HỒI 70.
Bà mệnh phụ góa bụa đa tình
Đại An và Văn tẩu Nhị về tới cổng thì
Bình An chạy ra bảo:
– Gia gia ở nhà bên kia kìa.
Nói xong chỉ tay sang nhà đối diện. Đại
An dẫn Văn tẩu Nhị vào. Tây Môn Khánh đang trò chuyện với Ôn tú tài, thấy Đại
An thì hất hàm ngầm hỏi, Đại An đáp:
– Đã gọi Văn tẩu tới rồi, hiện hầu chờ bên ngoài.
Tây Môn Khánh cho gọi vào. Văn tẩu nhẹ
nhàng vén mành rón rén bước vào, lạy chào Tây Môn Khánh. Tây Môn Khánh bảo:
– Lâu quá không thấy Văn tẩu tẩu đến
chơi.
Văn tẩu đáp:
– Chúng tôi cũng bận rộn quá.
Tây Môn Khánh hỏi:
– Hồi này tẩu tẩu dọn nhà tới nơi nào
vậy?
Văn tẩu đáp:
– Chúng tôi không may liên lụy tới cửa
quan nên nhà cửa lúc trước bán hết rồi, hiện dọn tới ngõ Vương gia ở phía nam
huyện đây.
Tây Môn Khánh thấy Văn tẩu vẫn quỳ bèn
bảo:
– Cứ đứng dậy đi, rồi nói chuyện.
Văn tẩu từ từ đứng qua một bên chắp
tay chờ đợi. Tây Môn Khánh cho mọi người ra ngoài hết. Đại An đứng ngoài rèm
canh chừng. Tây Môn Khánh hỏi:
– Hồi này tẩu tẩu thường lui tới những
gia đình tai mắt nào?
Văn tẩu đáp:
– Thì chúng tôi cũng thường tới lui mấy
chỗ quen biết như Vương Hoàng thân, Kiều Hoàng thân, Chu lão gia, Hạ lão gia,
Trương Nhị lão gia.
Tây Môn Khánh hỏi:
– Tẩu tẩu có quen biết với các vị
trong phủ Vương Chiêu Tuyên không?
Văn tẩu đáp:
– Dạ cũng có, vị thái thái và Tam
nương ở đó cũng có lòng chiếu cố đến chúng tôi.
Tây Môn Khánh bảo:
– Nếu vậy thì ta có chút việc nhờ tẩu
tẩu, tẩu tẩu phải cố giúp ta, không được tìm cách từ chối.
Nói xong lấy trong tay áo ra năm lạng
bạc sáng ngời mà bảo:
– Bây giờ tẩu tẩu làm sao cho ta gặp vị
thái thái đó một lần, ở bất cứ chỗ nào mà tẩu tẩu thấy là tiện. Xong việc, ta sẽ
trọng thưởng.
Văn tẩu nghe xong cười khanh khách hỏi:
– Làm sao mà lão gia biết được hay vậy?
Ai nói với lão gia thế?
Tây Môn Khánh cũng cười:
– Thì chuyện gì, người nào mà ta chẳng
biết.
Văn tẩu thấp giọng:
– Vị thái thái này tuổi Hợi, còn trẻ đẹp
lắm, người rất lanh lợi mà lại cẩn thận nữa. Thái thái đi tới đâu thì có gia
nhân quân hầu theo cả bầy, đi tới đâu ai cũng biết, làm sao hẹn gặp ở chỗ nào
khác được. Nhà cửa chúng tôi lại chật hẹp dơ dáy, làm sao dám tiếp rước thái
thái và lão gia. Chỉ còn cách là trong phủ Vương Chiêu Tuyên coi vậy mà kín
đáo, Vương Tam gia thì ít khi có mặt ở nhà, gặp gỡ ngay tại nơi đó thì người
không biết mà quỷ thần cũng chẳng hay. Nay lão gia đã sai bảo tới tôi thì không
dám nhận tiền bạc này đâu, để tôi đem lời lão gia thưa lại cho thái thái hay vậy.
Tây Môn Khánh bảo:
– Tẩu tẩu không nhận bạc tức là có ý từ
chối, ta giận đó, hay là tẩu tẩu chê ít, ta đã nói là xong việc sẽ trọng thưởng
mà.
Văn tẩu nói:
– Sao lão gia lại dạy vậy? Được lão
gia chiếu cố sai bảo tới là vinh hạnh cho chúng tôi lắm rồi. Lão gia đã giận
thì chúng tôi đành xin nhận vậy.
Nói xong nhận bạc rồi lạy tạ. Lạy xong
đứng dậy nói:
– Để chúng tôi gặp thái thái rồi sẽ
thưa lại với lão gia sau.
Tây Môn Khánh bảo:
– Nếu vậy thì ta đợi đấy nhé, tẩu tẩu
lo việc nhanh nhanh lên giùm ta, có gì thì cứ tới thẳng đây, đừng ghé nhà ta
làm gì, mà cũng đừng để ta phải sai gia nhân đi mời nữa.
Văn tẩu đáp:
– Tôi biết rồi, lão gia khỏi phải dặn.
Ngày mai thì sợ không kịp, thôi để ngày kia, nội sáng hay chiều, có tin gì tôi
sẽ tới đây ngay.
Nói xong lạy chào bước ra. Đại An chạy
theo gọi:
– Văn ma ma, nhận tiền lo việc rồi phải
không? Ma ma nhận bao nhiêu tôi không biết, nhưng ma ma phải cho tôi một lạng gọi
là cái công lặn lội đi tìm ma ma. Ma ma không nên ăn một mình như vậy.
Văn tẩu quay lại bảo:
– Đồ khỉ ranh, việc đã ra ngô ra khoai
gì đâu mà tiền với bạc.
Nói xong bước ra cổng lên lừa đi thẳng.
Ôn tú tài thấy Văn tẩu tẩu đã ra về, lại
trở vào trò chuyện với Tây Môn Khánh. Lát sau, Hạ Đề Hình tới, cùng Tây Môn
Khánh đến nhà La Vạn Tượng, hiện làm chức Đồng tri, để dự tiệc.
Hôm đó Tây Môn Khánh dự tiệc đến lúc
lên đèn mới về nhà.
Lại nói về Văn tẩu, cầm năm lạng bạc về
nhà, trong lòng mừng lắm, ngay xế trưa hôm đó tìm tới phủ Chiêu Tuyên gặp Lâm
thái thái, Lâm thái thái hỏi:
– Sao mấy hôm nay tẩu tẩu không đến
thăm ta?
Văn tẩu bịa đặt chuyện này chuyện kia
mà nói. Lâm thái thái bảo:
– Còn vụ dâng hương tháng chạp thì bảo
con trai tẩu tẩu đi là được rồi, tẩu tẩu việc gì phải đi.
Văn tẩu đáp:
– Thưa vâng, tôi đâu có đi, chỉ sai thằng
Văn Đường đi mà thôi.
Lâm thái thái bảo:
– Chừng nào nó đi thì để ta sai đem ít
tiền bạc và lễ vật đến.
Văn tẩu chắp tay vái tạ rồi nói:
– Đa tạ thái thái đã có lòng bố thí.
Lâm thái thái bảo Văn tẩu ngồi cạnh
mình, gần lò sưởi, rồi sai a hoàn đem trà lên. Văn tẩu vừa uống trà vừa suy
nghĩ rồi hỏi:
– Tam gia hôm nay có nhà hay không?
Lâm thái thái đáp:
– Hai đêm nay nó có về nhà đâu, chắc
là lại theo bè bạn ăn nằm tại nhà mấy con ca nữ, nó chỉ mê phường liễu ngõ hoa
tường, còn vợ nó xinh đẹp quý phái như thế thì lại phải nằm võ võ một mình ở
nhà. Nghĩ thật là chán.
Văn tẩu lại hỏi:
– Vậy thì tam nương đâu, sao không thấy?
Lâm thái thái đáp:
– Nó còn đang ở trong phòng.
Văn tẩu thấy trong nhà vắng vẻ mới thấp
giọng bảo:
– Thái thái không việc gì phải buồn,
tôi đã có cách làm cho Tam gia hồi tâm, quay về với gia đình, bỏ đám bạn xấu, bỏ
đám ca nữ lẳng lơ. Nhưng thái thái có cho phép thì tôi mới dám thưa, còn không
thì tôi quyết chẳng dám thưa đâu.
Lâm thái thái bảo:
– Tẩu tẩu nghĩ coi, từ trước tới giờ tẩu
tẩu nói gì có lần nào là ta không nghe theo đâu. Bây giờ có cách gì thì tẩu tẩu
cứ nói không sao cả.
Văn tẩu đằng hắng rồi nói:
– Trong huyện mình đây có Tây Môn đại
lão gia, hiện giờ chức Chưởng Hình Thiên Hộ, gia sản cực kỳ giàu có, hiện trong
huyện này cũng có cả bốn năm cửa tiệm lớn, nào là tiệm thuốc, tiệm tơ lụa, tiệm
vải sợi, ở ngoài lại có thương thuyền đi lại buôn bán ở Dương Châu, buôn hương
liệu và sáp ong trên phủ Đông Bình, quản gia, quản lý vô số. Tây Môn lão gia lại
là con nuôi của thái sư đương triều, Địch quản gia lại là chỗ thân gia. Chu
Thái úy là quan thầy nâng đỡ, Tuần phủ, Tuần án đều là chỗ bạn bè thân mật, còn
Tri phủ, Tri huyện thì vô số đi lại ăn uống rầm rập ngày đêm. Gia tư Tây Môn
lão gia thì ruộng đất bao la, vàng bạc thì chật kho, tiền của không sao kể hết.
Vị Đại nương trong nhà lại là ái nữ của Vệ môn Ngô Thiên hộ, ngoài ra còn có
năm sáu vị tiểu nương, người nào người nấy cứ như là tiên nga giáng thế, còn ca
nhi vũ nữ a hoàn thì không dưới vài chục. Trong nhà thì khi nào cũng là cảnh
“đêm đêm hàn thực ngày ngày nguyên tiêu”. Năm nay Tây Môn lão gia mới chỉ ba
mươi hai tuổi, đang độ thanh xuân, văn võ kiêm toàn mà cầm kỳ thi tửu cái gì
cũng hay, tướng mạo lại cực kỳ khôi ngô tuấn tú, thật là nhân vật hiếm có trên
đời. Tây Môn Khánh biết gia đình ta là giòng dõi thế phiệt, Tam gia lại đang
theo học tại nhà Vũ Học, nên ngỏ ý muốn tới làm quen, kết tình giao hảo, chỉ ngặt
là chưa được diện kiến lần nào, nên không tiện đường đột tới thăm. Mới hôm qua
đây Tây Môn lão gia nghe nói là sắp tới ngày quý đản của thái thái nên có ý đem
lễ vật tới chúc thọ thái thái mà không biết làm sao. May là chúng tôi biết được
nên mới nói với lão gia rằng, dịp sơ kiến kể cũng khó khăn, để chúng tôi tới
thưa trước với thái thái, nếu thái thái không chê thì có thể cho vài chữ thỉnh
Tây Môn lão gia tới gọi là tương kiến. Nay thái thái làm quen được với Tây Môn
lão gia thì có thể là lão gia sẽ dùng uy quyền mà bắt bọn bạn xấu phải xa lánh
Tam gia để khỏi làm điếm nhục gia phong nhà ta. Chẳng hay tôn ý thái thái thế
nào.
Thái thái nghe xong lòng dạ xao xuyến
bồi hồi, đầu óc cứ rối loạn lên chẳng biết tính thế nào, bèn hỏi:
– Nhưng chưa một lần quen biết, làm
sao mà mời?
Văn tẩu cười:
– Chỉ sợ thái thái không thuận, chứ đã
thuận thì có gì là khó. Bây giờ thái thái làm đơn tới phủ Đề hình thưa bọn vô lại
rủ rê Tam gia, rồi nhân đó mời Tây Môn lão gia tới nhà để thưa chuyện đó. Thái
thái thấy thế nào?
Lâm thái thái nghe xong mừng lắm, bèn
định là chiều ngày kia sẽ gặp gỡ Tây Môn Khánh. Văn tẩu cũng khấp khởi mừng thầm,
nói vài câu chuyện nữa rồi cáo từ mà về.
Hôm sau, ăn cơm xong, Văn tẩu tìm đến.
Tây Môn Khánh đang ở thư phòng của căn nhà đối diện, thấy Đại An vào thưa:
– Có Văn tẩu đến.
Tây Môn Khánh vội bước ra phòng khách,
sai gia nhân buông hết các mành xuống rồi gọi cho Văn Tẩu vào. Văn Tẩu vào, rồi
không đợi Tây Môn Khánh hỏi đã thao thao bất tuyệt nói rằng:
– Hôm qua tôi đã gặp Lâm thái thái,
tôi nói rõ cái lợi nếu thái thái chịu làm quen với lão gia, tôi lại hết lời
khoa trương lão gia, nào lão gia là người nhân phẩm cao, kiến thức rộng, nào là
thần thế vang dậy một vùng, chơi toàn với quan to, lại là người phong lưu, bác
lãng, trọng nghĩa sơ tài. Thái thái nghe xong mừng lắm, hẹn rằng chiều mai Tam
gia vắng nhà, sẽ dọn tiệc thỉnh lão gia, giả danh là nhờ vả lão gia về chuyện
quan.
Tây Môn Khánh vui mừng khôn xiết, gọi
ngay Đại An lấy hai xấp lụa quý thưởng cho Văn tẩu. Văn tẩu lạy tạ rồi dặn:
– Chiều mai lão gia không nên đến sớm,
cứ đợi nhá nhem tối, ngoài đường ít người hãy tới, mà nên tới cổng nhỏ bên cạnh,
đừng vào cổng chính, ở cổng nhỏ bên cạnh, có nhà của một gia nhân thân tín của
Lâm thái thái, tôi sẽ đợi lão gia ở đó. Lão gia chỉ cần sai gia nhân gõ cửa là
có tôi ra dẫn lão gia vào. Cần nhất là lão gia nên giữ kín chuyện này.
Tây Môn Khánh bảo:
– Được rồi, ngày mai tẩu tẩu nhớ tới
trước, ta sẽ tới đúng hẹn.
Văn tẩu lạy chào mà về.
Hôm đó Tây Môn Khánh vào phòng Lý Kiều
Nhi nghỉ ngơi.
Trưa hôm sau Tây Môn Khánh cùng Ứng Bá
Tước tới nhà Hy Đại ăn lễ sinh nhật. Đến khi trời nhá nhem, nhà nhà sửa soạn
lên đèn thì Tây Môn Khánh lén ra ngoài nhảy lên ngựa, lần theo Đại An và Cầm Đồng.
Hôm đó là ngày mười chín, trời tạnh ráo, trăng chưa mọc. Ba chủ tớ im lặng mà
đi. Tới cổng nhỏ của phủ Vương Chiêu Tuyên thì bên trong cũng vừa mới lên đèn,
ngoài đường người đi lại thưa thớt, vội vã. Tây Môn Khánh lùi ngựa qua một bên
xa xa, Đại An bước tới dùng cán roi ngựa gõ nhẹ vào cánh cổng. Đoạn ma ma chạy
ra mở cổng.
Đoạn ma ma do Văn tẩu đưa vào làm
trong phủ họ Vương, có phận sự coi cổng nhỏ. Đoạn ma ma mở cổng, Văn tẩu cũng
bước ra theo, bảo Cầm Đồng buộc ngựa vào chỗ khuất, cho Đại An ngồi chờ tại
phòng của Đoạn ma ma, rồi dẫn Tây Môn Khánh đi quanh co một hồi mới tới chính
phòng, gồm năm gian nhà, nơi tư thất của Lâm thái thái. Tới cửa, Văn tẩu gõ nhẹ,
một a hoàn ra mở cửa. Văn tẩu dẫn Tây Môn Khánh vào thẳng hậu đường, bức mành lớn
được buông xuống. Trong phòng đèn nến huy hoàng, ở giữa là bàn thờ vị tổ của
nhà họ Vương là Thái nguyên tiết độ sứ Dương Quận Vương Vương Cảng Sùng. Trong
tấm hình thờ, Quận Vương mặc áo đại hồng thêu hình mãng xà ngồi trên ghế phủ da
hổ, đang coi binh thư, tướng mạo oai phong lẫm lẫm. Bên trên bàn thờ là bức
hoành phi sơn son thiếp vàng, đề ba chữ đại tự “Tiết nghĩa đường” hai
bên có đôi liễn viết rằng:
“Truyền gia, tiết tháo như tùng trúc
Báo quốc, huân công tựa Thái Sơn.”
Văn tẩu mời Tây Môn Khánh ngồi rồi chạy
vào trong. Tây Môn Khánh đưa mắt nhìn quanh nhà. Lát sau Văn tẩu đem trà ra.
Tây Môn Khánh bảo:
– Thỉnh thái thái ra cho tôi bái kiến
chứ.
Văn tẩu nói:
– Thái thái biết rồi, tôi đã thưa qua,
lão gia cứ dùng trà đi đã, việc gì phải nóng nẩy.
Đang nói thì Lâm thái thái bước ra,
nhưng còn đứng sau rèm quan sát, thấy Tây Môn Khánh tướng mạo tuấn tú, quả đúng
như lời Văn tẩu. Hôm nay Tây Môn Khánh ăn mặc cực kỳ trang nhã, đầu đội khăn
Trung tĩnh, mình mặc áo gấm màu huyết dụ, chân đi hài hoa theo kiểu bán văn bán
võ. Lâm thái thái nhìn ngắm không chán mắt. Đúng lúc đó thì Văn tẩu quay vào
Lâm thái thái chặn lại hỏi nhỏ:
– Hình như lão gia đang để tang, mà
tang ai vậy?
Văn tẩu đứng lại đáp khẽ:
– Lão gia để tang cho vị nương nương
thứ sáu đó, Lục nương vừa mãn phần hồi tháng chín. Lục nương là người được lão
gia quý nhất, nay mất đi lão gia buồn lắm.
Lâm thái thái nghe xong trong bụng mừng
thầm, cứ đứng mà ngắm. Văn tẩu giục bước ra, Lâm thái thái bảo:
– Tôi ngượng quá, làm sao ra bây giờ,
hay là thỉnh lão gia quá bộ vào trong này vậy.
Nói xong quay vào phòng trong. Văn tẩu
lật đật chạy ra nói:
– Thái thái thỉnh lão gia vào trong
tương kiến.
Nói xong bước vào vén rèm lên, Tây Môn
Khánh thong thả đứng dậy, nhìn vào thấy trong phòng bài trí lộng lẫy, bước vài
bước thì nghe mùi lan xạ sực nức, không khí ấm áp như giữa mùa xuân, Lâm thái
thái ngồi trên tràng kỷ, đầu đội mũ kim ty thúy diệp, mình mặc áo thụng bạch đoạn,
quần gấm đại hồng thêu hoa, nhan sắc thật mặn mà có phần quyến rũ hơn cả các mỹ
nữ đương xuân. Tây Môn Khánh bước hẳn vào, cúi mình thi lễ mà nói:
– Vãn sinh xin bái kiến thái thái.
Lâm thái thái đứng dậy vái trả rồi
nói:
– Xin đại nhân miễn lễ cho.
Nói xong mời Tây Môn Khảnh ngồi vào
tràng kỷ đối diện. Chủ khách an vị. Văn tẩu nhẹ nhàng đóng hết các cửa lại. Tây
Môn Khánh đưa mắt nhìn quanh phòng, không thấy bóng dáng một a hoàn nào, ngoài
a hoàn thân tín là Phù Dung đang bưng trà ra. Lâm thái thái mời Tây Môn Khánh
dùng trà. Văn tẩu bèn nói:
– Thái thái đây biết lão gia lo việc
hình pháp, lại ngưỡng mộ đại danh đã lâu, nên hôm nay thỉnh lão gia tới đây để
nhờ một việc nhỏ, chẳng hay lão gia có vui lòng chăng.
Tây Môn Khánh hỏi:
– Chẳng hay thái thái đây có chuyện gì
dạy bảo.
Lâm thái thái nói:
– Chẳng giấu gì đại nhân, gia đình
chúng tôi đây là giòng dõi thư hương, đời đời làm quan, nhưng bất hạnh quan ông
chúng tôi tạ thế đã lâu, con cái trong nhà không người dạy dỗ. Tiện nam chúng
tôi tuy đã được vào nhà Vũ học, nhưng không chịu học tập mà chỉ đàn đúm với đám
bạn xấu, ngày ngày bê tha rượu chè ở ngoài. Mấy lần tôi đã định làm đơn thưa
đám bạn bất lương đó, nhưng sợ chuyện chẳng tới đâu thì phạm đến thanh danh của
quan ông nhà tôi. Nay đường đột thỉnh đại nhân tới đây, trước để nói rõ sự
tình, sau là để nhờ vả đại nhân lưu tâm giúp đỡ cho, để cho đám bạn xấu phải xa
lánh, mà tiện nam biết quay về lo học tập chuẩn bị công danh, nối tiếp sự nghiệp
cha ông. Được như vậy thì ơn của đại nhân là ơn tái tạo, chúng tôi sẽ trọng tạ
và nguyện chẳng bao giờ dám quên.
Tây Môn Khánh nói:
– Thái thái dậy như vậy là quá lo xa,
gia đình nhà ta đây đời đời là hàn tướng công thần, lệnh bang hiện đang theo học
tại nhà Vũ học tức là đang nỗ lực lập công danh để tiếp nối uy vũ của tổ tiên.
Còn chuyện theo đòi bạn bè đi chơi đây đó chẳng qua cũng chỉ là hành động nhất
thời của tuổi thiếu niên, hà tất thái thái phải quá bận tâm. Tuy nhiên thái
thái đã dặn thì chúng tôi sẽ ra nha môn, cho gọi đám bạn xấu của lệnh lang tới
trừng trị răn dạy, bắt phải xa lánh lệnh lang để thái thái được yên lòng.
Lâm thái thái nghe xong vội đứng dậy
vái tạ mà nói:
– Xin đa tạ đại nhân trước, hôm nào chúng
tôi sẽ đích thân tới cảm tạ sau.
Tây Môn Khánh cũng đứng vậy vái trả mà
nói:
– Tuy là sơ kiến, nhưng xin thái thái
cứ coi tôi như chỗ thân tình một nhà, mà đã là thân tình thì nói gì chuyện ơn với
nghĩa.
Sau đó hai người lại ngồi xuống nói
chuyện. Đôi bên nói những chuyện vẩn vơ, nhưng mắt qua mày lại đưa tình, cả hai
đều thập phần đắc ý hài lòng.
Trong khi đó Văn tẩu đã dọn tiệc xong.
Tây Môn Khánh giả vờ đứng dậy cáo từ:
– Lần sơ kiến, vãn sinh vội vàng chưa
có lễ đem tới, xin thái thái niệm tình miễn thứ, bây giờ thì xin được cáo từ,
không dám ngồi lâu.
Lâm thái thái cũng vội đứng dậy nói:
– Chúng tôi cũng vội vàng nên không
chuẩn bị được gì, chỉ có chén rượu nhạt gọi là tỏ lòng quý mến, xin đại nhân thể
tình lưu lại chút nữa để chúng tôi được tròn bổn phận thù tiếp.
Nói xong mời Tây Môn Khánh qua bàn tiệc,
hai người phân ngôi chủ khách nhập tiệc. Tây Môn Khánh liếc mắt nhìn bàn tiệc
thấy:
Bình vàng đựng rượu quỳnh lương.
Đĩa ngọc chứa đồ ăn quý.
Lâm thái thái đứng dậy tự tay nâng
chung rượu trao cho Tây Môn Khánh.
Tây Môn Khánh lùi ra một bước chắp tay
nói:
– Thưa đáng lẽ tôi phải phụng kính
thái thái trước mới phải.
Văn tẩu đứng bên mớm lời:
– Lão gia đừng lo, còn nhiều dịp để mời
rượu thái thái đây. Ngày rằm tháng mười một này là sinh nhật của thái thái, hôm
đó lão gia cho đem lễ lại chúc thọ thái thái là được rồi.
Tây Môn Khánh mừng rỡ:
– May quá, tẩu tẩu nói sớm vậy là tốt
lắm, hôm nay mới có mồng chín, hãy còn sáu ngày nữa. Hôm đó nhất định tôi sẽ tới
để lạy mừng chúc thọ thái thái.
Lâm thái thái cười:
– Thật làm phiền đại nhân quá.
Hai người bắt đầu uống, bàn tiệc gồm
mười sáu món cao lương mỹ vị, trong phòng đèn nến rực rỡ, lan xạ ngào ngạt, lò
sưởi tỏa hơi ấm dịu dàng. Hai người trước còn giữ ý tứ, sau thì chén tạc chén
thù, miệng cười mắt nói, thập phần tương đắc.
Lát sau, Văn tẩu giả vờ kêu đem thêm
rượu, không có tiếng trả lời. Văn tẩu liền lui vào trong, làm như đi lấy rượu.
Trong phòng chỉ còn lại hai người, Tây Môn Khánh dần dà kề vai áp má. Lâm thái
thái chỉ cười mà không nói. Đôi bên lơi lả một hồi rồi dẫn nhau vào chốn giường
loan màn phụng. Thật là:
Hoa vàng nở trễ
Liễu muộn còn xuân
Mây mưa phong nguyệt muôn phần
Tuổi trung niên mới ái ân mặn nồng.
Qua cơn vân vũ, hai người trở lại bàn
tiệc kề vai tựa gối mà uống. Ngoài kia, trăng lên mấy con sào, ánh trăng chiếu
vào song cửa, Tây Môn Khánh sợ khuya, đứng dậy cáo từ. Lâm thái thái bịn rịn
lưu luyến, dặn dò điều nọ điều kia, Tây Môn Khánh nhất nhất ghi nhớ.
Văn tẩu biết Tây Môn Khánh đã xong việc,
vội chạy ra cổng nhỏ chờ sẵn, đồng thời gọi Đại An và Cầm Đồng đem ngựa lại.
Chủ tớ Tây Môn Khánh ra đường, đêm đã
khuya, bốn bề vắng ngắt, trời đông đầy sương lạnh, nhưng trong lòng Tây Môn
Khánh là cả một niềm vui khó tả.
Hôm sau ra tới nha môn, Tây Môn Khánh
cho gọi mấy viên tiết cấp tới bảo:
– Theo dõi xem những tên nào thường rủ
rê Tam công tử trong phủ Vương Chiêu Tuyên đi chơi, xem công tử thường lui tới
nơi nào, nhớ ghi tên tuổi báo cho ta hay.
Đoạn quay sang nói với Hạ Đề hình:
– Công tử Vương Tam trong phủ Vương
Chiêu Tuyên thường bị một bọn du thủ du thực rủ rê ăn chơi đàng điếm, hôm qua
Lâm thái thái khẩn khoản nhờ cậy tôi. Tôi cũng nghĩ rằng nếu bọn đó không bị trừng
trị rồi chúng làm hư hỏng cả con cái nhà người ta.
Hạ Đề hình đáp xuôi:
– Quan anh dạy không sai, bọn đó là phải
trừng trị mới được.
Quá trưa hôm đó mấy viên tiết cấp đã
tra hỏi đầy đủ, viết thành một bản danh sách, tới trình Tây Môn Khánh tại nhà
riêng. Tây Môn Khánh thấy trong bản danh sách có những tên như: Tôn Thiên Hóa,
Chúc Thật Niệm, Tiểu Trương Nhàn, Nhiếp Việt Nhi, Vu Khoan, Bạch Hồi Tử... còn
những nhà hay lui tới là nhà của Lý Quế Thư và Tần Ngọc Chi. Tây Môn Khánh xem
xong, lấy bút xóa tên Quế Thư, Ngọc Chi, Tôn Thiên Hóa, Chúc Thật Niệm, rồi đưa
trả cho thuộc hạ mà bảo:
– Cho bắt ngay đám Tiểu Trương Nhàn
này cho ta để ngày mai ta xét.
Đám thuộc hạ lui ra, dò hỏi được là tối hôm đó bọn Vương Tam tụ họp tại nhà Quế Thư vui chơi, liền cho quân lính chờ sẵn tại cổng. Khoảng canh ba, mọi người vui chơi chán chê, bắt đầu lục tục ra về. Đám lính ở ngoài chặn lại bắt trói được năm người gồm Tiểu Trương Nhàn, Nhiếp Việt, Vu Khoan, Hướng Tam và Bạch Hồi Tử. Tôn, Chúc hai người kịp thời rút vào trong, Vương Tam thì trốn dưới gầm giường Quế Thư.
Quế Thư và gia đình sợ toát mồ hôi,
không biết là lính ở đâu tới bắt, bèn tức tốc sai gia nhân đi dò hỏi. Sáng sớm
hôm sau, mới canh năm, mẹ con chị em Quế Thư sợ là lệnh bắt người từ Đông Kinh
sức về, bèn sai Lý Minh cởi quần áo cho Vương Tam mặc rồi lẻn đưa Vương Tam về
nhà.
Bọn Tiểu Trương Nhàn thì bị giam trong
ngục suốt đêm.
Sáng hôm sau Tây Môn Khánh cùng Hạ Đề
hình đăng đường làm việc.
Trong công đường những dụng cụ tra tấn
bày ra la liệt, chỉ nhìn vào cũng đủ rợn người.
Tây Môn Khánh cho dẫn bọn Tiểu Trương
Nhàn năm người ra, đánh mỗi người hai chục trượng, máu chảy thịt rơi, quần áo
rách nát, tiếng kêu khóc vang động nha môn. Sai đánh xong, Tây Môn Khánh mới
tác sắc quát bảo:
– Bọn ngươi chuyên rủ rê con cái nhà
danh giá đến các chốn ăn chơi, nay ta chỉ tạm trừng phạt vậy thôi, lần tới mà
còn tái phạm, ta quyết không tha.
Nói xong cho bọn Tiểu Trương Nhàn về
nhà. Bọn này đau quá đi không nổi, nhưng cũng gắng lê lết ra khỏi nha môn.
Xử việc xong, Tây Môn Khánh cùng Hạ Đề
hình uống trà trò chuyện.
Hạ Đề hình nói:
– Nghe nói là việc khảo xét để thăng
thưởng và trừng phạt quan lại tháng năm nay đã có kết quả tại kinh đô rồi,
nhưng bọn mình ở đây vẫn chưa hay biết. Hiện có Lâm Thiên hộ ở phủ Hoài Khánh
là người biết nhiều tin tức, sao mình không cho người tới hỏi xem sao.
Tây Môn Khánh nói:
– Quan anh dạy rất chí lý.
Nói xong gọi quân hầu tới, cho năm tiền
mà bảo:
– Các ngươi cầm thiếp của hai chúng ta
tới phủ Hoài Khánh, tìm đến phủ Đề hình hỏi thăm lão gia về kết quả vụ khảo xét
quan lại năm nay, xem thánh thượng đã hạ chiếu gì chưa, phải hỏi cho kỹ càng rồi
về thưa lại cho chúng ta hay.
Hạ Đề hình viết thiếp, dưới đề tên hai
người. Quân hầu lãnh thiếp và tiền, trở ra lo ngựa và hành lý rồi lên đường
ngay. Trong này, Hạ Đề hình nói vài câu chuyện nữa rồi ra về.
Lại nói bọn Tiểu Trương Nhàn sau khi
được thả ra khỏi phủ Đề hình thì cãi nhau, đứa nọ oán trách đứa kia. Tiểu
Trương Nhàn bảo:
– Vụ này chắc chắn không phải là do lệnh
từ Đông Kinh.
Bạch Hồi Tử nói:
– Không phải thì do lệnh ở đâu ra, chẳng
lẽ có người tố cáo mình hay sao?
Nhiếp Việt bảo:
– Không phải, các anh không biết đâu,
tôi đoán ra rồi, đấy là Tây Môn Khánh sẵn thù ghét Vương Tam công tử, vì công tử
hay lui tới nhà Quế Thư nên kiếm cớ trả thù đấy thôi. Thật là trâu bò húc nhau
ruồi muỗi chết, chỉ có bọn mình là thiệt mà thôi.
Tiểu Trương Nhàn bảo:
– Có lẽ là do Tây Môn Khánh thật, bởi
vì cả Tôn, Chúc hai người cùng có mặt mà sao chỉ có bọn ta là bị bắt giam đánh
đập, còn hai người đó lại thoát.
Vu Khoan bảo:
– Chuyện, người ta dù sao cũng là bạn
bè với nhau, bây giờ người thì quỳ dưới đất, kẻ thì ngồi trên xét xử coi sao được.
Tiểu Trương Nhàn hỏi:
– Còn con Quế Thư sao không bị gì?
Nhiếp Việt bảo:
– Nói ngu thế, cả hai chị em Quế Thư đều
là người thân thích của Tây Môn Khánh, lại được Tây Môn Khánh yêu quý. Dù sao
thì Quế Thư cũng là cháu của Lý Kiều Nhi, trắc thất của Tây Môn Khánh. Mà cũng
lạ, tại sao Hạ lão gia chẳng nói câu gì, chỉ một mình Tây Môn Khánh quyết định.
Đúng là Tây Môn Khánh hồi này cậy uy cậy thế, lấn lướt người khác mà tác tung
tác tệ. Nhưng thôi, bây giờ mình cùng đến nhà Quế Thư tìm Vương Tam công tử đi.
Dù sao thì mình cũng đòi công tử phải bỏ ra ít tiền thuốc thang cho mình chứ,
có thế thì con dâm phụ Quế Thư mới khỏi cười mình.
Thế là cả bọn cùng kéo tới nhà Quế
Thư. Tới nơi thấy cổng khóa kỹ, gọi mãi mới thấy một a hoàn bước ra, đứng trong
cổng mà hỏi:
– Ai vậy?
Tiểu Trương Nhàn đáp:
– Chúng ta tới tìm Vương Tam công tử
đây.
A hoàn bảo:
– Vương Tam quan đêm qua ở đây nhưng
sáng sớm hôm nay đã về nhà rồi, hiện trong nhà không có ai nên tôi không dám mở
cửa.
Cả bọn lại kéo nhau tới phủ Vương
Chiêu Tuyên, được gia nhân mời vào.
Vương Tam nghe nói có bọn Tiểu Trương
Nhàn đến tìm thì sợ lắm, cứ chúi trong phòng sai gia nhân là Vĩnh Định ra nói:
– Gia gia tôi không có nhà.
Tiểu Trương Nhàn bực tức:
– Sao lại lạ vậy? Không ở trong nhà
thì ở đâu bây giờ, ngươi mau vào mời ra đi.
Vu Khoan bảo tên gia nhân:
– Nói thật cho ngươi biết, vì gia gia
ngươi mà chúng ta bị bắt lên quan rồi bị đánh nát người đây này, ngươi có vào mời
ra mau không?
Nói xong vén đùi lên cho gia nhân Vĩnh
Định coi, thấy bê bết những máu.
Vĩnh Định vào kể lại, Vương Tam lại
càng sợ, không dám ra, chỉ hỏi mẹ:
– Bây giờ làm sao? Mẫu thân cứu con với.
Lâm thái thái đáp:
– Ta là đàn bà góa quen thuộc ai mà cứu
cho ngươi bây giờ.
Bọn Tiểu Trương Nhàn đợi lâu quá sốt
ruột, bảo Vĩnh Định mời thái thái ra, Lâm thái thái không chịu ra, chỉ bước tới
sau bình phong bảo:
– Ta sai nó xuống trang trại có việc rồi,
các ngươi có đợi được thì đợi.
Tiểu Trương Nhàn bảo:
– Thái thái cho người gọi công tử về
mau đi, chúng tôi vì công tử mà bị đòn gần chết đây này, Tây Môn Thiên hộ thả
chúng tôi ra để tới bảo cho công tử phải tới nha môn ngay, công tử mà không tới
thì không yên đâu.
Lâm thái thái một mặt sai gia nhân đem
trà ra, một mặt quay vào nói với Vương Tam biết, Vương Tam lại càng run sợ, nhất
định bắt mẹ phải nhờ người cứu giúp. Lâm thái thái ngẫm nghĩ rồi bảo:
– Có Văn tẩu là người quen biết với
Tây Môn đại nhân, năm xưa từng làm mối cho con gái đại nhân, lại hay ra vào
thăm hỏi.
Vương Tam như người chết đuối vớ được
cọc vội nói:
– Miễn có quen biết với Tây Môn lão
gia là được rồi, mẫu thân mau sai chúng nó mời Văn tẩu đến đây ngay.
Lâm thái thái nói:
– Nhưng ngươi quên là bữa trước Văn tẩu
đến đây rồi ngươi nói này nói kia khiến Văn tẩu giận hay sao? Bây giờ mời thì
người ta đâu có chịu đến.
Vương Tam rên rỉ:
– Mẫu thân ơi, sự thể đã đến nước này
thì mẫu thân làm sao mời Văn tẩu đến bằng được cho con xin lỗi vậy.
Lâm thái thái bèn gọi Vĩnh Định vào, bảo
theo cổng nhỏ mời Văn tẩu đến ngay.
Lát sau Văn tẩu đến, Vương Tam quỳ lạy
xin lỗi rồi nói:
– Văn ma ma quen biết với Tây Môn lão
gia thì xin làm ơn tới nói, cứu giùm tôi.
Văn tẩu làm bộ nói:
– Năm xưa tôi có làm mối cho vị đại cô
nương thật, nhưng từ khi Tây Môn lão gia làm quan thì nhà cửa thâm nghiêm, tôi
đâu có dám ra vào.
Vương Tam lại quỳ xuống mếu máo:
– Xin Văn ma cứu tôi, mấy đứa bạn nó
đang chờ ở ngoài để đưa tôi tới nha môn đây này, làm sao bây giờ.
Văn tẩu đưa mắt nhìn Lâm thái thái.
Lâm thái thái bảo:
– Thôi được, tẩu tẩu cứ thương mà nói
giùm nó vài lời xem sao.
Văn tẩu bảo:
– Nhưng tôi đi một mình đâu được, bây
giờ Tam công tử phải khăn áo chỉnh tề, tôi đưa tới cầu xin Tây Môn lão gia tại
tư dinh, tôi sẽ đứng cạnh nói giùm cho.
Vương Tam nói:
– Hiện lũ bạn tôi đang ngồi cả nhà ở
ngoài, tôi đi thì tụi nó thấy rồi làm sao?
Văn tẩu nói:
– Có gì là khó, để tôi ra nói với họ
vài câu, rồi dọn rượu trà bánh trái ra cho họ ăn, trong lúc đó tôi dẫn công tử
theo lối sau mà đi, làm sao họ biết được.
Nó xong bước ra nhà ngoài, vái mọi người
hai vái rồi nói:
– Thái thái sai tôi ra thưa với các cậu
là xin các cậu nán đợi công tử, thái thái đã cho người xuống trang trại gọi
công tử rồi. Chúng tôi cũng biết vì công tử mà các cậu bị liên lụy, nhưng sự thể
đã vậy, các cậu cứ ngồi uống rượu chờ công tử về.
Tiểu Trương Nhàn bảo:
– Sao Văn ma không ra sớm nói điều phải
quấy với chúng tôi để chúng tôi tới đây ngồi từ nãy tới giờ, trong nhà chỉ trả
lời là công tử vắng nhà. Văn ma đã biết là chúng tôi bị liên lụy vì công tử, bị
bắt lên nha môn, chịu đòn vọt khổ hình thì cứ đem rượu thịt ra đây, chúng tôi uống
chờ công tử.
Văn tẩu nói:
– Cậu nói rất phải, để tôi vào thưa với
thái thái, dọn tiệc các cậu dùng, các cậu tới đây nãy giờ chắc cũng đói rồi.
Cả bọn nhao nhao:
– Văn ma thật là ăn nói biết điều, chẳng
nói giấu gì ma ma, chúng tôi bị đánh gần chết, vừa ở nha môn ra là tới đây
ngay, một giọt thuốc cũng chưa có đừng nói gì là cơm cháo.
Văn tẩu vào trong nói với Lâm thái
thái bỏ ra ít tiền mua rượu ngon và các thứ thịt dê thịt lợn, chất đầy một mâm,
bưng ra mời mọc. Trong khi bọn Trương Nhàn mải mê ăn uống thì Văn tẩu lui vào,
dẫn Vương Tam đến thẳng nhà Tây Môn Khánh. Vương Tam viết sẵn thiếp, khăn áo chỉnh
tề lật đật theo Văn tẩu.
Tới đại môn, Bình An nhận ra Văn tẩu
bèn hỏi:
– Văn ma tới có chuyện gì vậy? Gia gia
vừa ở nha môn về.
Văn tẩu đưa tấm thiếp của Vương Tam mà
bảo:
– Nhờ cậu đưa tấm thiếp này vào giùm
công tử đây.
Đoạn quay lại bảo Vương Tam:
– Công tử cho cậu đây ít tiền uống rượu.
Vương Tam đưa ra hai tiền. Bình An nhận
tiền rồi mang thiếp vào cho chủ. Tây Môn Khánh cầm tấm thiếp lên thấy viết: “Vãn
sinh Vương Thái cúi lạy”, bèn cho gọi Văn tẩu vào trước hỏi chuyện,
sau đó mới bảo gia nhân mời Vương Tam vào đại sảnh. Tây Môn Khánh chỉ đội khăn
tang mặc áo thường ra nghênh tiếp. Vương Tam vừa bước lên đại sảnh thì Tây Môn
Khánh vờ bảo gia nhân:
– Chết không, Vương công tử tới rồi,
bay mau vào lấy mũ áo tử tế cho ta tiếp công tử chứ.
Vương Tam vội ngăn lại mà nói:
– Kính xin lão bá tự nhiên, tiểu điệt
không dám để lão bá phải nhọc lòng.
Tây Môn Khánh mời Vương Tam vào đại sảnh.
Vương Tam chưa ngồi, mà định lạy chào, nhưng Tây Môn Khánh nhất định không chịu,
chỉ cười bảo:
– Công tử đã cho tôi được tự nhiên thì
cứ xem như người nhà, việc gì phải quá thủ lễ như vậy.
Vương Tam nói:
– Tiểu điệt là người có tội, đáng lẽ
phải tới tạ tội với lão bá sớm, nay như vậy là quá trễ.
Nói xong sụp xuống lạy. Mới lạy được
hai lạy thì Tây Môn Khánh đã đỡ dậy mời ngồi. Vương Tam khiêm nhượng một hồi rồi
mới khép nép ngồi ghé xuống một bên ghế. Gia nhân đem trà ra, Tây Môn Khánh mời,
nhưng Vương Tam không dám uống, chỉ nói:
– Tiểu điệt tới dây là để thưa với lão
bá một chuyện, xin lão xét giùm mà cứu vớt cho.
Nói xong lại rút trong tay áo ra một tấm
thiếp, đưa cho Tây Môn Khánh, rồi quỳ xuống. Tây Môn Khánh vội đỡ dậy mà bảo:
– Công tử có chuyện gì xin cứ nói, làm
vậy tôi chẳng yên tâm.
Vương Tam đứng dậy thưa:
– Tiểu điệt trẻ người non dạ nên phạm
tội, xin lão bá niệm tình phụ thân tiểu điệt là bậc võ thần có công mà tha cho
tiểu điệt phen này. Nhờ lão bá mà tiểu điệt được vẹn thanh danh để sau này làm
quan thì ơn tái sinh của lão bá đến chết tiểu điệt cũng chẳng dám quên.
Tây Môn Khánh coi tấm thiếp, thấy xin
tha tội cho đám Trương Nhàn, bèn ngạc nhiên hỏi:
– Bọn du đãng này, sáng nay tôi chỉ
trách phạt, đánh đòn rồi thả ra, sao bây giờ lại nhờ công tử xin tha là thế
nào?
Vương Tam nói:
– Bọn Trương Nhàn sáng nay tìm đến nhà
tiểu điệt, bảo là bị trừng phạt, rồi nói là lão bá bắt chúng nó tìm tiểu điệt dẫn
lại nha môn, hiện chúng đang ngồi tại nhà tiểu điệt mà ăn nói hỗn hào.
Tây Môn Khánh cau mày:
– Sao lại có chuyện đó, bọn này đáng
ghét thật, tôi đã tha cho chúng rồi, vậy mà chúng còn dám tới quý phủ quấy nhiễu.
Được rồi, công tử cứ về, tôi đã có cách.
Vương Tam nói:
– Mong ân lão bá đoái thương, ngày
khác tiểu điệt xin trọng tạ.
Nói xong lạy chào mà về. Tây Môn Khánh
tiễn xuống thềm đại sảnh mà bảo:
– Tôi hiện có tang, không tiễn xa được.
Vương Tam vái dài rồi bước thẳng ra cổng.
Văn tẩu chạy lại. Tây Môn Khánh dặn:
– Đừng làm kinh động bọn đó, ta sẽ cho
người tới bắt.
Văn tẩu ba chân bốn cẳng chạy theo,
đưa Vương Tam về. Trong khi đó Tây Môn Khánh sai một viên tiết cấp và bốn tên
quân hầu tới phủ Vương Chiêu Tuyên. Quân lính tiến vào đúng lúc bọn Trương Nhàn
đang ăn uống hào hứng ồn ào. Thấy quân lính vào, cả bọn xanh mặt. Viên tiết cấp
không nói không rằng, sai quân lính trói nghiến năm người lại. Trương Nhàn nghiến
răng nói:
– Vương Tam giỏi lắm, lừa bọn ta ở đây
rồi báo quan tới bắt phải không?
Viên tiết cấp mắng:
– Thằng này đừng có ăn nói hồ đồ. Muốn
gì thì trước mặt lão gia sẽ tha hồ nói, mày coi chừng cái mạng của mày đó.
Nói xong dẫn cả bọn về nhà riêng Tây
Môn Khánh. Tới cổng, Bình An là đám quân hầu đòi có tiền mới chịu vào bẩm. Bọn
Trương Nhàn, kẻ thì vét túi, người không có tiền thì rút cả trâm bạc trên đầu
xuống mà đưa. Bình An vào thưa rồi trở ra dẫn bọn Trương Nhàn vào quỳ trước thềm
đại sảnh. Lát sau Tây Môn Khánh bước ra tức khí quát:
– Ta đã tha cho các ngươi rồi, sao các
ngươi còn dám tới nhà người ta nói dối, lấy danh nghĩa ta ra để làm tiền phải
không? Các ngươi lấy được bao nhiêu, phải khai thật ra, nếu không ta cho nếm cực
hình, lúc đó không nói thật cũng không được.
Đoạn quay sang quát tả hữu:
– Đem kẹp ra đây cho ta.
Quân hầu dạ ran, đem mấy chục cái kẹp
sáng ngời ra.
Trương Nhàn vội rập đầu kêu:
– Xin lão gia xét cho, chúng tôi quả
không có chuyện đem uy thế lão gia ra dọa nạt Vương công tử để đòi tiền của, mà
chỉ nói là chúng tôi bị đòn vừa mới được thả ra, muốn gặp công tử để nói chuyện
thôi. Người trong nhà nói là công tử đi vắng và dọn rượu thịt ra mời, chúng tôi
vô tình ngồi ăn uống chứ tuyệt nhiên không có yêu sách điều gì.
Tây Môn Khánh bảo:
– Các ngươi được thả ra, sao không ai
về nhà nấy, mà lại kéo nhau đến nhà người ta làm gì, nếu không phải là yêu sách
tiền của thì đến làm gì. Các ngươi không chịu cung khai thì ta cho giam tại nha
môn, ngày mai sẽ dùng cực hình tra vấn.
Cả bọn kêu khóc lạy van:
– Lão gia ôi, xin đèn trời soi xét, trời
đông tháng giá mà giam chúng tôi trong ngục thì chúng tôi chết mất. Xin lão gia
sinh phúc tha cho, chúng tôi thề không bao giờ dám bén mảng tới phủ họ Vương nữa.
Tây Môn Khánh bảo:
– Được các ngươi đã biết vậy thì từ
nay không được tới nhà rủ rê con cái người ta, không được bày chuyện sách nhiễu
tiền tài. Nếu lần nữa còn tái phạm thì ta tất cho đánh chết chứ không tha.
Nói xong sai quân hầu cởi trói rồi tống
ra khỏi cổng.
Tây Môn Khánh trở vào thượng phòng.
Nguyệt nương hỏi:
– Người hồi nãy tới là ai vậy?
Tây Môn Khánh đáp:
– À, đó là Tam công tử trong Phủ Vương
Chiêu Tuyên đấy mà. Bận trước Quế Thư bị rắc rối là do hắn đó. Bây giờ con tiểu
dâm phụ đó vẫn không chừa, nhận của hắn ba chục lạng mỗi tháng, lừa dối cả tôi.
Có người báo cho tôi biết, tôi mới cho bắt bọn vừa rồi đánh cho một trận rồi thả
ra. Nhưng bọn côn đồ này lại tìm đến phủ Chiêu Tuyên nói dối là tôi cho đòi
Vương Tam tới nha môn, mục đích là để làm tiền Vương Quan. Vương Quan tưởng thật,
sợ quá nhờ Văn tẩu dẫn tới nói với tôi, trong tấm thiếp có ghi năm chục lạng lễ
vật. Tôi không chịu nhận tiền, nhưng vẫn giúp bằng cách cho bắt bọn côn đồ đó tới,
bắt chúng hứa là không được giao thiệp với Vương Tam nữa. Nhà họ Vương đời đời
là công thần võ tướng. Vương Tam hiện đang theo học tại nhà Vũ học, sau này
công danh không nhỏ, vậy mà hắn ham chơi, có vợ trẻ đẹp mà cứ bỏ ở nhà. Cũng là
do bọn côn đồ này rủ rê ăn chơi tại mấy nhà ca nữ. Hắn năm nay chỉ hai mươi là
cùng, vậy mà chẳng biết lo thân.
Nguyệt nương cười:
– Còn chàng thì hay lắm đấy, chàng
cũng ăn chơi lừng lẫy sao lại cấm đoán người ta? Mình tốt đẹp gì đâu mà trách
người khác.
Tây Môn Khánh không đáp. Lát sau đang
sửa soạn ăn cơm, Đại An vào thưa:
– Ứng nhị gia tới.
Tây Môn Khánh bảo:
– Mời Nhị gia vào thư phòng, ta ra bây
giờ.
Lai An lui ra. Vương Kinh mở cửa thư
phòng cạnh đại sảnh, mời Bá Tước ngồi. Lúc lâu sau Tây Môn Khánh bước ra.
Đôi bên chào hỏi chuyện trò. Bá Tước hỏi:
– Hôm qua đang vui tiệc tại nhà Tạ đại
ca, sao đại ca lại bỏ đi thình lình như vậy?
Tây Môn Khánh đáp:
– Tôi hồi này bận lắm, đang theo dõi kết
quả vụ khảo xét quan lại năm nay, làm sao mà so được với nhị ca là người nhàn hạ
không phải lo lắng gì.
Bá Tước lại hỏi:
– Mấy hôm nay trong nha môn có chuyện
gì lạ không?
Tây Môn Khánh đáp:
– Cũng chẳng có chuyện gì.
Bá Tước nói:
– Sao Vương Tam nói là đại ca cho bắt
bọn Trương Nhàn năm người tại nhà Quế Thư đêm mồng tám vừa rồi đem về nha môn
đánh một trận rồi sáng hôm nay thả ra. Bọn đó lại kéo tới nhà Vương Tam đòi tiền
nữa. Chuyện đó có sao đại ca lại giấu tôi?
Tây Môn Khánh im lặng. Bá Tước lại hỏi:
– Nghe đâu có cả Tôn ca và Chúc ca
cũng có mặt tại nhà Quế Thư đêm đó mà sao không bị bắt.
Tây Môn Khánh bảo:
– Đồ quỷ chỉ giỏi nghe tin đồn, nhị ca
nghe ai nói vậy? Mà có chắc là do tôi cho bắt không, hay là do phủ Thủ Bị.
Bá Tước cười:
– Phủ Thủ Bị đâu có xét những chuyện
đó.
Tây Môn Khánh bảo:
– Hay là trên huyện nhận lệnh từ kinh
đô như lần trước.
Bá Tước nói:
– Cũng không phải. Mới đầu cả nhà Quế
Thư cũng tưởng là do lệnh từ kinh đô, nên sợ lắm, nhà cứ đóng cửa kín mít, Quế
Thư thì nằm luôn trong giường, không dám thò mặt ra cửa. Nhưng về sau Lý Minh
đi dò hỏi thì đúng là phủ Đề hình bắt.
Tây Môn Khánh bảo:
– Sao lạ vậy? Mấy hôm nay tôi không ra
nha môn nên không biết có chuyện đó hay không. Vả lại Quế Thư đã thề là không
liên lạc gì với Vương Tam nữa thì việc gì phải sợ.
Bá Tước cười:
– Đại ca định giấu cả tôi sao được.
Chính Quế Thư vừa nói tới tôi đây này, vì đại ca chủ trương chuyện này nên Tôn
ca và Chúc ca mới thoát, mà Quế Thư cũng không liên lụy gì, chứ nếu như người
khác thì làm sao thoát khỏi tay quân lính. Đại ca tính thật hay, nếu bắt hết cả
lên nha môn thì hết tình hết nghĩa rồi còn gì. Nhưng chính vì thế mà Quế Thư sợ,
sợ là sợ Đại ca chứ không phải sợ gì ai ở kinh đô đâu, mà Tôn ca Chúc ca từ nay
nhìn mặt đại ca cũng phải xấu hổ. Tôi nói thật, đại ca thật đúng với câu “Chân
nhân không lộ diện, mà lộ diện không phải chân nhân”. Đại ca là người mưu trí lớn
lên mới hành động được như vậy chứ người khác thì đâu được vậy.
Tây Môn Khánh nghe xong khoái chí cười
phá lên bảo:
– Tôi mà mưu trí gì.
Bá Tước bảo:
– Không biết ai mách cho đại ca mà đại
ca hành động thật tuyệt đúng là cơ mưu thần tình, quỷ thần cũng không lường trước
được.
Tây Môn Khánh cười:
– Đồ ngốc, để người ta biết trước thì
còn làm ăn gì được nữa.
Bá Tước bảo:
– Đại ca không đòi Vương Tam tới nha
môn là phải lắm.
Tây Môn Khánh nói:
– Đòi hắn tới làm gì, ngay từ lúc đầu,
tôi đã gạch tên Vương Tam, Quế thư và Tôn ca, Chúc ca đi rồi, chỉ cho bắt bọn
Trương Nhàn du đãng mà thôi.
Bá Tước nói:
– Từ nay bọn Trương Nhàn đố đám còn
lui tới với Vương Tam nữa.
Tây Môn Khánh bảo:
– Nhị ca không biết, vậy mà sáng nay bọn
đó còn tới nhà Vương Tam để định làm tiền, nói là tôi cho đòi Vương Tam đến nha
môn. Nhưng Vương Tam nhanh chân tự tới đây lạy lục tạ tội, tôi mới cho bắt ngay
bọn Trương Nhàn, dọa cho một hồi rồi mới thả ra. Hồi nãy Vương Tam tới đây một
điều gọi tôi là lão bá, hai điều tự xưng là tiểu điệt, lại còn xin lễ tôi năm
chục lạng, nhưng tôi đời nào chịu nhận. Hắn có hứa là sẽ mời tôi tới nhà để tạ
ơn đó.
Bá Tước kinh ngạc:
– Hắn tới đây tạ tội với đại ca thật
sao?
Tây Môn Khánh cười:
– Ai nói láo với nhị ca làm gì.
Đoạn quay lại bảo Vương Kinh:
– Vào đem tấm thiếp của Vương công tử
vừa rồi ra cho nhị gia coi.
Vương Kinh đem thiếp ra đưa cho Bá Tước.
Bá Tước xem xong nói:
– Mưu kế đại ca thần diệu thật, không
ai lường nổi.
Tây Môn Khánh dặn:
– Nhị ca gặp bọn Quế Thư thì cứ nói là
tôi không hay biết chuyện này.
Bá Tước đáp:
– Tôi hiểu rồi, đại ca đã không muốn
thì tôi nói làm gì.
Lát sau Bá Tước đứng dậy cáo từ rồi
nói:
– Lát nữa Tôn ca và Chúc ca có tới đây
thì đại ca đừng nói là tôi đã tới đây.
Tây Môn Khánh nói:
– Họ có tới tôi cũng không tiếp.
Bá Tước bước ra về. Tây Môn Khánh dặn
gia nhân, hễ Tôn Chúc hai người tới thì nói là đi vắng, cả Quế Thư cũng vậy.
Từ đó Tây Môn Khánh ghét Quế Thư,
không cho tới nhà, không gọi tới hát trong những buổi tiệc tùng, cả Lý Minh
cũng vậy, cách đối xử thật vô cùng lạnh nhạt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét