Thứ Hai, 6 tháng 11, 2023

Man Nương

 

Araki - Nhật ký mùa hè của tôi.


Man Nương

Phạm Thị Hoài

Man Nương, tôi gọi em như vậy những buổi chiều bốn mét nhân bốn mét rưỡi nhân hai mét tám màu xanh lơ trong căn phòng trống rỗng tầng ba có hai nhành xanh một thứ cây nào đó tôi không bao giờ biết tên.

Man Nương, em không rón rén nhưng cũng không thật đàng hoàng băng qua một hành lang dài bếp dầu xô chậu và guốc dép vãi như kẹo trước mỗi cửa phòng nào cũng bốn mét nhân bốn mét rưỡi nhân hai mét tám màu xanh lơ.

Trước cửa phòng tôi chỉ có một đôi dép nhựa tái sinh nâu thô kệch cở bốn mươi sáu là ít nhất. Ðộng tác đầu tiên của em là cúi nhón đôi giày tràn trề nữ tính vừa trút ngoài cửa vào theo, đặt chính xác ở góc càng mở cửa càng là tàng hình. Rồi mới úp mặt vào ngực tôi mở sẵn, rồi hai bàn chân trần tìm trèo lên hai chân tôi cũng đã mở sẵn em có thêm năm centimet bệ đỡ để nhích úp mặt vào cổ tôi, rồi hai cánh tay tìm ghì lên vai tôi để em đu úp mặt vào mặt tôi, thế là tới đích.

Man Nương, những buổi chiều từ hai giờ đến bốn giờ tôi gọi em như vậy, từ hai giờ đến bốn giờ nắng quái ác tôi chỉ có một chiếc quạt ba mươi nhăm đồng cực kỳ tế nhị muốn đặt kiểu gì nó cũng tự xoay mặt vào tường, hơn nữa từ hai giờ đến bốn giờ thành phố chưa có điện. Tôi đóng tất cả cửa sổ, mong ánh sáng cũng được tế nhị như cái quạt. Vì sao? Man Nương, em và tôi chúng ta không phải nhân vật chính trong tiểu thuyết bán chạy nhất. Ðiều đó đã rõ ràng. Tôi là một người đàn ông chỉ có chiều cao là chiều cao không gỡ lại được gì. Khẳng khiu, nhan nhản xương, đốt nọ đốt kia, nhiều tới mức chính tôi cũng chẳng buồn xem chúng có được một hài hoà trật tự nào đó chăng. Chúng không có. Em đã nhìn thấy. Em còn nhìn thấy chỗ khuỷu tay tôi chỗ bẹn chỗ hai tai chảy xuống toàn là nhăn nhó. Còn chỗ ấy là một cục xám nâu thảm hại không đáng một cái liếc mắt của trường phái nạ giòng âm thầm từng trải. Ngực thì mỏng tanh. Móng tay móng chân không cắt theo đường lối. Quần áo tầm thường. Người đàn ông này cũng không tỏa hương thèm khát ở môi ở các ngón tay dù ngón run run rờ trên em. Run run thật. Vì làm sao tôi tin được đây là không gian ái tình. Tôi cũng đã nhìn thấy em không phải một trang mỹ nữ với đùi dài thẳng tắp với ngực vênh vểnh và tóc xõa xõa. Man nương, em chẳng có gì giống thế. Ðã bao lần em đứng trước gương không biết nên trách khuôn mặt hay trách mái tóc hai thứ nhất định không cùng êkíp. Rồi cả hai lại hoàn toàn độc lập với những gì còn lại. Ðã bao lần em gắng thu xếp một tư thế lý tưởng nào đó lúc thì giấu giếm ngực lúc xua đuổi hai cái xương chậu và chủ yếu là thủ tiêu những đường cong ngược, ôi Man Nương!

Em úp mặt vào mặt tôi. Chúng mình không biết hôn một cách chuyên nghiệp. Tôi nghe nói người ta dùng lưỡi tách hai hàm răng. Em hẳn cũng nghe nói người ta xoay nghiêng mặt một góc bốn mươi lăm độ.

Nghe nói phải từ từ gỡ hai khuy áo trên. Phải sững sờ vài giây trước điều kỳ diệu thấp thoáng rồi có hai cách, hoặc vừa dịu dàng cúi xuống đặt môi vừa khe khẽ ngắm như thể đấy làm bằng pha lê bằng sứ Tàu bằng ngọc lan bằng hai giọt sương khổng lồ, hoặc tay phải bao giờ cũng là tay phải có một nhà văn đã nói về nỗi bất hạnh của những kẻ thuận tay trái cuống cuồng mơn nắn vò xé từ bên này qua bên kia từ bên kia qua bên này như thể chẳng kịp như thể nó sắp đột ngột vượt lên thách thức như một dải Hoàng Liên Sơn hay sắp biến mất sau trận động đất, cách hai là cách như dại cách một là cách như ngây. Còn em, em phải cong người ra phía sau cong mãi cong mãi con tôm của tôi chiếc lạt của tôi. Tôi mãi muốn làm mái vòm linh động rủ theo em. Che cái nắng quái ác cái nắng thiếu hẳn đức tế nhị.

Nhưng nghe nói phải diễn biến tiếp.

Bây giờ cũng có hai cách.

Cách một tôi vẫn áo quần nguyên nhè nhẹ trải em ra gấm của tôi vóc của tôi có hai con mắt và một ngón tay. Em thì mắt khép đùi khép còn lại lồ lộ run từng cơn thụ động. Cho đến khi em phải lật mình sang nghiêng, e lệ dốc thèm muốn xuống một bên lườn, một nửa sổ xương sườn thấp thỏm. Tôi mới liếm phơn phớt hai vành tai làm bằng nhung the và hai nhũ đầu có mùi táo tàu. Ðừng anh làm gì, em phải nói với khăn trải giường như thế câu ấy là bắt buộc. Nếu không chúng ta là phường đồi trụy. Một câu nói có sứ mệnh tổng vệ sinh tích cực thân thể xú uế của chúng ta. Rồi chúng ta lại bốc mùi đã khử trùng của hành lang bệnh viện.

Cách hai nghe nói phải oanh liệt hơn. Như thể hai dòng sông đã sốt ruột chảy và chảy qua bao nhiêu phong cảnh qua những bè gỗ thả những áo quần giặt đùm đụp những đập thủy điện xây vội những vô bê tần ngần, để bây giờ đổ ập vào nhau. Không có tôi trước hay em trước. Không có sĩ diện và những chùm tiết hạnh khả phong treo hoài phòng khách. Tôi phải ồn ào giải phóng em khỏi lớp trong lớp ngoài lớp lịch sự lớp văn minh giải phóng em khỏi lòng tự trọng quá sâu sắc. Tất cả sẽ rơi là tà hoặc cuộn thành mả thành đụn vô chủ như trên mặt trăng. Rất gợi cảm. Rồi tôi cũng hùng hổ lộn vèo qua đầu chiếc sơ mi trong khi một tay lần này tay trái vẫn giữ em. Dòng sông của tôi đừng chảy ra biển. Rồi chúng ta phải gầm gừ. Ở cách hai này gầm gừ là bắt buộc. Lẽ ra tôi dùng thêm từ rên rỉ. Nhưng trong tai tôi từ ấy xấu xí như chiếc cà vạt phải đeo đúng cách vào các dịp nào đó. Em không có cơ hội nói một câu gì vì tôi bịt kín miệng em tôi lấp hết các cửa ngõ ngay từ đầu tôi ào ào đánh phá bằng nhiều tốc độ vừa đánh vừa kìm. Cứ như ý tôi thì thành lũy này cho phép trọn vẹn hai tiếng đồng hồ từ hai giờ đến bốn giờ. Cho đến khi mỗi đứa đều băng qua điểm ích kỷ tuyệt vời chỉ còn đủ sức thán phục nhau bằng cách thiếp đi năm phút trong khi tay nắm tay nhau. Nếu không chúng ta là phường bạc bẽo.

Vẫn hoặc là như dại hoặc như ngây.

Nhưng đã xác định, tôi và em chúng ta không ở trong tiểu thuyết bán chạy nhất. Nghe nói thì thế đấy. Nghe nói thì người ta yêu nhau cứ như thế một sự kiện. Cứ như thể tiệc tùng. Cứ như thể Niết Bàn. Tôi không có ý chống lại các superlatives như hồi vị thành niên, nhưng đã từng lên khỏi một vài tiệc lớn nơi quý ông quý bà mỗi người một chiếc ly trong tay xoay hoay trình bày một phong độ. Tôi đã quẳng chiếc ly của mình vào một lùm cây gần nhất rồi chuồn. Và cũng từng chuồn khỏi một vài Niết Bàn nơi các quý vị nâu sồng lườm nguýt nhau vì xôi oản và chứng chỉ phong di tích lịch sử. Ðã được xếp hạng.

Nghĩa là tôi rất yên tâm vì những buổi chiều màu xanh lơ ấy không giống như nghe nói.
Giống làm sao được. Tôi cứ nhìn kỹ vào cuộc sống của mình, soi đi soi lại, như tự nghiện, như rắp tâm viết hồi ký, thì thấy rõ. Không có sự kiện đáng bàn tít lớn nào xảy ra với tôi. Hồi nhỏ chắc tôi cũng đã lên sởi, đã mấy lần gãy tay và mắc chứng táo bón, chứng bỏ học, chứng lười đánh răng. Tất cả những chuyện đó thật đáng yêu nhưng chúng chẳng cho phép tôi thành chú bé khác thường. Tôi cũng đã là cái giá áo cho những trang phục hiếu chiến nhất là suốt một tuổi vị thành niên. Hồi ấy mỗi ngày tôi búng ngón tay và nhổ nước miếng mấy trăm lần. Từng cái lông chân của thiên hạ đều khiến tôi giận dữ và kinh tởm. Sau khi thấy thế chỉ tổ cho bà con khu phố được giải trí không mất tiền, tôi chuyển qua trầm ngâm. Ngay từ hồi ấy tôi đã hiểu thấu đáo ý nghĩa của việc lặng ngồi nhấm nháp một tách trà ở ngã tư Hòa Mã, nơi cứ hai tuần tàu điện lại chẹt chết ai đó. Ngay từ hồi ấy tôi đã tập dượt những ý nghĩ bao quát về số phận. Tôi nghĩ ngợi về sự cẩu thả không thể tin được của con người trong cái cách họ im im đóng cửa cãi lộn hoặc an ủi nhau tất cả thường diễn ra quanh mâm cơm người này gắp thêm một miếng cho người kia người khác thì hất nước mắm ra chiếu, trong cái cách họ lê dép đi ra đường hoặc dính chặt vào yên xe đạp, trong cái cách họ chào nhau bằng những câu xoi mói, họ vén quần đái giữa phố một cách khiêu dâm, họ ngồi chồm hổm ở khắp mọi nơi như những con khỉ vui sống, họ tỏ tình không ý nhị gì cho lắm, họ sực nức mùi cá biển cắt ô toàn thành phố trong cùng một ngày. Tôi nghĩ ngợi rất nhiều về tương lai. Tương lai khi ấy đối với tôi vẫn còn là ngôi sao treo khuất ở đâu đó. Tôi cũng bỏ công lên đường tìm kiếm những kẻ giống mình, nghĩa là những kẻ trầm tư chĩa mắt vào cuộc đời mà họ chưa từng sống. Nhưng đấy là nhận định bây giờ. Thưở ấy tất nhiên tôi lang thang đi tìm tri âm như một kẻ đã sống quá đủ kể cả đời sống tình ái. Có một cô tên Lan hơn tôi mấy tuổi chịu trách nhiệm về điều đó. Chúng tôi ngồi ở công viên Pasteur rồi chạy tuốt lên đường Lê Phụng Hiếu trốn công an và hai dân vệ. Cuối cùng ở con dốc gần lò mổ tôi mới biết cô nàng là nạn nhân của bệnh đậu mùa và hôi rình ở miệng ở nách còn những chỗ khác tôi hoàn toàn lú lẫn. Thế là quá đủ. Tôi cặp kè sống chết với Vũ và Lâm. Vũ là một đứa lẻo khoẻo thích đội mũ phớt biết kéo vĩ cầm xuất thân giáo sư cả bố lẫn mẹ. Trên thế gian này không có ai đáng cho nó nói chuyện dù chỉ là câu thế nào khỏe chứ. Vì thế sự trầm ngâm của tôi là hợp cách. Lâm lại là hình ảnh của rất muốn dùng bạo lực. Vì lý do tổng quát, nó bị ám ảnh bởi ý nghĩ rằng chỉ riêng sự có mặt của nó trên đường phố đã đủ là lời tuyên án trực tiếp nhất nếu không muốn nói là sự khủng bố đầy hân hoan với tất cả những gì còn lại, nó với bộ râu quai nón tương lai với cặp mắt chứa chan tình cảm và đôi môi cố mím để khỏi mếu mếu cười cười. Rút cục chúng tôi cũng chỉ là một bộ ba phổ biến bao giờ người ta cũng ưa chuộng con số ba. Làm như nhân ba thì phấn chấn hơn nhân bốn. Tất cả những chuyện ấy cũng thật đáng yêu thật đáng nhớ lại kể lại với gia thêm một chút bột canh Việt Trì. Nhưng sòng phẳng mà nói những sóng gió tuổi choai choai ấy đến một lúc nào đó bỗng nhiên đi đâu hết. Tôi chẳng biết bây giờ Vũ đã đội chiếc mũ phớt bao nhiêu trong cuộc đời. Lâm đã lầm bầm nguyền ruả bao nhiêu lưỡi dao cạo. Một ngày nào đó gần đây tôi chợt nhìn thấy Vũ dắt chiếc một linh ba mặt mũi đầy tự trọng kiểu trí thức thuộc địa và theo sau một quãng nghi binh là một nàng đeo kính cố tách khỏi môi trường. Tóc nàng để rất dụng ý. Khóe miệng thì chán chường căng thẳng. Những phụ nữ hạng siêu việt này chỉ có một mục đích trong cuộc đời là săn tìm một người đàn ông có thể hiểu mình được. Họ quả là không đơn giản chút nào. Tôi mừng cho Vũ từ đằng sau. Thế mà nó đã tìm được ai đó đáng cho nó nói chuyện. Thế mà nó trưởng thành, đã có một đời sống xã hội thật rồi cứ nhìn cách nó chọn xe pháo thì biết. Còn Lâm đôi ba lần lướt qua ngay sát mũi tôi nhưng tôi chẳng kịp đánh hơi xem nó là ai. Mà tôi chắc cũng không dậy mùi VIP khiến nó phải miễn cưỡng ngoảnh lại. Nó đã quệt vỡ cái đèn xi-nhan bên trái của tôi để lách lên chui qua chiếc chắn tàu ở đầu đường Khâm Thiên, nó tỏ ra biết quý thời gian ở tình huống chắn tàu như phần lớn người Hà Nội hiện đại và cũng giống như phần lớn người Hà Nội hiện đại nó không xin lỗi. Thế cũng là một trưởng thành.

Man Nương, chẳng bao giờ em cật vấn tôi tôi cật vấn em xem chúng ta có đáng một hàng tít lớn nào không. Cứ thử nghĩ xem khi người ta đẹp khi người ta cường tráng người ta nổi tiếng và giàu có mà lại còn yêu nhau và yêu nhau hợp đạo lý thì có gì mà nói nữa. Hoặc khi người ta bị xô vào nhau như Chí Phèo Thị Nở thì cũng chỉ cần nói một lần trong sách vở là đủ. Chúng ta chẳng có gì giống thế.

Tôi rất mừng thấy em không phải hạng phụ nữ siêu việt như trên vì tôi không thích là mục đích của đời em. Nếu như thế tôi sẽ bứt rứt tôi sẽ gồng lên và một lúc nào đó cái không gian ái tình màu xanh lơ nóng hầm hập trơ trụi của chúng mình dứt khoát sẽ biến thành vũ đài. Tôi sẽ vung vẩy hò hét ở đó trên cơ sở cặp mắt sáng rực của em. Không, vì tôi biết tới gần giây phút sung sướng thực nhất có một màn mây mỏng đùng đục kéo qua mắt em, trông em đau đớn thất thần như trong cơn vượt cạn, rồi ở cái điểm ích kỷ tuyệt vời ấy em lờ đờ nhắm mắt khẽ trào ra một hai giọt lệ, còn tôi thì khụt khịt như bị ngạt mũi. Theo thẩm mỹ riêng của tôi như thế đáng cảm động hơn vũ đài.

Tôi cũng rất mừng thấy em không phải hạng phụ nữ nổi loạn muộn mằn. Em không có một quá khứ dại dột nào để bây giờ phải cân bằng. Em cũng không hầm như chúng mình trong nhiệt độ cao của những tâm hồn bây giờ mớt biết bốc cháy. Em lại càng không xoa dịu lương tâm bằng cái cách phổ biến là vò xé nó. Không phức tạp, không riết róng, không ồn ào. Nếu cần nói về em, tôi luôn chỉ biết em không như thế nào. Cứ trử dần đi trử dần đi, có thể còn lại là em, ôi Man Nương!

Tôi thường hết lòng ngắm em vào lúc hai giờ năm phút và bốn giờ kém năm phút. Hai giờ năm phút em gỡ tóc ra và chải. Bốn giờ kém năm phút em chải và búi tóc lên. Bao giờ cũng là cái lược ấy, cũng nhựa tái sinh, cũng màu xanh lơ, bán rất nhiều ở các mẹt hàng xén ngoài chợ. Tôi không thể hình dung em với một cái lược khác. Ðến nỗi buổi chiều cuối cùng tôi đã hỏi xin em cái lược ấy. Em nhẹ nhàng bảo như thế có xúc phạm vợ anh không. Tôi cười trừ và bỏ ngay ý định. tôi không cho phép ai cho phép cái gì xúc phạm vợ tôi ngoài chính tôi. Nàng cũng biết thế và nàng không đau đớn quá mức cần thiết.

Ở khoảng giữa hai lần chải đầu, tất cả diễn ra đều đều, trật tự. Tôi đã nói rồi, không có sự kiện. Ðầu tiên em lơ đãng liếc qua một hai mẩu báo rơi chểnh mảng trên sàn tôi thường mua bánh mì kẹp trong giấy báo. Trong khi đó, tôi kiểm tra một lần nữa các cửa sổ rồi rót nước lọc cho vào cái nắp phích. Tôi tới ngồi bệt trên sàn cạnh em, quạt quạt bằng bìa tờ phụ san thể thao văn hóa. Có Madonna và Maradona. Chẳng bao giờ tôi đưa ra một nhận xét tích cực về áo quần và mùi hương của em vì với em tôi không nỡ nịnh. Em trang phục theo lối tổng thể không thay đổi nên mọi nhận xét về biến cách của chi tiết một cái cổ áo dăm ba cái cúc mấy đường chít chít lượn lượn đều vô ích. Chỉ có một lần em giắt thêm hoa ngọc lan trong nịt vú. Ðấy không còn là biến cách mà là một phá cách đàng hoàng. Nhưng chỉ một lần em không lặp lại chẳng hiểu vì sao tôi cũng không hỏi.

Rồi lượng chừng mẩu báo đã dẫn luận xong, tôi đỡ em nằm xuống, vẫn ngay trên sàn nhà chỉ thêm hai chiếc gối chứ chẳng giường chiếu khăn khiếc trải gì hết. Hai chiếc gối bọc cùng loại vải kê ô cùng một đường may như đôi quần đùi của tôi. Em sẽ không nói gì với khăn trải giường, phải rồi, đấy là một tất yếu. Trong cái ánh sáng khó tả đã được tôi dàn xếp trước, trên nền gạch vàng nhờ nhợ và từ góc nhìn chênh chếch xuống trông em thật tươi. Mi mắt sẫm hơn, vành môi rõ ràng hơn, gò má thanh thoát hơn. Tôi ôm em một lúc vừa ôm vừa quạt vẫn phẩy đi là Madonna phẩy về là Maradona. Ðược khoảng trăm cái tôi mỏi tay em cũng tự động nhích ra. Ðến lượt những câu chuyện bâng quơ. Có gì mới không em. Có gì mới không anh, hai câu hỏi và hai cái lắc đầu thế là hết năm phút. Ðấy là tốc độ sống bình thường, tôi biết có những người còn chậm hơn. Chúng ta đào đâu ra từ bốn giờ chiều hôm trước đến hai giờ chiều hôm sau những thông tin túi bụi. Tôi với em chúng ta thuộc loại chưa từng gửi đi đâu một bức điện khẩn. May lắm mỗi người trong chúng ta có được một hai quyết định tạm gọi là quan trọng trong cuộc đời. Trong cả cuộc đời, tôi muốn nhấn mạnh. Hai mươi hai tiếng đồng hồ chỉ vừa xoẳn cho ta tự nhiên già đi một chút không nhận thấy, tự nhiên quên đi một cái gì không rõ, tự nhiên ra ra vào vào thêm mấy lượt ở ngay cửa nhà ta mà thôi. Nghe thì chán nhưng thực ra tất cả những chuyện ấy cũng thật đáng yêu. Vì thế tôi vẫn đầy hứng khởi theo sát những chuyện không mới của em. Hôm nay con bé nhà em lại nhất định không chịu đi nhà trẻ. Hôm nay em gặp chị ấy chị ấy ở đầu chợ. Hôm lâu lắm không gặp trông có vẻ béo ra. Lý tưởng thẩm mỹ của em là béo tôi có thể hiểu được. Hôm nay hôm nay hôm nay. Tôi không có khả năng miêu tả cuộc đời mình giản dị sinh động như thế, nên lòng dâng tràn âu yếm. Và bắt đầu run run rờ trên em. Làm sao tôi tin được đây là không gian ái tình.

Em nhổm dậy, xoay lưng cởi áo, tôi cũng nhổm dậy xoay lưng. Bên nào ra bên ấy không có cảnh ngổn ngang vô chủ. Trung thành với truyền thống mảnh trong vẫn ở trong mảnh ngoài vẫn ở ngoài ngăn nắp trên sàn. Em không hề biết trên đời này có cái gọi là hiệu ứng đồ lót. Còn tôi cũng không hề biết cách nâng niu những thiên thể bé nhỏ ấy tôi sợ chúng tuột qua kẽ ngón tay. Rồi chúng ta cùng quay nhanh lại cùng trườn vội vào lòng nhau cùng nhìn sâu vào mắt nhau thết là mắt khỏi chạm vào những chỗ khác. Tay cũng thế môi cũng thế nói chung cái nào vào cái ấy rồi tất cả cùng trật tự đi tới đích, hoặc thỉnh thoảng cũng không đi tới đích. Tinh thần chung là không sáng tạo. Có thể tôi luôn tỏ ra sung sướng hơn tình cảm thực một chút. Có thể tôi tìm cách giấu giếm một vài cố gắng. Và có thể em một đôi lần cùng nhẫn nại nằm đó cho cái tình yêu thật kém điêu luyện này có chỗ mà đậu vào. Có thể như vậy. Ðấy không là những động tác giả. Ðấy chỉ là để thay thế những xin lỗi cám ơn tương kính như trong hội nghị mà chúng ta chẳng thể du dương cất lên.

Sau đó đến lượt em quạt, quạt mãi quạt mãi. Vài chục nghìn chiếc tôi đếm không chính xác vì lần nào cũng thể đúng lúc ấy hai nhành xanh một thứ cây nào đó tôi không bao giờ biết tên đột ngột lách qua một khe cửa sổ nhòm vào. Như một nụ cười hiền. Nhân chứng duy nhất đây, kẻ khích lệ duy nhất đấy. Tôi quên bẵng những đốt xương nhan nhản của mình, quên sự trầm tư, quên rằng bên cạnh tôi em đã thu xếp được một tư thế lý tưởng từ lâu; tôi nháy mắt và đánh lưỡi với một con thạch sùng treo lặng phắc trên trần: tôi ư ử trong cổ họng: Man nương ơi Man nương. Không bao giờ em biết tôi gọi em như thế.

Buổi chiều cuối cùng đợi em búi tóc xong tôi đã bẻ một trong hai nhành xanh ấy trao cho em. Em chớp chớp mắt ngạc nhiên rồi bỏ nó vào chiếc túi cán bộ thường đeo kéo phécmơtuya thật chặt. Một nửa nụ cười hiền nhàu nát theo em vượt qua lại một hành lang dài bếp dầu xô chậu và guốc dép vãi như kẹo…

Tôi định bụng đem theo nốt nhành xanh còn lại sớm hôm sau khi giã từ Hà Nộị Nhưng việc ra đi bận rộn khiến tôi quên đi mất. Căn phòng của tôi đã bán.

-----

 Bà Thụy Khuê bình.


Phần I: Gồm hai tùy bút, thật ra là hai bản giao hưởng: giữa ngôn ngữ và tình yêu (trong "Man Nương"), giữa ngôn ngữ và những kỷ niệm một đời phong trần (trong "Kiêm Ái").

...

Man Nương, tại sao lại Man NươngMan Nương có liên quan gì đến người con gái trong truyền thuyết "Truyện Man Nương" ghi trong Lĩnh Nam Chích Quái? Hay là người con gái thổ dân miền sông Ðà, núi Tản, xưa gọi là Man, nay là Mán? Chắc là có. Man còn là một biến tự (anagramme) của Nam - tên thật Phạm Thị Hoài. Nhưng những điều ấy không mấy quan trọng, Man Nương vừa là bản giao hưởng của tình yêu, vừa chứng minh một thử nghiệm bút pháp. Mạch văn ở đây diễn tả trực tiếp tư tưởng lóe ra trong đầu với cường độ nhanh, chậm, đứt khúc, ghềnh, thác của một dòng sông. Nói như một nhà âm nhạc: "dòng nhạc chảy trong đầu tôi" thì Man Nương chính là "dòng tư tưởng chảy trong đầu người tình" từ khi người yêu đến cho đến lúc nàng đi, mỗi buổi chiều từ hai giờ đến bốn giờ, trong căn phòng xanh lơ, vuông vắn (4mx4m5) và chiều cao standard 2m8: kích thước "tiêu chuẩn" của một đời sống bình thường. Và tình yêu cũng bình thường, trần trụi không màu mè, son phấn như trong các tiểu thuyết bán chạy, giữa một người đàn ông "khẳng khiu, nhan nhản xương" với một người đàn bà có "khuôn mặt và mái tóc không cùng ê-kíp". Man Nương là sự tiếp xúc trực tiếp bằng thị giác, thính giác, xúc giác và tâm linh giữa hai cá thể. Man Nương là lưu lượng chan hòa của tình yêu trong nhịp đập thiết tha và dồn dập nhất: bản giao hưởng nhẹ tấu lên khi Man Nương se sẽ bước vào phòng:

 "Man Nương, tôi gọi em như vậy những buổi chiều bốn mét nhân bốn mét rưỡi nhân hai mét tám màu xanh lơ trong căn phòng trống rỗng tầng ba có hai nhành xanh một thứ cây nào đó tôi không bao giờ biết tên.

 Man Nương, em không rón rén nhưng cũng không thật đàng hoàng băng qua một hành lang dài bếp dầu hôi chậu và guốc dép vãi như kẹo trước mỗi cửa phòng phòng nào cũng bốm mét rưỡi nhân hai mét tám màu xanh lơ." (trang 10)

     Thử đọc to lên, chúng ta mới thấy văn trong Man Nương không thể đọc vì sự phát ngôn không bắt kịp nhịp chữ và lượng chữ dài hơn lượng thở. Ngôn ngữ ở đây là những "tiếng thầm" biến tấu trong đầu khi dồn dập, khi xô lệch, khi cao, khi thấp, khi buông, khi thả, tùy theo động tác thể xác hay suy tưởng tâm linh. Chức năng ngôn ngữ ở đây là gợi hình, biểu cảm, môi giới cho cảm xúc giữa hai người tình. Những hình ảnh nhấp nhô không chỉ là những hình ảnh đẹp mà còn xen lẫn những góc cạnh méo mó, lệch lạc của đời thực: đã bao lần em gắng thu xếp một tư thế lý tưởng nào đó lúc thì giấu giếm ngực lúc xua đuổi hai cái xương chậu và chủ yếu là thủ tiêu những đường cong ngược, ôi Man Nương! (trang 11)

     Man Nương không phải là bản giao hưởng du dương trầm bổng trong không khí lãng mạn "tiểu thuyết" mà là một bản nhạc khác thường, hiện đại, cực thực, với những sần sùi, gai góc, những "đường cong ngược"... trên thân thể và tâm hồn con người ngay trong phút giây cực lạc. Ngòi bút sắc và đôi mắt sáng của Hoài không ở đó để ghi lại khía cạnh đặc dị (singularité) của đời sống mà để khai quật, mổ xẻ, lột mặt nạ (démasquer) khía cạnh bình thường dưới nhiều lăng kính, nhiều góc độ khác nhau. Nếu văn cổ điển dùng sự thành thực làm chuẩn thì văn của Phạm Thị Hoài dùng sự thực làm chuẩn. Ðiểm khác nhau và cái mới là ở chỗ đó.

 

 =====

Trần Mạnh Hảo

Văn chương, trước hết là một cách ứng xử văn hóa.

đọc tập truyện ngắn Man Nương của Phạm Thị Hoài

Đọc xong tập truyện ngắn "Man Nương" của Phạm Thị Hoài, chúng tôi bàng hoàng, thậm chí kinh dị về nguyên nhân ra mắt của ấn phẩm này, lòng bán tín bán nghi cứ đinh ninh rằng nó được in ra bởi một nhà xuất bản của người Việt di tản bên Mỹ. Nhưng buồn thay, nó lại được in ra ở trong nước bởi nhà xuất bản Hà Nội năm 1995, có đề rõ tên người chịu trách nhiệm xuất bản là Đỗ Minh và người chịu trách nhiệm bản thảo là Hoàng Ngọc Hà thì quả là hết sức giật mình thật. Phạm Thị Hoài, nhà văn của đợt sóng mới được biết đến bởi cuốn tiểu thuyết mini "Thiên sứ" và một ít truyện ngắn khác. Mặc dù còn khá nhiều dấu vết của sự bắt chước và phương cách làm dáng trí thức, "Thiên Sứ" đã chiếm được cảm tình của người đọc. Chúng tôi quả tình đã hi vọng qúa nhiều vào Phạm Thị Hoài với một lối viết cuốn theo dòng ý thức tự sự, độc thoại nội tâm khá linh hoạt, với một nhãn quan trẻ trung tuy hơi bụi, sẽ có thể làm được một cái gì kha khá cho văn học Việt Nam. Nhưng tình cảm của chúng tôi với "Thiên Sứ"- Phạm Thị Hoài hầu như đã bị thương tổn bởi "Man nương". Chúng tôi đã thất vọng khi gặp ở đây một Phạm Thị Hoài khác, một Phạm Thị Hoài không thể tưởng tượng được.

 Công bằng mà nói, trong mười truyện của "Man Nương" có những truyện khá như "Tiệm may Sài Gòn", "Thực đơn chủ nhật" và "Những con búp bê của bà cụ". Ở những truyện này, trên những tình huống bi kịch, phi lý, thậm chí nhớp nháp và ghê rợn, khả năng thành tâm và chừng mực của tác giả còn lay động được nỗi lòng người đọc. Đâu đó, không phải không có những đoạn, những trang văn hay, những phân tích tâm lý thú vị, những nhận xét sắc sảo và tinh quái, những biếm nhẽ đỏng đảnh và khôi hài đáo để, những triết lý ranh mãnh và sự nổi đóa con trẻ, những cảm động nhợt nhạt và dễ thương. Lối viết của Phạm Thị Hoài là lối viết tự sự học đòi kiểu trôi theo dòng ý thức và độc thoại nội tâm, lấy thước đo mù mờ của cái tôi để đo đạc một thế giới ẩn ức còn mù mờ hơn nữa có tên là vô thức. Bắt chước lối viết của các nhà văn của chủ nghĩa hiện sinh đã cáo chung trước những năm sáu mươi, truyện của Phạm Thị Hoài hầu như không có nhân vật, hay nói đúng hơn, nhân vật trung tâm, nhân vật chính là cái tôi, là chính tác giả. Do đó, giữa nhà văn và nhân vật hầu như không còn khoảng cách. Dù đóng vai nhà thơ trên diễn đàn hay một thày A.K. ấm ớ đi tìm chân lý, rốt ráo thái độ và phát ngôn với cuộc đời kia vẫn là của chính Phạm Thị Hoài. Nhân vật không chỉ còn là phân thân, mà chính là hóa thân của tác giả, là người lĩnh xướng và phát ngôn viên của nhà văn. Một số truyện của Phạm Thị Hoài vẫn còn ghi rõ dấu vết thô thiển của sự bắt chước như "Thực đơn ngày chủ nhật" là giọng điệu của Nguyễn Huy Thiệp, "Những con búp bê của bà cụ" và "Một anh hùng" tràn ngập chất Marquez, "Truyện thày A.K. kẻ sĩ Hà Thành" như sao chép lại cách viết của Kafka và của Cesvantes trong Don Quichotté... "Man nương" như một hồi ức, một nhật ký tâm hồn, một phản ứng xã hội, một phép ứng xử của tác giả với thế giới. Vậy, chúng ta cùng nhau khảo sát xem cái thế giới Phạm Thị Hoài mang đến cho chúng ta trong "Man nương" có còn là thế giới của "Thiên Sứ"? Vâng, văn học - hành động hướng thiện của con người, có thể ra đi từ thế giới của qủy sứ nhưng là để trở về thế giới thiên sứ của con người chứ không phải ngược lại. Nên nhớ rằng, theo Kinh Thánh, Lucife trước khi biến thành qủy sứ vì phạm thượng và kiêu ngạo, đã từng là một thiên sứ, một thiên sứ “thương lắm cơ”(!)

 1) " MỘT THẾ GIỚI... XẤU GHÊ GỚM"

 Trong truyện ngắn "Nền cộng hòa của các nhà thơ", một truyện ngắn thể hiện thái độ bỡn cợt, khinh thị, nhạo báng nền văn học của chúng ta một cách khá ác ý, trang 137, tác giả viết: "Khi cái đẹp được hiểu một cách biện chứng nhất, nó sẽ đương nhiên thống trị thế giới hiện thời, một thế giới mà trong đó thú thực nhìn vào đâu ta cũng thấy xấu ghê gớm". Có thể nói, kết luận này được coi là quan niệm thẩm mỹ của Phạm Thị Hoài, là tư tưởng chủ đạo của "Man Nương". "Cái đẹp được hiểu một cách biện chứng nhất" của tác giả quả là một cái đẹp mù mờ, nhưng là một cái đẹp chưa có, chưa đến, còn nằm trong khát vọng. Bởi theo tác giả, nó - tức cái đẹp hư vô kia " sẽ đương nhiên thống trị thế giới hiện thời", nghĩa là nó còn ở thì tương lai. Còn với cái thế giới đang có, đang tồn tại, một thế giới theo kiểu Descartes, tức nhiên là thế giới thu nhỏ "Man nương", thật là thê thảm vì "nhìn vào đâu ta cũng thấy xấu ghê gớm" (!) Chúng ta hẳn còn nhớ một danh ngôn gần như là một câu kinh thánh của Dostoievski về văn học nghệ thuật: "Cái đẹp sẽ cứu chuộc thế giới". Đề tài viết của thiên tài này hầu như toàn về cái ác, cái xấu nhưng là để cứu vớt và tôn vinh cái thiện, cái mỹ. Dù ngay cả trong địa ngục của qủy sứ nơi "Anh em nhà Karamazov", "Tội ác và trừng phạt" hoặc" Lũ người qủy ám"..., bao giờ Dostoievski cũng ráng sức lượm lặt, tìm kiếm, hi vọng, quằn quại trong nỗi đợi chờ thiên sứ của nhân tính, của cái đẹp hằng sống nơi con người xuất hiện như ngôi sao thành Betlem trong đêm đông xưa. Ngay cả nhà văn Áo gốc Tiệp khắc là Kafka từng vật vã, trôi dạt, ẩm mốc trong một thế giới đã bị rệp hóa, gián hóa, sâu bọ hóa cũng là để truy tìm cái đẹp của thiên sứ trong nhân tính, dù là cuộc đi tìm có lúc hầu như tuyệt vọng, nhưng là thứ tuyệt vọng cao cả, thứ tuyệt vọng của khát vọng đạo đức cùng đường. Nguyễn Du đã bị xã hội đẩy vào thế giới "xấu ghê gớm" là nhà thổ trần gian cùng với nàng Kiều. Nhưng lạ thay, ở nơi cặn bã của thế giới, thi hào và nàng thơ của mình lại chứa chan lòng thương yêu con người, tìm lại được cái đẹp thiên sứ của trinh bạch ngay trước tượng thần Bạch Mi. Văn học, trên cánh đồng Araphát ngày phán xét chung của lương tri và nhân tính, bao giờ cũng như ngôi sao mọc bên phải loài người. Văn học, hay là một phương cách hy vọng vào một thế giới tốt đẹp hơn, nhân ái và bao dung hơn. Nơi, ngay trong lòng thế giới bị qủy ám đi chăng nữa, nhà văn cũng phải chỉ cho con người biết cách phát hiện là thiên sứ Gabriél đến báo tin mừng về sự cứu chuộc của cái đẹp đã xuất hiện. Chỉ có Phạm Thị Hoài trong "Man nương", như tuyên bố trên của mình, đã đánh mất khả năng thiên sứ bằng việc không còn biết phát hiện ra cái đẹp của thế giới. Đánh mất khả năng khám phá ra cái tốt đẹp của thế giới, cũng có nghĩa Phạm Thị Hoài đã đánh mất thuộc tính quan trọng nhất của văn học vậy.

 "Một thế giới mà trong đó thú thực nhìn vào đâu ta cũng thấy xấu ghê gớm". "Man nương" có thể là một minh chứng cho nhận định mang tính thẩm mỹ độc nhất vô nhị trên của tác giả. Phạm Thị Hoài quả có sở trường về việc dựng lên một thế giới bỉ ổi, lưu manh, dâm đãng, đểu cáng và hèn hạ. Con người dưới con mắt của Phạm Thị Hoài chỉ còn là con vật, một con ruồi libido "bu quanh" một không gian gớm ghiếc: "Cứ thử quan sát họ, dù ở một nhà vệ sinh thu tiền, hay bu quanh một góc tiểu tiện khoan khoái ấm cúng giữa phố... đến nhà nào cũng thấy một con đực, và kè kè bên nó một con cái, không rõ có phải của nhau hay không..."(19)  "Tôi có đủ nghề nhưng chẳng thạo nghề nào ngoài ăn ngủ với đàn bà và lừa mị vợ"(111). Nhà văn trước hết phải là tông đồ của nhân tính, nghĩa là phải biết thương yêu đồng loại, nhưng Phạm Thị Hoài trong tác phẩm này, hầu như chỉ nhằm khinh rẻ, tởm lợm con người, cho họ là khỉ tuốt: "Tôi nghĩ ngợi về sự cẩu thả không thể tin được của con người trong cái cách họ im ỉm đóng cửa cãi lộn hoặc an ủi nhau ... họ vén quần đái giữa phố một cách rất khiêu dâm, họ chồm hổm ở khắp mọi nơi như những con khỉ vui sống..."(11). Hãy xem tác giả xỉ nhục và thô bỉ hóa giấc mơ của con người còn tồi tệ hơn cả con vật ghê tởm nhất: "Anh mỗi ngày tắm một lần mơ một lần. Mơ được mẩu nào gói ngay vào số đề quẳng ra cửa sổ như gói cứt. Anh đừng có đánh rắm và chịu khó tắt thở là dí mũi vào Thiên Thai, vú chúng nó như bánh dày đùi như giò lụa"(42). Hãy xem tác giả dòi bọ hóa con người trong sự "nhung nhúc" của phố phường: "Đám đông đang nôn nóng thành đạt nhung nhúc trên các đường phố"(158). Con người dưới mắt Phạm Thị Hoài là một loài vật vô ý thức, thô tục, bẩn thỉu và man rợ: "Mẹ tôi lựa lời can thì dỗi, xuống bếp tè vào nồi nước rau"(67). "Ngồi chồm hỗm trên ghế như đi cầu tiêu và xỉa răng như quét chợ, những câu chửi đời phun ra giữa hai lần và soàn soạt thối không chịu được, nhưng mẹ bảo, khách đã là thượng đế thì thế chứ bĩnh ra đây mình cũng phải nuốt"(69). Các nhân vật của Phạm Thị Hoài ít khi nói được một câu tử tế, toàn là giọng bặm trợn, thô bỉ, đầu đường xó chợ: "Ngoài miệng thì chị chị em em, tấm bánh thì chia, tấm chồng giấu như mèo giấu cứt"(48). "Chiều cái con tiều"(44). "Anh xin em anh đéo biết nịnh đầm"(39). "Mẹ kiếp, chỉ thiếu cái mồ hôi hố xí hai ngăn nhà anh là toàn diện"(48). "Một ngày hăm bốn tiếng ăn ngủ đụ ị"(42). "Mũi như ống bô xe máy"(43). "Anh vào ra đếch xin phép, mẹ kiếp như việc xã hội"(46). "Mồ hôi anh như mùi hố xí hai ngăn"(37). "Đéo chơi cái đoạn đi giày da Ý"(42)... Chừng như Phạm Thị Hoài rất khoái trá nhìn vào một thế giới "ruồi và cứt ruồi bám như đậu đen vừng đen"(70), vượt qua cả giới hạn của chủ nghĩa tự nhiên để hóa thành chủ nghĩa dung tục, đã tìm mọi cách thối rữa hóa linh hồn và thể xác đồng loại trong cái nhìn bệnh hoạn, nhẫn tâm, sung sướng nhìn đồng loại bị hủy hoại của thày A.K., một phát ngôn viên của tác giả: "Người ta suy dinh dưỡng và toét mắt, ngứa ngáy và đau bụng ỉa chảy, lên sởi, động kinh, băng huyết và uốn ván, tê thấp đậu mùa, trúng gió, cấm khẩu, giun sán, còi xương, ngớ ngẩn, đau ruột thừa, lên nẹo, cả tin, bướu cổ, ung thư, u mê, sâu răng, đi rắt, ho lao, phù thũng, quáng gà, tuyệt tự, thối rữa linh hồn, rụng tóc, mê sảng, bội thực, thối mồm, tảo tinh, táo bón, biếng ăn, sốt rét, thiếu máu, nói nhịu, cười vô cớ, quai bị, tim la, thoái hóa cột sống, sợ ma, chảy máu não, cuồng dâm, sỏi thận, chán đời, bạo phổi, rối loạn kinh nguyệt, ra mồ hôi trộm, teo cơ giả phì đại, ngất, hủi, liệt, mù, câm...”(192). Quả "là một thế giới xâu ghê gớm". "Man Nương" đã thành câu lạc bộ bệnh hoạn của chứng động kinh phi nhân tính, một bệnh viện khổng lồ của con người, nơi chỉ toàn bệnh nhân mà không có thày thuốc. Đồng loại tật nguyền toàn phần kia dưới đôi mắt tàn nhẫn của nhà văn, ngay một người mẹ cũng rất ác với chính con mình: "Người mẹ trả thù cho việc mang thai tôi rất bất đắc dĩ bằng cách cứ tiện tay thì bổ guốc cao gót xuống đầu tôi"(102). Còn người cha thì vô hồn: "Bố thì giống máy hút bụi chưa có trên thị trường"(77). Do vậy, cái nhân vật - xưng tôi - tác giả, đã hơn một lần giận dữ và kinh tởm đồng loại: "... hôi rình ở miệng và nách"... "nhổ nước miếng mấy trăm lần. Từng cái lông chân của thiên hạ đều khiến tôi giận dữ và kinh tởm"(10,11). Một cái nhìn đen tối về thế giới, một thái độ khinh rẻ và căm ghét con người đến như vậy của Phạm Thị Hoài, phỏng có phải là một thế giới quan bệnh hoạn và một quan niệm thẩm mỹ chối bỏ nhân tính chăng? Với một thế giới đen hơn mực Tàu, không một mẩu đom đóm của lòng trắc ẩn, không một ánh lân tinh của hi vọng như thế, khiến ta có thể gọi "Man nương" là một tác phẩm văn học được chăng? Bởi, nói như Joan Giô-Nô: "nhà văn là giáo sư của niềm hy vọng", chứ đâu phải là trò chơi bịt mắt bắt dê của cái xấu xa và sự tuyệt vọng trong ao tù của con- người- thú- tính? Rất tiếc một thái độ nhìn đời đen tối và báng bổ như trên, chừng như đang manh nha thành một khuynh hướng trong văn học Việt Nam?

 2) MỘT CÁI NHÌN KHÔNG PHẢI VỚI NGƯỜI VIỆT NAM

 Nhân vật xưng "tôi-tác giả" có lúc xưng là em, xưng là nhà thơ, xưng là thày A.K. Khốttabít hâm hâm kia trong "Man nương", ngoài khả năng khinh rẻ con người nói chung ra, nó còn có một khả năng khác cũng gần như vô tận là thái độ coi thường, thậm chí mạ lỵ người Việt Nam chúng ta nữa. Than ôi, thử tìm dưới gầm trời này xem có một nhà văn, một trí thức chân chính nào lại đi khinh rẻ dân tộc mình, tổ tiên, thậm chí lăng mạ cả tín ngưỡng của ông bà mình như nhân vật xưng tôi trong tác phẩm này của Phạm Thị Hoài  hay không? Hãy nghe tác giả nói về đất nước của mình: "Ông ta là một công dân của một đất nước ở vào thời buổi không có gì đáng sĩ diện hết"(30). Những dòng này, tác giả viết vào tháng 12 năm 1990, nghĩa là vào thời hiện nay, có thật đất nước chúng ta là một đất nước "không có gì đáng sĩ diện" như Phạm Thị Hoài đã viết? Trong lịch sử bốn nghìn năm của mình, đất nước chúng ta bao giờ cũng là một đất nước không ngại bất cứ sự hi sinh to lớn nào để giữ sĩ diện quốc gia, giữ sĩ diện nòi giống bằng hàng chục cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Chúng ta sẽ bị lăng nhục ghê gớm khi một buổi sáng nào đó, một kẻ nào đó chợt chỉ vào mặt ta mà chửi rằng ngươi là một kẻ không có sĩ diện. Nhưng chúng ta chả lẽ sẽ không bị lăng nhục hơn khi có ai đó nhân danh bất kỳ thứ qủy quái nào, dám bảo đất nước Việt Nam đau thương và anh hùng của chúng ta là một đất nước "ở thời buổi không có gì đáng sĩ diện hết"(!) Thảo nào, bằng lối tự sự của dòng độc thoại nội tâm, Phạm Thị Hoài ở trang 112 trong truyện "Một anh hùng" đã "nguyền ruả số phận là người Việt Nam của mình" bằng cách viết: "Cũng như mọi người Việt Nam khác, hễ có dịp là tôi nguyền ruả số phận là người Việt Nam của mình, và hễ được hỏi vậy muốn là người gì tôi sẽ nhất định thở dài mà xin làm người Việt". Kinh Thánh có kể chuyện thánh Jop vì bị Chúa thử thách cho tan gia bại sản, cô độc, đói nghèo, cùi hủi, đến mức không chịu đựng được đã phải nguyền ruả ngày sinh của mình, nguyền ruả số phận mình, chứ tuyệt nhiên không dám nguyền rủa số phận là dân Do Thái dòng dõi Abraham của mình. Không có một tác phẩm văn học chân chính nào không tìm cách gắn với cội nguồn dân tộc, gắn với bầu sữa của bà Mẹ Tổ Quốc đã tùng nuôi nấng mình, chỉ trừ Phạm Thị Hoài mà thôi. Khi đang tâm "nguyền rủa số phận là người Việt Nam của mình", không biết văn học của bà sinh ra để phục vụ một đất nước nào khác vậy? Do đó, chúng ta không lạ gì thái độ rẻ rúng người Việt Nam khi tác giả hàng xén hóa đồng bào mình: "Người Việt Nam chúng ta sinh ra không phải chỉ làm một việc. Mỗi chúng ta là một tài cán tạp nhạp, người sáng giá nhất thì có cái diện mạo và cử chỉ của một ông chủ hàng xén thành đạt"(111). Quả thậm vô lý khi tác giả lên án những ai yêu nước bằng cách "lo việc nước": "Mà lo việc nước lắm lại khổ việc nước nhiều đấy thôi, chứ ích gì. Cái quốc gia này chỉ thực sự chuyển mình khi không còn bất kỳ ai lo đến nó"(111). Chừng như bất cứ biểu hiện gì "lo việc nước" đều dị ứng với tác giả: "Chúng ta không dám cầm bút ghi vào sổ cảm tưởng trong đó một người vô danh viết bằng các bức "nu" trong phòng tranh này cũng láo toét như những khẩu hiệu chính trị"(115). Vì sự nóng giận mất bình tĩnh, tác giả đả kích rồi chửi đổng cả một số tờ báo có đăng tin vụ án và cho rằng báo chí gián tiếp ăn xác chết như những con kên kên chính hiệu: "Ông ấy mặt lặng như phu mộ tải thây người đi dọc phố. Cũng đếch có thây xịn, báo Công an nước đầu, báo Tiền phong nước hai, xào đi xào lại đến báo Đại đoàn kết thì chết qua tay mấy lần. Tiên sư đời"(43). Ở trang 115, không biết với dụng ý gì, tác giả bịa ra một tòa án binh lố bịch và man rợ, diễu cợt và bôi bác khi xét xử một vụ hủ hóa" thấy da thịt một đen một trắng hổn hển lao vào ngực chính trị viên...khi cô ta rên...", bằng cách đốt hai cái quần của của đôi nam nữ xem có ngửi thấy mùi "ấy" không:"Trước tòa án quân sự ... Người ta quyết định đốt hai chiếc quần, một gabađin quân phục, một phíp đen dân sự, nhờ ngọn gió phán xét. Gần trăm con người nín thở đứng thành vòng tròn quanh giàn thiêu. Đại úy chính tị viên châm lửa. Khói quân sự và khói dân sự ngập ngừng bốc lên, chừng một gang tay chưa hề có dấu hiệu khả nghi, rồi bỗng quyện vào nhau, cuốn quýt, say đắm, được tiếng vải nổ tanh tách khích lệ, thắm thiết dìu nhau tỏa mãi vào không gian vùng quê lành mạnh. Họ vô tội trong chừng một gang tay để rồi ngay sau đó hiển nhiên sa ngã"(115).

 "Man nương" đã chạm vào nơi sâu thẳm nhất là tín ngưỡng của người Việt Nam, bằng cách diễu cợt, xúc xiểm qúa tục tằn rất Phạm Thị Hoài: "Ngày xưa tín ngưỡng trộm, lòng thành nơm nớp như mót ị sợ bị bắt quả tang bĩnh ra quần. Bây giờ đéo mót người ta cũng đến nhà bắt rặn"(44). Cái cách "mót" và "rặn" ra tín ngưỡng của Phạm Thị Hoài quả tình đã xúc phạm, thóa mạ các vị thần linh của người Việt. Nữ văn sĩ hiện sinh chủ nghĩa đánh nốc-ao cả vua Hùng và Đức Thánh Trần Hưng Đạo, một vị là ông tổ của dân tộc, một vị là anh hùng dân tộc được nhân dân phong thánh: "Tất cả thần thánh đất Việt cùng một số vị ngoại quốc nhưng đã Việt hóa hoàn toàn: nào đức thánh Trần, nào Liễu Hạnh Tản Viên, nào sơn thần thủy quái, chúa Thượng Ngàn, nào các cô các cậu, các vua Hùng... Quan Công... pho nào cũng gồm một cái mặt đuồn đuỗn trai chẳng ra trai, gái chẳng ra gái, và một trang phục phường chèo thậm vô lý"(118). Tác giả sàm sỡ, bờm xơm, diễu cợt cả mẹ Âu Cơ: "Tôi đẻ trăm cái trứng hết nhiệm vụ làm tổ tiên"(46). Cao hứng vì cú trừng phạt tổ tiên, hạ bệ thần tượng thần linh một cách ngoạn mục, Phạm Thị Hoài không tha cả một anh hùng dân tộc khác - một nhà văn hóa vĩ đại nhất lịch sử nước nhà là Đức Nguyễn Trãi: "Đúng là tôi toàn trích Ức Trai tiên sinh... Cái văn phong lặng ngồi tẩn mẩn xót xa thương người thì ít thương ta thì nhiều trong các bài thơ thất sủng của ông có thể dạy tốt cho tôi, rằng không nên để mình bị thất sủng như thế"(111).

 Hà Nội thủ đô, trái tim đất nước, đất nghìn năm văn vật, được rất nhiều văn nhân thi sĩ cổ kim ca ngợi, là niềm tự hào rất đỗi thiêng liêng của mỗi người Việt Nam. Chúng tôi vô cùng kinh ngạc vì Phạm Thị Hoài sao lại căm ghét thành phố này đến thế khi mỗi buổi sáng thức dậy, bà lại đến nỗi lỗ mãng chào nó bằng một phát trung tiện rất hiện sinh của mình: "Phải sống ở Hà Nội, phải hít thở nó đằng mũi, đằng mồm và thấy nó nghèn nghẹn nơi cổ, nó từ từ trườn vào phổi, nó máy trong bụng như thai nhi, nó chạy tê tê xuống hai bắp vế, rồi nó chào thân ái ta, hay ta chào thân ái nó bằng một phát trung tiện nghe như tiếng thở dài"(149). Xin lỗi, tiếng chào Hà Nội kiểu này của Phạm Thị Hoài hẳn là một cách để cám ơn cái thành phố đã qúa hào hiệp và lơ đãng, đến nỗi đã để nhà xuất bản của nó in ra tập truyện có một không hai này chăng? Vâng, một Hà Nội mà trong các trang viết của mình, Phạm Thị Hoài bao giờ cũng biết cách trả ơn nó bằng một gáo nước lạnh hắt thẳng vào mặt: "Hà Nội còn mình tôi với anh trôi trên áo hàng thùng. Một mình tôi với anh. Nhìn xung quanh là cánh đồng chết. Nhìn nhau chán như bà già gặp kẻ cắp"(46). "Bắt cóc nàng mang về Hà Nội thôi, ở đó đầy rẫy những tiên nữ thôn quê thoái hóa biến chất, giọng thì cứ bèn bẹt ra, mông đánh vù vù, hở ra câu nào vô duyên câu ấy"(182).

 3) DUNG TỤC CÓ PHẢI LÀ CON ĐƯỜNG CỦA VĂN HỌC?

 
 Viết "Man nương", chừng như Phạm Thị Hoài muốn lập hội quán libido, nơi những ức chế khao khát được thỏa mãn bằng chữ nghĩa khỏa thân, tha hồ tuôn chảy những hành vi phòng the giữa thanh thiên bạch nhật của người đọc và giấy trắng. Chúng tôi hiểu rằng, tình dục là một hành vi, một ứng xử văn hóa, hơn nữa nó còn là vẻ đẹp, nỗi đam mê không phải chỉ ở hành động truyền giống mà là biểu hiện của nghệ thuật và cái đẹp thiêng liêng hằng sống. Văn hóa tình dục chỉ có thể trở thành thẩm mỹ, thành niềm say mê cao cả và qúy phái khi nó xảy ra đúng nơi, đúng lúc, đúng người, đúng việc dành riêng cho nó. Nhưng khi người ta lôi tình dục ra biểu diễn trước đám đông, trước độc giả, nhất là lại núp dưới chiêu bài triết học thì xin lỗi, đó là hành vi không văn hóa. Chúng tôi phần nào thông cảm với Phạm Thị Hoài khi bà hăng say thực hành giáo điều của chủ nghĩa hiện đại là bất chấp thế giới khách quan và những khế ước của nó, bất chấp thuần phong mỹ tục, cứ mặc nhiên lột truồng cái tôi bản năng ra như lột hành lột tỏi, thả lỏng ngòi bút trôi theo dòng vô thức vô bờ bến của những thèm muốn thú tính, mặc xác mọi thứ y phục của đạo đức, cứ thoát y vũ tư tưởng và tâm hồn trong một thế giới không còn thượng đế, không còn lương tri, lòng tốt...Nhưng chúng tôi không thể thông cảm với Phạm Thị Hoài, vì thật ra bà đâu có khả năng theo chủ thuyết văn nghệ nào, dù là những chủ thuyết đã cáo chung, để tha hồ bày trên trang sách những điều tầm thường mang nhãn hiệu hiện sinh với hậu hiện đại. Bà chỉ núp dưới tên tuổi của Sartres và Camus, Kafka và Marquez, Proust và Joyce... để triết lý ba lăng nhăng dung tục nhằm câu khách rẻ tiền. Không ai cấm và không thể cấm văn học viết về đề tài tình yêu, tình dục. Nhưng là một tình yêu, một tình dục khác mang tính thẩm mỹ hướng thượng, chứ không phải theo lối viết qúa bầy hầy của Phạm Thị Hoài dưới đây. Chúng tôi xin phép trích ra không bình luận, còn những câu, những đoạn qúa quắt qúa, những trang tả chân cách mút và ngoáy lưỡi, cách lột quần áo, cách làm cho nhau hưng phấn khi làm tình...chúng tôi xin miễn trích vì sự tôn trọng độc giả:

 
 "Đầu Nguyễn Thái Học có nhà tắm nước nóng mậu dịch mỗi xuất một sô giang mai". "Tốc hành xong khoản ấy thì dạng háng ra"." Em ơi một phát thôi không vừa rút ra ngay"(38). "Đúng năm giờ, ngày đang bước vào thời điểm đực cái bắt đầu cuốn lấy nhau... Một lát sau họ lần lượt khỏa thân. Toàn những con ngựa không có người cưỡi, xác thịt chảy buồn bã như suối"(35). "Phụ cấp năm phút nhòm chay từ dưới lên, tôi cứ váy rộng đứng chênh vênh trên ghế treo hàng là hồn vía thằng cha sà xuống cống. Mẹ kiếp thuế má dâm ô đéo chịu được". "Anh đếch biết thằng nào bóc tem em thằng nào hớt em nước đầu, anh đây xin nước hai có mầu"(40). "Thỉnh thoảng tôi chổng mông, hồn cu cậu lập tức dông lên nóc khách sạn mười tầng cao nhất Hà Nội"(41). "Nhưng đàn ông có bao giờ mòn. Đàn bà chỉ dùng một phút là thành đồ cũ. Tôi đố anh đi cả phố tăm được con nào còn nguyên hộp"(48). "Tôi đã rót đều đều về nhà mỗi tuần một lượng tinh trùng cần thiết để duy trì hạnh kiểm của đôi bên"(109). "Anh dịch vụ tôi tôi sòng phẳng anh tuốt tiền mặt, rút ra cho vào cái đếch gì"(89). "Tôi chơi với bóng tôi trong nước tồng ngồng"(46). "Anh lượn đi cho tôi nhờ, dắt con bờ anh sang tiệm bánh ngọt"(46). "Tôi mới liếm hai đầu nhũ có mùi táo tầu"(8). " Khiếp mấy anh đầm đìa liếm lờ..."(45)... vân vân và vân vân... Những dòng viết nhơ nhớp trên, lạ thay sao có người khen nức nở và dũng cảm gọi nó là văn học hiện sinh, làm ảnh hưởng đến thanh danh và uy tín học thuyết đã qúa vãng của Sartres và Camus ?

 Tóm lại, tập truyện ngắn "Man nương" có thể đã được Phạm Thị Hoài viết trong trạng thái ức chế của những khuynh hướng (refoulement des tendances)? Những ẩn ức phân tâm bị kìm hãm này đã  tìm cách xì ra trang giấy một cách vô thức, vô tội vạ, bất chấp những giới hạn và hành vi giao tế là một chức năng quan trọng của văn học. Mặt khác, những quan niệm triết học và thẩm mỹ xa lạ, kỳ quái, một sự đua đòi bắt chước những phương pháp sáng tác chợ chiều, ưa làm dáng trí thức bằng khả năng của dung tục nổi loạn, cộng với sự khinh mạn con người nơi tác giả, khiến "Man nương" trở thành một cuốn sách biểu dương cái ác, cái xấu một cách quái đản và dị hợm, có khả năng làm mất cảm tình độc giả nhất trong mấy năm gần đây. Văn học có thể viết về những điều bẩn thỉu, hạ cấp nhưng là để không đánh mất khả năng sạch sẽ và sang trọng của mình. Văn học có thể viết về vết thương nhưng là để chứng tỏ khả năng băng bó của nó chứ không phải khả năng giòi bọ, viết về nỗi tuyệt vọng nhưng để hướng về ánh sao đêm của hi vọng. Văn học có thể lăn lóc trên giường, nhưng là để hướng về hạnh phúc của cái đẹp mang tính đạo đức, chứ không phải dẫn con người vào thế giới hưởng lạc, sa đọa, vô luân. Văn học, trước hết là một cách ứng xử văn hóa, chứ không phải là câu lạc bộ của bản năng buông tuồng, sàm tấu, chửi đổng, dung tục, khiêu dâm, xúc phạm ông cha đất nước của bất cứ sự nhân danh và từ bất kỳ ai ở phía nào của đời sống, để thông báo tín điều của qụa về "một thế giới xấu ghê gớm". Chị Minh Quân, nhà văn quen biết của Sài Gòn trước năm 1975 nói với chúng tôi rằng, với tập bản thảo "Man nương" này, ngay cả chính quyền Sài Gòn cũ cũng không dám cho xuất bản vì nó vừa tục tĩu, vừa nói xấu vua Hùng và Trần Hưng Đạo. Rất tiếc, nhà xuất bản Hà Nội, một nhà xuất bản vốn có uy tín, năm 1995 đã làm một việc không thể hiểu nổi là cho in cuốn "Man nương", xúc phạm lòng tự trọng và tình yêu văn học của bạn đọc xa gần.,.

     

Trần Mạnh Hảo

Đọc Man nương của Phạm Thị Hoài: Viết tình yêu như thế nào?

Man nương là truyện đầu tiên và ngắn nhất của Phạm Thị Hoài trong tuyển tập mới của chị: Từ Man nương đến AK ... (1), tuyển tập trong đó bên cạnh những tác phẩm thuần tuý văn học (ít nhất là bề ngoài), xuất hiện nhiều "tiểu luận" xoay quanh một chủ đề: văn học.

Đoàn Cầm Thi -

Man nương, theo tôi, có lẽ là tác phẩm độc đáo nhất, ở chỗ nó kết được cả hai yếu tố: truyện và luận. Man nương kể một câu chuyện tình yêu, điều này không có gì mới vì tình yêu, chủ đề muôn thuở nhưng cũng là nhàm chán nhất của văn học. Tuy nhiên đó chỉ là cái cớ để che giấu một câu hỏi mà tác giả đặt giữa trung tâm tác phẩm: "Viết tình yêu thế nào?".


Hai nhân vật chính của Man nương chỉ tồn tại như hai kẻ tình nhân, không hơn không kém. Hầu như tất cả những gì được kể đến trong tác phẩm đều chỉ có một mục đích: làm nổi rõ giới tính của nhân vật. Người đàn ông không tên, không tuổi, không nghề nghiệp, không vị trí xã hội. Nhưng ta được biết rằng anh có vợ, cô người tình đầu tiên của anh tên Lan. Bộ phận sinh dục cũng được miêu tả ngay: ".... chỗ ấy là một cục xám nâu thảm hại không đáng một cái liếc mắt của trường phái nạ dòng âm thầm từng trải" (tr.11). Đồ đạc liên quan đến anh là "đôi quần đùi" và "đôi dép nhựa tái sinh nâu thô kệch cỡ bốn mươi sáu là ít nhất" (tr.10). Người đàn bà cũng không tên, không tuổi, không nghề nghiệp, không vị trí xã hội. Man nương chỉ là tên người đàn ông gọi chị duy nhất vào những thời điểm tình yêu. Vả lại, chữ nương không viết hoa chỉ đặc điểm giới tính hơn là tên riêng vì nương trong tiếng Việt dùng để gọi những phụ nữ trẻ. Ngay từ đầu người kể nhấn mạnh chị có " đôi giày tràn đầy nữ tính " (tr. 10). Ngoài ra còn gợi thêm "ngực", "tóc" , "lược" và "nịt vú". Chúng ta cũng biết rằng chị còn là mẹ "con bé nhà em..." (tr.19).


Không gian của Man nương hoàn toàn khép kín. Cụm từ "không gian tình yêu" được nêu đến ba lần. Các kích thước "Bốn mét nhân bốn mét rưỡi nhân hai mét tám" được nhắc đi nhắc lại. "Một trong hai nhành xanh (...) nhân chứng duy nhất của tình yêu" cũng bị bỏ vào chiếc "túi cán (...) kéo phécmơtuya thật chặt" (tr.20).


Thời gian của Man nương cũng hoàn toàn khép kín. Buổi chiều "từ hai đến bốn giờ" được lặp lại ba lần trong một câu "Man nương, những buổi chiều từ hai đến bốn giờ tôi gọi em như vậy, từ hai đến bốn giờ nắng quái ác (...), hơn nữa từ hai đến bốn giờ thành phố chưa có điện" (tr.10). Như một lời ám ảnh.


Cả không gian và thời gian đều được đo đếm với một sự chính xác đến hiếm có trong văn học. Nếu câu chuyện bắt đầu bằng một cảnh tình yêu, nó kết thúc bằng buổi chia tay của cặp tình nhân, khi nhân vật nam "giã từ Hà nội". Thời gian tình yêu biến mất: "buổi chiều cuối cùng". Không gian tình yêu cũng không còn nữa: "căn phòng của tôi đã bán". Con người, không gian và thời gian ở đây chỉ tồn tại duy nhất trong mối quan hệ với tình yêu. Tình yêu chi phối tất cả.


*

Nhưng cái mới của Man nương trong cách viết tình yêu là sự sáng tạo một hệ thống phủ định. Có thể đếm được ít nhất 50 từ chỉ sự phủ định trong câu chuyện dài vỏn vẹn có 10 trang này. Phần lớn là "không", "chẳng", thường là đứng trước động từ như "Em không rón rén nhưng cũng không thật đàng hoàng" (tr.10), "em chẳng có gì giống thế" (tr.11), "Chẳng bao giờ em cật vấn tôi tôi cật vấn em xem chúng ta có đáng một hàng tít lớn nào không" (tr.16). Cũng có thể đứng trước tính từ như: "Những chuyện không mới" (tr.19). Hoặc đứng một mình: "Không, vì tôi biết..." (tr. 17). Đôi khi sự phủ định là gián tiếp, không phải trong từ mà là trong ý "Hai cái lắc đầu" (tr.18 ).


Hệ thống phủ định của Man nương mang ý nghĩa gì ?

Có thể nói các từ phủ định làm nhịp cho câu, câu của Phạm Thị Hoài thường dài, ít dấu phảy, văn nói văn viết không tách bạch: "Đã bao lần em đứng trước gương không biết nên trách khuôn mặt hay trách mái tóc hai thứ không cùng ê-kip" (tr.11). Các ý phủ định làm nhịp cho bài, bài của Phạm Thị Hoài thường các chi tiết hoà lẫn vào nhau, tưởng như không đầu không cuối. Cứ như thể chỉ sự có mặt của chúng thôi cũng đủ để định nghĩa tình yêu. Phủ định để đối lập không gian tình yêu "bốn mét nhân bốn mét rưỡi nhân hai mét tám màu xanh lơ" với "một dãy hành lang dài (...) phòng nào cũng bốn mét nhân bốn mét rưỡi nhân hai mét tám màu xanh lơ" (tr.11).

Phủ định để đối lập thời gian tình yêu "từ hai giờ chiều đến bốn giờ chiều" với hai mươi hai tiếng đồng hồ còn lại, "hai mươi hai tiếng đồng hồ chỉ vừa xoãn cho ta tự nhiên già đi một chút không nhận thấy, tự nhiên quên đi một cái gì không rõ, tự nhiên ra ra vào vào thêm mấy lượt ở ngay cửa nhà ta mà thôi " (tr. 19). Phủ định để đối lập hai kẻ tình nhân cuồng nhiệt với hai con người giản dị đến tầm thường của cuộc sống hàng ngày, "tôi với em chúng ta thuộc loại chưa từng gửi đi đâu một bức điện khẩn" (tr. 19). Phủ định để có được "một buổi chiều màu xanh lơ không giống như nghe nói". Phủ định để tạo nên một "em không như thế nào" (tr. 17).


Phủ định để đem lại ý nghĩa cho những cái tưởng chừng như vô nghĩa.


*

Nói " không" để định nghĩa tình yêu, nói "không" để định nghĩa cách viết tình yêu.


Chính từ phủ định đã phần nào đưa từ Man nương "truyện" sang Man nương "luận", nhất là khi nó đứng một mình như ở trang 17: "Tôi sẽ vùng vẫy hò hét ở trên cơ sở cặp mắt sáng rực của em. Không, vì tôi biết..." (tr.17). Ở đây, từ "không" có thể trả lời cho một câu hỏi mà người kể tự đặt cho bản thân anh ta. Nhưng dù thế nào đi nữa, nó đều mang màu sắc của một sự đối thoại. Cũng cần chú ý trong Man nương sự có mặt của các đại từ nhân xưng như "chúng ta", "chúng mình", "em", "tôi". "Tôi" và "em" khá lấp lửng để cho phép đọc Man nương vừa như một lời người đàn ông ngỏ với người đàn bà đang yêu, vừa như lời người viết ngỏ với độc giả. Nếu đại từ "em" có thể là ngôi thứ hai, số ít, nó cũng có khả năng là ngôi thứ ba, số ít, giống cái, tương đương với "nàng", hay "cô ấy", "chị ấy". Cách dùng đại từ "tôi" cũng tạo cảm giác là có hai "tôi" tách bạch: một, nhân vật của truyện và một, đang luận về truyện. Hơn nữa Thuỵ Khuê trong bài Phạm thị Hoài trên sinh lộ mới của văn học (Diễn Đàn số 20) gợi ý là có thể coi chữ "Man" như "một biến tự của Nam, tên thật của Hoài". Nếu chi tiết đó, Thuỵ Khuê cho rằng "không mấy quan trọng", tôi xem đây như điểm cốt lõi cho phép đặt dấu gạch ngang giữa nhân vật và tác giả, và đọc những lời tưởng chừng như ngây thơ hay trung lập của truyện một cách khác đi. Đặc biệt, sự kết hợp các đại từ nhân xưng này với các từ phủ định tạo nên những lời bình rõ ràng đến hiển nhiên: "chúng ta chẳng có gì giống thế", hay "Em và tôi, chúng ta không phải nhân vật chính trong tiểu thuyết bán chạy nhất", "Em chẳng có gì giống thế". Không thể nào không đọc ở đây sự gay gắt đến quyết liệt của một nhà văn muốn chối từ.


Nhưng Man nương chối từ cụ thể điều gì?


Man nương phủ định hình ảnh sáo mòn thường được gắn với các nhân vật trong một câu chuyện tình yêu. Người đàn bà trong Man nương "không phải là một trang mỹ nữ với đùi dài thẳng tắp với ngực vênh vểnh và tóc xoã xoã" (tr.11). Người đàn ông của Man nương "không toả hương thèm khát (...). Móng tay móng chân không cắt theo đường lối" (tr.11). Không phải ngẫu nhiên mà tác giả dẫn "Chí Phèo Thị Nở" (tr. 16) hay "Madona và Maradona" (tr.18), những nhân vật điển hình của các tình yêu điển hình.


Man nương từ chối các phép ẩn dụ hay so sánh, nhất là ở mức tối đa, các "superlatives" (từ của tác giả), thường được dùng xưa nay để diễn tả các cảm xúc tình yêu: "như thể đấy làm bằng pha lê bằng sứ Tàu bằng ngọc lan bằng hai giọt sương khổng lồ" (tr.12), "hoặc là như dại hoặc là như ngây" (tr.13 ), hay "như thể hai dòng sông" (tr.12), "như thể một sự kiện, (...) như thể tiệc tùng, (...) như thể Niết bàn" (tr.13).


Man nương bác bỏ sự nghèo nàn, tù túng đến ngây ngô và hài hước trong cách tả tình yêu của các tiểu thuyết "chuyên nghiệp" , các "tiểu thuyết bán chạy nhất": "nghe nói có hai cách, hoặc... hoặc..." (tr.11), "... phải nói... như thể câu ấy là bắt buộc" (tr.12), "nếu không chúng ta là..." (tr.13), "bây giờ cũng có hai cách, cách một... cách hai...".


Man nương là một lời phủ định - từ chối, từ chối theo những lời, những ý, những từ đã trở thành khuôn sáo của văn học. Man nương là một lời phủ định - khẳng định, khẳng định tính độc lập của nghệ sĩ trong sáng tạo, tính tự do của công chúng trong hấp thụ thẩm mỹ. Nếu văn học truyền thống cố tạo nên niềm tin tuyệt đối trong lòng người đọc, Man nương đòi hỏi sự thay đổi hoàn toàn trong thái độ của độc giả. Phạm Thị Hoài đòi hỏi độc giả bớt thụ động hơn, tức là có trách nhiệm hơn. Vậy Man nương là một lời cảnh tỉnh. Đưa lại cho người đọc một cảm xúc kỳ lạ như cảm xúc của kẻ chơi trò xếp hình không tìm thấy hết các dự kiện, Man nương, cùng với một số tác phẩm khác của Nguyễn Huy Thiệp hay Bảo Ninh, đánh dấu sự chuyển biến của văn học đơn nghĩa sang văn học đa nghĩa.


Có thể nói rằng trong khi văn học cổ điển định nghĩa: "viết là x", Man nương tuyên bố: "viết là không x". Bởi vì cái "x" đó nghèo nàn, cũ kỹ và sáo mòn đến nỗi chỉ cần phủ định nó, chỉ cần thêm "không" vào trước nó, người ta đã được một cái gì mới hơn, một cái gì sáng tạo hơn.


*

Man nương và tiểu luận Viết như một phép ứng xử (2) trong đó Phạm Thị Hoài khẳng định: "... nhiều nhà văn Việt nam lớp trước đã trả một cái giá đắt để chúng tôi, những người đến sau, có thể học được điều lớn nhất là : không nên viết như thế nào" (tr.177), cả hai phải được đọc như một lời song ca của nền văn học Việt Nam mới, trong đó chủ đề chính vẫn là văn học. "Vấn đề không còn là viết về cái gì mà viết như thế nào" (tr.176), văn học mà ở đó hình thức và nội dung không còn là hai khái niệm khác biệt nhau, đối lập nhau. Ở đây, hình thức và nội dung đã hoà làm một.


Nhưng có lẽ Man nương vẫn là giọng ca chính trong bản song ca đó, bởi ưu điểm "thuần tuý văn học" của nó, tức là "luận" không những bằng trí tuệ mà còn bằng cảm xúc và hình tượng.


Chúng ta hiểu được vị trí mở đầu mà Phạm thị Hoài trao cho Man nương trong tuyển tập mới này của chị.

Paris, tháng 12 năm 93

(Diễn Đàn, số 27 - tháng hai 1994)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét