Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2023

VĂN CHƯƠNG NÓ BẠC LẮM...

 "VĂN CHƯƠNG NÓ BẠC LẮM..."

Nguyễn Tường Thiết.

Tôi quen biết nhà văn Nguyễn Huy Thiệp do duyên văn nghệ. Vào những năm cuối của thế kỷ trước tôi đọc nhiều truyện của anh và tôi rất thích. Theo tôi anh là nhà văn xuất sắc nhất của Việt Nam trong thời kỳ “đổi mới”. Vì vậy năm 2006 khi tôi xuất bản ở Hoa Kỳ cuốn sách “Nhất Linh Cha Tôi” vào dịp 100 năm ngày sinh của ông Cụ tôi (25/7/2006) tôi mang một số sách về Hà Nội với chủ đích tìm gặp anh để tặng sách. Trong lần về nước này không những tôi được gặp anh Thiệp mà tôi còn có dịp tiếp xúc với những nhà văn khác cùng một số người trong giới trí thức Hà Nội và tôi có ghi lại những cuộc gặp gỡ đó trong hồi ký mang tên “Một Trăm Ngọn Nến”.

Mới tháng trước đây vào dịp Tết Tân Sửu cuốn sách thứ hai của tôi “Căn Nhà An Đông của Mẹ Tôi” được ấn hành ở Việt Nam. Trong sách đó có bài “Một Trăm Ngọn Nến” ghi lại cuộc gặp gỡ của tôi với anh và các nhà văn khác ở Hà Nội. Tuần lễ trước tôi còn hy vọng anh đã đọc bài đó, nhưng bây giờ thì tôi biết chắc là anh chưa đọc. Bởi vì qua báo mạng tôi mới được biết anh bị đột quỵ từ tháng 3 năm 2020, từ đó anh chỉ nằm trên giường hoặc ngồi dựa, tất cả tùy thuộc vào vợ con; nhưng từ khi vợ anh qua đời cuối năm ngoái thì tinh thần anh suy sụp hẳn.
Để tưởng nhớ anh tôi xin trích một đoạn trong bài “Một Trăm Ngọn Nến”.



Tôi nhìn ra hồ Tây phía xa. Trong rặng cây xanh bên kia bờ nổi bật mái đỏ của hai gian nhà lớn hai từng. Thấy tôi nhìn phía bên kia hồ cụ Từ chỉ tay về phía ấy nói:
– Bên ấy là làng Thụy Khuê. Rặng cây xanh là vườn Bách Thảo. Hai cái nhà lớn mái đỏ kia là trường Bưởi.
– Thế hả cụ? Cháu cứ nghe mãi tên trường Bưởi bây giờ mới biết nó ở đấy đấy.
Trường Bưởi, cái tên rất thân quen. Chu Văn An ngàn đời treo gương sáng… anh tôi vẫn cất tiếng hát, bài hát của ngôi trường một thuở nào xa xôi anh đã từng in dấu.
Trường Bưởi, cùng với sóng nước hồ Tây, đã đi vào văn chương. Tôi mê đoạn văn sau đây, nhớ mãi. Có thật chăng một cuộc tình não nùng đã từng nẩy nở bên kia bờ nước, sau lùm cây, trên bãi cỏ, phía góc trường kia?
“Hai mươi năm đã qua… Quanh hồ đủ thứ đã đổi thay, song thần thái của hồ vẫn là muôn thuở. Vẫn mênh mang thế, vẫn bình yên, thong dong, lãng đãng thế và say đắm thế. Với sương mờ ban mai. Với vừng ráng chiều tà. Với rặng núi xa. Kiên chưa lần nào vào lại sân trường xưa để vòng sau nhà bát giác tới lùm cây ấy, bãi cỏ ấy. Anh chỉ từ rất xa, mé đường Thanh Niên mà nhìn về góc trường đó, mặt hồ dường như ngước nhìn anh bằng đôi mắt lấp lánh màu nâu của Phương, với vẻ kỳ diệu và nỗi ngậm ngùi của tuổi thơ ấu, của tình yêu đã đi qua, đã xa vời vợi. Và những chiều ngồi bên hồ bao giờ anh cũng ngồi nán lại cho đến khi vừng ráng chỉ còn đọng lại một ngấn đỏ chạy ngang trời. Ấy là ánh hồi quang của cái đêm hai mươi năm trước, bên bờ hồ, sau lùm cây, trên bãi cỏ, phía góc trường…Sóng hồ dập dềnh, ì oạp vỗ vào bờ cỏ. Xa xa, từ chỗ pháo đội cao xạ chốt nổi trên đám bèo neo sâu trong hồ một hồi kẻng khuya chậm rãi dóng lên. Vị thần bảo hộ cứu tinh cho sự trong trắng và trong sạch của đôi bạn, chẳng phải ai khác ngoài chính họ. Gió thở dài. Im lặng lan xa. Hai người như thể vừa từ đáy nước nổi bồng lên để rồi bị cuốn dạt ra mỗi ngả…”(Bảo Ninh – Thân phận tình yêu).
Gió… không thở dài ở đây, bây giờ, mà lồng lộng thổi từ mặt hồ Tây mênh mang phía trước.
Ngày hôm qua tôi nói với Bảo Ninh ngồi đối diện tôi nơi một bàn tiệc:
– Tôi có đọc truyện Nỗi buồn chiến tranh của anh. Không khí truyện này rất lôi cuốn khiến tôi đọc mà muốn ngộp hơi. Đọc xong tôi hiểu vì sao anh bị giằng co trong sự lựa chọn giữa hai nhan truyện “Nỗi buồn chiến tranh” và “Thân phận tình yêu”. Tôi thích nhan đề sau hơn, có lẽ bởi vì tôi bị mê hoặc bởi những đoạn anh viết về những cuộc tình hơn là những đoạn anh viết về cuộc chiến, tôi thích style văn rất mới của anh, cái lãng mạn trong văn phong anh, không phải cái lãng mạn trữ tình êm đềm kiểu Tự Lực Văn Đoàn mà là thứ lãng mạn chua xót và đớn đau. Tôi cho rằng mình đã đọc một truyện rất hay về cuộc chiến tranh mà anh với tôi đã cùng trải qua và trực tiếp dự phần, từ hai phía đối nghịch.
Bên kia bàn Bảo Ninh, trẻ hơn tôi đúng một giáp, mái tóc đã điểm sương bồng lên bù xù, hàng râu quặp trên mép, nhận lời khen của tôi một cách trịnh trọng, hơi kiểu cách: anh nắm chặt hai bàn tay vào nhau để phía trước ngực khẽ cúi đầu nói nhỏ “đa tạ!”.
Trong lúc ăn Bảo Ninh luôn tay với chai rượu whiskey rót thêm vào cốc đưa lên miệng uống. Chả mấy chốc chai thứ hai đã được khui. Bàn tiệc có sáu bảy người. Một mình anh ta có lẽ đã tiêu thụ nguyên gần một chai rượu mạnh.
Ngồi bên trái tôi, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp yên lặng gắp đồ ăn, anh ăn nhỏ nhẹ không đụng tới một giọt rượu.
Bảo Ninh uống. Hết ly này đến ly khác. Mắt anh có một lúc rời tôi nhìn người ngồi cạnh tôi bên phải. Cặp mắt đã mờ say của anh ánh lên một tia nhìn dịu và đằm thắm, hẳn cũng là cái nhìn của nhân vật Kiên với những người nữ trong Nỗi buồn chiến tranh của anh.

Bên cạnh tôi là Đỗ Hoàng Diệu một nhà văn nữ rất trẻ, tác giả một quyển truyện nổi tiếng “Bóng Đè”.
Tiệc tàn. Tôi hơi say. Cả bàn có lẽ chỉ có hai người không đụng tới rượu là Nguyễn Huy Thiệp và Đỗ Hoàng Diệu.
Nguyễn Huy Thiệp quay qua tôi hỏi:
– Để tôi chở anh về. Anh có bận gì không?
– Không.
Anh ghé nói nhỏ vào tai tôi:
– Nhà anh Tô Hoài rất gần đây. Mình ghé thăm anh một lát rồi tôi chở anh về nhà tôi chơi…
Nơi mé hồ gần bờ hướng chùa Trấn Quốc có một người đang bơi, cái đầu chồi ngụp trên mặt sóng. Hình ảnh bố tôi bơi với chú Đinh Hùng lại thoáng trong trí.
Bố tôi đã ra đi bốn mươi ba năm trước… như con bướm trắng bay đi không trở lại. Nếu còn sống thì hôm nay là sinh nhật thứ 100 chúng tôi đã thắp một trăm ngọn nến trên chiếc bánh sinh nhật của ông.
Tôi đứng dậy nhìn đồng hồ tay. Nhớ tới cái hẹn tại nhà anh Nguyễn Huệ Chi tôi nói với cụ Từ xin kiếu về.
Bước ra khỏi đình Yên Phụ tôi ngoái nhìn phía trước căn nhà cây liễu một lần cuối rồi đi rẽ về phía cổng làng.
Mặc dù không dặn nhưng khi bước qua khỏi cổng làng tôi đã thấy bác lái xe ôm ban sáng ngồi chờ tôi dưới một gốc cây. Thấy tôi bác lật đật đứng lên vứt điếu thuốc xuống lề đường. Lúc nẫy tôi đã định bụng không về ngay khách sạn mà tản bộ một lát trên đường Cổ Ngư, nhưng thấy bác ta chờ từ sáng tội nghiệp, tôi đổi ý và để bác ta chở về. Ngồi sau lưng bác tài trên chiếc xe hai bánh chạy ngược trên đường Thanh Niên tôi nhớ ngày hôm qua tôi ôm eo Nguyễn Huy Thiệp trên chiếc xe gắn máy của anh ta và hình như cũng chạy qua con đường này. Không có ý niệm về đường phố ở Hà Nội tôi không biết anh Thiệp đã chở tôi đi những đâu, qua những con phố nào, chỉ biết là anh chở tôi đi xa lắm tôi ngồi lâu trên xe ê cả mông đít.
Từ nhà hàng ăn chúng tôi đến thăm nhà văn lão thành Tô Hoài, tác giả của tập truyện Dế mèn phiêu lưu ký tôi đã mê say đọc từ hồi còn nhỏ. Anh Thiệp sau đó chở tôi đến phố Hàng Trống thăm một xưởng tranh hình như là của người con anh. Chiều đến anh chở tôi về nhà anh ở vùng ngoại thành Hà Nội rất xa khu trung tâm thành phố. Khi chiếc xe rời con đường chính vào một con ngõ tôi đinh ninh sắp đến nhà anh. Nhưng không. Xe còn đi lâu lắm rẽ qua không biết bao nhiêu con ngõ rắc rối rồi cuối cùng mới dừng lại trước căn nhà có bờ tường rêu bao quanh và có cổng gỗ kiến trúc giống như cổng một mái chùa hay một ngôi đình làng.
Nguyễn Huy Thiệp tắt máy xuống xe tra chìa vào ổ khóa đẩy hai cái cánh cửa gỗ nặng nề dắt xe qua cổng. Bên trong mở ra một thế giới khác hẳn bên ngoài. Một khu tuy nằm trong lòng Hà Nội nhưng biệt lập yên tịnh và đặc biệt là rất đồng quê. Qua bóng rợp của một khu vườn cây rộng, toàn cây ăn trái, nào nhãn, nào ổi, nào khế… cây nào cây nấy nặng trĩu những quả, một con đường lát gạch dẫn tôi tới căn nhà hai từng nằm ẩn sau vườn, nơi mà “Không có vua”, “Tướng về hưu…” cùng những tác phẩm khác của anh được thai nghén và sáng tác.
Tối đó anh Thiệp mời tôi dùng cơm tại nhà anh. Tôi nhớ mãi bữa cơm rau ấy vì đã từ lâu lắm rồi tôi không được ăn một bữa cơm rất thanh đạm nhưng đầy mùi vị quê hương. Về khuya anh đưa tôi ra đầu ngõ đón xe về khách sạn. Anh nói trước khi chia tay:
– Văn chương nó bạc lắm anh ạ. Phần thưởng quí nhất có lẽ là qua nó chúng ta có được những người bạn mới ở khắp bốn phương.
*
Văn chương nó bạc lắm anh ạ.
Ôi, câu nói sau cùng của anh với tôi nghe chua xót quá, anh Thiệp ơi!

Nguyễn Tường Thiết
Seattle, 20/3/2021
Bài viết của Nhà văn Nguyễn Tường Thiết - con trai Nhà văn Nhất Linh in trên Tạp chí Người Đô Thị ngày 22/03/2021.
Nguồn: nguoidothi.net.vn
Ảnh: Nguyễn Tường Thiết và Sưu tầm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét