Tranh Tôn Ôn |
Hồi
7.
Đem
biếu cung hoa, Giả Liễn đùa Hy Phượng;
Ăn
yến Ninh phủ, Bảo Ngọc gặp Tần Chung.
Bà Chu tiễn già Lưu về rồi, lên trình Vương phu nhân, không thấy ở trong phòng, hỏi ra lũ a hoàn mới biết là sang chơi bên Tiết phu nhân. Bà Chu liền ra cửa nách, qua nhà phía đông, đến viện Lê Hương. Vừa vào cửa, thấy a hoàn của Vương phu nhân là Kim Xuyến cùng một a hoàn mới để tóc đang đùa với nhau ở trên thềm. Trông thấy bà Chu, Kim Xuyến biết tất có việc gì liền hếch mồm vào phía trong ra hiệu.
Bà Chu khẽ nâng rèm bước vào, thấy
Vương phu nhân cùng Tiết phu nhân đang nói chuyện lan man hết việc nhà đến việc
người. Bà Chu không dám đánh động, rảo bước vào nhà trong, thấy Tiết Bảo Thoa mặc
đồ thường, trên đầu búi tóc trần, ngồi cạnh bục, cúi xuống bàn cùng a hoàn là
Oanh Nhi đang vẽ hoa. Thấy bà Chu đến, Bảo Thoa bỏ bút xuống, quay người lại,
đon đả cười nói:
Mời chị Chu ngồi.
Bà Chu vội cười hỏi: Cô mạnh luôn chứ?
Rồi ngồi cạnh bục nói: Đã hai ba hôm
nay không thấy cô sang bên kia chơi, hay là cậu Bảo có điều gì trái ý đấy!
Sao lại nói thế? Chỉ vì bệnh của tôi lại
phát, nên phải ở nhà tĩnh dưỡng mấy ngày.
Thế à? Cô có bệnh gì? Nên mời thầy xem
mạch cho thuốc. Còn trẻ tuổi mà mắc bệnh không phải là chuyện chơi đâu!
Thôi đừng nói chuyện ấy nữa, đã mời
bao nhiêu thầy lang, tốn thuốc, tốn tiền, rút cục chẳng thấy hiệu nghiệm gì.
Sau có một vị hòa thượng chuyên trị những bệnh không tên, không tuổi, tôi nhờ
xem, người bảo tôi bị nhiệt độc từ khi ở trong thai, may mà tiên thiên tốt, nên
không việc gì. Thuốc thường thì không ăn thua. Người có kê cho bài thuốc tên là
“Hải thượng tiên phương”73, lại cho một gói thuốc bột để làm thuốc
dẫn, mùi thơm lạ thường. Người bảo: hễ thấy đau thì uống một liều là đỡ ngay. Kể
cũng lạ thật, uống vào quả thấy hiệu nghiệm.
Phương thuốc gì, cô cho biết, để sau
này có ai mắc bệnh như thế tôi sẽ mách họ, cũng là một việc làm phúc.
Đừng hỏi phương thuốc ấy còn hơn, nếu
hỏi, có khi làm người ta bực đến chết được. Các vị thuốc phải có đồng cân đồng
lạng nhất định, khó nhất là được hai chữ “vừa khéo”. Phải có mười hai lạng nhụy
hoa mẫu đơn trắng nở vào mùa xuân, mười hai lạng nhụy hoa sen trắng nở vào mùa
hạ, mười hai lạng nhụy hoa phù dung trắng nở vào mùa thu, mười hai lạng nhụy
hoa mai trắng nở vào mùa đông. Đem bốn thứ này phơi vào ngày xuân phân74 năm sau, rồi tán kỹ với thuốc bột;
lại phải có mười hai đồng cân nước hứng giữa trời đúng vào ngày vũ thủy.
Ối chao! Mất ba năm mới thành thang
thuốc! Nếu ngày vũ thủy không mưa thì làm thế nào?
Nếu không gặp được nước mưa vừa khéo
thì đành lại chờ vậy. Còn phải mười hai đồng cân nước móc vào ngày bạch lộ, mười
hai đồng cân nước sương vào ngày sương giáng, mười hai đồng cân tuyết vào ngày
tiểu tuyết. Đem bốn thứ này hòa với thuốc, thêm mười hai đồng cân mật ong, mười
hai đồng cân đường trắng, viên to bằng quả nhãn, để vào trong cái hũ sứ cổ,
chôn ở gốc cây hoa, khi nào ốm thì lấy một viên ra uống, sắc một đồng hai phân
hoàng bá làm thang.
A Di Đà Phật! Khéo chết người chưa? Chờ
đến mười năm nữa cũng chưa chắc đã tìm đủ được các vị thuốc!
Cũng may, sau khi hòa thượng đi độ một
hai năm, vừa khéo tôi tìm đủ các vị để chế được một tễ. Giờ tôi mang từ nam
lên, hiện chôn ở gốc cây lê kia.
Thuốc ấy có tên không?
Có, hòa thượng bảo tên là Lãnh hương
hoàn75.
Bà Chu nghe xong gật đầu hỏi: Cô ốm ra
sao?
Không biết thế nào, chỉ ho suyễn thôi,
uống một viên là khỏi. Bà Chu muốn nói nữa, chợt nghe Vương phu nhân hỏi:
Ai ở trong ấy?
Bà Chu vội chạy ra trình việc già Lưu.
Một lúc, thấy Vương phu nhân không nói gì, bà Chu muốn lùi ra thì Tiết phu nhân
cười bảo:
Chị đứng lại đây. Tôi có cái này, nhờ
chị mang đi hộ. Nói xong, gọi: Hương Lăng!
Có tiếng rèm động, a hoàn bé hồi nãy
chơi đùa với Kim Xuyến tiến lên hỏi:
Thưa mẹ bảo gì? Tiết phu nhân bảo:
Lấy chùm hoa ở trong hộp mang lại đây.
Hương Lăng vâng lời, mang hộp gấm nhỏ
đến. Tiết phu nhân nói:
Đây là mười hai cành hoa bằng lụa kiểu
mới rất đẹp, ở trong cung tết ra để cài đầu. Hôm qua tôi nghĩ: nếu cất đi nó cũ
mất, thật đáng tiếc, chi bằng đem ra cho các chị em chúng nó dùng. Tôi định đưa
ngay, nhưng rồi lại quên bẵng đi mất. Hôm nay chị đến vừa đúng, nhờ chị mang đi
chia giúp. Ba cô nhà, chị chia mỗi cô hai cành, còn sáu cành cho cô Lâm hai
cành, cô Phượng bốn cành.
Vương phu nhân nói:
Sao không để cho cháu Bảo mà lại chia
cho các cháu? Tiết phu nhân nói:
Chị không biết, con ranh ấy tính lạ lắm!
Xưa nay nó có thích hoa thích phấn bao giờ. Bà Chu cầm hộp ra cửa. Thấy Kim Xuyến
vẫn còn ngồi ngoài nắng, bà Chu hỏi:
Con Hương Lăng này có phải con bé mà
người ta thường nói, khi sắp vào Kinh mới mua nó, vì nó mà xảy ra vụ án mạng đấy
không?
Kim Xuyến nói: Nó đấy, chứ còn ai nữa.
Đương nói, thấy Hương Lăng cười hì hì
chạy đến, bà Chu kéo tay nó lại gần, ngắm nghía nó một lúc rồi quay lại phía
Kim Xuyến cười nói:
Dáng điệu con này hơi giống chị Dung
bên phủ Đông chúng ta. Kim Xuyến nói: Tôi cũng bảo thế.
Bà Chu lại hỏi Hương Lăng: Em đến đây
được mấy năm rồi? Cha em ở đâu? Năm nay bao nhiêu tuổi? Quê quán ở đâu?
Hương Lăng lắc đầu: Em chẳng nhớ gì cả.
Bà Chu và Kim Xuyến nghe nói than thở
hồi lâu.
Một lúc sau, bà Chu đem hoa đến buồng
Vương phu nhân. Nguyên gần đây Giả mẫu có nói: “Lũ cháu gái bây giờ đông hơn
trước, ở chung một chỗ không tiện, nên chỉ để Bảo Ngọc và Đại Ngọc ở bên cạnh
cho đỡ buồn thôi, còn Nghênh Xuân, Thám Xuân, Tích Xuân thì cho ở ba gian sau
buồng của Vương phu nhân và bảo Lý Hoàn sớm tối trông nom”. Bà Chu tiện đường đến
đấy trước. Bọn a hoàn nhỏ đang ngồi trong nhà nghe đợi sai gọi. A hoàn của Thám
Xuân là Thị Thư, a hoàn của Nghênh Xuân là Tư Kỳ đứng vén rèm, tay hãy còn bưng
khay nước. Bà Chu biết ngay là mấy cô đang ngồi chơi đấy, bèn đi vào buồng. Thấy
Nghênh Xuân, Thám Xuân đang đánh cờ dưới cửa sổ. Bà Chu đưa hoa và nói rõ là của
Tiết phu nhân cho. Hai cô dừng đánh cờ, đứng dậy gửi lời cảm ơn, rồi bảo a hoàn
cất đi.
Bà Chu vâng lời rồi nói: Cô Tích Xuân
không ở nhà, có lẽ sang bên cụ. A hoàn nói: Không sang bên ấy thì còn ở đâu.
Bà Chu nghe nói đi sang ngay, gặp Tích
Xuân đang cười đùa với sư cô Trí Năng ở am Thủy Nguyệt. Trông thấy bà Chu đến,
Tích Xuân hỏi có việc gì. Bà Chu mở hộp ra nói việc Tiết phu nhân sai đem hoa đến
cho. Tích Xuân cười nói:
Tôi đương nói với Trí Năng, ngày mai sẽ
cắt tóc theo cô ấy đi tu. Rõ khéo chưa? Giờ lại mang hoa đến! Đã cắt tóc thì
còn cài hoa vào đâu nữa?
Mọi người cười ầm lên, Tích Xuân sai a
hoàn cất hoa đi. Bà Chu hỏi Trí Năng:
Sư cô đến đây từ bao giờ? Sư phụ đầu
trọc của cô đi đâu?
Trí Năng nói: Chúng tôi đến từ sớm. Sư
phụ tôi đến thăm bà Hai, rồi sang bên nhà ông Dư, bảo tôi chờ ở đây.
Bà Chu hỏi: Tiền hương đến ngày rằm đã
lĩnh chưa? Trí Năng nói: Tôi không biết.
Tích Xuân hỏi bà Chu:
Tiền hàng tháng của các chùa, các miếu,
ai trông nom? Bà Chu đáp: Dư Tín trông nom.
Tích Xuân nghe xong cười nói: Thảo nào
sư phụ khi mới tới, vợ Dư Tín đã đến thì thầm, chắc cũng chỉ vì việc ấy.
Bà Chu nói chuyện với Trí Năng một
lúc, rồi sang nhà Phượng Thư. Đi đường cạnh nhà, ven qua cửa sổ nhà Lý Hoàn, rẽ
sang tường hoa phía tây, ra đến cửa nách thì đến nhà Phượng Thư. Đến thềm, a
hoàn nhỏ là Phong Nhi đương ngồi ở bực cửa, trông thấy, vội vẫy tay bảo đi sang
phía đông. Bà Chu biết ý, rón rén đi ngay đến đó, thấy vú em đương ru em ngủ.
Bà Chu khẽ hỏi:
Mợ đương ngủ trưa đấy à? Nên mời dậy hộ.
Vú em cười, bĩu môi lắc đầu. Ngay khi ấy
nghe thấy ở trong có tiếng cười, lại là tiếng Giả Liễn. Liền đấy có tiếng mở cửa.
Bình Nhi mang cái chậu đồng ra gọi người móc nước. Bình Nhi đi sang bên kia, thấy
bà Chu liền hỏi:
Bà lại đến đây làm gì thế?
Bà Chu vội vàng đứng dậy đưa cái hộp
nói: Đem cho hoa đây.
Bình Nhi mở hộp lấy bốn cành hoa rồi
quay người đi ngay, một chốc cầm hai cành ra, gọi Thái Minh đến bảo: “Đưa sang
cho mợ Dung ở phủ bên kia, rồi bảo bà Chu về cảm ơn hộ”.
Bà Chu vừa ở bên nhà Giả mẫu, đi qua
xuyên đường, ngẩng đầu lên, thấy con gái mình ăn mặc chải chuốt, vừa ở nhà mẹ
chồng đến. Bà Chu vội hỏi:
Mày đến đây làm gì?
Mẹ vẫn khỏe chứ. Con ở nhà chờ suốt nửa
ngày, không gặp. Mẹ có việc gì bận mà không về. Chờ mãi không được, con đến
thăm cụ. Bây giờ con lại định đến thăm bà Hai đây. Mẹ còn bận việc chưa xong à?
Tay cầm cái gì đấy?
Ối chào! Hôm nay già Lưu đến, thành ra
mình lại mua lấy việc, vì bà ta mà tao phải chạy suốt nửa ngày. Vừa rồi, Tiết
phu nhân lại sai đem mấy cành hoa cho các cô. Đến bây giờ cũng chưa đưa hết!
Hôm nay mày đến đây chắc là có việc gì?
Người con gái cười nói:
Mẹ khéo đoán thế! Nói thực với mẹ, con
rể mẹ hôm trước say rượu cãi nhau với người ta, không biết làm sao, bị người ta
vu oan giá họa cho là anh ấy lý lịch không rõ ràng, thưa quan bắt phải giải về
nguyên quán. Vì thế con đến nhờ mẹ bàn tính làm thế nào cho xong việc được?
Tao biết rồi, lo gì việc ấy. Mày chỉ
cuống lên thôi. Về nhà trước đi để tao đến đưa hoa cho cô Lâm đã. Bây giờ bà và
mợ Hai không rỗi đâu.
Người con gái thấy vậy quay về, lại
nói:
Mẹ về ngay nhé!
Ừ, con nhà hèn, không từng trải việc,
cứ cuống cuồng lên.
Nói xong đi đến buồng Đại Ngọc.
Khi ấy Đại Ngọc đương chơi Cửu liên
hoàn76 ở bên buồng Bảo Ngọc. Bà Chu
vào, cười nói:
Thưa cô Lâm! Tiết phu nhân bảo tôi
mang hoa lại biếu. Bảo Ngọc nói: Hoa gì thế, đưa tôi xem nào.
Rồi vội giơ tay đỡ lấy cái hộp xem, thấy
hai cành hoa giả làm bằng lụa rất đẹp. Đại Ngọc ghé vào tay Bảo Ngọc xem và hỏi:
Chỉ đưa cho mình tôi thôi, hay các cô
khác cũng có cả.
Bà Chu nói: Các cô đều có, hai cành
hoa này là của cô đấy! Đại Ngọc cười nhạt: Tôi biết rồi, thừa người mới đến phần
tôi. Bà Chu chẳng dám nói lại câu gì. Bảo Ngọc hỏi:
Chị Chu sang bên ấy làm gì?
Vì bà ở bên ấy, tôi sang trình việc.
Khi về Tiết phu nhân tiện bảo tôi đem hoa cho các cô.
Cô Bảo Thoa ở nhà làm gì? Làm sao mấy
hôm nay không sang chơi?
Cô ấy trong mình hơi khó chịu.
Bảo Ngọc nghe nói, ngoảnh ra đám a
hoàn nói:
Có ai sang bên ấy nói là ta và cô Lâm
sai sang hỏi thăm sức khỏe bà dì và cô Bảo, lại hỏi xem cô ấy yếu làm sao? Uống
thuốc gì? Lẽ ra ta phải sang thăm tận nơi mới phải, nhưng vừa ở trường về, hơi
bị lạnh, ngày khác ta sẽ sang thăm.
Nghe dặn xong, Phiến Tuyết nhận lời đi
ngay. Bà Chu cũng ra về.
Nguyên con rể Chu Thụy là Lãnh Tử
Hưng, bạn thân với Giả Vũ Thôn, vừa rồi nhân việc bán đồ cổ, bị kiện tụng lôi
thôi, nên sai vợ đi chạy chọt. Bà Chu cậy thế của chủ, không thèm để bụng đến
việc ấy, cho là chỉ đến nhờ Phượng Thư là xong.
Lúc lên đèn, Phượng Thư bỏ những đồ
trang sức ra, đến phòng Vương phu nhân thưa chuyện:
Hôm nay nhà họ Chân mang biếu mấy thứ
quà, con đã nhận cả rồi. Nhân tiện bên ấy có thuyền sang đây, con cũng gửi biếu
mấy thứ của nhà.
Vương phu nhân gật đầu. Phượng Thư lại
nói:
Lễ mừng sinh nhật cụ bà sinh ra Lâm An
Bá, con đã sắm sửa đủ cả rồi, mẹ định sai ai mang đi?
Vương phu nhân nói: Con xem những ai rỗi
thì sai độ bốn nữ tỳ mang đi là đủ, còn phải hỏi ta làm gì?
Phượng Thư lại cười hỏi: Hôm nay chị
Trân mời con ngày mai sang chơi, vậy ở nhà có việc gì không?
Có việc hay không cũng chẳng cần gì, mỗi
khi chị ấy mời cả chúng ta thì con không được tự do. Nay không mời chúng ta chỉ
mời một mình con, đủ biết chị ấy có bụng tốt, muốn cho con được thoải mái hơn.
Con chớ nên phụ lòng người ta, sang chơi là phải.
Phượng Thư vâng lời. Chị em Lý Hoàn,
Thám Xuân đến hỏi thăm xong cũng đều về buồng mình.
Ngày hôm sau, Phượng Thư sắm sửa xong,
đến trình Vương phu nhân rồi lên trình Giả mẫu để đi. Bảo Ngọc nghe thấy cũng
đòi đi theo. Phượng Thư bằng lòng. Bảo Ngọc lập tức thay quần áo, rồi hai chị
em ngồi cùng xe đi sang phủ Ninh. Bấy giờ Vưu thị, vợ Giả Trân, cùng con dâu là
Tần thị, vợ Giả Dung đều dẫn tỳ thiếp ra cửa đón.
Vưu thị vừa trông thấy Phượng Thư, cười
giễu một hồi, rồi dắt tay Bảo Ngọc vào trong phòng ngồi. Tần thị pha nước, Phượng
Thư nói:
Chị và cháu mời tôi sang có việc gì?
Có gì thì mang ra? Tôi còn bận việc đây. Vưu thị, Tần thị chưa kịp trả lời, thì
bọn đàn bà hầu cười nói:
Hôm nay mợ không sang đây thì thôi, đã
sang thì không thể về ngay được. Đương nói chuyện, Giả Dung ra chào, Bảo Ngọc
nói:
Anh Cả hôm nay đi vắng à?
Vưu thị nói: Hôm nay anh đi ra ngoài
thành thăm bác.
Lại nói: Xem ra chú hơi buồn, ngồi đây
làm gì, đi ra ngoài mà chơi. Tần thị cười nói:
Lần trước chú Bảo muốn gặp em tôi. Hôm
nay may sao nó đương ngồi ở buồng học kìa, sao chú không sang chơi?
Bảo Ngọc muốn đi ngay. Vưu thị, Phượng
Thư đều ngăn lại: “Vội gì thế?” Và bảo người nhà “Phải cẩn thận đưa đi, đừng để
chú ấy phải bực mình”.
Phượng Thư nói:
Đã thế sao không gọi cậu ấy sang đây,
ta cũng muốn gặp. Vưu thị cười nói:
Thôi, thôi! Gặp làm gì? Bạo dạn đâu bằng
trẻ nhà mình. Con nhà người ta e dè nhút nhát quen, đã gặp ai sấn sổ như thím
bao giờ. Khéo lại làm người ta cười chết đi được. Phượng Thư cười nói:
Tôi không cười ai thì thôi, chứ lại để
cho đứa bé cười tôi à?
Giả Dung nói: Nó vốn hay thẹn, không
dám đến gần chỗ đông bao giờ. Thím có trông thấy xin đừng bực mình.
Phượng Thư gắt:
Nó là con vua Na Tra77, ta cũng đòi gặp cho được, đừng nói
láo. Nếu không mang nó đến đây, ta sẽ cho mày cái tát bây giờ.
Giả Dung cười nói: Cháu không dám cưỡng
lời, sẽ dắt nó lại.
Lát sau, một cậu bé được đưa đến, so với
Bảo Ngọc, gầy hơn một chút, nhưng mặt mũi sáng sủa, môi son, má phấn, dáng người
tuấn tú, đi đứng phong nhã, hơn hẳn Bảo Ngọc, chỉ có phần nhút nhát như con gái
thôi. Cậu bé bẽn lẽn đến chào Phượng Thư. Phượng Thư thích lắm, đẩy Bảo Ngọc một
cái, cười nói:
Thử sánh xem nào!
Rồi nghiêng mình xuống, cầm tay cậu bé
bảo ngồi bên cạnh, thong thả hỏi bao nhiêu tuổi, học sách gì, sau mới biết tên
là Tần Chung.
Đám người nhà theo hầu thấy Phượng Thư
lần đầu gặp Tần Chung, chưa có quà gì tặng, vội chạy về bảo Bình Nhi. Bình Nhi
biết Phượng Thư với Tần thị xưa nay chơi thân với nhau, tuy Tần Chung còn
bé nhưng cũng không nên hà tiện, bèn lấy một tấm lụa, hai thoi vàng con có khắc
chữ “Trạng Nguyên cập đệ"78, bảo người mang đến cho Phượng Thư.
Phượng Thư nói nhún: “Quà này mọn quá”. Chị em Tần thị tạ ơn. Một lúc, ăn cơm
xong, bọn Vưu thị, Phượng Thư, Tần thị ngồi lại đánh bài, Bảo Ngọc, Tần Chung
ra ngoài nói chuyện với nhau.
Từ lúc Bảo Ngọc gặp Tần Chung, trong bụng
bâng khuâng như là mình thiếu cái gì, đứng ngẩn người ra một lúc, nghĩ vơ vẩn:
“Trong thiên hạ sao lại có người như thế! Bây giờ xem ra, ta thành như lợn bùn,
chó ghẻ vậy! Đáng giận cho ta sinh vào nhà công hầu phú quý, nếu vào nhà nho
nghèo, quan kiết để sớm đi lại chơi bời với nhau thì không đến nỗi phí mất một
đời. Ta dù tôn quý hơn, nhưng the lụa gấm vóc, cũng chẳng qua để bọc cái cành
khô, gỗ mục; rượu nồng, dê béo cũng chẳng qua để lấp cái hố phân, rãnh bùn mà
thôi. Hai chữ “phú quý” làm hại người đời xiết bao!”
Về phần Tần Chung thấy Bảo Ngọc dáng điệu hơn người, đi đứng phong nhã, đồ mặc thì mũ vàng, áo gấm, người hầu đều là gái đẹp, trai xinh, bèn nghĩ: “Thảo nào Bảo Ngọc chả được mọi người yêu mến. Ta là con nhà thanh bần, dám đâu chơi thân với cậu ta. Mới biết hai chữ “giàu, nghèo” ngăn hẳn con người thật là một sự rất không vui ở thế gian này”.
Hai người đều nghĩ vẩn vơ như vậy. Chợt
Bảo Ngọc hỏi Tần Chung đọc sách gì? Tần Chung cứ thực trả lời. Mới trò chuyện
được mươi câu, cả hai đã thấy thân mật nhau ngay.
Một lúc người nhà mang nước trà và hoa
quả lên. Bảo Ngọc nói:
Chúng ta không uống rượu, cứ mang hoa
quả để lên cái bục con trong nhà, sẽ đến đấy ăn, đỡ bận cho các người.
Rồi hai người vào trong uống nước.
Tần thị một mặt mời Phượng Thư uống rượu,
ăn quả, một mặt dặn dò Bảo Ngọc:
Thưa chú, cháu chú còn ít tuổi, ăn nói
có điều gì sơ suất, xin hãy vì tôi mà đừng chấp nó. Nó nhút nhát thực, nhưng ăn
nói lại ngang trái, không biết lựa lời đâu.
Bảo Ngọc cười: Chị cứ đi, tôi biết rồi.
Tần thị dặn dò em mấy câu rồi lại sang
tiếp Phượng Thư.
Phượng Thư và Vưu thị cứ một chốc lại
sai người đến hỏi Bảo Ngọc muốn dùng thức gì thì cho người sang lấy. Bảo Ngọc
nhận lời, nhưng không nghĩ gì đến ăn cả, chỉ hỏi Tần Chung những việc nhà gần
đây. Tần Chung nói:
Năm ngoái thầy học về nghỉ, cha tôi
già ốm luôn, lại bận việc quan, vì thế chưa nghĩ đến việc đón thầy. Giờ chỉ ở
nhà ôn bài cũ. Vả lại việc học cũng phải có một vài bầu bạn để cùng nhau bàn bạc
mới bổ ích.
Đúng đấy, bên tôi vẫn có một trường học
tư. Trong họ, nhà nào không mời được thầy đều gửi đến đấy cả. Con em các nhà
thân thích cũng có thể đến được. Năm ngoái thầy dạy tôi về nhà tôi cũng nghỉ học,
ý cha tôi muốn tạm cho sang đấy ôn tập, chờ sang năm thầy học lên, tôi lại sẽ học.
Nhưng bà tôi bảo: “Một là trường đông người, sợ có khi cãi nhau sinh chuyện;
hai là vì độ này tôi mệt nên nấn ná mãi. Cứ như anh nói, chắc ông nhà đang áy
náy về việc học của anh. Sao anh không xin sang đây học với tôi, làm bạn với
nhau, ích lợi cho cả đôi bên. Như thế chả phải đều tốt cả hay sao?
Tần Chung cười:
Hôm nọ bàn về việc mời thầy, cha tôi
cũng đã nghĩ đến trường học bên này, vẫn muốn sang thưa chuyện với ông nhà;
nhưng thấy bên này bận luôn, sợ việc nhỏ nhặt sang quấy quả không tiện. Nếu chú
rộng lượng cho tôi sang đây theo hầu rửa nghiên mài mực, thì xin tác thành ngay
cho. Chúng ta sẽ không đến nỗi bỏ học, có thể sớm tối gần gũi bên nhau để yên
lòng cha mẹ, lại thêm vui tình bè bạn, chẳng hay hơn sao.
Bảo Ngọc nói:
Cứ yên tâm, hai chúng ta hãy nói chuyện
trước với vợ chồng anh Dung và chị Liễn đã. Ngày mai anh về trình với ông nhà,
tôi thì trình với bà tôi, như thế lẽ nào việc không chóng xong.
Bấy giờ đã đến lúc lên đèn. Hai người
bàn định xong rồi ra xem mọi người đánh bài. Khi tính sổ, Tần thị, Vưu thị phải
trả tiền rượu, hẹn đến hôm sau sẽ uống rượu phạt, rồi đi ăn cơm chiều.
Trời đã tối, Vưu thị bảo:
Cắt hai đứa hầu bé, đưa cậu Tần về
nhà. Bọn hầu đàn bà truyền ra ngoài, một lúc Tần Chung đứng dậy cáo từ. Vưu thị
hỏi:
Sai ai đưa về đấy? Bọn hầu đáp:
Ở ngoài họ cắt Tiều Đại, không ngờ nó
say rượu, nó mắng ầm cả lên. Vưu thị, Tần thị đều nói:
Cắt nó làm gì, sai một đứa bé nào
không được, sao lại còn dây với nó?
Phượng Thư nói: Lâu nay người ta chê
chị quá nhu nhược, nuông người nhà như thế còn ra thể thống gì!
Vưu thị thở dài:
Thím không biết thằng Tiều Đại à? Ngay
ông tôi và anh Trân cũng rất thương nó. Vì lúc còn trẻ, nó theo cụ ta đi ra trận,
ba bốn lần cõng cụ khỏi đống xác chết, mới cứu người toàn mệnh. Nó kiếm được
cái gì thì đem cả về cho chủ ăn, còn mình đành nhịn đói. Hai ngày không có nước,
nó kiếm được nửa bát cũng đem về cho chủ uống, còn mình thì đành uống nước đái
ngựa. Chẳng qua cũng vì công lao ấy, nên khi cụ ta còn sống đều biệt đãi nó.
Bây giờ ai cũng mặc kệ nó. Lại thêm nó đã già rồi, chỉ thích uống rượu, không
giữ thể diện, khi say bạ ai nó cũng mắng. Tôi thường bảo bọn quản sự, từ giờ trở
đi, không được cắt nó làm việc gì, cứ coi như nó đã chết rồi là xong, bây giờ
làm sao lại sai nó?
Phượng Thư nói:
Tôi làm gì chả biết lão Tiều Đại ấy,
rút cục chỉ tại các chị không biết tính toán, sao không tống cổ nó đến một cái
trại nào xa tít là xong chuyện.
Nói xong lại hỏi: Xe đã sắp đủ chưa?
Người hầu nói: Sắp đủ cả rồi ạ.
Phượng Thư đứng dậy cáo từ, dắt Bảo Ngọc
về.
Bọn Vưu thị đưa ra đến cửa dinh, đèn
đuốc sáng trưng. Lũ hầu nhỏ đứng chực ở thềm. Tiều Đại biết Giả Trân không ở
nhà, mặc dù ở nhà cũng kệ, hắn cứ tha hồ mà ngang tàng. Nhân mượn chén say, trước
hết hắn mắng đại tổng quản là Lai Thăng:
Sao chẳng công bằng một tý nào? “Mềm
thì nắn, rắn thì buông”, có món gì bở thì sai người khác, còn việc đưa người
lúc đêm khuya trời tối thì lại sai tao. Đồ vô liêm sỉ, vô lương tâm! Thằng quản
gia mù kia, mày không nghĩ chứ: cụ Tiều này chỉ ghếch một cái đùi lên, còn cao
hơn cả cái đầu mày. Hai mươi năm về trước, mắt cụ Tiều này chẳng còn biết có
ai, ai nói đến giống hèn mạt như chúng mày.
Tiều Đại đang mắng bọn chúng sướng mồm
thì vừa lúc Giả Dung ra đưa Phượng Thư lên xe. Mọi người ngăn hắn không được,
Giả Dung nhịn không nổi, quát to:
Ai đâu, trói nó lại, chờ ngày mai nó tỉnh
rượu, sẽ hỏi nó muốn chết hay muốn sống? Nhưng dưới mắt Tiều Đại có coi Giả
Dung vào đâu, hắn lại kêu to lên:
Này anh Dung! Đừng làm bộ ông chủ với
thằng Tiều Đại này nữa! Không nói anh, ngay bố anh và cả ông anh cũng không dám
làm bộ với ta nữa là. Thằng Tiều Đại này làm cho các người được làm quan, được
hưởng vinh hoa phú quý! Ông tổ nhà các người một sống mười chết mới để lại cơ
nghiệp này, đến giờ không báo ơn thì chớ, lại dám lên mặt chủ nhà với ta à?
Không nói đến ta còn khá, chứ nói nữa thì ta sẽ: “Lưỡi dao trắng đâm vào, lưỡi
dao đỏ rút ra” cho mà xem.
Phượng Thư ở trên xe nói với Giả Dung:
Sao không tống cổ ngay thằng giặc này
đi, để nó ở trong nhà chỉ có hại thôi. Bà con biết chuyện tránh sao khỏi chê cười
nhà ta mất cả tôn ti trật tự.
Giả Dung vâng theo.
Mọi người thấy Tiều Đại càn rỡ quá, vật
xuống trói lại, lôi nó bỏ vào chuồng ngựa. Tiều Đại càng tức, nói động cả đến
Giả Trân. Nó thét ầm lên, đòi đến từ đường khóc với cụ tổ: “Ai ngờ bây giờ lại
đẻ ra những giống súc sinh này! Hàng ngày trộm gà bắt chó, nào “Tiểu thúc”, nào
“Ba hôi”79, loạn luân cả lũ, tao lại không biết
à? Thôi đừng đem cánh tay gãy giấu vào trong ống áo nữa!”
Bọn người nhà thấy nó nói toàn những
câu không có trời đất nào, sợ hết hồn vía, trói chặt nó lại, lấy đất và phân ngựa
nhét đầy mồm.
Tiểu Đại nói càn, bị đánh đòn.
Phượng Thư và Giả Dung ở đằng xa nghe thấy đều lờ đi như không. Bảo Ngọc ngồi trên xe, hỏi Phượng Thư:
Chị ơi, nó nói “Ba hôi”, “Ba hôi” là
nghĩa thế nào? Phượng Thư trừng mắt mắng át:
Đừng nói bậy! Quân say rượu nói càn,
em phải lờ đi như không nghe thấy, sao lại còn hỏi lẩn mẩn làm gì? Chị về mách
mẹ xem có phải đòn không?
Bảo Ngọc sợ hãi, vội van xin:
Chị ơi, từ giờ em không dám nói câu ấy
nữa.
Phượng Thư nói: Thế mới phải chứ. Để
khi về, chúng ta sẽ trình cụ, sai người đến trường nói rõ, rồi mời Tần Chung
sang học ngay.
Nói xong, trở về phủ Vinh. Thực là:
Bạn
khổ chẳng vì người sắc sảo;
Sách
ham chỉ tại nét phong lưu.
Chú
thích.
[←73]
Bài
thuốc của các tiên ở ngoài bể.
[←74]
Theo
âm lịch một năm có hai mươi bốn tiết, chia thành xuân phân, vũ thủy, bạch lộ,
sương giáng, tiểu tuyết…
[←75]
Thứ
thuốc viên có mùi hoa thơm mát.
[←76]
Một
thứ đồ chơi có chín cái vòng, đánh một cái làm cho chín cái vòng liền nhau.
[←77]
Theo
thần thoại: tên một vị thần con vua Tỷ sa môn, diện mạo hung dữ, pháp thuật cao
cường.
[←78]
Thi
đỗ trạng nguyên; bốn chữ thường khắc vào cái khánh, hay những thỏi vàng; bạc nhỏ;
làm tặng phẩm cho con trai, ngụ ý chúc mừng được thi đỗ cao.
[←79]
"Tiểu
thúc", "Ba hôi" đều là những tiếng lóng: em chồng nằm với chị
dâu; bố chồng nằm với con dâu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét