Phạm Đình Trọng: Tiểu thuyết Chốn Vắng của Dương Thu Hương
BI KỊCH CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ VỚI HAI NGƯỜI CHỒNG LÀ HIỆN THÂN BI KỊCH CỦA CỘNG ĐỒNG DÙNG DẰNG GIỮA HAI NGẢ ĐƯỜNG
Cô gái vừa bước vào tuổi thiếu nữ mười bảy xinh đẹp tên Miên đang chới với giữa dòng suối sâu được gã trai làng cùng tuổi, cùng ở Xóm Núi tên Bôn cứu mà mở ra mối lương duyên vợ chồng ngẫu nhiên và thoáng chốc, tạo ra bi kịch cho cuộc đời Miên, tạo ra đường dây tình tiết kéo dài suốt 693 trang tiểu thuyết Chốn Vắng, tiểu thuyết của nữ nhà văn Dương Thu Hương được Viện Pháp, Institut de France, trao giải thưởng danh giá Cino del Duca năm 2023.
Trong lễ trao giải Cino del Duca năm 2023, tổ chức ở Paris ngày 21.6.2023, bà giáo sư Hélène Carrère d’Encausse, thư kí thường trực viện Hàn Lâm Pháp đã đánh giá Dương Thu Hương là Aleksandr Sonzhenitsyn của Việt Nam. Mà Aleksandr Sonzhenitsyn là nhà văn Xô Viết được giải thưởng Nobel năm 1970.
Bi kich vì chỉ sau một mùa hè ngắn ngủi chung sống, ông chồng nông dân Bôn bị hút vào cuộc chiến tranh với những trận mưa bom từ máy bay rải xuống dọc dải rừng Trường Sơn. Sau năm năm Bôn đi vào bom đạn, Miên nhận giấy báo tử của Bôn. Hai năm sau nữa Miên mới lấy Hoan, chàng trai dòng dõi nề nếp gia giáo ở thành phố đang mang tuổi trẻ và tài trí đến khai phá, dựng cơ nghiệp ở Xóm Núi quê Miên.
Cuộc tình với Bôn là ngẫu nhiên thì cuộc tình với Hoan là định mệnh, là duyên phận của cô thôn nữ Miên. Gần mười năm hạnh phúc với người chồng của duyên phận đã cho Miên đứa con trai tên Hạnh, để Miên gọi tên con là gọi tên hạnh phúc của cuộc đời thì ông chồng tên Bôn của cuộc tình đã chết yểu trong lòng Miên đột ngột trở về, lù lù trước mặt Miên.
Chốn Vắng là quãng đời nghèo khổ, cay đắng, buồn tủi và bế tắc của Miên trở về sống với “cái hồn ma trên bàn thờ Tổ Quốc Ghi Công, bất chợt khoác quần áo bước xuống ngồi trước mặt chị” (Trang 18). Trở về theo luân lí xã hội cổ xưa và theo tuyên truyền rầm rộ về tiêu chí đạo đức con người mới hôm nay “đền ơn đáp nghĩa người có công với đất nước”, Miên phải sống với người đã trở thành hồn ma trong tình cảm của chị.
Trở về với người chồng của tình huống thoáng chốc, của ngẫu nhiên, Miên vẫn khắc khoải với người chồng là lí tưởng thẩm mĩ, là giá trị của cuộc đời mình, là tình yêu tất yếu, đích thực của Miên, tình yêu dù trắc trở, gián đoạn vẫn bền bỉ bất biến, như qui luật bất biến của tự nhiên, trái đất phải quay quanh mặt trời, không thể khác.
Đọc được hơn ba trăm trang trong số gần bảy trăm trang Chốn Vắng thì tôi nhận ra mạch chìm của Chốn Vắng, nhận ra ý tưởng nhà văn gửi vào Chốn Vắng. Nhà văn không chấp nhận thể chế độc tài cộng sản, phải rời bỏ mảnh đất quê hương thương yêu đang tan tác li tán trong bạo lực chuyên chính vô sản, lưu vong ra nước ngoài mới được sống với tư cách, với sứ mệnh đích thực của nhà văn thì viết tiểu thuyết về xã hội cộng sản không phải chỉ để kể một câu chuyện tình éo le như những câu chuyện tình trắc trở bởi giầu nghèo thời Tự Lực Văn Văn Đoàn. Chốn Vắng chỉ dừng lại là cuộc tình lâm li, ngang trái một bà hai ông của mấy con người cá biệt thì giải thưởng danh giá Cino del Duca chẳng cần để mắt tới.
Cuộc tình giữa người đàn bà đằm thắm, nết na, hiền hậu, bao dung với hai người đàn ông từ vóc dáng, hình hài đến tính cách, lối sống, từ dòng dõi gia đình đến cơ đồ, sự nghiệp hoàn toàn đối lập nhau, phủ nhận nhau. Như tương lai với quá khứ. Như ánh sáng với bóng tối. Như sự sống với cái chết. Như cá nhân với bầy đàn. Như văn minh công nghiệp với văn minh nông nghiệp.
Thân phận người đàn bà tên Miên với hai người đàn ông hoàn toàn đối lập nhau chính là thân phận một cộng đồng, một dân tộc giữa hai ngả đường đi tới với hai hệ tư tưởng phủ nhận nhau, hai lí tưởng xã hội đối lập nhau, triệt tiêu nhau. Thân phận Miên không phải chỉ là thân phận một cá nhân mà là thân phận cả một cộng đồng. Chẳng cần gọi tên, người đọc cũng nhận ra thân phận người đàn bà tên Miên là thân phận cộng đồng nào, dân tộc nào!
Anh nông dân Bôn chỉ có hư danh, chỉ có chút vốn thành tích máu lửa chiến tranh cách mạng, thành tích góp một quãng đời cho cuộc chiến tranh được tuyên truyền là chiến tranh giữ nước. Trở về làng sau chiến tranh, anh nông dân Bôn mặc áo lính ốm yếu, bệnh tật, sức khoẻ không còn, đến tài sản cũng kiệt quệ. Nghèo khổ đã lưu manh hoá cả họ hàng nhà Bôn. Chị gái Bôn lười biếng, lang chạ đẻ ra lũ con nhếch nhác, không cha, không giáo dục, không đủ miếng ăn hàng ngày, trở thành cái tội, cái nợ của Bôn, ăn bám vào Bôn. Trong khi Bôn sức khoẻ không còn, tài sản không có, cũng phải ăn bám vào Miên, người vợ chỉ còn tình yêu đơn phương của Bôn.
Ngược lại với Bôn còm cõi, nghèo khổ, vô công rồi nghề, không biết làm gì, không làm nổi việc gì, cuộc sống vô vị, nhàm chán và bế tắc là con người của quá khứ, Hoan cao lớn, khoẻ mạnh, đang say mê công việc, đang phát đạt, giầu có, là con người của hôm nay và ngày mai.
Bôn là con người ở cõi tĩnh lặng nơi xó nhà thì Hoan là con người ở giữa dòng chảy cuộc sống sôi động, đang tạo dựng cơ nghiệp. Bôn chỉ biết sống theo nếp sống ngàn đời, bám vào chút đất đai hương hoả cằn cỗi và phần đất nhà nước cách mạng trả công cho người lính có năm tháng cuộc đời để lại trong chiến tranh cách mạng. Bôn bám vào đất đai nương rẫy, canh tác thủ công chỉ bằng sức người mà sức cũng không còn thì Hoan với sức khoẻ tràn trề, với tính toán nhạy bén đang say mê mở nghiệp kinh doanh và luôn gặt hái thành công.
Đọc những trang viết về Hoan trong Chốn Vắng, tôi cứ nhớ đến Rhett Butler trong tiểu thuyết Cuốn Theo Chiều Gió của nữ nhà văn Mỹ Margaret Mitchell. Nền sản xuất công nghiệp đang rầm rộ phát triển ở miền Bắc nước Mỹ, đang làm thay đổi nước Mỹ, mang lại sức sống mới cho nước Mỹ, đã tạo ra nhà kinh doanh giầu có Rhett Butler và Rhett Butler với tính cách mạnh mẽ, đầy cá tính của con người trong nền sản xuất công nghiệp, đã chinh phục được trái tim người đàn bà goá Scarlett O’Hara, chủ trang trại ở miền Nam nước Mỹ.
Như nền sản xuất công nghiệp ở Bắc Mỹ giữa thế kỉ 19 giải phóng con người khỏi thân phận nông nô, giải phóng cá nhân khỏi bầy đàn, giải phóng sức sản xuất, cho con người có mặt trong cuộc đời là những cá nhân có tên tuổi chứ không còn vô danh trong bầy đàn nông nô đã chinh phục nền sản xuất nông nghiệp, trang trại lạc hậu đang cố duy trì chế độ nông nô, duy trì chế độ nô lệ, cá nhân nông nô chỉ có mặt trong công việc, trong bầy đàn, không có mặt, không có tên tuổi trong cuộc đời.
Ảnh: Những nhà văn học Khoá I, Trường viết văn Nguyễn Du hệ đại học. Trong ảnh, người duy nhất ngồi ghế là giáo sư Đặng Thai Mai. Dương Thu Hương áo trắng, quần đen, mặt ngước lên, đứng bên trái, phía sau giáo sư Đặng Thai Mai. Áo trắng, bên trái Dương Thu Hương là ông thầy "văn học phải đạo" Hoàng Ngọc Hiến. Nguồn: Phạm Đình Trọng
Hoan cũng là con người của nền sản xuất công nghiệp khi đất nước sau chiến tranh chết chóc thê thảm đi vào cuộc sống làm ăn gây dựng, đi vào công nghiệp hoá. Trong Chốn Vắng, con người nông dân Bôn bị động vào hoàn cảnh, phụ thuộc vào người khác bao nhiêu, thì con người của văn minh công nghiệp, văn minh đô thị Hoan lại chủ động bấy nhiêu và luôn thể hiện rõ vai trò làm chủ.
Nhận ra ý tưởng nhà văn gửi vào Chốn Vắng cũng nhận ra được phần sau của cuộc đời Miên. Dù đã cảm nhận được cái kết tất yếu phải có của Chốn Vắng nhưng Chốn Vắng vẫn giữ được người đọc đến trang sách cuối cùng để theo dõi xem Chốn Vắng dẫn dắt đến cái tất yếu đó như thế nào. Cái tất yếu đó là Miên phải dứt bỏ sự ràng buộc của lề thói cổ hủ, dứt bỏ nghĩa tình gượng ép, giã từ tình yêu đã chết, trở về với tình yêu đích thực và say đắm. Trở về với qui luật của cuộc sống, qui luật phát triển của xã hội loài người đi từ nền sản xuất nông nghiệp sang nền sản xuất công nghiệp.
Chốn Vắng dẫn dắt Miên từ con người bầy đàn không có cá nhân, phải sống theo lệ tục chà đạp lên cá nhân, chà đạp lên quyền con người đi đến con người ý thức được sự có mặt của cá nhân trong cuộc đời, ý thức được quyền con người của những cá nhân, quyền được sống đúng mình, quyền được yêu bằng trái tim chứ không phải yêu theo tập tục, yêu theo phép vua, lệ làng. Miên phải trở về với Hoan.
Cảm nhận được cái tất yếu như vậy nên khi Miên có thai với ông chồng mà Miên không còn tình yêu, ông chồng không còn sức sống, đã bị gạt ra bên lề dòng chảy cuộc sống, đã là kẻ bên lề lịch sử, tôi vô cùng hồi hộp lo lắng cho số phận cái thai, số phận một con người sắp ra đời. Dù mầm sống đó là tương lai của Bôn, là sợi dây Bôn quyết buộc bằng được vào Miên để giữ Miên thì mầm sống đó vẫn là số phận một con người vô tội.
Bôn gấp gáp bồi bổ cơ thể, đôn đáo chạy chữa thuốc thang để có đêm ân ái mãnh liệt với Miên và Miên đã đậu thai. Nhưng nghị quyết sôi sục trong lòng Bôn, hành động quyết liệt trong thực hiện của Bôn đã thất bại thảm hại. Không thể đi ngược qui luật lịch sử. Cái đã lỗi thời, đã bị lịch sử đào thải thì không thể có mặt ở tương lai. Mầm sống của Bôn không thể có hình hài con người, không thể có mặt trong cuộc đời. Đứa con của Bôn với Miên chỉ là một quái thai.
Đứa con không thành người. Sự ràng buộc cuối cùng và hệ trọng nhất, quyết định nhất giữa Miên và Bôn không có. Miên đã hoàn toàn chấm dứt liên quan đến Bôn, chấm dứt liên quan đến cái ngẫu nhiên trong quá khứ lầm lạc để Miên hoàn toàn thuộc về Hoan, thuộc về cái tất yếu, thuộc về tương lai.
Nhưng vốn chẳng có gì trong tay, Bôn chẳng có gì bị mất nên điều gì cũng có thể làm. Ca dao dân gian đã đúc kết: "Thứ nhất sợ kẻ anh hùng/ Thứ nhì sợ kẻ cố cùng liều thân". Bôn đã hành động đúng như ca dao dân gian, đúng như lí thuyết và thực tế lịch sử cách mạng vô sản, dù thất thế và sức cùng, lực kiệt, Bôn vẫn quyết dùng bạo lực tiêu diệt Hoan, dùng súng lấy mạng sống của Hoan, giết chết Hoan trong trái tim Miên, loại bỏ Hoan ra khỏi cuộc đời Miên để Bôn giành lại Miên, giành lại quyền làm chủ Miên, áp đặt tình yêu với Miên.
Chốn Vắng đã khai thác đến tận cùng, khai thác rất tinh tế những xung đột trong nội tâm con người và xung đột xã hội. Đường dây dẫn dắt nhân vật Chốn Vắng không phải đường dây sự việc mà là đường dây nội tâm, đường dây tâm lí, tính cách nhân vật. Ngay cả xung đột cao nhất trong Chốn Vắng, hành động mạnh mẽ, quyết liệt nhất của Bôn là sự việc Bôn xách súng đón đường tiêu diệt Hoan. Ngay cả hành động bất ngờ, dứt khoát và kịp thời của con người tình cảm như Miên cũng được kể trong mạch tâm lí, trong hồi tưởng của Hoan:
“Hoan nghĩ. Anh lần mối sự việc: Bôn tới nhà Xá Chột mượn súng. Anh chàng này đưa súng cho bạn mượn một cách sốt sắng rồi cưỡi xe máy xuống chợ huyện mua đồ ăn cho vợ. Lát sau cô Soan (vợ Xá - Ghi chú của Phạm Đình Trọng) thức dậy, vô tình hỏi chuyện thằng cu lớn mới biết sự việc. Người đàn bà vừa đẻ dậy ấy ngửi ra mùi nguy hiểm, không kịp chải tóc, bịt khăn chạy xổ đến báo tin cho Miên. Rồi Miên cũng chẳng kịp thay xống áo, chẳng kịp gọi ông Lư, đã chạy tắt qua các nương tiêu, nương cà phê để kịp đến đón bắt Bôn và chụp lấy cây súng vào khoảnh khắc nó sắp sửa ghim một viên đạn vào đầu anh” (Trang 674).
Chốn Vắng mang đậm đặc tính biểu tượng. Từ con người đến sự việc đều có tính biểu tượng rất rõ. Miên chính là biểu tượng của nhân dân, biểu tượng của một dân tộc, một cộng đồng. Miên cứu Hoan, cứu tình yêu, cứu hạnh phúc gia đình riêng tư của họ chính là nhân dân đã cứu cả tương lai của cộng đồng, đã phá bỏ lực cản trong cuộc sống, phá tung sự ràng buộc cuối cùng của cái cũ, cái đã hết thời cho cộng đồng, cho lịch sử của Xóm Núi lại chảy theo dòng tất yếu của cuộc sống, của lịch sử.
Biểu tượng cuối cùng của Chốn Vắng mới thật ấn tượng.
Trong mưa bụi, Hoan đến nhà hộ sinh thăm Miên vừa vượt cạn và thăm đứa con trai thứ hai vừa có mặt trong cuộc đời anh, vừa làm đầy đặn thêm hạnh phúc của anh với Miên. Hoan say mê ngắm nhìn con, thích thú ngửi mùi da thịt con, sung sướng chạm tay vào khuôn mặt con, thì thầm chuyện trò với con: “Con đã có mặt trên cõi đời. Sự hiện diện của con đem lại cho ta sức mạnh. Con không chỉ là đứa con trai, con chính là bạn, là kẻ đồng hành, là người ta được quyền nương tựa. Bởi con đã ra đời trong nghịch cảnh, giống trái chín giữa mùa giông bão, con biết bám chặt thân cành, biết đùa cợt với mưa gió” (Trang 681).
Cũng trong cơn mưa bụi đó, ở Xóm Núi, Bôn lần theo kỉ niệm trong quá khứ, mò ra bãi tha ma trên đồi vắng. Bôn hồi tưởng lại thời tuổi trẻ đẹp đẽ ở làng, hồi tưởng lại cuộc đời hào hùng ở lính nhưng đã vĩnh viễn chôn vùi trong quá vãng. “Lớp bụi nước trắng bay là là xiên nghiêng kia đẹp làm sao. Nó gợi nhớ cơn mưa thời trai trẻ. Gợi tiếng cười rúc rích của đám thiếu nữ với dải đồi long lanh sương... Ước gì anh được là mưa. Anh chảy trên lá cỏ, trên khoé môi, giữa hai bầu vú đàn bà, chảy qua rốn, xuống tận nơi thầm kín của họ. Ước gì anh vẫn còn trai trẻ chơi trò nhảy tưng tưng, vừa nhảy vừa lấy tay gảy con giống dựng ngược như gảy đàn. Cái trò bọn lính động cỡn thường chơi vào thời kì được nghỉ chờ chiến dịch mới” (Trang 690).
Dù vô tình cũng không thể không nhận ra tính biểu tượng ở hai hình ảnh đối lập. Hoan ở nhà hộ sinh, ở nơi sinh sôi, nơi đón sự sống ra đời, Hoan trò chuyện với đứa con của tương lai vừa chào đời, thì Bôn ra bãi tha ma của cõi chết, trò chuyện với những hồn ma đồng đội của quá vãng đã vĩnh viễn vắng bóng từ lâu trong cuộc sống. Nhắc đến đồng đội, Bôn lại chìm vào cuộc đối thoại bất tận với hồn ma tiểu đội trưởng. Phía sau gương mặt bóng ma tiểu đội trưởng, Xóm Núi chỉ là miền hoang mạc, là chốn vắng, là cõi hư vô. Như sự hư vô của con đường Bôn đã đi. Như sự hư vô của sự nghiệp Bôn đã cống hiến cả cuộc đời.
Với hình ảnh mang tính biểu tượng và khái quát đó, Chốn Vắng xác nhận rằng, sau một quá trình dùng dằng đau đớn, vật vã, Miên đã trở về với người chồng của tình yêu, của cuộc đời Miên, thì người dân Xóm Núi cũng đã nhận ra con đường tất yếu Xóm Núi phải đi tới.
Hoặc ở đây
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét