Araki - 'Junjo shashin shosetsu sha' - Tình yêu thuần khiết. |
NĂM NGÀY -
Phạm Thị Hoài
Đọc lại tác phẩm của mình là việc khó. Truyện ngắn này, 29 năm trước là một vụ tai tiếng. Bây giờ nó là một kỉ niệm. (Tác giả: Phạm Thị Hoài)
Ngày
thứ nhất tôi bảo,
chúng mình phải chia tay Vi ạ. Thực ra câu chia tay là điệp khúc trong mỗi bài
hát tình yêu, hát nó lên lần thứ bao nhiêu không quan trọng, quan trọng là sau
đó một đoạn khác tiếp diễn, rồi lại điệp khúc, rồi lại tiếp diễn, ad libitum.
Thực ra tôi muốn nói rằng tình yêu của tôi như cánh tay tê như ngón chân chuột
rút, khó chịu lắm nhưng không cắt phăng đi được. Tình yêu của tôi như bộ mặt
cau có của ông viện trưởng mỗi sáng Thứ Hai họp giao ban có người đến muộn, ngấy
đến cổ nhưng là thiết thân. Cho nên tôi đăm đăm nhìn Vi, thật khẩn thiết, hy vọng
nàng sẽ rùng mình một cái và bao nhiêu bệnh tật nan y của tình vợ chồng thời nửa
cổ nửa kim nay sẽ tháo chạy khỏi nàng. Rùng mình toát mồ hôi hột vẫn là phương
thuốc dân gian bất ngờ hiệu nghiệm nhất của chúng ta. Nhưng nàng không gặp mắt
tôi, vì nàng cúi mặt như hàng tháng nay, đất dưới chân nàng thôi miên mạnh hơn
tôi, nàng đáp khẽ: “Vâng”.
Có một cái gì đó ngăn tôi gọi Vi ngửng lên để nhìn vào mắt tôi. Ít ra cũng lọt
vào vùng thôi miên hạn hẹp của tôi, và lời nói vừa rồi coi như không rơi vào
khoảng chật chội giữa hai bàn tay nàng, hai bàn tay chụm ngón vào nhau làm một
búp hoa không nở bao giờ. Bao nhiêu tình yêu của tôi tưới vào chỗ ấy cũng như
tưới vào ruộng nẻ. Muộn rồi. Tôi biết nàng không lặn lội đi tìm bất kỳ thứ gì
trên gương mặt tôi nữa. Chính tôi cũng không ưa nó, cái mặt ông viện trưởng ở
nhà và anh nhân viên quèn ở viện.
Cho nên tôi lấy tấm gương nàng vừa soi ra ngắm. Nàng vừa thoa thêm một lớp son.
Từ ngày lấy chồng nàng bắt đầu thoa son. Vì sao nhỉ? Rồi nàng buộc lại dải mũ.
Nghĩa là nàng chuẩn bị ra khỏi nhà. Đến sở thì phải. Ở đó nàng tíu tít chuyện
trò như hồi tôi mới biết nàng, hay lãnh đạm như bây giờ thường thế? Tấm gương bằng
nửa bàn tay. Nàng trang bị cho kiếp đàn bà của mình những vũ khí tí hon như thế,
bây giờ tôi mới lưu tâm. Tôi bắt đầu thử các cơ bắp ở vùng quanh miệng. Hóa ra
biểu cảm là vấn đề của da và thớ thịt. Tôi lại thử ở trán. Hóa ra những nếp
nhăn là vấn đề của hai chiếc lông mày. Tôi lại thử ở mắt. Hóa ra tia nhìn là vấn
đề của hai hàng mi. Không có gì nằm sâu bên dưới. Cơ hội của tôi còn lớn lắm.
Cám ơn vũ trụ nửa bàn tay của em.
Khi tôi ngửng lên, Vi đã đi mất. Cả ngày tôi không biết gì về nàng. Từ lâu
chúng tôi đã thôi không ôm máy điện thoại cơ quan trong giờ làm việc.
Buổi chiều về nhà tôi quyết định trình bày kiểu miệng thư thái đã luyện kỹ
trong suốt thời gian ngồi dự hội nghị ở viện. Người ta bàn về một trận đánh xa
xưa, quân ta thắng quân địch. Vi ra mở cửa, nhưng nàng không nhìn tôi. Khóe miệng
nàng trễ xuống. Đó là kiểu miệng chán chường lãnh cảm, tôi biết rõ. Cả buổi tối
tôi chờ một lần được nàng để mắt, mong chuộc lại lời ban sáng. Nhưng vô ích.
Đôi lần mắt nàng lướt qua, dừng một thoáng trên tôi, như dừng trên một đồ vật
nào đó trong nhà, cái tủ, hay chiếc giá sách, ồ, không được như chiếc giá sách.
Rồi vụt dời đến một điểm nào đó khác, chẳng hạn chiếc phất trần. Dường như nàng
nghĩ khác về những điệp khúc trong bài hát tình yêu. Đàn bà truyền thống của
chúng ta lặng lẽ bỏ ngoài tai những lời họ không muốn nghe. Đàn bà hiện đại thì
lập tức trình bày quan điểm, đồng ý chỗ này không đồng ý chỗ kia, như trong hội
nghị. Vi của tôi vừa cổ vừa kim, ý kiến của nàng là một cái “Vâng” gọn ghẽ.
Nghe thì ngoan, nhưng là cái ngoan vô tình và riết róng. Cho nên khi tắt đèn nằm
xoay lưng lại nhau, tôi mắng mình là một thằng ngu, hơi sức đâu ngân nga hoài một
bản tình ca khó khăn như thế.
Ngày
thứ hai nàng đi
từ sớm. Tôi tỉnh dậy thấy mâm cơm và chiếc cặp lồng với những quả cà đã thâm nằm
trên rau muống. Tôi làm bộ mặt chua chát trong gương và tập nói mươi lần câu:
“Ô kê những bổn phận của chúng ta!” Tôi thử triết lý là chua chát đến cùng hẳn
không kém phần vĩ đại.
Trong bữa cơm tối cũng có rau muống và cà, nàng bảo đã thu xếp được một chỗ ở,
mấy hôm nữa dọn. Căn phòng này của cha mẹ tôi. Có lẽ nàng lại về với cha mẹ
nàng, trong thành phố này đàn bà sống độc thân là điều không thể tưởng tượng được.
Tôi sẽ yên tâm là nàng không đơn độc. Và cũng sẽ yên tâm là những bữa cơm và quần
áo bẩn của tôi có phụ huynh lo. Tương lai của chúng tôi còn an toàn lắm.
Vi đi nằm trước. Tôi lấy cớ làm việc, nghĩa là đọc báo, ở viện tôi cũng không
làm gì khác hơn đọc báo, để nán lại một mình. Vậy là nàng sẽ đi. Chẳng lẽ không
bao giờ tôi được thấy nàng thoa son và buộc lại dải mũ nữa sao? Những vũ khí tí
hon của nàng còn vô tích sự hơn tôi kia mà.
Tôi ghé xuống, không dám làm nàng thức giấc. Đằng nào bóng tối cũng không cho
Vi thấy khóe miệng dịu dàng của tôi. Dịu dàng như thuốc mê, dịu dàng không chịu
nổi, tôi tìm vai nàng như tìm bến đậu. Vai nàng để trần. Hàng tháng nay nàng mặc
nguyên nịt vú và sơ mi, mắt mở chong chong đi ngủ. Hôm nay mắt khép ngực mở.
Tôi đánh bạo hôn nàng, vợ tôi. Một lần, hai lần, sang lần thứ ba thì môi nàng yếu
ớt đáp lại, rồi toàn bộ thân thể thân thuộc của nàng cũng đáp lại. Tôi thỏa sức
diễn đạt niềm âu yếm dịu dàng của mình bằng tóc và hơi thở, bằng các đốt
xương, bằng khuỷu chân, khuỷu tay, tôi sợ đè hẳn lên nàng, vợ tôi, thì thô bạo
quá. Tôi tin là nàng hiểu. Nàng đã tiếp nhận. Yếu ớt, nhưng vẫn là tiếp nhận.
Ngày thứ ba Vi vẫn đi từ sớm. Vẫn mâm cơm và cặp lồng suất ăn trưa
chu đáo. Tôi nhìn vào gương thấy một chú rể đần độn vì hạnh phúc. Ô kê, đần độn
đến cùng hẳn cũng không kém phần vĩ đại. Cả ngày làm việc tôi ngồi canh máy điện
thoại. Vi không gọi.
Chiều về, tôi hồi hộp chờ một gương mặt cô dâu e lệ. Nhưng nàng vẫn cúi mặt hoặc
nhìn lướt qua đầu tôi, như thể sau lưng tôi là cả tá phất trần, như thể đêm hôm
trước là một vụ hiếp dâm nàng không tiện kể. Tôi đăm đăm dò tìm nơi nàng một dấu
tích nào đó biết đâu còn sót lại của ân ái. Tôi từng đọc rằng, người đàn bà đêm
trước được yêu thì hôm sau da dẻ mịn màng như mật. Nhưng tôi tìm vô ích. Chẳng
có gì chung giữa người đàn bà đêm qua bải hoải trong tay tôi với người phụ nữ
lãnh đạm quyết đoán, vị cán bộ nhà nước giống cái này. Vả lại tôi liếm đâu ra mật?
Nàng phủ phấn son như người ta rắc vôi bột lên ổ dịch, một đêm chẳng làm nàng
tái nhiễm bệnh yêu.
Nàng bảo sẽ mang chiếc bàn đi. Chiếc bàn duy nhất trong căn phòng duy nhất che
chở cuộc hôn nhân duy nhất của tôi. Rồi nàng bận rộn thu xếp đồ đạc. Nàng còn
ra hiệu để tôi giúp một tay, buộc sách vở thành gói, lau chùi những đôi giày
nhiều không kể xiết của nàng, đôi nào cũng làm tôi lo âu, những chiếc quai quá
mỏng và gót thì... Tôi biết nàng không thích cảm giác ở quá gần mặt đất. Tôi biết
nàng không thích bữa cơm nào cũng rau muống và cà. Tôi biết nàng không thích sự
nghiệp đọc báo của tôi. Tôi chỉ biết những gì nàng không thích. Cứ theo ý nàng
thì có thể gạch bớt không biết bao nhiêu dòng cho vừa trong cuốn sách cuộc đời.
Một lúc nào đó nàng chợt dừng tay, nhăn mặt phàn nàn: “Anh vẫn không bỏ được
cái bộ mặt cau có đi sao?” Tôi rất muốn nói rằng tôi đang mang một bộ mặt chú rể
đần độn và sửng sốt, vì cô dâu không cánh mà bay. Nhưng không nói nổi. Có lẽ vì
bận lau chùi những nỗi lo âu nhiều không kể xiết và rất cao gót của mình.
Đêm xuống. Đêm tôi vừa chờ vừa không mong đến. Tôi vẫn tìm cớ nán lại sau Vi.
Tin chắc nàng đã ngủ, tôi nhẹ nhàng nằm xuống, cách xa, như sợ chạm phải kỷ niệm.
Lần này Vi tự đến. Ào ạt, táo tợn, bệnh yêu của nàng tái phát, có ngay nhiệt độ
một cơn sốt và hình thù một con sóng. Tôi cứ ngoan ngoãn chín nhừ trong cơn sốt.
Tôi cứ dập dềnh trong con sóng. Tôi được biết thế nào là một thỏi gang nung đỏ,
nhúng thẳng vào nước lạnh, rồi lại vào lò. Nhưng bóng tối không cho Vi thấy
khóe miệng biết ơn của tôi. Kiểu miệng này tôi không tập trước.
Ngày thứ tư là Chủ Nhật. Tôi nằm đợi một cái lay vai. Thậm chí tôi
không loại trừ khả năng chúng tôi lại quấn vào nhau cho đến trưa, cho đến tối,
đến hết đời. Nhưng chúng tôi lần lượt ra khỏi giường, mỗi đứa một bên không
nhìn nhau, không ngoái lại chiếu chăn tan tành đêm trước. Một lúc nào đó
trong ngày tôi thoáng chạm tay Vi, nhưng bàn tay nàng một nửa búp hoa không nở
chợt co rúm lại. Hoa xấu hổ. Cả ngày chúng tôi không ra khỏi nhà. Không ai nói
một lời. Có lúc tôi tưởng bắt gặp ánh mắt cầu hòa thân thiện của nàng, các nữ
vương xưa dường như cũng có cách nhìn tha thứ bề trên như thế. Dường như tôi
không còn là cái tủ, là giá sách, là cả tá phất trần. Tôi lại được là anh chồng
quèn, là chàng ca sĩ dễ tính. Tôi vội nhe hết ba mươi hai chiếc răng si tình.
Nhưng nụ cười cập rập của tôi lập tức chìm vào hai khóe môi hơi trễ xuống của
nàng, ôi kiểu miệng lãnh đạm tôi biết quá rõ, tôi đã chán đến cổ. Lãnh đạm đến
cùng chẳng lẽ cũng vĩ đại được sao? Tôi rất muốn nói rằng em cứ im lặng đi,
nhưng đêm về tất cả sẽ dễ dàng. Chúng ta sẽ không phải nhìn nhau và so sánh những
kiểu miệng luyện kỹ. Chúng ta sẽ nằm bên nhau đến khi hai đứa chỉ còn là hai nắm
xương, hai nắm xương cài răng lược. Anh sẽ cởi những gói sách buộc chặt kia ra,
sẽ cài quai giày một lúc cả chục đôi cho em đi, con cuốn chiếu không thích bò
sát đất của anh. Thế, đỡ mỏng manh. Thế, anh đỡ hành hạ tấm gương và những cơ bắp
ở vùng quanh miệng, ngoài ra hai chiếc lông mày và hai hàng mi cũng đỡ phải sẵn
sàng dự bị. Em cứ im lặng đi, thế dễ cho em hơn.
Nhưng những lời ấy không thể thoát ra từ bộ mặt cau có thường trực của tôi. Tôi
mới luyện ngoài da, chưa đi sâu vào tận cổ họng. Không có gì chung giữa ngày và
đêm. Hình như nàng sợ tôi nói chính điều ấy. Nên nàng cúi mặt. Cúi vào khoảng
chật chội phát điên giữa hai bàn tay.
Tôi hân hoan chờ đêm xuống. Đêm nay sẽ quyết định tất cả. Tôi sẽ thắp đèn sáng
trưng để nàng thỏa sức ngắm khóe nhìn yêu thương của tôi. Kiểu đó tôi cũng
không tập trước. Tôi sẽ cứu vãn những lời đã nói bằng lời của khuỷu chân khuỷu
tay, tôi người chồng xoàng có thể không là chỗ dựa cho em nhưng quyết không đè
em xuống. Tôi sẽ trộn ngày và đêm vào nhau, đánh thành kem ái tình phủ kín
chúng tôi vợ chồng thời nửa cổ nửa kim, để sáng mai hai đứa nhìn nhau phấn
khích thẹn thò như tân khách và trìu mến như bạn đồng môn. Tôi sẽ luân phiên
em, là nước và lửa, hai đứa cùng chảy cùng đông thành một thỏi tình yêu đặc
quánh. Chắc nàng thích thế. Dường như tôi bắt đầu nhận ra nàng thích những gì.
Cơ hội của chúng tôi còn lớn lắm.
Nhưng khi vào giường, tôi giơ tay tắt công tắc như một cái máy. Vi không để vai
trần. Nàng lại mặc nguyên nịt vú và sơ mi. Mắt mở chong chong. Chỉ thiếu điều
vùng dậy mộng du qua mỗi phân vuông của căn phòng không chứa nổi nàng, của tình
vợ chồng không giữ nổi nàng. Còn tôi nằm đơn ca ad libitum bài hát tình yêu. Một
lúc nào đó hình như tôi thôi hát, hình như Vi thôi mộng du. Hai đứa ngủ gục vào
nhau như hai thanh củi đã lụi trong lò, hai giọt mưa cùng rơi chung chỗ, hai
khách dưng trong toa tàu lèn chặt. Một lúc nào đó hình như tôi gọi tên nàng,
nàng gọi tên tôi xa xôi. Hình như tóc nàng dan díu tóc tôi. Hình như tay chân
hai đứa cài răng lược.
Ngày thứ năm Vi đi từ sớm. Vẫn mâm cơm và cặp lồng với rau muống và
những quả cà đã thâm, dọn trên khoảnh chữ nhật ngổn ngang báo cũ, trước đây là
cái bàn. Bổn phận vợ hiền nàng để lại cho tôi tiêu xài lần cuối. Ngoan lắm.
Nàng dọn bổn phận chót của nàng trên khoảng trống toang hoác, ngổn ngang những
mẩu sự nghiệp quèn của tôi. Vũ trụ nửa bàn tay của nàng, nàng cũng để lại cho
tôi, để tôi chồm dậy nhìn vào cái mặt tạp kỹ buồn thiu của mình.
Còn lại, phấn son, những bó sách những dải mũ những đôi giày, vợ hiền của tôi,
tất cả lặng lẽ nhón gót đi rồi.
PTH - 1987
Một truyện ngắn có giá trị nhân văn
Truyện Năm
Ngày[1] thực ra là chuyện bốn đêm. Bốn đêm ấy
có thể thu gọn vào một đêm. Ðêm tuyệt vọng nhất trong đời người: đêm cô độc.
Ai
cũng đã từng nếm mùi cô đơn. Ngước đầu nhìn trăng sao biền biệt, có thể thấy
mình nhỏ bé, côi cút. Ði giữa dòng người hô hào mà bỗng thấy cô đơn... Yêu
rất nhiều, mà chẳng được bao nhiêu, thấy cô đơn, là chuyện thường tình. Nỗi
cô đơn đau đớn nhất, tuyệt vọng nhất, nỗi cô đơn không gì xóa nổi, chỉ cảm thấy
được khi ôm người yêu vào lòng. Ðến thế là hết. Hết nhưng không phải chấm dứt.
Viết về đề tài này là viết về một câu hỏi rất thời đại, chưa có câu trả lời thoả
đáng.
Nỗi
cô đơn của con người giữa vũ trụ bao la, văn học cổ nước nào cũng có tác phẩm
hay đề cập tới. Thơ văn về nỗi cô đơn trong tình yêu, khi tình cảm mình bị hất
hủi, ngăn cấm, nếu trải được xuống đất, có thể bao phủ cả hoàn cầu, bóp nghẹt
thở cả nhân loại. Nỗi cô đơn xoáy vào lòng người ngay trong lúc yêu thương nhau
là một đề tài mới, xuất hiện đầu thế kỷ hai mươi. Ở Pháp, Georges Bataille đã
viết nhiều về đề tài này. Trong vở kịch Le diable et le bon dieu, J.P.
Sartre có nói tới qua vài trang sâu sắc, tuyệt đẹp. Nêu tên hai tác giả ấy cũng
đủ nói: đây là đề tài nguy hiểm, rớ tới như bứt dây động rừng, huýt còi huy động
đội quan thầy đạo đức truy nã.
Tại sao vậy? Tại Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam đặt
vấn đề cơ bản đúng khi tố cáo truyện Năm Ngày hạ thấp nhân
cách con người. Ðúng, không thể đề cập tới đề tài này mà không đụng tới phẩm chất
của con người, ý nghĩa của cuộc sống. Còn hạ thấp thì
hơi tối nghĩa. Người ta có thể hạ thấp mức nước sông Hồng, độ cưỡng hãm nghệ
sĩ, một cái đầu, hạ thấp bất cứ cái gì có thừa, hay ít nhất là có. Làm sao hạ
thấp được cái gì không có? Ngược lại, người ta có thể đòi hỏi cái gì còn thiếu,
chưa có nhưng cần phải có. Truyện Năm Ngày khơi sự thiếu thốn
đó, sự đòi hỏi đó. Chính sự đòi hỏi đó là cái gai trong mắt những quan đạo thầy
đời.
Một nhà triết học phương tây, Karl Marx, đã từng viết
nhiều về mấy ý sau: con người là toàn bộ quan hệ xã hội của nó; quan hệ trực tiếp
nhất giữa người với người, quan hệ tự tạo (sui generis) là
quan hệ nam nữ; vị trí của phụ nữ trong một xã hội là thước đo độ văn minh của
xã hội đó ...
Truyện Năm Ngày là truyện về quan hệ
đó, hôm nay. Vợ chồng thương nhau mà không thể hiểu nhau, thông cảm nhau, bằng
lời nói cũng như hành động. Lời nói? Mới lọt khỏi miệng đã trái ý. Hành động? Vừa
làm xong đã trở thành: Ô hô! những bổn phận, (với ai? từ đâu tới? đề
làm gì?). Cuối cùng chỉ gặp nhau lúc tắt đèn ái ân với nhau. Qua tình cảnh ấy,
người kể (chồng) cho ta thấy hết nỗi cô đơn của đời người.
Nếu người chỉ còn có thể gặp người trong sự giao cấu
thì khác gì cặp chó giữa đường? Nếu là cặp chó, cứ thanh thiên bạch nhật thoả
mãn, cần gì đóng cửa tắt đèn, làm gì có ngày có đêm, và dĩ nhiên không có cô
đơn.
Nỗi cô đơn xoáy vào lòng người trong giây phút ái ân
chỉ có thể có trong quan hệ giữa người với người. Nó là tấm gương soi sáng một
sự thiếu thốn. Nó là lời cầu khẩn thiết tha, là đòi hỏi mãnh liệt thông cảm
nhau, hiểu nhau, đòi hỏi nhân cách trong tình nam nữ. Nó là tiếng kêu thống thiết,
tố cáo một cuộc đời dồn người vào đêm đen tối nhất, đêm của rừng già, khi tình
người chỉ còn một điểm tựa cuối cùng: ôm nhau.
Vợ chồng ôm nhau có gì xấu xa nhỉ ? Nếu đó là
hành động nhục nhã, vô liêm sỉ, thì các thầy đạo đức trên thế gian này ắt phải
tuyệt giống hết[2],
và nhân loại lý tưởng phải là một bãi tha ma khổng lồ. Nhưng ôm nhau trong tình
cảnh nói trên, đúng là không thể chịu mãi được, thà bỏ nhau còn hơn. Truyện ngắn
cũng bắt đầu bằng sự từ biệt đó: hai người yêu nhau, cương quyết bỏ nhau để khỏi
hành hạ nhau. Tình yêu đã biến thành cực hình. Tại sao vậy?
Chuyện bốn đêm thực sự là chuyện năm ngày. Nếu nỗi cô
đơn trong ân ái là tấm gương soi sáng quan hệ giữa người với người, thì bốn đêm
kia là tấm gương soi mặt năm ngày bình thường trong một cuộc sống. Bộ mặt ấy
đáng sợ: nó là mặt người, là cái mặt cau có thường ngày, bất lực, trơ
trơ và nhăn nhúm. Và người đó đang ngộp: tin tưởng mãnh liệt vào chủ
nghĩa lãng mạn, cuộc phiêu lưu nào cũng hứa hẹn siêu thoát. Cuộc sống đã khắc
vào mặt người những nét đó thì luyện tập bao nhiêu cũng không xóa được. Phải đổi
cuộc sống mới đổi được mặt người. Ngoài ra chỉ còn bộ mặt của vài giây phút hồn
nhiên, đần độn hạnh phúc, mà – đã là người – không
ai chấp nhận được. Hơn nữa, bộ mặt ấy, dù trung thực, cũng không thể xóa được bộ
mặt thực của con người, bộ mặt thường ngày.
Trong đời, ai cũng đã từng nếm mùi cô đơn. Nhưng xét từng
đời người, những giây phút ấy hiếm. Ðó là một trạng thái tâm lý không bình thường.
Lúc nào thấy cô đơn? Tại sao thấy cô đơn trong lúc ái ân?
Người ta thấy cô đơn khi phải suy nghĩ về Mình.
Trong cuộc sống bình thường ở một xã hội đang bình thường
phát triển, mỗi người đeo đuổi một mục đích, một hoài bão, ít ai có thời giờ
suy nghĩ về mình. Không phải vì quên mình đâu. Ðơn giản hơn nhiều. Vì mình (tâm
tư, hành động, lời nói ...) quyện với cuộc sống hàng ngày với người khác, vươn
lên với cuộc sống đó, với những người đó. Cuộc sống là mình và mình là cuộc sống.
Mình chỉ là cuộc sống của mình. Bộ mặt mình là bộ mặt cuộc sống đó. Bộ mặt đó,
ít ai có thời giờ ngắm nghía, phân tích. Soi gương thường là để đánh răng, rửa
mặt, điểm son, chuẩn bị đi ra ngoài, gặp người khác, không phải để tìm mình.
Chỉ khi nào xã hội phủ nhận mình, khi nào có sự đoạn
tuyệt giữa mình và cuộc sống hàng ngày, (cái) Mình mới biến thành màn đêm khổng
lồ đè nặng lên tâm tư của con người. Tóm lại, con người cô đơn khi cuộc sống bế
tắc, khi cuộc đời tước đoạt nhân cách của nó, dồn nó tận ngõ cụt. Tình trạng ấy
trở thành phổ biến khi bản thân xã hội bế tắc (ít nhất về giá trị), không tạo
được cho con người một lý tưởng, một hoài bão nhân nghĩa[3].
Lúc đó, thương người bao nhiêu, khổ thân bấy nhiêu, yêu nhau bao nhiêu, hành hạ
nhau bấy nhiêu, cũng thường tình.
Chính vì vậy chữ tôi là kẻ thù
số một của một loại quan đạo đức[4].
Chính vì thế một chuyện bình thường như chuyện vợ chồng ôm nhau đã khiến những
vị quyền hành rút dao xả búa. Nhưng đó là chuyện quyền lực, không liên can gì tới
văn học nghệ thuật. Miễn bàn.
Ðề tài truyện Năm Ngày hiện đại, thiết
thân. Từ thuở con người bứt sợi nhau cột nó vào bộ lạc nguyên thủy, tạo dựng cá
nhân, đặt ra vấn đề nhân phẩm của con người, giá trị của cuộc sống, chưa bao giờ
khát vọng tự do, nhân cách mãnh liệt như bây giờ, và cũng chưa bao giờ con người
ý thức sâu sắc như hiện nay rằng nhân phẩm không phải từ trên trời ban xuống, từ
đáy lòng dâng lên, mà từ người khác quyện lại : con người là toàn bộ những
quan hệ xã hội của nó ! Và khi xã hội chà đạp nó, điểm tựa cuối cùng của
nhân cách, nó thường tìm trong tình yêu giữa hai cá nhân. Nhưng tình yêu đó làm
sao độc lập với tình người trong cuộc sống ? Cắt đứt quan hệ đó với những
quan hệ khác, khác gì bửa đôi một con người ? Ðêm đã là gương soi mặt ngày
thì, ngoài một vài giây phút đần độn hạnh phúc, mặt ngày là mặt đêm, là mặt người.
Vì vậy, thương nhau, ôm nhau, mà thấy khoảng cách giữa người với người là vô tận.
Chọn một đề tài trọng yếu, hiện đại, không đủ để tạo một
tác phẩm. Còn phải viết một cách nghệ thuật. Còn phải biết làm tâm hồn đọng lại
trong nét mực.
Từ đầu đến cuối, truyện Năm Ngày không
trực tiếp đả động tới xã hội, không có hai chữ cô đơn. Thế mà đọc xong thấy
lạnh mình tê tái, băn khoăn mãi về con người, tình yêu, ý nghĩa và giá trị của
cuộc sống. Nó không phải một bản giải đáp một câu hỏi khoa học. Nó không phải một
bài lý luận triết học. Nó khơi trong lòng người đọc nhiều hơn những gì nó nói,
nó là một tác phẩm có tính chất nghệ thuật.
Về hình thức, tác giả vận dụng kỹ thuật độc thoại xen
lấn với văn tự sự. Hai kỹ thuật này đều không mới. Ðiều mới, điều hay, ở nghệ
thuật hoà hợp và đối kháng chúng.
Lời kể hiện thực, không râu ria tô vẽ: suy nghĩ, lời
nói, hành động, sự vật, đâu ra đấy, rõ ràng, đơn giản, xem ra rất trung thực.
Cái bàn, cái ghế, giá sách, đôi giầy quai mỏng, phất trần... vật nào ra vật nấy.
Nhưng lạ thay, khi đọc tới, thế giới thực này có lúc như mất trọng lượng, có
lúc lại dầy đặc đến ngộp thở. Vì nó không liên quan gì tới người đang sống với
nó. Cái bàn là cái
bàn. Nó không là một công cụ phục vụ một mục đích của con người : bày một
bữa ăn, viết một quyển sách ... Nó vô dụng, vô nghĩa. Nó chỉ là nó. Nó chẳng là
gì đối với ta. Tại sao lại có nó? Nó ở đấy làm gì?
Trong
thế giới thực kiểu này, con người cũng thực, quá thực, thực như bàn, như ghế,
thực như cái mặt cau có giữa bốn bức tường chật hẹp, một
khóe môi hơi trễ xuống, thực như một chân dung vẽ theo kiểu Picasso ?
Và
đối thoại lại càng thực một cách tàn nhẫn, nó chỉ là những lời tuyên bố không cần,
không có hồi âm :
Vâng.
Em
đã thu xếp được một chỗ ở. Mấy hôm nữa dọn.
Em
sẽ mang chiếc bàn đi.
Anh
chuyển giúp cho em chiếc bàn tới địa chỉ này ....
Vì
sao cái thế giới được tả rất thực đó, bỗng nhiên có một vẻ gì lạnh lùng, xa lạ?
Vì
nó sinh ra trong sự đánh tráo giữa hai lối hành văn đối kháng. Nó hình thành
qua tâm tư của một con người khao khát tìm một người khác mà không sao gặp được.
Như trong thế giới thực (trong đó có thân xác con người), nó là sợi giây cụ thể
duy nhất nối người với người. Nhưng, ở đây, nó đồng thời là khoảng cách vô tận
giữa người với người. Khoảng cách đó đã vô tận thì thế giới kia không thể có trọng
lượng : không sức mạnh nào cho phép ta đẩy lùi hay vượt qua nó để đạt tới
mục đích của ta.
Vì Không
có gì chung giữa ngày và đêm, thế giới chung kia trở thành ảo ảnh,
càng yêu nhau càng thấy cô đơn. Nó thực mà hoàn toàn giả. Nó giả mà dầy đặc hơn
một nhà tù ngăn cắt cặp tình nhân. Nó là con đẻ của độc thoại : miệng thì
nói không có gì chung giữa ngày và đêm, nhưng mắt lại thấy khoảng
chật chội giữa hai bàn tay! Khoảng không gian giữa hai bàn tay có thực,
là thế giới thực, có thể đo bằng thước: một tấc, hai tấc
..., có thể đánh giá nó rộng lớn hay chật hẹp. Làm gì
có khoảng chật chội? Chật chội thuộc một thế giới khác, thế giới người đang ngộp.
Sinh ra từ độc thoại, khoảng không gian thực kia trở
thành quái dị: chật chội là thuộc tính của nó, nó là chật
chội, như bàn là bàn, ghế là ghế, người là khóe môi hơi trễ xuống,
là cái mặt cau có. Nó giống người mà không phải là người. Nó là hiện
thân của sự ngột ngạt. Nó là cô đơn biến thành không
gian. Nó là biên giới, không vượt được, giữa người với
người (Nên nàng cúi mặt. Cúi vào khoảng chật chội giữa hai bàn tay).
Cái
độc thoại trong truyện Năm Ngày cũng đặc biệt. Một người nói một
mình với người khác vào hư vô nửa người nửa ngợm (khoảng chật chội giữa
hai bàn tay). Ðộc thoại ấy là một cuộc đối thoại giữa mình và mình
xuyên qua người khác. Nó là sự cách biệt tuyệt đối giữa ta và người yêu, ta và
người, ta và cuộc sống : ta và Ta. Nó là nỗi cô đơn cuối cùng biến thành
văn.
Truyện Năm
Ngày khơi sự cách biệt đó, khơi niềm ước mơ phá bỏ ranh giới
giữa ngày và đêm, nêu sự thất bại của tình yêu, tình người[5]. Tính chất nghệ thuật của nó ở chỗ thể hiện
được sự cách biệt đó, nỗi khát vọng đó, sự thất bại đó, qua lối hành văn.
Một
câu như: Khi tôi ngẩng lên, Vi đã đi mất, có gì tầm thường hơn?
Nhưng khi xuôi theo dòng văn, đọc tới nó mà lạnh người: cả một tâm hồn đang quằn
quại bỗng nhiên hoá thừa (không còn lý do tồn tại), cả một thế giới bỗng nhiên
sụp đổ.
Vi đã đi mất ... ta chỉ còn là ta,
ta chẳng còn là gì nữa ...
Một
câu văn dù chải chuốt, bóng bẩy tới đâu đi nữa cũng không thể khơi trong người
đọc một cảm giác như vậy. Phải có một tâm hồn nghệ sĩ thấm vào nét mực, từ chữ
đầu tới chữ cuối của tác phẩm, mới có thể làm một câu văn tầm thường như vậy thấm
thía như một giây im lặng trong một khúc nhạc hay[6]. Hiện tượng đó tạo phong cách (style) của
một nhà văn. Không phải gò từng câu, mài từng chữ mà tạo được[7].
Truyện Năm
Ngày rất quyến rũ, dễ say mê. Ðề tài hiện đại, thiết thân, lối viết mới
mẻ, nội dung và hình thức quyện với nhau thật đẹp mắt, thấm lòng.
Tác
giả quả là một người có thể cầm bút mà không muối mặt, một nghệ sĩ, một nhà
văn.
Trần Đạo
4-1989
[1] Năm ngày,
truyện ngắn của Phạm Thị Hoài.
[2] Không phải một điều bất hạnh cho văn học nghệ
thuật.
[3]— một nước có kinh tế phát triển như Pháp hiện nay, mức
tiêu thụ cao, trình độ văn hoá không thấp, tự do luyến ái hoàn toàn, theo thống
kê, điều người ta tìm nhiều nhất trong tình yêu là thông cảm, trìu mến. Tại sao
lại khó vậy giữa hai người yêu nhau?
[4] Mấy ông này thường muốn tiêu diệt tận gốc chữ
tôi, thay bằng chữ Chúng ta. Nhưng không ai thấy mình ở cái
Chúng ta đó. Nó như một bãi sa mạc trong đó chỉ có mấy ổng lò mò
nhau : BCH Hội này tuyên bố..., BTK Hội nọ quyết nghị... Chúng
ta, ô hô!. Chúng ta... Chúng, và ta!
[5] Phá
được ranh giới ấy, ôm người yêu vào lòng như ôm cả vũ trụ, như ôm một tâm hồn
trong suốt. Ðó là giấc mộng muôn thủa của các cặp tình nhân: tuy hai mà một.
Còn không phá được? Ôm người yêu như ôm ảo ảnh, ôm cả nỗi cô đơn trên đời mà đần
độn hạnh phúc. Thiếu nhân cách một chút thì như ăn một bữa cơm xoàng, bịt mũi
thi hành một bổn phận: nối giống (gà đá?) chẳng hạn. (Ðây là bổn phận lớn trong
xã hội phong kiến. Luật gia đình trong xã hội tư bản ngay thẳng và trắng trợn
hơn: bổn phận xã hội không thể né tránh, lôi thôi ra toà ắt thua kiện.)
[6] Không
nên vội vàng kết luận rằng chỉ cần là (!) nghệ sĩ, tụng
khẩu hiệu cũng thành văn.
[7] Không
nên kết luận rằng, miễn có tâm hồn, viết cẩu thả cũng thành văn. Ðừng tưởng câu
văn tầm thường kia hồn nhiên, vô tình. Nó có thể hồn nhiên (viết tùy hứng), nó
hoàn toàn không vô tình. Cảm hứng của nhà văn không bao giờ vô tình. Bình thường
người ta nói: tôi ngẩng đầu lên, tôi ngước mắt
lên. Tôi thể hiện thế giới chủ quan. Ðầu và mắt là những
vật của thế giới khách quan. Hai câu này nói lên hành động của chủ quan (tôi)
vào thế giới khách quan xuyên qua một vật vừa là thế giới khách quan (đầu, mắt)
vừa "là" tôi, tuy chẳng phải là toàn bộ tôi. Nó thể hiện sự thống nhất
giữa thế giới chủ quan và thế giới khách quan xuyên qua hành động của con người.
Nó thể hiện sự thống nhất giữa con người và cuộc sống. Nó tả một hành động thật.
(Con người chỉ có thể thực sự tác động vào thế giới vật chất xuyên qua những sự
vật, trong đó cơ bản nhất là... thân xác của con người).
Viết khi tôi ngước lên là hồn
nhiên cố tình chặt cái đầu, xóa đôi mắt, biến hành động kia thành ảo
ảnh : chỉ còn một âm hồn vươn mình trong hư vô (cái đầu, vật cụ thể, luôn
luôn có một vị trí trong không gian so với những vật cụ thể khác, do đó có thể
ngước lên, cúi xuống so với các hiện vật xung quanh ; cái tôi không đầu
không mắt kia không thể có trong không gian ; khi
điểm tựa cụ thể của nó (đầu, mắt) mất đi, nó trở thành ảo ảnh : một tâm hồn
trút cả vào hư vô (chỗ không còn người yêu nữa)).
Vi đã đi mất.
Vi là
một con người, có thân thể, có tâm hồn. Con người đó di chuyển giữa không gian
(chung), trong thời gian (chung) của người : quá khứ, hiện tại (chung),
tương lai.
Viết Vi đã đi rồi, Vi
đang đi hay Vi chưa đi là viết về con người
đó, về thời gian đó, con người thực trong thời gian thực. Bình thường ba câu ấy
đều đòi hỏi – trực tiếp hay gián tiếp – vế không gian : đi
đâu ? Ði chợ, đi làm (ở sở), đi ăn (ở tiệm cơm)... Thế giới đó không có gì
lạnh lùng xa lạ. Vi không có mặt ở đây (không gian chung),
nhưng Vi đang (thời gian chung) ở sở (không gian chung) và sẽ
(thời gian chung) trở về (không gian chung).
Còn Vi đã đi mất là đi
đâu ? Ði đâu mà mất ? Ði mất là đi không có nơi tới. Hay đi tới một
nơi ta không thể tìm được. Ði vào hư vô. Vi đã đi vào hư vô, sự
mất mát kia vĩnh cửu. Sự ra đi này không có ngày (thời gian chung) trở về
(không gian chung), vì nó là sự ra đi trong một thế giới không có thời gian và
không gian, thế giới độc thoại.
Phải hiểu thế nào ? Cái gì đã mất
đi ?
Mấy chục kí lô xương thịt kia, không ai
đánh cắp, bắt bớ, tiêu diệt, làm sao bỗng nhiên mất ? Nó tồn tại ở một nơi
khác. Người thốt ra câu ấy cũng thừa biết vậy (và chờ nó trở lại !). (Cái)
mất ở đây không phải là con người đó. Nó là (cái) gì (có) đằng sau khóe
môi hơi trễ xuống, đằng sau khoảng chật chội giữa hai bàn tay.
Nó là sự mất mát tuyệt đối, không gì cứu vãn được, vì không sức nào có thể tác
động tới nó : mất một tâm hồn. Ai đã yêu rất nhiều mà chẳng được gì hết,
có thể tự an ủi là được điều này : hiểu người yêu đã đi mất là mất cái
gì.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét