Tác giả: Tàn Tuyết(*)
Cuối cùng em gái tôi vẫn ra đi, tôi không thể thuyết phục được nó. Nơi nó đến là dãy núi Vẫn Thạch cách đây hơn một trăm cây số. Mấy tháng trước, nó quen với một anh chàng chăn dê dưới chân núi, rồi hai đứa quấn lấy nhau, bây giờ nó bỏ tất cả để chạy theo tiếng gọi của ái tình. Trong suy nghĩ của tôi, cỏ trên núi Vẫn Thạch xanh dày như đệm. Còn chuyện trên đỉnh núi làm sao lại có cỏ thì đó không phải là vấn đề mà tôi phải tìm hiểu kỹ. Đương nhiên ngọn núi mà tôi thấy ấy chưa chắc là Vẫn Thạch Sơn.
Trong đêm vắng, tôi và
người bạn trai của tôi — thầy giáo Viễn Bồ — ngồi trên chiếc ghế đá ngoài sân,
nghĩ ngợi về chuyện của em gái tôi. Chúng tôi than thở cho nó, nhưng trong lòng
ngầm cảm thấy ghen tỵ, vì cuộc sống đầy thi vị của nó chúng tôi chưa từng được
nếm qua.
Từ nhỏ, em gái tôi đã ỷ
lại, bất cứ việc gì đều nhờ tôi quyết định, nó là một con bé nhu mì và quả đoán
nhất trên đời. Hai chị em chúng tôi sống sót sau một tai nạn lớn, sau đó qua sự
giới thiệu của một người bà con xa, đến định cư ở cái làng hẻo lánh này. Cuộc
sống làng quê không phải phẳng lặng như mặt hồ, cuộc đấu tranh sinh tồn tàn
khốc khiến tôi từ lâu trở nên quyết đoán và ngang ngược. Nhưng với em gái tôi,
thì dù cuộc sống có ra sao, nó vẫn luôn nhìn chuyện thế sự với đôi mắt ngây ngô
và mơ mộng viển vông. Có khi tôi rất bực mình với nó, nhất là lúc công việc
đồng áng bận rộn, nhưng có khi tôi lại lấy làm tự hào vì mình đã bảo vệ được
đứa em gái như nó.
Người tình của em gái
tôi là một chàng trai gầy guộc nhỏ bé, cậu ta có năm trăm con dê núi đen. Nghe
nói trên núi Vẫn Thạch có mấy người nuôi dê, nhưng cậu ta là người có số dê
nhiều nhất. Cậu ta và em gái tôi quen nhau trong một quán ăn trên thị trấn, khi
đó, em gái tôi ăn xong đứng dậy định đi, thì nó lại bỏ quên cái giỏ rau để cạnh
bàn (nó lên thị trấn bán rau). Anh chàng chăn dê nhắc nó, rồi hai đứa nói
chuyện với nhau mấy câu. Tiếp đó, không biết ma đưa lối quỷ dẫn đường thế nào
mà em gái tôi lại theo gã chăn dê về nhà của gã, mất tăm mất tích ba ngày mới
quay về. Gã chăn dê đó mắc một chứng bệnh, mà hễ lên cơn là đau đớn đến bất
tỉnh nhân sự, ngã lăn ra bất cứ nơi đâu, không ai giúp gì được. Nghe em gái tôi
nói, trong ba ngày đó, cậu ta lên cơn hai lần, cho nên nó không nhẫn tâm bỏ đi.
Nhưng lý do thực sự khiến nó không rời nhà gã chăn dê không phải là vì bản thân
cậu ta, mà là vì những con dê của cậu ta. “Khi anh ấy phát bệnh, thì không còn
là người yêu của em nữa.” Em gái tôi nhớ lại và nói với vẻ thẫn thờ. Tôi không
tán thành việc em gái tôi giao cuộc đời cho cái gã bệnh hoạn kia. Nhưng ý kiến
của thầy Viễn Bồ lại hoàn toàn ngược lại với tôi, anh ta rất thích thú với cuộc
sống của gã chăn dê nọ, say sưa nghe em gái tôi kể đủ thứ chuyện ở nơi sơn dã
ấy. Sau đó, không biết từ lúc nào, tôi cũng đâm thích thú với những câu chuyện
mà em gái tôi kể.
“Tuệ Mẫn là một chàng
trai phi thường.” Thầy Viễn Bồ nói với tôi trước khi đi dạy lớp tiểu học trường
làng. Anh ta nói về nói về gã chăn dê.
Nhìn bề ngoài, Tuệ Mẫn —
gã chăn dê — không có vẻ gì là một con bệnh: mắt sáng, động tác nhanh nhẹn,
giỏi đan lát các đồ thủ công. Lần đầu tiên đến nhà tôi, gã tặng tôi hai chiếc
nón cỏ đan rất khéo, sau đó là giày cỏ, giỏ tre. Những thứ ấy toả ra một mùi
thơm mê ly, khiến tôi đâm mê mẩn nơi gã ở. Mỗi lần đến nhà tôi, gã đều đi
thuyền men theo nhánh sông, sau đó lại vội vã trở về ngay trong đêm tối. Gã
chưa bao giờ ở lại nhà tôi qua đêm. Tôi rất muốn đến thăm nơi Tuệ Mẫn ở. Tôi
nói mong muốn đó với em gái, nó ngạc nhiên và lắc đầu nguầy nguậy nói:
“Ấy, không nên đi, không
nên đi! Chị mà tới đó sẽ rất thất vọng đấy!”
“Ý mày là sao?!” Tôi
bỗng nhiên nổi giận.
“Chị đừng giận! Mà tại
sao chị phải giận như vậy? Ý em chỉ muốn nói rằng nơi ấy không hay ho gì cả.”
“Không hay ho sao mày
còn vác xác đến đó!”
“Em mà, em thì nói làm
gì.”
Bởi lúc nào nó cũng úp
úp mở mở như vậy, cho nên tôi không còn muốn quan tâm đến chuyện của nó nữa.
Tôi nói với thầy Viễn Bồ về thái độ của nó, anh ta cười và nói:
“Chúng ta hãy cùng mừng
cho nó.”
Lời thầy Viễn Bồ cũng
không thể tin tưởng được. Anh ta dạy tiểu học trong làng, nhưng không lo dạy dỗ
mà thường dẫn học trò ra sông bơi lội, anh ta dành một phần ba thời gian học
trong năm để dẫn bọn học trò đi “học bơi lội”. Vì anh ta không hoàn thành trách
nhiệm dạy dỗ, cho nên rất nhiều gia đình không cho con em của họ đến trường
nữa. Có thời gian, hầu như ngày nào anh ta cũng đến nhà học sinh thuyết phục
phụ huynh cho con em đi học. Tôi và anh ta yêu nhau từ hai năm trước. Ban đầu,
tôi rất ghét anh ta, bởi tôi là một người nghiêm túc và chăm chỉ, nhưng sau đó,
tôi bị hấp dẫn bởi tính hiền lành của anh ta, tôi thấy anh ta có bản lĩnh hoá
giải được tất cả những mâu thuẫn trong cuộc sống. Khi tôi và anh ta ở bên nhau,
mỗi một câu anh nói đều khiến tôi mất nhiều thời gian suy ngẫm. Anh thuộc típ
người khó hiểu như vậy. Ví dụ mới đây, tôi không biết tại sao anh ta lại cảm
thấy vui mừng cho em gái tôi, tôi cũng không hiểu có gì vui mà anh lại cười.
“Sao em lại muốn đến nơi
khỉ ho cò gáy ấy làm gì?” thầy Viễn Bồ nhẹ nhàng nói, “nơi đó hẳn là rất nhiều
phiền toái. Theo anh, không bằng chúng ta cứ giữ khoảng cách và cảm giác bí mật
về nơi ở của em gái em là hơn.”
“Đó không phải là nơi
khỉ ho cò gáy, Tuệ Mẫn có năm trăm con dê kia mà.”
“Biết đâu được, chính
mắt mình thấy mới đáng tin.”
Lần nói chuyện ấy của
chúng tôi thật chán. Em gái tôi còn chọc tôi là “tự chuốc buồn phiền”. Mấy
tháng nhanh chóng trôi qua, nó thật sự đã ra đi rồi, căn phòng cũ trống rỗng
giờ chỉ còn lại một mình tôi. Tôi không đề nghị thầy Viễn Bồ chuyển sang, vì
tôi nghĩ một khi anh ta chuyển tới, thì quan hệ của chúng tôi coi như kết thúc.
Vì vậy, cứ như hiện này là hơn.
Khi sắp đi, em gái tôi
nói, nó ra đi vì mấy con dê, nếu không có mấy con dê ấy, thì cũng có nghĩa là
cuộc sống không còn ý nghĩa, Tuệ Mẫn và nó sẽ chết đói. “Những con dê ấy tựa
như phù thuỷ ma quái.” Khi nó giải thích như vậy, thầy Viễn Bồ đăm đăm nhìn xa
xôi buột miệng nói: “Hay quá, hay quá.”
Bây giờ, chúng tôi ngồi
dưới gốc nguyệt quế, hít thở mùi thơm đậm đà. Gương mặt trắng xanh xao của anh
ta dưới ánh trăng hiện lên một vẻ khó tả.
“Anh lại cảm thấy em gái
của em có bệnh. Núi non cô quạnh sẽ khiến cho nó mau trưởng thành và bệnh tật
sẽ khỏi. Trước đây, anh từng đi qua núi Vẫn Thạch rất nhiều lần, vách đá trơ
trơn bóng, lũ dê thực sự rất khó mà đứng vững được trên ấy.” Anh nói.
“Như lời Tuệ Mẫn và em
gái em nói thì tình hình hoàn toàn không như anh tả đâu.”
“Có lẽ mấy năm nay đã
đổi khác. Nhưng một ngọn núi đá, thì không ai có thể biến nó thành bãi chăn thả
súc vật được.”
“Vậy anh có còn vui mừng
cho em gái em nữa không?”
“Niềm vui ấy xuất phát
từ đáy lòng anh.”
“Dù sao em cũng cũng dự
định đến đó một chuyến.”
“Ừ, không nên vứt bỏ ước
mơ của mình.”
Cuối cùng, tôi và thầy
Viễn Bồ cùng lên thuyền đến núi Vẫn Thạch. Khi đi tuy thuận dòng, mà cũng phải
hết bốn ngày bốn đêm, giữa đường phải hai lần cập bờ nghỉ.
Lần cập bờ thứ nhất, tôi
và thầy Viễn Bồ đi mua mấy hộp diêm. Mở ra, tôi thấy hộp trống rỗng, bèn nói
với bà chủ quán. Bà chủ béo núc rít lên, lông mày dựng đứng, lập tức bên trong
quán có hai gã đàn ông xông ra. Thầy Viễn Bồ kéo tay tôi bỏ chạy. Đêm đó tôi cứ
càu nhàu đến sáng, trong mơ lại còn chạy lòng vòng quanh cái quán tối tăm ấy vì
bị truy đuổi. Rồi tôi nắm tay vung lên đấm liên hồi vào vạc giường khiến thầy
Viễn Bồ bị mất ngủ. Khi tôi tỉnh dậy, chiếc thuyền đã rời xa bờ, ngồi trên sàn
thuyền đưa mắt trông ra, thấy hai bên bờ sông đá núi kỳ hình dị dạng, tuyệt
không một bóng cây nào trên núi. Tôi bắt đầu hơi tin vào những lời miêu tả
trước đây của thầy Viễn Bồ về núi Vẫn Thạch. Chỉ có điều tôi không hiểu nổi là
tại sao thuyền thuận dòng mà đi mất những bốn ngày bốn đêm. Tôi bèn hỏi người
lái đò. Ban đầu anh ta không hiểu, tôi nói lại, anh ta nhìn tôi và thầy Viễn Bồ
với vẻ thông cảm và trả lời không vào câu hỏi: “Hai anh chị lẻ loi như vậy,
không nên đến nơi đó.”
Hai ngày tiếp theo, tôi
và thầy Viễn Bồ như hôn như mê. Bắt đầu từ chiều ngày thứ ba, những tiếng gào
thét của dã thú vẳng đến từ trong những ngọn núi hai bên bờ sông, lúc lên lúc
xuống tựa như sắp phát động một cuộc đại tấn công. Hỏi thăm người lái đò, anh
ta nói đó là tiếng hổ, nơi đây có rất nhiều hổ. Chúng tôi chưa từng thấy hổ bao
giờ, cho nên sợ xanh mặt. Người lái đò nói, chỉ cần thuyền không cập vào bờ thì
không có nguy hiểm gì cả. Nhưng chiều tối, anh ta lại cho thuyền cập bờ. Chúng
tôi hạch hỏi, thì anh ta làm như điếc, thản nhiên mang đồ đạc lên bờ uống rượu.
Lúc này, tiếng kêu của lũ dã thú càng gần hơn, tôi và thầy Viễn Bồ ôm nhau run
lập cập trong khoang thuyền. Lát sau chúng tôi nghe có tiếng vật gì nặng bước
lên thuyền, nghĩ chắc ngày tận số của mình đã đến, nhưng đợi mãi mà không nghe
động tĩnh gì thêm. Tôi gan hơn thầy Viễn Bồ, bèn nín thở vén rèm che khoang
thuyền xem thử, quả nhiên thấy một con vật to lớn ngồi ở đầu thuyền. Qua lúc
sau, lại nghe thấy tiếng hát lè nhè của người lái đò say sưa trở về, tôi nghĩ
bụng hẳn y sẽ rơi vào hàm hổ. Nhưng không có chuyện gì xảy ra, thuyền từ từ rời
bến, tiếng hổ trên núi vẫn gào lên hung dữ.
“Tại sao cứ nhất định là
hổ nhỉ? Có khi là thứ động vật nào khác cũng nên.”
Thầy Viễn Bồ nói trong
khi răng đánh cập cập, vẻ bình thản hằng ngày của anh ta hoàn toàn biến mất.
Rốt cuộc, chúng tôi cũng
đến nơi cần đến, và lúc này tiếng dã thú mới ngừng. Nhiều năm trước, thầy Viễn
Bồ từng qua đây mấy lần, anh nói tất cả đã thay đổi. Dưới sự thúc giục của tôi,
anh dẫn tôi men theo một con đường khúc khuỷu theo ký ức mơ hồ của anh. Phía
trước đúng là ngọn núi đá, không những không có cây cối, mà ngay cả cỏ cũng
chẳng thấy. Nhưng sườn núi không dốc lắm, vách đá đỏ thẫm kéo dài liên tục.
“Vẫn Thạch Sơn nằm sau
dãy núi này.” Thầy Viễn Bồ đưa tay chỉ.
Tôi sắp gặp em gái rồi,
nhưng quả là chẳng còn thích thú gì nữa. Lòng tôi đã hoàn toàn nguội lạnh rồi.
Nó đã lừa dối tôi, rốt cuộc nó đến cái nơi thâm sơn cùng cốc này vì cái gì nhỉ?
“Chúng ta đã đến nơi
rồi.” Thầy Viễn Bồ tuyên bố và ngồi xuống vệ đường.
Tôi ngỡ ngàng liếc mắt
nhìn khắp chung quanh, cho rằng anh ta nói đùa. Quanh tôi chỉ thấy đá với đá,
nào có thấy nhà cửa gì đâu?
“Em thật là, nhìn kỹ lại
các khe núi xem nào?”
Nhờ anh nhắc, tôi mới mờ
mờ thấy chiếc váy màu xanh phơi trên một phiến đá. Đúng là chiếc váy của em
tôi. Nhưng tôi chưa thấy cái nhà nào. Tôi nghĩ, dù không có dê thì cũng phải có
người và nhà cửa chứ. Thầy Viễn Bồ đọc được suy nghĩ của tôi, khoé mắt lộ ra
tia chế giễu. “Chúng ta đi nào”, anh nhẹ nhàng nói. Chợt nghe có tiếng chân
lịch bịch vọng đến, rồi cô em gái của tôi như từ dưới đất chui lên đứng trước
mặt chúng tôi. Tiếp theo, Tuệ Mẫn cũng xuất hiện. Hai đứa nó đều gầy còm, mặt
đen nhẻm như than, nhưng tinh thần xem ra rất hăng hái.
“Hẳn là chị không quen ở
đây rồi, trước đây ngày nào em cũng nói như vậy, mà chị vẫn đến! Ôi, chúng em
không kịp chuẩn bị gì cả, chúng em...” Nó nói lí nhí, rồi nắm tay tôi kéo xuống
chân núi.
Tôi thở phào, thì ra hai
đứa nó không ở trên ngọn núi chết tiệt này.
“Cái váy của em...” Tôi
nhắc nó.
“Chị yên tâm, cứ để đấy.
Chị nghĩ coi, ai mà đến nơi này? Đây là núi của em và Tuệ Mẫn mà.”
Nham thạch trên núi chảy
dài xuống mặt đất bằng phẳng, có mấy cọng cỏ lơ thơ trong các ngách đá trên mặt
đất, thỉnh thoảng cũng có một bụi cây, nhưng tuyệt không thấy một bóng chim.
Nơi đây giống một làng đá và dân cư tập trung trên một khoảng trống khiêng
những khối đá lớn từ nơi này sang nơi khác. Tôi đưa mắt sục sạo, muốn tìm xem
nhà cửa của dân làng nơi này ở đâu, nhưng không hề thấy.
“Chúng ta đến nhà rồi.”
Tuệ Mẫn nói từ phía sau thầy Viễn Bồ.
“Đâu nào?!” Tôi lớn
tiếng.
Em gái siết bàn tay tôi,
trách tôi không nên quá kích động như vậy. Tôi thấy một miệng hang đen ngòm
trên mặt đất. Bốn người chúng tôi xếp hàng một men theo bậc thang tiến vào. Đi
khoảng mười bậc, thì lòng hang rộng dần ra. Tuệ Mẫn châm đèn dầu.
“Cứ tự nhiên ngồi xuống đất
nhé.” Tuệ Mẫn vừa đặt ngọn đèn vào hốc tường đá vừa nói.
Cái hang đá này có một
gian lớn, nền được đẽo đục rất bằng phẳng. Tôi quay đầu lại, thấy em gái tôi và
thầy Viễn Bồ đã ngồi xuống đất một cách thoải mái, tôi cũng bắt chước họ. Trong
hang, tuyệt không thấy đồ gia dụng đâu, cũng không thấy quần áo hay nồi niêu gì
cả. Thế này thì làm sao có thể gọi là “nhà” được nhỉ?
“Chúng em ăn uống trên
núi! Cách sống này, chị không tưởng tượng được đâu!” Em gái tôi vui vẻ nói.
“Nếu trời mưa, nước chảy
vào hang thì làm thế nào?”
“Ở đây ấy à, ngay cả ông
nội của em cũng chưa từng thấy mưa nữa là.” Tuệ Mẫn nhẹ nhàng nói.
Lời Tuệ Mẫn khiến tôi
nhớ đến những đồ đan bằng cỏ thơm tho. Tôi hỏi cậu ta mấy con dê nhốt chỗ nào.
Ban đầu cậu ta nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên, sau đó dường như vỡ lẽ. Tuệ Mẫn không
trả lời câu hỏi của tôi, mà lại đề nghị tôi và thầy Viễn Bồ đi xem “mảnh đất
mưu sinh” của hai đứa nó. Cậu ta đứng lên thổi tắt đèn, chúng tôi đi hàng một
ra bên ngoài.
Tôi căng mắt nhìn kỹ
trên mặt đất, và nhanh chóng thấy mấy cái miệng hang khác sắp xếp theo hình chữ
nhất kéo mãi tận phía xa. Xem ra quy mô của cái làng trên núi đá này không phải
nhỏ.
“Mảnh đất mưu sinh” của
hai đứa nó cách nhà rất xa, chúng tôi men theo con đường mở trên đá rất lâu.
Cuối con đường, xuất hiện một khoảnh đất, chúng tôi nghe có những tiếng nói rì
rầm.
Đó là một dải đất hẹp
dài nằm giữa núi non, đất đỏ được người ra cắt thành những miếng rất vuông vắn,
giới hạn rõ ràng.
“Đây chính là miếng đất
của chúng em.” Tuệ Mẫn chỉ miếng đất thứ ba cách con đường.
Miếng đất của hai đứa nó
trồng đầy khoai lang. Nhìn sang các miếng đất khác, cũng rặt khoai lang.
“Đất ở đây rất tốt,
khoai lang trồng xuống rồi chỉ chờ thu hoạch, không phải chăm sóc gì cả.” Em
gái tôi tự hào nói.
Tôi thấy mấy gã đàn ông
ngồi trên các tảng đá bên kia, những tiếng nói rì rầm nghe lúc nãy chính là
phát ra từ họ. Bây giờ họ đang quan sát chúng tôi.
Mỗi miếng đất ở đây ước
chừng hai mẫu, khoai lang tươi tốt nhìn rất thích. Một xứ sở chỉ có đá lại
không mưa, mà khoai lang vẫn mọc được. Điều này thậy kỳ quái.
“Chúng nó hút nước
ngầm,” Tuệ Mẫn chỉ đám khoai lang nói, “nước ngầm cho nên nhìn không thấy.”
“Vậy làm sao cậu biết
dưới đất có nước?” Tôi hỏi.
“Cứ nhìn dây khoai thì
biết,” cậu ta cúi xuống bốc một nắm đất khô, tiếp tục nói, “trông bề ngoài nó
khô khốc như vậy, nếu chị đào lên vẫn là đất khô. Nhưng chắc chắn có nước bên
dưới! Chưa ai đào tới nước, song chúng em thấy nước qua dây khoai lang. Khoai ở
đây vừa giòn vừa ngọt. Tình huống này hơi giống với khi chúng em ở trên núi...”
Cậu ta chớp chớp mắt không nói nữa.
“Ở trên núi làm sao?”
Tôi quay sang hỏi em gái, “cái ngọn núi đá đó có gì bí ẩn hả?”
“Rất bí ẩn!” Em gái tôi
trả lời hài hước.
Tôi cảm thấy mình đang
bị giễu cợt. Lại nhìn thấy phía xa thầy Viễn Bồ nhìn tôi nháy nháy mắt. Tôi nổi
đoá.
Em gái nhìn vẻ mặt cau
có của tôi, vội giải thích:
“Chị đừng giận, cái mà
chúng em nói là nước... Chị thử nghĩ, ở đây xưa nay không mưa, trong làng cũng
không có giếng, vậy chúng em sống bằng gì? Bí mật nằm ở trên núi, chị cứ vỗ vỗ
vào đá, thì nước sẽ chảy ra.”
“Có chuyện đó sao!”
“Vâng. Nhưng nước ở đây
không phải muốn nó ra thì nó ra. Mà người ta phải kiên nhẫn, sau khi kiên nhẫn
đến cực điểm tất sẽ xảy ra sự thay đổi. Trước đây em cũng không quen, nhưng bây
giờ thì không thể rời xa nơi này nữa rồi.”
Chúng tôi ăn cơm tối
trong nhà. Tuệ Mẫn và em gái tôi lấy khoai lang từ những cái hốc nhỏ bên cạnh,
chúng tôi dùng dao gọt và ăn sống. Em gái tôi nói, ở đây chỉ có cách ăn như
vậy, vì không có nước. Từ xưa đến nay, chưa bao giờ tôi ăn thứ khoai lang ngon
như vậy. Nhưng trong khoai rất ít nước. Sau khi ăn xong chưa được bao lâu, tôi
liền cảm thấy khát và nhớ rằng cả ngày hôm nay mình chưa uống giọt nước nào.
Nhưng tôi quan sát ba người còn lại, thì thấy họ chẳng có vẻ gì là khát cả.
Thầy Viễn Bồ từ khi đến núi Vẫn Thạch đã trở nên khéo léo tế nhị, tôi có cảm
giác anh ta đã quên rằng anh ta là bạn trai của tôi rồi. Đối với tôi, nơi này
vẫn chưa quen, trong khi đó, anh ta như đã trở thành “tri âm” của em gái tôi
vậy. Nghĩ đến đây, tôi cố nhịn cơn khát, làm như không có chuyện gì và ngồi dựa
vào vách đá.
“Chà, ánh trăng mới đẹp
làm sao,” em gái tôi nói làn khàn trong cuống họng, âm thanh nó phát ra nghe có
vẻ lơi lả, “chúng ta hãy lên núi tìm tình yêu đã mất nào!”
Nói rồi nó xăm xăm đi ra
ngoài, hai gã đàn ông có vẻ không hăng hái lắm, nhưng cũng miễn cưỡng đi theo
nó. Tôi nhớ rằng nó nói trên núi có nước nên cũng phấn khởi đi theo.
Núi không dốc, nhưng trơ
trọi, không có gì để bám vào trèo cho nhanh, leo được một lát thì cảm thấy gân
cốt rã rời, miệng càng khát tợn. Lại thêm mấy ngày nay không được tắm rửa, thực
là chịu không nổi nữa rồi. Nhìn sang ba người bên cạnh, thì họ đều bình thản.
Chẳng lẽ bọn họ không khát sao? Tôi buột miệng:
“Tôi sắp chết khát rồi.”
Em gái tôi chui vào phía
sau một tảng đá lớn và cầm một chén nước bước ra nói với tôi:
“Nửa chén nước này do em
để dành từ hôm qua.”
Tôi run rẩy cầm lấy cái
ly, mới uống được hai ngụm, bỗng thấy ngượng. Tôi chuyển cái ly qua trước mặt
thầy Viễn Bồ, nhưng anh ta kiên quyết từ chối. Tôi há hốc nhìn anh ta, lúc đó
em gái tôi lấy cái ly giấu vào sau tảng đá. Nó cũng không khát.
Người ngợm rất dơ dáy,
nhưng trên núi không khí rất mát mẻ trong lành, ánh trăng cực đẹp, bầu trời
trong vắt. Trên ngọn núi không cây cối gì mọc nổi này, tôi cảm giác mình đang ở
một nơi nguy hiểm. Cái đáng sợ nhất là khát, bởi mới uống được có hai ngụm
nước, nên giờ tôi càng thấy khát. Vừa cùng trèo lên núi cùng mọi người, tôi vừa
nghĩ đến chuyện quay lại tìm cái ly nước kia. Con sóng hối hận trong lòng tôi
trào lên dữ dội: Tại sao hồi nãy tôi không uống hết ly nước đi? Tại sao còn
phải khách sáo với mấy người nguỵ quân tử kia nhỉ?
Khi tôi đang quay xuống,
thì em gái tôi kêu lớn:
“Chị sẽ lạc đường đấy!”
Vì sợ lạc đường, tôi
đành tiếp tục theo phía sau bọn họ. Một lúc sau, chân tôi như không phải là của
tôi nữa. Bóng ba người phía trước ngày càng nhỏ, dù cố gắng thế nào tôi cũng
không theo kịp bọn họ. Không biết sao họ lại khoẻ như vậy. Mệt mỏi và sợ hãi
mấy ngày qua cộng với cơn khát hiện tại khiến tôi không chịu nổi nữa. Tôi ngã
quỵ.
Lúc ngã xuống đất, tôi
nghe có tiếng nước chảy róc rách, tôi đoán rằng đó chỉ là ảo giác, bèn nhắm mắt
lại không để ý đến nó. Nhưng tiếng nước chảy càng ngày càng rõ. Nước chảy qua
chân của tôi làm ướt cả quần của tôi. Tôi bật dậy, vội vàng nằm sấp xuống uống
nước. Sau khi uống no nê, tôi muốn tắm, trên núi vắng vẻ, tôi bèn cởi hết đồ ra
tắm. Nước từ bên trên chảy mạnh xuống, bọt nước bắn tung toé trên mỏm đá. Tôi
không hiểu chuyện này ra sao. Khi tôi tắm rửa xong, mặc quần áo vào, thì nước
ngừng chảy, một cơn gió thổi qua, những ngấn nước trên đá đều biến mất không để
lại dấu tích. Lúc ấy tôi thấy thầy Viễn Bồ đang cúi đầu bước tới. Anh ta đến từ
phía trên.
“Em gái đâu?” Tôi vừa
cao giọng hỏi anh ta, vừa cầm lòng không đậu nghĩ: ánh trăng đẹp quá.
“Nó đang hưởng tình yêu
nóng bỏng cùng Tuệ Mẫn trong hang núi bên kia.”
Với vẻ ngẩn ngơ, anh ta
chỉ về một nơi phía sau. Anh đến trước mặt tôi, mái tóc lấm tấm nước nhỏ xuống
mặt.
“Nước từ đâu ra vậy?”
Anh ta không trả lời câu
hỏi của tôi, lúng túng kéo tôi ngồi xuống, gục bộ mặt ngơ ngẩn vào giữa hai đầu
gối. Lúc này, anh ta trở lại thành người bạn trai của tôi. Tôi vuốt ve mái tóc
ướt của anh, nhẹ nhàng hỏi anh xem đã xảy ra chuyện gì. Anh úp úp mở mở nói:
“Ghê cái ngọn núi chết
tiệt này quá. Xưa nay anh không ngờ...”
Phía dưới ngọn núi,
những ánh lửa bập bùng, đó là khi dân làng đã trở về nhà. Tưởng tượng đến đêm
tình ái của em gái và Tuệ Mẫn, tôi cũng cân nhắc xem lý do nào khiến nó muốn
đến ở cái nơi thâm sơn cùng cốc này. Tôi cảm thấy thầy Viễn Bồ cũng cùng suy
nghĩ như tôi, nhưng vì anh ta càng hiểu họ nhiều nên càng xúc động mạnh. Chưa
bao giờ anh ta ủ rũ như lúc này. Trong thời gian rời tôi mười mấy phút, anh ta
đã bị sợ hãi như thế nào mà đến nỗi thành ra như vậy?
Tôi bắt đầu nghĩ đến
chuyện xuống núi. Độ dốc ngọn núi này tuy không lớn, nhưng không có đường lối
rõ ràng. Lúc đi lên theo họ, tôi cũng không cảm thấy khó khăn, còn bây giờ muốn
xuống, đường sá lại mù mịt như thế kia, rõ ràng là hơi nguy hiểm.
“Em hãy dẹp chuyện đó
đi!”
Thầy Viễn Bồ nói, đầu
vẫn chưa ngẩng lên. Tôi hỏi anh ta dẹp bỏ chuyện gì. Anh nói:
“Tiếng rắn kêu khắp nơi,
em vẫn chưa thấy sao. Chúng ta bây giờ phải ngồi im, nếu cựa quậy, chúng sẽ bò
ra. Chỉ có thể chờ đợi, đợi trời sáng rồi hãy nói.”
Anh ta duỗi bàn tay phải
về phía tôi, dưới ánh trăng, tôi thấy lòng bàn tay ấy có dấu răng của rắn, còn
cả máu nữa. Điều kỳ lạ là chỗ bị cắn ấy không sưng lên, và cánh tay vẫn cử động
bình thường được. Thầy Viễn Bồ nhìn chằm chằm vào hai vết răng rắn, cắn răng
nói:
“Chất độc ở trong lòng
anh, em có hiểu điều đó không? Anh khó chịu đựng nổi nữa rồi.” Anh ta trở nên
nhiều lời như vậy có lẽ vì đang phát sốt. “Lúc đi thì hăng hái, giờ muốn quay
về nhưng không biết làm sao. Em có thấy dân làng vừa nãy ở đây không? Em thấy
họ ngồi giữa đám khoai lang thì cho rằng công việc họ đang làm là trồng khoai
phải không? Không, đó không phải là việc chính của họ! Đất đai ở đây rất màu
mỡ, khoai đã trồng xuống rồi thì không phải chăm bón gì nữa. Mà công việc thực
sự của họ là làm đá. Quanh năm họ loay hoay với những tảng đá! Anh đã thấy
những ngôi mộ đá do họ tu tạo, đó là chuyện nhiều năm trước đây...”
Tôi thấy tâm trạng thầy
Viễn Bồ nặng nề quá, nên chuyển sang đề tài khác:
“Em gái em và Tuệ Mẫn
không làm đá, chúng nó lên núi chơi.”
“Không!!” Thầy Viễn Bồ
gào một tiếng lớn. Mặc dù ánh trăng mờ, tôi vẫn thấy được mặt anh ta sưng lên
tím tái. “Chúng nó cũng đang làm đá trên núi, đá là tình yêu của hai đứa nó mà!
Nghe không, em có nghe thấy không?”
Đúng rồi, tôi đã nghe
thấy. Tiếng nổ dường như từ lòng đất sâu truyền đến, âm âm, hư ảo.
“Hai đứa nó chế thuốc
nổ.” Thầy Viễn Bồ lạnh lùng nói.
Tôi không dám chạm vào
anh, dịch người ra một chút, ngập ngừng nói:
“Anh, không lẽ phải chết
ở đây sao?”
Anh không trả lời. Lúc
này tôi mới biết, lòng người con trai này xa cách tôi biết bao nhiêu, tôi gần
như không biết anh ta nghĩ gì. Làm sao anh ta lại trở thành bạn trai của tôi
nhỉ? Đối với tôi, anh ta có cảm giác như thế nào? Anh ta lên núi hứng một đòn
trí mạng, mà thậm chí tôi không biết đó là chuyện gì. Ôi chao, anh ta khóc, vừa
khóc vừa nói: “Cuộc sống thật ngắn ngủi, anh còn chưa sống đủ mà.”
Buổi sáng, khi em gái
tôi tìm tôi, thì tôi và thầy Viễn Bồ đang ôm chặt lấy nhau nằm trên nền đá.
Trong giấc mơ, chúng tôi trở thành một. Em gái tôi phờ phạc, tóc tai rũ rợi,
nhưng trên mặt nó lại lộ ra vẻ cương nghị mà trước đây tôi chưa từng thấy bao
giờ. Tuệ Mẫn đứng bên cạnh nó tay cầm cái khoan đá và búa sắt, mặt đen như
than.
“Bọn em đã làm việc suốt
đêm dưới đất. Chị xem, chân em bị thương đây này”.
Em gái tôi khập khiễng
đi vòng quanh tôi một vòng, Tuệ Mẫn đỡ nó một cách nhẹ nhàng, tình yêu của hai
đứa nó khiến người khác phải cảm động.
Hôm đó, dù em gái tôi
mời ở lại, chúng tôi vẫn xuống núi và không quay lại nhà nó nữa.
Hành trình trở lại làng
tuy ngược con nước, song thuyền chúng tôi chỉ đi hết hai ngày hai đêm.
Bây giờ thầy Viễn Bồ đã
dọn đến ở chỗ tôi. Chúng tôi thường ngồi dưới dưới cây nguyệt quế trong đêm
vắng, quay mặt về phía núi Vẫn Thạch, nghĩ về những chuyện xảy ra nơi ấy. Thầy
Viễn Bồ khẳng định với tôi rằng: trên thế gian này sẽ không có chuyện gì hấp
dẫn anh ta bằng chuyện về ngọn núi Vẫn Thạch, nhưng anh ta không muốn trở lại
nơi đó nữa, chuyến đi vừa rồi cùng tôi đến đó là chuyến đi cuối cùng của anh
ta. Anh nói, không có vẻ gì chán nản, điều đó làm tôi rất vui.
Bây giờ, trong ký ức của
chúng tôi, Tuệ Mẫn và em gái tôi đều trở nên mờ ảo. Chúng tôi rất nhớ, nhưng
không thể đi thăm hai đứa nó. Thậm chí tôi còn có cảm giác rằng, may mà em gái
tôi lấy chồng đằng ấy mới khiến tôi nhớ nhung vô cùng như vậy. Có lẽ trời sinh
ra nó là để ở đó và làm công việc đó. Đến như thầy Viễn Bồ, tôi cũng cảm thấy
anh ta là hai con người, tuy ở trong làng, anh lại có một đời sống khác, và
trong cuộc sống khác ấy, anh trở thành kiểu người giống như Tuệ Mẫn. Sự kết hợp
giữa tôi và thầy Viễn Bồ khiến tôi dần dần phát hiện ra chân tâm của em gái
tôi. Trên ngọn núi khủng khiếp ấy, em gái tôi đã tìm được tất cả những khát
vọng từ ấu thơ của nó. Tình cảm mãnh liệt của nó có thể làm cho nước chảy ra từ
đá và không có chuyện gì nó không làm được. Tất cả những việc trước đây đều như
một giấc mơ. Đứa em gái dịu dàng ít nói của tôi bị chàng trai gầy guộc nhỏ bé
kia hớp hồn, điều đó có vẻ kỳ lạ. Nhưng thực ra, chuyện này đã được số mệnh
định sẵn, có lẽ Tuệ Mẫn sẽ đợi, đợi đến khi em gái tôi trưởng thành mới tính
chuyện tiếp theo.
----------------
Dịch từ nguyên tác “陨石山”
[“Vẫn Thạch Sơn”] trong 殘雪自選集 [Tàn Tuyết tự
tuyển tập] nhà xuất bản Hải Nam ấn hành năm 2004.
(*)TÀN TUYẾT tên thật là Đặng Tiểu Hoa. Người Lỗi Dương, tỉnh Hồ Nam,
sinh ngày 30/5/1953 ở Trường Sa. Cùng thời với các nhà văn Mã Nguyên, Cách Phi,
Mạc Ngôn, Tô Đồng, Dư Hoa... Cha Tàn Tuyết từng chủ nhiệm tờ Tân Hồ Nam,
mẹ cô cũng từng làm báo và cả hai người đều là đảng viên Trung Cộng lâu năm.
Năm 1957, khi Tàn Tuyết mới 4 tuổi, cha mẹ cô bị quy vào “hữu phái” phản đảng.
Cha bị đưa đi lao động cải tạo, gia đình cô rơi vào cảnh cùng túng.
Năm 1966, cuộc Cách Mạng Văn Hoá bắt đầu khi cô 13 tuổi, mang thân phận “con
gái của phái hữu”, nên mặc dù chưa tốt nghiệp tiểu học, Tàn Tuyết cũng phải bỏ
ngang bởi không chịu nổi sự khinh thị của mọi người. Cũng từ đó, cô trở nên
trầm lặng, ít nói, tìm niềm an ủi trong các tác phẩm kinh điển trong nước,
phương Tây, và bắt đầu viết nhật kí. Ngoài môi trường sách vở thì bà nội của
Tàn Tuyết cũng là người góp phần quan trọng vào việc hình thành phong cách nghệ
thuật đặc biệt của cô sau này. Bà thường kể cho Tàn Tuyết những gì do chính bà
viết và những câu chuyện rực rỡ màu sắc kì lạ.
Năm 17 tuổi, cô vào công xưởng học nghề tiện. Tám năm sau, Tàn Tuyết lập gia
đình, hai người ra ở riêng, tự học may vá và trở thành thợ may nổi tiếng ở
Trường Sa. Lúc rảnh rỗi, cô vẫn tập sáng tác tiểu thuyết, thơ ca. Năm 1983, Tàn
Tuyết hoàn thành tác phẩm đầu tay “Chợ Hoàng Nê”, nhưng khi ấy, cô chưa dám
công bố. Rồi hai năm sau, lần đầu tiên cô đăng truyện ngắn “Bọt xà phòng trên
nước bẩn” trên tờ Tân Sáng Tác và Tàn Tuyết chính thức bước
vào làng văn với truyện ngắn “Căn nhà nhỏ trên núi” năm 1985. Sau đó, hàng loạt
tác phẩm của cô được đăng trên các tờ: Nhân dân văn học, Phù dung, Văn
học nguyệt san, Trung Quốc... Và dần trở thành một tiểu thuyết gia hàng đầu
trong “Tiên phong phái” của văn học Trung Quốc đương đại.
Tàn Tuyết không chỉ gây ảnh hưởng trong nước, mà ngay từ cuối những năm 80, cái
tên Tàn Tuyết đầy ấn tượng đã rất quen thuộc với nhiều nước trên thế giới, như:
Đài Loan (1987), Mỹ (1989), Nhật (1991), Ý (1991), Đức (1996), Pháp (2000),
Anh... Theo thống kê, cô là nhà văn nữ của Trung Quốc được dịch ở nước ngoài
nhiều nhất.
Cùng với hàng trăm tiểu thuyết (cả đoản thiên và trung thiên), Tàn Tuyết còn
dành nhiều thời gian cho việc bình giải tác phẩm của các văn hào như: Lỗ Tấn,
Franz Kafka, Dante, Borges, Goethe, Shakespeare... Và có lẽ, người có ảnh hưởng
sâu sắc nhất, gần gũi nhất với cô là Kafka. Có người nói, muốn hiểu Tàn Tuyết,
trước hết phải hiểu những nhà văn ấy, đặc biệt là Kafka.
Hầu hết tác phẩm của Tàn Tuyết là cuộc thâm nhập, khám phá tự ngã, thế giới tâm
linh, thế giới của những xung đột nội tâm, sự cô đơn, sự sợ hãi, dục vọng...
trong cõi tiềm thức, vô thức của con người. Tức là những yếu tố cơ bản nhất
trong sáng tác của Tàn Tuyết và cũng là những cái, mà theo cô, văn học truyền
thống Trung Quốc còn khuyết thiếu. Tuy vậy, thế giới huyễn tưởng trong tác phẩm
Tàn Tuyết không hề thoát ly khỏi thế giới hiện thực bên ngoài, mà nó lại tràn
đầy hơi thở của cuộc sống. Trong tác phẩm của Tàn Tuyết không có anh hùng,
thánh nhân; cũng không có kẻ “đại gian, đại ác”, mà thường là những con người
cô đơn, bé nhỏ, bất hạnh. Thậm chí, cô còn nói, tác phẩm của mình là “hiện thực
chủ nghĩa”. Có điều, sự sáng tạo, kết cấu, hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm
Tàn Tuyết không theo những quy tắc, khuôn mẫu thông thường, mà luôn luôn nỗ lực
vượt lên để tạo ra sự đột biến nghệ thuật, làm cho những trường cảnh thường
nhật trở nên kì lạ, hoang liêu, phi lí song lại có vẻ đẹp rực rỡ kì lạ, lay
động tâm phách con người.
Về góc độ ngôn từ, các tác phẩm của Tàn Tuyết có vẻ như bình-giản, rất cô đọng
nhưng chúng lại có những kết cấu hết sức kì lạ, như những giấc mơ, ảo ảnh và
trùng trùng điệp điệp các tầng nghĩa. Như Nam Hoa kinh, như Cỏ
dại, như Lâu đài, như Thần khúc... Mỗi tác phẩm của
Tàn Tuyết như một “công án” Thiền, một “mê hồn trận”, một “bát trận đồ”, mà
người đọc rất khó “ngộ”, không tìm thấy “cửa sinh”, không tìm thấy lối ra nếu
cứ lần theo sợi dây tư duy thông thường. Và do vậy, cũng dễ đi đến kết luận
rằng tác giả của chúng là kẻ “nằm mơ giữa ban ngày”, “tâm lý bị biến thái”...;
còn những tác phẩm của tác giả này là “thế giới ma huyễn”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét