HỒI 98.
Gặp người lá gió cành chim
Sau đó ít lâu, Chu Thủ bị cùng Tri phủ Tế Nam là Trương Thúc Dạ bắt được ba mươi sáu người trong đám giặc Tống Giang ở Lương Sơn, lại chiêu hàng được hơn một vạn giặc, địa phương được yên ổn, tin thắng trận được tâu về triều.
Tri phủ Trương Thúc Dạ được thăng chức
Ngự sử Sơn Đông An phủ Đại sứ, còn Chu Thủ bị được thăng chức Tế nam Bình mã Chế
trí. Các bộ hạ tòng chinh mỗi người được thăng một cấp. Chu Thủ bị tâu công cho
Kính Tế, Kính Tế được thọ chức Tham mưu, lương mỗi tháng là hai thạch gạo, sống
đời vinh hoa phú quý.
Trung tuần tháng mười, Chu Thủ bị dẫn
binh mã về, sai người báo tin mừng cho Xuân Mai biết. Xuân Mai vui mừng vô tận,
sai Kính Tế cùng Trương Thắng, Lý An dẫn gia nhân ra ngoại thành nghênh tiếp.
Trong khi đó thì Xuân Mai cho dọn tiệc
lớn tại đại sảnh. Quan lại các cấp trong phủ huyện kéo nhau tới đưa lễ vật tấp
nập.
Binh mã đưa Chu Thủ bị về tới phủ. Chu
Thủ bị xuống ngựa vào phủ. Xuân Mai và Tôn Nhị nương ra lạy chào. Kính Tế mặc
phẩm phục, mũ áo xênh xang, cùng vợ là Cát thị ra lạy chào. Gia nhân lớn nhỏ
trong phủ cũng sắp hàng ra ngoài thềm mà lạy mừng. Chu Thủ bị thưởng cho vợ chồng
Kính Tế mỗi người một bộ quần áo và mười lạng bạc. Gia nhân lớn nhỏ cũng được
thưởng.
Tiếp đó là tiệc tẩy trần. Cả phủ nhộn
nhàng vui vẻ. Tối hôm đó, Chu Thủ bị cùng Xuân Mai uống rượu tại phòng riêng,
hàn huyên sau ít ngày xa cách.
Xuân Mai nói:
– Vì chuyện hôn nhân của em tôi mà phải
tốn kém ít nhiều.
Chu Thủ bị bảo:
– Không sao, em nàng tôi đây thì phải
lo cho nó thành gia thất tử tế, có tốn kém ít nhiều cũng không đáng ngại. Em
nàng chứ có phải người ngoài đâu.
Xuân Mai nói:
– Nay em tôi lại được chàng lo bề công
danh cho như vậy thì quả là đầy đủ quá rồi, nó cũng sung sướng một đời.
Chu Thủ bị nói:
– Sắc chỉ triều đình chỉ ít ngày nữa
là tới, tôi sẽ phải tới phủ Tế Nam nhậm chức mới, nàng ở nhà coi sóc việc nhà,
rồi bảo cữu cữu cùng với một quản lý nào đó lo việc buôn bán, nàng bỏ tiền ra
mà kiếm lời. Bảo cữu cữu làm sổ sách cho phân minh, tiền vốn tiền lời cho rõ
ràng là được.
Xuân Mai nói:
– Chàng dạy rất phải.
Trò chuyện một lúc thì hai vợ chồng đi
nghỉ.
Thượng tuần tháng mười một, Chu Thủ bị
cho sửa soạn hành lý rồi đem Trương Thắng, Lý An theo tới phủ Tế Nam nhậm chức
mới. Chu Nhân, Chu Nghĩa ở nhà coi nhà, Kính Tế tiễn Chu Thủ bị ra ngoài thành
rồi mới quay về.
Xuân Mai bảo Kính Tế:
– Lão gia dặn là cậu phải tìm một người
quản lý để làm ăn buôn bán để kiếm thêm lợi tức mà chi dùng trong nhà.
Kính Tế mừng lắm, để ý tìm người giúp
mình buôn bán.
Một hôm, đang đi ngoài đường, tình cờ
Kính Tế gặp một người bạn cũ là Lục Bỉnh Nghĩa. Bỉnh Nghĩa thấy Kính Tế thì vái
chào nói:
– Lâu lắm không gặp huynh.
Kính Tế đứng lại chào hỏi rồi đáp:
– Tôi lúc trước vì vợ chết, gặp chuyện
thưa kiện lên quan, lại bị tên Dương Quang Ngạn lừa hết vốn liếng, khiến tôi phải
sống nghèo nàn cực khổ, nhưng bây giờ thì khá rồi. Ấy cũng là nhờ chị tôi hiện
là phu nhân của Chu Thủ bị lão gia, hiện tại tôi cũng tục huyền rồi. Lại có
quan chức, hiện tôi làm chức Tham mưu. Nay tôi đang định tìm một người quản lý,
trông coi việc buôn bán, ngặt là giờ này tìm chưa ra.
Lục Bỉnh Nghĩa nói:
– Tên Dương Quang Ngạn sau khi lừa
huynh thì làm quản lý cho một người họ Tạ, hiện mở tiệm rượu tại bến Lâm Thanh,
lại làm thêm nghề dắt mối cho các ca nhi kỹ nữ nên bây giờ cũng khá giả lắm. Hắn
mặc áo tốt, suốt ngày rượu thịt, chừng năm ba ngày thì cưỡi lừa tới tiệm tính
toán tiền lời, bạn bè cũ bị gạt ra hết, hắn chẳng thèm ngó ngàng tới ai. Em hắn
ở nhà thì mở sòng bạc, lại tổ chức đá gà đua chó không ai dám đụng chạm tới.
Kính Tế nói:
– Năm ngoái tôi có tình cờ gặp hắn,
nhưng hắn trở mặt đánh chửi tôi. Lần đó may tôi nhờ một người bạn tới can thiệp
chứ không thì bị nó đánh chết rồi, bây giờ tôi hận nó tới xương tuỷ.
Nói xong Kính Tế kéo Lục Bỉnh Nghĩa
vào một quán rượu, gọi rượu thịt cùng ăn uống.
Kính Tế hỏi:
– Bây giờ phải đối phó với thằng Quang
Ngạn thế nào để rửa được mối hận của tôi?
Lục Bỉnh Nghĩa nói:
– Người ta thường bảo, không hạ độc thủ
không phải trượng phu, nay nếu mình nói năng tử tế thì không đời nào hắn chịu
nghe. Bây giờ huynh không phải lo gì, cứ làm một lá đơn, bắt nó phải bồi thường
tiền bạc hàng hóa đã sang đoạt của huynh lúc trước, như vậy tức là huynh đoạt
được tiệm rượu của nó hiện nay, rồi bỏ thêm ít tiền sửa sang thêm thắt cho lớn
ra, rồi tôi tới nói với Tạ Tam ca, cùng trông nom việc buôn bán cho huynh. Năm
ba ngày, huynh chỉ việc tới đó một lần để tính toán sổ sách. Như vậy thì hàng
tháng xoàng ra huynh cũng có cả trăm lạng bạc lợi tức. Buôn bán nào cho bằng,
huynh thử nghĩ xem.
Kính Tế nghe nói mừng lắm bảo:
– Nếu quả được như vậy thì để tôi về
nói lại với thư thư tôi và thư phu tôi đã. Nếu việc này thành thì chắc chắn là
huynh và Tạ Tam ca sẽ là quản lý cho tôi.
Bàn định xong, Kính Tế trả tiền rượu,
cùng Bỉnh Nghĩa bước ra.
Tới đường, Kính Tế dặn:
– Lục huynh à, phải nên kín miệng mới
được.
Lục nhị lang đáp:
– Tôi hiểu rồi, huynh cứ yên tâm.
Nói xong hai người chia tay.
Kính Tế về phủ kể hết lại cho Xuân Mai
nghe, Xuân Mai bảo:
– Nhưng bây giờ lão gia không có nhà
thì làm sao?
Gia nhân già là Chu Trung đứng bên
thưa:
– Không sao, cữu cữu làm đơn, ghi rõ số
tiền tài hóa vật bị sang đoạt, rồi kèm tấm thiếp của lão gia, bỏ hết vào phong
bì, tôi sẽ đem tới sở Đề hình, nhờ bắt tên họ Dương đó, đánh cho một trận mà
tra hỏi, nhất định nó phải bồi thường.
Kính Tế bảo:
– Vậy thì hay lắm.
Nói xong mừng rỡ viết đơn, kèm theo một
tấm thiếp của Chu Thủ bị, bỏ tất cả vào phong bì tử tế rồi sai Chu Trung đem tới
viện Đề hình.
Tới nơi thì hai vị quan trong viện
cũng vừa đăng đường xét việc. Lính hầu thưa:
– Chu gia ở Soái phủ sai người đem thư
tới.
Hà Thiên hộ cùng Trương Nhị, lúc đó đã
là Phó Thiên hộ, cho gọi Chu Trung vào hỏi thăm về việc thăng chức của Chu Thủ
bị. Chu Trung thưa lại đầu đuôi. Sau đó hai người mở phong bì ra coi, thấy đơn
và thiếp, lập tức hạ trát tìm bắt Dương Quang Ngạn, tức Dương đại lang. Đoạn viết
thiếp hồi báo, đưa cho Chu Trung mà bảo:
– Người về thưa lại với phu nhân là để
chúng ta ở đây bắt tên họ Dương trả lại tiền bạc đầy đủ, rồi sẽ cho người tới
lãnh về.
Chu Trung cầm thiếp về thưa lại với
Xuân Mai:
– Nhị vị Đề hình cho trát truy tầm tên
họ Dương ngay, lại nói rằng khi nào nó bồi thường tiền bạc đầy đủ thì mình sẽ tới
lãnh về.
Kính Tế cầm thiếp coi thấy ghi tên Hà
Thiên hộ và Trương Nhị thì mừng lắm. Hai ngày sau, cả hai anh em Dương Quan Ngạn
và Dương Nhị Phong đều bị bắt giải về viện Đề hình. Hai quan Đề hình cứ y theo
đơn của Kính Tế mà thẩm tra. Anh em họ Dương bị đánh đập tra khảo chết đi sống
lại, phải sai người nhà vơ vét tiền bạc, bán đồ đạc của cải, được ba trăm năm
chục lạng, lại có một trăm xấp vải, đồ đạc trong tửu điếm đáng giá năm chục lạng,
để lo bồi thường cho Kính Tế. Nhưng trong đơn, Kính Tế đòi chín trăm lạng, như
vậy là vẫn còn thiếu nhiều. Anh em họ Dương phải bán cả nhà cửa đất đai, gia
tài khánh tận, mới trả đủ cho Kính Tế.
Kính Tế sau khi đoạt được tửu điếm của
Dương Quan Ngạn, lại có thêm nhiều tiền, liền cho Tạ Tam trông coi. Lại bỏ ra
thêm ngàn lạng, đưa cho Lục nhị lang để sửa sang khuếch trương tửu điếm, tạo
thành một đại tửu lầu nguy nga tráng lệ, đủ các món sơn hào hải vị.
Trung tuần tháng giêng thì Kính Tế tới
làm lễ khai trương. Từ đó mỗi ngày có thể lời tới năm chục lạng. Mỗi việc đều
trong tay Tạ Tam và Lục Nhị lang. Hai người dành riêng một căn phòng trên lầu,
trần thiết đẹp đẽ để dùng làm nơi nghỉ ngơi vui thú. Ca nữ Trần Tam Nhi cũng
thường lui tới.
Một hôm, vào thượng tuần tháng ba, tiết
xuân êm đẹp, cảnh vật xinh tươi, liễu rũ bên đường, hoa vương ngoài ngõ, Kính Tế
ngồi trên tửu lầu nhìn ngắm cảnh sinh hoạt tấp nập nhộn nhịp bên dưới. Lát sau
Kính Tế lại quay nhìn bến sông phía sau tửu lầu, thấy hai chiếc thuyền lớn cập
bến. Bốn năm người lực lưỡng chuyển những rương đồ đạc vào những căn phòng
trong bên dưới tửu lầu.
Trên thuyền lại có một người đàn bà trạc tuổi trung niên nhưng nhan sắc mặn mà, ăn mặc sang trọng, bên cạnh lại có một thiếu nữ trẻ trung xinh đẹp, chỉ khoảng hai mươi tuổi, cả hai đứng trông coi việc vận chuyển các rương đồ đạc, rồi sau cùng vào tửu lầu.
Kính Tế quay hỏi Tạ Tam:
– Ai vậy? Sao lại phải ghé đây?
Tạ Tam đáp:
– Hai người này từ Đông Kinh tới, hiện
chưa có nơi trú ngụ, phải ở tạm tại đây vài ngày, tôi cũng đang định thưa với
quan nhân thì quan nhân đã hỏi.
Kính Tế đang giận chưa biết nói gì thì
thiếu nữ trẻ lúc nãy đã bước tới vái chào cung kính mà nói:
– Xin quan nhân bớt giận, đó không phải
là lỗi của quản lý đây mà là lỗi của chúng tôi. Chúng tôi tới đây không kịp kiếm
nơi ở nên phải tạm trú tại đây, lại vì mới tới nên chưa kịp thông báo với quan
nhân. Chúng tôi xin nạp tiền phòng đầy đủ, năm ba ngày nữa sẽ dọn đi.
Kính Tế chỉ nhìn thiếu nữ từ đầu đến
chân mà không nói gì. Thiếu nữ cũng đưa mắt liếc lại Kính Tế, bốn mắt đưa tình,
hai lòng xao xuyến.
Kính Tế nghĩ thầm:
– Hình như mình đã gặp người này ở đâu
rồi, trông quen quá.
Người đàn bà cũng bước tới, rồi như nhận
ra Kính Tế, bèn bước tới gần hơn mà hỏi:
– Chẳng hay quan nhân đây có phải là
người rể họ Trần của Tây Môn lão gia chăng?
Kính Tế giật nẩy mình hỏi:
– Nương tử là ai mà nhận được tôi?
Người đàn bà đáp:
– Chẳng giấu gì cậu, tôi là vợ của Hàn
Đạo Quốc, quản lý cũ của Tây Môn lão gia. Còn đây là con gái của tôi tên Ái
Thư.
Kính Tế nhớ ra Vương thị, bèn hỏi:
– Mấy người ở cả Đông Kinh kia mà, sao
bây giờ lại tới đây? Còn Đạo Quốc đâu?
Kính Tế vội sai tửu bảo xuống thuyền mời
Đạo Quốc lên.
Lát sau, Đạo Quốc tới vái chào, trông
già hẳn đi. Đạo Quốc nói:
– Mới đây sáu đại thần tại triều đình
là Thái Thái sư, Đồng Thái uý, Lý Thừa tướng, Chu Thái uý, Cao Thái uý, và Lý
Thái giám bị tên học sinh tại Quốc tử giám là Trần Đông dâng biểu hạch tội, sau
lại bị các quan Ngự sử đàn hặc, do đó Thánh thượng hạ chiếu bắt giam, giao cho
Tam pháp ty luận tội. Cả sáu người bị đày làm lính thú ở xa cho đến suốt đời.
Con trai Thái sư là Lễ bộ Thái thượng thư thì bị xử trảm, gia sản bị tịch thu,
sung vào công quỹ. Vợ chồng chúng tôi và cháu Ái Thư đây phải tìm về huyện
Thanh Hà để tìm người em chúng tôi là Hàn Nhị, nhưng nó đã bán hết nhà cửa rồi
bỏ đi nơi nào không biết nữa. Chúng tôi dùng thuyền tới đây tìm chỗ tạm trú ít
ngày, không ngờ lại được gặp cậu, thật là may mắn vô cùng.
Lại hỏi:
– Cậu bây giờ hiện vẫn ở tại nhà Tây
Môn lão gia chứ?
Kính Tế lắc đầu:
– Ta đâu còn ở đó nữa, hiện ta là quan
Tham mưu, ở chung với anh rể ta là Chu Thủ bị. Ta nay đã có chức tước vinh hiển,
mới nhờ hai người quản lý mở tửu lầu tại bến Lâm Thanh này để kiếm thêm lợi tức.
Nay vợ chồng con cái ngươi đã may mắn được gặp ta thì khỏi phải đi đâu nữa, cứ ở
đây cho yên thân.
Vợ chồng Đạo Quốc nghe vậy thì nhất tề
sụp lạy tạ ơn, rồi quay ra tiếp tục dọn đồ đạc vào. Kính Tế thấy vậy liền sai mấy
gia nhân ra dọn đồ giúp. Vương thị nói:
– Thật không dám làm cậu phải phí tâm
nhiều quá.
Kính Tế bảo:
– Vợ chồng ngươi và ta trước kia cùng ở
một nhà, có gì mà phải ngại ngùng.
Lát sau Kính Tế lên ngựa ra về, dặn
các quản lý là đem trà bánh cho vợ chồng Đạo Quốc.
Đêm đó Kính Tế chỉ mơ tưởng đến Hàn Ái
Thư.
Hai ngày sau, Kính Tế ăn mặc sang trọng,
đem gia nhân tới tửu lầu ở bến Lâm Thanh. Đang tính toán tiền bạc thì Đạo Quốc
sai người mời tới uống trà.
Kính Tế đang muốn sang thăm vợ chồng Đạo
Quốc, nay thấy mời, thì đứng dậy đi ngay.
Sang tới phòng Đạo Quốc, đã thấy Ái
Thư tươi như hoa bước ra vái chào rồi nói:
– Xin thỉnh quan nhân qua bộ vào chơi.
Vợ chồng Đạo Quốc cũng bước ra mời vào
ngồi dùng trà. Đôi bên kể lể chuyện mình trong thời gian qua. Trong khi trò
chuyện, Kính Tế không rời mắt khỏi Ái Thư. Ái Thư cũng luôn luôn đưa mắt liếc lại,
đúng là tình trong như đã mặt ngoài còn e.
Sau vài tuần trà, Đạo Quốc xin phép ra
ngoài. Ái Thư quay sang hỏi Kính Tế:
– Chẳng hay quan nhân năm nay thanh
xuân bao nhiêu?
Kính Tế được lời như cởi tấm lòng, vội
đáp:
– Tôi năm nay mới hai mươi sáu.
Lại hỏi:
– Còn thư thư năm nay thanh xuân bao
nhiêu?
Ái Thư cười:
– Tôi với quan nhân quả là nhất duyên
nhất hội, thưa năm nay tôi cũng hai mươi sáu. Lúc trước tôi đã có hân hạnh được
gặp quan nhân một lần, nay không ngờ lại có may mắn được gặp lại, thật đúng như
người ta nói là “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ” đó thưa quan nhân.
Vương thị ngồi cạnh thấy Kính Tế và
con gái mình đã bắt đầu trò chuyện thân mật thì kiếm cớ xin phép lui vào trong.
Ngoài này chỉ còn lại hai người. Ái Thư dùng lời ngon ngọt khoé mắt tình mồi
chài Kính Tế, còn Kính Tế thì vì bản chất đa tình lẳng lơ, cũng buông lời trêu
hoa ghẹo nguyệt, có những cử chỉ lả lơi.
Chỉ lát sau thì Ái Thư đã xích lại ngồi
sát cạnh Kính Tế, uốn éo nói:
– Quan nhân ơi, cho tôi coi cây trâm
quan nhân đang cài trên đầu một chút được không?
Kính Tế chưa kịp đưa tay lên lấy xuống
thì Ái Thư vừa nói xong, đã tự gỡ trâm trên đầu Kính Tế xuống coi. Coi xong rồi
cười khanh khách mà bảo:
– Xin mời quan nhân lên lầu, tôi có
chuyện này muốn thưa, chuyện hay lắm.
Nói xong đứng dậy, vừa cười vừa đi trước,
Kính Tế vội bảo bước theo sau.
Lên tới trên lầu, Kính Tế hỏi:
– Thư thư có chuyện gì muốn nói vậy?
Ái Thư cười tình tứ:
– Tôi với quan nhân quả là có nhân
duyên từ kiếp trước, nay gặp nhau đây, xin được đính ước cùng nhau.
Kính Tế mở cờ trong bụng, nói:
– Được, thư thư thương đến như vậy thì
còn gì hơn. Nhưng xin hỏi thư thư là thứ mấy trong nhà.
Ái Thư đáp:
– Phụ mẫu tôi chỉ có mình tôi, vì tôi
sinh đúng ngày Đoan ngọ nên được đặt tên là Ái Thư.
Nói xong với tay cài trâm lại trên đầu
cho Kính Tế, rồi thầm thì:
– Từ khi gia đình tôi từ Đông Kinh về
đây, không nơi nương tựa, thiếu thốn đủ thứ, nếu chàng có sẵn bạc thì xin cho
phụ mẫu tôi vay tạm năm lạng, sẽ xin hoàn trả đủ vốn lãi, không dám làm chàng
phiền lòng đâu.
Kính Tế gật đầu:
– Nàng đã cần tất là tôi phải có.
Nói xong ôm lấy Ái Thư, kéo tới chiếc giường cạnh đó mà bày chuyện nguyệt hoa. Ái Thư chẳng những không cự tuyệt mà còn hết sức hết lòng chiều chuộng. Ân ái chan hoà, không sao nói hết.
Mưa tạnh mây tan, Ái Thư mời Kính Tế uống
trà rồi ngỏ ý giữ Kính Tế ở lại ăn cơm trưa. Kính Tế nói:
– Tôi còn nhiều việc lắm, không ăn cơm
cùng nàng được đâu, để lát nữa tôi cho đem tiền lại.
Ái Thư níu tay nói:
– Nếu chàng bận thì chiều nay trở lại
đây đi, tôi có chung rượu nhạt mời chàng, tưởng chàng chẳng nên từ khước.
Kính Tế gật đầu trở xuống tính toán tiền
nong, ăn cơm trưa với hai người quản lý. Sau đó tản bộ trên đường phố. Bỗng người
sư huynh cũ là Kim Tông Minh bước tới vái chào. Kính Tế cũng đứng lại chào hỏi.
Tông Minh kể lại những chuyện trong miếu sau khi Kính Tế bị bắt, rồi nói:
– Quả tôi không được biết sớm là hiền
đệ đã trở thành thân thích trong phủ Thủ Bị, lại tới đây mở tửu lầu, nên không
có lễ tới mừng, thật là có lỗi nhiều lắm. Để sáng mai tôi sẽ cho người đem lễ tới,
hiền đệ nếu rảnh mời quá bộ tới miếu chơi, chúng mình nói chuyện.
Nói xong cáo từ mà đi. Kính Tế tản bộ
một lát rồi trở lại tửu lầu. Lục Quản lý ra đón nói:
– Hàn đại gia cho người thỉnh quan
nhân tới uống rượu mà tìm quan nhân chẳng thấy đâu.
Vừa dứt lời thì gia nhân của Đạo Quốc
đã tới thưa:
– Thỉnh quan nhân tới dùng rượu, có cả
hai vị quản lý đây, ngoài ra không có ai khác.
Kính Tế gật đầu, cùng hai người quản lý
vào phòng Đạo Quốc. Nơi đây tiệc rượu đã dọn xong. Kính Tế được mời ngồi giữa,
một bên là Đạo Quốc, một bên là Lục Nhị lang và Tạ Tam lang. Vương thị và Ái
Thư ngồi cạnh Đạo Quốc.
Gia nhân đem trà lên trước. Sau tuần
trà, Đạo Quốc thân rót rượu mời Kính Tế và hai người quản lý.
Rượu được vài tuần, hai người quản lý
đứng dậy nói:
– Để quan nhân ngồi dùng rượu, chúng
tôi xin phép trở lại quầy để lo việc.
Nói xong cùng bước ra.
Kính Tế tuy tửu lượng không cao, nhưng
vì vui sướng trong lòng nên uống rượu hơi nhiều, chỉ lát sau là ngà ngà say.
Ái Thư hỏi:
– Hôm nay quan nhân có định về phủ
không? Thôi, hay là ở lại đây mà nghỉ cho khỏe.
Kính Tế gật đầu:
– Bây giờ có về cũng trễ rồi, nghỉ lại
một đêm ở đây rồi mai về sớm cũng được.
Lát sau vợ chồng Đạo Quốc cáo lui, chỉ
còn lại Kính Tế và Ái Thư. Kính Tế lấy trong tay áo ra năm lạng đưa cho Ái Thư,
Ái Thư cảm tạ rồi vào đưa cho mẹ, sau đó trở ra chuốc rượu cho Kính Tế.
Hai người kề vai áp má ăn uống tới tối.
Ái Thư vào trong trang điểm lại thật đẹp rồi mời Kính Tế lên căn phòng trên lầu
nằm nghỉ.
Hai người sau cơn chăn gối xô lệch,
cùng nhau thề thốt đủ điều.
Ái Thư trong thời gian làm thiếp của Địch
Quản gia tại phủ Thái sư ở Đông Kinh, lại được hầu cận lão thái thái nên cũng
được học đàn hát và chữ nghĩa ít nhiều.
Kính Tế biết được mừng lắm, thấy Ái
Thư quả không thua kém gì Kim Liên ngày trước, trong lòng say mê khôn cùng. Một
đêm đó mấy lần ân ái.
Hôm sau Kính Tế mệt mỏi ngủ quên, dậy
quá trễ. Vương thị đã nấu sẵn cháo gà, sai người dọn lên cho Kính Tế và Ái Thư
ăn. Ái Thư cũng rót rượu mời Kính Tế.
Vừa ăn xong thì hai người quản lý lại
mời ăn uống. Kính Tế rửa mặt chải đầu, khăn áo chỉnh tề, ăn uống với hai quản
lý rồi trở lại từ giã Ái Thư. Ái Thư nắm áo Kính Tế mà khóc, Kính Tế bảo:
– Tôi về rồi năm ba ngày nữa lại đến với
nàng, nàng đừng buồn.
Nói xong lên ngựa, cùng gia nhân về
thành. Dọc đường, Kính Tế hết lời dặn dò gia nhân là về phủ không được nói gì về
chuyện Hàn Đạo Quốc tới ngụ tại tửu lầu. Gia nhân đáp:
– Chúng tôi hiểu rồi, cữu cữu không cần
dặn nhiều.
Về tới phủ, Kính Té nói là công việc tại
tửu lầu bận rộn, ngồi tính toán tiền nong mọi việc, không ngờ trời muộn nên
không thể về sớm được, phải nghỉ lại một đêm. Nói xong giao tiền lời lại cho
Xuân Mai, gồm hơn ba chục lạng.
Xuân Mai nhận tiền nhưng còn cằn nhằn
một hồi. Kính Tế chẳng nói gì.
Về tới phòng riêng lại bị vợ là Cát thị
cằn nhằn:
– Sao đêm qua chàng lại nghỉ ở ngoài vậy?
Chắc là lại vui với loài liễu ngõ hoa tường, bỏ tôi ở nhà vò võ mà không thèm
ngó ngàng tới.
Kính Tế cũng im lặng. Nhưng Cát thị lại
nói với Xuân Mai. Xuân Mai giữ luôn Kính Tế ở nhà gần mười ngày, không cho đi
đâu. Việc thu tiền lời tại tửu lầu ở bến Lâm Thanh thì chỉ sai gia nhân đi. Hai
viên quản lý tính toán đàng hoàng, gói bạc lại cẩn thận, giao cho gia nhân đem
về không sót mảy may.
Trong khi đó vợ chồng Hàn Đạo Quốc cạn
tiền mà Kính Tế vẫn biệt tăm.
Đạo Quốc lại là kẻ chuyên sống bám vào
vợ, bèn bàn tính với vợ là tìm xem thương gia nào giàu có thì làm quen, mời về
nhà uống trà uống rượu, Vương thị và Ái Thư ra tiếp, đem tấm thân mà kiếm tiền.
Vương thị tuy ngoài bốn mươi, nhưng nhan sắc còn mặn mà, lại thêm Ái Thư trẻ
trung hấp dẫn, thừa sức để quyến rủ bất cứ người đàn ông hiếu sắc nào.
Mấy hôm sau thì nhờ người giới thiệu,
một thương gia buôn bán tơ lụa người Hồ Châu là Hà quan nhân tìm tới. Ái Thư ra
tiếp đãi.
Hà quan nhân tuổi ngoại ngũ tuần, là
tay đại thương gia, giàu có vô cùng.
Ái Thư tiếp Hà quan nhân được một lần,
nhưng thấy Hà quan nhân đã già, lại chỉ nhớ mong Kính Tế nên không chịu tiếp
đãi nữa. Hà quan nhân cho mời năm lần bảy lượt, Ái Thư vẫn không chịu, Đạo Quốc
lo cuống lên, phải bảo vợ là Vương thị ra tiếp đãi.
Hà quan nhân thấy Vương thị tuy lớn tuổi
nhưng có da có thịt, mắt nhìn như say, má đỏ môi hồng, lại ăn nói ngọt ngào cử
chỉ lão luyện thì chịu lắm, bỏ ra một lạng bạc gọi tửu bảo dọn rượu thịt, cùng
Vương thị sánh vai ăn uống.
Đêm đó Hà quan nhân nghỉ lại với Vương
thị. Vương thị già dặn trường đời, chiều chuộng Hà quan nhân thập phần chu đáo.
Hà quan nhân cũng thập phần mãn nguyện.
Hàn Đạo Quốc ngủ ở dưới nhà. Ái Thư ngủ
ở phòng bên, mặc cho mẹ tiếp khách.
Từ đó Hà quan nhân bị Vương thị quyến
rũ mê mệt, cứ vài ba hôm lại mò đến với Vương thị một đêm. Đạo Quốc nhờ đó cũng
có được khá tiền. Còn Ái Thư thấy Kính Tế mãi không trở lại thì ngày mong đêm
nhớ, một ngày dài tựa ba thu. Đến lúc nóng lòng sốt ruột quá, phải sai gia nhân
vào thành, tìm đến phủ Thủ Bị dò la tin tức.
Người này lảng vảng bên ngoài, tình cờ
gặp gia nhân vẫn theo Kính Tế ra bến Lâm Thành, vội hỏi:
– Sao hồi này chẳng thấy quan nhân ra
tửu lầu vậy?
Gia nhân phủ Thủ Bị đáp:
– Ít hôm nay cữu cữu chúng tôi khó ở
trong mình nên không đi tới đâu.
Người ấy trở về nói lại với Ái Thư. Ái
Thư bàn tính với mẹ, mua nửa con lợn, hai cặp vịt quay, hai cặp cá lớn, ít bánh
trái hoa quả, rồi viết thiếp, sai người đem vào phủ Thủ Bị biếu Kính Tế. Lại dặn
rằng:
– Ngươi vào phủ, phải xin gặp mặt Trần
quan nhân cho bằng được để xin hồi thiếp nhé.
Người này vâng lời, đem thiếp và lễ vật
tới phủ Thủ Bị. Gia nhân quen là Tiểu Cương Nhi chạy ra hỏi:
– Huynh lại tới đây có chuyện gì nữa vậy?
Người này vội nói nhỏ:
– Tôi tới đây là để xin được diện kiến
cữu gia, một là để biếu lễ vật, hai là cũng có chuyện cần muốn thưa riêng với cữu
cữu, phiền huynh vào báo cho cữu gia biết, tôi chờ ngoài này.
Tiểu Cương vào trong một lúc thì Kính
Tế tất tả bước ra. Lúc đó là vào khoảng tháng tư, trời bắt đầu nóng, Kính Tế mặc
áo lụa mỏng đi hài mát mà ra.
Gia nhân của Đạo Quốc vội vái chào mà
thưa:
– Được biết quan nhân quý thể bất an
nên Ái Thư chúng tôi có tấm thiếp và ít lễ vật tới kính biết quan nhân.
Nói xong đưa thiếp lên. Kính Tế cầm
thiếp hỏi:
– Ái Thư mạnh không?
Người này đáp:
– Thấy quan nhân mãi không trở lại thì
Ái Thư ngày đêm sầu muộn chỉ mong sao quan nhân sớm trở lại.
Kính Tế im lặng mở thiếp ra coi, thấy
viết:
“Trần Đại quan nhân tình lang nhã
giám, từ khi xa cách chàng, em những đêm nhớ ngày trông chẳng lúc nào nguôi. Nhớ
lời hẹn ước, em chỉ biết tựa cửa ngóng chờ, nhưng chờ mãi chẳng thấy chàng đến.
Hôm qua nhân hỏi thăm, biết được chàng quý thể khiếm an, em những bồi hồi tấc dạ,
ngồi đứng không yên, giận là không có đôi cánh để bay tới bên chàng. Nhưng
chàng ở nhà đã có vợ đẹp thiếp yêu, có biết còn đoái tưởng đến phận bèo bọt này
hay không. Nay em có chút lễ mọn, sai đem tới thỉnh an với tất cả lòng thành.
Dù chàng có cười cũng xin nhận cho. Hàn Ái Thư kính bái.”
Bên dưới lại ghi thêm:
“Em có chiếc túi gấm uyên ương, xin tặng
chàng để chàng thấu rõ tấm lòng. Hàn Ái Thư tái bái”.
Người nọ đưa chiếc túi gấm. Kính Tế cầm
lên, thấy có thêu mấy chữ “Tặng tình lang Trần quân”, liền giấu
ngay vào túi áo, rồi bảo Tiểu Cương:
– Ngươi dẫn người này ra tửu điếm gần
đây, chờ ta viết hồi thiếp. Còn lễ vật thì cho đem vào phòng riêng của ta.
Nương nương có hỏi thì cứ nói là của Tạ Tam sai đem tới biếu ta.
Tiểu Cương vội gọi thêm mấy gia nhân,
đem lễ vật vào, rồi trở ra dẫn gia nhân của Đạo Quốc tới tửu điếm uống rượu.
Kính Tế vào thư phòng viết thiếp trả lời,
đoạn lấy năm lạng bạc, đem ra tửu điếm, hỏi:
– Ngươi ăn uống xong chưa?
Người này đáp:
– Đa tạ quan nhân, tôi uống rượu rồi,
rượu ngon lắm, bây giờ tôi xin cáo từ.
Kính Tế đưa bạc và thiếp mà bảo:
– Về nhà nói lại rằng ta cảm tạ Ái Thư
nhiều lắm. Năm lạng bạc này để Ái Thư tạm chi dùng, vài ba hôm nữa ta sẽ ra
thăm.
Người này nhận thiếp và bạc rồi cáo từ
đi ngay.
Kính Tế quay về phủ. Vừa vào tới
phòng, Cát thị đã hỏi:
– Ai sai đem lễ vật tới vậy?
Kính Tế đáp:
– Tạ Tam ở ngoài tửu lầu nghe nói là
tôi khó ở nên sai người đem lễ tới vấn an đó mà.
Cát thị tin thật, bàn tính với chồng,
gọi a hoàn Kim Tiền vào, sai đem một cặp vịt, một cặp cá và ít bánh trái hoa quả
lên biếu Xuân Mai. Xuân Mai cũng không hạch hỏi gì.
Về phần gia nhân của Hàn Đạo Quốc, gần
tối hôm đó mới về tới, đưa thiếp và bạc của Kính Tế cho Ái Thư. Ái Thư nhận bạc
rồi mở thiếp ra coi, thấy viết:
“Kính Tế trân trọng phúc đáp Ái khanh
Hàn Ái Thư, đang lúc mong đợi hội ngộ thì tôi được nàng thương mà hỏi thăm, lại
cho lễ hậu, thật muôn vàn cảm kích. Nàng còn cho tôi chiếc túi gấm quý giá, thật
không biết lấy gì báo đáp. Mấy hôm nay trong người tôi khó ở nên mới lỡ hẹn để
nàng buồn giận. Nhưng chỉ vài ba hôm nữa, tôi sẽ tới thăm nàng. Tiện đây tôi
xin gửi năm lạng bạc và một chiếc khăn tay tặng lại nàng, mong nàng nhận cho.
Kính Tế cẩn bái”.
Ái Thư lại mở chiếc khăn tay ra xem,
thấy có mấy câu thơ:
“Lụa ngà thêu bức hồi văn,
Rượu say múa bút muôn vàn nhớ thương.
Ái ân gửi đến tình nương,
Ước ao loan phụng vấn vương nghìn đời.”
Xem xong, Ái Thư vào kể lại với mẹ và
đưa bạc cho mẹ. Vương thị mừng rỡ khôn xiết. Từ đó hai mẹ con chỉ đêm ngày chờ
mong Kính Tế.
Chuyện đời bướm cuồng say hoa đẹp đâu
phải chỉ có riêng Kính Tế say đắm Ái Thư...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét