Tranh Đới Đôn Bang |
HỒI 88.
Cũng có người chôn cất xót thương
Lúc Vương Triều gọi được lính tuần tới thì Võ Tòng đã xa chạy cao bay. Bên nhà Võ Đại, cửa trước mở tung, vào trong nhà thấy máu chảy đầy đất, hai xác người nằm giữa nhà, xác Kim Liên bị mổ bụng tanh bành mất hết ruột gan, Vương bà thì xác một nơi đầu một nẻo. Một mình Nghênh Nhi ngồi ngơ ngác chết khiếp tại phòng trong, hỏi thì chỉ khóc. Bên nhà Vương bà rương tủ bị phá, quần áo vứt tứ tung, vật dụng ngổn ngang bừa bãi, tiền bạc mất hết. Mọi người biết là Võ Tòng đã trốn đi sau khi giết người, lấy của.
Hôm sau, sự việc được đem lên huyện.
Lúc đó chức tri huyện Thanh Hà đã đổi, vị Tri huyện mới cũng họ Lý, nhưng tên
là Xương Kỳ, vốn người huyện Tảo Cường, phủ Chân Định tỉnh Hà Bắc. Lý Tri huyện
cho đòi đôi bên hàng xóm và khổ chủ của hai nhà tới.
Vương Triều khai rằng Võ Tòng mời
Vương bà và Kim Liên uống rượu rồi hạ sát. Lý Tri huyện một mặt lập thành văn
án, một mặt khám nghiệm nạn nhân, đồng thời sức văn thư đi các nơi truy tìm thủ
phạm.
Cũng hôm đó hai gia nhân của Chu Thủ bị
là Lý An và Trương Thắng được chủ sai đem đủ trăm lạng tới nhà Vương bà để cưới
Kim Liên. Tới nơi thì quan binh đang khám nghiệm tử thi, mới hay Vương bà và
Kim Liên đã bị Võ Tòng sát hại, vội ôm bạc về thưa lại với chủ.
Xuân Mai nghe tin Kim Liên bị giết thì
vật mình lăn khóc mấy ngày đêm, bỏ ngủ bỏ ăn. Chu Thủ bị cho gọi cả một đoàn
hát vào diễn tuồng vui, nhưng Xuân Mai cũng chẳng bớt bi thương, chỉ hỏi Lý An
và Trương Thắng xem thủ phạm Võ Tòng đã bị bắt chưa.
Về phần Kính Tế, chỉ một lòng lên Đông
Kinh xin tiền cha để cưới Kim Liên làm vợ. Giữa đường thì gặp gia nhân của cha
mình là Trần Định từ Đông Kinh xuống, nói là:
– Lão gia bệnh nặng, nãi nãi sai tôi
xuống thỉnh đại gia về để lo hậu sự.
Kính Tế nghe vậy ngày đêm vượt đường
mà đi.
Mấy hôm sau tới Đông Kinh, Kính Tế tìm
tới nhà người dượng, chồng của cô mình, là Trương Thế Khang, nhưng Thế Khang đã
chết từ lâu.
Về tới nhà thì cha là Trần Hồng đã chết
được ba hôm, trong nhà đang tang ma bận rộn. Kính Tế bước vào nhà thăm xác cha
rồi lạy chào mẹ và cô. Mẹ Kính Tế thấy con đã khôn lớn trưởng thành thì cứ ôm lấy
con mà khóc. Lát sau mẹ con, cô cháu ngồi hàn huyên.
Mẹ Kính Tế là Trương bà, bảo:
– Tuy vậy chứ cũng là một chuyện vui,
một chuyện buồn.
Kính Tế ngạc nhiên hỏi:
– Sao vậy? Chuyện gì là vui mà chuyện
gì là buồn?
Trương bà đáp:
– Vui là vì thái tử được lập làm Đông
cung, triều đình đại xá, buồn là giữa lúc này thì cha con lại bệnh mà chết.
Nhưng nay thì việc của con là phải đem linh cữu gia gia về quê mai táng cho tử
tế, như vậy mới là trọn nghĩa.
Kính Tế nghĩ bụng:
– Bây giờ gặp phải chuyện này thì chậm
trễ việc cưới Kim Liên mất. Chi bằng cho chở vài xe rương hòm của cải vàng bạc
về trước, rồi đợi cưới Kim Liên xong, hãy đem linh cữu gia gia về cũng không muộn.
Nghĩ xong liền thưa với mẹ:
– Nay đường xá cách trở, đạo tặc lại
nhiều, đi lại thập phần khó khăn, chi bằng trước hết hãy chở các rương kim ngân
tế nhuyễn về trước để xem đường đi thế nào, lỡ có gặp đạo tặc thì chỉ mất tiền
của mà thôi. Sau đó mới đem linh cữu gia gia con về, làm lễ tụng kinh tại chùa
rồi mai táng cũng không muộn.
Trương bà nghe theo lời con, sửa soạn
kiểm điểm của cải tư trang, cho đóng rương, chở bằng hai cỗ xe lớn, giả làm xe
chở đồ, ngày mồng một tháng chạp khởi hành từ Đông Kinh, ít hôm sau thì tới huyện
Thanh Hà.
Kính Tế tới thưa với cậu là Trương
Đoàn luyện rằng:
– Phụ thân con đã mất, ít ngày nữa mẫu
thân con sẽ đem linh cữu về, nay con chở ít hành lý đồ đạc về trước để lo thu dọn
nhà cửa, đón tiếp linh cữu phụ thân con.
Người cậu nói:
– Nếu vậy thì để về nhà trước lo mọi
việc.
Nói xong sai gia nhân thu dọn đồ đạc
mà đi.
Kính Tế mừng lắm, nghĩ bụng:
– Bây giờ ta chỉ việc cưới Kim Liên về
đây, phụ thân ta đã chết, mẫu thân lại thương yêu ta, việc gì mà lo. Sau đó làm
giấy bỏ vợ rồi làm đơn tố cáo nhà vợ sang đoạt của cải, để đòi lại mà chi dùng.
Nghĩ xong hí hửng gói một trăm mười lạng
bạc, ôm tới nhà Vương bà. Nhưng tới nơi, đứng ngoài nhìn vào, thấy trong nhà đặt
hai cái quan tài, đèn nhang nghi ngút, ngoài cửa lại có tấm bố cáo của huyện
quan, viết rằng:
“Hung phạm Võ Tòng đã sát hại Phan thị
và Vương bà, bản huyện vì chuyện án mạng mà bố cáo rằng ai bắt được Võ Tòng hay
chỉ chỗ cho quan binh tới bắt, sẽ được thưởng năm chục lạng bạc.”
Kính Tế ngẩn người, đang đứng vẩn vơ
chưa biết tính sao thì hai người lính từ trong chạy ra quát mắng:
– Ngươi là ai mà tới đây đứng vơ vẩn
thế này, chuyện án mạng chứ không phải giỡn, thủ phạm thì chưa bị bắt, ngươi đứng
vớ vẩn, chúng ta bắt ngươi bây giờ.
Kính Tế hoảng lên lủi mất.
Đi tới tửu lầu ở Thạch Kiều, Kính Tế gặp
một người đầu đội khăn chữ vạn, mình mặc áo xanh, bước tới bảo:
– Ca ca to gan thật, dám tới đó định
thăm hỏi dò xét hay sao?
Kính Tế nhìn lại thì ra một người bạn
quen, là Dương Đại lang, hiện là một chức việc trong huyện.
Hai người vái chào nhau. Dương Đại
lang hỏi:
– Lâu quá không gặp ca ca, đi đâu biệt
tăm vậy?
Kính Tế đem chuyện cha chết tại Đông
Kinh kể ra rồi nói tiếp:
– Người thiếu phụ bị giết chính là
Phan thị, một tiểu thiếp của nhạc phụ tôi lúc trước. Hồi nãy tôi đi ngang mới
biết, chẳng hiểu sao lại bị thảm sát như vậy.
Dương Đại lang nói:
– Thủ phạm là Võ Tòng, em chồng cũ của
Phan thị. Võ Tòng lúc trước phạm tội, bị đày ở Mạnh Châu, nhân gặp đại xá mới
trở về đây. Lúc xưa Võ Tòng có gửi đứa cháu gái tại nhà dượng tôi là Đào nhị
lang. Bây giờ dượng tôi lại lãnh đứa cháu gái đó về để gả chồng cho nó. Hiện
hai cái xác cứ để đó, chẳng biết bao giờ mới được đem chôn, vì biết ngày nào
năm nào mới bắt được hung phạm. Chỉ khổ cho đám lính huyện phải ngày đêm canh
gác.
Nói xong, Dương Đại lang mời Kính Tế
lên tửu lầu, gọi là đãi chung rượu tẩy trần.
Kim Liên chết, Kính Tế đau khổ vô
cùng, lòng dạ rối bời, chỉ uống qua loa vài chung rượu rồi cáo từ mà về.
Tối hôm đó, Kính Tế mua ít nén hương
và trăm vàng giấy, đem tới chân cầu Thạch Kiều, vọng về phía nhà Vương bà, thắp
hương đốt vàng mà khấn:
– Kim Liên nàng ơi, tôi là Kính Tế có
nén hương trăm vàng tới đây đốt cho nàng, chẳng qua cũng tại tôi chậm trễ mà
khiến nàng uổng mạng. Nàng sống khôn chết thiêng, sớm xui khiến cho quan binh bắt
được hung phạm Võ Tòng, để tôi được ra pháp trường xem xử trảm nó, có vậy mới rửa
được thù này.
Khấn xong, thì đứng lại khóc lóc một lúc rồi mới về nhà.
Về tới nhà, Kính Tế đóng hết cả cửa lại,
lên giường mà nằm. Còn đang mông lung nửa thức nửa ngủ thì thấy Kim Liên toàn
thân đầy máu, tới gần Kính Tế khóc mà nói:
– Tôi chỉ mong được cùng chàng sum họp,
ngờ đâu chờ mãi chẳng thấy chàng về, tôi chết đi như thế này quả là khổ lắm.
Sau khi bị thằng Võ Tòng sát hại thì hồn tôi không được nhập âm ty, ngày ngày
phiêu du lãng đãng khắp nơi, đêm đêm thì tìm chỗ vắng vẻ mà tá túc. Hồi chiều,
chàng cho được trăm vàng, tôi cảm ơn lắm. Có điều là hung thủ chưa bị bắt, thây
của tôi để ở bên đường, chàng có nghĩ tới tình xưa thì đứng ra xin chôn cất cho
tôi.
Kính Tế cũng khóc mà bảo:
– Nàng ơi, tôi cũng muốn chôn cất tử tế
cho nàng, nhưng sợ tôi đứng ra thì con mụ kế mẫu vô nhân vô nghĩa của vợ tôi sẽ
có dịp hại tôi. Chi bằng nàng hãy tới phủ Chu lão gia bảo Xuân Mai đứng ra lo tống
táng cho nàng thì tiện hơn.
Kim Liên bảo:
– Hồi nãy tôi cũng có tới phủ Thủ bị,
nhưng bị vị thần coi cửa nạt nộ xua đuổi, thôi để tôi tới thử lần nữa xem sao.
Kính Tế khóc lóc bước tới nắm áo Kim
Liên, nhưng bị Kim Liên hất tay ra mà tỉnh mộng. Lúc đó đúng canh ba, Kính Tế tỉnh
dậy rồi mà còn như thấy mùi máu tươi phảng phất, Kính Tế bi cảm trằn trọc cho tới
sáng.
Thật là:
Tỉnh mộng tuôn rơi dòng cảm lụy,
Một mình thức trắng đến thâu canh.
Mãi tới hơn hai tháng sau, quan binh mới
được tin là Võ Tòng đã trốn lên Lương Sơn, do đó huyện quan mới cho lệnh thân nhân
của hai xác chết tới lãnh xác về chôn cất.
Xác Vương bà đã có con trai là Vương
Triều lo tống táng. Còn xác Kim Liên thì không được ai nhận bảo lãnh.
Trong thời gian đó, cứ vài ngày Xuân
Mai lại sai Lý An và Trương Thắng ra ngoài hỏi tin tức, nhưng lần nào về cũng
nói rằng chưa bắt được thủ phạm.
Đến tháng giêng, vào một đêm thượng tuần,
Xuân Mai mộng thấy Kim Liên tóc tai rũ rượi mình mẩy đầy máu tới bảo:
– Xuân Mai em ơi, chị chết đi như thế
này khổ lắm, đến với em nào có dễ gì, vì mỗi lần tới là một lần bị thần gác cổng
nạt nộ xua đuổi. Nay hung phạm Võ Tòng đã đào thoát nơi xa mà thi thể chị thì cứ
phơi bày đã quá lâu, không ai tới lãnh. Chị nhìn đi nhìn lại chẳng còn ai thân
thích, chỉ còn có em. Nếu em còn nghĩ tới tình nghĩa ngày trước thì đứng ra
chôn cất cho chị, như vậy ở chốn âm ty chị cũng được ngậm cười.
Nói xong khóc như mưa mà đi. Xuân Mai
bước theo nắm lại định hỏi nữa, nhưng Kim Liên xô đẩy mà tỉnh mộng. Tỉnh dậy,
Xuân Mai thương cảm khóc lóc không thôi.
Hôm sau, Xuân Mai gọi Trương Thắng và
Lý An tới dặn:
– Hai người ra huyện coi đã có ai đứng
ra lãnh chôn cất thi hài thiếu phụ chưa.
Hai gia nhân vâng lời ra đi. Lát sau
trở về thưa:
– Hung phạm đã đào thoát lên Lương
Sơn, không còn cách gì bắt được. Huyện quan đã cho lệnh thân nhân được phép
lãnh thi hài nạn nhân về mai táng. Thi hài lão bà thì có con trai lãnh rồi, chỉ
còn thi hài thiếu phụ là chưa có ai nhận, hiện cứ để bên đường.
Xuân Mai bảo:
– Nếu vậy ta nhờ hai ngươi lo việc đó
giùm, ta sẽ trọng thưởng.
Hai gia nhân thưa:
– Tiểu phu nhân dạy vậy, sợ rằng lão
gia biết được rầy mắng, chúng tôi đâu dám làm.
Xuân Mai vào trong lấy ra mười lạng bạc
và hai xấp lụa, đưa cho hai gia nhân và bảo:
– Không sao, để ta thưa lại với lão gia, thiếu phụ nạn nhân đó là một người chị họ xa của ta, trước làm thiếp của Tây Môn Đại quan nhân, sau thì ra khỏi nhà đó và bị thảm sát. Hai người lấy bạc này mua một cỗ áo tốt rồi lo chôn cất tử tế tại nơi nào thuận tiện ở ngoại thành giùm ta, về đây ta sẽ trọng thưởng.
Trương Thắng thấy bạc thì híp mắt lại
nói:
– Nếu vậy thì tiểu phu nhân cứ để
chúng tôi lo.
Lý An bảo:
– Chỉ sợ trên huyện không cho chúng
tôi nhận lãnh thi hài, hay là lấy thiếp của lão gia đưa lên huyện quan mới được.
Trương Thắng nói tiếp:
– Thì cứ nói em gái của nạn nhân hiện
là tiểu phu nhân trong phủ này, chẳng lẽ trên huyện dám làm khó hay sao? Cần gì
phải đưa thiếp.
Nói xong nhận bạc và lụa, cùng Lý An
bước ra.
Trên đường đi, Trương Thắng bảo Lý An:
– Chắc là thiếu phụ kia và tiểu phu
nhân mình đây trước cùng là thiếp của Tây Môn Đại quan nhân, nên thân thiết với
nhau chứ chẳng phải chị em họ hàng gì đâu. Mày nhớ không, lúc án mạng mới xảy
ra, tiểu phu nhân khóc than mấy ngày bỏ cả ăn cả ngủ, lão gia gọi đàn hát về
nhà mà tiểu phu nhân cũng chẳng được vui. Nay người ta chết mà không có ai nhận
lãnh, tiểu phu nhân phải đứng ra lo chứ chẳng lẽ để sình thối lên hay sao? Hai
đứa mình chịu khó giúp tiểu phu nhân việc này, tất nhiên tụi mình sẽ được cất
nhắc, vì hiện tại tiểu phu nhân nói gì, lão gia cũng răm rắp nghe theo. Vả lại
mình làm việc này cũng là được phúc.
Sau đó hai gia nhân tới huyện xin lãnh
chôn cất Kim Liên, lại nói:
– Hiện em gái của Phan thị là tiểu phu
nhân của lão gia chúng tôi, chính tiểu phu nhân sai chúng tôi nhận lãnh tử thi
để chôn cất.
Trên huyện nghe vậy thì chấp thuận
ngay.
Hai gia nhân mua quan tài chỉ mất sáu
lạng, lấy lụa sẵn đem theo mà khâm liệm tử tế.
Trương Thắng bảo:
– Bây giờ mình nên chôn tại khu đất của
lão gia ở cạnh chùa Vĩnh Phúc, ở đó rộng rãi lắm.
Thế là hai gia nhân thuê xe chở quan
tài Kim Liên tới chùa Vĩnh Phúc, nói với vị trưởng lão trụ trì rằng:
– Đây là người chị họ của tiểu phu
nhân trong phủ, xin trưởng lão cho chôn tại khu đất hương hỏa của lão gia chúng
tôi ở đây.
Vị trưởng lão nghe vậy thì chấp nhận
ngay, cho chôn Kim Liên ở dưới gốc bạch dương.
Công việc xong xuôi, hai gia nhân trở
về thưa lại với Xuân Mai, lại giao bốn lạng bạc còn thừa. Xuân Mai bảo:
– Lấy hai lạng đem đến cho trưởng lão,
bảo lập đàn tụng kinh cầu siêu giùm cho, còn hai lạng thì hai người mỗi đứa một
lạng.
Hai người lạy tạ nhưng không dám nhận
bạc thưởng, mà chỉ nói:
– Việc này có khó khăn nặng nhọc gì,
chúng tôi không dám nhận thưởng, nếu phu nhân có lòng thương xót thì xin tiến cử
hai chúng tôi để nhờ lão gia cất nhắc cho, ơn đó chúng tôi chẳng bao giờ dám
quên.
Xuân Mai bảo:
– Chuyện đó không khó gì, nhưng ta thưởng
mà hai ngươi không nhận thì ta giận đó.
Hai người hoảng lên vội nhận bạc, lạy
tạ rồi lui ra, vừa đi vừa nói chuyện với nhau về lòng tốt của tiểu phu nhân.
Lại nói, Trần Định đưa linh cữu Trần Hồng
cùng gia quyến về tới ngoại thành huyện Thanh Hà, rồi đem linh cữu vào chùa
Vĩnh Phúc để làm lễ tụng kinh, sau đó thì chôn cất thỏa đáng.
Ngay từ lúc tới nơi, chẳng ai thấy
Kính Tế đâu, mãi sau Kính Tế mới tới chùa Vĩnh Phúc lạy chào mẹ. Trương thị giận
bảo:
– Sao ngươi không ra tiếp tay với ta
cho sớm?
Kính Tế đáp:
– Ở nhà không ai coi nhà, vả lại mấy
hôm nay trong người con cũng không khỏe.
Trương thị lại hỏi:
– Còn cữu cữu và cữu mẫu đâu, sao
không thấy?
Kính Tế đáp:
– Cữu cữu nghe nói mẫu thân xuống thì
dọn nhà về rồi.
Trương thị bảo:
– Sao không bảo cữu cữu cứ ở đó, dọn về
làm gì.
Lát sau Trương Đoàn luyện nghe tin chị
về, cũng tìm tới thăm, hai chị em hàn huyên khóc lóc. Trương thị sai dọn tiệc
rượu đãi em.
Hôm sau Trương thị sai Kính Tế đem năm
lạng bạc tới chùa Vĩnh Phúc nhờ vị sư trưởng tổ chức lễ niệm kinh cho Trần Hồng.
Kính Tế cưỡi lừa đi, giữa đường gặp
hai người bạn là Lục Đại lang và Dương Đại lang, bèn xuống lừa mà gọi. Đôi bên
vái chào nhau. Hai người bạn hỏi:
– Huynh đi đâu đây?
Kính Tế đáp:
– Linh cữu cha tôi đã được đem về, bây
giờ tôi tới chùa Vĩnh Phúc để nhờ sư trưởng làm lễ niệm kinh cho cha tôi.
Hai người nói:
– Chúng đệ không biết là linh cữu lão
bá đã về nên thất lễ không tới điếu táng được, xin huynh niệm tình thứ lỗi.
Lại hỏi:
– Chừng nào thì làm lễ an táng?
Kính Tế đáp:
– Chắc cũng chỉ một hai ngày nữa mà
thôi, niệm kinh xong là an táng ngay.
Hai người định cáo từ thì Kính Tế hỏi
Dương Đại lang:
– Thi hài của Phan thị đâu rồi? Ai
lãnh chôn cất vậy? Huynh có biết không?
Dương Đại lang đáp:
– Chừng nửa tháng trước đây, được tin
báo là Võ Tòng đã lên Lương Sơn làm giặc, không thể bắt được nữa, huyện quan mới
cho thân nhân tới lãnh xác về mai táng. Vương bà thì có con trai lo, còn thi
hài Phan thị thì mãi ba bốn hôm sau mới có hai gia nhân của phủ Thủ bị tới
lãnh, đem chôn tại chùa Vĩnh Phúc.
Kính Tế biết là Xuân Mai đã lo việc
đó, bèn hỏi tiếp:
– Có phải chùa Vĩnh Phúc ở ngoại thành
phía nam không?
Dương Đại lang cười:
– Thì còn chùa Vĩnh Phúc nào nữa, ở đó
có đất hương hỏa của Chu lão gia.
Kính Tế vui vẻ nghĩ thầm:
– Kim Liên được an táng tại đó thật là
may lắm.
Đoạn cáo từ hai người, lên lừa hối hả
tới chùa Vĩnh Phúc.
Tới nơi, gặp sư trưởng, Kính Tế chưa
nói gì tới việc tụng kinh cho cha mà đã hỏi ngay:
– Nghe nói là bên phủ Chu lão gia vừa
cho mai táng một người đàn bà tại đây phải không?
Sư trưởng đáp:
– Có, đã mai táng cạnh cây bạch dương ở
sau chùa, nghe nói người đó là chị họ của tiểu phu nhân trong phủ Chu lão gia.
Kính Tế nghe xong, không thèm tới viếng
linh cữu cha, mà vội ra cổng chùa mua hương hoa đèn nến, tới mộ Kim Liên, thắp
hương đốt vàng, khóc mà khấn:
– Nàng ơi, tôi là Kính Tế tới đốt cho
nàng trăm vàng nữa đây, nàng sống khôn chết thiêng về mà nhận.
Lại khóc lóc một hồi rồi mới trở vào
phương trượng, tới trước linh cữu cha tế lễ đốt vàng. Rồi đưa bạc cho sư trưởng
dặn tới ngày hai mươi, gọi tám vị tăng tới tụng kinh làm lễ đoạn thất. Kính Tế
về nhà thưa lại với mẹ mọi chuyện.
Sau đám tang của Trần Hồng, hai mẹ con
Kính Tế ở lại huyện Thanh Hà sống với nhau qua ngày.
Một hôm vào thượng tuần tháng hai,
nhân nhàn rỗi, Nguyệt nương cùng Ngọc Lâu, Tuyết Nga, Tây Môn Đại thư và Tiểu
Ngọc ra đứng ở cổng lớn chuyện trò và nhìn quang cảnh sinh hoạt ngoài đường phố.
Ngoài đường, nhân tiết xuân ấm áp, người qua lại nhộn nhịp, xe cộ lui tới dập
dìu. Bỗng từ xa, một vị hòa thượng đi tới, theo sau đó có một thanh niên và một
thiếu nữ. Hòa thượng chân đi đất, áo cà sa cũ kỹ, thấy Nguyệt nương cùng đám
đàn bà con gái đang đứng ở cổng thì bước tới vái chào mà nói:
– Dinh cơ của Bồ Tát thí chủ đây quả
là đồ sộ, rõ ra là gia đình giàu sang. Bần tăng từ Ngũ Đài Sơn tới đây, được gặp
thí chủ như thế này kể cũng là thiện duyên. Bần đạo hiện đang nhờ thí chủ thập
phương bố thí công quả để về trùng tu tam bảo Phật đài, nguyện mong thí chủ bỏ
ra ít tài vật làm điều công đức.
Nguyệt nương nghe vậy thì sai Tiểu Ngọc
vào lấy ra một xấp vải, một xâu tiền đồng và một đấu gạo trắng. Nguyệt nương vốn
là người hay bố thí, giúp đỡ tăng ni, nên hòa thượng này tới là được bố thí
ngay. Tiểu Ngọc đem các thứ ra, Nguyệt nương bảo:
– Ngươi đem ra bố thí cho sư phụ đây.
Tiểu Ngọc uốn éo bước ra, đỏng đảnh
nói:
– Này, hòa thượng kia ơi, Đại nương
tôi bố thí các thứ này đây, hòa thượng bước vào mấy bước mà lấy, rồi còn lạy tạ
Đại nương tôi nữa chứ.
Nguyệt nương vội mắng Tiểu Ngọc:
– Đồ nghiệt súc ăn nói như vậy hay
sao? Người ta là đệ tử của Phật mà ngươi dám nhạo báng như vậy hay sao? Cái miệng
mày như thế, lúc chết đi không để đâu hết tội cho mà coi.
Hòa thượng bước tới gần, Tiểu Ngọc cười
bảo:
– Đại nương coi, ông hòa thượng này kỳ
không, cứ đăm đăm nhìn ngó tôi từ đầu tới chân là thế nào?
Nói xong đưa các thứ cho hòa thượng.
Hòa thượng đưa hai tay ra nhận rồi hướng về Nguyệt nương:
– Đa tạ Bồ tát thí chủ.
Tiểu Ngọc bảo:
– Ơ, cái ông này vô lễ quá nhỉ, còn
tôi đây, ông không cám ơn sao?
Nguyệt nương vội mắng:
– Con khốn dám ăn nói vậy hả? Hòa thượng
đây là con Phật, lại phải cám ơn mày hay sao?
Tiểu Ngọc hỏi:
– Đại nương bảo hòa thượng này là con
trai Phật thì ai là con gái Phật? Ai là con rể Phật? Ai là con dâu Phật?
Nguyệt nương bảo:
– Thì các tăng nữ các ni cô là con gái
của Phật chứ sao.
Tiểu Ngọc bảo:
– Như vậy tức là Vương sư bà, Tiết sư
bà là con gái Phật, nhưng còn ai là con rể Phật?
Nguyệt nương phì cười mắng:
– Thôi, con tiểu dâm phụ có câm miệng
đi không? Chỉ được cái ăn nói bậy bạ là giỏi thôi.
Tiểu Ngọc kêu lên:
– Đại nương cứ mải mắng tôi, để cho
ông hòa thượng kia cứ nhìn tôi chòng chọc kia kìa.
Ngọc Lâu bảo:
– Hòa thượng nhìn ngươi là để nhớ mặt
ngươi rồi sẽ độ thoát cho ngươi.
Tiểu Ngọc nói:
– Nếu ông ấy độ cho tôi thì tôi chịu.
Đám đàn bà cười khúc khích. Hòa thượng
cũng vái chào mà đi.
Tiểu Ngọc nói:
– Đại nương cứ mắng tôi là nhạo báng
ông hòa thượng đó, Đại nương thấy không? Lúc đi, ông ta còn ngoái đầu lại liếc
tôi một cái rồi mới chịu đi.
Đang nói chuyện thì thấy Tiết tẩu từ
xa tới vái chào. Nguyệt nương hỏi:
– Đi đâu vậy? Sao hồi này không thấy tới
đây chơi?
Tiết tẩu đáp:
– Hồi này tôi bận quá, chẳng có lúc
nào rảnh rang. Mấy hôm nay tôi và Văn tẩu lại bận tối mắt về chuyện mai mối cho
con trai của Trương Đề hình với cháu gái của Từ Thái giám, tiếp đó là tiệc tùng
của hai nhà thân gia. Tiểu phu nhân trong phủ Chu lão gia cũng cho gọi mà tôi
chưa tới được, chẳng biết có giận tôi hay không.
Nguyệt nương hỏi:
– Bây giờ thì đang đi đâu đây?
Tiết tẩu đáp:
– Tôi có chút việc, phải tới thưa với
Đại nương.
Nguyệt nương hỏi:
– Chuyện gì vậy? Thì vào đây một lát
đã.
Nói xong dẫn Tiết tẩu vào thượng
phòng, cho ngồi uống trà.
Tiết tẩu ngồi xuống nói:
– Chắc là Đại nương chưa biết rằng
tháng chạp năm ngoái, Trần thân gia của quý phủ đây đã chết vì bệnh tại Đông
Kinh, rồi cả nhà dọn về đây, đưa linh cữu về hồi tháng giêng, tụng kinh tại
chùa Vĩnh Phúc, bây giờ thì chôn cất xong xuôi rồi. Tôi cứ nghĩ là Đại nương ở
đây đã biết tin, vậy mà chẳng thấy tới điếu tang, Trần lão bà có ý trông đợi Đại
nương mãi.
Nguyệt nương ngạc nhiên:
– Tôi nào hay biết gì đâu, lại cũng chẳng
ai nói gì với tôi cả, chúng tôi ở đây mới chỉ biết chuyện Phan thị bị em chồng
sát hại mà thôi. Rồi sau đó cũng chẳng biết là chuyện ra sao nữa.
Tiết tẩu nói:
– Thế mới biết ông bà nói đúng, người
ta ai sinh ra cũng có nơi, nhưng chết đi, chưa chắc ai cũng có chốn. Ngũ nương
chẳng qua là người ngu dại, làm những chuyện bậy bạ nên mới chết thảm thương
như vậy, chứ nếu biết giữ bổn phận mà ở lại đây thì làm sao người em chồng có
thể sát hại được. Âu cũng là oan gia túc trái cho nên mới phải chết đường chết
chợ chết thảm thương như vậy. Cũng may là có Xuân Mai thư thư còn nặng tình
nghĩa cũ, mới sai người đứng ra lo chôn cất, nếu không thì có ai nhận lãnh đâu,
rồi thi thể biết làm sao.
Tuyết Nga đứng bên nói:
– Xuân Mai được bán cho phủ Thủ bị mới
đây mà sao đã có tiền đứng ra chôn cất vậy? Mà Chu lão gia cũng không nói gì
hay sao?
Tiết tẩu đáp:
– Trời ơi thế là nương nương đâu có biết
gì. Chu lão gia mua Xuân Mai thư thư về, thấy xinh đẹp lanh lợi, lại có tài đàn
hát thì mừng lắm, đâu có cho làm a hoàn, mà nhắc lên làm đệ nhị phòng, một mình
ở căn nhà ba gian đồ sộ, a hoàn đày tớ xung quanh cả đống, nói một thì Chu lão
gia nghe mười. Hồi bán Xuân Mai xong, Chu lão gia thưởng cho tôi một lạng bạc
và một xấp lụa. Chu phu nhân thì đã năm mươi tuổi, mắt kém, lại tu hành ăn chay
trường, chẳng thiết gì việc nhà cả. Cô con gái thì hãy còn vụng dại, cho nên
Xuân Mai bây giờ là tiểu phu nhân, một mình tay hòm chìa khóa cai quản việc
trong phủ, tiền rừng bạc bể nào có thiếu gì.
Mọi người nghe xong đều im lặng. Tiết
tẩu nói vài câu chuyện nữa rồi đứng dậy cáo từ. Nguyệt nương dặn:
– Ngày mai ngươi trở lại đây, ta soạn
ít lễ vật, vải lụa vàng hương, nhờ ngươi đem tới điếu tang Trần thân gia giùm.
Tiết tẩu hỏi:
– Còn Đại nương có đi không?
Nguyệt nương bảo:
– Nhờ ngươi nói là trong người ta
không khỏe, hôm khác sẽ tới bái kiến Trần lão bà.
Tiết tẩu nói:
– Vậy thì Đại nương cứ cho chuẩn bị sẵn
đi, sáng mai tôi sẽ tới.
Nguyệt nương lại hỏi:
– Bây giờ ngươi đến phủ Thủ Bị phải
không? Nếu bận thì không đến cũng được chứ gì?
Tiết tẩu đáp:
– Đâu được, bận gì cũng phải đến chứ,
tiểu phu nhân ở đó đã cho gọi, không đến rồi tiểu phu nhân giận thì khổ. Tiểu
phu nhân sai người gọi tôi mấy lần rồi đó.
Nguyệt nương hỏi tiếp:
– Gọi ngươi có chuyện gì vậy?
Tiết tẩu đáp:
– Đại nương không biết đâu, tiểu phu
nhân Xuân Mai hiện có mang được mấy tháng rồi, nay chắc là Chu lão gia mừng, gọi
tôi đến để thưởng tôi chứ gì.
Nói xong cáo từ mà đi.
Tuyết Nga thấy Tiết tẩu đi rồi, bèn
nói:
– Con mẹ này ăn nói thấy ghét, mà chẳng
hiểu con Xuân Mai mới về phủ Chu Thủ bị đây, sao đã có mang mau quá vậy? Cũng
chẳng hiểu Chu lão gia có bao nhiêu thê thiếp, mà con Xuân Mai được sủng ái quá
thế?
Nguyệt nương nói:
– Chu lão gia chỉ có người chánh thất
và đứa con gái chứ không có hầu thiếp nào khác ngoài Xuân Mai.
Tuyết Nga bảo:
– Nó chỉ là hầu thiếp mà con mẹ Tiết vừa
rồi cứ bốc nó lên đến tận trời.
Thật ra không ngờ mấy câu nói này đã
đem tai họa lại cho Tuyết Nga về sau.
Thật là:
Chuyện thị phi ở đâu đâu
Mà tai họa rớt xuống đầu không hay.
Cho nên người quân tử lúc nào cũng nên
thận trọng lời nói, tai họa thường do cái miệng mà vào vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét