, may ngựa của ta thuần tính nhu hòa, nếu ngựa khác, chẳng phải đã làm tổn thương đến ta sao? Thế mà Đình úy xử tội phạt tiền?” Thích Chi nói: “Pháp luật, thiên tử và thiên hạ đều tuân thủ như nhau. Nay pháp luật quy định như thế mà xử nặng thêm, dân sẽ không tin nữa. Vả lại lúc ấy, Hoàng thượng giết ngay thì thôi. Nay đã giao cho Đình úy, Đình úy là cán cân công bằng thiên hạ, nếu nghiêng một bên, thiên hạ dùng pháp luật đều biến nhẹ thành nặng, dân biết đặt chân tay vào đâu nữa? Xin bệ hạ xét kỹ cho.” Lâu sau, Hoàng thượng nói: “Đình úy xử thế là phải.”

Về sau, có người trộm vòng ngọc trước bệ thờ Cao miếu[10], bị bắt, Văn đế tức giận, giao Đình úy trị tội. Thích Chi chiếu theo luật xử tội trộm đồ phục sức ở tông miếu, tâu tội đáng chém giữa chợ. Hoàng thượng cả giận nói: “Người này vô đạo, dám trộm đồ tông miếu tiên đế, ta giao Đình úy, là muốn xử cả họ y, vậy mà ông dựa pháp luật tấu lên, đó không phải tỏ ý sùng kính tông miếu của ta.” Thích Chi cởi mũ dập đầu tạ tội: “Theo luật xử thế là đủ. Và cũng tội chết, nhưng chia ra nghịch thuận khác nhau. Nay trộm đồ trong tông miếu mà giết cả họ, vạn nhất có ngu dân nào lấy ít đất ở Trường Lăng[11], bệ hạ lấy gì xử nặng thêm được?” Hồi lâu, Văn đế và Thái hậu mới lên tiếng, cho Đình úy xử lý thỏa đáng. Bấy giờ, quan Trung úy Điều hầu Chu Á Phu và Tướng quốc nước Lương là Sơn Đô hầu Vương Điềm Khai thấy Thích Chi chấp pháp công bằng, bèn kết làm bạn thân. Trương Đình úy nhờ đó được thiên hạ khen ngợi.

Sau, Văn đế băng hà, Cảnh đế lên ngôi, Thích Chi sợ, thác bệnh. Muốn từ chức về nhà, sợ bị giết đến nơi; định yết kiến tạ tội nhưng chưa biết làm cách nào. Theo kế của Vương Sinh, rốt cục được yết kiến tạ tội, Cảnh đế không bắt lỗi.

Vương Sinh giỏi về học thuyết Hoàng-Lão, là ẩn sĩ. Sinh từng được triệu vào triều, tam công Cửu khanh đều đông đủ, Vương Sinh cao tuổi, nói: “Giày tôi tuột”, quay lại bảo Trương Đình úy: “Buộc giày giúp tôi?” Thích Chi quỳ xuống buộc dây giày cho. Sau, có người bảo Vương Sinh: “Sao ông làm nhục Trương đình úy giữa triều đình, sai quỳ buộc dây giày thế?” Vương Sinh đáp: “Tôi già cả lại hèn hạ, tự xét trọn đời cũng chẳng ích gì cho Trương Đình úy. Nay Trương Đình úy là danh thần thiên hạ, tôi cố ý làm nhục Đình úy, khiến quỳ buộc dây giày, muốn làm ông ấy được coi trọng đó.” Các công khanh biết chuyện đó, cho Vương Sinh hiền năng, lại càng coi trọng Trương Đình úy.

Trương Đình úy thờ Cảnh đế hơn năm, làm Tướng quốc cho Hoài Nam vương, do trước có lỗi với Cảnh đế. Lâu sau, Thích Chi chết, con là Trương Chí, tự Trưởng Công, làm quan đến Đại phu, bị bãi chức. Do không thể làm vui lòng người quyền quý đương triều, nên trọn đời không làm quan nữa.

Phùng Đường

Phùng Đường, ông nội là người Triệu. Cha sang ở đất Đại. Nhà Hán nổi lên lại rời đến An Lăng. Đường nổi tiếng hiếu thuận, làm Trung lang thị trưởng, thờ Văn đế. Văn đế đi xe qua, hỏi Đường rằng: “Cụ sao còn làm quan Lang? Nhà cụ ở đâu?" Đường cứ tình thực trả lời. Văn đế nói: “Lúc ta ở đất Đại, quan coi việc ăn uống cho ta là Cao Khư nhiều lần nói về sự hiền năng của tướng quân nước Triệu là Lý Tề, từng đánh trận dưới thành Cự Lộc. Nay mỗi khi ta dùng cơm, tâm ý không lúc nào không để ở Cự Lộc. Cụ biết người đó không?" Đường đáp rằng: “Cũng chưa bằng Liêm Pha, Lý Mục làm tướng đâu.” Hoàng thượng hỏi: “Tại sao?” Đường đáp: “Ông thần lúc làm quan ở Triệu, thống lãnh các tướng, thân với Lý Mục. Cha thần vốn là Tướng quốc nước Đại, thân với tướng Triệu là Lý Tề, do đó biết ông ta là người thế nào.” Hoàng thượng từng nghe nói về Liêm Pha, Lý Mục là người thế nào, rất thích thú, liền vỗ đùi nói: “Ôi chao! Riêng ta không có được Liêm Pha, Lý Mục làm tướng, nếu có, ta há lo giặc Hung Nô ư?” Đường nói: “Bệ hạ dẫu có Liêm Pha, Lý Mục cũng không thể dùng được đâu.” Hoàng thượng nổi giận, đứng dậy đi vào trong cung. Lâu sau, triệu Đường đến trách: "Sao ông làm nhục ta trước đám đông, không có chỗ khác để nói à?” Đường tạ lỗi rằng: “Kẻ bỉ lậu này không biết kiêng kỵ.”

Lúc bấy giờ, Hung Nô mới kéo đại quân vào Triều Na, giết Đô úy Bắc Địa là Ngang. Hoàng thượng lo lắng về việc giặc Hồ, cuối cùng hỏi Đường: “Sao ông biết ta không thể dùng được Liêm Pha, Lý Mục?” Đường đáp rằng: “Thần nghe nói vương giả thời thượng cổ khiển tướng, quỳ gối đẩy xe, nói rằng việc trong triều quả nhân xử trí, việc ngoài triều tướng quân xử trí. Việc quân công tước thưởng đều quyết định bên ngoài, về mới tâu. Đó không phải nói suông vậy. Ông nội thần nói, Lý Mục làm tướng nước Triệu ở biên giới, thuế thu được từ chợ trong quân đều nuôi quân sĩ, việc ban thưởng do tướng bên ngoài quyết định, triều đình không can thiệp. Giao trọng trách và đòi hỏi thành công, nên Lý Mục mới được dốc hết trí tuệ, chọn lấy một nghìn ba trăm cỗ xe, một vạn ba nghìn kỵ binh giỏi cung nỏ, mười vạn quân sĩ thiện chiến, để phía bắc truy kích Thiền vu, phá Đông Hồ, diệt Đạm Lâm, phía tây khống chế Tần hùng mạnh, phía nam trợ giúp Hàn, Ngụy. Lúc bấy giờ, Triệu như muốn xưng bá. Về sau, Triệu vương Thiên lên ngôi, mẹ là con hát. Triệu vương Thiên lên ngôi, liền nghe sàm tấu của Quách Khai, chém chết Lý Mục, sai Nhan Tụ thay thế. Cho nên quân tan tướng chạy, bị Tần bắt giết. Nay thần trộm nghe Ngụy Thượng làm Quận thú Vân Trung, tô thuế ở chợ trong quân lấy hết nuôi quân sĩ, xuất bổng lộc riêng, năm ngày giết một con trâu, thết đãi tân khách cùng quân lại và xá nhân, khiến Hung Nô lánh xa, không dám gần biên giới Vân Trung. Giặc từng xâm nhập một lần, Thượng thống lãnh xa kỵ tiến đánh, giết được rất nhiều. Xét sĩ tốt đều là con em dân thường, xuất thân đồng ruộng rồi tòng quân, đâu biết sổ sách ghi quân lệnh quân công là gì. Suốt ngày ra sức chiến đấu, chém đầu giặc bắt tù binh, dâng công lên quan tướng, một lời không phù hợp, bọn văn lại dùng pháp luật chế ước. Đáng thưởng không thưởng, lại tin dùng bọn quan lại dùng phép tắc chế ước. Thần ngu muội, cho là pháp lệnh của bệ hạ quả nghiêm minh, thưởng quá ít, phạt quá nặng. Vả lại Quận thú Vân Trung là Ngụy Thượng báo công vì thiếu sáu thủ cấp địch, bệ hạ giao quan xử lý, bỏ tước phong, xử một năm lao dịch. Từ đó mà nói, bệ hạ dẫu có Liêm Pha, Lý Mục, cũng không thể dùng được. Thần thực ngu muội, phạm chỗ cấm kỵ tội chết, tội chết!” Văn đế rất vui. Ngay hôm ấy, lệnh cho Phùng Đường cầm phù tiết xá tội cho Ngụy Thượng, phục chức Quận thú Vân Trung, phong Đường làm Xa kỵ đô úy, quản các Trung úy và quân chiến xa các quận trong nước.

Bảy năm sau, Cảnh đế lên ngôi, phong Đường làm Tướng quốc nước Sở, rồi lại bãi chức. Vũ đế lên ngôi, cầu người hiền lương, cất cử Phùng Đường. Đường bấy giờ đã trên chín mươi tuổi, không thể làm quan được nữa, bèn lấy con trai Đường là Phùng Toại làm quan Lang. Toại tự là Vương Tôn, cũng là kỳ sĩ, bạn thân của ta.

Thái sử công bàn rằng: Trương Quý bàn về trưởng giả, giữ pháp độ không dua theo ý nhà vua; Phùng công luận việc khiến tướng, rất có ý vị, rất có ý vị! Ngạn ngữ nói: “Không biết người nào, hãy xem bạn họ.” Việc hai người được xưng tụng, có thể khiến triều đình rạng rỡ. Kinh Thư viết: “Không thiên tư không kết đảng, đạo của nhà vua rộng rãi, không kết đảng không thiên tư, đạo của nhà vua công bằng.” [12] Trương Quý, Phùng công gần được thế vậy.

 

Chú thích.

[1] Kỵ lang: tức quân kỵ binh, đặt dưới quyền chỉ huy của Kỵ lang tướng, có nhiệm vụ tùy tùng, bảo vệ nhà vua.

 [2] Yết giả: chức quan hầu cận, làm nhiệm vụ truyền đạt mệnh lệnh của nhà vua.

[3] Yết giả bộc xạ: trưởng quan của quan Yết giả, hưởng trật một nghìn thạch.

[4] Một chức tiểu lại.

[5] Đương thời, từ "trưởng giả" thường dùng để chỉ người có tài năng và đức độ.

[6] Công xa lệnh: chức quan đảm trách việc phòng vệ trong cung.

[7] Trung đại phu: cùng Thượng đại phu, Hạ đại phu, là các chức quan khá cao, được dự bàn chính sự, địa vị thấp hơn các quan khanh.

[8] Trung lang tướng: Võ quan, hưởng trật hai nghìn thạch, địa vị thấp hơn các tướng quân.

[9] Đình úy: một trong các chức quan thuộc hàng cửu khanh, nắm về việc hình ngục.

[10] Cao Hiếu: miếu thờ Hán Cao tổ (Lưu Bang).

[11] Trường Lăng: lăng mộ của Hán Cao tổ Lưu Bang (sau Lữ hậu cũng được hợp táng tại đây).

[12] Trích từ thiên "Hồng phạm" của Kinh Thư [Thượng thư].

 

Nguồn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét