Tranh Đới Đôn Bang |
HỒI 94.
Sẩy chân vào chốn phong trần
Từ đó vài ba ngày, Kính Tế lại tới gặp
gỡ truy hoan với Kim Bảo một lần, mỗi khi chậm trễ thì Kim Bảo lại nhờ Trần Tam
Nhi tới miếu vờ ghé vào niệm hương rồi lén đưa thư từ tặng vật của Kim Bảo cho
Kính Tế và nhắn Kính Tế tới tửu lầu. Mỗi lần đến với Kim Bảo, Kính Tế tốn kém
ít nhất cũng năm tiền, thường thường thì một lạng. Đi như vậy, Kính Tế đều nói
dối là ra tiệm ngoài bến coi sóc công việc hoặc đem tiền về cho sư phụ. Nhưng mỗi
lần như vậy, Nhiệm đạo sĩ thấy Kính Tế về miếu là mặt đỏ gay, một lần gọi lại hỏi:
– Ngươi đi uống rượu ở đâu về vậy?
Kính Tế đáp:
– Viên quản lý ngoài tiệm mời một hai
chung, gọi là đi đường cho ấm bụng.
Đạo huynh Tông Minh lại hết lời che chở
nên Nhiệm đạo sĩ không hỏi thêm nữa.
Thời gian qua đi, tiền bạc của Nhiệm đạo
sĩ bị trộm quá nửa mà đạo sĩ vẫn không hay biết.
Nguyên Lưu Nhị ở tửu lầu họ Tạ, có biệt
hiệu là Tọa Địa Hổ, lại là cậu của Trương Thắng, gia nhân trong phủ Chu Thủ bị.
Lưu Nhị mở nơi chứa ca nhi kỹ nữ tại tửu lầu để kiếm lợi, chuyên hiếp đáp kẻ yếu,
giỏi chuyện hành hung, bạn bè thủ hạ lại nhiều nên không ai dám chống cự, Lưu
Nhị cũng chuyên cho vay lãi cắt cổ và dùng bạo lực cướp đoạt tiền bạc của các
con nợ.
Một hôm Lưu Nhị biết chuyện dan díu giữa
Kính Tế và Kim Bảo, lại biết Kính Tế là đạo sĩ trong miếu của Nhiệm đạo sĩ, bèn
hùng hổ vung tay trợn mắt tới hỏi Tạ Tam lang, chủ tửu điếm:
– Kim Bảo đâu?
Tạ tam lang vội đáp:
– Lưu Nhị thúc có chuyện gì vậy? Nàng
hiện đang ở căn phòng thứ hai trên lầu.
Lưu Nhị nhảy hai ba bực thang một mà
lên lầu. Lúc đó Kính Tế đang uống rượu trò chuyện cùng Kim Bảo trong phòng.
Mành ngoài cửa phòng buông xuống và cửa phòng khóa chặt.
Lưu Nhị tới giựt tấm mành xuống, thấy
cửa khóa thì đập cửa gọi lớn:
– Kim Bảo đâu ra đây.
Kính Tế sợ hãi, không dám thở mạnh.
Lưu Nhị đạp tung cửa bước vào, Kim Bảo vái chào rồi hỏi:
– Lưu Nhị thúc có chuyện gì tới đây vậy?
Lưu Nhị mắng:
– Con dâm phụ, mày thiếu tao ba tháng
tiền phòng, mà còn ở đây sao? Không cút đi cho rồi.
Kim Bảo tươi cười:
– Nhị thúc làm gì nóng vậy, cứ về nhà
đi rồi tôi sẽ bảo ma ma tôi đem tiền tới nạp.
Lưu Nhị đánh ngay Kim Bảo một quyền
làm Kim Bảo ngã xuống đất, đập đầu vào cạnh cửa chảy máu chan hòa rồi mắng:
– Con dâm phụ, còn đợi đến bao giờ mới
chịu đem tới, bây giờ tao cần tiền ngay.
Đoạn quay sang, thấy Kính Tế còn đứng
đó, liền hất tung bàn tiệc bát đĩa rơi vỡ loảng xoảng. Kính Tế bảo:
– Á à, ngươi là ai mà dám tới đây hành
hung đập phá như thế này?
Lưu Nhị trừng mắt quát lớn:
– Tao là ai à? Tao đẻ ra đạo sĩ như
mày.
Nói xong nắm đầu Kính Tế dìm xuống đất
mà đánh đấm túi bụi.
Khách khứa đang ăn uống vui chơi, thấy
vậy đều lảng đi hết. Chủ nhân Tạ tam lang mới đầu thấy Lưu Nhị có vẻ say lại
quá hung hăng nên không dám ngăn cản, sau thấy Lưu Nhị đánh người quá tàn nhẫn,
mới bước vào khuyên:
– Lưu Nhị thúc à, xin bớt giận, người
này không biết đại danh của nhị thúc nên mới hỏi vậy, xin nhị thúc đừng chấp,
hãy nể mặt tôi mà tha cho người ta.
Nhưng Lưu Nhị nào có chịu nghe, cứ
đánh đấm đến lúc Kính Tế mềm nhũn dưới đất mới thôi, lại gọi đàn em đem dây tới
trói cả Kính Tế lẫn Kim Bảo lại, đoạn quát:
– Sáng sớm mai đem nó tới phủ lão gia.
Nguyên là gần đây Chu Thủ bị cho Lưu
Nhị làm công việc tìm bắt trộm đạo tại địa phương, kiêm luôn việc coi giữ an
ninh trên sông, nên bây giờ Lưu Nhị mới nói vậy.
Đêm đó, Nhiệm đạo sĩ thấy Kính Tế
không về miếu thì nghĩ rằng Kính Tế ngủ lại ngoài tiệm.
Sáng sớm hôm sau, đám lính tuần đem
Kính Tế và Kim Bảo giải tới phủ Chu Thủ bị, nói với hai quản gia Trương Thắng
và Lý An rằng:
– Lưu Nhị thúc bảo chúng tôi giải hai
tên này tới đây, một tên là đạo sĩ trong miếu của Nhiệm trưởng đạo, một tên là
ca nữ Kim Bảo của nhà họ Trịnh, xin nhị vị quản gia không nên coi thường chúng.
Lại kể thêm một lô tội trạng mà Lưu Nhị
bịa đặt ra.
Trương Thắng và Lý An đòi có tiền trà
nước. Lính tuần hạch Kính Tế, bắt đưa tiền, Kính Tế đáp:
– Đang đêm thì tôi bị Lưu Nhị hành
hung, thương tích đầy mình, quần áo rách nát như thế này, làm gì có tiền mà
đưa, chỉ có cây trâm bạc này thôi.
Nói xong rút cây trâm trên đầu xuống
đưa cho lính tuần. Bọn lính tuần ngắm nghía cây trâm, rồi đưa cho Trương Thắng
và Lý An mà nói:
– Nó không có tiền, chỉ có cây trâm bạc
này thôi.
Trương Thắng bảo:
– Dẫn nó lại gần đây, để ta hỏi nó.
Lính tuần dẫn Kính Tế tới, bắt quỳ trước
mặt Trương Thắng. Trương Thắng hỏi:
– Ngươi vào làm đồ đệ của Nhiệm đạo sĩ
từ bao giờ, sao ta không biết ngươi? Tục danh của ngươi là gì?
Kính Tế đáp:
– Tôi nguyên là con nhà tử tế, cũng mới
vào làm đạo sĩ chưa được bao lâu.
Trương Thắng bảo:
– Ngươi đã làm đạo sĩ thì phải chuyên
tâm học đạo niệm kinh, sao lại la cà nơi tửu điếm trà đình, giao thiệp với ca
nhi kỹ nữ? Ngươi có biết soái phủ đây là nơi nào không, mà tới đây lại không chịu
nạp tiền? Mà ta hỏi tục danh ngươi là gì?
Kính Tế đáp:
– Tục danh của tôi là Trần Kính Tế.
Trương Thắng bảo:
– Cây trâm này của ngươi nào có giá trị
gì, ta đâu thèm.
Tuy nhiên vẫn bỏ cây trâm vào tay áo rồi
bảo đám lính tuần:
– Để thưa với lão gia vụ này, nó làm đạo
sĩ, tiền bạc thí chủ thập phương cúng vào thiếu gì mà nó keo kiệt không chịu đưa.
Lát nữa sẽ đánh trượng hoặc kẹp tay chân cho nó biết mùi.
Đoạn bảo dẫn Kim Bảo tới gần. Kim Bảo
bước tới, đưa ra ba lạng bạc, Trương Thắng nhận bạc rồi dịu giọng bảo:
– Để lát nữa lão gia đăng đường, nếu
lão gia nổi giận thì chúng ta cũng nhẹ tay, gia hình sơ sài qua loa, còn nếu
lão gia vui vẻ thì chúng ta tha cho ngươi về.
Lát sau Chu Thủ bị đăng đường, quan lại
ngồi nghiêm chỉnh hai bên, ngoài là lính hầu sắp hàng đứng đợi.
***
Nguyên Xuân Mai đã hạ sinh một con
trai, nay cũng được khoảng nửa năm. Đứa nhỏ mặt đầy như mâm xôi, môi như thoa
son, mắt như sao sáng. Chu Thủ bị yêu quý vô ngần, coi như bảo vật vô giá. Ít
tháng sau khi Xuân Mai sinh nở, đại phu nhân chết, Xuân Mai được nâng lên hàng
chính thất, tới ở tại chính phòng, gồm năm gia nhà nguy nga lộng lẫy. Chu Thủ bị
lại cho mua hai nhũ mẫu là Ngọc Đường và Kim Quý, cùng hai tiểu a hoàn là Thúy
Hoa và Lan Hoa, bốn người đó lo hầu hạ ca nhi. Để hầu hạ riêng Xuân Mai còn có
hai a hoàn rất được sủng ái, giỏi đàn hát là Hải Đường và Nguyệt Quế, đều mới
mười bảy tuổi.
Ca nhi lại chỉ thích được Trương Thắng
bồng ra ngoài chơi.
Những khi Chu Thủ bị đăng đường xử việc,
Trương Thắng thường bồng ca nhi đứng ở thềm hậu đường nhìn ra.
Lần này cũng vậy, Chu Thủ bị đăng đường
thì Trương Thắng lui vào, bồng ca nhi ra đứng trên thềm hậu đường nhìn ra.
Kính Tế và Kim Bảo được dắt lên quỳ
trước thềm công đường, Chu Thủ bị xem văn thư ghi tội trạng rồi quát:
– Tên kia, ngươi đã làm đạo sĩ, sao
không giữ gìn giới luật mà đêm hôm lại tới nhà ca nữ uống rượu vui chơi, khiến
cho rối loạn trật tự địa phương, ngươi đã có hành động nhơ bẩn như vậy thì phải
bị trừng phạt.
Đoạn quát tả hữu lôi Kính Tế ra giữa
sân đánh hai chục trượng, lột mũ áo đạo, bắt phải hoàn tục. Còn Kim Bảo thì bị
kẹp chân tay rồi sẽ đuổi về cho tiếp tục làm ăn.
Tả hữu lôi Kính Tế ra sân, lột bỏ mũ
áo đạo rồi đem trượng đến đánh hai chục trượng. Thương cho Kính Tế đau đớn quần
quại, thịt nát máu rơi, muôn phần thảm khốc.
Ca nhi trên tay Trương Thắng thấy vậy
thì xua tay ra ý ngăn cản, rồi nhoài người ra phía Kính Tế như muốn đòi bồng mà
khóc ầm lên[122]. Trương Thắng sợ Chu Thủ bị nghe được,
vội bồng ca nhi vào hậu đường. Ca nhi vẫn la khóc, Xuân Mai vội hỏi:
– Làm sao để ca nhi khóc vậy?
Trương Thắng đáp:
– Trần đạo sĩ ở miếu của Nhiệm đạo sĩ
mắc tội bị lão gia sai đánh đòn tại sân, ca nhi trông thấy khóc và như là muốn
vị đạo sĩ đó bồng, tôi bồng vào, nhưng ca nhi vẫn khóc.
Xuân Mai nghe nói họ Trần thì trong
lòng hơi ngờ vực, vội dời gót ra sau mành lén nhìn ra, thì thấy người bị đánh
trông rất giống Kính Tế, liền nghĩ bụng:
– Tại sao Kính Tế lại xuất gia làm đạo
sĩ như vậy?
Đoạn quay lại hỏi Trương Thắng:
– Người này tên thật là gì?
Trương Thắng đáp:
– Bẩm phu nhân, người này tục danh là
Trần Kính Tế, hồi nãy tôi có hỏi nên biết.
Xuân Mai thầm nghĩ:
– Đúng Kính Tế rồi, bây giờ biết làm
sao đây...
Đoạn quay lại bảo Trương Thắng:
– Ngươi ra thỉnh lão gia vào hậu đường
cho ta thưa chuyện.
Tả hữu đang đánh đòn Kính Tế và kẹp
tay chân Kim Bảo thì Chu Thủ bị được Trương Thắng nói là phu nhân mời có chuyện,
bèn bảo tả hữu tạm ngưng rồi đứng dậy quay vào hậu đường.
Xuân Mai nói:
– Vị đạo sĩ đang bị đánh chính là người
em họ con bà cô của tôi, xin gia gia vì tôi mà tha tội cho một lần.
Chủ Thủ bị vội bảo Trương Thắng:
– Nếu vậy ngươi ra bảo chúng nó tha
ngay.
Đoạn quay lại bảo Xuân Mai:
– Phu nhân có cần gặp tiểu cữu đó
chăng?
Xuân Mai nghe vậy liền bảo Trương Thắng:
– Ừ, ngươi gọi người đó vào đây cho
ta.
Trương Thắng vừa quay đi thì Xuân Mai
ngẫm nghĩ rồi gọi lại bảo:
– Nhưng thôi, ngươi cứ cho người đó về,
để hôm khác ta sẽ gọi tới cũng được. Cứ để người đó đội mũ đạo, mặc áo đạo, đừng
lột ra bắt hoàn tục.
Do đó Kính Tế được tha ra, đội mũ mặc
áo rồi về thẳng miếu.
Trong khi ấy, Nhiệm đạo sĩ được người
tới báo:
– Đồ đệ của đạo trưởng là Trần Tông Mỹ,
tối qua tới tửu lầu uống rượu với ca nữ Kim Bảo, rồi không hiểu sao bị Tọa Địa
Hổ Lưu Nhị đánh cho nhừ tử, rồi cả Tông Mỹ và Kim Bảo đều bị giải lên phủ Thủ bị,
nghe đâu bị đánh đòn, lột mũ áo và bắt hoàn tục.
Nhiệm đạo sĩ nghe xong, quay vào phòng
riêng, mở rương tiền bạc ra coi thì thấy hao hụt quá nhiều, tức giận lắm, rồi
vì phần tuổi già, phần vì quá mập, nên uất lên mà ngã xuống đất. Đám đồ đệ và
tiểu đồng hoảng lên chạy tới cứu cấp và gọi lang y tới cho thuốc. Nhưng cứu cấp
gì cũng không tỉnh lại. Tới nửa đêm thì tắt thở, thọ sáu mươi ba tuổi.
Lúc đó Kính Tế được tha ra, mò về miếu,
thì người hai bên đường bảo:
– Ngươi còn dám về miếu nữa hay sao?
Sư phụ ngươi uất giận vì ngươi mà tịch rồi.
Kính Tế hết hồn, ba chân bốn cẳng tức
tốc quay về huyện Thanh Hà.
***
Lại nói về Xuân Mai, sau khi can thiệp
thả Kính Tế ra thì thấy người khó ở, quay vào phòng riêng, cởi bớt áo ngoài,
lên giường nằm nghỉ. Lát sau thì tự nhiên đau bụng dữ dội, kêu gào luôn miệng.
Lớn bé trong phủ náo loạn cả lên, con gái lớn của Chu Thủ bị tới hỏi:
– Phu nhân làm sao vậy? Thấy trong
mình thế nào?
Nhưng Xuân Mai xua tay bảo:
– Các ngươi lui hết đi, để mặc ta.
Chu Thủ bị cũng vừa xong việc ngoài
công đường trở vào, thấy Xuân Mai nằm trên giường kêu đau luôn miệng thì hoảng
lên, bước vào cầm tay hỏi:
– Phu nhân thấy trong người thế nào?
Xuân Mai không đáp, mà hỏi:
– Người đạo sĩ vừa được tha không lạy
tạ gia gia hay sao?
Chu Thủ bị bảo:
– Hay là hồi nãy tôi cho đánh em họ của
phu nhân nên phu nhân đau lòng mà sinh ra thế này?
Xuân Mai không nói gì, cứ nhăn nhó kêu
đau.
Chu Thủ bị không biết làm sao, liền bước
ra ngoài gọi Trương Thắng và Lý An tới hỏi:
– Các ngươi biết đạo sĩ đó là em họ của
phu nhân, sao không chịu nói sớm cho ta biết, để ta sai đánh đòn người đó, khiến
phu nhân xúc động, rồi thành bệnh như thế này? Mà ta đã có ý muốn cho gọi người
đó vào bái kiến phu nhân, sao các ngươi lại cho về? Thật các ngươi không được
việc gì cả.
Trương Thắng đáp:
– Bẩm lão gia, hồi nãy chính phu nhân
ra lệnh cho tiểu nhân là bảo người đó cứ về, ngày khác phu nhân sẽ cho gọi, tiểu
nhân đâu dám tự ý cho về.
Nói xong chạy vào phòng Xuân Mai khóc
lóc mà thưa:
– Xin phu nhân nói với lão gia một tiếng,
kẻo lão gia đang trách phạt tiểu nhân và Lý An.
Xuân Mai chau mày bảo:
– Thỉnh lão gia vào đây.
Chu Thủ bị bước vào, Xuân Mai nói:
– Tự nhiên trong người tôi khó chịu,
có liên can gì tới chúng nó đâu mà gia gia trách phạt chúng nó. Còn cậu em họ của
tôi là đạo sĩ mà hành vi bất chính cũng là có lỗi, để rồi tôi sẽ cho gọi và
khuyên dạy sau.
Nhờ Xuân Mai nói vậy mà Chu Thủ bị mới
chịu tha cho Trương Thắng và Lý An. Rồi thấy Xuân Mai còn đau đớn, bèn sai hai
người:
– Mau thỉnh y quan lại đây coi bệnh
cho phu nhân.
Hai gia nhân lạy tạ bước ra.
Lát sau y quan tới chẩn mạch Xuân Mai
rồi nói:
– Lệnh phu nhân đây vì lục dục thất
tình xung động khiến cho khí tụ tại tâm mà thành bệnh.
Nói xong cho thuốc rồi cáo từ. Xuân
Mai không chịu uống thuốc. A hoàn không dám nói gì, chỉ thưa riêng với Chu Thủ
bị. Chu Thủ bị phải thân vào dỗ dành, Xuân Mai chỉ chịu uống một hớp rồi nhất định
không uống nữa. Chu Thủ bị không biết sao, đành bước ra.
Lát sau đại a hoàn Nguyệt Quế bưng bát
thuốc tới thưa:
– Thỉnh phu nhân dùng thuốc cho mau khỏe.
Xuân Mai cầm bát thuốc hắt vào mặt
Nguyệt Quế mà mắng:
– Con khốn này, mày chỉ muốn đem những
thứ cay đắng đến cho tao uống hay sao? Bụng dạ tao có gì đâu mà phải uống này uống
kia.
Nói xong phạt Nguyệt Quế quỳ trước mặt.
Lát sau một tiểu thiếp của Chu Thủ bị
là Tôn Nhị nương đi ngang thấy Nguyệt Quế đang quỳ trong phòng Xuân Mai thì hỏi
a hoàn Hải Đường:
– Nguyệt Quế làm sao mà bị đại phu
nhân phạt quỳ vậy?
Hải Đường nói nhỏ:
– Nguyệt Quế đem thuốc lại thỉnh đại
phu nhân dùng, nhưng phu nhân nói là trong bụng không làm sao, không phải uống
thuốc, rồi đổ cả bát thuốc lên đầu Nguyệt Quế mà bắt quỳ.
Tôn Nhị nương bước vào nói:
– Nguyệt Quế nó không hiểu gì nên mới
hành động ngu dại, thôi xin đại phu nhân tha cho nó.
Đoạn quay lại bảo Hải Đường:
– Từ sáng tới giờ đại phu nhân chưa
dùng thức gì, ngươi xuống bếp đem cháo thịt lên đây để ta thỉnh đại phu nhân
dùng.
Xuân Mai cho Nguyệt Quế đứng dậy. Hải
Đường xuống bếp múc một bát cháo thịt bốc khói cùng bốn đĩa đồ ăn, để vào mâm,
cung kính bưng vào phòng Xuân Mai. Thấy Xuân Mai nằm quay mặt vào tường, không
ai dám vào, chờ đến lúc Xuân Mai trở mình, quay mặt ra mới dám mời ăn. Hải Đường
thưa:
– Thỉnh phu nhân dùng chút cháo cho tỉnh.
Xuân Mai không nói gì, từ từ nhắm mắt
lại. Hải Đường lại thưa:
– Thỉnh phu nhân dùng cháo kẻo nguội.
Tôn Nhị nương đứng bên cũng nói:
– Đại phu nhân từ sáng tới giờ chưa
dùng gì, e mất sức, xin ngồi dậy dùng tạm miếng cháo cho khỏe.
Xuân Mai uể oải ngồi dậy. Hải Đường
bưng bát cháo tới, Xuân Mai cầm bát cháo húp một miếng rồi liệng bát cháo vào
mâm, nhũ mẫu Kim Quỹ đến bên nhanh tay đỡ được, chỉ đổ cháo chứ không vỡ bát,
trong khi Xuân Mai nhăn mặt bảo Tôn Nhị nương:
– Con tiện tỳ nó nấu cháo thế này thì
ai ăn được.
Đoạn quay sang bảo Kim Quỹ:
– Ngươi tát vào mặt con tiện tỳ này mấy
tát cho ta.
Kim Quỹ vội sấn tới tát Hải Đường mấy
tát.
Tôn Nhị nương bảo:
– Đại phu nhân không dùng được cháo
này, thì cũng phải ăn cái gì cho đỡ đói chứ.
Xuân Mai bảo:
– Ai chẳng muốn ăn, nhưng bụng dạ tôi
không cho tôi ăn nên không ăn được.
Lát sau Xuân Mai gọi tiểu a hoàn Lan
Hoa tới bảo:
– Ngươi xuống bếp bảo con tiện tỳ dâm
phụ đầu bếp, nói là ta muốn ăn canh thịt gà, bảo nó rửa tay cho sạch, làm một
con gà nấu canh ta ăn, bảo nó cho thêm ít dấm sao cho chua chua ta mới dễ ăn.
Tôn Nhị nương bảo:
– Phu nhân đã muốn ăn như vậy thì nhớ bảo
Tuyết Nga nó làm mau mau lên, đừng để phu nhân chờ.
Lan Hoa nghe vậy không dám chậm trễ,
chạy ngay xuống bếp bảo Tuyết Nga:
– Phu nhân muốn ăn canh thịt gà, bảo
chị làm đó, chị làm mau mau lên kẻo phu nhân chờ.
Tuyết Nga nghe vậy, lật đật bắt giết một
con gà giò thật béo, chuẩn bị các vật liệu, dùng dao lóc thịt gà, thái nhỏ
thành tơ rồi nấu được hai bát canh gà, đưa cho Lan Hoa bưng lên.
Lúc đó đã tối, Xuân Mai sai thắp đèn
lên rồi húp canh, nhưng mới húp được một miếng đã nhăn mặt thét lớn:
– Sao thế này? Hỏi con dâm phụ là nó nấu
thứ canh gì thế này? Canh lạt lẽo vô vị như thế này mà bắt ta ăn hay sao? Hay
là nó muốn chọc giận ta đây?
Lan Hoa sợ run lên, ba chân bốn cẳng
chạy xuống bếp bảo Tuyết Nga:
– Phu nhân chê canh lạt lẽo vô vị,
đang chửi mắng rầm lên kia kìa.
Hải Đường bưng canh xuống, Tuyết Nga
nuốt giận, im lặng thêm gia vị, nếm thử lại rồi bảo Lan Hoa bưng lên.
Xuân Mai húp một miếng, nhăn mặt kêu mặn
rồi hất luôn bát canh nóng xuống đất. Lan Hoa nhanh chân nhảy tránh được nên chỉ
bị nước canh văng sơ sài vào quần áo mà không bị phỏng, trong khi Xuân Mai
quát:
– Mày xuống bảo con dâm phụ đầu bếp là
nó thù oán ta, muốn làm gì thì làm chứ đừng bắt ta phải ăn những thứ như thế
này.
Lan Hoa quét dọn nước canh đổ, nhặt mảnh
bát đem xuống bếp nói lại với Tuyết Nga. Tuyết Nga giận lắm nhưng chỉ nói:
– Mới ngày nào còn là hàng nô tì của
ta mà bây giờ thì phách lối áp bức ta.
Không ngờ Lan Hoa lên nhà trên học lại
với chủ. Xuân Mai mặt đỏ bừng, nghiến răng trợn mắt thét lớn:
– Lôi đầu con nô tì dâm phụ đó lên đây
cho ta.
Thế là ba bốn a hoàn chạy xuống bếp,
xúm nhau lại lôi kéo Tuyết Nga lên, bắt quỳ trước mặt Xuân Mai. Xuân Mai nổi giận
đùng đùng, túm ngay lấy tóc Tuyết Nga, dầm đầu xuống đánh mà mắng:
– Con dâm phụ nô tài, mày nói cái gì,
ngày nào làm sao mà bây giờ làm sao? Dù có ở trong nhà Tây Môn Khánh, mày cũng
không phải là chủ ta cơ mà. Còn bây giờ tao bỏ tiền ra mua mày về là để hầu hạ
cho tao. Vậy mà sai mày nấu canh, mày nấu canh lạt lẽo như nước ốc, rồi sau mày
lại làm mặn như chát như chườm, tao rầy mắng thì mày lại bảo là áp bức, như thế
này thì tao còn nuôi mày làm gì.
Nói xong gọi Trương Thắng, Lý An tới,
sai dẫn Tuyết Nga ra sân lột áo đánh ba chục côn.
Gia nhân đốt đuốc lên sáng trưng. Tuyết
Nga quỳ giữa sân. Trương Thắng, Lý An cầm côn đứng đợi cho Tuyết Nga cởi áo ra,
nhưng Tuyết Nga không chịu cởi.
Chu Thủ bị thấy ồn ào cũng bước vào
xem chuyện gì, đến lúc rõ chuyện cũng chỉ im lặng, sợ nói gì sẽ làm Xuân Mai giận
thêm. Chỉ có Tôn Nhị nương đứng bên khuyên:
– Đại phu nhân muốn trừng phạt nó thế
nào cũng được, muốn sai đánh nó bao nhiêu cũng được, nhưng cho nó được miễn cởi
áo, có gia gia ở đây, nhà lại nhiều nam gia nhân, làm vậy e không tiện, xin phu
nhân nghĩ lại.
Xuân Mai tức quát thét lên:
– Can ngăn ta thì ta sẽ giết ca nhi rồi
thắt cổ tự ải theo, muốn bênh con tiện tỳ đó thì giữ nó lại, để ta chết cho
xong.
Thét xong, thì vật vã rồi lăn ra giường
hôn mê bất tỉnh. Chu Thủ bị hoảng lên, bước tới đỡ dậy mà bảo:
– Kìa, có ai dám can ngăn gì đâu, nàng
muốn thế nào cũng được.
Xuân Mai từ từ tỉnh dậy, thở hồng hộc,
không nói được gì.
Chu Thủ bị đưa mắt. Thế là Trương Thắng
và Lý An vội bước tới lột trần Tuyết Nga ra mà đánh tới tấp. Thương cho Tuyết
Nga thân thể lõa lồ, máu tuôn thịt nát, đau đớn tới ngất đi.
Đánh đủ ba chục côn thì Trương Thắng
và Lý An ngừng ta, vã nước cho Tuyết Nga tỉnh lại.
Đang đêm như vậy mà Xuân Mai cho gọi
Tiết tẩu lại lập tức sai đem Tuyết Nga đi bán, lại dặn riêng Tiết tẩu rằng:
– Ta cũng chỉ cần bán đúng tám lạng
thôi, nhưng với điều kiện là ngươi phải bán con tiện tỳ đó vào nhà ca nhi kỹ nữ.
Làm đúng lời ta, ngươi sẽ có thưởng, còn làm trái lời ta thì đừng nhìn mặt ta nữa.
Tiết tẩu đáp:
– Làm trái lời phu nhân rồi làm sao
tôi sống.
Nói xong lãnh Tuyết Nga về nhà ngay.
Tuyết Nga khóc lóc tới sáng. Tiết tẩu khuyên:
– Thôi, đừng khóc nữa, chẳng qua là
oan gia cả. Lão gia thì thương thư thư lắm, nhưng thư thư lại có oán cừu cũ với
phu nhân nên mới bị xử ác như thế này. Phu nhân bây giờ có con trai nên lão gia
không dám nói gì, chỉ biết chiều theo. Cả Tôn Nhị nương cũng phải nể sợ. Cho
nên thư thư bị bạc đãi cũng không có gì lạ, vậy thì chẳng việc gì phải khóc.
Tuyết Nga cảm tạ Tiết tẩu rồi gạt lệ
nói:
– Bây giờ tôi chỉ mong tẩu tẩu tìm nhà
nào tử tế cho tôi vào ở, miễn sao có cơm ăn áo mặc là được.
Tiết tẩu nói:
– Chẳng giấu gì thư thư, phu nhân buộc
tôi phải bán thư thư vào nhà ca nhi kỹ nữ chứ không được bán vào nhà nào khác,
nhưng tôi có con có cháu cũng phải giữ cái đức, để rồi tôi tìm nơi nào chồng một
vợ một hoặc một nơi tử tế nhân từ cho thư thư nương tựa.
Tuyết Nga hết lời cảm ơn Tiết tẩu rồi
gắng đổi sầu làm vui.
Hai hôm sau, một người hàng xóm có cửa
hàng buôn bán là Trương ma ma tới gọi Tiết tẩu:
– Nhà tẩu tẩu có vị nương tử nào mới tới
mà cứ âu sầu khóc lóc vậy?
Tiết tẩu ló đầu ra bảo:
– Mời Trương ma ma vào chơi.
Trương ma ma bước vào, Tiết tẩu mời ngồi
rồi nói:
– Nương tử đây vì không hợp ý một vị
phu nhân nên vừa ra khỏi, hiện tạm ngụ tại đây với tôi ít ngày rồi tìm nơi
nương tựa. Tôi tính là tìm cho nương tử nơi nào chồng một vợ một, tử tế nhân từ
để sau này khỏi khổ.
Trương ma ma bảo:
– Ở gần đây tôi biết có một người
khách thương buôn bông gòn ở Sơn Đông, ông ta họ Phan, là con thứ năm trong
nhà, năm nay ba mươi bảy tuổi, thường tới nhà tôi chơi. Ông ta góa vợ đã lâu,
hiện còn một mẹ già ngoài thất tuần đang nằm bệnh, nhà cũng neo người nên thường
khẩn khoản nhờ tôi tìm cho một người vợ tử tế chăm chỉ, nhưng tôi chưa thấy đám
nào xứng đáng. Nay nương tử đây tuổi cũng tương đương, có muốn kết thân với ông
ta không?
Tiết tẩu bảo:
– Chẳng giấu gì ma ma, nương tử đây
năm nay ba mươi lăm tuổi, có nhan sắc, giỏi chuyện nữ công gia chánh, lại quen ở
trong gia đình quyền quý cao sang, hiện phủ Thủ bị đòi đúng giá ba chục lạng, nếu
được thì ma ma giúp giùm cho.
Trương ma ma hỏi:
– Có của cải đồ đạc gì đem theo không?
Tiết tẩu đáp:
– Đồ đạc rương hòm thì không có, nhưng
có nữ trang trâm thoa trên người.
Trương ma ma bảo:
– Vậy thì để tôi nói với người ta, có
gì người ta tới đây coi mặt.
Nói xong cáo từ mà về.
Tới chiều, Trương ma ma tới gặp người
họ Phan nói chuyện.
Hôm sau, Trương ma ma dẫn người họ
Phan lại. Người này thấy Tuyết Nga có nhan sắc, còn vẻ trẻ trung lại nghe Tiết
tẩu và Trương ma ma nói dối là mới hai mươi lăm tuổi, nên trả giá hai mươi lăm
lạng. Tiết tẩu không kỳ kèo gì thêm, làm giấy tờ ngay rồi cho người họ Phan đem
Tuyết Nga về.
Sau đó Tiết tẩu nhờ người sửa lại giấy
tờ, ghi là bán với giá tám lạng, rồi đem giấy tờ và bạc vào đưa cho Xuân Mai,
nói là đã bán cho nhà kỹ nữ ca nhi rồi.
Về phần Tuyết Nga, khi về với người họ Phan, thì ngay canh năm hôm sau, theo người này lên xe tới Lâm Thanh. Lúc đó là vào tháng sáu, ngày dài đêm ngắn, tới nơi thì mới chỉ xế chiều. Người họ Phan đưa Tuyết Nga tới một đại tửu lầu hơn trăm phòng, dẫn vào một phòng, trong đó có một người đàn bà khoảng ngoại ngũ tuần đang ngồi trên giường, năm bảy người con gái khoảng mười bảy mười tám tuổi đang đàn hát vui chơi, người nào cũng phấn son lòe loẹt, ăn mặc mỏng manh hở hang.
Nhìn khung cảnh đó, Tuyết Nga hiểu
ngay là tên Phan Ngũ chỉ là một loại Mã Giám Sinh buôn người, và nàng đã sa
chân vào chốn thanh lâu, chỉ còn biết ngậm ngùi than khổ.
Tuyết Nga được đặt tên là Ngọc Nhi,
ngày ngày theo đồng bạn đi các phòng tại tửu lầu đàn hát chuốc rượu mua vui cho
khách bốn phương ghé lại tìm vui.
Mới đầu thì Tuyết Nga không chịu,
nhưng Phan Ngũ đánh nàng một trận ê ẩm cả người, rồi nhốt trong phòng luôn mấy
ngày, mỗi ngày chỉ cho hai bát cơm, bắt phải học đàn hát, học mà không thuộc là
bị đòn đến thâm tím mình mẩy.
Khi học tập tạm được, Phan Ngũ mới cho
quần áo đẹp, nữ trang và vật dụng son phấn gương lược, bắt ngắm vuốt cho đẹp, rồi
ra đứng cửa cười cợt chào mời.
Từ đó:
Dập dìu lá gió cành chim,
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng
Khanh.
***
Một hôm Trương Thắng được Chu Thủ bị
sai tới bến Lâm Thanh mua mười thạch men rượu để về phủ làm rượu. Tọa Địa Hổ
Lưu Nhị thấy anh rể mình tới thì mời lên tửu lầu, chọn một căn phòng đẹp, bày
tiệc khoản đãi. Đám tửu bảo xum xoe tới thưa:
– Bẩm nhị thúc, có cho gọi mấy ca nữ
lên chuốc rượu chăng?
Lưu Nhị dặn:
– Ngươi gọi mấy đứa mới mới một chút,
chẳng hạn như con Thư Nhi của nhà họ Vương, con Kiều Nhi của nhà họ Triệu, con
Kim Nhi và Ngọc Nhi của nhà họ Phan. Gọi bốn đứa đó lên đây hầu hạ quan nhân
đây.
Tửu bảo vâng dạ xuống lầu. Lát sau
nghe tiếng cười khúc khích, rồi bốn ca nữ lộng lẫy như bốn bông hoa, quần áo bằng
lụa mỏng dính kéo nhau tới trước tiệc sụp lạy bốn lạy rồi đứng một bên chờ lệnh.
Trương Thắng nhìn bốn ca nữ, rồi chợt
giật mình nghĩ thầm:
– Sao trong này có một người lại giống
như Tuyết Nga... làm sao mà nàng lại tới nông nỗi này?
Tuyết Nga cũng nhận ra Trương Thắng,
nhưng chỉ cúi đầu im lặng.
Trương Thắng hỏi Lưu Nhị:
– Ca nhi kia là của nhà ai?
Nói xong đưa mắt về phía Tuyết Nga.
Lưu Nhị đáp:
– Nó là Ngọc Nhi, do Phan Ngũ mua về
nuôi mới được ít hôm. Con Kim Nhi kia cũng là của Phan Ngũ. Con kia là Thư Nhi
của nhà họ Vương, còn con sau cùng là Kiều Nhi của nhà họ Triệu.
Trương Thắng bảo:
– Tôi thấy Ngọc Nhi có vẻ quen quen.
Đoạn vẫy Tuyết Nga tới gần hỏi nhỏ:
– Nàng là Tuyết cô nương phải không?
Làm sao lại đến nỗi này?
Tuyết Nga nghe hỏi thì nước mắt ròng
ròng mà đáp:
– Nói ra thì dài dòng lắm. Nguyên là
tôi bị Tiết tẩu lừa gạt, bán với giá hai mươi lăm lạng cho một kẻ buôn người,
do đó bị dẫn về đây làm ca nữ.
Nói xong gạt nước mắt, yểu điệu với
tay rót rượu cho Trương Thắng. Trương Thắng từ lâu thấy Tuyết Nga xinh đẹp mà bị
chủ bạc đãi, trong lòng đã thầm để ý, nay gặp cảnh này lấy làm đau xót lắm.
Tuyết Nga ngồi cạnh, ân cần tiếp đãi.
Chỉ lát sau, hai người đã chuyện trò thân mật. Tuyết Nga lại lấy đàn tỳ bà tới
đàn hát một khúc cho Trương Thắng nghe. Hát xong, được Trương Thắng mời ngồi
cùng uống rượu, kể lể tâm tình, lấy làm hợp ý lắm.
Lưu Nhị thấy vậy, bảo Tuyết Nga đêm
nay nghỉ với Trương Thắng. Tuyết Nga nhận lời ngay. Đêm đó, hai người khăng
khít chẳng khác vợ chồng. Trương Thắng cảm thấy mình si mê Tuyết Nga thật sự.
Sáng hôm sau, Lưu Nhị lại cho bày tiệc
khoản đãi Trương Thắng và Tuyết Nga. Ăn uống no say, Trương Thắng mới sai gia
nhân xếp dọn hành lý và các vật dụng đã mua để về phủ Chu Thủ bị. Lúc ra về,
Trương Thăng tặng Tuyết Nga ba lạng bạc, lại ân cần dặn dò Lưu Nhị phải che chở
Tuyết Nga, không để ai bắt nạt.
Từ đó Trương Thắng luôn luôn tìm tới gặp
gỡ ái ân với Tuyết Nga. Hàng tháng, Trương Thắng cho Phan Ngũ vài lạng bạc để
bao luôn Tuyết Nga, không cho tiếp khách nữa. Lưu Nhị muốn lấy lòng Trương Thắng
nên không thu tiền phòng của Tuyết Nga. Nhờ vậy, Tuyết Nga sống dư giả dễ chịu.
Chú
thích.
[122] Chi
tiết này ám chỉ Ca nhi là con của Xuân Mai và Kính Tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét