Thứ Ba, 26 tháng 12, 2023

ĐỨA CON GIAI


MỘT TRUYỆN NGẮN CỦA HỒ DZẾNH MỚI TÌM THẤY

Trước đây ít năm, tôi tìm thấy và đã giới thiệu lại truyện ngắn Đường Kế Mãnh nhân tham gia biên soạn cuốn "Hồ Dzếnh, một hồn thơ đẹp" (Hà Nội, 2001: Nxb Hội Nhà Văn). Gần đây đọc lại "Trung Bắc chủ nhật" lại thấy thêm truyện "Đứa con giai" này nữa, xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Câu chuyện "Đứa con giai" này, trước tiên, có thể coi là thuộc mảng truyện mà tác giả của nó đã rất thành công trong tập "Chân trời cũ". Ấy là chuyện về những người Hoa di dạt đến xứ ta, làm ăn buôn bán và sống cuộc đời thường nhật giữa đất nước này, bên cạnh những người bản địa, hoà hợp theo cách riêng vào cuộc sống tại đây tuy vẫn giữ những nét riêng biệt của mình.
Hồ Dzếnh rất thuộc cái giới người nhập cư này, và ta bỗng nhớ rằng ở ông có sẵn cả khả năng nhìn những người này từ ngoài, − tức là từ phía người bản địa, lại cũng có cả khả năng nhìn họ từ bên trong, − thâm nhập vào tâm tư những con người nhập cư ấy, cảm thông với những ý nguyện thường tình của họ.

Đọc một truyện chưa biết của một cây bút ta đã quen giọng văn, − cũng là điều mang lại nét thú vị riêng.

Xin giới thiệu với bạn đọc.
LẠI NGUYÊN ÂN

ĐỨA CON GIAI

HỒ DZẾNH
truyện ngắn
Chú Vằn quê ở tỉnh Quảng Tây. Chú thường nói đến quê hương mình với một vẻ kiêu hãnh lộ ra mặt:
− Ở pên Coỏng Sáy, già, chể, lớn, pé, tều pít pắn súng hết!
Vừa nói chú vừa cầm lên cây đòn gánh đã bóng nhẵn vì sự cọ sát lâu ngày – chú Vằn đi bán thuốc ê – như kiểu cầm cây súng thật. Lũ trẻ con bụng ỏng, có đứa không mặc quần, có đứa đóng khố, cùng một loạt giãn vòng vây chú ra, kháo nhau:
− Coi khéo chú nớ bắn cho đó, bay ạ.
Một thày nhiêu, chừng là chân khoá sinh đã ở qua tỉnh, tạt vào đám đông, làm ra vẻ thành thạo, dùng một thứ tiếng Tàu nửa mùa hỏi chú:
− Ê chú, “nị mại mắn dể” (chú bán cái gì?)
Chú Vằn khinh mạn nhìn con người dám xâm phạm cái tinh hoa ngôn ngữ của nước chú, trả lời buông thõng:
− Pán thố pắc!
Thày nhiêu tưởng đã bắt chuyện, hỏi luôn:
− A mại… à mại… mại… mắn dể mậu?
Chú Vằn không chịu được nữa, vung tay ra hiệu bảo nhiêu xê ra:
− Ờ, không pít nói tiếng Tàu mà cũng nói. Ti!
Rồi không cần để ý đến những tiếng chửi rủa lúng búng của thày nhiêu, chú lặng lẽ quảy gánh vào trong làng, kéo dài cái tiếng rao lạnh lùng và buồn bã trong bầu không khí chờ đợi một tiếng gà gáy ban trưa: “Thố…ố…ốc ê! Thô…ô…ốc ê!”
Chú Vằn đã hơn một lần lập gia đình trên đất Việt. Đã hơn một lần, con người đó hưởng cái thanh thú của ái tình với một người đàn bà. Chú không kén. Nhưng chú đã lầm. Người thiếu phụ xuất thân từ một gia đình không quý giá. Nào trát trên mặt một lớp phấn rẻ tiền và có một cách phục sức đàng điếm, lẳng lơ. Giọng nói của người đó thì tuyệt. Nó ngọt và trơn, ngoáy êm ru trong lỗ tai của chú Vằn chưa được ai rót cho nhiều dịu dàng và nũng nịu như thế. Chú Vằn mê vợ lắm. Vợ chú ngồi lên đùi chú, hai chân đong đưa, vừa ôm chú vừa bảo:
− Mình sắm cho em đồng hồ tay nhé! Mình mua cho em cái kiềng vàng nhé! Em yêu mình quá, mình tử tế quá. Người Tàu hồ dễ mấy ai được như mình!
Chú Vằn thấy mình được nịnh nọt, dễ xiêu. Chú hôn má vợ mà bảo:
− Ai tiếc với mình, muốn mua cứ bảo!
Muốn được sống gần gũi với vợ luôn, chú xếp gánh thuốc lại, mở một cửa hàng tạp hoá, với số vốn ba nghìn đồng, để vợ chủ trương. Ở với nhau được gần hai năm, một hôm chú Vằn sốt ruột, hỏi vợ:
− Sắp hai năm rồi mà mình không “tẻ”, “tái” gì cả hở?
Vợ chú đánh yêu chú, làm ra vẻ thẹn:
− Đẻ cũng có lúc chứ! Dễ muốn thì đẻ được ngay đấy! Thế mình muốn đẻ con trai hay con gái nào?
Mắt chú Vằn long lanh sáng:
− Con trai! Tôi chỉ thích có đứa con trai cho nó nối nghiệp.
Rồi như lo lắng vì sự tuyệt tự của mình, chú chỉ bụng vợ, bảo bâng quơ:
− Tàn pà An Nam lâu tể quá!
Vợ chú chỉ cười, và một hôm, lừa lúc chồng ngủ, thu vén tất cả của cải bồ hôi nước mắt của người yêu, tếch thẳng. Chú Vằn nằm ngủ, giật mình, dậy bật đèn nhìn chung quanh, nhìn hòm tiền đã mở rộng, rồi trở vào, ngồi xuống ghế, ném ra mấy tiếng nguyền rủa:
− Mẹ nó, ăn cắp của ông!
Lòng chú Vằn ngao ngán mênh mông. Những giọt mồ hôi đầm đìa trên trán chú. Tay chú nắm chặt lấy thành ghế như muốn bóp nát gỗ ra. Bỗng chú đứng phắt dậy, giật cái ảnh của người vợ bất nhân treo trên tường ném mạnh xuống đất. Một tiếng “choang” đập vào không khí, lạnh lẽo và dữ tợn. Chú Vằn trở vào giường nằm, tay vắt lên trán…
Từ ngày đó chú lại bắt đầu quẩy gánh thuốc ê trên những con đường cũ. Bóng chú nhiều lúc len lỏi giữa những tiếng động của thành phố, cô độc, buồn bã như một niềm ẩn hình đau đớn. Chú ít nói đi. Tâm tính rắn lại. Dải đất Việt Nam, với chú chỉ là nơi để chú doanh nghiệp, hết là nơi mà chú tưởng đầy rẫy ân tình. Trong câu chuyện của chú với vài người quen lẩn vào đôi lời oán trách:
− Người lời tồi lắm, xấu lắm!
Có người bảo chú:
− Xấu cũng tuỳ từng mặt, chú ạ. Ai bảo chú lấy phải một con cô đầu dở.
Chú Vằn vẫn lắc đầu, dường như chú đã chán tất cả mọi người.
− Thế chú nhất định không lấy vợ nữa à?
− Ối dào! Khôông pít! Sau này hãy hay, bây giờ thì tương ghét “chúng nó” lắm.
Nói vậy nhưng nhiều lúc chú Vằn thắc mắc suy nghĩ. Chú muốn khạc nhổ lên tình yêu, nhưng tình yêu vẫn tìm đến chú. Chú thiếu một cái gì cần lắm cho sự sống hằng ngày.
− Xấu thật, cái gì lại cứ phải ăn cắp mới được chứ!
Chí lớn của chú không hề bị hao hụt vì sự thử thách đau đớn của tình đời. Mắt chú vẫn sáng, trán vẫn cao. Trên vai vẫn đè nặng cái vốn liếng xê dịch hằng ngày bằng đủ các thứ thuốc. Có lúc chú ở Hà Nội, Hải Phòng, lúc ở Vinh, chuyển dịch từ nơi này đến nơi khác trên đôi dép da trâu cứng đét. Cảnh sắc của đất nước Việt Nam biến hết ra cây tiền, lá bạc. Mưa nắng không được thi vị trong lòng khách giang hồ, vì lòng khách giang hồ không phải là lòng nghệ sĩ. Tâm hồn tha hương khô khan đó đã mở cho người ta thấy cái rắn rỏi, lạnh lẽo của mình khi có người hỏi về phong cảnh của những nơi kinh qua:
− Ồ! Tệp cái gì! Ti dọc lắm!
Và, phủi lớp bụi đường bám vào quần áo, khách phiêu lưu chép miệng:
-- Mệ nó! Pụi! Pụi dìu quá!
Ở những nơi chú Vằn đi đến, người ta thầm thì kháo nhau:
− “Khách Tàu ô” đi tìm vàng đấy! Kìa, trông con mắt sáng quắc của nó cứ hướng về đình làng. Kìa, nó lại đưa tay chỉ cánh đồng!
Có người không chịu được sự tò mò, hỏi chú:
− Này chú, ở làng chúng tôi liệu có nhiều vàng không?
− Dìu vàng? Dìu vàng ở tâu? Tui khô…ông pít!
Không cần, người ta cứ gán cho chú cái tên “Khách tìm vàng”, mặc dầu chú chỉ là một Hoa thương chịu cảnh hàn vi ban đầu như bao nhiêu bạn đồng bang khác, trước khi ra giật lấy các địa vị to tát về tiền tài.
Hai năm qua. Vết thương tình yêu đã thành sẹo. Chú Vằn là chủ một cửa hiệu cao lâu. Những phút nhàn rỗi ngồi sau quầy thu tiền, chú Vằn đã có dịp ngắm kỹ mình. Chú Vằn đã bốn mươi hai tuổi. Bóng chú in già nua lên nền kính của tủ bánh ngọt; một chiếc bóng cô độc, chênh chếch như mặt giăng hạ tuần vùng mạn ngược. Ý kiến lấy vợ loé ra trong óc chú khiến chú phân vân. Từ thời xa nhô lên hình ảnh một người vợ bạc bẽo, dày xéo lên cơ nghiệp của chú. Nỗi mong ước có một đứa con trai kế nghiệp của chú, thấy nó khó khăn và chua chát làm sao! Nhiều lúc, tiền bạc trở nên vô nghĩa đối với chú, vì đời chú không được ấm áp trong cái hương khói thiêng liêng của một gia đình thân mật.
Chú Vằn nhìn về nước Tàu. Nước Tàu xa lắm. Gió Giang Nam. Mây Hồ Bắc. Tất cả trải ra đìu hiu như một nỗi buồn rộng loãng làm ngấy lên một lạnh lẽo rét mướt vô cùng! Ở nơi xa đó, chú Vằn nhớ mang máng còn rung động cái hình bóng yếu ớt hổn hển, cái hơi thở gần tàn của một người vợ Tàu già bằng tuổi chú. Người vợ đó yên phận ngày ngày chăn mấy con lợn nái, trồng trọt mấy luống khoai ngoài vườn, không hy vọng gì còn được chồng yêu nữa, vì không con, vì già, vì… xa chồng lâu ngày lắm. Những bức tường cao và dày hàng hai thước, chắc nịch, âm thầm, ném xuống đời vợ chú Vằn những lớp bóng nặng chĩu, lấn át chút sinh khí yếu ớt của người đàn bà tuyệt tự kia. Đôi khi, chú Vằn ngoái lại với tình tao khang về chiều, ở quê cũ bằng một bức thư đầy giọng phàn nàn oán hận:
“Từ ngày quê hương vĩnh biệt ○ thấm thoắt mười thu ○ tất dạ nhớ thương ○ đêm ngày vương vấn ○ nhưng vì chí bình sinh chưa đạt ○ nguyện vọng chưa thành ○ khó liệu ngày về cố quận ○ Mong rằng chút tình hương lửa ○ vị kẻ muôn xa ○ chầu chực miếu đường ○ trọn bề hiếu thuận ○” vân vân (bức thư đầy những khuyên tròn).
Nhưng con người thuộc lòng những danh từ khiêm tốn, hương lửa đầy lời, liệu có còn trong thâm tâm chút tình gì với người vợ cũ?
− Tẻ! Phải lấy một con tàn pà nào cho nó tẻ mới tược! Cái lị không thể cho tiền của này về tay người khác được!
Chú Vằn tinh tường, thấy rằng phàm đàn bà đẹp thì nhác đẻ, vì đàn bà đẹp phải qua tay nhiều người khác trước khi rơi vào đời chú. Chú không chịu được sự lang chạ về tình cảm, không chịu được một cảnh phản phúc thứ hai, chú Vằn chỉ nghĩ đến một người đàn bà đẻ ra một đứa con. Nhan sắc vắng mặt cũng chẳng sao, dây thiêng liêng nối dõi đời mình mới đáng quý.
Người mối thứ nhất được chú ngỏ cho biết ý kiến lấy vợ, đập tay xuống chiếu một cái mạnh, nhìn chú rồi nói một cách lưu loát:
− Hoài của chưa! Sao lại không bảo người ta từ trước! Cứ để mà ngâm trong lòng thế này! Muốn lấy người trạc bằng bao nhiêu nào?
− Lớn, bé khô…ông cần. Cốt tẻ tược là tốt!
Bà mối nghĩ ngay đến một người quen biết. Đó là người vú em bà nuôi dạo trước, nay đã về quê, và goá chồng. Bà bảo chú Vằn:
− Con này không đến nỗi! Già lắm là hai năm, thế nào “chú thím” cũng có con. Chỉ sợ con đàn cháu lũ rồi lại oán trách già này vụng tay xe duyên thôi.
Lời người đàn bà nói có duyên làm chú Vằn thấy thinh thích:
− Nếu có con tui píu pà ba trăm ngay.
Bà mối nói giọng cong cớn:
− Thế tôi gả vợ cho chú, hẳn chú quên tôi chắc?
− Cái lị quên thế nào được! Này bà cầm đã.
Vừa nói chú vừa rút ngăn kéo đưa cho bà mối một trăm, và dặn:
− Bà xem có khỏe không nhá. Có thể đẻ được hãy lấy.
Bà mối mừng rơn, giọng thân thuộc đã thành suồng sã và nịnh nọt, lấy tay chỉ vào ngực mình:
− Chú cứ tin ở già này. À mà có phải biên giấy nhận tiền của chú không nhỉ?
− Ối dào, thôi! Tui tin ở bà mà. Người Tàu không pít gì lôi thôi cả.
Ba ngày sau, bà mối dẫn đến một thiếu phụ vào khoảng ba mươi tuổi, nước da ngăm ngăm đen, mình mẩy chắc nịch. Thiếu phụ đứng nép sát vào quầy, tay vân vê dải yếm, đầu cúi xuống. Bà mối đưa mắt hỏi ý kiến người Tàu kén vợ. Người Tàu kén vợ đưa mắt nhìn khắp mình người đàn bà sắp lấy chồng Tàu một lượt nữa, rồi bảo bà mối:
− Tược. Pà tem “nó” xuống dưới nhà cho “nó” ăn cơm.
Từ ngày đó, vú Tản, tên người đàn bà, nghiễm nhiên là vợ chú Vằn, ban ngày ở dưới bếp hay ngồi trên gác, thư nhàn trong cảnh sung sướng nhưng cũng buồn bã trong sự rỗi rãi quá chừng. Chú Vằn luôn luôn hỏi vợ:
− Thế nào, nị đã thấy cái gì khác chưa?
Cấy bón chăm, chắc chắn quả phải đậu; những thức ăn bổ béo ngon lành, nhất là lạ miệng, quả nhiên đã kết một hòn máu cựa quậy trong bụng vú Tản. Có cái gì sung sướng nhảy nhót trong lòng người khách thương lần đầu nhận biết hạnh phúc của đời mình. Chú Vằn trẻ ra hai mươi tuổi. Tin mừng làm mọi người trong nhà đều vui. Vú Tản bỗng thấy mình là thứ sinh vật được người ta quá trọng vọng. Vú bắt đầu nhìn ra xung quanh bằng con mắt khác. Đúng kỳ đúng tháng, cái thai rộn rã ra khỏi lòng mẹ: một thằng bé vạm vỡ béo tròn. Ấy dà! Chú Vằn tới tấp lùa vào vợ vào con không biết cơ man nào là những sự sốt sắng và nâng giấc. Vú Tản kiêu hãnh chìm trong sự kính nể của mọi người. Thời gian làm vú giữ em đã xa tắp. Cánh đồng ruộng bạc màu thấm nhuần sự cần lao khổ hạnh xưa kia, bây giờ cũng đã mờ nhạt… Vú Tản đã là bà chủ, một bà chủ được công nhận, đảm bảo hẳn hoi, chỉ vì sinh được một đứa con trai rồi đây không biết thông minh hay đần độn. Sau mấy tháng nằm bếp, dùng đủ những thức bổ béo ngay trên chính giường mình nằm, thím Vằn đã nghiễm nhiên ra ngồi trông cửa hiệu, trong tay xun xoe một chùm chìa khóa tủ bạc. Đôi lúc, trong cảnh gia đình êm ấm nổi lên những tiếng quát mắng đầy tớ rất đài các và dài dài.
Đúng vào hôm ăn mừng đầy tháng con mình, chú Vằn cẩn thận lấy ba trăm bạc gói vào một miếng giấy đỏ sai người cầm lại nhà bà mối ngày xưa.
Trong lúc gia đình chú Vằn đang tươi đẹp bỗng một đám mây lù lù từ phía trời Quảng Tây lại, thong thả hạ xuống cửa hiệu chú Vằn, biến ra thành một người đàn bà Tàu, vai xách một cái sọt to đựng chặt hành lý, lững thững tiến vào. Một linh giác kỳ dị xui thím Vằn hiểu ngay rằng người đó là vợ Cả chú Vằn từ bên Tàu lặn lội sang thăm chồng. Hai bên không hiểu sao không chào nhau. Thím Vằn Việt Nam bĩu môi lườm thím Vằn Trung Quốc. Chú Vằn đương ngồi trong nhà tính sổ, thấy vợ vào, ngạc nhiên đứng dậy:
− Sang đấy à? Ai bảo sang?
Người đàn bà Tàu lạnh lùng:
− Nghe người về bảo nị đã lấy vợ, có con. Tôi sang xin nị ít tiền về dưỡng già và cho mấy cháu đi học. Nhà ở bên Tàu bây giờ đói lắm.
Từ ngày có thím Vằn Cả trong nhà, cơm được dọn ra trên ba bàn. Bàn thứ nhất dành cho chú Vằn, vợ hai và đứa con. Bàn thứ hai trơ trọi thấy có một mình thím Vằn Cả. Bàn thứ ba thuộc về những người làm. Hai con sư tử cái nhốt cùng chuồng chỉ chực hầm hè cắn xé nhau. May được chú sư tử đực và con sư tử nhỏ hoà giải.
Thấy ở lâu càng thêm khó chịu, và kém thế, thím Vằn Cả xin về nước. Hôm thím ra đi, thím Vằn hai ngồi trên gác chơi với con. Chú Vằn trao cho vợ hai nghìn bạc và đưa chân vợ ra bến Sáu Kho. Hôm đó trời đầy sương đục. Thím Vằn không dặn chồng điều gì, yên lặng bước xuống tàu, sau câu chào ngắn ngủi:
− Nị ơi, ngộ về nhé.
Chú Vằn đứng trên bến dặn to xuống phía vợ mấy tiếng gì nghe oang oang. Con tàu phun khói, chuyển mình lừ đừ lủi vào màn sương. Hình như thím Vằn Trung Quốc có khóc, − hình như thôi, vì chú Vằn sau khi tàu mới quay mũi, đã vội vã trở về nhà. Vừa đi chú vừa lẩm bẩm:
− Ừ, phải tặt cho thằng pé cái tên hiệu này mới tẹp: Lẳm dẩu tắc.

● Nguồn:
Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s.235 (7 Janvier 1945)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét