HỒI 84.
Cuộc dâng hương nhớ đời
Một hôm, Nguyệt Nương mời Ngô đại cữu tới, bàn chuyện đi Thái An Châu dâng hương vì khi Tây Môn Khánh bệnh nặng Nguyệt Nương có phát nguyện.
Ngô đại cữu bảo:
– Nếu cô nương muốn đi thì để tôi cùng
đi.
Nguyệt Nương sai chuẩn bị hương nến, đồ
mã và các đồ lề khác, chọn Đại An đi theo, rồi dặn Ngọc Lâu, Tuyết Nga, Kim
Liên và Tây Môn Đại thư phải coi nhà cẩn thận. Nhũ mẫu Như Ý và các a hoàn phải
trông coi Hiếu ca nhi tử tế.
Cổng trong phải thường xuyên khóa lại,
gia nhân vô sự không được ra ngoài.
Lại gọi Kinh Tế tới dặn phải cùng Phó
quản lý trông nom cửa tiệm, hẹn là khoảng cuối tháng sẽ về.
Ngày mười lăm, buổi sáng Nguyệt Nương
làm lễ đốt vàng cho Tây Môn Khánh, buổi chiều, đặt tiệc rượu nhỏ để tạm biệt.
Chìa khóa các kho các phòng giao hết cho Tiểu Ngọc giữ.
Sáng sớm hôm sau, Nguyệt Nương cùng
gia nhân lên đường. Lúc đó vào tiết cuối thu, ngày ngắn đêm dài, gió sương thấm
lạnh, đi được sáu bảy chục dặm thì trời chiều, phải ghé khách điếm mà nghỉ qua
đêm.
Sáng hôm sau lại tiếp tục hành trình.
Trời thu ảm đạm. từng bầy nhạn bay kín một khoảng trời. Cây cỏ điêu tàn, cảnh vật
tiêu sơ, khiến kẻ hành nhân không tránh khỏi nỗi bi cảm ngậm ngùi.
Đi mấy ngày thì tới Thái An Châu, từ
xa đã nhìn thấy ngọn Thái sơn cao ngất, đỉnh núi mờ mịt trong mây, nguy nga
hùng vĩ vô cùng. Ngô đại tẩu thấy trời đã chiều, đề nghị vào khách điếm nghỉ
ngơi.
Sáng sớm hôm sau thì mọi người lên núi
để tới miếu Đại Nhạc. Đây là một ngôi miếu cổ có từ nhiều triều đại, từng được
sắc phong. Cảnh trí xung quanh đượm vẻ thần tiên, chẳng khác gì cảnh non Bồng
nước Nhược.
Hàng thông trên núi, xung quanh miếu
lúc nào cũng như quyện lẫn sương núi mây ngàn. Toàn bộ khu miếu nguy nga đồ sộ,
chiếm một vùng đất bao la.
Ngôi miếu thì tường hoa cột chạm, ngói
đỏ cửa son, thập phần trang nghiêm cổ kính, khói hương không lúc nào ngưng, dân
gian các nơi tới dâng hương bốn mùa tấp nập.
Ngô đại cữu dẫn em gái vào chính diện
dâng hương, chiêm bái tượng thánh rồi vái chào các đạo sĩ nhờ làm lễ đốt vàng tạ
ơn trời đất thánh thần. Mọi người ở lại dùng cơm chay rồi tiếp tục lên Kim điện
thờ đức Nương nương ở tận đỉnh núi. Leo khoảng bốn năm chục dặm trong mây khói
sương sa mới tới điện, thấy biển đề ba chữ thếp vàng sơn son chói lọi “Bích Hà
cung”.
Nguyệt Nương vào hậu cung chiêm bái
thánh tượng Nương nương, thấy thánh tượng mặt hoa da phấn, uy nghi khác thường,
đầu cài trâm phi phượng, mình mặc áo kim tuyến, quần màu ngọc Lam Điền, đi hài
bạch đoạn. Thánh tượng toát ra vẻ cao sang như Dao Trì Vương mẫu, vẻ lộng lẫy của
nguyệt điện Hằng Nga.
Nguyệt Nương làm lễ dâng hương trước
bàn thờ, vái lạy thánh tượng Nương nương. Đứng cạnh bàn thờ là một đạo sĩ khoảng
bốn mươi tuổi, hình dung tuấn tú, mặt mũi khôi ngô. Nguyệt Nương dâng hương
xong thì đạo sĩ đọc văn hoàn nguyện cho Nguyệt Nương rồi làm lễ đốt vàng mã,
sau đó sai tiểu đồng thâu nhận lễ vật tiền bạc của Nguyệt Nương.
Vị đạo sĩ này chẳng phải người tu hành
chân chính, trước là cao đệ của vị đạo sĩ trụ trì miếu Đại Nhạc, nguyên họ Thạch,
tên Bá Tài, tính nết tham tiền hiếu sắc. Đạo sĩ Thạch Bá Tài lại dựa hơi em vợ
của quan Tri châu Cao Liêm, là Ân Thiên Tích. Ân Thiên Tích thường dẫn đám bạn
bè du thủ du thực đem cung tên chó săn lên núi, hoặc la cà tại các chùa miếu
trên núi chọc ghẹo đàn bà nhan sắc từ bốn phương tới lễ bái, Đạo sĩ Thạch Bá
Tài thường tìm cách quyến rũ thí chủ đàn bà vào trong phương trượng để cho bọn
Ân Thiên Tích gian dâm mà mình cũng dự phần hoan lạc.
Bá Tài thấy Nguyệt Nương dung nhan kiều
mỹ, mặc đồ tang, lại chỉ có một người đàn ông tóc hoa râm cùng hai gia nhân đi
theo thì biết Nguyệt Nương góa chồng, và không là vợ quan thì cũng thuộc hàng
hào phú, thì để ý lắm.
Lễ bái xong xuôi, Bá Tài bước tới cúi
đầu thật thấp nói:
– Xin cung thỉnh nhị vị thí chủ vào
trong phương trượng dùng trà.
Ngô đại cữu đáp:
– Chúng tôi không dám quầy quả cửa thiền,
vì còn phải xuống núi gấp.
Bá Tài nói:
– Bây giờ cũng còn sớm. Xin dùng tạm
chung trà đã.
Nói xong dẫn hai người vào phương trượng.
Nơi đây bài trí cực kỳ thanh nhã, bên ngoài hoa rủ liễu kề, bên trong có treo một
bức họa bạch mẫu đơn, hai bên có đôi liễn:
“Hạc múa trong gió mát
Kinh niệm dưới trăng thanh.”
Bá Tài hỏi:
– Xin cho biết quý tính của đại nhân.
Ngô đại cữu đáp:
– Chúng tôi họ Ngô, còn đây là xá muội
Ngô thị, nhân trước phát nguyện cho chồng, nên nay mới tới đây quấy quả cửa thiền.
Bá Tài làm bộ cung kính mời ngồi rồi gọi
tiểu đạo pha trà. Nguyên là Bá Tài có hai tên đồ đệ thân tín, một tên là Quách
Thủ Thanh, một tên là Quách Thủ Lễ cùng mười sáu tuổi, mặt mũi dễ coi, mặc áo đạo
đều bằng lụa xanh, chuyên lo việc trà rượu khoản đãi thí chủ thập phương[115].
Thủ Thanh, Thủ Lễ đem trà lên xong thì
tự động bày tiệc chay, gồm toàn những món cực ngon. Hai người uống trà rồi ăn
vài món đồ chay.
Tiệc chay xong, tên tiểu đạo lại dọn
tiệc mặn ra, gà vịt ê hề, rượu quý từng hũ. Nguyệt Nương thấy dọn rượu ra thì đứng
dậy gọi Đại An tới lấy một xấp vải và hai lạng bạc ra tạ ơn Thạch đạo sĩ.
Ngô đại cữu nói:
– Hôm nay quấy quả cũng nhiều, xin
tiên trưởng nhận giùm lễ mọn này, bây giờ trời cũng đã chiều, chúng tôi xin kiếu.
Thạch Bá Tài nói:
– Tiểu đạo bất tài, nhờ phúc ấm của đức
Nương nương mà được trụ trì tại Bích Hà cung này, sống nhờ thí chủ thập phương
mà không khoản đãi được thí chủ. Nay thí chủ lại cho lễ hậu như thế này, không
nhận thì tiểu đạo mang tội bất kính mà nhận thì tiểu đạo lại hổ thẹn vô cùng.
Từ chối lấy lệ một câu rồi Bá Tài sai
đồ đệ nhận lễ, lại khẩn khoản mời hai người ngồi lại mà nói:
– Cung thỉnh nhị vị thí chủ ngồi lại
dùng vài chung rượu để cho tiểu đạo được tròn bổn phận.
Ngô đại cữu và Nguyệt Nương bất đắc dĩ
phải ngồi lại. Bá Tài nâng chung lên mời, nhưng lại đặt chung rượu xuống bảo đồ
đệ:
– Rượu này không dùng được, đãi người
khác thì được chứ Ngô lão gia đây thì các người phải lấy vò rượu Hà Hoa do Tử
Tri phủ lão gia biếu hôm nọ mới được. Lấy mau ra đây.
Đồ đệ đem rượu mới ra, Bá Tài rót đầy
một chung hai tay nâng mời Ngô đại cữu rồi lại mời Nguyệt Nương. Nguyệt Nương từ
chối. Ngô đại cữu nói:
– Xá muội không biết uống rượu đâu.
Bá Tài nói:
– Phu nhân đây đi đường trải mấy phong
sương dùng chút rượu cho ấm, nào có hại gì. Phu nhân không dùng nhiều thì cũng
nhấm nháp vài hớp cho tiểu đạo được vui.
Nói xong chỉ rót nửa chung hai tay
nâng mời, Nguyệt Nương e dè đón nhận. Bá Tài quay sang hỏi:
– Ngô lão gia dùng rượu này thấy hương
vị thế nào?
Ngô đại cữu uống thêm một hớp, thấy
hương vị cực thơm ngon liền đáp:
– Rượu này ngon tuyệt.
Bá Tài nói:
– Chẳng giấu gì lão gia, đây là rượu
do Từ tri phủ ở Thanh Châu đem biếu, trước là để cúng dường tức Nương nương sau
là đề khoản đãi khách quý thập phương hạ cố tới đây.
Trong khi trên này uống rượu nói chuyện
thì hai đồ đệ của Bá Tài mời Đại An và Bình An xuống nhà dưới ăn uống no say.
Rượu được vài tuần Ngô đại cữu thấy trời
chiều bèn đứng dậy. Bá Tài nói ngay:
– Bây giờ đã chiều rồi, xuống núi e
không kịp, nếu lão gia và phu nhân đây không chê thì xin nghỉ lại phương trượng
này một đêm, sáng sớm mai xuống núi cho khỏe.
Ngô đại cửu nói:
– Đồ đạc hành lý chúng tôi hiện ở tại
khách điếm ở lại e không tiện.
Bá Tài cười:
– Xin lão gia đừng lo chuyện đó, quyết
chắc là hành lý đồ đạc tại khách điếm không mảy may suy suyển. Khách điếm đã biết
là lão gia lên đây lễ bái thì tuyệt không để phường đạo tặc nào lộng hành. Đám
cường đạo biết lão gia lên Bích Hà cung này thì chính chúng cũng phải lánh xa,
không dám đụng chạm tới đồ đạc hành lý của lão gia.
Ngô đại cữu nghe vậy lại ngồi xuống.
Bá Tài sai lấy chung lớn ra rót rượu mời, nhưng Ngô đại cữu thấy rượu uống vào
say khác thường thì từ chối, đứng dậy nói là thay áo, rồi vào trong quan sát
các nơi.
Nguyệt Nương cũng thấy trong người mệt
mỏi, phải tới cái giường cạnh đấy ngả lưng. Bá Tài thấy vậy đứng dậy khép cửa rồi
ra ngoài.
Nguyệt Nương nhắm mắt lim dim, chợt
nghe sau lưng có tiếng động, vội quay lại thì thấy từ khung cửa phía sau, một
người đàn ông bước vào tuổi độ tam tuần, đội khăn sấm thanh mặc áo gấm tía tới
ôm chặt lấy Nguyệt Nương mà bảo:
– Tiểu sinh là Ân Thiên Tích, em vợ của
Cao Thái thú nơi đây, từ lâu đã nghe danh nương tử là trang thiên hương quốc sắc
nên vẫn ngày đêm ngưỡng mộ tôn nhan, nay hội ngộ nơi đây quả là tam sinh hữu hạnh,
nguyện mong nương tử đoái hoài, đến chết cũng chẳng dám quên.
Nguyệt Nương hoảng sợ vùng vẫy kêu ầm
lên:
– Trời ơi, giữa buổi thanh bình, lại
giữa ban ngày ban mặt như thế này mà có kẻ cường đồ dám tới cưỡng bức đàn bà có
chồng, có ai vào cứu tôi không.
Kêu xong vùng vẫy định chạy, nhưng
Thiên Tích giữ chặt lại rồi quỳ xuống mà nói:
– Xin nương tử chớ lớn tiếng, nương tử
nên thương xót tiểu sinh...
Nguyệt Nương càng kêu cứu rầm rĩ. Đại
An, Bình An nghe tiếng kêu của chủ, vội chạy vào trong gọi Ngô đại cữu mà bảo:
– Xin đại cữu tới phương trượng ngay,
đại nương đang kêu cứu trong đó không hiểu chuyện gì.
Ngô đại cữu hoảng lên, chạy vào phương
trượng thì thấy cửa đóng chặt, bên trong Nguyệt Nương tiếp tục kêu cứu. Ngô đại
cử gào to lên:
– Cô nương đừng sợ có tôi tới đây rồi.
Nói xong bước xuống sân vác một tảng
đá phá cửa mà vào. Ân Thiên Tích thấy có người tới, vội chui xuống gầm giường
trốn mất. Nguyên tên tà đạo Thạch Bá Tài đã làm sẵn một đường ngầm dưới gầm để
giúp thiên Tích chạy trốn một khi bị chống cự.
Ngô đại cữu phá cửa xông vào hỏi:
– Cô nương có bị ô nhục gì chưa?
Nguyệt Nương run rẩy đáp:
– Chưa hề gì. Thằng khốn kiếp đó chui
xuống gầm giường trốn mất rồi.
Ngô đại cữu cho tìm Thạch Bá Tài,
nhưng Bá Tài tránh mặt chỉ cho đồ đệ ra dàn xếp. Ngô đại cữu nổi giận, thét Đại
An và Bình An đập phá tan tành mọi đồ vật thờ tự trong chùa, rồi cùng Nguyệt
Nương rời khỏi Bích Hà cung ngay, đưa Nguyệt Nương lên kiệu mà xuống núi.
Lúc đó đã hoàng hôn tới gần nửa đêm mới
về đến khách điếm.
Ngô đại cữu kể hết lại cho chủ khách
điếm là Tiểu Nhị nghe. Tiểu Nhị nghe xong kêu khổ luôn miệng rồi nói:
– Đúng là thằng Ân Thiên Tích rồi, nó
là em vợ của vị Thái thú kiêm Tri châu tại châu này, nó còn có tên là Ân Thái
Tuế nữa. Nhiều đàn bà con gái lên lễ bái trên đó đã bị nó làm nhục, bây giờ nó
càng ngày càng lộng lắm. Bị phu nhân đây cự tuyệt, chắc chắn nó không chịu thôi
đâu, đại nhân nên đi ngay thì hơn.
Ngô đại cữu nghe xong, đang đêm sai
thu dọn hành lý đưa Nguyệt Nương lên kiệu đi ngay. Trong khi đó Ân Thiên Tích uất
hận lắm, tụ họp khoảng hơn hai mươi tên côn đồ thủ hạ, đứa dao đứa gậy, đuổi
theo.
Ngô đại cữu dẫn em gái và gia nhân đi tới canh tư thì tới một vùng núi cây cối rậm rạp, xa xa thấp thoáng trong lùm cây có ánh đèn, bèn tìm tới thì thấy đó là một thạch động, bên trong có vị lão tăng đang cầm đuốc mà tụng kinh.
Ngô đại cửu bước vào chấp tay hỏi:
– Kính lão sư, chúng tôi lên núi dâng
hương bị cường tặc làm nhục và đuổi theo ráo riết. Chúng tôi đêm tối chỉ biết
chạy, không ngờ lạc đường tới đây. Dám hỏi lão sư, địa phương này là đâu, và đi
đường nào thì có thể về được huyện Thanh Hà.
Vị lão tăng ngẩng lên đáp:
– Đây là dãy núi phía đông của Đại Nhạc,
động này tên gọi Tuyết Giản động, còn bần tăng có hiệu là Tuyết Giản Thiền sư,
pháp danh Phổ Tinh, tu hành tại nơi này đã gần ba chục năm. Đại nhân gặp bần
tăng hôm nay quả là hữu duyên. Xin đại nhân đừng đi tới nữa, nơi đây hổ báo rắn
rết nhiều lắm. Hãy tạm nghỉ tại đây, trời sáng sẽ đi. Có đi thì cứ theo con đường
lớn là tới được huyện Thanh Hà.
Ngô đại cữu nói:
– Chỉ sợ bọn cường tặc đuổi theo kịp.
Vị lão tăng đứng dậy, đi lên một chỗ
cao nhìn xuống mà bảo:
– Không sao, bọn cường tặc đó đuổi tới
chân núi phía dưới kia thì quay về rồi.
Đoạn trở vào động, hỏi:
– Còn phu nhân đây quý tính là gì?
Ngô đại cữu đáp:
– Đây là xá muội Ngô thị, vợ của Tây
Môn Khánh, vì phát nguyện cho chồng nên mới tới miếu dâng hương. Nay chúng tôi
được gặp lão sư, ơn cứu tử này quyết chẳng dám quên.
Vị lão tăng dọn dẹp lấy chỗ cho mọi
người nằm nghỉ trong động.
Trời vừa sáng. Nguyệt Nương thức dậy lấy
một xấp vải tạ ơn lão tăng, nhưng lão tăng không nhận mà bảo:
– Bần tăng không nhận đâu, chỉ xin một
đứa con của phu nhân để làm đồ đệ, ý phu nhân thế nào?
Ngô đại cữu đỡ lời:
– Em gái tôi hiện chỉ có một mụn con
trai để nối dõi tông đường, chồng nó lại vừa mãn phần, chứ nếu có nhiều con thì
cũng để một đứa theo lão sư làm đồ đệ.
Nguyệt Nương nói tiếp:
– Tiểu nhi ở nhà lại còn nhỏ quá, hiện
mới được chín tháng, làm sao theo lão sư được.
Tuyết Giản Thiền sư bảo:
– Chỉ cần phu nhân hứa một lời, đến
năm nó mười lăm bần đạo mới xin.
Nguyệt Nương nghĩ là mười lăm năm cũng
còn xa xôi quá, có gì tính sau cũng kịp, do đó nhận lời, rồi cùng anh đứng dậy
cáo từ.
Hai anh em và hai gia nhân theo con đường
lớn trực chỉ huyện Thanh Hà mà về...
Chú
thích.
[115] Theo
bản tiếng Anh, Quách Thủ Thanh và Quách Thủ Lễ tiếng là đồ đệ của Bá Tài nhưng
thực chất không khác gì vợ lẽ của y. Do hậu quả của việc quan hệ theo đường hậu
môn, cả hai người này đều phải đeo một tấm băng ở đũng quần để ngăn nước tiểu rỉ
ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét