Thứ Ba, 5 tháng 9, 2023

19. Dư âm

 


DƯ ÂM

1. Đọc Giải mã truyện Tây du

DƯƠNG NGỌC DŨNG

 

 Anh Dũng đã sử dụng kiến giải về Phật học, Lão học, Dịch học, và Cao Đài (nói chung là Đạo học) của mình để trình bày lại những ẩn ngữ của Tây du ký. Không biết vô tình hay hữu ý mà trong lúc giải mã, Lê Anh Dũng đã (trong một phạm vi nào đó) áp dụng phương pháp phân tích cấu trúc (structuralist analysis); phương pháp này rất hiếm được sử dụng ở nước ta trong việc phân tích tác phẩm văn học.

Phương pháp cấu trúc không nghiên cứu tâm lý nhân vật, không xác định chủ đề vì xác định chủ đề là xác định một vị trí ý thức hệ. Phương pháp cấu trúc nhằm phát hiện cấu trúc nội tại của tác phẩm, cái hệ thống tín hiệu cho phép giải mã tác phẩm, đưa các cấu trúc tiềm ẩn ra ánh sáng.

Áp dụng thuyết cấu trúc nhằm mục đích phát hiện hệ thống các quy luật nằm ngầm (underlying sets of laws), cho phép kết hợp các ký hiệu rời rạc thành một hệ thống nhất quán, có ý nghĩa. Đó là giải mã những tín hiệu đã được mã hóa. Đường tăng, Ngộ không, thỉnh kinh, chùa Lôi âm... là các tín hiệu rời rạc đã được mã hóa trong một cấu trúc nhất định để tạo thành một hệ thống có ý nghĩa. Vấn đề của người nghiên cứu là bóc trần được hệ thống tín hiệu này, nghĩa là tìm ra cho được chìa khóa giải mã.

Thử lấy bài thứ năm (Vạn năm chờ quả chín) làm thí dụ. Trước hết Lê Anh Dũng nêu lên sự vô lý trong việc mô tả cây nhân sâm, mà một người học vấn uyên bác như Ngô Thừa Ân không thể lầm lẫn được. Cần phải đón bắt những tín hiệu khác để hiểu sự «lầm lẫn» cố ý này. Những tín hiệu đó rải rác trong toàn bộ Hồi thứ 24: quả nhân sâm tương khắc với ngũ hành, tên núi là Vạn thọ, tượng số chín ngàn năm, nhân sâm có hình dạng giống đứa trẻ mới sinh, chủ cây nhân sâm tên là Dữ thế Đồng quân...

Chiếc chìa khóa để giải mã câu chuyện hư cấu này là: Ngô Thừa Ân biến củ sâm thành quả sâm, tức là đem cái dưới đất mà đặt lên ngọn cây. Đó là hình tượng của con đường trở về nội tâm (Weg nach Innen) mà Phật bảo là quay về tìm lại cái bổn lai diện mục của mình, Lão giáo gọi là phục kỳ bản, phản kỳ chân, và Cao Đài mệnh danh là con đường phản bổn hoàn nguyên để đạt đến giác ngộ, giải thoát.

Như vậy, đơn vị để phân tích giải mã không phải là những biến cố rời rạc hoặc những ngữ cảnh cô lập (isolated contexts) mà chính là mối quan hệ giữa các ngữ cảnh (relationships between contexts). Phương pháp này giúp phân biệt giữa cơ cấu bề mặt (surface structure) và cơ cấu bề sâu (deep structure) của một tác phẩm. Thông qua các tín hiệu rải đều được mã hóa trên cơ cấu bề mặt, phải xác định được các quy luật chi phối cơ cấu bề sâu và tính nhất quán nội tại (internal reference) của cơ cấu này là yếu tố quyết định.

Không thể dùng các yếu tố lịch sử hay tiểu sử (thời đại Ngô Thừa Ân, thân thế, gia cảnh...) để giải thích tác phẩm vì các nhà cấu trúc luận xem đó là những yếu tố ngoại tại (external reference) không hệ thuộc trong tác phẩm. Sức mạnh chính của phương pháp phân tích cơ cấu là nằm ở chỗ này: chỉ dùng sự nhất quán trong mối quan hệ nội tại của tác phẩm để giải mã tác phẩm.

Người ta có thể thay vì giải thích tác phẩm lại dùng tác phẩm để minh chứng cho một cái gì đó nằm ngoài tác phẩm. Phương pháp cấu trúc thì khác. Phương pháp cấu trúc khẳng định sự tồn tại của tác phẩm như một vũ trụ độc lập có cách thức mã hóa và giải mã riêng biệt của nó.

Phương pháp cấu trúc không cho phép những lối phê bình qua loa, hời hợt, nô lệ trường ốc, nô lệ vào các lý thuyết làm sẵn. Phương pháp cấu trúc đòi hỏi người nghiên cứu phải lặn sâu vào tác phẩm để khai thác toàn bộ các tín hiệu trên cơ cấu bề mặt tương ứng với các quy luật chi phối ở cơ cấu bề sâu và giúp người đọc có một cái nhìn vừa tổng quan vừa đặc thù về một tác phẩm văn học cá biệt. Lê Anh Dũng qua Giải mã truyện Tây du đã làm được việc đó đối với một trong những tác phẩm văn học cổ điển lớn nhất của Trung Quốc.

Tập san Văn hóa & đời sống, tháng 5.1992 (có sửa chữa)




2. Thêm một ngón tay chỉ mặt trăng

TRẦN TRUNG PHƯỢNG


Ra đời cách đây hơn năm thế kỷ, cho đến nay, mặc dù đã được phổ biến rộng rãi, tác phẩm Tây du ký của Ngô Thừa Ân (1500-1582) vẫn còn có một sức thu hút mãnh liệt đối với nhiều tầng lớp độc giả không riêng ở Trung Quốc mà còn ở nhiều nước khác trong vùng Đông Nam Á. Riêng ở Việt Nam, sau sự kiện Đài Truyền hình Thành phố (...) cho chiếu bộ phim Tây du ký trong nhiều tuần liền và đã tạo ra một thứ «hiệu ứng Tây du ký» khá rầm rộ, cho đến nay tác phẩm bất hủ này vẫn còn được khá nhiều người tìm đọc với các trình độ cảm thụ khác nhau. Tác phẩm này cũng đã được đưa vào chương trình giảng dạy ở trường học, đặc biệt là ở khoa văn của các trường đại học.

Cũng như nhiều tác phẩm văn học lớn khác của thế giới, Tây du ký là một tác phẩm đa thanh với nhiều tầng lớp ý nghĩa tương ứng với nhiều kênh tiếp nhận khác nhau. Chính vì vậy, sự nhận thức và đánh giá tác phẩm không luôn luôn có tính chất đồng nhất, và trong thực tế đã từng có nhiều cuộc tranh luận chung quanh vấn đề ý nghĩa đích thực của tác phẩm này. Tây du ký là một tác phẩm thần tiên, hoang đường dùng để giải trí đơn thuần hay là một tác phẩm có ý nghĩa triết học sâu sắc? Tác phẩm này dùng để chuyên chở các nội dung xã hội, lịch sử hay là một bản thông điệp đặc biệt, một kiểu ẩn ngôn chứa đựng nhiều hương vị giải thoát?

Trong một thời gian khá dài, Tây du ký đã được nhìn nhận, thẩm định từ góc độ xã hội - lịch sử nhiều hơn là từ chính bản thân nội tại của tác phẩm. Cách nhìn nhận và thẩm định như vậy thường lấy các yếu tố phi văn học, ở bên ngoài văn học (xã hội, lịch sử, chính trị, kinh tế...) để tìm hiểu và đánh giá tác phẩm. Đó là điều mà các nhà phê bình văn học gọi là phương pháp ngoại tại đối lập với phương pháp nội tại chủ trương dùng chính các yếu tố của văn học như ngôn ngữ, thi pháp, ký hiệu, cấu trúc... để giải thích tác phẩm.

Thật ra hai phương pháp này không hoàn toàn mâu thuẫn với nhau mà trong một số trường hợp cụ thể còn có thể bổ sung cho nhau. Sự mâu thuẫn chỉ xảy ra khi trong trường hợp phải sử dụng phương pháp nội tại để tìm hiểu ý nghĩa của tác phẩm thì lại dùng phương pháp ngoại tại hoặc ngược lại. Vậy vấn đề ở đây không phải là phương pháp mà chính là ở cách hiểu và vận dụng phương pháp trong từng trường hợp tác phẩm cụ thể.

Khi giải mã Tây du ký, tác giả Lê Anh Dũng chủ yếu đã dùng phương pháp nội tại để thám hiểm vào tận trong cùng miền sâu ý nghĩa của tác phẩm. Xét từ góc độ văn hóa phương Đông, tác phẩm Tây du ký chính là một ẩn dụ triết học, một kiểu mật ngữ của tư tưởng mà chỉ những ai biết cách đọc thì mới có thể hội nhập vào trong ý nghĩa của tác phẩm. Hay nói theo quan điểm ký hiệu học, Tây du ký là một hệ thống ký hiệu, hệ thống các «mật mã» mà chỉ những người nào biết cách «giải mã» với các chìa khóa thích hợp thì mới lãnh hội được ý nghĩa đích thực của tác phẩm. Cái độc đáo của Tây du ký là ở chỗ toàn bộ tác phẩm đều được xây dựng bằng một loạt các hình tượng ký hiệu (chứ không phải là hình tượng nhân vật) hết sức đặc biệt: Đường tăng, Ngộ không, Bát giới, Sa tăng, con ngựa, yêu tinh, lò bát quái, thuyền không đáy, dòng sông, các con số... và tất cả đều tạo thành một hệ thống với cấu trúc bên trong khá chặt chẽ. Chính vì vậy mà sự giải mã tác phẩm ở đây không hề có tính chất rời rạc, ngẫu phát mà đã đạt đến toàn thể tính (totalité) của tác phẩm. Sức thuyết phục của cách giải mã theo phương pháp cấu trúc - ký hiệu này nhờ đó mà được tăng cường hơn. So với phương pháp ngoại tại, ở đây, phương pháp nội tại tỏ ra có ưu thế hơn trong việc đưa ra ánh sáng ý nghĩa của tác phẩm, tránh được những cách giải mã dung tục, thô thiển hoặc xuyên tạc tác phẩm.

Nhưng dù theo cách hiểu nào thì vấn đề quan trọng có ý nghĩa phương pháp luận ở đây là không nên đồng nhất ngón tay chỉ mặt trăng (tức phương pháp) với chính mặt trăng (tức đối tượng), không nên mắc kẹt vào những kiểu tư duy hoặc những hình thức có tính chất biểu tượng mà phải biết vượt qua tất cả để đi đến bờ bên kia của sự giải thoát và sự thể hiện chân lý (đáo bỉ ngạn).

Do đó, nói như tác giả Lê Anh Dũng, đọc Tây du, cũng như đọc những tác phẩm lớn khác của nền triết học và đạo học phương Đông, chính là đọc lại bản thể con người của chính ta. Và như thế, công cuộc thỉnh kinh vô tiền khoáng hậu của Đường tăng, mặc dù đã chấm dứt từ lâu trong lịch sử, dưới ngòi bút tài hoa của Ngô Thừa Ân, đã trở thành một cuộc thỉnh kinh vô tận của mỗi người trong chúng ta và của toàn thể lịch sử, nhân loại; và đường đi thỉnh kinh đó cũng chính là đường trở về với những giá trị tâm linh siêu thoát.

Nói cách khác, với một giá trị nhân bản rất cao, Tây du ký đã thực sự trở thành một biểu tượng vĩnh cửu có ý nghĩa toàn nhân loại. Người xưa đã dĩ tâm truyền tâm thì người nay cũng nên lấy tâm để hiểu tâm, có lẽ đó là phương pháp tốt nhất giúp chúng ta lãnh hội được những tinh túy của nền triết học và đạo học phương Đông.

Với một lối viết vừa có tính chấp bút lại vừa có tính phóng bút, giọng văn vừa trang nghiêm lại vừa đùa rỡn, tác giả Lê Anh Dũng đã thực sự thành công trong việc «giải mã» một tác phẩm lừng danh của nền văn học cổ điển Trung Quốc.

Tuần báo Văn nghệ, số 96 (từ 01 đến 07.7.1993)



3. Đôi điều góp ý...

LÝ VIỆT DŨNG


Công tâm mà nói, đây là cuốn sách viết công phu, nghiêm túc và có chất lượng. Những ai khó tánh mấy, sau khi đọc xong Giải mã truyện Tây du cũng đều nhìn nhận rằng tác giả đã hết sức cố gắng, đọc nhiều sách, nghiên cứu kỹ các triết thuyết, chọn lọc cẩn thận tư liệu, trích dẫn khá chính xác các câu, chữ trong kinh điển, nhằm phản ảnh đúng đắn quan điểm Phật học và Đạo học, lý luận vững vàng, logic, văn phong tao nhã, đượm nét trữ tình.Giải mã truyện Tây du đã giúp cho độc giả nói chung có cái nhìn sâu sắc và chính xác hơn khi đọc truyện Tây du; người có trình độ Phật học tương đối, có thể lý hội được các ẩn ý uyên áo hàm dụ trong Tây du ký; còn các bậc uyên nguyên Phật lý cũng có dịp rà soát lại quan điểm của mình trước các «mã» đã được giải.

Báo Người lao động cuối tuầnsố 127, ngày 09.7.1993.


4. Cứ coi viết văn như làm... công quả

HỌ TRẦN


Vừa qua, ghé vô trường K., gặp Lê Anh Dũng, tôi mau miệng hỏi: «Giải mã truyện Tây du của anh tái bản tới đâu rồi?» Anh tặc lưỡi: «Tái bản chưa xong đã bị bá tánh luộc rồi!»

«Tang chứng» là đây. Bản kéo lụa, đóng kim sắt sơ sài, nét chữ nhòe nhoẹt, hình ảnh lem nhem. Điều trước đây bạn bè cảnh giác anh đã thành sự thực. Sách phát hành đầu năm 1993, hai tháng hết sạch. Chỗ phát hành hỏi thêm, người đọc vẫn có nhu cầu. Nhưng anh muốn tái bản có sửa chữa đàng hoàng và tăng bổ cho phong phú hơn. Đang chờ giấy phép. Nhưng bọn luộc sách có cần chờ chi!

(...) Nhìn cái logo nhà xuất bản in lem nhem ở bìa ngoài cuốn sách «luộc», tôi muốn hỏi: «Nhà xuất bản biết rồi, giúp nhau được gì không?» Nhưng nghĩ lại, hỏi có khi thừa...

Bạn tôi ơi, anh phải đâu là một nạn nhân lẻ loi của tệ trạng này. Hôm ở chỗ anh, tôi không kịp nghĩ ra câu gì gọi là an ủi, sẻ chia. Tôi đã định xui anh bắt chước A Q, hãy coi đây là thắng lợi tinh thần, vì cuốn sách đầu tay của anh đã được thị trường gián tiếp khẳng định, cho dù... thô bạo. Thử nghĩ, anh cạy cục hơn một năm nay không tái bản được, thì bây giờ sách anh đã được tới tay thêm hàng ngàn người đọc, mà anh khỏi mất công làm phiền ai chuyện xin phép xin tắc, khỏi lo chạy nhà in, khỏi lo kiếm tiền in sách, khỏi lo kiếm chỗ phát hành,... anh khoẻ quá, mà thiên hạ cũng có Giải mã truyện Tây du đọc lai rai. Bọn luộc sách coi vậy chứ làm ơn cho anh nhiều lắm đấy!

Anh biết không, những ý nghĩ «dớ dẩn» đó khiến tôi suýt nữa đã khuyên anh hãy coi như viết sách cũng là một cách làm... công quả. Ai bảo anh chọn chi cái nghề văn chương bạc bẽo. Viết tồi, sách ế, phận mình mình chịu. Sách may phúc bán được, bá tánh bèn đem «luộc», cũng phận mình mình chịu. Xét cho cùng, có lẽ cũng đáng đời anh lắm. Cứ nghĩ lại mà coi.

Báo Người lao động, ngày 04.11.1994


5. Mấy ý kiến khác...

Đọc từ đầu đến cuối mới thấy ngấm ngầm thú vị, tác giả dùng văn đôi lúc trào phúng, nhưng hoàn toàn lại hết sức hợp lý và khoa học khi phân tích những đoạn hư hư thực thực. Đây là một tập sách hay, có giá trị với nhiều minh họa đẹp.

Tuần báo Giác ngộ, ngày 15.5.1993.

 ... vượt qua những cách nhìn Tây du theo kiểu truyện thần tiên ma quái, hay châm biếm trào lộng... tác giả đưa ra cách nhìn Tây du là một tập hợp các ký hiệu có ý nghĩa biểu tượng; và phơi mở, giải bày các ẩn số của Tây du bằng tư tưởng Phật, Lão, Thiền học.

Bên cạnh những hình ảnh khá chọn lọc, độc đáo vừa minh họa vừa làm tươi thêm hình thức quyển sách, với cách viết giản dị, rõ ràng, hơi «vui tính», tác giả làm cho những chuyện tưởng như khô khan (triết lý) trở nên nhẹ nhàng, dí dỏm mà người đọc cũng cảm thấy dễ chịu, thích thú.

Báo Tuổi trẻ, ngày 05.6.1993.


... bạn sẽ bị cuốn sách này lôi cuốn ngay từ đầu vì những cách phân tích, bình luận rất độc đáo và đầy kiến thức của tác giả (...). Bảo đảm khi gấp sách lại, cái nhìn của bạn vềTây du ký và về tác giả của nó sẽ khác hẳn. Báo Tuổi trẻ, ngày 15.4.1995


... độc giả có trong tay một cuốn sách nghiên cứu lý thú (...) được viết với một cảm hứng tràn đầy thơ mộng (...), qua cách làm việc nghiêm túc của một người nghiên cứu cẩn trọng. Báo Người lao động, ngày 21.4.1995.


HẾT

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét