HỒI 64.
Rộn rịp ma chay
Tây Môn Khánh nhờ Bá Tước khuyên giải nên cũng tạm khuây khỏa, đang trò chuyện thì hai anh em Ngô Đại cữu và Ngô Nhị cữu tới phân ưu. Hai người làm lễ trước bàn thờ Bình Nhi rồi mới vái chào Ứng Bá Tước và trò chuyện cùng mọi người.
Trong khi đó Đại An vào trong thưa với
Nguyệt nương:
– Đó, Đại nương thấy không? Tôi nói có
sai đâu. Đại nương không tin, nhưng thử hỏi tại sao Ứng nhị gia chỉ tới nói vài
câu là gia gia sai đem đồ ăn ra?
Kim Liên bảo:
– Thằng giặc chết đâm này gớm lắm, gia
gia đi đâu cũng có nó đi theo, hèn gì nó chẳng hiểu tính nết gia gia.
Đại An cười:
– Tôi theo hầu gia gia từ lúc tôi còn
nhỏ, nay lại không biết rõ bụng dạ của chủ hay sao.
Nguyệt nương hỏi:
– Có những ai cùng ăn với gia gia?
Đại An đáp:
– Thì có Ngô Đại cữu và Ngô Nhị cữu mới
tới, lại có Ôn sư phụ, Ứng nhị gia, Hàn quản lý và cậu Kính Tế, kể luôn gia gia
là tám người tất cả.
Nguyệt nương bảo:
– Cậu Kính Tế thì để mời vào trong này
ăn được rồi, việc gì lại phải ngồi ở ngoài đó.
Đại An thưa:
– Cậu ấy đã ngồi rồi, mời vào e không
tiện.
Nguyệt nương dặn:
– Ngươi bảo mấy đứa nó vào bếp đem đồ
ăn lên, còn ngươi thì đem riêng cháo cho gia gia ăn, sợ là gia gia mệt, không
nên ăn đồ nặng.
Đại An đáp:
– Gia nhân ở nhà còn ai đâu, gia gia
sai đi báo tang hết rồi. Vương Kinh thì được sai tới nhà Trương thân gia để mượn
cái gì đó.
Nguyệt nương hỏi:
– Thế còn thằng Thư Đồng đâu, không
sai nó làm thì để làm gì?
Đại An đáp:
– Thư Đồng thì đang cùng Họa Đồng đứng
hầu bên linh cữu để lo việc nhang đèn. Xuân Hồng thì gia gia sai đi đổi lụa vì
cho là không phải thứ lụa tốt, bây giờ phải đổi lấy thứ lụa sáu tiền một xấp để
may tang phục.
Nguyệt nương bảo:
– May tang phục thì dùng thứ lụa năm
tiền một xấp là được rồi. Việc gì còn phải đi đổi nữa. Nhưng thôi, bây giờ
ngươi phải gọi thêm Họa Đồng hay đứa nào cùng ngươi đem đồ ăn lên chứ để gia
gia đợi mãi sao đây?
Đại An lui ra cùng Họa Đồng dọn bàn
bưng đồ ăn lên. Mọi người đang ăn uống thì Bình An vào thưa:
– Hạ Đề hình sai lính hầu tới để giúp
việc.
Nói xong đưa thiếp của Hạ Đề hình lên.
Tây Môn Khánh xem xong bảo:
– Lấy ít tiền thưởng cho họ, rồi bảo
viết thiếp cảm tạ Hạ lão gia.
Mọi người ăn xong, Đại An và Họa Đồng
dọn dẹp bát đũa thì Lai Bảo dẫn họa sư Hàn tiên sinh tới.
Chủ khách thi lễ xong, Tây Môn Khánh bảo:
– Phiền tiên sinh vẽ cho một bức truyền
thần.
Hàn tiên sinh đáp:
– Xin vâng.
Ngô Đại cữu bảo:
– Nên vẽ ngay đi, chậm trễ e rằng dung
nhan thay đổi mất.
Hàn tiên sinh đáp:
– Không sao, tôi xin bắt đầu ngay.
Tây Môn Khánh mời uống trà. Bỗng Bình
An vào báo:
– Hoa đại cửu tới.
Hoa đại cữu tới trước linh sàng lạy
khóc một hồi, rồi thi lễ và cùng mọi người trò chuyện, đoạn hỏi:
– Lục nương đi vào giờ nào vậy?
Tây Môn Khánh đáp:
– Đúng giờ Sửu. Trước đó còn nói chuyện
với tôi tỉnh táo lắm. Nhưng lúc tôi vừa chợp mắt ngủ được chút thì a hoàn tới
báo là tiểu thiếp tôi đã đi rồi.
Hoa đại cửu hay Hàn tiên sinh ngồi
bên, đằng sau có tiểu đồng cầm giấy bút và giá vẽ bèn hỏi:
– Dượng định cho truyền thần đấy à?
Tây Môn Khánh ứa lệ đáp:
– Tôi yêu quý nàng lắm, nay nàng khuất
đi rồi thì tôi muốn có hình ảnh của nàng để thỉnh thoảng ra vào nhìn cho đỡ nhớ.
Nói xong sai gia nhân mở các cửa bên
trong cho người vào chỗ đặt linh sàng. Hàn tiên sinh xin phép mở vải che mặt
Bình Nhi ra, thấy nàng tuy bệnh lâu ngày nhưng nhan sắc không giảm sút, nét mặt
bình thản như còn đang sống. Má còn tươi, môi còn hồng, dung nhan vẫn thập phần
khả ái. Tây Môn Khánh nhìn mặt Bình Nhi, lại không nén nổi xúc động, che mặt mà
khóc, Hàn tiên sinh chuẩn bị đồ nghề. Bá Tước bảo:
– Tiên sinh à, đây là Lục nương đã khuất
rồi mà dung nhan vẫn còn như vậy đó, tiên sinh không biết chứ lúc sinh thời,
dung nhan còn muôn phần diễm lệ hơn nhiều.
Hàn tiên sinh nói:
– Dạ điều đó chúng tôi đã biết.
Đoạn quay sang Tây Môn Khánh:
– Dám hỏi lão gia, có phải ngày mồng một
tháng tám vừa rồi phu nhân đây có tới dâng hương tại Nhạc miếu phải không? Nếu
đúng thì hôm đó tôi đã có hân hạnh diện kiến.
Tây Môn Khánh đáp:
– Đúng vậy đó, ngày ấy tiểu thiếp tôi
còn đẹp lắm. Tiên sinh cố nhớ lại mà vẽ giùm một bức thật lớn chỉ có khuôn mặt,
và một bức bán thân. Tiên sinh dụng tâm giùm cho, tôi xin tặng mười lạng bạc và
một xấp lụa quý.
Hàn tiên sinh đáp:
– Lão gia dặn, tôi đâu dám chẳng tận
tâm.
Nói xong, dựng giá vẽ, phác họa vài
nét bán thân rồi trao cho mọi người coi thử. Mọi người xúm vào coi thì thấy:
Mặt hoa nét ngọc rành rành
Da tuyệt hơi thơm thoang thoảng.
Mới chỉ vài nét đơn sơ đã rõ ra là một
bức họa mỹ nhân, mọi người trầm trồ khen tặng tài danh họa. Tây Môn Khánh bảo Đại
An:
– Đem bức họa này vào cho Đại nương coi thử xem có đẹp không, có giống không, có cần sửa đổi gì không.
Đại An vâng lời, cầm bức họa vào đưa
cho Nguyệt nương coi rồi thưa:
– Gia gia nói là Đại nương coi thử bức
phác họa này xem có đẹp không, và có chỗ nào không giống thì để Hàn tiên sinh sửa
lại.
Nguyệt nương coi qua rồi bảo:
– Sao mà vẽ vời quá, người chết giờ
này đã đi tới phương nào rồi, còn lưu lại hình ảnh làm gì.
Kim Liên bảo:
– Vẽ hình để lại cho con cháu thờ lạy
cũng được chứ gì. Nay mai sáu người chết cả sáu thì vẽ sáu bức truyền thần mà để
lại.
Ngọc Lâu coi bức họa rồi nói:
– Đại nương coi này, bức họa thật giống
người, cứ y như là lúc Lục muội còn sống ấy thôi. Tuy nhiên có cái miệng chưa
được giống lắm.
Nguyệt nương coi lại rồi bảo:
– Góc trán bên trái hơi thấp một chút,
mà lông mày Lục nương cong hơn thế này một chút, nên nói với họa sư là coi kỹ lại
mặt Lục nương mà sửa lại cho thật giống.
Đại An nói:
– Hàn tiên sinh lúc trước có được diện
kiến Lục nương một lần tại Nhạc miếu rồi, nên mới chỉ phác họa mà đã giống như
vậy đó, bây giờ sửa lại cũng dễ.
Đang nói thì Vương Kinh vào thưa:
– Các nương nương coi xong thì cho đem
ra để Kiều thân gia coi. Kiều thân gia tới nãy giờ và đang chờ coi đó.
Đại An bèn cầm bức phác họa ra nói:
– Các nương nương bảo là miệng chưa được
giống lắm, góc trán bên trái hơi thấp một chút, lông mày phải cong hơn một
chút.
Hàn tiên sinh tiếp lấy bức họa bảo:
– Không sao, để sửa lại là được ngay.
Đoạn loay hoay sửa lại rồi đưa cho Kiều
đại hộ xem. Kiều đại hộ coi xong bảo:
– Bức truyền thần này quả là linh động
như người sống, có điều là không nói được mà thôi.
Tây Môn Khánh hài lòng lắm, gọi gia
nhân đem rượu ra, tự tay rót mời Hàn tiên sinh ba chung, lại sai lấy một xấp lụa
quý và mười lạng bạc ra đưa trước, đoạn nói:
– Phiền tiên sinh dụng tâm giùm cho,
miễn sao từ nay tới ngày đưa đám mà có là được rồi, một bức chân dung và một bức
bán thân, tiên sinh nhớ giùm cho. Rồi phiền tiên sinh tìm cho mấy cái khung thật
đẹp.
Hàn tiên sinh đáp:
– Xin lão gia cứ yên tâm, những điều
đó tôi đã rõ, lão gia không cần phải dặn.
Lát sau, hai bức phác họa đã vẽ xong,
Hàn tiên sinh đậy mặt Bình Nhi rồi thu xếp đồ nghề, cáo từ mà về.
Tây Môn Khánh tiễn Hàn tiên sinh ra về
rồi trở lại đại sảnh, cùng mọi người ngắm nghía bộ áo quan vừa hoàn tất. Lát
sau Kiều đại hộ bảo:
– Hôm nay thân gia nên cho làm tiểu tẫn
là hơn.
Tây Môn Khánh đáp:
– Vâng, hôm nay sẽ gọi người làm tiểu
liệm, còn đại liệm thì đợi đến ngày mồng ba.
Kiều Đại hộ gật đầu rồi cáo từ.
Lát sau, mấy người chuyên lo việc tẩm
liệm tới, Tây Môn Khánh đích thân đứng coi, lại lấy một hạt minh châu bỏ vào miệng
Bình Nhi. Lễ tiểu liệm xong xuôi, lớn bé trong nhà tề tựu trước linh sàng mà
khóc.
Sau đó Tây Môn Khánh xuất tiền để mua
mọi thứ cần dùng cho đám tang. Bá Tước được cử giữ sổ sách chi tiêu về tang lễ.
Hàn quản lý được giao cho năm trăm lạng để chi tiêu, Lai Hưng và Bôn Tứ được cử
làm chân mua bán vật dụng, đồng thời lo việc cung cấp tiệc tùng đãi khách. Bá
Tước, Hy Đại, Ôn Tú tài và Cam quản lý cùng lo việc tiếp đãi những người tới
phúng điếu. Thôi Bản chuyên lo nhận và xếp đặt đối trướng. Lai Bảo lo nhà cửa
phòng ốc. Xuân Hồng và Họa Đồng lo việc hầu hạ đèn hương trên bàn thờ. Những việc
lặt vặt khác cũng được giao phó cho từng người trong nhà. Công việc cắt đặt
xong xuôi, người nào lo việc nấy.
Hôm đó Tiết thái giám cũng cho người
đem đồ lễ và đối trướng lại phân ưu. Tây Môn Khánh thưởng xâu tiền cho gia nhân
của Tiết thái giám, đồng thời sai viết thiếp cám ơn. Lại cho mười hai vị tăng của
chùa Báo Ân tới tụng niệm ngày đêm.
Hoa Đại cữu và Ngô Nhị cữu trò chuyện
một lúc rồi cáo từ.
Tây Môn Khánh tiễn ra thềm rồi trở vào
bảo Ôn Tú tài viết hiếu thiếp, đề bốn chữ “Kinh phụ yểm thệ”, rồi
ra ngoài lo đốc thúc gia nhân. Ôn tú tài viết xong, đưa cho Bá Tước coi để hỏi
ý kiến, Bá Tước nói ngay:
– Thế này không ổn, dầu sao thì hãy
còn Ngô Đại nương là chính thất, làm vậy e thiên hạ dị nghị, mà Ngô Đại cữu chắc
cũng không vui. Để rồi tôi sẽ nói lại.
Mọi người giúp Tây Môn Khánh lo việc,
đến tối mới ai về nhà nấy. Hôm đó, Tây Môn Khánh sai kê một cái giường nhỏ gần
linh sàng để nằm ngồi nghỉ ngơi, dùng bình phong che khuất đi, chỉ cho Thư Đồng
và Xuân Hồng hầu hạ, không cho người nào lai vãng.
Cứ sáng sớm thì Tây Môn Khánh vào
phòng Nguyệt nương rửa mặt và ăn sáng. Ngay từ hôm sau Tây Môn Khánh đã mặc quần
áo tang, đội mũ trắng đi hài trắng.
Hạ Đề hình cũng thân tới phúng điếu.
Tây Môn Khánh dùng Ôn Tú tài tiếp đãi. Hạ Đề hình uống trà xong, cáo từ mà về.
Trước khi về còn gọi đám lính trong nha môn lại dặn là phải phục dịch chu đáo,
người nào không lo tròn phận sự sẽ bị nghiêm trị. Sau đó mới lên ngựa mà về.
Ngô Ngân Nhi nghe tin cũng ngồi kiệu tới
phúng điếu. Lạy khóc trước linh sàng một hồi rồi vào thượng phòng chào Nguyệt
nương, đoạn khóc mà nói:
– Lục nương mất rồi, thật tội nghiệp
quá. Vậy mà chẳng ai nói gì, mãi đến hôm nay tôi mới biết.
Ngọc Lâu hỏi:
– Dù sao thì ngươi cũng là con nuôi của
Lục nương, vậy mà Lục nương đau yếu bao lâu, chẳng thấy ngươi đến thăm gì cả.
Ngân Nhi đáp:
– Tam nương trách cứ thật đúng, nhưng
quả là tôi không hề hay biết.
Nguyệt nương bảo:
– Ngươi không nhớ mà tới thăm Lục
nương, nhưng Lục nương thì khi nào cũng nhớ tới ngươi, lúc lâm chung còn tặng kỷ
vật cho ngươi, ta đã giữ giùm ngươi rồi.
Đoạn quay lại bảo Tiểu Ngọc:
– Ngươi lấy ra cho Ngân thư coi đi.
Tiểu Ngọc chạy vào trong lấy ra một
cái hộp đưa cho Ngân Nhi. Mở ra thấy có một bộ xiêm y bằng lụa quý, hai cây
trâm vàng và một cành hoa bằng vàng để cài áo. Ngân Nhi khóc như mưa như gió rồi
nói:
– Tôi mà biết Lục nương đau nặng thì
đã đến hầu hạ Lục nương rồi.
Nói xong lạy tạ Nguyệt nương. Nguyệt
nương mời Ngân Nhi dùng trà rồi bảo ở lại vài ngày.
Hôm sau lễ tụng kinh siêu thoát được cử
hành, lớn nhỏ trong nhà kéo tới đại sảnh lạy khóc. Lân lý xóm giềng sang điếu
tang, thân bằng quyến thuộc các nơi và các quan phủ trong huyện cũng tới phân
ưu.
Sau đó Từ tiên sinh tới để coi việc đại
liệm. Xong xuôi thì làm lễ nhập quan. Tây Môn Khánh bảo Nguyệt nương chọn bốn bộ
xiêm y thật đẹp bỏ vào áo quan, bốn góc áo quan lại để bốn đĩnh bạc. Hoa Đại cữu
bảo:
– Vàng bạc để dưới đất lâu ngày sẽ tan
biến đi, tống tiễn người chết như vậy là không nên.
Nhưng Tây Môn Khánh nhất định không
nghe.
Nhập quan xong, áo quan được đóng
đinh. Lớn bé trong nhà lại nhất loạt khóc than rầm rĩ. Tây Môn Khánh khóc ngất
mà nói:
– Nàng ơi, thế là từ nay tôi chẳng bao
giờ còn thấy mặt nàng nữa.
Khóc lóc một hồi, làm lễ xong thì mọi
người giải tán. Lát sau Tây Môn Khánh sai dọn tiệc chay để thết đãi Từ tiên
sinh, rồi tiễn ra về. Lại có gia nhân vào báo là Đỗ trung thư tới để đề minh
tinh[96]. Đỗ trung thư nguyên là một chức việc
trong điện Chân Tông, nhưng đã bị cách chức nằm nhà.
Tây Môn Khánh thân bước xuống thềm đại
sảnh đón lên, tự tay rót ba chung rượu mà mời, có Bá Tước và Ôn Tú tài ngồi bên
tiếp chuyện. Tây Môn Khánh sai đem lụa bạch ra để Đỗ Trung thư đề minh tinh, lại
có ý muốn viết mười một chữ: “Chiếu phong Cẩm y Tây Môn cung nhân Lý thị
cữu”, nhưng Bá Tước bảo:
– Vị chính thất hiện còn sống, viết
như vậy sao được.
Đỗ Trung thư nói:
– Đại nhân đây nói phải.
Đoạn giảng giải một hồi, rồi đề nghị
là đổi chữ “cung” thành chữ “thất”.
Ôn tú tài cũng nói:
– Hai chữ “cung nhân” là dùng cho các
bậc mệnh phụ có tước vị, mình không nên tiếm dụng, hai chữ “thất nhân” chỉ người
trong nhà, như thế vừa tự nhiên vừa là lối xưng hô thông thường, nên dùng lắm.
Tây Môn Khánh cho là phải. Minh tinh
được viết xong, riêng hai chữ “chiếu phong” thì được thiếp vàng, đoạn cho treo
trước linh cữu. Sau đó Tây Môn Khánh dọn tiệc rượu khoản đãi Đỗ trung thư rồi
tiễn ra về.
Hôm đó các thân thích như Ngô Đại cữu,
Hoa đại cữu, Hàn di phu, Trầm di phu đều đem lễ tam sinh tới thắp hương tế lễ.
Kiều Đại nương, Ngô Đại cữu mẫu, Ngô Nhị cữu mẫu, Hoa Đại cữu mẫu cũng ngồi kiệu
đến điếu tang khóc lóc. Nguyệt nương và các tiểu thiếp khăn tang áo xô đáp lễ rồi
mời vào phòng trong, uống trà nói chuyện.
Trong đám khách khứa chỉ có vợ chồng
Hoa Đại cữu là mặc đồ đại tang, còn bao nhiêu chỉ mặc đồ tiểu tang.
Hôm đó Lý Quế Thư nghe tin, cũng đến
phúng điếu, thấy Ngân Nhi bèn bảo:
– Thư thư tới đây bao giờ vậy? Thư thư
biết tin sao không nói cho tôi một câu. Thật là thư thư chỉ biết có mình mà
thôi.
Ngân Nhi đáp:
– Tôi cũng chẳng biết tin tức gì, nếu
biết tôi đã tới đây từ trước rồi.
Loanh quanh đã tới với ngày mồng bẩy.
Thêm mười sáu vị tăng của chùa Báo Ân tới tụng kinh Pháp Hoa. Thân bằng quyến
thuộc xa gần vẫn tiếp tục tới phúng điếu. Tây Môn Khánh và Nguyệt nương bù đầu
ngày đêm vì phải tiếp khách và lo các công việc.
Hôm đó Ngô Đạo quan ở miếu Ngọc Hoàng
cũng tới phúng điếu được Tây Môn Khánh mời dùng tiệc chay. Đang ngồi nói chuyện
thì gia nhân vào thưa:
– Hàn tiên sinh cho đem bức họa truyền
thần tới.
Tây Môn Khánh coi bức họa, thấy vẽ
Bình Nhi đầu đội mũ Kim thúy có gắn hạt châu, mình mặc áo đại hồng, mặt mày
xinh tươi linh động như lúc còn sống. Tây Môn Khánh ngắm nghía một lúc lâu, hài
lòng lắm, rồi cho dựng trước đầu linh cữu, khách khứa ra vào ai cũng trầm trồ
khen ngợi bức họa trong như thật.
Lát sau Hàn tiên sinh tới, Tây Môn
Khánh ân cần mời vào uống rượu nói chuyện, đoạn bảo:
– Bức họa bán thân này đẹp lắm, còn bức
truyền thần đại ảnh, xin tiên sinh gia công vẽ thật khéo cho.
Hàn tiên sinh đáp:
– Tôi cầm cây bút là cẩn thận từng ly
từng tí, đâu dám sơ suất.
Tây Môn Khánh thưởng cho ít bạc nữa rồi
tiễn ra.
Gần trưa thì Kiều đại hộ đem thật nhiều
lễ vật như lợn, dê và các thứ khác đến làm tế lễ. Phường bát âm cử nhạc inh ỏi.
Kiều đại hộ làm lễ trước linh cữu. Tây
Môn Khánh và Kính Tế mặc đồ tang quỳ hai bên linh cữu mà trả lễ. Tiếp đó, những
thân quyến của Kiều đại hộ như Thượng cử nhân, Chu Đường quan, Ngô Đại cữu, Lưu
Học quan, Hoa Thiên hộ, Đoạn thân gia, sáu bảy người cùng bước tới làm lễ dâng
hương. Trong khi đó bài sớ tế được đọc lên như sau:
– Hôm nay là ngày Tân Tỵ, tháng Canh
Thân, năm Đinh Dậu, Chính Hòa thứ bảy, chúng tôi là Kiều Hồng cùng thân thích,
kính cẩn làm lễ trước linh cữu Cố thân gia mẫu, Tây Môn phu nhân Lý thị. Thân
gia lúc sinh thời tính tình khoan nhu ôn hậu, quán xuyến gia đình thì lấy cần
kiệm làm gốc khiến người trong nhà phải kính cẩn mến thương, quả đã làm tròn đạo
vợ hiền. Thân gia như lan như huệ, sánh cùng người quân tử, cuộc đời hạnh phúc
muôn phần. Nhưng đang lúc hưởng hạnh phúc, duyên cầm sắt tưởng ngàn đời vĩnh cửu,
chữ “Thọ” kia tưởng những vô cương, thì không may lâm bệnh mà cuộc đời như giấc
hoàng lương, khiến cho người người không nén nổi bi thương. Nay thì đã hoàn
toàn cách biệt âm dương. Chúng tôi đây thương xót khôn lường. Thân gia có linh
thiêng thì xin chứng giám cho chúng tôi.
Đám Kiều đại hộ tế xong, được Tây Môn
Khánh mời vào tiệc. Lát sau thì Kiều Đại nương, vợ Chu Đường quan, vợ Thượng cử
nhân và Đoạn Đại thư cũng vào tế trước linh cữu.
Nguyệt nương cùng đám tiểu thiếp khóc
lạy trả lễ rồi mời vào thượng phòng khoản đãi.
Ngoài này Tây Môn Khánh đang cùng
khách khứa dùng tiệc thì nghe ngoài đường có tiếng quân hầu la hét dẹp đường,
tiếng trọng phách, rồi gia nhân lật đật vào báo:
– Có Hồ lão gia trên phủ xuống điếu
tang, hiện đã xuống kiệu ngoài cổng.
Tây Môn Khánh hoảng lên, vội nhờ Ôn tú
tài ra nghênh tiếp còn mình thì bước tới cạnh linh cữu đứng chờ. Quân hầu đem
vàng hương vào trước, rồi Hồ Phủ doãn mặc áo trắng đeo đai vàng bước sau, quan
viên tùy tùng cũng theo vào. Tới trước linh cữu, Hồ Phủ doãn đứng lại, Xuân Hồng
quỳ xuống đưa một bó hương đã đốt rồi, Hồ Phủ doãn cắm hương vào bát hương rồi
vái hai vái.
Tây Môn Khánh sụp lạy trả lễ rồi nói:
– Kính xin lão tiên sinh tự nhiên, thật
là làm phiền lão tiên sinh quá lắm.
Nói xong mời Hồ Phủ doãn ra ngoài. Hồ
Phủ doãn bảo:
– Lệnh phu nhân quy tiên giờ nào vậy?
Mãi tới hôm qua tôi mới biết thành thử tới điếu tang hơi chậm, xin thứ lỗi.
Tây Môn Khánh nói:
– Trắc thất chúng tôi mất vào giờ Sửu,
vì bệnh không cứu được, nay lão tiên sinh nhọc lòng tới điếu, thật uổng công
lão tiên sinh quá.
Ôn tú tài đứng bên vái một vái rồi
nâng chung trà mà mời. Hồ Phủ doãn uống trà, nói vài câu chuyện rồi đứng dậy
cáo từ. Ôn tú tài đưa tiễn ra tận ngoài cổng lớn.
Mãi tới chiều, những người tới điếu
tang vẫn còn đông nườm nượp.
Hôm sau, ca nữ Trịnh Ái Nguyệt đem lễ
tam sinh và nhiều lễ vật khác tới phúng điếu, lạy khóc trước linh cữu. Nguyệt
nương tặng lại một xấp lụa, đoạn ra ngoài hỏi Tây Môn Khánh:
– Mình nên thưởng tiền cho Quế Thư và
Ngân Nhi chứ?
Tây Môn Khánh đáp:
– Không cần, thưởng cho mỗi đứa một xấp
lụa là được rồi.
Tối hôm đó đám ca nữ được Nguyệt nương
mời ở lại để khoản đãi. Đám ca công như Lý Minh, Ngô Huệ, Trịnh Phụng, Trịnh
Xuân cũng có mặt để chờ sai bảo.
Tây Môn Khánh cho đặt mười lăm bàn tiệc
lớn tại đại sảnh để khoản đãi thân bằng quyến thuộc. Thực khách gồm Ngô Đại cữu,
Ngô Nhị cữu, Hoa Đại cữu, Trầm di phu, Hàn di phu, Nghê Tú tài, Ôn Tú tài, Nhiệm
Y quan, Lý Tam, Hoàng Tứ, Bá Tước, Trĩ Tiết, Hy Đại, Chúc Thật Niệm, Tôn Thiên
Hóa, Bạch Lãi Quang, các quản lý Phó, Hàn, Cam, hai đứa cháu bên ngoại và các
lân lý hàng xóm. Để giúp vui bữa tiệc, Tây Môn Khánh đã cho gọi một đoàn hát tới
hát tuồng. Mọi người ăn tiệc vừa coi hát.
Mở đầu bữa tiệc, thực khách vào tế trước
linh cữu. Tây Môn Khánh và Kính Tế lạy trả. Sau đó bữa tiệc bắt đầu, đoàn hát
cũng khởi sự diễn. Sau một hồi tuồng, Bá Tước nói:
– Nghe nói là hiện có ba ca nữ đang ở
trong nhà, sao đại ca không cho gọi ra rót rượu mời Kiều thân gia và lão cữu
đây.
Tây Môn Khánh bèn sai Đại An vào gọi
ba ca nữ ra. Kiều Đại hộ nói:
– Không nên, người ta tuy là ca nữ,
nhưng hôm nay tới đây là để điếu tang, sao lại gọi ra chuốc rượu.
Bá Tước nói:
– Lão thân gia cứ để mặc chúng nó, có
chúng nó ở đây tội gì không gọi ra.
Đoạn quay lại bảo Đại An:
– Ngươi cứ vào nói. Ứng nhị gia bảo là
Lục nương mất đi, chúng nó phải tỏ lòng hiếu thuận bằng cách ra ngoài này chuốc
rượu cho lão thân gia và lão cữu cùng chúng ta.
Đại An vào một lúc rồi trở ra thưa:
– Các thư thư nói là có Ứng nhị gia tại
đây nên không chịu ra.
Bá Tước bảo:
– Nếu vậy thì để ta đi.
Nói xong đứng dậy bước vài bước, nhưng
rồi lại trở về ngồi xuống. Tây Môn Khánh cười:
– Sao không đi, lại trở lại vậy?
Bá Tước đáp:
– Tôi trở lại là chờ ba con tiểu dâm
phụ đó ra đây, mắng cho mấy câu đỡ tức rồi mới đi được.
Đoạn lại giục Đại An vào gọi ba ca nữ
ra. Đại An vào nói là Bá Tước chịu bỏ đi, ba ca nữ mới từ từ bước ra, tất cả đều
mặc áo trắng, quần đoạn xanh, bước tới trước tiệc lạy chào thực khách rồi cười
tủm tỉm đứng một bên chờ đợi.
Bá Tước hỏi:
– Bao nhiêu khách tại đây, vậy mà gọi
ra sao các ngươi cứ chùng chình không chịu ra ngay?
Ba ca nữ im lặng không trả lời, nhưng
đưa mắt cho nhau rót rượu mời Kiều đại hộ và Ngô Đại cữu. Trong khi đó đoàn hát
tiếp tục diễn tới đoạn Bạo Tri Bản tới nhà Ngọc Tiêu, bà mẹ ra nghênh tiếp. Bạo
Tri Bản hỏi:
– Sao lão không gọi thư thư ra đây?
Bà mẹ đáp:
– Bạo quan nhân à, quan nhân thật
không biết tính người, con gái tôi đã không muốn ra thì không thể mời gọi gì được,
quan nhân bảo tôi làm sao gọi nó bây giờ.
Quế Thư coi tới đây cười bảo:
– Ông họ Bạo này quả giống ông họ Ứng
đây như đúc.
Ngân Nhi tiếp:
– Cũng vô duyên y như nhau, chẳng khác
gì cả.
Bá Tước trêu tức:
– Con dâm phụ kia, tao vô duyên sao mẹ
mày lại thích tao?
Quế Thư trả đũa ngay:
– Có mà thích cái cóc khô.
Tây Môn Khánh hơi bực mình:
– Thôi, coi tuồng đi, còn nói lôi thôi
nữa là bị phạt một chung rượu lớn đó.
Bá Tước vội im lặng uống rượu coi tuồng.
Hai cánh rèm thượng phòng được vén lên
để mỗi người trong nhà có thể xem tuồng. Trong cánh rèm bên trái có Ngô Đại cữu
mẫu, Ngô nhị cữu mẫu, Dương cô nương, Phan bà, Ngô đại di, Mạnh Đại nương, Trịnh
tam thư, Đoạn Đại thư, Nguyệt nương và các tiểu thiếp. Trong cánh rèm bên phải
có Xuân Mai, Ngọc Tiêu, Lan Hương, Nghênh Xuân và Tiểu Ngọc.
Một gia nhân là Trịnh Kỷ bưng thức ăn
đi ngang, Xuân Mai gọi lại hỏi:
– Mang thức ăn cho ai vậy?
Trịnh Kỷ đáp:
– Đem lên để Ngô Đại cữu mẫu cùng các
nương nương dùng.
Xuân Mai bèn thò tay cầm một chung trà
trên mâm định uống. Trong khi đó, Tiểu Ngọc xem tuồng, thấy trong tuồng có một
kỹ nữ cũng tên Ngọc Tiêu, bèn khều Ngọc Tiêu mà nói đùa:
– Kìa, có khách tới tìm, mụ đầu đang
kêu chị, sao chị không ra?
Nói xong xô Ngọc Tiêu ra đằng trước.
Ngọc Tiêu không đề phòng, chúi người ra trước, không gượng lại được, đâm sầm
ngay vào Xuân Mai, vừa đúng lúc Xuân Mai cầm chung trà. Trà nóng đổ ướt hết áo,
Xuân Mai giận dữ mắng Ngọc Tiêu:
– Đồ dâm phụ, có gì mà đùa giỡn vậy?
Làm trà đổ hết ra áo người ta đây này, may mà không vỡ chung.
Xuân Mai hơi to tiếng. Tây Môn Khánh
ngoài này nghe được bèn sai Lai An vào hỏi:
– Trong này có chuyện gì huyên náo vậy?
Xuân Mai ngả người trên ghế đáp:
– Anh ra nói rằng con dâm phụ Ngọc Tiêu
nó ngứa nghề nên đùa giỡn ầm ĩ đó.
Lai An trở ra, nhưng thấy Tây Môn
Khánh đang nói chuyện nên không thưa lại. Tây Môn Khánh bận thù tiếp nên cũng
quên đi.
Nguyệt nương thấy ồn ào bèn bước sang,
thấy Tiểu Ngọc ở đó thì hỏi:
– Cả ngươi cũng ra đây ngồi nữa sao?
Trong phòng có ai coi sóc?
Tiểu Ngọc đáp:
– Trong phòng hiện chỉ có nhị vị sư
bà, đã có Đại cô nương thù tiếp rồi.
Nguyệt nương bảo:
– Các ngươi tụ lại hết ở đây, đã không
coi tuồng mà lại còn làm huyên náo nữa hay sao?
Xuân Mai vội đứng dậy nói:
– Chính nó đùa giỡn cười nói, không
cho ai coi tuồng cả.
Nguyệt nương mắng Tiểu Ngọc vài câu rồi
trở về chỗ ngồi tiếp tục coi tuồng.
Ngoài kia, Kiều Đại hộ và Nghê tú tài
đứng dậy cáo từ. Trầm di phu, Hàn di phu và Nhiệm Y quan cũng định đứng dậy.
Nhưng Bá Tước đã ngăn lại mà bảo:
– Chủ nhân đâu, sao không nói gì vậy?
Chúng tôi đây chỉ là bằng hữu mà chưa dám đứng dậy cáo từ, vậy mà chỗ thân gia
đã đòi về sớm.
Tây Môn Khánh sai đem một vò rượu quý
ra rồi nói:
– Xin liệt vị ngồi lại uống hết vò
này, tôi sẽ không dám lưu giữ nữa đâu.
Đoạn sai lấy chung ra, rót một chung đầy
đưa cho Ngô Đại cữu mà bảo:
– Vị nào bỏ tiệc thì bị phạt như Đại cữu
đây.
Mọi người thấy vậy lại ngồi xuống, uống
rượu coi hát. Tây Môn Khánh nghe đào kép hát tới câu:
“Kiếp này đã khó gặp nhau,
Thì mượn nét vẽ quên sầu nhớ thương.”
Tự nhiên nghĩ tới Bình Nhi, rồi nhớ lại nét mặt Bình Nhi lúc còn nằm bệnh, bất giác lòng đau như cắt, nước mắt ứa ra, vội rút khăn tay thấm mắt.
Tình cờ Kim Liên ngồi trong rèm nhìn
thấy, vội chỉ cho Nguyệt nương coi rồi bảo:
– Đại nương coi, rõ thật chán, đang uống
rượu xem tuồng, tự nhiên lại khóc, thật chẳng ra làm sao.
Ngọc Lâu bảo:
– Thư thư là người thông minh mà không
biết hay sao. Trăng có khi đầy khi khuyết, người có lúc hợp lúc tan. Đây là gia
gia xem tuồng, thấy hoàn cảnh ly biệt trong tuồng, xúc động biệt ly hiện tại mà
khóc.
Kim Liên bảo:
– Khóc là khóc vì cái gì ấy chứ đâu phải
vì xem tuồng. Đoàn hát này diễn có ra gì mà bảo là xúc động được, họ diễn làm
sao mà tôi khóc được thì mới là diễn hay.
Nguyệt nương khó chịu:
– Ngũ nương nói nhỏ chứ, cho chúng tôi
nghe hát.
Ngọc Lâu nói:
– Ngũ nương chẳng hiểu gì, lại cứ
thích cãi.
Sau đó mọi người im lặng coi tuồng.
Tuồng diễn tới gần canh năm mới vãn.
Khách khứa ra về.
Tây Môn Khánh sai dọn rượu thịt khoản
đãi đoàn hát rồi bảo:
– Ngày mai Lưu, Tiết nhị vị thái giám
tới điếu tang, các ngươi lại vì ta mà mệt nhọc một đêm nữa.
Đám đào kép dạ ran rồi quây quần ăn uống.
Bọn Lý Minh bốn người cáo từ về nhà.
Tây Môn Khánh thấy trời gần sáng,
trong người mệt mỏi, liền vào giường nghỉ ngơi...
Chú
thích.
[96] Dải
vải hay giấy đề tên tuổi chức tước người chết, đưa đi hàng đầu trong đám ma thời
trước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét