Tiết Bàn. |
Hồi 86.
Ăn
của đút, quan già thay án kiện;
Gửi
tình riêng, gái trẻ giảng cầm thư.
Tiết phu nhân nghe đọc thư của Tiết Khoa xong gọi thằng
nhỏ vào hỏi:
Mày có nghe cậu Cả nói vì sao mà đánh chết người không?
Con cũng không nghe rõ lắm. Hôm nọ nghe cậu Cả nói với cậu
Hai… Nói đến đó, nó đưa mắt nhìn quanh, thấy không có ai, nó nói tiếp:
Cậu Cả nói: Từ khi trong nhà lục đục ghê gớm, cậu con chả
còn thiết gì nữa, nên định sang miền nam đặt mua hàng. Hôm đó cậu hẹn một người
cùng đi, người này ở cách phía nam thành hơn hai trăm dặm. Đang đi tìm anh ta,
thì gặp một người quen cũ tên là Tưởng Ngọc Hàm vừa dẫn một lũ con hát nhỏ vào
thành. Cậu con liền cùng anh ta vào hàng ăn cơm uống rượu. Người bán rượu ở
hàng ấy cứ nhìn Tưởng Ngọc Hàm chằm chặp nên cậu con đâm cáu. Sau đó Tưởng Ngọc
Hàm đi. Hôm sau cậu con mời người kia đến uống rượu. Đang uống, sực nhớ đến việc
hôm qua, cậu con bảo người bán rượu đổi rượu khác. Hắn đưa rượu đến chậm, cậu
con mắng; nó không chịu, cậu con liền giơ bát rượu lên định đánh. Không ngờ hắn
cũng là một thằng bướng bỉnh, liền chìa đầu ra thách. Cậu con cầm bát đập vào đầu
nó một cái; máu phọt ra, nó ngã lăn ra đất. Ban đầu nó còn chửi mắng nhưng sau
im bặt.
Tại sao không có ai can?
Không nghe cậu Cả nói đến điều đó, con không dám nói càn.
Thôi mày hãy nghỉ đã. Thằng nhỏ vâng lời lui ra.
Tiết phu nhân thân hành đến gặp Vương phu nhân, nhờ Vương
phu nhân xin hộ với Giả Chính. Giả Chính hỏi rõ đầu đuôi, chỉ ậm ừ cho qua chuyện,
bảo chờ Tiết Khoa nộp đơn trình xem quan huyện phê ra sao rồi sẽ liệu.
Tiết phu nhân lại lấy bạc ở hiệu cầm đồ, sai thằng nhỏ
đem đi ngay. Sau ba ngày, có tin về. Tiết phu nhân được thư, sai a hoàn nhỏ gọi
Bảo Thoa. Bảo Thoa vội vàng đến, thư viết:
“Số bạc đã tiêu vào việc đút lót cho những người trong cửa
quan. Anh Cả ở trong ngục cũng không khổ lắm, xin bác yên lòng. Người ở đây họ
điêu ngoa lắm, bà con người chết và người làm chứng đều không chịu nghe, ngay cả
người bạn anh Cả cũng về hùa với họ. Cháu cùng Lý Tường ở nơi đất khách lạ
lùng, may tìm được một ông thầy kiện, cho ông ta một ít bạc, ông ta mới bầy cho
một kế: Việc này phải kéo cả người cùng uống rượu với anh Cả là Ngô Lương vào;
phải tìm nó, cho nó một ít bạc, bảo nó giúp mình. Nếu nó không nghe thì khai nó
đã đánh chết Trương Tam rồi đổ tội cho người khác. Nó có cứng họng thì việc này
mới dễ thu xếp. Cháu theo kế, quả nhiên Ngô Lương phải nghe theo. Hiện giờ cháu
đã đem tiền mua chuộc được bà con người chết và những người làm chứng và đã làm
một cái đơn. Hôm qua cháu nộp đơn lên quan, hôm nay quan đã phê vào đơn và đưa
ra, xin xem đơn trình sẽ rõ”.
Bảo Thoa lại đọc đơn trình như sau:
“Con là Mỗ, kêu oan về việc anh con bị tai bay vạ gió.
Nguyên anh con là Tiết Bàn, quê quán ở Nam Kinh, trú ở Tây Kinh, ngày… tháng…
năm… vừa rồi đem vốn liếng qua miền nam buôn bán. Đi chưa được vài ngày, nghe
người nhà đưa tin về nói là anh con mang tội giết người. Con liền đến nơi xảy
ra vụ án, biết rằng anh con vô tình làm chết người họ Trương. Đến khi vào nhà
giam hỏi thăm, anh con khóc nói với con rằng: Quả thật anh con không quen biết
gì người họ Trương và không hề có hiềm khích gì với anh ta cả. Bất thình lình
nhân việc đổi rượu cãi nhau, anh con nổi giận hắt bát rượu xuống đất, lúc
Trương Tam đang cúi đầu nhặt vật gì, nhỡ tay, cái bát đập vào thái dương, nên bị
thiệt mạng. Quan lớn bắt hỏi, anh con sợ bị tra tấn, đành phải thú nhận đã đánh
chết người. Nhờ ơn quan lớn nhân từ biết là oan ức, nên chưa kết án. Anh con
trong nhà giam, không dám làm đơn khiếu oan, vì sợ can phạm đến lệ cấm. Con
nghĩ tình anh em, liều mình kêu thay. Cúi xin quan lớn rộng ơn cho phép, đòi
các nhân chứng hỏi lại, ơn ấy không gì bằng, cả nhà chúng con đều được đội ơn
nhờ nhân đức không bao giờ hết!” Nay kính trình.
Lời quan huyện phê như sau:
“Hôm nọ khám nghiệm xác chết, chứng cứ rành rành, vả lại
chưa hề tra khảo gì anh mày đã thú rằng mình đánh chết, lời thú nhận còn ở
trong hồ sơ. Nay mày ở xa mới đến, mắt không trông thấy, sao dám kêu xin bậy bạ.
Đáng lẽ phải trị tội, nhưng nghĩ tình thương anh, hãy tạm tha cho.
Không chấp đơn”.
Tiết phu nhân nghe đọc đến đó nói:
Thế là không cứu được nữa à? Làm sao bây giờ? Bảo Thoa
nói:
Thư em Khoa đọc đã hết đâu, còn một đoạn nữa. Bảo Thoa đọc
tiếp:
“Có việc rất cần, hỏi người về đó sẽ biết”.
Tiết phu nhân liền hỏi người mang thư về. Anh ta nói:
Ở huyện đã biết nhà ta giàu có, cần phải lo liệu việc này
ở trong Kinh, lại mất cho họ một cái lễ lớn, thì còn có thể xét lại mà kết án
nhẹ. Bây giờ bà phải lo liệu mau lên, không thì cậu Cả sẽ bị khổ.
Tiết phu nhân nghe nói, bảo thằng nhỏ đi ra, rồi đến ngay
phủ Giả nói rõ đầu đuôi với Vương phu nhân, nhờ xin hộ với Giả Chính. Giả Chính
chỉ sai người lấy tình mà nói với quan huyện, chứ không chịu nói đến chuyện tiền
nong lễ vật. Tiết phu nhân sợ không ăn thua, lại nhờ Phượng Thư nói với Giả Liễn,
tốn mất mấy ngàn lạng bạc mới mua chuộc được viên tri huyện. Tiết Khoa nhờ vậy
thu xếp xong xuôi. Sau đó tri huyện yết thị ra công đường xét xử, sai gọi tất cả
hàng xóm, nhân chứng, bà con người chết và Tiết Bàn ở nhà giam đến. Tên thơ lại
gọi tên từng người xong, tri huyện liền gọi lý dịch địa phương đến đọc lại lời
khẩu cung hôm trước, lại sai gọi mẹ người chết là bà Vương và chú người chết là
Trương Nhị đến. Bà Vương vừa khóc vừa thưa:
Chồng con là Trương Đại, người ở xóm Nam, chết đã mười
tám năm nay. Con đầu và con thứ hai cũng đều chết cả, chỉ còn trơ trọi đứa con
vừa chết, tên là Trương Tam, năm nay hai mươi ba tuổi, chưa có vợ. Vì nhà con
nghèo, không có gì nuôi sống, mới cho nó đi làm hầu rượu ở trong quán rượu của
ông Lý. Hôm nọ, vừa trưa, chủ quán rượu sai người đến báo: “Con bà bị người ta
đánh chết rồi”. Quan lớn đèn trời soi xét cho! Con thực hồn vía lên mây, liền
chạy đến nơi, thấy cháu nó vỡ đầu, máu chảy lênh láng, nằm thở thoi thóp; hỏi
nó, nó không nói được nữa, một chốc thì chết. Con toan níu lấy thằng vô lại này
liều mạng với nó!
Nói đến đó bọn nha dịch quát một tiếng, bà Vương liền lạy
lục mà nói:
Xin quan lớn đèn trời minh oan cho con. Con chỉ có một đứa
con ấy thôi! Viên tri huyện bảo: Mụ hãy xuống đi. Lại gọi chủ quán họ Lý hỏi:
Tên Trương Tam làm thuê ở quán mày phải không? Lý Nhị
thưa:
Bẩm không phải làm thuê, mà làm người hầu rượu.
Hôm khám xác chết, mày nói Tiết Bàn cầm bát đánh chết
Trương Tam, có phải chính mắt mày trông thấy không?
Lúc đó con đang đứng bên quầy bán hàng, nghe nói ngoài
phòng khách gọi rượu, một chốc nghe có tiếng kêu: “Nguy rồi! Đánh bị thương rồi!”
Con chạy ra thì thấy Trương Tam nằm dưới đất, không nói năng được nữa. Con liền
một mặt đi trình lý dịch địa phương; một mặt sai người đi báo với mẹ anh ta.
Còn những việc họ đánh nhau thế nào, thực con không rõ, xin quan lớn hỏi những
người uống rượu sẽ biết.
Bà Vương vừa van vừa khóc:
Quan lớn đèn trời soi xét! Hôm trước nghe nói còn có nhiều thương tích nữa, sao hôm nay thương tích đều đi đâu mất cả?
Viên tri huyện quát:
Lúc sơ thẩm lấy khẩu cung, mày nói chính mắt trông thấy,
sao bây giờ lại nói không?
Hôm đó con khiếp sợ mất vía, nên trót nói nhảm. Bọn nha dịch
lại quát không cho nói nữa.
Viên tri huyện gọi Ngô Lương hỏi:
Mày cùng họ uống rượu ở một chỗ phải không? Tiết Bàn đánh
người như thế nào? Cứ khai cho thực.
Hôm đó con đang ở nhà, thì cậu Tiết này mời đi uống rượu.
Cậu ấy chê rượu không ngon, đòi đổi rượu khác. Trương Tam không chịu. Cậu Tiết
nổi giận, cầm bát rượu hắt lên mặt anh ta, không hiểu vì sao, cái bát lại va phải
đầu, chính mắt con trông thấy như thế.
Nói bậy! Hôm trước lúc khám xác, Tiết Bàn tự nhận là cầm
bát đánh chết, mày cũng bảo chính mắt trông thấy, tại sao hôm nay lại nói khác!
Lính đâu! Vả vào miệng nó!
Bọn nha dịch dạ vang, toan lại vả miệng. Ngô Lương kêu
van:
Quả thật Tiết Bàn không hề đánh nhau với Trương Tam, mà
chỉ nhỡ tay để bát rượu va phải đầu anh ta. Xin quan lớn làm ơn hỏi lại Tiết
Bàn thì rõ.
Viên tri huyện gọi Tiết Bàn lên, hỏi:
Mày cùng Trương Tam có hiềm thù gì không? Tại sao nó chết?
Cứ khai thật đi!
Xin quan lớn thương cho con nhờ! Con thật không hề đánh
anh ta. Chỉ vì anh ta không chịu đổi rượu, con cầm bát rượu hắt xuống đất,
không ngờ nhỡ tay, bát va vào đầu, con vội vàng bịt lấy chỗ chảy máu, ngờ đâu bịt
mãi không được, máu ra nhiều quá, một chốc thì chết. Hôm trước lúc khám xác,
con sợ quan lớn đánh, nên nói là cầm bát đánh anh ta, xin quan lớn rộng thương
cho.
Viên tri huyện quát:
Đồ ngốc! Hôm trước ta hỏi mày tại sao đánh nó, thì mày
khai là tức nó không chịu đổi rượu mà đánh, thế mà nay lại nói nhỡ tay va phải
nó à?
Viên tri huyện vờ làm bộ đòi đánh đập kìm kẹp. Tiết Bàn cứ
một mực nói như vậy. Viên tri huyện gọi người khám xác chết đến hỏi:
Hôm trước ở chỗ khám xác chết, ghi chép thương tích thế
nào, mày nói cho thật.
Hôm trước khám thây Trương Tam, trong người không có
thương tích gì cả, chỉ ở thóp có một vết thương do đồ sứ chạm phải, dài một tấc
bảy phân, sâu năm phân, toạc da, xương ở chỗ thóp dập vỡ ba phân, quả thật là bị
va chạm thành thương.
Tri huyện đem đối chiếu với giấy ghi thương tích hôm trước
thì giống hệt nhau, biết rằng bọn thơ lại đã sửa cho nhẹ đi, nhưng cũng không bắt
bẻ gì, liền gọi ký tên cho qua chuyện.
Bà Vương vừa van vừa khóc:
Quan lớn đèn trời soi xét! Hôm trước nghe nói còn có nhiều
thương tích nữa, sao hôm nay thương tích đều đi đâu mất cả?
Mụ kia nói nhảm! Giấy ghi thương tích còn rành rành đó, mụ
không biết à? Rồi gọi chú người chết là Trương Nhị lên hỏi:
Cháu anh chết, anh biết anh ta bị bao nhiêu vết thương
không? Trương Nhị vội vàng thưa:
Chỉ có một vết thương trên đầu thôi ạ.
Có thế chứ?
Liền gọi thơ lại đem giấy ghi thương tích xác chết cho mụ
Vương xem; lại bảo lý dịch địa phương và chú người chết chỉ cho mụ ta rõ; hiện
có bà con và các người chứng kiến ở chỗ khám xác chết xác nhận rõ ràng không có
chuyện đánh nhau, cho nên không thể gọi là ẩu đả được. Quan huyện bảo mọi người
ký tên vào, cho là nhầm nhỡ làm chết người, giam Tiết Bàn lại, chờ ngày trình
lên quan trên. Còn các người khác thì giao lý dịch địa phương nhận về. Sau đó
quan huyện cho tan hầu.
Mụ Vương khóc lóc kêu la ầm ĩ. Tri huyện bảo bọn nha dịch:
Đuổi cổ nó ra.
Trương Nhị cũng khuyên mụ Vương:
Cháu nó quả thực vì nhầm nhỡ mà chết, sao bà lại vu vạ
cho người ta! Quan lớn đã phân xử sáng suốt, đừng có làm ầm ĩ lên!
Tiết Khoa ở ngoài, dò nghe rõ ràng, rất mừng rỡ, liền sai
người đưa tin về nhà, chờ cho quan trên phê xuống y án thì sẽ tìm cách chuộc tội.
Còn anh ta thì hãy ở lại chờ tin. Bỗng nghe người đi ngoài đường xôn xao nói với
nhau:
Có bà Quý phi nào chết, nhà vua không ra triều ba hôm.
Tiết Khoa nghĩ bụng: “Chỗ này cách nơi lăng tẩm nhà vua
không xa, tri huyện phải lo công việc đắp đường xá, chắc rằng không thể rảnh
rang mà lo việc mình. Mình có nán lại cũng vô ích”. Tiết Khoa bèn vào nhà giam
bảo anh:
Anh hãy yên lòng chờ đợi, em về nhà ít hôm sẽ đến.
Tiết Bàn cũng sợ mẹ buồn, liền dặn về nói lại: “Con không
việc gì, cần phải lên hầu cửa quan ít lâu nữa, rồi sẽ được về nhà, nhưng đừng
có tiếc tiền”.
Tiết Khoa để Lý Tường ở lại trông nom, còn mình thì về
nhà gặp Tiết phu nhân kể chuyện quan huyện thương tình như thế nào, xét đoán
như thế nào, cuối cùng kết án là vô ý làm chết người: “Sau này chỉ mất một ít
tiền cho bà con người chết, chờ cấp trên cho phép chuộc tội, thế là ổn hết”.
Tiết phu nhân nghe nói, cũng tạm yên lòng, bảo:
Bác đang mong cháu về trông nom việc nhà. Bác định sang tạ
ơn bên phủ Giả, vả lại Chu quí phi vừa mất, bên ấy hôm nào cũng phải vào cung dự
lễ tang, trong nhà chẳng còn mấy người. Bác định sang bên dì trông nom hộ, và
làm bạn cho vui, nhưng nhà mình chẳng có ai, được cháu về thì hay lắm.
Cháu ở ngoài nghe nói là Giả quí phi mất, nên mới vội về.
Quí phi nhà ta đang khỏe mạnh thế, sao lại nói mất?
Năm trước quí phi đã đau một lần, rồi lại khỏe. Lần này
không nghe nói đau yếu gì, nhưng nghe nói mấy hôm gần đây cụ bên phủ không được
khỏe, hễ nhắm mắt là mơ thấy Quí phi. Mọi người trong nhà đều lo lắng. Nhưng đến
khi dò hỏi thì quí phi chẳng có việc gì. Đêm hôm kia, chính miệng cụ nói: “Tại
sao Nguyên Phi đến đây một mình?” Mọi người cho rằng đó là lời sảng trong lúc
đau yếu, nên không ai tin. Cụ nói: “Chúng mày không tin, nhưng Nguyên Phi còn
nói với tao rằng: Vinh hoa dễ hết, cần phải quay mình lùi bước”. Mọi người đều
nói: “Điều ấy ai mà chẳng hay tưởng đến? Đó chẳng qua những người già cả hay lo
trước nghĩ sau mà thôi”. Vì thế chẳng ai cho là việc quan trọng. Thế rồi đến
sáng hôm sau nghe trong cung xôn xao đồn rằng quí phi bệnh nặng, truyền các bà
mệnh phụ vào cung thăm hỏi. Bọn họ lo sợ ngờ vực, vội vàng vào cung. Họ còn
chưa về thì ở nhà đã nghe nói Chu quí phi mất. Lời đồn đại bên ngoài ăn khớp với
sự ngờ vực trong nhà, như thế cháu xem có lạ không?
Bảo Thoa nói:
Chẳng những lời đồn đại bên ngoài lầm lẫn đã đành, mà
trong nhà hễ nghe hai chữ “quí phi” thì đã hoảng lên, sau đó mới rõ là không phải.
Hai hôm nay, bọn a hoàn và những bà già ở bên phủ đều nói rằng họ đã biết là
không phải Quí phi nhà ta mất. Con hỏi: “Sao các người nắm chắc được thế?” Họ
nói: “Cách đây năm năm, vào tháng giêng có một ông thầy bói ở tỉnh ngoài đến,
có tiếng là bói rất tài. Cụ bảo viết năm, tháng, ngày giờ sinh đẻ của Nguyên
Phi lẫn vào trong lá số của bọn a hoàn đưa cho thầy ấy đoán xem. Thầy ấy xem
xong rồi nói: Cô con gái sinh vào mồng một tháng giêng này, chỉ sợ nói sai giờ,
chứ nếu không sai, thì thật là một vị quí nhân, không thể ở trong phủ này. Nghe
vậy dượng và mọi người đều nói: Thầy đừng kể gì sai hay đúng, cứ chiếu cố theo
số đó mà đoán xem. Ông ta liền nói: năm Giáp Thân, tháng Giêng Bính Dần, trong
bốn chữ này có “thương quan tổn tài”. Riêng chữ thân có “chính quan” và “lộc
mã”28 như thế là trong nhà không thể nuôi được, nhưng cũng không tốt
lắm. Ngày sinh là Ất Mão, đầu mùa xuân, mộc Vượng, ví như cây gỗ có đẽo gọt lắm
mới thành vật quí. Giờ sinh vào tân kim, rất quí; giữa chữ tỵ là chính quan lộc
mã càng tốt. Như vậy gọi là “phi thiên lộc mã cách”. Ông ta lại nói: ngày đẻ gặp
“chuyên lộc” hết sức quí trọng. Thiên đức nguyệt đức ở cung bản mệnh, giàu sang
hưởng phúc tiêu phòng. Cô này, nếu nói đúng giờ, nhất định là một vị hoàng phi.
Thế không phải là đoán rất đúng à? Sau ông ta nói thêm: Nhưng tiếc thay, vinh
hoa không được lâu; chỉ sợ gặp phải tháng Mão năm Dần, sẽ là ngày mãn kiếp.
Cũng như cây gỗ tốt, đem chạm trổ bóng bẩy thì bản chất sẽ không bền. Bọn họ
quên hẳn những câu nói ấy rồi chỉ lo hão. Con sực nghĩ đến, mới nói với mợ Cả.
Năm nay có phải là năm Dần tháng Mão đâu.
Bảo Thoa chưa nói xong, Tiết Khoa vội nói:
Việc người ta mặc họ! Nếu có ông thầy bói như thần tiên,
tôi muốn hỏi xem anh Cả nhà ta năm nay sao dữ nào chiếu mệnh mà gặp tai vạ như
thế? Nên mau mau biên rõ ngày, giờ sinh của anh ấy để tôi nhờ ông ta đoán xem
có can gì không?
Ông ấy là người xa đến, không biết nay còn ở Kinh nữa hay
không.
Bảo Thoa nói xong, vội sắm sửa cho Tiết phu nhân sang phủ
Giả. Tiết phu nhân đến nơi thấy chỉ có bọn Lý Hoàn và Thám Xuân ở nhà. Họ liền
hỏi:
Việc cậu Cả ra sao rồi?
Chờ bẩm lên quan trên rồi mới biết được, xem chừng thì
cũng không bị tội chết. Nghe nói, mọi người mới yên lòng. Thám Xuân liền nói:
Hôm qua mẹ cháu còn nhắc: Lần trước trong nhà có việc nhờ
dì trông nom cho; giờ đây nhà dì cũng có việc, nhờ vả không tiện, nên trong
lòng rất là áy náy.
Dì ở nhà cũng buồn. Anh Cả cháu mắc nạn, em Hai cháu thì
phải đi lo liệu, ở nhà chỉ còn một mình chị cháu thì làm được gì? Vả lại con
dâu nhà dì lại là đứa không biết lo liệu công việc cho nên dì không sao sang
bên này được. Hiện nay quan huyện ở đấy cũng còn bận việc đám ma Chu quí phi.
Việc làm án chưa thể xong được. Vì thế em Hai cháu về nhà, nên dì mới sang đây
xem sao.
Lý Hoàn nói:
Dì ở đây vài hôm thì hay quá. Tiết phu nhân gật đầu nói:
Dì cũng muốn ở đây làm bạn với chị em cháu, nhưng sợ em Bảo
nó buồn.
Tích Xuân nói:
Dì mà nhớ chị Bảo, thì sao không mời chị ấy sang đây luôn
thể? Tiết phu nhân cười nói:
Làm thế sao được?
Không được à? Sao trước kia chị ấy cũng sang ở bên này?
Lý Hoàn nói:
Cô không hiểu đâu, giờ ở nhà người ta có việc, sang làm
sao được? Tích Xuân tưởng là thật, không hỏi thêm nữa.
Đang nói chuyện thì bọn Giả mẫu đã về. Tiết phu nhân chưa
kịp chào, Giả mẫu đã hỏi ngay đến việc Tiết Bàn. Tiết phu nhân kể lại đầu đuôi
câu chuyện. Bảo Ngọc ở bên cạnh nghe nhắc đến Tưởng Ngọc Hàm, trước mặt không
dám hỏi, nhưng trong bụng đoán chắc là hắn rồi, lại nghĩ thầm: “Hắn đã về Kinh
sao không đến gặp ta?” Lại thấy Bảo Thoa cũng không sang, không biết vì cớ gì,
trong bụng cứ ngẩn ngơ suy nghĩ. Vừa lúc ấy thì Đại Ngọc cũng đến hỏi thăm sức
khỏe. Bảo Ngọc thấy vui mừng nên không nhớ đến Bảo Thoa nữa. Liền cùng bọn chị
em ăn cơm chiều tại nhà Giả mẫu. Ăn xong, mọi người ra về. Tiết phu nhân nghỉ ở
phòng sau trong nhà Giả mẫu.
Bảo Ngọc về đến phòng, thay quần áo xong, bỗng nhớ đến
cái thắt lưng Tưởng Ngọc Hàm tặng mình trước kia, liền hỏi Tập Nhân:
Cái thắt lưng màu đỏ năm nọ chị không thắt, có còn nữa
không?
Tôi cất đi rồi, hỏi làm gì?
Tôi hỏi qua thế thôi!
Cậu lại không nghe nói cậu Cả Tiết vì chơi với bọn người
tầm bậy ấy nên đã gây ra vụ án mạng tày trời à? Cậu còn nhắc đến cái của ấy làm
gì? Nghĩ ngợi viển vông như thế, chẳng bằng cứ yên lòng đọc sách, vứt hết những
chuyện vô ích ấy càng hay.
Tôi có nghĩ ngợi gì đâu, ngẫu nhiên nhớ đến hỏi chị một
câu. Nó còn cũng được, mà mất cũng thôi. Thế mà chị đã nói một tràng như thế!
Không phải tôi lắm điều đâu. Con người đọc sách, hiểu đạo
lý thì phải lo cố gắng vươn lên; nếu như người thân yêu đến họ thấy thế, mới
vui mừng tôn kính chứ!
Bảo Ngọc nghe Tập Nhân nhắc, liền nói:
Chết rồi! Vừa rồi ở bên nhà cụ, thấy đông người, tôi
không nói chuyện với cô Lâm. Cô ấy cũng không để ý gì đến tôi. Lúc ra về cô ấy
đi trước. Bây giờ chắc cô ấy đang ở nhà, tôi đến một tí đã rồi hãy về.
Nói xong Bảo Ngọc chạy đi. Tập Nhân nói:
Cậu về nhanh lên nhé! Thật là vì tôi nhắc mà cậu cao hứng
như thế.
Bảo Ngọc không trả lời, cúi đầu đi một mạch đến quán Tiêu
Tương, thấy Đại Ngọc ngồi bên kia bàn xem sách. Bảo Ngọc đi đến trước mặt, cười
nói:
Em về nhà sớm thế?
Đại Ngọc cũng cười nói:
Anh chẳng để ý gì đến em, em còn ở đấy làm gì?
Họ nói nhiều quá, anh không thể mở miệng vào đâu, nên
không nói chuyện với em được.
Vừa nói, Bảo Ngọc vừa nhìn cuốn sách Đại Ngọc đương xem,
nhưng chẳng biết một chữ nào cả. Có chữ thì giống chữ “Thược”, có chữ thì giống
chữ “Mang”; cũng có chữ “Đại”, ở bên cạnh có chữ “Cửu”, thêm một cái ngoặc, ở
giữa lại thêm một chữ “Ngũ”; cũng có chữ bên trên là chữ “Ngũ”, chữ “Lục” một
bên thêm chữ “Mộc” bên dưới lại là chữ “Ngũ”. Bảo Ngọc nhìn thấy, vừa lấy làm lạ,
vừa bực mình, liền nói:
Em độ này học càng tiến, xem cả sách thiên thư nữa đấy à?
Đại Ngọc phì cười nói:
Rõ học giỏi thực! Ngay cả bản đàn cũng chưa hề xem.
Sao lại không xem? Nhưng tại sao tôi không biết một chữ
nào cả? Em biết à?
Không biết thì xem làm gì?
Anh không tin. Xưa nay anh chưa nghe em gẩy đàn bao giờ.
Bên thư phòng của chúng ta có treo mấy cây đàn, năm trước có một vị khách, gọi
là Kê Hiếu Cố, đến chơi, cha anh nhờ ông ta gẩy một khúc. Ông ta lấy đàn xuống
xem rồi nói: “Không cái nào dùng được. Nếu ông lớn cao hứng thì hôm khác xin đến
hầu”. Chắc rằng cha anh không hiểu đàn, nên ông ta cũng chẳng đến. Tại sao em
biết gẩy đàn mà giấu tài thế?
Em đã hiểu gì đâu! Hôm trước trong người thấy hơi khoan
khoái, nhân tiện lục sách trên giá, thấy có một tập bản đàn, rất là thú vị,
trong ấy giảng về lý thuyết gẩy đàn rất thông, cách gẩy cũng rõ ràng. Chơi đàn
thật là trò tiêu khiển tĩnh tâm, dưỡng tính của người xưa. Khi em còn ở Dương
Châu, cũng đã nghe giảng qua và cũng đã học, nhưng vì không hay gẩy, nên rồi
quên mất. Đúng như người ta hay nói: “Ba ngày không gẩy, tay sinh gai”. Hôm trước
xem mấy thiên này, chỉ có tên bản hát mà không có lời, em lại đi chỗ khác tìm
được một bản có lời về xem, mới thấy thú vị. Nhưng làm thế nào để gẩy cho hay,
thì thật cũng khó. Trong sách có chép: Ông Sư Khoáng gẩy đàn có thể gọi gió sấm,
rồng, phượng đến. Khổng Tử khi học đàn với ông sư Tương, nghe gẩy mà biết ngay
khúc đàn là của Văn Vương. Non cao nước chảy, được gặp tri ân…
Nói đến đây, mí mắt Đại Ngọc rung rung rồi từ từ cúi đầu.
Bảo Ngọc đang lúc cao hứng nói:
Những lời em vừa nói rất là thú vị! Nhưng anh không biết
chữ nào trong đó cả. Em hãy dạy cho anh ít chữ xem nào.
Không cần phải dạy, nói ra thì anh sẽ hiểu ngay.
Anh là người tối dạ, em hãy dạy cho anh cái chữ “Đại”
thêm một ngoặc, và ở giữa lại có chữ “Ngũ” là chữ gì.
Chữ “Đại” và chữ “Cửu” là dùng ngón tay cái bên trái đè
phím thứ chín trên đàn; cái ngoặc ấy và chữ “Ngũ” là dùng ngón tay bên phải bật
năm dây. Đây không phải là một chữ, mà là một tiếng, rất dễ hiểu thôi. Lại còn
có những cách như kéo dài mềm mại, khoan thai, lỏng lẻo, mạnh, nhanh, vội vã,
giục giã đều là phép nghiên cứu về cách gẩy đàn cả.
Bảo Ngọc mừng quá hoa chân múa tay nói:
Em đã thông hiểu lý thuyết gẩy đàn như thế, sao chúng ta
không học gẩy đi?
Cầm có nghĩa là cấm. Người xưa làm ra đàn vốn là để sửa
mình, nuôi dưỡng tính tình, dẹp lòng dâm đãng, bỏ sự xa xỉ. Nếu muốn gẩy đàn
thì phải ở nơi nhà cao gác vắng; hoặc ở trên lầu, trong núi; hoặc bên mỏm đá, bờ
sông. Họ chỉ chơi khi trời đất thuận hòa, trăng trong gió mát, đốt hương ngồi lặng,
bụng không nghĩ bậy, khí huyết điều hòa, lúc đó mới cảm thông với thần thiêng,
nhịp nhàng với đạo lớn. Cho nên người xưa nói: “Tri âm khó gặp”, nếu không có
người tri âm, thì một mình đánh đàn trước trăng thanh gió mát, đá lạ thông
xanh, hạc nội chim ngàn, để gởi gắm vào đấy hứng thú của mình mới không phụ với
đàn. Lại còn một điều nữa, cần phải gẩy giỏi, biết lựa tiếng hay. Nếu muốn gẩy
đàn, trước hết phải khăn áo chỉnh tề, hoặc áo lông, hoặc áo rộng; phải như bộ dạng
của người xưa, mới có thể xứng đáng với cách điệu thánh nhân. Sau đó rửa tay, đốt
hương, ngồi lên giường đặt đàn trên bàn, nhắm ngồi đúng phím thứ năm, đối với tầm
bụng của mình, thong dong đưa hai tay lên, như vậy tâm hồn và thể xác đều ngay
thẳng. Lại phải biết rõ nặng, nhẹ, nhặt, khoan, cuốn, mở tự nhiên, thần thái
trang trọng mới được.
Chúng ta học để mà chơi, chứ nghiên cứu tỷ mỷ như thế thì
khó lắm.
Chữ “Đại” và chữ “Cửu” là dùng ngón tay cái bên trái đè phím thứ chín trên đàn; cái ngoặc ấy và chữ “Ngũ” là dùng ngón tay bên phải bật năm dây. Đây không phải là một chữ, mà là một tiếng, rất dễ hiểu thôi.
Hai người đang chuyện trò, thì Tử Quyên ở ngoài vào.
Trông thấy Bảo Ngọc, Tử Quyên cười:
Cậu Hai hôm nay cao hứng thật. Bảo Ngọc cũng cười:
Nghe cô em giảng giải, làm cho tôi sáng mắt ra, càng nghe
càng thích.
Không phải cậu cao hứng về việc đó đâu. Tôi nói là cậu
cao hứng đến đây kia.
Trước đây cô em không được khỏe, tôi sợ đến làm phiền, vả
lại tôi phải đi học, do đó có vẻ xa lạ.
Tử Quyên không chờ Bảo Ngọc nói xong, liền đỡ lời:
Cô tôi cũng mới đỡ, cậu đã nói thế, thì cũng chỉ nên ngồi
một lát, rồi để cô tôi đi nghỉ, kẻo giảng giải mãi, e mệt đấy.
Bảo Ngọc cười, nói:
Thật ra tôi cứ thích nghe, quên rằng cô em mệt.
Đại Ngọc cười:
Nói chuyện này là để giải trí, cũng không việc gì mà mệt.
Nhưng chỉ sợ em thì cứ nói mà anh vẫn không hiểu.
Dần dần tự nhiên rồi cũng hiểu.
Bảo Ngọc vừa nói vừa đứng dậy, lại tiếp:
Em phải nghỉ thôi. Ngày mai anh sẽ bảo cô Ba, cô Tư, đều
học gẩy đàn cả, để anh nghe.
Đại Ngọc cười:
Anh lại muốn ngồi không mà hưởng à? Nếu như mọi người đều
học gẩy được mà anh không hiểu, thì cũng không xứng đáng.
Nói đến đây, Đại Ngọc sực nghĩ đến tâm sự của mình, liền
im lặng không nói nữa. Bảo Ngọc cười:
Cốt làm sao cho các cô đàn hay thì tôi thích nghe. Đừng kể
tôi có phải “tai trâu” hay không.
Đại Ngọc đỏ mặt lên rồi cười. Bọn Tử Quyên, Tuyết Nhạn
cũng cười.
Mọi người đi ra cửa thì thấy Thu Văn dẫn mấy a hoàn nhỏ
bưng một chậu hoa lan đến, nói:
Bên nhà bà Hai vừa có người biếu bốn chậu hoa lan. Vì bận
việc, không có thì giờ thưởng thức, bà Hai bảo đưa cho cậu Hai một chậu và cô
Lâm một chậu.
Đại Ngọc xem thì thấy có mấy cành hoa sinh đôi, bỗng động
lòng, cũng không rõ là vui hay buồn, cứ ngơ ngẩn đứng nhìn. Lúc bấy giờ Bảo Ngọc
chỉ nghĩ đến đàn, liền nói:
Em bây giờ có hoa lan thì có thể gẩy khúc “Ỷ Lan”29 đấy.
Đại Ngọc nghe nói, trong lòng không vui. Cô ta về phòng,
xem hoa lan, vơ vẩn nghĩ: “Cỏ cây đang lúc mùa xuân hoa tươi lá tốt, nghĩ mình
tuổi trẻ mà đã giống như vóc bồ liễu ba thu, nếu được như nguyện hoặc giả dần dần
tươi tốt, nếu không thì chẳng khác gì hoa liễu lúc xuân tàn, chịu sao nổi mưa dồn
gió dập”. Nghĩ đến đây, Đại Ngọc bất giác chảy nước mắt. Tử Quyên đứng bên thấy
quang cảnh ấy không hiểu vì duyên cớ gì, nghĩ bụng: “Vừa rồi Bảo Ngọc ở đây thì
cô ta cao hứng như thế; giờ đang xem hoa, bỗng làm sao lại thương cảm?” Tử
Quyên đang lo không biết khuyên giải ra sao, thì thấy bên nhà Bảo Thoa sai người
đến.
Chú thích.
[←28]
Những danh từ trong bói
số.
[←29]
Một khúc đàn do Khổng Tử
khi ở nước Vệ về nước Lỗ thấy hoa lan ở trong hang núi mà làm ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét